Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Điều không biết trước

Điều không biết trước

1. Nắng chiều hắt những vệt vàng ửng xuống con đường đất thịt, hai bên là những bụi cây thấp lè tè, lá xanh tươi tốt. Xung quanh, những bông hoa dại thi nhau hứng lấy chút ánh sáng trong lành của một ngày cuối đông. Tiết trời miền Trung nắng lung linh ánh vàng. Sau những ngày mưa rả rích, nắng càng đẹp hơn, trong hơn.
Cơn gió nhẹ thoảng đưa những ngọn cỏ lau, bông trắng lất lơ giữa sắc nắng trong veo, tạo nên một cảnh tượng hoang sơ đầy mê hoặc. Một vẻ đẹp vừa bình dị vừa lộng lẫy, như bức tranh của một danh họa nổi tiếng. Huyên không nhớ tên người họa sỹ đã tạo nên những kiệt tác về những cánh đồng, vì chỉ vô tình nhìn thấy trên internet. Một mẫu thông tin bé tẹo, như hàng tỷ mẫu thông tin chạy túa tua trên màn hình máy tính, nơi quán nét công cộng, Huyên chưa kịp lưu. Đứng trước thực tại đầy mê đắm này, Huyên lờ mờ nhớ ra.
Huyên không đam mê hội họa. Hoàn cảnh xuất thân, điều kiện trưởng thành không thể tạo nên trong Huyên những nhân tố cần thiết để trở thành một người đam mê hội họa. Huyên đam mê cái đẹp. Mặc dù Huyên rất thích vẽ. Một sở thích mang tính bản năng. Huyên không hiểu sao mình lại có sở thích kì quặc như thế, ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách tới trường. Huyên vẫn hay nghe mẹ kể rằng, lúc thôi nôi, Huyên đã chọn một cây bút màu, và một cuốn vở bài tập. Huyên đã lấy cây bút màu vẽ tứ tung lên cuốn vở bài tập, những nét nguệch ngoạc.
Huyên đạp chiếc xe màu đỏ, đi qua con đường loằng ngoằng với muôn vàn tán lá xanh được phủ lên một lớp ánh sáng vàng óng. Khung cảnh siêu thực tự nhiên chiếm lấy tâm hồn Huyên. Huyên khao khát tận hưởng những giây phút hiếm hoi được thiên nhiên ban tặng.
Huyên dừng lại, chống chân xe xuống đất. Chiếc xe đứng thẳng bên một bụi cây dủ dẻ. Những bông hoa dủ dẻ vàng nghệ nằm lấp ló trên những tán lá xanh.
Huyên chạy lại bên cạnh một nhành hoa lau sặc sỡ nhất, tay chạm khẽ vào bông. Sự mềm mịn của bông lau tạo nên trong Huyên một khoái cảm dễ chịu, êm dịu. Huyên ngồi xuống, tay cầm cành lau trắng, nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu. Thả cành lau, Huyên đứng dậy, dang hai tay ra, cảm giác như muốn ôm cả vũ trụ vào lòng.
Thời gian như ngừng trôi.
Đằng xa, trên những ngọn cây thông liễu cao chót vót, những chú chim sẻ đua nhau cất tiếng lánh lót. Chúng tranh nhau một vị trí đẹp đẽ trên những nhành thông, để đắm đuối với sắc nắng vàng vào cuối ngày.
Suốt cả tuần trôi qua, đây là buổi chiều đầu tiên Huyên có cơ hội ngắm nắng, được thả hồn chìm đắm vào bầu trời huyền diệu của một miền quê yên ả.
Nhà Huyên nằm gần cửa sông, cạnh một khu chợ của một xóm ngư dân nghèo. Từ công ty về nhà, Huyên đi qua một con đường đất thịt, hai bên là những đám ruộng đất cát mênh mông, bạt ngàn. Huyên làm công nhân nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. Mỗi tuần trôi qua, chỉ duy nhất ngày chủ nhật Huyên được nghỉ vào lúc bốn giờ ba mươi phút chiều, những ngày còn lại trong tuần đều phải làm việc từ sáu giờ sáng đến hai mươi mốt giờ ba mươi phút tối. Ngày nào cũng vậy, công việc cuốn Huyên trôi vào bầu trời của đêm, khi hết ca làm trở về nhà.
