Phê bình khách quan
Câu chuyện phê bình văn học được bàn tán gần đây nghe qua tưởng
không có gì đáng quan tâm, về sau mới vỡ lẽ ra sự thực không đơn giản. Phải nói
ngay là phức tạp nhưng cũng vui vui. Vậy mới là cuộc đời. Để các bạn dễ theo
dõi chúng tôi xin tóm lược câu chuyện, nêu ra những lý lẽ “có vấn đề” và sau
cùng là vài nhận xét tạm kết (vì vấn đề xem ra không dễ dàng kết thúc
như thế)
1. Tóm lược vấn đề
Vấn đề khá dài dòng có thể tóm gọn như sau:
1. Anh Hồ Trường An có một biên khảo về những giọng ca vang danh
một thời, anh Nguyễn Đăng Thường nhận xét phê bình (“Đôi điều
không cần nói với nhạc”, Thư talawas số 458)
2. Anh Trần Văn Tích nhận xét về nhận xét của Nguyễn
Đăng Thường (“Văn
phong Hồ Trường An”, Thư talawas số 458)
3. Anh Nguyễn Đăng Thường lại nhận xét về nhận xét về
bài cùa Trần Văn Tích (“Văn
phong ‘huê dạng’ Hồ Trường An”, Thư talawas số 459). Trong phần này
Nguyễn Đăng Thường đã đưa ra những thí dụ rất “ấn tượng” chứng tỏ “các tiếng ca
do Hồ Trường An nhận định có khác biệt nhau lắm không”, người đọc được dịp thưởng
thức, nhớ lại những giọng hát thời danh. Tiếng hát như nắng hạ (4
bài), hoa lá (9), lụa là (5), trăng sao (5), tuổi
hồng (3), trai tân trinh nữ (5), cô đơn lẻ bóng (9), sông
biển (8), khói sương (8)... Anh Trần Văn Tích, Hồ Trường An, các
tiếng hát Việt Nam hải ngoại đều ít nhiều được “chiếu cố”.
2. Những lý lẽ
Lý lẽ bênh vực và phản bác
Trần Văn Tích: Cái nết viết của Hồ Trường An là như vậy, quen mất nết đi rồi.
Nguyễn Đăng Thường: Cái nết viết của HTA đã đánh chết cái đẹp của văn chương Hồ
Trường An... Không thể nào thể tất nhân tình đối với tác giả này. Vì, a) không
tôn trọng sự thật, b) phải thể tất nhân tình với một tác giả tức là sẽ thể tất
với mọi tác giả và như vậy sẽ không còn thể loại văn chương phê bình khách
quan.
Trần Văn Tích: Chân dung những tiếng hát quy tụ hơn 100 ca sĩ thời danh. Hồ Trường
An viết về người chứ không khảo cứu về nhạc.
Nguyễn Đăng Thường: Sao không gọi là chân dung những ca sĩ thời danh cho nó được
rõ ràng hơn? Như vậy mới: a) đúng tinh thần phê phán, và b) vì lợi ích của thế
hệ mai sau?
Trần Văn Tích: Cụm từ “đem tâm tình viết lịch sử” gây ngộ nhận hay không?
Nguyễn Đăng Thường: Không.
Nhận xét về Trần Văn Tích:
- Cái “quen mất nết” của Hồ Trường An có thực đáng trách hay
không? Ca tụng sự việc hơi cường điệu, hơi quá, có đáng là một cái tội chăng?
Trong cuộc sống, nói dối ga-lăng có khi làm mấy bà mấy cô thích hơn là nói thực
vụng về. Vả lại ca tụng những giọng hát dù hơi quá một chút có sao đâu, tôi cảm
thấy nó lại biểu lộ chút tình người. Mọi sự việc rồi sẽ qua đi, trong hoài
niệm, trong tâm tưởng của người khác.
- Nói rằng viết về người mà không khảo cứu về nhạc e rằng không
đúng: Hồ Trường An nói về những tiếng hát tức là nói về con người, hơn thế nói
về con người tại thế, suy nghĩ về số kiếp người Việt Nam hải ngoại và
trong nước. Thật khó tưởng tượng ra ca sĩ không tiếng hát, càng khó hơn với tiếng
hát không ca sĩ.
