Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Im lặng của biển cảXXXX

Im lặng của biển cả

Trên talawas tháng Chạp 2007 có một loạt bài của Tô Nhuận Vỹ, loạt bài dài dễ sợ, đăng đến bốn kỳ, đọc mỏi mắt quá; bởi thế rất nhiều đoạn tôi chỉ lướt qua rất nhanh. Do bài quá dài, nên tôi chỉ xin nói lại cùng nhà văn về một điểm thôi. Ðó là điểm được chính anh chọn làm tiểu đề cho một ngữ đoạn thuộc kì thứ 3, đăng ngày 20.12.07 trên talawas. Anh chủ trương: Các nhà văn trong và ngoài nước hãy ngồi lại với nhau.
Sở dĩ có chủ trương này vì Tô Nhuận Vỹ cho rằng một trong hai nhiệm vụ hàng đầu của nhà văn hiện nay là “góp phần vào hoà hợp, hoà giải dân tộc“. Và anh kêu gọi “Hãy bắt đầu bằng việc giao lưu giữa các nhà văn với nhau."
Theo tôi, đây là chuyện ngộ nghĩnh kỳ khôi, nếu không phải là ngược đời, nghịch lý. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có một cộng đồng sống lưu vong. Từ trước đến nay, từ đông sang tây, đã và đang có biết bao nhiêu nền văn học lưu vong của biết bao nhiêu dân tộc.
Ðang trú ngụ tại Ðức, tôi xin bắt đầu bằng Exilliteratur. Trong tiếng Ðức, từ ngữ này đã trở thành một khái niệm chuyên biệt, một thuật ngữ văn học nhằm chỉ nền văn học của những nhà văn nhà thơ Nhật Nhĩ Man di tản ra nước ngoài dưới thời Hitler. Nền văn học đó là nền văn học do Thomas Mann bảo vệ, qua lời tuyên xưng của Academy of Arts and Letters (Hoa Kỳ) khi tổ chức này kết nạp nhà văn mà học vị Tiến sĩ Danh dự đã bị Viện trưởng Viện Ðại học Bonn thu hồi trước đó ngày 19.12.1936. Giải Nobel văn chương 1929, sang Hoa Kỳ năm 1933, mất quốc tịch Ðức năm 1936; trong khuôn khổ các hoạt động dấn thân rất đa dạng ở hải ngoại, Thomas Mann lên tiếng hàng tuần trên đài BBC qua chương trình Deutsche Hörer (Thính giả Ðức). Suốt thời gian Quốc xã cầm quyền, Thomas Mann tất nhiên không hề “du lịch" Ðức; hơn nữa, sau khi Quốc xã bị tiêu diệt, Thomas Mann cũng cương quyết không về lại Ðức, tuy có ghé cả Tây lẫn Ðông Ðức để dự lễ kỷ niệm hai đại văn hào Goethe và Schiller. Thomas Mann chết năm 1955 tại Zürich (Thụy Sĩ). Lý do không qui hương: nước Ðức chưa có tự do, còn bị quân đội Đồng minh và Liên Xô chiếm đóng. Stefan George cũng rời bỏ nước Ðức của chế độ Quốc xã và sống lưu vong ở Thụy Sĩ, khi chết năm 1933 viết di chúc dặn không được mang di thể mình về chôn trên đất Ðức chưa có tự do. Anna Seghers (đảng viên cộng sản) trốn chạy sang Pháp rồi sống lưu vong ở Mexico. Heinrich Mann có sách bị chế độ Quốc xã thiêu hủy, lưu vong sang Pháp rồi sang Mỹ. Cả hai không hề hồi hương, “ngồi lại" với các nhà văn sinh sống dưới chính quyền Hitler mà chỉ trở về Cộng hoà Dân chủ Ðức (Ðông Ðức) khi Quốc xã bị thanh toán. Tất nhiên còn những người khác nữa.
