Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

"Ðại cáo" và "Huyết chử phiêu"XXXX

"Ðại cáo" và "Huyết chử phiêu"

Trên Tạp chí Hán Nôm số 2 (69).2005, tác giả Nguyễn Ðăng Na có bài bàn về hai chữ đại cáo trong đầu đề Bình Ngô đại cáo, tác phẩm quen thuộc của Nguyễn Trãi; đồng thời cũng đề cập đến mấy chữ huyết chử phiêu được Nguyễn Trãi sử dụng trong bản “thiên cổ hùng văn“ này. Tác giả Lý Thơ Phúc thấy cần thảo luận lại với ông Nguyễn Ðăng Na về hai điểm liên hệ. Qua những dòng này, tôi xin góp thêm ý kiến cá nhân, sau khi đọc hai ông Nguyễn và Lý.
Bài viết của Nguyễn Ðăng Na khá dài và có một số điểm gây bàn cãi; tuy nhiên trong bài này, tôi cố gắng tập trung vào những điểm trực tiếp liên hệ đến hai nội dung đan cử ở đầu đề là đại cáo và huyết chử phiêu.
Ðại cáo
Thông thường, hai chữ đại cáo dùng trong đầu đề Bình Ngô đại cáo được hiểu là bài cáo rộng lớn, quan trọng. Nhưng ông Nguyễn Ðăng Na lại muốn hiểu rằng qua hai chữ đó, Nguyễn Trãi nhằm chỉ thể loại văn học của tác phẩm. Tài liệu quan trọng nhất và duy nhất mà ông Nguyễn dẫn chứng để hậu thuẫn cho lập luận của mình là hai định nghĩa trong Hán ngữ đại từ điển. Nhưng công cụ tham khảo này chỉ trích dẫn văn tuyển, chứ không hề khẳng định rằng đại cáo là “từ cố định chỉ loại đặc biệt của thể cáo". Khẳng định như thế thì chỉ có ông Nguyễn Ðăng Na và người đọc ông có đồng ý với khẳng định chủ quan của ông hay không thì đó đương nhiên lại là chuyện khác. Cũng tương tự như vậy, ông xác quyết rằng: “Nguyễn Trãi dùng hai chữ đại cáo để chỉ thể loại tác phẩm của mình. Các sách Toàn thư, Hoàng Việt văn tuyển... đều xác nhận như vậy và ghi Bình Ngô đại cáo." Không hẳn đúng như thế. Toàn thư chỉ ghi “Ðế ký bình Ngô, đại cáo thiên hạ, kỳ văn viết: Nhân nghĩa chi cử...". Ðây là lối văn trần thuật rất quen thuộc của các tài liệu văn học, sử học chữ Hán của Trung Hoa và của Việt Nam và người đọc đoạn văn này chỉ có thể gán cho hai chữ đại cáo chức năng của một tổ hợp động từ:
“Vua đã bình được giặc Ngô, bố cáo khắp thiên hạ, lời cáo như sau..." (cách dịch của Cao Huy Giu -Ðào Duy Anh) [1] ;
“Ðế đã dẹp xong giặc Ngô, đại cáo với thiên hạ, lời cáo văn như sau..." (cách dịch của Bùi Duy Tân) [2] .
Các tác giả phương Tây cũng chỉ hiểu đại cáo như một danh từ hoặc một động từ với nội hàm ngữ nghĩa là Le Grand Avis (S. Couvreur S. J.), The Great Announcement (Walter Gorn Old) hoặc chuyển âm thành Ta Kao (Bernhard Karlgren) khi dịch đầu đề thiên Ðại cáo trong Thượng Thư, còn đoạn văn mở đầu thiên có chữ đại cáo: “Vương nhược viết: Du! Ðại cáo nhĩ đa bang, viết nhĩ ngự sử." (Vua dường như nói rằng: A! Ta bảo cả các vua chư hầu, cùng các quan giúp việc) thì được dịch là:
“L’empereur (Tch’eng wang) parla à peu près en ces termes: ‘Ah! J’ai des avis importants à vous donner, à vous, princes de toutes les contrées, et à vous, mes ministres et mes officiers.’ [3] (des avis importants = những thông báo quan trọng).
“The King made an announcement, as follows: Behold! I make a great announcement to you Officers of State on that which is not to be commiserated.” [4] (a great announcement = một cáo thị quan trọng).