Nhiều khi, Huyên tự hỏi, điều gì tạo nên sự khác nhau giữa người này người khác, trong sự tồn tại hữu hạn của một kiếp người. Vì sao Huyên lại yêu hoa, yêu cây cỏ, yêu đồng ruộng đến thế? Đặc biệt là Huyên rất yêu hoàng hôn. Những buổi chiều sặc sỡ nắng vàng trải dài trên những cánh đồng, luôn gợi lên trong Huyên một khát khao. Dù Huyên lớn lên trong một gia đình ngư nghiệp, nhà gần chợ, ngày ngày mùi cá tươi tanh nồng luôn chiếm cứ khứu giác, hoặc là mùi mực khăm khẳm, đôi khi là mùi thum thủm của những đống rác tạp nham từ góc chợ bay vào.
Có lẽ, những tháng năm cắp sách tới trường, đi qua những đám ruộng, những con đường đất cát, đất thịt, khung cảnh thơ mộng đầy hoa lá cỏ cây, đã dấy lên trong Huyên một tình yêu mang tính nguyên sơ về sắc màu. Huyên yêu thiên nhiên như yêu chính bản thân mình.
Giây phút hiếm hoi được thăng hoa cùng thiên nhiên cũng chóng tàn, khi bóng mặt trời dần khuất núi. Trời nhá nhem tối. Huyên lên xe, đạp về nhà.
2. Căn nhà cấp bốn thấp thĩn, nằm đơn lẻ giữa một hoang cỏ, gần sát chợ. Bên cạnh căn nhà có một lối mòn, là con đường đi ra cửa sông. Trong sân, người đàn bà dáng mảnh khảnh vừa quét lá vừa ho sù sụ. Trên những ngọn cây thông liễu gần đó, hàng trăm chú chim sẻ tìm chỗ ngủ, tiếng kêu rộn ràng.
Bóng chiều dần tàn, Huyên đạp xe qua hoang cỏ, chạy thẳng đến căn nhà.
Người đàn bà quét rác vào góc sân, bên cạnh một bụi tre. Bà mặc một chiếc áo bà ba sờn cũ. Bà vứt chiếc chổi quét qua một bên, đưa tay vào túi, lấy ra chiếc bật lửa. Bà châm lửa đốt đống rác.
Lửa cháy, khói bay lên.
Huyên đạp xe tới ngõ, chạy qua sân, đi thẳng vào nhà.
Người đàn bà đợi đống rác cháy hết, cầm chổi, đi vào trong nhà.
– Lại ngắm hoàng hôn à con?
Người đàn bà hỏi.
– Dạ! Hôm nay, hoàng hôn đẹp hơn mọi hôm, mẹ ạ!
Trong buồng, Huyên vừa thay đồ, vừa trả lời mẹ.
– Nếu nhà mình khấm khá hơn, thì con có thể có chọn lựa tốt hơn.
Nét mặt u buồn, người đàn bà chia sẻ.
– Con vui với chọn lựa của mình, mẹ ạ! Ít ra, trong hoàn cảnh hiện tại, con được gần mẹ.
Huyên bước từ trong buồng ra, đứng cạnh bàn ăn, nở một nụ cười thật tươi. Trên bàn ăn, có sẵn một mâm cơm gồm ba đôi đũa, ba cái chén, một nồi cơm, một đĩa cá nục kho, một tô canh mồng tơi, một đĩa rau lang, một chén nước mắm, một tô cà tím chiên nước mắm.