Về Nguyễn Đăng Thường:
- Cái nết viết “huê dạng” của Hồ Trường An có làm mất cái đẹp của
văn chương Hồ Trường An hay không? Tôi nghĩ là không.
- Mặt khác câu "không tôn trọng sự thật" làm tôi ngạc
nhiên: làm sao tác phẩm văn học nghệ thuật lại mô tả/phản ánh đúng sự thật trăm
phần trăm? Đó là giết chết nghệ thuật hay bảo vệ nghệ thuật?
- Có khi phải đúng quy tắc, có khi phải “lệch chuẩn”, khó thể
hình dung quy tắc nào đúng hoặc sai một trăm phần trăm, chúng ta sống với chân
lý 70 phần dầu, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học huyền bí cũng vậy!
- Tên sự vật và sự vật hoàn toàn khác nhau. Bài học về Đạo của
Lão Tử: “Đạo là cái mắt không thấy, tai không nghe,
tay không nắm được, đón nó thì không thấy đầu, theo nó
thì không thấy đuôi”, vậy có thể chính danh đến chừng mực nào? Xin
nói thêm cho rõ: nếu thay chữ Đạo bằng chữ Thiên đường, Địa ngục, bông hoa,
cánh bướm, cô Dung, tắc kè bông... đều “nghiệm đúng” cả, như vậy sự vật (lửa,
nước, ngọn núi…) và tên gọi sự vật (chữ lửa, chữ nước, chữ núi…)
rất khác nhau, làm sao có chính danh?
- Đúng tinh thần phê phán? Quá hay nhưng tinh thần nào? Lơ mơ
trên mây hay ở xó xỉnh nào hay trong đầu óc một con người? Có tinh thần nào
ngoài văn bản, chữ viết, bộ óc con người không?
- Vì thế hệ tương lai? Vậy thì quá tốt, kể cả những người quen
lý luận bằng cái búa hay bên cạnh cái quan tài. Noam Chomsky, trong một bài trả
lời phỏng vấn mới đây về toà án Nuremberg, có nói tới thế hệ tương lai.
Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu trên Đà Lạt chẳng nói tới từ lâu sao? Và còn rất nhiều
người khác nữa...
3. Tạm kết
1. Những người làm văn học ở hải ngoại thường nói về tìm kiếm cái
mới (thơ mới, bút pháp mới, cảm hứng mới…) phương pháp mới (hậu
hiện đại trong thơ văn, phim ảnh, tiếp nhận, giao lưu văn hoá…). Các anh lo ngại,
thậm chí thương hại cho những người làm văn học trong nước, chỉ biết vùng vẫy
trong cảnh ao tù nước đọng. Đó là một quan điểm, dĩ nhiên có nhiều quan điểm
khác nữa. Về vấn đề này lập trường của tôi rất rõ ràng: tôi tôn trọng quyền tự
do ngôn luận của anh, anh được tự do phát biểu ý kiến của mình dù đúng hay sai,
dễ nghe hay khó nghe. Tôi cũng đòi được quyền tôn trọng như vậy. Còn việc tin
hay không tin, làm theo hay không làm theo, tới mức nào, điều kiện nào… là việc
sẽ bàn sau - một cách rõ ràng, thẳng thắn - giữa những người bạn.
2. Trong vấn đề văn nghệ này, tôi thấy lập trường hai ba bên có
nhiều khác biệt, với nhau và với chính bản thân; để các bên có thể tiến tới
dung hòa, điều chỉnh là cả một vấn đề. Tuy nhiên trước mắt phải cảm ơn Hồ Trường
An, Trần Văn Tích và Nguyễn Đăng Thường đã cho tôi thấy được vấn đề hay hay,
vui vui này. Nhưng trên hết xin cảm ơn những bông hoa muôn mầu muôn sắc đã giúp
tôi nhớ tới người Việt xa xứ, những ngày giáp Tết.
29/1/2008Nguyễn Trọng Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét