Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Khoảng lặng sau cái gật đầu

Khoảng lặng sau cái gật đầu

Khi đặt bút viết những bản thảo dù đã được định hình trước, tôi thường gặp chút khó khăn trong lúc khởi đầu. Những lúc ấy, tôi thường đọc lại những gì mình đã từng viết, nhớ lại những gì mình từng va chạm trong đời. Những câu chuyện của người đôi khi cũng là những bài học của mình - những năm tháng còn làm báo đã dạy tôi điều ấy.
Một chiều cách đây không lâu, rất tình cờ, tôi ngồi với thầy Nguyễn Gia Lập- người từng là thư ký riêng của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ- một nhà khoa học có lẽ là xuất sắc nhất trong lĩnh vực Vật Lý lý thuyết của Việt Nam.
Câu chuyện buông dưới chén trà nóng của một buổi chiều muộn khi mặt trời đã tắt nắng. Thầy kể rằng những ngày đầu tiên khi mới chuyển từ Bộ giáo dục sang Viện, giáo sư Hiệu nói rằng thầy hãy "thử" làm thư ký cho ông trong một tuần, ông đang cần một người ở vị trí ấy. Sau một tuần, ông nói:"Cậu làm khá đấy, cậu thử làm thêm hai tuần nữa nhé?"
Hai tuần sau là một câu hỏi tương tự: "Cậu làm tốt lắm, cậu có muốn làm thư ký của tôi thêm một thời gian nữa không?" Thầy Lập gật đầu.
Đó là một cái gật đầu có giá trị hai mươi mốt năm cuộc đời, cho đến năm 2004 khi giáo sư Hiệu nghỉ hưu.
Một khoảng lặng hai mươi mốt năm.
Mọi thứ của một đời người đôi khi sẽ hoàn toàn thay đổi sau một cái gật đầu.
Như một học sinh đứng trước học bổng du học...
Như một sinh viên xuất sắc mới ra trường và nhận được lời mời công việc đầu tiên...
Như một cô gái trước lời cầu hôn...
Như một chàng trai đứng trước những cám dỗ đầu đời...
Mọi thứ trong cuộc đời đều sẽ trôi qua như vậy, sau những lựa chọn ban đầu tưởng như mơ hồ.
Nhưng tôi thích cách mà thầy Lập nói ở cuối buổi trò chuyện ngẫu nhiên ấy: "Khi đó, tôi không nghĩ gì xa xôi, chỉ muốn làm sao làm thật tốt việc của mình mỗi ngày."
"Làm tốt việc của mình mỗi ngày". Đó là một sự bình thản đến đặc biệt của một người đã trải qua đủ những biến cố thăng trầm lớn nhất của đời người. Một sự bình thản mà chỉ có những người đã buông bỏ rồi mới có thể nói ra dễ dàng đến vậy.
Nhìn lại những năm tháng đã trôi qua, những người đã chia xa, những điều đã không còn là của ta, tôi cũng thấy nó không mạnh hơn một hơi thở đượm khói giữa cái lạnh mùa đông Hà Nội.
Chỉ như thoáng qua mà thôi.
Khi nhớ lại câu chuyện ấy- thứ mà chính tôi đã từng một lần chia sẻ- tôi nhớ đến cái gật đầu của chính mình cách đây có lẽ đã mười mấy năm. Khi đó, tôi mới chập chững viết truyện ngắn cho báo được một thời gian, hoàn toàn chưa có nhiều khái niệm rồi mình sẽ trở thành ai hay làm gì sau này trong đời. Tôi viết vì bởi tôi cảm thấy dễ dàng với điều ấy. Cũng như đọc sách, đá bóng, chơi điện tử, lắp ráp mô hình,chơi xếp chữ... việc viết mang lại cho tôi song song cả niềm vui và sự thỏa mãn. Không có khó khăn nào trong đó: những câu chuyện đến rất tự nhiên, tôi sắp xếp nó thành ngôn từ, rồi viết ra một cách trôi chảy nhất có thể. Nhiều năm sau, khi thai nghén những tác phẩm phức tạp hơn, tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc ấy, khi viết chỉ là viết- không cần cố gắng, không quan tâm tới nhuận bút, và cũng không cần để ý rằng những thứ mình viết rồi có lưu giữ lại trong tâm trí bạn đọc quá lâu không.
Vào quãng thời gian ấy, tôi nhận được lời mời ra sách của nhà xuất bản Kim Đồng từ anh Cao Xuân Sơn- khi ấy là Trưởng ban biên tập. Mãi sau này, tôi cũng chưa từng một lần hỏi lại anh rằng anh đã tìm ra tôi như thế nào, rằng điều gì khiến anh hứng thú với tôi, điều gì khiến anh muốn ra sách cho một đứa nhóc mười lăm tuổi, vì sao anh lại cho rằng sách của tôi có thể bán được, và rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy. Tôi không có câu trả lời. Chỉ nhớ khi lời mời đó xuất hiện, tôi cũng đã không nghĩ ngợi quá nhiều. Bằng những suy nghĩ đơn giản nhất,tôi tự quyết định thật nhanh, gật đầu ở một bước ngoặt trong con đường của mình.
Tôi chỉ không ngờ rằng cái gật đầu ấy đã kéo tôi đi một quãng dài. Để giờ đây, đã mười lăm năm nữa sau cuốn sách đầu tiên ấy, tôi vẫn ở đây, vẫn lặng lẽ thai nghén những tác phẩm khác, vẫn tìm thấy niềm hạnh phúc khi được viết. Nghiệp văn đã níu lấy tôi ngay từ cái gật đầu ấy, và có lẽ khi đó, cũng như thầy Nguyễn Gia Lập, tôi "chỉ muốn làm tốt việc của mình mỗi ngày", chỉ muốn viết từng câu chuyện, từng tản văn, từng tùy bút, từng bài báo... Những điều nho nhỏ mà tôi làm mỗi ngày ấy, khi gộp lại bỗng trở thành một hành trình- một hành trình mà giờ tôi vẫn đang bước tiếp.
Câu chuyện và chén trà của chiều hôm ấy đã làm tôi nhớ ra rằng chúng ta không thường thật sự lên kế hoạch cho cuộc đời mình, hoặc nói một cách chính xác hơn: những thứ mà chúng ta đang làm ngày hôm nay không phải bao giờ cũng đến từ những dự định xuất sắc một cách kỳ diệu nào đó. Vũ trụ dường như đã có một cách sắp xếp đặc biệt cho từng chuyển động của nó. Chúng ta chỉ sống và mở những cánh cửa trước mặt mỗi khi bước chân ta dừng ở đó,rồi đi tiếp, rồi lại đưa ra những quyết định của mình ở cánh cửa tiếp theo. Hạnh phúc lôi cuốn chúng ta mỗi ngày rồi dần sẽ trở thành đam mê, thành một phần cuộc sống. Chúng ta vay trong cái hoài bão ấy một chút niềm vui, và chúng ta trả lại cho nó một phần tuổi trẻ, hay cả một phần thời gian trong quãng đời người ít ỏi.
Buổi chiều muộn dần trôi, tôi trở về với căn phòng nhỏ khi trong lòng còn bâng khuâng một cảm giác êm êm, tựa như dư vị của một chén trà ngon, tự hồi tưởng lại quãng thời gian mình đã sống bắt đầu từ những quyết định chỉ mất vài giây đó, và tự hỏi, ngoài kia còn bao nhiêu cái gật đầu như thế, ngay cả khi bạn chưa từng để tâm tới chúng.
Minh Nhật
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...