Ba Huyên chết trong một lần bị chìm thuyền ngoài biển, đã gần ba năm. Người đàn ông là trụ cột kinh tế của gia đình ra đi đột ngột, để lại một khoảng trống mênh mông cho ba mẹ con. Sau khi ba chết được một thời gian, thì mẹ lại bị đái tháo đường. Bác sỹ bảo, vì bà quá lo nghĩ nên ăn uống không điều độ, suy nhược cơ thể, huyết áp tăng, dẫn đến bệnh. Biến cố trên dồn hết lên vai Huyên. Mặc dù học giỏi và lòng mang một ước mơ lớn, nhưng Huyên phải dừng lại tất cả, sau một thời gian cố gắng xong chương trình phổ thông. Huyên muốn đi làm công nhân để lo cho mẹ và Thắng. Dù nhiều đêm khóc thầm vì cái chết của ba, vì căn bệnh của mẹ, vì ước mơ vụn vỡ, nhưng Huyên không cho phép mình yếu đuối.
Hai mẹ con đang nói chuyện thì Thắng chạy vào, người còn thở dốc, trên tay cầm trái bóng. Thắng chào mẹ và Huyên, rồi lăn quả bóng vào một góc tường.
– Chiều nay, nắng đẹp quá, chị hai nhỉ?
Thắng nhìn Huyên, nháy mắt, và nói vẻ đùa cợt.
Thắng biết rằng, Huyên là một người yêu hoàng hôn. Dù Thắng không thể nào hiểu được, vì sao chị lại yêu hoàng hôn đến thế. Cũng như Thắng không thể nào hiểu được, vì sao mình lại yêu bóng đá đến mê dại. Nhiều lúc, Thắng quên ăn quên ngủ, chỉ vì mê bóng đá. Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn thì chưa thể nào hiểu được những gì đang diễn ra một cách tự nhiên trong tâm hồn mình.
Người đàn bà bước lại bàn thờ chồng, di ảnh người chồng nhìn chằm chằm vào bà. Bà châm đèn, đốt nhang, lạy ba cái, cắm nhang vào lư. Bà đến bên bàn ăn, bới ra ba chén cơm. Huyên và Thắng đã tắm xong, cùng ngồi vào bàn. Bữa cơm đạm bạc của ba mẹ con nhà nghèo diễn ra trong lặng lẽ.
3. Sáu giờ kém mười, bầu trời chưa thực sáng tỏ, ánh bình mình vừa ló rạng, màu bóng nắng rực rỡ phía đông, báo hiệu một ngày nóng. Huyên lúi húi dìu xe đạp qua cổng nhà máy, đi thẳng vào khu để xe.
Như mọi ngày, trước khi vào xưởng sản xuất, Huyên đều bước lại quầy lấy thẻ chấm công. Quầy có thẻ chấm công được đặt trước cửa vào nhà máy, có người bảo vệ đứng canh. Bên cạnh quầy chấm công là những chiếc hộp sắt đựng những chiếc thẻ chấm công. Hộp đựng thẻ được chia theo tổ. Toàn nhà máy có mười lăm tổ, nên có mười lăm hộp đựng thẻ. Huyên cầm chiếc thẻ có tên mình, đưa thẻ vào máy chấm công, ấn mạnh. Chiếc thẻ chấm công bằng giấy cát tông đã điểm một chấm vào đúng ngày Huyên đi làm, như là tiếng đóng đinh của định mệnh. Bên cạnh Huyên là những người công nhân khác, lần lượt thực hiện hành động tương tự.
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu rộng tầm mười ngàn mét vuông, gồm ba khu nhà xưởng. Một nhà xưởng nguyên liệu, nơi đưa gỗ đầu vào, là gỗ thô. Gỗ thô là những thân cây gỗ được khai thác ở những cánh rừng gỗ nguyên liệu, thường những loại gỗ to. Gỗ nguyên liệu gồm nhiều loại cây khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà gỗ đầu vào khác nhau. Nhà xưởng thứ hai, nơi sản xuất, gồm các công đoạn như cắt, khoan, đánh tua bi, chà nhám, lắp ráp. Khu sản xuất máy móc nhiều, cần nhiều nhân lực nhất, hay xảy ra tai nạn lao động. Nhà xưởng thứ ba là địa phận hoàn thiện, gồm phun sơn, hoàn thành, đóng gói sản phẩm. Huyên làm công nhân trong khu sản xuất.