“The king spoke thus: I will greatly tell and discourse to you, (princes of) the numerous states, and to you, managers of affairs.” [5] (greatly tell and discourse = thông báo và đàm luận rộng rãi).
Khi muốn xác nhận thể loại của một tài liệu văn học, Toàn thư viết cách khác. Chẳng hạn tường thuật chuyện nhà vua ra lệnh cho Ðại sư Khuông Việt sáng tác một thi phẩm nhằm tiễn chân sứ thần nhà Tống là Lý Giác về nước, Ngô Sĩ Liên hạ bút: “Giác từ qui, chiếu Khuông Việt chế khúc dĩ tiễn, kỳ từ viết: Tường quang phong hảo...” [Giác ra về, (vua) xuống chiếu cho Khuông Việt làm bài khúc để tiễn đưa, bài từ thế này: Tường quang phong hảo...]. Như đã trình bày, đây là lề lối hành văn quen thuộc của các tác phẩm chữ Hán. Trong Tây du chẳng hạn, Ngô Thừa Ân ghi như sau khi muốn dùng ngôn ngữ trần thuật để giới thiệu các ngữ đoạn vận văn đồng thời minh thị các thể loại văn học: thi viết (thơ rằng), phú viết (phú rằng), tụng viết (tụng rằng), hữu thi vi chứng (có thơ làm bằng), hữu nhất “Ðiệp luyến hoa” từ vi chứng (có một bài từ theo điệu “Ðiệp luyến hoa” làm bằng), giã hữu “Thiên tiên tử” nhất thủ [cũng có một bài (từ theo điệu) “Thiên tiên tử”], diệc hữu “Lâm giang tiên” khả chứng [lại có bài (từ theo điệu) “Lâm giang tiên” để làm bằng] v.v…
Cũng xuất phát từ phần trích dẫn văn liệu của Hán ngữ đại từ điển, Nguyễn Ðăng Na đề cập đến tài liệu mệnh danh là Ðại cáo ban bố năm Hồng Vũ thứ mười tám. Và vì đây vốn là một sử liệu lập pháp của triều đại nhà Minh nên tác giả họ Nguyễn giảng giải rằng khi viết Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi “muốn người đọc thấy rằng, bài cáo (...) chính là một văn kiện mang tính pháp luật (...)”. Hiểu gượng ép như vậy, e rằng ông Nguyễn một mặt đã cố tình tiếp thu sai nội dung chính yếu, mặt khác đã vô tình làm giảm giá trị của bài văn tổng kết cuộc chiến tranh gian khổ và hào hùng chống quân Minh. Huống chi nếu hiểu bài cáo bình Ngô là một “văn kiện mang tính pháp luật” thì cũng chẳng phải vì vậy mà chứng minh được một cách thuyết phục là bài cáo đứng riêng thành một thể loại văn chương.
Thật ra dưới thời đại phong kiến, các văn cáo và mệnh lệnh của hoàng đế gửi cho tôi thần thuộc cấp được qui nạp vào văn thể mang tên gọi chung là chiếu lệnh và bao gồm những thể loại khác nhau là sách văn, chiếu, mệnh [6] , lệnh, chế, cáo, sắc, dụ, tí thư. Tỷ như bài Nhập quan cáo dụ của Hán Cao Tổ. Tuy nhiên không ai chủ trương phân loại bài cáo này của Lưu Bang vào thể... cáo dụ!
Tóm lại, cáo là một thể (genre) văn thư nhà vua dùng để ban bố cho thần dân nhằm công bố kết quả một sự nghiệp, ban hành nội dung một chủ trương. Ngoài Ðại cáo, Kinh Thư còn có Trọng Hủy chi cáo, Thang cáo, Khang cáo, Tửu cáo, Thiệu cáo, Lạc cáo, Khang vương chi cáo. Thang cáo chẳng hạn được S. Couvreur S.J. dịch là Proclamation de T’ang. Nếu xem riêng đại cáo là một subgenre của cáo thì e khó có người đồng ý.

