Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Hòa giải phẫuXXX

Hòa giải phẫu

Cho đến tận hôm nay, đặc điểm lớn nhất của văn chương trong nước vẫn là tình trạng bị kiểm soát bởi nhà nước. Sự kiểm soát kéo dài hơn nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn ba mươi năm ở miền Nam đã “có công” biến não của ít nhất ba thế hệ nhà văn Việt Nam thành đậu hũ. Lịch sử sẽ nhắc đến vài ngoại lệ như Nhân văn-Giai phẩm, Dương Thu Hương. Nhưng không ai có thể phủ nhận dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chưa bao giờ các nhà văn thoát khỏi nỗi ám ảnh bị trừng phạt bởi chính quyền. Xã hội nào cũng có những giới hạn, nhưng thật hồ đồ để suy ra rằng vì vậy mọi xã hội đều kềm hãm con người như nhau. Không có xã hội hoàn hảo, cũng không có cái gọi là tự do tuyệt đối. Chỉ có những tương đối chấp nhận được, vì chúng cho phép vận động tích cực. Sự tương đối của chế độ Việt Nam hiện nay không bao gồm tự do ngôn luận và dân chủ. Đây là kiểu tương đối triệt tiêu sáng tạo và làm tăng bất công xã hội.
Những năm gần đây, sự kiểm soát của chính trị đối với văn chương có phần nới lỏng, nhưng không phải vì vậy các nhà văn muốn viết gì thì viết. Họ vẫn không thể động chạm đến thần tượng chính trị hay lật lại lịch sử chiến tranh, chỉ trích giới lãnh đạo hay đòi hỏi dân chủ. Dân chủ nửa vời, như sự thật nửa vời, đôi khi tệ hại hơn dối trá trắng trợn. Trước đây, tuy không dám ta thán, nhưng ai cũng ngầm công nhận sự hà khắc của chính trị chuyên chế; hôm nay, nhiều người ảo tưởng đã tự do, dù thật sự chỉ được thả ra dạo loanh quanh trong sân. Trước đây, trong khốn cùng, người ta biết mình đang ở đáy thế giới; ngày nay, với chút tiện nghi xe máy và lâng lâng bia ngoại, người ta tưởng mình đang ra “biển lớn” đồng hành cùng thời đại. Trước đây, người ta cam chịu; ngày nay, người ta biện hộ: “Nhìn xem, đất nước đã khá hơn thời ăn độn cách đây ba mươi năm, vậy thể chế này cũng giỏi.”
Nhiều nhà văn tỏ ra thoả mãn với tình trạng dễ thở hiện nay, cho rằng như vậy đã quá đủ cho sáng tạo, rằng dân chủ chưa phải là nhu cầu cấp thiết, đất nước cần ổn định để phát triển. Vài người cố dẫn chứng rằng thiếu tự do dân chủ, đó đây người ta vẫn có thể viết những tác phẩm giá trị. Đúng là vài nhà văn đã làm được như vậy, như người nông dân cố xoay xở gặt lúa với lưỡi liềm cùn, nhưng điều đó không chứng minh lưỡi liềm cùn là công cụ tốt để gặt lúa. Nhà văn phải được quyền sáng tạo trong tự do và nhân phẩm chứ không phải trong xở xoay hèn mọn. Tôi tin rằng với tự do dân chủ, văn chương chỉ khá hơn chứ không kém đi. Văn chương miền Nam trước 1975 đã chứng minh điều đó, giai đoạn “cởi trói” những năm tám mươi đã chứng minh điều đó, văn chương hải ngoại đang chứng minh điều đó.
Ngày nay, những người viết phục vụ thể chế không còn được xưng tụng như xưa, điều này không có nghĩa họ ít đi quyền lực. Tuy ít xuất hiện công khai qua tác phẩm, giới bảo thủ chính trị vẫn giữ cương vị lãnh đạo trong cơ quan văn hoá, xuất bản, báo chí. Là công cụ của chính quyền trên mặt trận tư tưởng văn hoá, nhân danh dân tộc và ổn định quốc gia, những người này tìm cách triệt tiêu tất cả những sáng tạo có khuynh hướng phê phán chế độ. Đối với những vấn đề lịch sử như thảm sát Mậu Thân, trại cải tạo, thuyền nhân, văn chương miền Nam... giới văn nghệ chính thống vẫn phủ nhận, như thể chúng hoàn toàn là sản phẩm của bịa đặt hoặc đã được giải quyết xong. Họ từ chối thảo luận lịch sử Việt Nam từ bất cứ góc độ nào khác với quan điểm chính thống của Đảng.