Victor Hugo chống đối Ðệ nhị Ðế chế, oán ghét chế độ Napoléon III, nên sau cuộc đảo chính 02.12.1851, nhà thơ nhà văn lớn sống lưu vong ở Bruxelles rồi trên hai hòn đảo Jersey và Gernesey thuộc Anh từ tháng 12.1851 đến tháng 09.1870. Nhiều bà con bạn bè ngỏ ý mời ông về lại nước Pháp sau khi Napoléon III ân xá, nhưng Victor Hugo từ chối sự ân xá và tuyên bố: “Quand la liberté rentrera, je rentrerai.“ (Khi tự do trở về thì tôi sẽ trở về). Trong Thế chiến thứ Hai có chừng ba vạn trí thức Pháp vì chống đối chế độ Vichy nên sống lưu vong ở Hoa Kỳ, chủ yếu ở New York và vùng bờ bể phía đông. Ðược sự yểm trợ và theo khuôn mẫu của New School for Social Research, họ thành lập một cơ cấu giáo dục tự do bậc đại học École libre des hautes études với hơn chín mươi giáo sư mà các công trình biên khảo được đăng tải đều đặn trên tạp chí Renaissance, xuất bản năm 1943, bao gồm nhiều lãnh vực: triết học, khoa học, xã hội học. Nhiều người thiết lập một mạng lưới báo chí ủng hộ Ðồng minh và nước Pháp tự do mà nổi tiếng nhất là tờ Pour la victoire. Họ còn thực hiện cả phim ảnh: năm 1943, Jean Renoir đạo diễn phim Salute to France. Tích cực hơn nữa, họ tạo cơ hội cho trí thức tham gia kháng chiến: Saint Exupéry và Alain Bosquet là những đại biểu nổi tiếng.
Do những biến động chính trị mang bản chất và màu sắc khác nhau, thời đại chúng ta đang sống từng ghi nhận sự xuất hiện của những tập thể văn nghệ sĩ lưu vong Nga, Ba Lan, Thổ, Iran, Iraq, Cuba v.v... Theo tìm hiểu của tôi thì chẳng có ai băn khoăn khắc khoải là “mảng" văn học với đại diện là Solzhenytsin, Pasternak lại có thể không có chỗ đứng trong văn học sử Nga bên cạnh các thành quả trí tuệ của Cholokhov. Còn uy vọng của Saint Exupéry, của Thomas Mann trong giới thưởng ngoạn tiếng Pháp, tiếng Ðức là điều ai cũng nhận biết. Vậy mà đâu có nhà văn nào chủ trương khi họ còn tại thế là họ nên “ngồi lại" với những người không đồng chính kiến với họ!
Lưu vong vốn là một hiện tượng không bình thường trong lịch sử nhân loại. Chỉ khi một dân tộc mất quyền tự chủ, chỉ khi bộ máy lãnh đạo công cuộc đấu tranh chính nghĩa không còn thế đứng và chỗ đứng trong nước thì cuộc vận động cho tự do dân chủ cũng như công tác tuyên truyền cổ vũ mới đành phải chuyển ra nước ngoài. Trong một hoàn cảnh như vậy, chủ lưu của văn hoá, dòng chính của văn học, mà đặc điểm là tính nhân bản, tính khai phóng, không thể phát triển trong tư thế hợp pháp, theo con đường công khai. Văn hoá chính thống của dân tộc đành phải thoát ly, lưu lạc ra nước ngoài để rồi được chuyển trở lại trong nước qua con đường hoặc bí mật, hoặc bán công khai.
