Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Lằn ranh - Truyện ngắn của Nguyễn Duy Hiến

Lằn ranh - Truyện ngắn
của Nguyễn Duy Hiến

Lão Lục sở hữu vườn xoài 2 ha nằm chơi vơi giữa đồi. Để có đường vào vườn, lão mua thêm 6 mét từ ngoài đường cái vào. Khổ nỗi, phần đất mua thêm còn đám tre gai án giữa, lão không chặt. Cứ vào gần đám tre gai là tía con lão tạt qua phần đất người khác bỏ hoang từ mấy năm nay. Xui cho tía con lão Lục, phần đất đó đã có chủ. Nghe đâu của một ông bộ đội phục viên từ Quảng Trị vào đây lập nghiệp mua lại. Mảnh đất bỏ hoang bấy lâu của lão Lầu, tía con lão hợp thức hóa thành đường vào vườn của mình. Lão Lầu sang nhượng lại, chủ mới rào ranh trồng cỏ nuôi bò.
Nhìn đám cỏ trồng xanh rì, lại nhìn 6 bao phân trên moọc xe nắng chói lóa, lão Lục lòng rối như tơ vò. Nhích đôi tròng kính cận, mũi khịt khịt, lão Lục ngồi sau moọc gọi giật:
– Hinh khùng!
– Gì tía?
Lão vẫn thường gọi con như thế sau ngày nó té giếng. Hôm theo mấy người trỉa bắp, nó bước sụt lui cuốc lỗ cho người đi theo bỏ hạt, bỗng hẫng chân cả người lẫn cuốc biến mất trong đám cỏ mỹ um tùm. Cái giếng sâu 9 mét bỏ hoang không phát cỏ, cũng không cắm biển báo. Thằng cha chủ đất này thật vô tâm. Vùng đất này trước thuộc Lâm trường Suối Dưng trồng tràm. Còn cái giếng là của mấy lão bảo vệ trước ở đây dùng. Nay cây tràm thanh lý cho Xí nghiệp chế biến giấy Đồng Nai, đất giao lại cho dân hợp đồng dọn nhánh, móc gốc, cày lên trồng bắp.
Cũng hên cho thằng Hinh, hôm đó chân mang ủng và cái giếng có ít nước không thì tiêu đời. Thằng này cũng không vừa. Nghe tiếng khóc tỉ ti ở trên, nó càng câm lặng không nhúc nhích động đậy. Mọi người cứ đinh ninh rằng nó đã chết. Một người chạy nhanh về báo tin cho tía nó hay. Mấy người còn lại bàn tính tìm cách xuống giếng buộc dây trục xác nó lên. Nghe vậy, thằng Hinh mới xoãi chân bấm vào thành giếng đột ngột ngoi lên. Thấy nó còn sống như một thiên thần, mọi người mừng quá cười ra nước mắt. Bạn gái nó cởi áo, nắn cổ sờ đầu. Thằng Hinh cười, lộ hàm răng “nạo dừa”.
Lão Lục quát:
– Mày xuống xe lại nhổ hàng rào để kéo phân vào bỏ cho cây xoài kẻo trưa nắng.
– Nhổ sao được tía? Cỏ người ta trồng lên cao, mình vào sao được. Để con lấy rựa chặt bụi tre gai làm đường chạy xe vào.
– Giờ này đứng đó mà chặt mấy bụi tre gai. Mày đúng là thằng khùng!
Lão Lục khịt khịt mũi chửi con và bước lại nhổ lên một khoảng hàng rào dẹp sang bên. Lão quay lại ngồi lên yên xe máy bậm môi đạp. Chiếc honda vỡ bô nổ phành phành kéo theo cái moọc chở 6 bao phân chạy bang vào. Con trai lão chết trân đứng nhìn mấy hàng cỏ cao gần cả mét rạp xuống dưới bánh xe tía nó càn vào. Nó lo lắng đưa tay gãi gãi đầu tiếc nuối. Cái ranh chủ đất chôn cây cặp ba tầng nẹp. Cách đó không xa có mấy con bò nhà ai thả rong.
Trần Dũng thu xếp công việc nhà giao cho vợ rồi vào huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai xin làm cho một trại gà nuôi gia công. Lương mấy tháng đầu ông dành dụm mua được con bò cái nay đã sinh bê. Dự tính sau một năm, Trần Dũng về quê đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Không có rẫy canh tác, vợ chồng dự tính nuôi bò sinh sản. Tiền trợ cấp thương binh, cùng tiền làm và mượn thêm bà con một ít, vợ chồng ông mua lại phần đất lão Lầu. “Có bò nuôi thì phải trồng cỏ, chứ công đâu đi cắt hàng ngày”. Nghe vợ nói, ngoài buổi làm ông Trần Dũng đi kiếm cỏ voi về trồng. Cỏ lên đều ngay vào mùa mưa, đang xanh mởn thì bị bò nhà khác thả hoang gặm hết. Vợ chồng buồn hiu. Vợ động viên chồng:
– Thôi thì ta trồng lại ông…
– Lần này mình chắc xây hàng rào gạch.
– Trời đất, tiền đâu mà xây, bộ ông tưởng ít sao? Hơn 800 m2 đất chứ đâu ít.
– Thôi thì ta rào bằng kẽm gai. Mà kẽm gai cũng mất đứt mấy triệu. Mà nghe nói mấy chủ vườn gần đó làm hàng rào kẽm gai đêm bị chúng cắt trộm đem bán ve chai.
Bàn tính riết, vợ chồng ông Trần Dũng làm hàng rào bằng cây, gọi là “vật liệu” tại chỗ.
Trên 800 m2 đất, ông Trần Dũng cùng vợ trồng hết cỏ nuôi bò. Ông hy vọng rồi đây, từ mẹ con bò cái này sẽ sinh sản thêm thành đàn. Có thể ông bán đất ngoài quê vào đây mua đất rẫy, chăn nuôi bò phát triển kinh tế lâu dài. “Kế hoạch” đã được vạch trước. Đến lúc đó hai vợ chồng không làm cho trại gà nữa mà tập trung làm việc nhà. Mấy ngày trước ông Trần Dũng mua phân u-rê qua bón cho cỏ. Gió thoảng lung lay từng hàng cỏ xanh rì. Lòng ông hân hoan cảm giác như nhà nông được mùa.
Trải qua những năm tháng chiến trường ác liệt, rời tay súng, Trần Dũng về quê làm nhà nông thực thụ. Làm rẫy, nuôi bò, đã nhiều lần ông tâm sự cùng vợ như thế. Ký ức một thời trong đạn bom khói lửa đọng lại trong ông, ước gì gặp lại những người bạn đã từng chiến đấu bên nhau. Có nhiều người bỏ ông, bỏ đồng đội nằm lại chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông đã từng nói với vợ muốn vào tỉnh Đồng Nai làm ăn, cốt để được gặp lại người bạn trước cùng trung đội. Nghe đâu bạn ông đưa vợ con từ Bến Tre lên đây đã mười mấy năm rồi. Trần Dũng nói bạn ông tên là Lục, trung đội gọi là “Lục khịt” vì có tật hay khịt khịt mũi trước khi nói.
Chiều, hết giờ làm ở trại gà, vợ Trần Dũng về nhà lo cơm nước. Ông  lấy xe máy chạy ra chỗ trồng cỏ, nhân tiện cắt ít về cho mẹ con bò. Trần Dũng tắt máy để xe ngoài. Ông bước vào, chợt hoa mắt khi thấy 5 con bò đang quần nát đám cỏ trồng. Ông với tay bẻ nhánh tràm nhào tới quất lia lịa, 5 con bò giật mình chạy tán loạn. Cả đám cỏ cao ngang lưng quần đều nằm rạp, một số bị dính bùn đất, bởi dấu xe máy chạy vào và dấu chân bò giẫm lên. Mặt Trần Dũng tái tím. Ông đứng như trời trồng, buông tiếng thở dài.
Ông đi lại gò mối, uể oãi bước lên rồi ngồi xuống. Nhìn ông khác hẳn thường ngày, trông quá thảm hại, ủ dột như con gà chọi vừa ra khỏi sới. “Mình đâu có lấn đất, sao họ lại nhổ hàng rào? Cây sắt họ đóng làm mức ranh vẫn nguyên vẹn”. Trần Dũng vò đầu suy nghĩ. Ông bất lực, chống tay lên gối đứng dậy. Vết thương ở hông trở chứng đau nhói. Ông bước khập khểnh ra chỗ để xe, ngoái lại nhìn, lắc đầu.
Ông chạy xe mắt nhìn đường mà tâm trí để đâu. Hai bánh cứ nhảy lên từng cục đá gim trên con đường đất. Về tới nơi làm, ông Trần Dũng tắt máy để xe gần chuồng bò. Con bò con hất mõm lên vú mẹ nhẹ tâng không còn giọt sữa. Bụng nó lép kẹp phần đói, phần con bú, nước mắt nó chảy xuống, đọng lại một vệt đen dài. Con bò con rời vú mẹ, bất lực, nó nằm xuống đất, thở dài, bụng hóp sâu. Nhìn mẹ con bò, lòng ông Trần Dũng đau như cắt.