Huyết chử phiêu
Ba chữ này thuộc câu văn biền ngẫu Lãnh Câu chi huyết chử phiêu của Bình Ngô đại cáo. Ông Nguyễn Ðăng Na cho rằng “Nguyễn Trãi chỉ viết Lãnh Câu chi huyết chử phiêu, chứ đâu có viết huyết lưu phiêu chử mà bỗng dưng thành máu chảy trôi chày để tranh luận, để trao đổi?”. Nhưng rồi chính ông cũng sẽ bàn luận về thành ngữ huyết lưu phiêu chử. Thành ngữ này nếu trực dịch thì có nghĩa là: máu chảy trôi chày. Ý chính – và chắc ông Nguyễn Ðăng Na cho là ý mới – của tác giả họ Nguyễn là: chữ chử trong tác phẩm của Nguyễn Trãi không phải chỉ cái chày giã gạo, cái chày đập vải như từ trước đến nay vẫn hiểu mà chính là cái mộc, một thứ vũ khí. Ông cho rằng “làm sao máu đổ ra có thể “thành suối” để đến đỗi, “khiến cái chày (giã gạo) nổi lên trôi đi”, dù diễn đạt theo kiểu tu từ?”. Trước hết thành ngữ không phải là khẩu ngữ. Chúng ta vẫn nói máu chảy thành sông. Nếu cứ hỏi ngược như ông Nguyễn Ðăng Na thì người Việt chúng ta tỏ ra rất dốt về sinh lý học. Máu ra khỏi cơ thể, tiếp xúc với không khí, sẽ trải qua một quá trình biến hoá sinh-hoá phức tạp do tác động của những chất fibrine, fibrinogène v.v… để mau chóng đông đặc lại thành cục. Ðây là một phản ứng tự nhiên nhằm tự vệ của cơ thể các sinh vật có máu. Như thế làm sao máu không đông mà cứ chảy dài dài để thành sông? Và sông lớn cỡ nào? Lớn cỡ sông Hồng, sông Hương? Rõ ràng đây chỉ là một cách nói thậm xưng, do đó không thể hiểu từng chữ.
Một số tài liệu ngoại ngữ chấp nhận lối hiểu này. Chẳng hạn R. H. Mathews. A Chinese-English Dictionary, mục từ 2901, trang 433, hiểu huyết lưu phiêu chử là “blood flowed so as to float a pestle – said of a dreadful carnage” (máu chảy đến có thể làm nổi chày – ý chỉ một cuộc tàn sát khủng khiếp). Walter Gorn Old dịch thành “Blood flowed (enough to) float a log”. [máu chảy (đủ để) cho một khúc gỗ nổi lên]. Từ hải hiểu nội hàm huyết lưu phiêu chử là “hình dung sát nhân chi đa”(ý nói giết chết nhiều người).
Tuy nhiên cũng có tài liệu chia sẻ cách hiểu của Nguyễn Ðăng Na. Từ năm 1897, khi chuyển dịch Kinh Thư sang Pháp ngữ, S. Couvreur S. J. đã hiểu huyết lưu phiêu chử là: “Le sang coulait par ruisseaux, et entrainait les pilons (dont les soldats se servaient pour écorcer leur riz, ou, selon plusieurs interprètes, entrainait les boucliers des soldats morts) [Máu chảy thành suối và kéo theo những cái chày (của lính dùng để giã gạo, hoặc, theo nhiều nhà chú giải, kéo theo những cái mộc của các binh sĩ tử trận]. Và trong từ điển Dictionnaire classique de la langue chinoise, Kuangchi Press, 1966, trang 535, mục từ phiêu (p’iao) thuộc thành ngữ huyết lưu phiêu chử (hiue liôu p’iao tch’ou), Couvreur ghi dứt khoát hơn: “Les débris des boucliers flottent dans les ruisseaux de sang” (Những cái khiên vỡ thành mảnh vụn và trôi trên những suối máu). Ðồng thời, khi dịch sách Mạnh tử, thiên Tận tâm hạ, (Bài tựa dịch phẩm này đề ngày 01.05.1895), Couvreur cũng hiểu chử trong câu nhi hà kỳ huyết chi lưu chử dã? (mà sao máu lại chảy trôi chày?) theo cả hai nghĩa chày và mộc: “comment a-t-il péri tant d’hommes que les pilons (ou les boucliers) aient flotté dans le sang?” (pilons = chày, boucliers = mộc). Thật ra trước vị dịch giả người Pháp từ rất lâu, trong phần chú giải sách Mạnh tử, Chu Hy (1130-1200) đã đưa kiến giải rằng chử là cái chày, hoặc cũng chép thành lỗ là cái mộc (chữ lỗ này bộ lỗ, mười một nét, không phải chữ lỗ do ông Nguyễn Ðăng Na trích dẫn, bộ mộc, mười lăm nét). Từ điển đơn ngữ chữ Hán cũng có khi có ý kiến tương tự. Ví dụ Từ nguyên (quyển 4, trang 2798) ghi: “Huyết lưu phiêu chử: hình dung sát nhân chi đa. Chử, đại thuẫn.” Thuẫn chữ Hán là cái khiên, cái mộc. Trung văn đại từ điển (Ðệ tam thập sách, mục từ 3874.30, trang 13.013), cũng ghi ở thành ngữ huyết lưu phiêu chử: “Chử, xuân chử giã, hoặc tác lỗ thuẫn giã”. Cả hai chữ lỗ và thuẫn đều có nghĩa là cái mộc, cái chiên. Ngay trong Hán ngữ đại từ điển cũng có ngữ nghĩa này. Tài liệu tham khảo liên hệ (quyển 8, trang 1345) ghi rõ ràng sau phần văn tuyển, nơi mục từ huyết lưu phiêu chử là có thuyết cho rằng chử chỉ cái mộc, cái khiên lớn (Nhất thuyết: Chử, đại thuẫn). Có lẽ ông Nguyễn Ðăng Na vì sơ ý không tra nghĩa thành ngữ huyết lưu phiêu chử trong Hán ngữ đại từ điển nên khi bàn luận về thành ngữ này ông đã không hề đề cập đến công cụ tra cứu đơn ngữ trong khi ông đan cử từ điển liên hệ đến ba lần nhân bàn về hai chữ đại cáo và chữ lỗ.
Nói tóm lại, chữ chử trong huyết lưu phiêu chử có thể hiểu là cái chày (để giã gạo, để đập vải) nhưng cũng có thể hiểu là cái khiên, cái mộc (để tự vệ, để chống đỡ). Có điều chuyện này nhiều tác giả thuộc giới nghiên cứu chữ Hán từng đề cập đến ít nhất cũng từ hơn trăm năm nay rồi nếu căn cứ vào các thông tin của S. Couvreur S. J. thượng dẫn:
Hai bản dịch Kinh Thư và Mạnh tử sang Pháp ngữ đã được đề tựa hoặc ấn hành từ những năm 1895, 1897;
tác giả người Pháp này viết “selon plusieurs interprètes” (theo nhiều nhà chú giải).
Hơn nữa, trong số những nhà chú giải này, có vị đại nho học thức rất quảng bác là Chu Hy, sống cách chúng ta những chín thế kỷ!.
Chú thích:
[1] Ðại Việt sử ký toàn thư. Tập III. In lần thứ hai, có sửa chữa. Cao Huy Giu phiên dịch, Ðào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1972. tr. 50.
[2] Bùi Duy Tân. Bình Ngô đại cáo, Văn bản - bản dịch - nhan đề. Nghiên cứu văn học số 6 (424), tháng 6.2007. Hà Nội. tr. 121.
[3] S. Couvreur S.J. Chou King. Texte chinois avec une double traduction en francais et en latin. Ho Kien Fou. 1897. p. 220-221.
[4] Walter Gorn Old. The Chu King or the Chinese Historical Classic. First published 1904. Reprinted 1991. The Banton Press. Nelson St. Largo. Scotland. p.182.
[5] Bernhard Karlgren.- The Books of Documents in Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities. Bulletin Nr. 22. 1950. Stockholm. p. 36.
[6] Tôi đoán có lẽ chữ mệnh này cũng chính là chữ được ông Nguyễn Ðăng Na sử dụng khi ông viết: “(...) trong mệnh “trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ” và ông Lý Thơ Phúc vì không hiểu hàm nghĩa của nó nên mới chú thích: “Chỗ này trong Tạp chí Hán Nôm in không rõ.” Mệnh là lời truyền bảo của hoàng đế cho thần dân. Hoặc giả đây chỉ là lỗi ấn loát và tác giả muốn viết mệnh đề thay vì mệnh?.

8/12/2007
Trần Văn Tích
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...