Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

XXXNhững tác phẩn văn xuôi Quốc ngữ đầu tiên của một số cây bút nữ Việt Nam

Những tác phẩn văn xuôi
Quốc ngữ đầu tiên của một số
cây bút nữ Việt Nam

Từ năm 1926 đến năm 1928 có những cái tên phụ nữ xuất hiện trên các báo ở Nam Bộ cùng tác phẩm của họ như Hồ Thị Quế, Cô Trần Ai, Cẩm Vân nữ sĩ, Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân... Dựa theo năm xuất bản có thể xếp theo thứ tự: Má hồng không thuốc mà say của Cô Trần Ai (1924), Hồng Hoàng Sa thọ oan của Cô Trần Ai (1925), Cổ Nguyệt Hương của Hồ Thị Quế (1926), Ngọc chìm đáy biển của Mộng Hiệp nữ sĩ (1927), Để tội cho hoa của Cẩm Vân nữ sĩ (1927), Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa (1927), Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử (1928), Đất bằng sấm dậy của Cẩm Vân nữ sĩ (1928), Giám hồ nữ hiệp của Hoàng Thị Tuyết Hoa (1928), Giọt lệ phòng đào của Nguyễn Thị Thanh Hà (1928), Gương nữ kiệt của Phan Thị Bạch Vân (1928).
Khi nghiên cứu về phong trào sáng tác văn xuôi quốc ngữ của các cây bút nữ đầu thế kỷ XX, việc làm thế nào để xác định cho được nhân thân thực sự của tác giả là một điều cực kỳ khó khăn. Như đã biết, vào khoảng những năm từ 1926 đến 1928, trên báo chí Nam Kỳ xuất hiện rầm rộ phong trào khai mở dân trí cho phụ nữ nước nhà. Yêu cầu khai mở dân trí này đã khiến một số nhà hoạt động văn hóa nam giới đôi khi lấy cho mình một bút danh nữ để cổ súy, thúc đẩy phong trào sáng tác của nữ giới. Đó là một tình hình thực tế. Tình hình này đã dẫn đến việc nhiều tác phẩm hiện nay không thể xác định tác giả đích thực.
Với những cứ liệu hiện có, trong những tác giả trên, hiện nay chúng tôi chỉ mới xác định được tiểu sử chính xác của ba cây bút nữ là Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa và Phan Thị Bạch Vân.
Trên Nông Cổ Mín Đàm số 130, ngày 14-10-1924 có đăng một mẩu giới thiệu ngắn:
“Mới xuất bản.
Má hồng không thuốc mà say của Cô Trần Ai”.
Không lâu sau đó, Công Luận Báo số 135, 8-7-1925, đăng một bài bình phẩm của tác giả Tùng Lâm có tựa  Ít lời bình phẩm bổn tiểu thuyết Hồng Hoàng Sa thọ oan. Trong bài bình phẩm Tùng Lâm cho biết: “Bổn tiểu thuyết Hoàng Hồng Sa thọ oan này chính tay một cô nữ sĩ Trần Ai viết ra, cô hiện làm nữ giáo, song người có tánh ham làm văn, hễ rảnh được thì giờ thì viết quốc văn và soạn tiểu thuyết, cô soạn được nhiều bổn tiểu thuyết...”. Qua bài bình phẩm thì đây là câu chuyện oan tình của một người con gái có tên Hồng Hoàng Sa. Không rõ nội dung ra sao, chỉ biết tác giả Tùng Lâm đã hết lời khen tặng tác phẩm: “Trong ấy nhiều đoạn thảm tình nhiều lối biến huyễn, tôi lược thuật ra không hết, song tôi kết luận lại một lời riêng tặng cho cô Trần Ai rằng: Bổn tiểu thuyết này có thể giúp ích được cho nhà viết quốc văn và kinh tỉnh được cho phong hóa đời này vậy, dẫu lời văn chưa được lão luyện cho lắm là vì tác giả như tuồng mới lược thảo qua, ước chi tác giả gia công vào một ít thì giờ mà nhuận sắc lại thì thật là một quyển tiểu thuyết có giá trị biết là dường nào”.
 
