Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Nhân văn: Tội ác và chấp nhậnXXX

Nhân văn: Tội ác và chấp nhận

Trong bài tiểu luận "Sô Viết Cà Mau" (talawas 29.1.2008), ông Trần Vũ chỉ thao thao bất tuyệt về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và cô gái điếm như một nhân vật ẩn dụ trong “Cánh đồng bất tận”, nhưng tiếc thay ông không nói đến hai nhân vật chính trong cuốn truyện này là người cha và cô con gái vị thành niên, người kể chuyện xưng Tôi, nếu không là hiện thân thì cũng có thể là người phát ngôn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư? Dẫu cho khá hấp dẫn, nhưnlg dù sao cô gái điếm cũng chỉ là nhân vật đứng hàng thứ ba trong truyện. So sánh một cô gái điếm Việt ở thế kỷ 21 với một cô thôn nữ Ðức ở thế kỷ 19 có gượng ép quá chăng?
Thiển nghĩ của tôi là hai nhân vật chính của “Cánh đồng bất tận” - người cha và đứa con gái - quá thụ động, vẫn sống trong luân lý đạo đức Khổng Mạnh cổ hủ, con phải vâng lời cha mẹ, vợ phải trung thành với chồng, và khi chuyện ngoại tình đổ bể, người chồng không muốn tìm hiểu lý do để chấp nhận. Tự ái bị thương tổn nặng, người chồng/người cha đốt nhà dắt hai đứa con nhỏ đi chăn vịt để xa lánh cái xã hội loài người bẩn thỉu, tự hành hạ mình và hành xác hai đứa con thơ vô tội vạ.
Ðứa con gái một mực vâng lời cha, từ đầu đến cuối truyện, không một lời than phiền, một tiếng trách móc nào cả đối với người cha, cao lớn và đẹp trai, và khá ma sô, nên không thể chấp nhận cái thực tế phũ phàng là vợ mình đã ngoại tình và bỏ nhà đi theo một tên lái buôn chỉ vì một tấm lụa đào. Tất nhiên màu đỏ là biểu trưng của tội ác. Tác giả Nguyễn Ngọc Tư hình như đã chọn cái màu chói mắt đó vì sợ độc giả quáng gà không nhìn thấy rõ chăng?
Thử hỏi: Nếu không bị hai đứa con nhỏ tình cờ chứng kiến hành vi tội lỗi của mình thì người mẹ đã khỏi phải bỏ nhà đi theo trai, mà ở lại trong ngôi làng, tiếp tục sống như trước, mặc chiếc áo đỏ chói đó để trưng diện khoe khoang với ai? Người vợ sống trong một môi trường khốn khổ như vậy mà hình như chẳng hề lao động, chỉ ăn không ngồi rồi, nghĩ tới chuyện làm dáng mà thôi!
Tôi không thể diễn dịch nhân vật người cha như là một ẩn dụ về giới lãnh đạo, vì cái nhìn quá trìu mến, gần như loạn luân, của đứa con gái khi mô tả người cha. Một sớm một chiều, người cha bỗng dưng trở thành một kẻ xa lạ đối với xã hội và con cái. Nhân vật này quá kiêu hãnh, quá ích kỷ, không làm tròn bổn phận của một người cha đối với con cái. Muốn lìa bỏ xã hội loài người nhưng nào có được đâu, vì nó vẫn đeo đuổi và cuối cùng đã tái diễn cái tội ác cũ là hãm hại, làm hỏng cuộc đời của đứa con gái mới lớn.
Sau phần mở đầu khá "ngoạn mục" do phản ứng của "cộng đồng" đổ super-glue vào âm hộ cô gái điếm "xa lạ" vì cô ở trên tỉnh xuống và "làm nghề", cuốn truyện cứ yếu dần cho đến hồi kết cuộc (hiếp dâm) có thể đoán biết trước, và bài học luân lý (tha thứ) khiến tôi tởm lợm. Nếu tả chân thì “Cánh đồng bất tận” chưa đủ hiện thực. Nếu phê phán thì nó chưa tới nới tới chốn, không dám vạch mặt chỉ tên ai cả. Nếu ca ngợi đời sống tự do giữa thiên nhiên và phong cảnh hữu tình của miền Nam thì nó chưa đủ sức thuyết phục, vì chắc chắn rằng trong số độc giả chưa có ai muốn dắt con cái đi chăn vịt, dù là trên một cánh đồng... bất tận.
