Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Nguyễn Vũ Quỳnh sâu nặng tình quê

Nguyễn Vũ Quỳnh sâu nặng tình quê

Trên văn đàn phía Nam, Nguyễn Vũ Quỳnh là một trong những cây bút sung sức. Anh viết đều và chất lượng tác phẩm được đánh giá cao. Năm 2023, nhà thơ lại ra mắt tác phẩm thứ 8, Ru lại lời quê – Với thi phẩm này, dấu ấn sáng tạo của Nguyễn Vũ Quỳnh ngày càng rõ trên hành trình văn chương của anh.
Với những người xa xứ, quê hương luôn là nơi nhớ về, sâu nặng ân tình, nơi tìm về sau những bôn ba, mỏi gối chồn chân hoặc đã an bài công danh sự nghiệp. Về với nơi chôn nhau cắt rốn, có cả tuổi thơ nghèo khó mà bây giờ nghĩ lại là tươi đẹp; cả khi vừa lớn lên, có những rung động đầu đời thì đã lên đường làm người lính, mang theo tất cả những nỗi niềm vào hành trang, rồi thành ký ức ngủ yên, một hôm sống dậy cồn cào trên những trang thơ. Ru lại lời quê, tựa tập thơ cũng cho thấy rõ chủ đề là những tự tình thương mến của một người con với quê nhà. Nguyễn Vũ Quỳnh trong đời thường là một nhà thơ, một nhà báo từng trải, đi nhiều hiểu rộng thì tình cảm làng quê trong anh càng sâu sắc hơn. Bên cạnh những bài thơ viết về thế sự, về xã hội với cái nhìn gai góc và sắc sảo, đầy day dứt trước biến động tình người, thì những dòng thơ viết về làng quê xứ Thanh như áng mây lành che bớt cái nắng ban trưa, như dòng suối làm dịu những cồn cào, bức xúc. Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh lúc này là những câu những chữ đem lại giá trị “chữa lành” cho những ai đang buồn đau, người đọc nhìn ra bóng mình trong đó và an nhiên đi tiếp trong hành trình của cõi người.
Những người con rời quê ra đi ngày ấy như anh viết: “Lớn lên chúng mình như hương hoa cải/ bay xa để lại quê nhà…/ thuở ấy chúng tôi dại khờ như con suối, con khe/ nơi cỏ cây bên bờ hoang dại/ như mây trời đỏng đảnh ở đáy sông” (Chất vấn cánh đồng).
Phải thấu cảm đến tinh tế mới có thể viết những câu lục bát nao lòng: “Năm xưa mẹ nhặt tháng ngày/ cõng đời con nặng luống cày chân đê”. Bóng mẹ gầy nhỏ mà lớn lao vô cùng. Đức hy sinh như biển trời chỉ trong hai câu thơ dồn nén, thật đẹp bóng hình người mẹ quê hương.
Bao nhiêu người con miền quê như tôi và người đọc muốn rơi nước mắt khi Nguyễn Vũ Quỳnh viết thật quá, xúc động:
“Làng tôi thuở ấy quê mùa/ cánh cò hoang hoải cáy cua cũng gầy/ hạn khô như vắt cổ chày/ dòng sông cạn bụng tháng ngày long đong”
Vất vả, khó nghèo, nhưng vẫn ánh lên niềm vui dự báo một mùa vàng: “Cái ngày cây lúa trổ bông/ lời ru gặt giữa cánh đồng mẹ tôi” (Cánh đồng mẹ tôi).
Bìa tập thơ “Ru lại lời quê” của Nguyễn Vũ Quỳnh
Một trong những bài thơ đẹp trong tập này là bài Thương miền quê xa, với những câu thơ da diết: “Quê thơm mùi quả lạc tiên/ quê xưa sợi chỉ cái kim mượn hoài/ quê hương sắn nướng và khoai/ quê nhiều thứ lắm mệt nhoài bão giông/ quê là của nả nhà nông/ quê nuôi người trẻ lên ông lên bà”… Dùng thủ pháp liệt kê mà không đem lại sự nhàm chán, bởi kể ra cho đủ để người nghe hình dung rõ hơn về quê, để thấy tình quê, lòng người quê cùng sự duyên dáng ẩn sau những từ mộc mạc, “cây kim sợi chỉ mượn hoài” như lời trách yêu, mượn là cái cớ để gặp nhau, mượn hoài để rồi thành đôi, bền chặt.