Mỗi ngày, Huyên làm việc từ sáu giờ sáng đến chín giờ ba mươi phút tối. Đó là những khoảng thời gian công ty tăng ca liên tục, vì hàng dồn dập. Ngày chủ nhật, Huyên vẫn ở nhà máy từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều. Cuộc sống của một đời công nhân lao động phổ thông lầm lũi cứ trôi qua, hết mùa hàng dồn dập này lại đến mùa hàng dồn dập khác, Huyên vẫn kiên trì với chọn lựa của mình.
Những ngày đầu tiên đi làm, lòng Huyên có nhiều xáo trộn, đắn đo, vì chọn lựa không tiếp tục theo học đại học như bạn bè. Đôi khi, Huyên cảm thấy tủi thân, vì Huyên học giỏi, nhưng do hoàn cảnh mà phải sớm từ bỏ ước mơ. Mỗi lần nghe bà con hàng xóm xôn xao về những người con học trường này trường kia, trong lòng Huyên như có điều gì rát buốt. Nhiều khi Huyên cố giấu nỗi buồn vào trong, không cho mẹ và Thắng biết. Số phận Huyên đã thế, không điều gì có thể thay đổi được.
Điều duy nhất Huyên có thể tin tưởng, là cố gắng làm công nhân thật tốt, để có tiền trang trải cuộc sống hiện tại. Bà con họ hàng chòm xóm, có thương có xót thì cũng đôi lời động viên, hoặc giúp được một hai bữa ăn, không ai có thể lo cho cuộc sống của ba mẹ con nghèo khó, mẹ lại bị đau yếu.
Huyên đã xây dựng ước mơ vào đại học từ khi đậu vào mười, lớp chọn của trường công. Tuy ngôi trường không quá nổi tiếng, nhưng để vào được lớp chọn, là một kỳ tích, cả trăm học sinh mới có một người được lọt vào. Huyên nghĩ mình thật may mắn khi là một trong số những học sinh giỏi của làng, được bà con trong họ trằm trồ. Huyên là hình ảnh đẹp đẽ mà bao ông bố bà mẹ hay lấy ra so sánh để trách cứ con mình không chịu chăm chỉ học hành cho bằng bạn bằng bè. Nhưng như câu nói lưu truyền ngàn năm, rằng người tính không bằng trời tính, lại quá đúng với số phận Huyên.
Ba là một ngư dân giỏi. Ba từng cứu sống nhiều người, trong hành trình sinh tử kiếm ăn ngoài khơi xa. Những người chủ tàu rất quý Ba, luôn muốn Ba làm thợ tàu cho mình. Nhưng Ba là một người rất thủy chung mặn nồng, đã làm cho chủ nào thì chỉ làm cho mỗi chủ đó. Vậy nên, mười mấy năm làm nghề, nhưng Ba chỉ làm cho một ông chủ duy nhất. Với sự giỏi giang của mình, cùng việc chi tiêu tiết kiệm, Ba dư khả năng để sắm một chiếc tàu riêng, để tách ra làm chủ. Ngày Ba sẵn sàng để ra làm chủ tàu, thì Ông bị một căn bệnh quái ác, bao nhiêu tiền tiêu tốn hết. Vậy là, sau mười mấy năm làm thuê làm mướn, Ba cũng không thoát khỏi kiếp làm thuê. Đó là thời điểm Huyên còn nhỏ, Thắng chưa ra đời, Huyên chỉ nghe mẹ kể lại.