Bên cạnh những nhà văn bảo thủ, trong nước tồn tại những nhà văn chính thống nhưng ôn hoà hơn về chính trị. Phần nhiều thuộc thế hệ “kháng chiến chống Mỹ”, đây là những nhà văn hướng đến hoà giải dân tộc, mong muốn một xã hội ít nhiều cởi mở. Tuy vậy, cái nhìn của những nhà văn này về cuộc chiến vẫn không thay đổi mấy. Nhà văn thế hệ chống Mỹ vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tính tất yếu và chính nghĩa của chiến tranh giải phóng do Đảng phát động. Vì vậy, cung cách hoà giải của họ không khỏi có vẻ ban phát khoan hồng của người chiến thắng. Thay vì đối thoại, họ thường nhìn sự đối kháng hải ngoại như biểu hiện của phục thù và mặc cảm. Điều này có thể đúng với một số trường hợp, nhưng không phải là tất cả nguyên cớ. Có hai khía cạnh khác quan trọng hơn nên được nhận biết về sự đối kháng của người hải ngoại.
Thứ nhất, kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản của đa số người hải ngoại đã khiến họ nhận ra đây là một thể chế bất nhất. Trong quá khứ, đã có nhiều sự lật lọng như vụ cải tạo sĩ quan miền Nam, đổi tiền. Hiện nay, dù kêu gọi hoà giải, chính quyền vẫn tiếp tục thái độ hai mặt trong nhiều vấn đề. Ví dụ, một mặt công nhận Việt kiều, một mặt đập phá bia tưởng niệm thuyền nhân ở Indonesia và Malaysia; một mặt kêu gọi bỏ xoá bỏ hận thù, một mặt vẫn độc quyền lịch sử, tiếp tục rầm rộ kỷ niệm 30-4, Mậu Thân; một mặt kêu gọi Việt kiều về đầu tư, giúp đất nước, một mặt không cho phép họ tham gia vào bộ máy quản lý, không cho mua nhà. Những bất nhất này làm cho người hải ngoại không có sự tin tưởng nào đối với những hứa hẹn của nhà nước.
Thứ hai, sống ở xã hội phương Tây, người hải ngoại “bị tiêm nhiễm nặng” bởi ý thức công lý. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, người ta thường chứng kiến đòi hỏi công lý của dân thiểu số, kể cả những vấn đề từ quá khứ xa xăm. Sống trong xã hội dân chủ, người hải ngoại học được bài học rằng hoà bình thât sự chỉ tồn tại trên nền tảng công lý. “No justice, no peace.” Những kêu gọi hoà giải từ trong nước hiện nay bỏ qua vấn đề công lý, muốn xoá nhoà tất cả. Điều này đi ngược lại cách suy nghĩ của người hải ngoại, nhất là giới trẻ. Nhiều người thích lặp đi lặp lại rằng đa phần dân trong nuớc hiện nay sinh sau 1975 và không biết đến chiến tranh, vì thế không nên dựng dậy những “xác chết”. Người ta thấy khuyên bảo này chỉ được người cộng sản áp dụng cho đối phương, trong khi bản thân họ không thực hành. Họ khuyên người khác đừng dựng dậy “xác chết”, nhưng nếu chuyện đó có lợi cho thể chế, họ không chỉ dựng “xác chết” mà con tô son điểm phấn cho nó. Vụ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là một ví dụ. Cái giới trẻ “không vướng bận với quá khứ” ở Việt Nam mà người ta hay nói đến hiện nay thật ra chỉ là sản phẩm của sự bưng bít lịch sử. Tôi có dịp xem phim tài liệu The Tank Man của Antony Thomas, kể về cuộc kiếm tìm tông tích người sinh viên đứng chặn xe tăng trong bức ảnh chụp vụ biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng thế kỷ. Năm 2006, đến Trung Quốc làm phim, Antony Thomas đưa bức ảnh này cho bốn sinh viên Đại học Bắc Kinh xem. Cả bốn đều ngơ ngác, hoàn toàn không biết bức ảnh liên quan đến sự kiện gì. Một sinh viên đoán đây là ảnh nghệ thuật vi tính. Ở Trung Quốc khi lên internet tìm thông tin về Thiên An Môn, người ta chỉ có các thông tin du lịch. Sinh viên trường đại học lớn nhất Trung Quốc mà còn bị bưng bít về một sự kiện lịch sử đẫm máu xảy ra cách đây chỉ mười mấy năm ở ngay thủ đô như vậy, chẳng trách sao giới trẻ Trung Quốc ngày nay rất “không vướng bận quá khứ”, rất “hậu hiện đại”, rất “hiện sinh” kiểu Vệ Tuệ. Tôi không chủ trương người trẻ phải giải quyết tất cả chuyện quá khứ. Tôi chỉ nghĩ, trong xã hội đàng hoàng, quá khứ không nên chơi trò ú tim với người trẻ. Hãy để họ thấy mặt thật của quá khứ rồi tự quyết định thái độ của mình với tư cách những công dân hiểu biết và tự do. Tôi tin nếu được như vậy, người trẻ sẽ hiểu rằng những vấn nạn hôm nay bắt rễ từ hôm qua.