Những miền quê của ba miền Bắc – Trung – Nam hòa trong tình yêu quê chung nước Việt dấu yêu, rời góc bếp ra đi đến khi trở lại không chỉ một mình, đưa em về thăm quê trong câu thơ ngời lên hạnh phúc: “Quê ơi! Thơm đến thật thà/ quê từ bếp núc mà ra bây giờ/ về quê cộng với người ta/ vẫn là hai đứa thành ra chúng mình”.
Ru lại lời quê cũng dành những đoạn hồi ức, tâm tình của người lính Nguyễn Vũ Quỳnh, những ngày Trường Sơn lửa đạn trong kháng chiến chống Mỹ, những người lính và những cô thanh niên xung phong đều rất trẻ, rất đẹp, đi vào cuộc kháng chiến với tâm thế nhẹ nhàng của tuổi thanh xuân. Sau đạn bom, họ có những giây phút yên bình:
“Đakrông lạnh lắm suốt mùa đông/ em xuống tắm cả dòng sông nổi nóng/ hoa ven bờ cũng thầm ghen bóng/ nụ em hồng ngà ngọc của mẹ cho/ đời lính đi qua dốc Khỉ đèo Ho/ chỉ áo xuân hè với vành mũ cối/ tiếng phập phồng con tim bối rối” (Trường Sơn gửi lại mai sau).
Nhưng chiến tranh đã lấy đi của họ nhiều thứ, để bây giờ với Nguyễn Vũ Quỳnh là nỗi tiếc thương và với người đọc là không thể ngăn những dòng nước mắt: “Đêm Mỹ thả bom tiếng nổ rung trời/ người ngã xuống không một lời trăn trối/ cái bếp thường ngày hôm nay không khói/ mặt đường ngả nghiêng tiếng gọi rã rời”.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng biết bao nỗi ngổn ngang thế sự đời thường, không ít cô thanh niên xung phong ngày ấy tìm đến cửa Phật: “Sau Ba mươi tháng Tư bao suy nghĩ ưu tư/ những nấm mộ mới lên xanh màu cỏ/ chia tay Trường Sơn người không về với phố/ vẫn ao ước một lần thấm thía nụ hôn/ còn lắm người số phận mãi long đong/ cùng với nhau nơi bến không chồng/ vẫn an nguyên quãng đời tu hạnh/ tiếng chuông chùa se sắt bóng nhà sư”.
Và sau 50 năm, những người lính lái xe ngày ấy, gặp lại nhau vẫn ăm ắp nghĩa tình, dù hoàn cảnh sống mỗi người đã khác nhau khi cởi áo lính, về lại đời thường: “Những rủi ro trên đường đời số phận/ kẻ thường dân đứa may mắn làm to/ đứa sang giàu đứa nghèo khó rủi ro…/ cảm ơn đời và đồng đội của tôi/ cứ tự nhiên như ôm vô lăng thời trẻ/ cuộc gặp chung vui bao điều san sẻ” (Ta gặp lại ta).
Đi qua những khúc cua, ngã rẽ của cuộc đời, nếm trải hết những gian nguy, trái tim thơ của Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn đập những nhịp trầm thiết tha. Tiễn một người về với sông Thao, anh thấy mình có phần vụng dại: “Phút ban đầu con tim bề bộn quá/ chưa cạn chiều mà đầy cả đêm nay/ khoảnh khắc ơi, sao giờ xa vời vợi/ một mình anh ngơ ngác đứng bên đời/ tiếng thơ em như cung đàn giao hưởng/ em là người anh hóa sóng sông Thao” (Hóa sóng sông Thao).
Đôi khi như một sự tình cờ, một tiếng hát và một bóng hình cũng làm chao đảo tâm hồn thi sĩ. Để một ngày, tất cả lùi xa, câu thơ đong đầy luyến tiếc: “Ta uống nhầm tiếng hát hay/ mà sao say giữa tháng ngày của nhau/ biết chiều còn có mai sau/ con tim lỗi nhịp nỗi đau ngọt ngào/ người ta cộng với ngày xa/ tàu đời chẳng đợi sân ga vắng người/ hôm nay bỗng nhớ một người/ biết rằng chẳng đến tháng mười ngày xưa” (Nỗi đau ngọt ngào).