Ông đã không qua khỏi. Nhiều lần, Ba tự trách mình bất lực, vì chỉ cần một khoản tiền nữa thôi, là Ông ra nước ngoài phẫu thuật, có thể thành công. Nhưng với những người lao động bình dân, thì không thể nào. Viện phí cũng không thể hỗ trợ được gì, với một ca phẫu thuật tốn kém, một loại bệnh nằm ngoài danh sách của chế độ bảo hiểm. Một ngư dân làm thuê thì lấy đâu ra tiền? Nhiều lần Ba tự trách cứ số phận, vì dù là một ngư dân giỏi thì Ba cũng không thể nào cứu sống được bố mình. Câu chuyện về gà trống nuôi con của Ông, làm mọi người cảm động. Sau khi vợ chết vì tai nạn, một vụ hi hữu trong làng. Trong một lần đi làm đồng về, Bà gặp một cơn mưa giông đột ngột. Một cơn mưa giông lớn. Sét đánh rền vang cả góc trời. Sét đánh mạnh làm ngã một thân cây to, cây ngã đè lên Bà. Bà chết tức tưởi. Ông nội ở vậy, làm lụng nuôi Ba. Giờ thêm câu chuyện về căn bệnh hiếm gặp của Ông, mọi người càng thêm cám cảnh. Nhưng ai nào biết được mệnh trời?
Rồi giông gió cũng hết, với sự kiên định và từng trải, Ba vượt qua được cú sốc tinh thần, sau cái chết của Ông. Kinh tế gia đình dần dần đi vào quỹ đạo ổn định. Tuy làm thuê, nhưng làm giỏi nên tiền công Ba kiếm được đủ để gia đình có một cuộc sống ấm cúng, dù không giàu có gì. Ngày ấy, Ba đi biển, mẹ Huyên buôn bán hàng ở chợ, có hẳn một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Hàng ngày, ngoài việc học, Huyên luôn hỗ trợ mẹ trong việc bán hàng hoặc cơm nước.
Ngày cả làng nhận được tin dữ, rằng cơn lốc đột ngột ngoài khơi xa đã cướp đi sinh mạng của gần một trăm ngư dân, cũng là ngày Mẹ tưởng chừng như mình đã chết. Ba là một trong gần một trăm ngư dân. Người đàn ông là trụ cột của gia đình đã ra đi, một cách không hề biết trước. Mẹ tiều tụy dần. Lúc đó, Huyên vừa bước sang học kỳ hai của lớp mười hai, Thắng học lớp hai.
4. Những ngày đầu tiên trong quãng đời làm công nhân suốt gần chín năm của mình, Huyên mang một nỗi buồn nặng trĩu. Bạn bè thời phổ thông đều đã vào đại học. Huyên là một trong năm học sinh giỏi nhất lớp, cái lớp chọn giỏi nhất khối ấy, gần như tất cả đều đỗ đại học. Trang là người bạn thân nhất của Huyên, chơi từ trước khi học tiểu học cho đến hết lớp mười hai, suốt hơn mười hai năm, cũng đã vào đại học như chúng bạn. Huyên cô đơn giữa những con đường thân thuộc. Huyên tủi phận giữa những ánh hoàng hôn sắp tàn. Bao nhiêu kỷ niệm thời phổ thông cùng bạn bè đi học ập đến, nhiều lúc Huyên tựa xe bên bụi cây, ngồi khóc thút thít. Huyên khóc cho hoàn cảnh khó khăn của mình. Huyên khóc cho số phận đã không cho mình cơ hội. Huyên từng ước mơ được làm cô giáo, nhưng tất cả tan thành mây khói, hóa thành ảo ảnh mù khơi, biến thành xa xăm thăm thẳm.