Như vậy, nếu tính theo thời điểm tác phẩm được giới thiệu trên Nông Cổ Mín Đàm thì Má hồng không thuốc mà say là một tác phẩm được xuất bản sớm nhất của một phụ nữ (1924). Tác phẩm này hiện nay chưa tìm được nên không thể biết chính xác nó là tác phẩm được sáng tác hay phỏng dịch. Tiếp đến, phải kể Hồng Hoàng Sa thọ oan được tác giả Tùng Lâm xác định do Cô Trần Ai viết ra, nhưng cũng thật đáng tiếc, hiện nay chúng tôi cũng chưa tìm được văn bản.
 
Tác phẩm Cổ Nguyệt Hương, như trên đã đề cập, được xuất bản năm 1926 bởi nhà in Xưa Nay. Trong Lời tựa tác giả cho biết “Đây là tích của nàng Cổ Nguyệt Hương, một gái trung, hiếu, tiết, nghĩa gồm đủ...”, “Tôi xem truyện giải buồn, thấy một lối đáng làm gương phải quấy, nên chẳng nài công khó nhọc diễn ra đây, trước là quý bà, quý ông xem cho tiêu khiển, sau trẻ em coi lấy làm gương, như chỗ nào sơ siển, cúi xin quý vị thương tình thứ cho”1. Lời tựa được viết tại Cần Thơ tháng 1 năm 1926, ký tên Thanh Hương Hồ Thị Quế, nghiệp chủ làng Tân An, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ.
 
Đây có thể coi như một truyện phóng tác do một cái tên phụ nữ viết. Câu văn xuôi còn xen lẫn với những câu văn vần. Do chỉ diễn lại, viết lại truyện sử nước người (Trung Hoa), nên Cổ Nguyệt Hương không được giới làm văn thời đó chú ý.
 
Cùng năm 1927, sau khi giới thiệu tác phẩm Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa trên các số 607 ngày 22-7-1927 và 635 ngày 14-10-1927, Đông Pháp Thời Báo cũng giới thiệu xen kẽ đến bạn đọc một tác phẩm khác là Để tội cho hoa, 2 cuốn, dày 50 trang của Cẩm Vân nữ sĩ trên số 633, ngày 26-9-1927. Xin trích ra đây lời giới thiệu của báo:         
 
      “Giới thiệu sách mới
 
      Ai là người hay xem tiểu thuyết.
 
      Vừa rồi cô Cẩm Vân nữ sĩ có gởi đến cho bổn báo một bộ tiểu thuyết chia làm hai quyển, nhan đề Để tội cho hoa, trong truyện tả một cô thiếu phụ trung trinh đúng mực, tình nghĩa vẹn toàn, chồng cô cô vẫn yêu nhưng nước cô cô lại yêu hơn nữa, hương lửa duyên chưa kịp bén thì can qua bỗng đã lay trời, chồng cô vì nước phải đầu quân, cô vì chồng phải tìm vào đất giặc. Chiếc thân liễu yếu đào thơ, giữa cảnh gió vàng mưa sét, khi thì cô cỡi tàu bay, khi thì cô nằm trên núi, khi thì cô bị giặc bắt bỏ tù, khi thì làm người khán hộ. Nhộng bướm thay hình thân tằm vẫn nhất, mối tơ đến chết vẫn chẳng lìa lòng. Đọc truyện cô thấy cô cay đắng bao nhiêu càng thương xót cô bấy nhiêu, thương xót cô bao nhiêu càng khen ngợi cô bấy nhiêu.
 
      ...Đến như lời văn, tuy chẳng lấy gì làm đẻo gọt lắm nhưng êm đềm mà giản dị, nghe cũng êm tai... BB”
 
       Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa biết gì hơn về tác giả Cẩm Vân nữ sĩ ngoài cái tên và hai bộ tiểu thuyết Để tội cho hoa và Đất bằng sấm dậy. Để tội cho hoa không tìm được văn bản nhưng Đất bằng sấm dậy được xuất bản một năm sau đó, 1928, thì chúng tôi đang có văn bản trong tay. Theo giới thiệu của Đông Pháp Thời Báo, có thể chắc rằng Tây phương mỹ nhơn được viết cùng một khoảng thời gian với Để tội cho hoa. Nội dung được giới thiệu cho thấy đây là tác phẩm được phóng tác dựa theo một câu chuyện nước ngoài nhưng lấy bối cảnh xã hội Việt Nam đương thời. Tác giả mong muốn qua cuộc đời của người phụ nữ trong truyện khơi gợi tinh thần yêu nước cho những bạn quần thoa đang còn an phận trong trướng gấm rèm thêu.
 
