Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Triều Nguyễn và lịch sử của chúng taXXXX

Triều Nguyễn và
lịch sử của chúng ta

Cho đến 1975, về cơ bản triều Nguyễn vẫn là cái phần lịch sử bị chối bỏ trong lịch sử của chúng ta, mặc dù chính họ đã xác lập cái quốc hiệu và bản đồ Việt Nam mà hiện nay chúng ta có được. Tại sao có một thời gian chúng ta chối bỏ họ trong lịch sử của mình đã đành là một câu hỏi không dễ trả lời, song việc chối bỏ họ đã khiến chúng ta mất đi những gì lại càng là một quá khứ chưa ai tổng kết. Nhưng đó lại là một câu hỏi phải được trả lời và một quá khứ phải được tổng kết, bởi giống như một sự thừa trừ tai ác của lịch sử, chính việc chối bỏ một phần lịch sử như vậy đã góp phần làm nên lịch sử của chúng ta.
 
Phải nói ngay rằng việc chối bỏ triều Nguyễn nói trên là kết quả của một quá trình chuyển hóa từ thực tế khách quan thành nhận thức chủ quan. Đánh bại Tây Sơn và làm mất nước, triều Nguyễn dường như hội đủ các yếu tố để trở thành một đối tượng tinh thần của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là từ 1954 đến 1975. Trong khi đó, trong ý đồ chia cắt đất nước lâu dài và mạo nhận là kẻ kế thừa quốc thống, chính quyền Sài Gòn mà mở đầu là tập đoàn Ngô Đình Diệm đã chú ý tới các chúa Nguyễn Đàng Trong với “sự nghiệp hùng cứ phương Nam” từ rất sớm, điều này dường như cũng gây ra một phản ứng tâm lý nơi giới sử học cách mạng ở miền Bắc, và kết quả là lý lịch triều Nguyễn với những cha ông cát cứ lại thêm một vết đen. Hơn thế nữa, với những chiến dịch tố cộng mang tên các danh tướng của Gia Long như Trương Tấn Bửu, Thoại Ngọc hầu trước 1960, chính quyền Sài Gòn còn tỏ ra rất có ý thức về việc biến triều Nguyễn thành một lực lượng tinh thần trong mặt trận chống cộng... Đáng tiếc là trong một thời gian dài, chúng ta dường như lại mặc nhiên để cho những kẻ khác tự do “kế thừa” triều Nguyễn, và ở một mức độ nhất định, cả thời Nguyễn nữa. Cho nên bắt đầu từ việc phủ nhận ý đồ nghiên cứu triều Nguyễn của những kẻ khác, chúng ta lại gần như đi tới chỗ phủ nhận hoàn toàn triều Nguyễn, nghĩa là chỉ nghiên cứu để phủ nhận hay tai hại hơn, đôi khi còn phủ nhận cả việc nghiên cứu. Nhưng đây là triều đại phong kiến Việt Nam còn để lại nhiều tư liệu về nó nhất - cả tư liệu thành văn lẫn tư liệu truyền khẩu, cả tư liệu là thư tịch lẫn tư liệu là hiện vật, cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước, cả của người Việt Nam lẫn của người nước ngoài, nên việc chối bỏ triều Nguyễn như vậy cũng đồng nghĩa với việc quay lưng với rất nhiều tư liệu lịch sử quý báu có lẽ đã vĩnh viễn không còn tìm lại được. Tuy nhiên, đối với những gì chúng ta đã mất trong thời gian chối bỏ triều Nguyễn thì đó chỉ mới là phần nổi của một tảng băng chìm.
 