Ý thức đòi hỏi công lý của người hải ngoại, thật nghịch đời, thuờng bị chính quyền trong nước gọi là “mặc cảm”. Nhiều quan chức trong nước thường viện dẫn sự trở về của những nhân vật như Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Duy để chê trách người hải ngoại chống đối là “thù dai”. Họ thắc mắc tại sao những nhân vật “chống cộng sừng sỏ” đã quy thuận, trong khi bọn “tiểu tốt” vẫn ngoan cố. Câu trả lời đơn giản. Chính những người như Nguyễn Cao Kỳ và Phạm Duy mới dễ hợp tác, vì họ chưa bao giờ thật sự là nạn nhân của chế độ. Họ là những người thời nào cũng thuộc tầng lớp được ưu đãi, số phận không có gì chung với hàng triệu dân đen. Chỉ những người hải ngoại bình thường mới có nhu cầu mạnh mẽ về dân chủ và công lý, vì từng là nạn nhân của áp chế, từng mất mát tất cả. Người hải ngoại bình thuờng là đối tượng mà chính quyền Việt Nam cần hướng đến, nếu muốn lòng người yên, chứ không phải vài nhân vật phường tuồng lúc xanh lúc đỏ.
Ngay cả khi chấp nhận tạm bỏ qua công lý - như nhắm mắt gạt những mảnh thuỷ tinh xuống sàn nhà, tay có thể chảy máu và những đứa trẻ sẽ đứt chân - người hải ngoại cũng không thấy yên ổn lương tâm để cộng tác với chính quyền cực kỳ tham nhũng hiện nay. Người ta có thể biện hộ xã hội nào cũng có kẻ giàu người nghèo. Nhưng làm giàu bằng quyền lực chính trị và tham nhũng là chuyện khác. Nó giống hành động hút máu của đỉa hơn kinh doanh. Thể chế Việt Nam đang nuôi đỉa.
Trong bối cảnh chính trị xã hội như vậy, việc hoà giải giữa các nhà văn sẽ dẫn đến đâu? Hoà giải để trang điểm cho xã hội bất công và mua vui cho tầng lớp giàu có mới phất lên hay hoà giải để góp sức đem lại dân chủ cho đất nước? Có lẽ thấy được điểm khó này, trong những kêu gọi hoà giải hiện nay, người ta chỉ tập trung vào tự tình dân tộc. Nhưng làm thế nào để tách quốc gia ra khỏi nhà nước, để bước vào nhà mà không qua cửa.
Một số nhà văn hải ngoại có quan điểm: “Tôi cũng không thích thể chế trong nước, nhưng thông qua hợp tác, ta có thể sẽ tác động tích cực”. Lý lẽ này chỉ đúng nếu nhà văn hải ngoại được in sách trong nước. Nhưng văn chương hải ngoại hiện vẫn được coi là thứ bất hợp pháp, ngoại trừ vài tác phẩm làm kiểu. Vậy tác động bằng gì? Theo tôi, nhà văn chỉ có thể, và chỉ nên tác động xã hội qua trang viết. Chính trị hậu trường không phải là công việc của nhà văn, và không xứng đáng với họ. Nhiều trường hợp chứng minh, trò vận động hậu trường rốt cuộc chỉ biến nhà văn thành kẻ bị chính trị tha hoá, “tẩu hỏa nhập ma”. Trong đời sống, nhà văn không phải đối thủ ngang sức với giới chính trị. Chỉ một cái bắt tay của nhân vật lãnh đạo, một bữa tiệc mời, nhiều người viết đã nhanh chóng rưng rưng thoả hiệp, đấm ngực bỏ qua tất cả.
Tôi không phủ nhận nỗ lực hòa giải. Tôi chỉ muốn nói, sự hòa giải, ít nhất trong văn giới, sẽ không thực chất và ích lợi gì nếu không đặt trên đồng thuận chính trị căn bản. Sự đồng thuận, trong thời điểm hiện nay, là tiến đến một thể chế dân chủ. Tất cả những đường vòng khác đều không giải quyết rốt ráo vấn đề. Nhà văn có thể sẽ bắt tay nhưng không tin tưởng nhau, sẽ vui vẻ lúc thù tạc nhưng sượng sùng lúc tỉnh táo, sẽ không chỉ trích nhau nhưng sau cùng đều trở nên bạc nhược. Hòa giải phải giúp nhà văn viết sắc sảo hơn, mạnh tay mổ xẻ lịch sử, phê phán thực tại, chứ không phải làm cho họ cùn mòn đi vì sợ mích lòng “anh em”. Sự hòa giải cần được thúc đẩy, nhưng phải trong tinh thần đối thoại thẳng thắn, không tránh né. Việc tảng lờ chính trị không phải giải pháp tốt. Nó chỉ tiếp tục dẫn đến trò thù tạc vô bổ có lợi cho những kẻ cơ hội. Một cuộc đối thoại thẳng thắn dĩ nhiên không dễ dàng, có khả năng gây đau đớn. Nhưng đây là sự đau đớn không tránh khỏi trong giải phẫu chữa trị bệnh di căn.
Điều cần thiết bây giờ là một cuộc hòa giải phẫu.
2006-2008
Phan Nhiên Hạo
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng Nhuận Cầm thời chống Mỹ: Một tâm hồn học sinh những câu thơ trận mạc Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột ra đi ở tuổi 70 vào chiề...