Đã có những đêm, rất nhiều đêm, nhà thơ ngồi đối diện bóng mình, đếm những khuya khoắt trôi qua là một cách nói ẩn dụ, mà phía sau đó là thao thức với những vần thơ, là những người xa, bến vắng, thềm cũ, người xưa; là những nỗi niềm trầm luân cõi nhân sinh: “Cạn chiều ly rượu đầy vơi/ mà sao đáy chén sánh lời lắng sâu/ cuộc đời bao nỗi lo âu/ bỗng dưng cất nắng mưa đâu rối bời/ bóng đêm vọng tiếng tàu đời/ tựa vào thao thức ta ngồi đếm khuya” (Đếm khuya).
Nguyễn Vũ Quỳnh có những câu thơ vụt sáng, lan tỏa trang thơ những niềm ý vị. Bao nhiêu người viết về giếng làng, song Nguyễn Vũ Quỳnh viết rất duyên dáng, đọc tới đâu ngọt lành tới đó ngụm nước giếng làng: “Lời trong như giếng quê nhà/ mắt ai lúng liếng như là đang yêu/ nơi đây bến đợi những chiều/ tiếng nhà quê, tiếng sáo diều võng đưa/ mùa hạ sớt xuống hạt mưa/ mía nhà ngọt lịm bởi trưa gió lào”.
Một thi ảnh đẹp, một tứ thơ bất ngờ làm người đọc thích thú: “Khuya về chấp chới chiêm bao/ nụ cười bên giếng lật nhào trời quê”.
Bên giếng, ban ngày, có cô thiếu nữ xinh giòn, cô cười nụ cười tỏa nắng, đáy giếng giữ nụ cười cô cùng bầu trời xanh. Khuya về, trong nỗi nhớ của chàng trai, trời quê “lật nhào” bên giếng mà chàng cũng bị “lật nhào” bởi một nụ cười, một dáng hình…
Yêu thơ, cả đời đắm đuối với thơ, Nguyễn Vũ Quỳnh viết những đúc kết của nhà thơ đích thực, lao động quên mình trên cánh đồng chữ nghĩa:
“Nhân tình thế thái bể dâu/ cũng gần thơ đấy chắc đâu đã thành/…sóng ngầm bão tố mưa sa/ thơ là rượu đã chắt qua lẽ đời/ câu thơ trong tiếng ru hời/ thì ra thơ đã trong lời bình an/… công nghệ thay những từ yêu/ mai sau trẻ có đọc Kiều làm thơ?” (Mai sau).
Suốt cuộc đời nhà thơ, từ tuổi trẻ biền biệt xa quê đi chiến đấu, ra quân sống và lập nghiệp nơi xứ người, trở về với quê hương là trọn vẹn ân tình, quê nhà luôn giang rộng vòng tay đón đợi những đứa con xa, Nguyễn Vũ Quỳnh viết những lời gan ruột chân thành: “Phiêu bạt đời con không ở chốn quê/ chuyến xe đời qua khúc cua ngày ấy/ giục bước chân xa chiều qua bến đợi/ nhặt mẩu chuyện tình mình đã đánh rơi/ quê đã hết những tháng năm gian khổ/ viết lại ngày xưa kỷ niệm cứ tràn về” (Viết lại lời quê).
Trong Ru lại lời quê, nhà thơ gửi một tâm tình dâng tặng cho thơ, cho đời, nơi cha mẹ cho nên vóc hình, quê hương cho giọng nói: “Tạo thành vóc dáng đời con/ tiếng quê thương lắm ngọt còn mãi thơm/ lời quê từ mạ đến rơm/ thành miếng cá thành bát cơm ngày ngày/ Mẹ ơi, còn đến hôm nay/ vì con có cả đời này với quê”.
Đó cũng là một lời thưa với mẹ rằng, con có cả cuộc đời với cha mẹ, quê hương. Nói với bạn đọc rằng, còn có quê hương là hạnh phúc của đời người, của người dân nước Việt dấu yêu.
26/10/2023
Bùi Phan Thảo
Nguồn: Văn Nghệ số 40/2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...