Chủ nghĩa cộng sản dốc lòng nắm chặt quyền lãnh đạo văn hoá. Ðối với nó, tư tưởng chủ đạo nền văn hoá công khai không phải là tư tưởng phấn đấu cho quyền làm người và quyền làm dân, mà là tư tưởng nô dịch ngu dân; văn hoá được đề cao không còn là nền văn hoá ngang với kiến thức thời đại mà là nền văn hoá uốn nắn công dân thần phục chế độ độc tài toàn trị. Phải nhận là những kẻ cầm quyền đã thực hiện được phần nào ý muốn của họ. Ông Hồ và các đồng chí của ông ta có dưới trướng hàng ngàn, dĩ chí hàng vạn thân binh cuồng nhiệt, tín đồ hoạt đầu hoặc đảng viên cơ hội trong đội ngũ văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, tu sĩ, khoa học. Những người cầm bút viết văn công khai, những nhân vật lãnh đạo tôn giáo, những người sáng tác trong mọi lĩnh vực văn hoá văn nghệ đành bắt buộc phải hợp tác với chế độ cộng sản; dầu muốn hay không muốn, họ cũng phải thoả hiệp, nhượng bộ hoặc ít hoặc nhiều. Nói cho đúng: phải nhượng bộ rất nhiều đối với giới cầm quyền. Sống trong nước, những ai còn có lương tri đều lâm vào một hoàn cảnh mâu thuẫn bi đát giữa tâm nguyện chủ quan và hành động thực tế. Cho nên từ khi văn học văn nghệ nhân bản khai phóng không còn điều kiện hoạt động công khai như trước 1975 ở miền Nam nữa thì nó phải theo con đường lưu vong, còn tại quốc nội thì nó chỉ còn có thể lẩn lút hoạt động, dẫu rằng thực ra nó mới chính là dòng chủ lưu chính thống của văn hoá văn nghệ Việt Nam.
Cho nên kết quả là “số văn nghệ sĩ hải ngoại trong các dịp về thăm quê 'dám’ có các cuộc tiếp xúc, tâm sự với đồng nghiệp, kể cả hai 'phía’, đều chỉ tính được trên đầu ngón tay": nhà văn Tô Nhuận Vỹ chỉ nói lên một hệ quả tất yếu, một chân lý đương nhiên, một sự thật La Palice. Và khi cố gắng liệt kê tên họ của những nhân vật “tiến bộ" thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện “đi vô đi ra cũng là ba thằng cha khi nãy", như người dân Huế hay noái. Tất nhiên trong số những người cầm bút trong nước, có những người “có học", bên cạnh không ít người “vô học", theo cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi nhận thức vấn đề khác hẳn Tô Nhuận Vỹ: không phải Thomas Mann hay Saint-Exupéry nên hoà hợp hoà giải với ông văn sĩ Müller nào đó người Ðức hoặc bà thi sĩ Jeannette nào đó người Pháp mà cả Thomas Mann lẫn Müller, cả Saint-Exupéry lẫn Jeannette nên chung sức thanh toán chế độ Quốc xã Hitler hoặc chế độ thần phục Vichy.
Trong thực tế, sự liên lạc thư từ và/hoặc thăm viếng giữa người tỵ nạn Việt Nam và người trong nước là chuyện hằng ngày hết sức bình thường, ngay cả trong lĩnh vực văn chương văn học, chẳng cần phải ai hô hào cổ vũ. Chỉ khi nào có sự toan tính, có chuyện lợi dụng thì mới anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Ðể chứng minh một điều chẳng cần phải chứng minh, tôi đành khổ tâm kể lể đôi dòng về những mối giao thiệp cá nhân. (Tôi không phải là nhà văn nhưng đã từng cầm bút khá lâu rồi). Khi còn chiến tranh Quốc - Cộng, tôi có cơ hội biết đến tên tiến sĩ Ðỗ Tất Lợi, tác giả Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Sau tháng Tư Đen và trước khi vào tù, ngay khi được biết có thể gửi thư ra Bắc, tôi viết thư cho anh Lợi, đề địa chỉ "Bộ môn Dược liệu học, Trường Ðại học Dược khoa Hà Nội". Thư đến tay người nhận, anh Lợi nhờ ông em vợ ở Sài Gòn (vốn là ngụy dân) đến gặp tôi với lời dặn dò