Huyên nhớ bạn lắm, nhưng ngày nào cũng vùi mình vào xưởng sản xuất, làm quần quật suốt ngày, cho đến khi về đến nhà, tắm rửa xong, thì cũng đã mười giờ đêm. Cuộc sống của người công nhân nghèo, vừa phải lo cho mẹ vừa phải lo cho em, Huyên phải cố gồng mình lên. Sống khó lắm! Nhiều khi muốn tâm sự cùng Trang, nhưng rồi Huyên đã chìm vào giấc ngủ. Cái làng quê còn nghèo vào những năm hai nghìn không trăm linh năm, nếu muốn tâm sự với bạn nơi xa thì chỉ có gọi điện. Huyên không có điện thoại bàn, mọi cơ hội để tâm sự cùng bạn bè gần như không có. Huyên chìm vào bầu trời tăm tối đó, ngủ say cho đến sáu giờ sáng, kịp dậy để đến nhà máy làm việc.
5. Thời điểm Huyên vào làm ở nhà máy cũng là lúc hàng về dồn dập, công việc phải tăng ca liên tục. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Huyên chưa từng nghĩ một ngày nào đó mình sẽ làm việc với mức độ nặng nề đến vậy. Trong tổ định hình, Huyên phụ trách khoan lỗ. Mỗi chi tiết ghế đưa vào khoan là một lần Huyên phải đẩy mạnh mũi khoan vào thân gỗ. Đó có thể là chi tiết một con bọ trong kết cấu chiếc ghế, hoặc chân ghế. Hành động đó được lặp đi lặp lại ngàn lần.
Trong tư thế đứng liên tục suốt mười bốn tiếng một ngày, làm chân tay Huyên mỏi nhừ, đầu óc ù ù. Nhiều khi, Huyên đinh ninh rằng mọi cảm giác cảm xúc của mình đã tan biến, chỉ còn lại cánh tay cứ vận động như một cái máy. Đó là những ngày tháng mười dương lịch, tiết trời thi thoảng có vài cơn mưa lớt phớt. Sau giờ làm, Huyên đạp xe về, cùng mấy chị trong nhà máy, cơn mưa phùn bỗng dưng ập đến. Những hạt mưa lún phún rơi lí rí, chạm vào má Huyên, gợi lên một nỗi buồn miên man. Sau một ngày làm việc ê ẩm thân người, Huyên nằm úp mặt vào gối, nước mắt lăn nhẹ. Huyên không biết vì sao nước mắt cứ tuôn ra, gối ướt lúc nào cũng không biết. Và Huyên chìm vào giấc ngủ lúc nào cũng không hay.
Hơn năm giờ sáng, Huyên đã dậy, kịp găm nồi cơm và hâm chút thức ăn. Vệ sinh sáng xong thì Huyên ăn sáng, chào mẹ, rồi vội vã đi làm. Những giọt nước mắt đêm qua, chỉ có chiếc gối là chứng nhân, Huyên thì không từng biết là đêm qua mình đã từng rơi lệ, vì một chút mũi lòng nào đó. Cuộc sống hiện tại đầy nhọc nhằn kéo Huyên đi. Và Huyên phải kiên định với chọn lựa của mình. Nếu không vượt qua được những tháng ngày đầu tiên đầy mệt mỏi, Huyên sẽ không thể đi làm công nhân, và không còn cơ hội nào để có thu nhập lo cho mẹ và Thắng.
Hơn năm rưỡi sáng, trời tháng mười còn thâm thẩm tối, có cơn gió lành lạnh, lại thêm vài hạt mưa lất phất, con đường đi qua một cánh đồng, Huyên nhận thấy một xúc cảm chênh vênh với muôn vàn thức cảm mơ hồ. Nhưng tiếng nói the thé của những người chị đồng nghiệp đã kéo Huyên về với hiện thực. Huyên cảm ơn những lời động viên an ủi, những sẻ chia từ những người đàn bà từng trải. Nếu trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn này không có mấy chị, có lẽ Huyên không trụ nổi.
Đến nhà máy vào lúc sáu giờ kém năm, Huyên kịp vào tổ định hình, và bắt đầu làm từ lúc sáu giờ. Mặc dù chân tay tê mỏi, ê ẩm, Huyên vẫn hì hục làm công việc mà số phận đã sắp đặt. Một người trẻ, mảnh dẻ, gầy gò, lòng mang đầy ước mơ, bắt đầu công cuộc vào đời với những tháng ngày vùi mình vào nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.