Cùng năm 1927, nhà in Xưa Nay phối hợp với Cổ Kim Thư Xã cho xuất bản tác phẩm Ngọc chìm đáy biển của Mộng Hiệp nữ sĩ. Có thể thấy Ngọc chìm đáy biển là một tác phẩm dày dặn nhất trong các tác phẩm được xuất bản cùng thời và được đứng tên người viết là phụ nữ (ba cuốn, dài 144 trang). Khoảng một năm sau khi Ngọc chìm đáy biển ra đời, trên Đông Pháp Thời Báo, số 751, 2-8-1928 người đọc thấy ở mục Bình phẩm tiểu thuyết có bài viết mang tựa đề Ngọc chìm đáy biển của Mộng Hiệp nữ sĩ của tác giả Văn Ninh. Trong bài viết, Văn Ninh khẳng định Ngọc chìm đáy biển là một tác phẩm dịch từng được đăng trên Trung Bắc Tân Văn cũng như đã xuất bản thành sách ở miền Bắc với tựa là Thuyền tình bể ái  “...Về nhà dở ra coi, chưa coi hết ba trương, vội đặt xuống, nhớ hình như đã có đọc một bộ nào, tương tự như một bộ này rồi. Ráng đọc nữa mới hay Mộng Hiệp nữ sĩ ăn cắp ở bộ Thuyền tình bể ái đã đăng trong báo Trung Bắc Tân Văn và đã in thành sách bán ở ngoài Bắc.
 
      ...Lại còn một cái lạ nữa là bộ Thuyền tình bể ái trích ở truyện Tây, những vai trong truyện tức nhiên là người Tây, tánh tình người Tây khác với người Nam. Mộng Hiệp nữ sĩ đã đổi ra làm truyện Nam mà cách đi đứng ăn nói cứ để nguyên không đổi lại nghe lại càng chướng lắm...”.
 
      Thực hư điều ấy chưa ai xác minh được, chỉ biết rằng Ngọc chìm đáy biển không ai nhắc đến nữa; và cái tên Mộng Hiệp nữ sĩ từ đó cũng không còn thấy xuất hiện.
 
      Tác phẩm được xuất bản trong năm 1927 như vậy chỉ còn Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa, một tác phẩm đã được dư luận chú ý và nhiều nhà hoạt động báo chí tiếng tăm như Huỳnh Thúc Kháng, Diệp Văn Kỳ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Bùi Thế Mỹ... giới thiệu. Điều cần nhấn mạnh ở đây là tác phẩm Tây phương mỹ nhơn chính xác là do một tác giả nữ sáng tác.
 
Tuy vậy trong số những tác phẩm của các tác giả nữ xuất bản trong  năm 1928 có một cuốn cần được lưu ý; đó là tác phẩm Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử. Theo Lời tựa của tác giả thì “Tiểu thuyết nhân tình ngẫu lục, toàn tập mười truyện, hoặc truyện thuộc về cựu thời, hoặc thuộc về kim thời, hoặc tự soạn, hoặc biên dịch; tùy dài ngắn khác nhau, song cái quan niệm của tác giả đều là hữu sở nhân mà ghi chép lại, chớ không phải bỗng dưng bịa đặt ra, hay là ưa vui văn chương mà làm ra”2. Kim Tú Cầu là chuyện kể về cuộc đời bất hạnh của cô Tú Cầu, con gái của một vị quan đã nghỉ hưu của triều đình Huế. Do những suy nghĩ sai lệch, bảo thủ của cha mẹ mà Tú Cầu phải dang dở duyên lành, trải thân đất khách và cuối cùng bỏ mạng xứ người. Qua nội dung của tác phẩm, có thể đoan chắc đây là một tác phẩm được tác giả sáng tác, mà bà gọi là tự soạn, không phải biên dịch, cảm như câu chuyện đã được Đạm Phương nữ sử ghi chép lại bằng những quan sát thấy được trong cuộc sống trước mắt bà.
 
