Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Gặp gỡ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại LondonXXX

Gặp gỡ nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp tại London

Nhân dịp chuyến đi nhận giải thưởng Nonino của nhà văn tại Italia
Ngồi trên ghế sô pha trong cơ quan, anh nhờ tôi in ra cho anh một bài báo trong nước gần đây của người không thích anh, hay không phục anh. Bài báo viết về chuyện nhận giải thưởng của anh.
Tôi đưa cho anh mẩu giấy nhỏ đi kèm, sau khi đã bấm ghim bài báo đó chuyển cho anh: “Anh ạ, Toan Ánh và Phan Kế Bính, trước từng tổng kết người Việt mình cũng có tính hay đố kị, kiểu trâu buộc trâu ăn.”
Anh cầm mẩu giấy bé tí, đọc, rồi cho vào túi áo (tôi nghĩ, bác lịch sự với mình đây).
Rồi tôi trở lại làm việc, còn anh, sau một lúc, bất ngờ đưa cho tôi một bức chân dung mà anh vẽ tôi theo lối carricature.
Tôi cảm ơn anh và trong đầu lẩm nhẩm môt điều thừa: người này tài hoa thật và tôi thấy bức chân dung thật giống mình, nhưng đó không là tiêu chí quan trọng nhất, tôi chỉ thấy nó đẹp, anh vẽ mái tóc xoăn của tôi rối bù.
Nhớ lần đầu gặp anh, tôi bảo: “Anh à, lần ấy em gặp anh là hồi năm 1994 ở bên Hội Khoa học Kinh tế anh nhỉ. Em nhớ nhất cái lần sau năm 2000 gì đó, trong lần anh bất ngờ 'đến dự' buổi nói chuyện của triêt gia Francois Julien tổ chức ở trường em.”
Hồi đó tôi còn ở trong nước và ở trong ban tổ chức toạ đàm nghe tên rất to tát: đại loại kiểu “Đối thoại triết học Đông – Tây” song thực ra có đối thoại gì đâu. Chị Đoàn Cầm Thi và anh Emmanuel Poissons chắc cũng còn nhớ. Giáo sư Julien trình bày suốt. Có lẽ chỉ có Giáo sư Phan Ngọc, người được mời dịch, mới đủ sức chất vấn diễn giả hôm ấy thôi, nhưng ông đã đóng vai thông dịch rồi.
Thế rồi hôm đó, Nguyễn Huy Thiệp đến. Anh đến muộn. Ban tổ chức hốt hoảng. Có tin cấp báo ngầm. Một cuộc hội ý nhỏ đã diễn ra với những người quan trọng nhất ở đó: Hãy điều khiển khéo sao cho Thiệp không thể phát biểu. Nhưng như tôi quan sát, anh không hề định phát biểu và không phát biểu gì. Sau này, như hôm nay, anh lại nói, anh không thực sự đánh giá cao triết gia Julien. Có thể ông ở bên ngoài, không hiểu hết phương Đông.
Ngồi ăn cơm, tôi bảo anh: “Xin lỗi anh, dân gian người ta nói văn anh tục, văn anh ma giáo, cú cáo, văn anh như Đông Châu liệt quốc, Thuỷ hử, hay Tam quốc bên Tàu. Em thì trong những người đánh giá anh thế này: anh là nhà văn đánh thức, và không chỉ thế, anh cầm ngọn roi quất vào đít những kẻ mụ mê nữa. Song những ai muốn đánh thức như kiểu của anh, bây giờ thì có lẽ là hơi muộn vì họ phải trở về 20 năm trước, đúng không anh?'
Anh bảo: “Không, bây giờ làm thế, chúng nó đánh chết!”
Tôi lại nói tiếp: “Đồng nghiệp của anh có nhiều người tù tội, lao lý, hoặc khốn khổ..., anh vẫn trơ trơ, vì em nghĩ, anh cực kỳ khôn ngoan, văn anh là những biểu tượng đa diện, hiểu thế nào cũng được.”
Anh tỉnh khô kể mọi sự về cuộc đời của mình, những cuộc phiêu lưu của anh nữa và những điều mà báo chí đã nói công khai về gia đình anh.
Tôi nhớ đã đặt một câu hỏi cho anh lần cùng mấy anh chị bạn đồng nghiệp đi dạo sông Thames đầu tuần, xem anh suy nghĩ gì về những biến đổi của tương lai mảnh đất hình chữ ét xì.
Anh nói sang văn học. Tôi đồng ý. Song sau đó về nhà, tôi nói với một nhà báo bạn thân: “Ông à, bố ấy 60 rồi, không trông thấy được đổi thay đâu, may ra chỉ là con cháu chúng mình thôi.”
Anh đọc thơ Bảo Sinh, người mà anh cùng trích với Đồng Đức Bốn và cùng ca ngợi. Mặt anh láu lỉnh:
Cả đời vất vả hy sinh,
Chẳng bằng con chó xuất t...nh một lần.
Mọi người cười phá lên, tôi cũng thế. Tôi biết anh đã đọc những câu thơ mà anh tâm đắc này cho nhiều người. Và anh biết rõ, khi đã cù thì người ta hay cười, đúng không anh. Nhất là được một người nổi tiếng như anh đọc cho nghe.
Rồi anh lại đọc tiếp, nhiều câu lắm, toàn là lục bát. Và mọi người lại cười rũ, tôi chỉ xin nêu thêm một ví dụ nữa, xin mọi người đính chính hộ nếu tôi sai (học văn học qua truyền miệng mà):
Hôm qua đi họp thương binh,
Cũng là một lũ xuất t...nh một thời.
Anh nhấn mạnh, lục bát mới là Việt Nam nhất. Tôi cho là anh có lý và anh cũng có quyền. Đó là lựa chọn của anh. Tôi cho đó là một ý tốt về bằng chứng bản sắc văn hoá dân tộc, qua thơ ca. Song tôi nghĩ, các nẻo đường, ngả đường phong cách, ngôn ngữ và hình thức thơ có nhiều lối đúng không anh.
Thú nhất là bữa tối hôm chia tay vừa xong, một ngày chỉ cách Tết ta vài hôm, được ngồi ở nhà các anh chị đồng nghiệp lớn tuổi và nghe anh nói chuyện tiếp về cuộc đời, về văn chương.
Anh kể đủ thứ chuyện, và nói nhà văn phải trả giá bằng trải nghiệm cuộc đời của mình để có tác phẩm. Hôm trước, nhớ lại, anh có nói: dạo này anh viết theo cách nghĩ trước câu kết của tác phẩm. Anh bảo, với anh bây giờ đôi lúc phải thế mới được.
Tôi vượt qua giới hạn của một độc giả im lặng và nói: “Trong văn học, nhiều lúc cốt chuyện chỉ là cái cớ, những gì ông nhà văn nhét vào miệng của nhân vật của ông ta mới là quan trọng.”
Anh gật đầu ngắn gọn: “Đúng!”
Rồi anh bảo nhiều người viết văn không biết tận dụng những đối thoại giữa các nhân vật, hoặc để nhân vật nói những chuyện đâu đâu.
Tôi ấn tượng về câu chuyện anh kể về những con người méo mó và khốn khổ từng trong một nghề đầy quyền lực đã định “thịt” anh hồi năm 1991. Tôi hỏi làm sao anh biết về vụ ấy, vụ nọ của anh. Anh bảo chính những người phía bên kia từng liên quan đạo diễn chúng, khi thôi quyền chức, tình cờ có dịp gặp anh, nói cho anh biết.
Tôi nghĩ con người có số mệnh.
Anh bảo anh là vua không ngai, còn tôi thì nghĩ anh là một ông vua trong một vương quốc có nhiều vua.
Anh bảo đất nước mình Không có Vua. Tôi hiểu, anh sâu sắc. Một người nghiên cứu xã hội mới vào nghề như tôi thì chỉ có thể văn học hoá lắm khi nói đến câu: xã hội bị ung thư.
Khi bữa đậu phụ mắm tôm phối kết hợp với rượu vang bên trời Tây London kết thúc, tôi bất ngờ bắn ra một câu học đòi chĩa vào anh:
Cũng nhờ bác Thiệp qua chơi,
Hôm nay được bữa cơm tươi thế này.
Anh và mọi người phá ra cười. Còn khi lên xe ra về, sau đôi chai rượu bốc hơi, cái đầu tôi cứ như gà gật: ừ phải rồi Không có Vua, Không có Vua mà là Tướng về hưu…
3/2/2008
Ngô Quốc Phương
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...