Bằng niềm tin mạnh mẽ trong lòng, Huyên nghĩ, rồi mọi việc sẽ ổn. Ít ra, Huyên vẫn còn một chút hi vọng, cho một cuộc sống bình yên!
6. Sau sáu năm làm công nhân ở nhà máy chế biến gỗ, Huyên kết hôn cùng Đức. Hạnh phúc của một người công nhân tuy nhỏ nhoi, nhưng nếu biết trân trọng, mọi khó khăn rồi cũng vượt qua.
Trong công ty, Đức là một chuyên viên kỹ thuật, vừa là một cán bộ đoàn mẫn cán. Từ khi mới quen nhau, Đức luôn động viên Huyên như thế! Đức luôn tâm sự cùng Huyên, rằng may mắn hay bất hạnh, là điều không ai biết trước, nhưng hạnh phúc lại do mỗi người tự tạo ra, qua những nỗ lực mỗi ngày.
7. Buổi sáng, tiết trời vào mùng sáu tết âm lịch âm u, mây đục trôi lờ nhờ mãi bên cuối dòng sông. Huyên ngồi cạnh tôi, bên trong căn nhà cấp bốn không đầy đủ tiện nghi, ánh mắt lơ mơ như thực như hư.
Sau khi Đức chết đột ngột, vì vụ tai nạn giao thông, Huyên không làm được gì. Tôi là bạn học thời phổ thông, biết tin Đức chết đã lâu, nhưng vì mưu sinh ở nơi xa xôi, nên nhân dịp về quê ăn tết, mới có cơ hội lên thắp nhang cho người bạn xấu số. Hơn sáu tháng đã qua, Huyên không tìm thấy niềm động lực sống. Huyên nghỉ việc, một phần do tâm lý bất ổn, sau khi chồng mất, một phần vì tình hình kinh tế khó khăn, sau đại dịch Covid, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự.
Huyên kết hôn cùng Đức chín năm, sinh hai đứa con, một trai một gái. Giờ Đức đột ngột ra đi, để lại cho Huyên một nỗi chơi vơi khó diễn tả. Ngày tôi lên thắp nhang, bằng một trực cảm nào đó, Huyên kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Tôi không hiểu, tại sao Huyên lại chịu nhiều bất hạnh đến vậy? Rồi mai này, khi đi làm lại công nhân, liệu có sống nổi?…
8. Huyên rơi vào tình huống tâm lý phức tạp, nhiều ý nghĩ đen tối ập đến trong đầu. Huyên muốn tự tử. Huyên muốn giải phóng mình và hai đứa con, khỏi đời sống trần gian cơ cực, bằng một mồi lửa. Căn nhà cấp bốn, sẽ dễ dàng cháy trụi trong khoảnh khắc, và không ai cứu kịp. Nhưng những u ám trong lòng Huyên cũng tan đi. Vì Huyên còn một niềm hi vọng. Cái ý nghĩ, người đoàn viên, đảng viên không thể làm thế, đã níu kéo Huyên trở lại sáng suốt hơn.
Và Huyên lấy lại niềm tin, khi những người làm công tác đoàn trong công ty luôn bên cạnh hỏi han, động viên, an ủi. Mảnh cát khô cằn trong tâm hồn Huyên, dần dần được tưới mát, bởi muôn vàn yêu thương và nâng đỡ của những người đồng chí!…
Huyên nhắn tin qua zalo, kể về công ty, về hai đứa nhỏ. Và tôi, một người bạn của chồng Huyên, luôn cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người đàn bà bất hạnh! Tôi tin. Vì bên cạnh Huyên luôn có những người bạn là đoàn viên, đảng viên biết sống vì mọi người!…
22/10/2023
Hà Hương Sơn
Nguồn: Báo Lao Động
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...