Ý thức rất rõ công việc viết lách của mình, Đạm Phương nữ sử cũng là cây bút nữ đầu tiên nêu lên quan điểm sáng tác của mình: “Xưa nay người ta thường nói “tiểu thuyết là để cảm xúc lòng người”; nhưng về phần tôi, thì tôi nói rằng: vì có cảm xúc mới làm ra tiểu thuyết; bao nhiêu những điều mắt thấy tai nghe, dầu vui hay buồn, thương hay ghét, khen hay chê, có quan hệ đến nhơn tình phong tục há chẳng nên miêu tả như những bức truyền thần, để lại làm chỗ ký ức cho mình, và cũng để giúp phần suy nghiệm cho người đời”3.
 
Kim Tú Cầu trước khi được Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công phối hợp với nhà in Bảo Tồn xuất bản thành sách thì nó đã được đăng tải nhiều kỳ trên Lục Tỉnh Tân Văn (từ số 1460, 15-7-1922 rải rác đến số 1567, 22-10-1923) và Trung Bắc Tân Văn (từ số ngày 25-5-1923 đến số ngày 21-7-1923). Như vậy, thực chất tác phẩm đã được viết ra trước khi được in thành sách là sáu năm. Và nếu lấy thời gian xuất hiện Kim Tú Cầu trên báo Lục Tỉnh Tân Văn làm mốc thì chính tác phẩm này mới là tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do một phụ nữ sáng tác của văn học Việt Nam hiện đại.
 
Như vậy, nói một cách chính xác, Tây phương mỹ nhơn chỉ là một trong những tác phẩm viết bằng văn xuôi quốc ngữ ra đời sớm nhất của một cây bút phụ nữ ở nước ta, chứ không phải  “là vở tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra”4.
 
      
Những cây bút Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân... đều là những người phụ nữ tài danh trong thời đại họ đã sống. Những hoạt động văn hóa xã hội của họ minh chứng điều ấy. Đó là những trí thức nữ cấp tiến, linh hoạt hiếm hoi của đất nước ta đầu thế kỷ XX. Những người phụ nữ ít nhiều đã góp công trong việc đưa bạn quần thoa từ trướng gấm, buồng the góp mặt với xã hội, tạo thành một phong trào mà sau đó trở thành tôn chỉ của báo Phụ Nữ Tân Văn -  “Phấn son tô điểm sơn hà. Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.
 
Xin nhắc lại và nhấn mạnh một ý đã viết trong một bài nghiên cứu trước đây5: Có một so sánh nhỏ: nếu như các cây bút nam Nguyễn Trọng Quản, Trần Thiên Trung (Trần Chánh Chiếu), Trương Duy Toản... được coi là những người đi tiên phong mở đường cho văn xuôi hiện đại Việt Nam ra đời và phát triển thì các cây bút nữ Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân,... phải được kể là “những ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử”6, là những nữ văn sĩ lớp đầu tiên trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, dù do hạn chế của hoàn cảnh, thời đại, sự nghiệp văn chương của họ vẫn còn non và mỏng.
Chú thích: 
1. Cổ Nguyệt Hương. Truyện. Thanh Hương Hồ Thị Quế, Xưa Nay xuất bản, Sài Gòn, 1926, trang 1.
2. Lời tựa. Kim Tú Cầu. Đạm Phương nữ sử. Imp. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.
3. Như trên.
4. Giới thiệu sách mới. Đông Pháp Thời Báo số 607, ngày 22-7-1927.
5. Về một Thư quán của nữ lưu Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Nguyễn Kim Anh. Tạp chí Khoa Học Xã Hội, số 2, 2003.
6. Bài tựa. Tây phương mỹ nhơn. Huỳnh Thúc Kháng, Đông Pháp Thời Báo, số 607, 22-7-1927.
Nguyễn Kim Anh
Theo http://www.gio-o.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa

Chưa qua giông bão đã là ngày xưa! Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm/ Ồn ào mà vẫn cô đơn/ Sang Tây chẳng thấy vui...