người em cố tìm cho được tôi, vì tôi biết anh ấy rõ hơn rất nhiều người ngoài Bắc! Sau khi ở tù về, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên, trao đổi kiến thức chuyên môn đều đặn, nên khi sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam in lại lần thứ năm vào năm 1986, ở "Lời nói đầu" nhân dịp in lại lần thứ tư năm 1981, Anh Ðỗ Tất Lợi chính thức cám ơn ba người do chế độ miền Nam đào tạo là Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Giáo sư Lê Văn Thới và cá nhân tôi. Từ 1978 đến 1984, anh Lợi đến gặp tôi rất nhiều lần và sau khi tôi rời bỏ chế độ, tôi vẫn còn nhận được thư anh ấy và tất nhiên tôi đã hồi âm. Ông Nguyễn Quảng Tuân là nhà Kiều học lớn hơn tôi chín tuổi, hiện ở Dakao, Sài Gòn. Qua tạp chí Văn Học ở California, hai chúng tôi thư từ qua lại và khi ông Tuân sang Ðức, tôi đã hết sức thu xếp để đón tiếp ông ở Bonn, đưa ông đi chơi, cung cấp cho ông một ít tài liệu. Cảm kích vì mối chân tình này – không hề đượm chút màu sắc giao lưu nào hết – ông Tuân tập Kiều tặng tôi và cho in trong Tập Kiều vịnh Kiều, Nhà xuất bản Văn học. Tôi chưa hề gặp mặt Giáo sư hưu trí Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Nhưng qua giao thiệp bằng đường bưu điện, tôi được ông gửi tặng cuốn Hoa viên kỳ ngộ do ông dịch, sau khi tôi có lời nhận xét đăng trên báo ở quốc ngoại về bản dịch Cổ duệ từ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm do ông chấp bút. Tôi không muốn lạm dụng thêm sự kiên nhẫn của độc giả talawas. Tôi thấy giữa con người và con người nói chung, giữa những người cầm bút và người cầm bút nói riêng, sự giao thiệp là chuyện như ăn uống, hô hấp; chẳng cần cá nhân, tổ chức nào cổ xúy, hô hào với hậu ý và/hoặc vì thủ đoạn. Cho nên tôi không dùng hai chữ giao lưu.
Tôi chấm dứt bài viết này bằng hai tác giả thuộc nền văn học Pháp, là nền văn học tôi ưa thích. Một đoạn thơ và một đoạn văn.
Thơ Aragon:
Lorsque vous reviendrez car il faut revenir
Il y aura des fleurs tant que vous en voudrez
Il y aura des fleurs couleur de l’avenir
Il y aura des fleurs lorsque vous reviendrez
("Je te salue, ma France")
Khi trở về sẽ có hoa tặng, nhưng là hoa mang màu tương lai. Dùng indicatif futur dường như thấy chưa đủ, thi sĩ viết rõ thêm couleur de l’avenir.
Và văn Vercors: trong Thế chiến Hai, một sĩ quan Ðức trẻ tạm trú trong một gia đình người Pháp. Gia đình này có một thư viện với nhiều sách văn học Pháp, là lĩnh vực người sĩ quan Ðức rất hâm mộ. Chiều chiều anh ta đến thư viện đọc sách và tìm cách làm thân với gia chủ cùng cô cháu gái. Anh ta kể rằng khi quân Ðức kéo vào thị trấn Saintes, anh ta rất sung sướng thấy được dân chúng Pháp nồng nhiệt đón tiếp. Nhưng rồi anh ta chợt nhận thức rằng không phải vậy, rằng đó là sự hèn nhát: c’était la lâcheté. Và với giọng nói nghiêm nghị, anh ta bảo: “Tôi khinh thường những người đó. J’ai méprisé ces gens.” Kết quả: người sĩ quan Ðức chỉ đối diện với sự im lặng của gia chủ và cô cháu, sự im lặng của biển cả mà sự tĩnh lặng chỉ là bề ngoài. Cho nên chương sách được đặt đầu đề Le Silence de la mer. Tôi mượn đầu đề đó cho bài viết hôm nay.
Cuối cùng, tôi muốn ghi nhận thái độ của một người viết văn có tư cách: Romain Rolland từng từ chối Huy chương Goethe do chế độ Quốc xã tặng thưởng.
29/12/2007
Trần Văn Tích
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...