– Sao không cắt cỏ về cho bò ăn? – Vợ ông từ trong nhà bước ra, ngạc nhiên hỏi.
– Đâu còn cỏ mà cắt. Mình rào, ai nhổ bứt một khúc. Dấu xe honda chạy vào, dấu bò gặm dẫm nát. Họ phá quá mình bán đất trở về quê lại thôi, bà ạ!
– Thế còn bò?
– Bán luôn…
Ông Trần Dũng trả lời vợ, giọng nghẹn lại trong nước mắt.
Lão Lục tối ngày lụi cụi trong nhà, sau bếp nấu rượu bỏ các quán tạp hóa và bán lẻ. Hèm rượu lão bán cho mấy người nuôi bò và để lại một ít nuôi ao cá sau nhà. Đi bộ đội về, dưới quê lão làm nông cật lực vẫn không dư. Lão đưa cả gia đình lên xã Thanh Sơn, huyện Định Quán ở. Lên đây lão sang lại vườn xoài, vừa nấu rượu nuôi heo, nuôi cá, kinh tế phất lên như diều.
Hôm nay ngọn gió nào đưa lão tờ mờ sớm đã chạy xe vào thăm vườn. Từ xa, nhác thấy có bóng người, lão Lục thắng gấp, cho xe vào lề đường tắt máy. Bước lại chỗ lùm cây, lão đứng lại nheo nheo mắt nhìn. Người đàn ông đứng nhìn đám cỏ trồng dập nát, mặt đăm đăm, tỏ vẻ tức giận quay về hướng lão. Lão Lục há hốc mồm định hét lên – Trần Dũng! Lập tức lão kiềm chế được. Lão sợ và nghĩ cần phải giữ an toàn cho mình. Lão không thể làm cái chuyện thất đức này, nếu Trần Dũng biết?
Lão nhớ lại những ngày đầu của tháng 4/1975. Trung đoàn bộ binh 15B, Sư đoàn 325 đơn vị lão tiến đánh căn cứ Xuân Lộc. Vừa băng qua hàng rào kẽm gai thứ nhất, bỗng ánh chớp lóe sáng. Lão bị ai đó xô té sấp và người đó đè sấp lên mình lão. Sau tiếng nổ inh đầu, lão lồm cồm ngồi dậy, trong làn khói thuốc pháo, lão nhìn kỹ người cứu mình là Trần Dũng, xạ thủ B40, quê xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lão thoát chết trong gang tấc. Còn Trần Dũng bị thương ở hông trái và dập nửa bàn chân phải.
Lão quay xe khuất lùm cây rồi vội vàng đạp máy. Lão phóng nhanh như sợ người đàn ông đó nhận ra lão, rượt đuổi theo lão.
Mụ vợ chuẩn bị hành lý cho lão từ tối. Sáng sớm lão kêu thằng Hinh chở lão ra ngã ba 107, Quốc lộ 20 để đón xe về quê.
– Tía đi chắc đến nửa tháng mới lên. Ở nhà mày cứ theo công việc mà làm. Nếu có ai kiếm tía thì nói tía con về quê trị bệnh trĩ đã hơn tháng nay rồi.
– Tía nói dối. Con đâu nghe tía bị bệnh trĩ bao giờ?
Lão Lục khịt khịt mũi:
– Mầy đúng là thằng khùng! Thôi. Chở tía đi nhanh cho kịp chuyến xe đầu. 7 giờ 20 phút, có xe Phương Lâm đi Bến Tre đó…
Ngồi lên xe. Lão thở phào nhẹ nhõm. Thế là ổn. Mọi chuyện đổ cho thằng con trai lão. Chẳng ai chấp cớ thằng khùng đâu…?
Thằng Hinh móc cái moọc vào đuôi xe. Nó ra sau nhà bê số cây bỏ lên moọc xe, rồi quay vào nhà lấy rựa, búa, xà beng và mấy khoanh dây kẽm. Mụ Lục nheo nheo mắt hỏi:
– Mày chở số cây này đi đâu? Cây tía để làm chuồng heo.