Là vương triều duy nhất trong các chính quyền phong kiến Việt Nam xác lập được quyền cai trị từ Lạng Sơn tới Cà Mau, triều Nguyễn cũng bị đặt vào một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Khác với triều Trần có được ngai vàng nhờ đảo chính cung đình một cách hòa bình nên về cơ bản vẫn kế thừa tổ chức chính quyền của triều Lý, hay triều Lê có được ngai vàng nhờ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh nên có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trên cơ sở sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, triều Nguyễn phải xây dựng hệ thống chính trị của họ sau một cuộc chiến tranh kết thúc gần ba trăm năm phân tranh và nội chiến ở Việt Nam và vì vậy cũng bị cái quá khứ ấy chi phối. Ngay từ đầu đời Gia Long họ đã bị đặt trước sự chống đối khá quyết liệt và phổ biến của nhiều lực lượng chính trị khác nhau ở vùng Đàng Ngoài cũ. Năm 1803, Tiết độ Tây Sơn cũ là Nguyễn Văn Tuyết họp quân đánh Hải Dương, xưng niên hiệu Bảo Hưng. Năm 1806, cháu chín đời của Mạc Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) là Mạc Xán Vi nổi lên ở Lạng Sơn, đặt niên hiệu Cảnh Xuân. Năm 1807, Xiển Văn tức Tổng Trung tôn phù con Đoan Nam vương Trịnh Tông (tức Trịnh Khải) là Trịnh Vân, dấy quân ở Sơn Nam. Năm 1816, một số nhóm thân Lê suy tôn Lê Duy Hoán - kẻ được triều Nguyễn phong là Diên tự công để giữ việc hương hỏa cho nhà Lê - làm vua, chế tạo ấn tín định nổi dậy ở Thanh Hoa... Đây là chưa kể tới các thổ hào dân tộc ít người luôn luôn có những lý do nếu không phải là chính đáng thì cũng là chính thức để tổ chức lực lượng võ trang chống lại chính quyền trung ương, và đặc biệt là các phong trào khởi nghĩa nông dân liên tục nổ ra trên một Bắc Hà ruộng ít người đông, nhiều bất công và lắm tai trời ách nước. Có thể nói khi tiếp quản miền Bắc năm 1802 triều Nguyễn đã đứng trước một tình hình chính trị – xã hội ít nhất cũng phức tạp không kém gì miền Nam mà chúng ta tiếp quản năm 1975. Nhưng ba mươi năm sau khi triều Nguyễn tiêu diệt Tây Sơn, Minh Mạng đã tiến hành được cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến với việc giải thể Bắc Thành năm 1832 và Gia Định Thành năm 1833, đưa văn quan vào vị trí đứng đầu bộ máy hành chính các địa phương thay cho chế độ võ tướng trấn thủ, chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chính kéo dài từ giữa thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, còn việc cải cách hành chính của chúng ta đến nay không những chưa có dấu hiệu nào cho thấy đã sắp về tới đích mà cả mục tiêu xem ra cũng còn khá mơ hồ. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác thì việc chối bỏ triều Nguyễn lại đẩy chúng ta rơi vào vết xe đổ cũ của họ sau khi thống nhất đất nước. Việc san bằng những đặc điểm kinh tế – xã hội giữa hai miền cùng sự áp đặt chế độ bao cấp thời chiến vào cả vùng đất phía nam vĩ tuyến 17 mà kết quả là kìm hãm sức sản xuất trong đất nước thời gian 1975 – 1985 là một ví dụ. Triều Nguyễn bế quan tỏa cảng, trọng nông ức thương thì chúng ta hạn chế kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ. Cần nhắc lại rằng với cung cách hoàn tất việc thống nhất quốc gia không bằng con đường xây dựng kinh tế và phát triển xã hội mà bằng con đường chính trị khẳng định vương triều, cái quốc gia Việt Nam mới thống nhất về mặt hành chính và một cách hình thức của triều Nguyễn sau 1833 vẫn thường xuyên đối diện với thực trạng đói nghèo lạc hậu, nên khi bị hút vào quỹ đạo xâm lăng của chủ nghĩa thực dân tư bản Pháp, nó đã không có được quốc lực đủ mức cần thiết để chống lại một kẻ thù lạ tay.
 
Bên cạnh đó, sau 1802 triều Nguyễn đã ra sức xây dựng ở miền Bắc một thiết chế văn hóa tư tưởng vừa xóa bỏ quá khứ Tây Sơn vừa thủ tiêu mô hình Lê Trịnh. Nhưng sau khi cho đánh đòn Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích tại Quốc tử giám do triều Lê dựng ở Thăng Long như một cách xác nhận quyền thừa kế hợp pháp đối với di sản chính trị đồng thời khẳng định vai trò đại diện chính thức cho lịch sử chính thống ở Việt Nam của mình, năm 1811 họ vẫn sai sưu tầm sách sử của nhà Lê và nhà Tây Sơn trong dân gian, nghĩa là vẫn rất có ý thức trong việc tập hợp những giá trị văn hóa được tạo ra dưới thời các đối thủ chính trị cũ. Đáng tiếc là lịch sử của chúng ta trên phương diện này lại khác. Rất nhiều lễ hội dân gian ở miền Bắc sau 1954 rồi ở miền Nam sau 1975 gần như hoàn toàn bị xóa sổ. Sau cải cách ruộng đất, hàng loạt cổ vật bị coi là tàn dư của văn hóa phong kiến ở miền Bắc đã trở thành sở hữu của các nhà sưu tập Đông Âu. Sau tháng 4. 1975, văn hóa thị dân ở các đô thị phía nam vĩ tuyến 17 gần như bị đồng nhất với văn hóa thực dân mới... Thái độ cứng rắn về ý thức hệ giống như tính không khoan nhượng ở nhiều tôn giáo độc thần thời Trung cổ ấy đã làm méo mó cả một lịch sử quan vốn nhân văn và khoa học, nên khoảng mươi năm nay giới sử học Việt Nam lại phải bận rộn với nhiều vấn đề lẽ ra đã không còn là vấn đề như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, và rộng ra có thể kể thêm Trương Vĩnh Ký hay Phan Châu Trinh... Việc chối bỏ triều Nguyễn còn làm sử học Việt Nam hiện nay chưa tổng kết được quá khứ dân tộc một cách đúng đắn và toàn diện, mà tiêu biểu nhất có lẽ là việc thờ ơ với cả cái phần lịch sử Việt Nam thời họ Nguyễn Đàng Trong. Cứ thử lập một Thư mục nghiên cứu lịch sử Đàng Trong từ 1975 đến nay sẽ thấy học giới Việt Nam đã bị các nhà nghiên cứu nước ngoài như Li Tana, Stephen Denis O’ Harraw, Keith Weller Taylor, Alexander Barton Woodside... qua mặt, đây có lẽ cũng là một đề tài suy ngẫm lớn đối với những người quan tâm tới tiền đồ của nền học thuật Việt Nam.
 
***
 
Có nhiều lý do khiến cho trong nhiều năm qua lịch sử của chúng ta đã diễn ra một cách không bình thường, trong đó một lý do quan trọng là cách thức mà chúng ta tiếp nhận lịch sử và các bài học lịch sử. Cho nên bài học về việc chối bỏ triều Nguyễn và các bài học lịch sử của triều Nguyễn đã cho thấy phải tiếp nhận lịch sử như nó có chứ không phải như mình muốn. Trên đường hướng này, chúng ta vẫn có lý do để mà hy vọng, bởi vì như một câu danh ngôn tuy cũ nhưng đúng từng nói, Chân lý có trước và sự giác ngộ chân lý có sau.
Tháng 5/2007
Cao Tự Thanh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...