Không thấy tham nhũng, bóc lột, cưỡng chiếm, bắt bớ, giết người... các tội ác trong “Cánh đồng bất tận” chỉ thuộc loại cỏn con - ngoại tình, làm gái, hành hạ một con đĩ, hiếp dâm - bởi các nhân vật vô danh: người mẹ/vợ, những phụ nữ hung dữ trong làng, vài tên du đãng bất lương, để chung cuộc, với hành động tha thứ của cô gái, tất cả lại đâu vào đấy, y như cũ. Xã hội cứ tiếp tục... tha hóa, các nạn nhân cứ tiếp tục... tha thứ. Thực ra, kẻ gây tội ác lớn nhất chính là... người cha, với thái độ nhu nhược, yếm thế đã làm hại đời hai đứa con nhỏ vô tội, mà thay vì tìm hiểu lý do ngoại tình của người vợ để chấp nhận và tha thứ, và để cố gắng tiếp tục hy sinh đời mình nuôi nấng hai đứa con nhỏ tới khi chúng nên người hữu ích cho cộng đồng và xã hội, thì lại trốn tránh nhiệm vụ, úp mặt vào cánh động bất... nhân! Phản ứng của người cha và của người con đối với cái xã hội suy đồi đốn mạt là quay lưng (cha) và chấp nhận (con).
Khác với các tác phẩm tả chân hiện thực phê phán và các tác phẩm lãng mạn chủ nghĩa cá nhân của Tự lực Văn đoàn trong thập niên 30-40, thông điệp trong “Cánh đồng bất tận” nếu có thì rất mù mờ. Ca tụng nó như một tác phẩm "nhân văn" là khử độc nó ngay từ lúc trứng nước, biến nó thành một tác phẩm vô hại, đọc để mua vui, ngưỡng mộ một tài năng trẻ. Nguyễn Ngọc Tư, buồn thay, càng ngày càng lún sâu vào những cái truyện bé bé xinh xinh, với các nhân vật "hiền lành" "dễ mến", tình tự quê hương Nam Bộ, "thương nhớ đồng quê" như kiểu cuốn phim cùng tên của đạo diễn Ðặng Nhật Minh ca tụng các thôn làng Bắc bộ với các lễ hội, phong tục đã được/bị lý tưởng hóa tối đa.
Xin trở lại bài tiểu luận của Trần Vũ. "Sô Viết Cà Mau" hay "Cán bộ cà... khịa"? "Sô Viết Cà Mau" có phải là một mỹ từ quá lớn, quá đẹp, để đem ra áp dụng cho mấy ông cán bộ nhà quê đỉnh cao trí ngu, sức mấy mà đọc những Montesquieu, Rosa Luxemburg, Helmut Graf von Moltke, Conrad Ferdinand Meyer, Gottfried Keller, Jacob Burckhardt, Gustave Flaubert, kể lể tùm lum tà la chỉ khiến một độc giả như tôi thêm... rét! Tôi rất muốn biết cảm nghĩ của nhà văn Trần Vũ về hai nhân vật chính, người cha và đứa con gái, trong “Cánh đồng bất tận”, lắm lắm.
Thiển nghĩ cuối cùng của tôi trong bài viết này là giới trí thức văn nghệ sĩ của ta hình như vẫn nặng phe nhóm, bá cổ vuốt lưng nhau, luôn luôn có cái nhìn một chiều. Nguyễn Ngọc Tư sẽ mãi mãi là một "nhà văn học trò" đã có một cuốn truyện "best seller" nho nhỏ.
Tuy thế, dịch cúm "Nguyễn Ngọc Tư - Cánh đồng bất tận" vẫn lan tràn. Tôi chờ đọc một bài phân tích phê bình giản dị, khách quan, không sùng bái thái quá.
30/1/2008
Nguyễn Đăng Thường
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...