– Con xuống làm lại cái ranh cho họ. Tía giở hàng rào chạy xe vào. Chạy qua, chạy về, tía không để con rào lại, bò vào ăn hết cỏ người ta trồng. Liệu đất nhà mình trồng xuống cây gì, ai đó phá má có chịu được không? Hay là mắng chửi người ta. Tía với má cũng một bụng như nhau, ích kỷ hẹp hòi chỉ biết của mình mà coi thường của người khác. Tía về quê 10 ngày nay rồi, con mới dám xuống. Má đừng có cản. Mấy ngày nay con chạy xe đường vòng xuống vườn. Tuy xa gấp hai đường nhưng không qua đất cây trồng người khác.
Ai nói nó khùng. Nó còn phân biệt được cái đúng, cái sai. Chuyện đời không qua được mắt nó. Mụ Lục rơm rớm nước mắt. Thằng con trai út của mụ, thằng Hinh khùng còn hơn thằng cha già chết tiệt. Lão làm chuyện sai trái rồi kiếm cớ chạy xa bay, để hậu quả đổ lên đầu thằng nhỏ. Nghe con nói, mụ Lục đay nghiến chồng ăn ở bất nhơn. Biết đâu được thằng cha bộ đội đó là bạn chiến đấu ngày xưa cùng với chã cũng nên.
– Ừa, thì con lấy số cây này xuống rào lại cho họ rồi chặt dọn đường bên mình mà vào. Nhớ, nếu gặp ông ấy bảo cùng vợ đến nhà chơi nghen con, rồi xin lỗi họ. Kiếm cỏ giống trồng lại cho người ta. Số nào tía con làm ngã xem khắc phục được thì vun đất vào gốc, về nhà lấy phân u-rê qua bỏ.
– Dạ! Con đi nghe má!
Thằng Hinh đạp máy, lôi cái moọc sứt mấy múi hàn tấm thiếc lót dưới, chạy long cong trên đường nhựa. Nửa giờ sau nó quay xe về, mụ Lục ngạc nhiên:
– Sao con không làm lại cái ranh cho họ lại chở cây về?
– Miếng đất đó họ sang trở lại cho chú Lầu và về quê rồi má. – Thằng Hinh buồn rầu trả lời.
Hết nửa tháng, lão Lục đón xe lên lại Đồng Nai. Dẫu được nghe thằng Hinh khùng nói lại người trồng cỏ đã bán đất về quê, lão vẫn muốn xuống đó một lần. Nhìn khúc hàng rào dở, nhìn khoảng cỏ hoang tàn nhàu vò, mặt lão đơ lại. Lão khịt khịt mũi, nhểnh lên, lộ hai chùm lông nhỏ màu trắng đục y màu tro. Nước mắt lão Lục loang loáng tròng kính cận.
Khóa cổ xe, lão lội bộ băng qua nhà lão Lầu.
– Anh sang lại miếng đất của họ rồi à?
– Ờ, mua luôn cả bò.
– Bao nhiêu?
– Nửa tỷ
– Anh chia lại cho tôi đi. Tôi sẽ bồi dưỡng thêm cho anh.
Lão Lầu ngạc nhiên trố mắt nhìn lão Lục. Thằng cha này nói sao chứ đất vườn xoài, đất nhà cả đống thế giờ còn đòi mua thêm đất và mua luôn cả bò. Hai vợ chồng già và thằng Hinh khùng ăn bao nhiêu mà ham đất cho nhiều. Rồi còn bò ai chăm?
Lão Lục kể lại toàn bộ câu chuyện cho vợ chồng lão Lầu nghe. Lão năn nỉ: “Thôi, nể tình anh em ở với nhau đây đã lâu. Anh chị cho tôi chuộc lại…”. Lão Lầu đồng ý: “Lấy lại giá gốc chứ tiền bồi dưỡng con mẹ gì. Anh em nhậu một bữa là xong”…
– Tôi mua lại của lão Lầu phần đất trồng cỏ đó rồi mẹ thằng Hinh ạ.
– Bao nhiêu? Mà ông mua thêm đất làm gì?
– Nửa tỷ. Tôi mua luôn cả cặp bò. Mua cho chú ấy… Ngày mai tôi và bà đi ra Quảng Trị một chuyến. Thật tình tôi có lỗi… Chú ấy đã lấy thân che chở tôi thoát chết trong trận đánh căn cứ Xuân Lộc.
– Tía cho con đi theo với.
– Con ở nhà xuống vào đất mấy luống cỏ trồng. Thôi, tôi chở bà xuống chồng tiền đất cho vợ chồng chú Lầu.
– Ừ, chờ tui tý còn mở tủ lấy tiền…
26/8/2023
Nguyễn Duy Hiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...