Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Nhà thơ Trần Quang Quý, người bị "Thơ làm"

Nhà thơ Trần Quang Quý,
người bị "Thơ làm"

“Làm cái gì cũng thế thôi, đặc biệt là làm nghệ thuật; nếu không có sự dấn thân, nếu không có yêu mến nhiệt huyết với nó thì không bao giờ thành được cái gì. Nhưng để thành được cái gì cần phải có một tư duy hệ thống, đặc biệt là con đường đi của thơ mình, hệ thống ngôn ngữ, thủ pháp của thơ mình để tạo thành giọng điệu không thể lẫn với ai. Đọc người khác để tích lũy nền tảng, phát hiện mình tìm hướng đi cho mình, tích lũy trải nghiệm từ cuộc sống. Khi anh có đủ đầy vốn sống, đủ đầy hệ thống thẩm mỹ và vốn liếng tri thức cùng bề  dày ngôn ngữ của riêng anh thì anh mới mạnh dạn đổi mới được đó là một sực chuẩn bị rất dài thậm chí phải trả giá cho những điều ấy”.
Tôi biết và đọc thơ Trần Quang Quý hồi mới ra học trường viết văn Nguyễn Du khóa V. Trong lớp có nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến quen biết rất nhiều nhà thơ như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh thỉnh thoảng đến trường chơi qua họ tôi mới biết cái tên Trần Quang Quý. Nhưng Trần Quang Quý thì không thấy đến , tôi chỉ biết ông đang là Tổng biên tập tờ báo “Gia đình và Xã hội” được dư luận đánh giá cao, sôi động rất “hót” hồi đó. Trong lớp tôi cũng có mấy cây bút viết báo cộng tác cho tờ báo này như Đặng Thị Thanh Hương. Và tôi đã đọc hai tập thơ của ông khi ấy là “Viết cho em trong ngôi nhà chật” và đặc biệt là tập “Mắt thẳm”. Tôi còn nhớ cái bìa sách khá ấn tưởng dù rất giản đơn với hai tông màu xanh và đen. Họa sĩ vẻ bìa chính là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (1993) – Một giải thưởng rất sáng giá cùng với tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều. Sau này tôi nghe nhà thơ Trần Quang Quý kể lại, lẽ ra tập thơ “Mắt thẳm” đã được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1994. Khi đó ông đang đi công tác ở Sài Gòn thì nhận được điện thoại của nhà thơ Lê Đạt – Chánh chủ khảo Hội đồng chung khảo thông báo rất hồ hởi: “Chúc mừng cháu nhé, năm nay cháu được giải thưởng của Hội Nhà văn tập “Mắt thẳm” cùng với nhà thơ Chế Lan Viên tập “Di cảo”. Một người trẻ, một người già , một người đang sung sức một người đã mất”. Trần Quang Quý rất vui vì ông là người yêu mến chất  trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên và chất đồng quê trong thơ Exinhin (Nga). Nhưng buồn thay thật hụt  hẩng khi cống bố chính thức chỉ còn cuốn “Di cảo” của Chế Lan Viên. Tôi hỏi lý do , ông lắc đầu giọng trầm buồn khác cái giọng nói trầm ấm điềm đạm thường ngày của ông: “Mình có hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh về sự cố ấy, nhà thơ hé lộ lý do nhưng vì vấn đề tế nhị nên chỉ biết thế thôi”. Rồi ông cười. Trần Quang Quý có tiếng cười phá lên trong đó có sự ngạc nhiên, dí dỏm bất chợt, chính cái tiếng cười ấm áp và tin cậy này đã tạo ra mối đồng cảm của ông và những người khác vô tư mà nhiều ngẫm ngợi. Tính ông trầm lắng không bốc đồng kể cả những khi  bia bọt vẫn có chút lơ  đễnh như đang nghĩ gì đâu đâu. Cái “đâu đâu” thường trực ấy chính là nàng thơ đỏng đảnh, kiêu kỳ mà đầy ma lực quyến rũ. Tôi thường nghĩ đa số chúng ta là những người “làm thơ”, nhưng rất ít người bị “thơ làm” như ông như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Thường, phần lớn người làm thơ khi trẻ thì say mê nhiệt huyết với thơ. Đó như là một lớp nhung tuyết run rẩy trên “tấm áo thơ” đầy bản năng. Nhưng càng lớn tuổi, thì sáng tác chậm lại  thậm chí có người không viết nữa, buông bút. Nhưng Trần Quang Quý thì ngược lại, càng tuổi nhiều càng chiêm nghiệm như phù sa lắng lại trầm tích ông lại càng viết khỏe. Trong khoảng thời gian 10 năm mà ông cho ra đời bốn tập thơ đầy ấn tượng. Đó là “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2003); “Siêu thị  mặt” (2006); “Cánh đồng người” (2010); “Màu tự do của đất” (2012). Ông đã ba lần nhận giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là các tập thơ: “Siêu thị  mặt”,  “Màu tự do của đất” và gần đây nhất là tập “Nguồn” (2020). Và rất bất ngờ dù đang bạo bệnh  giành giật từng ngày với sự sống vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo, khi cơ thể ông phải truyền đạm thay bằng đường ăn thì tháng 7.2022 ông cho ra đời liên tiếp hai tập thơ mới viết. Đó là “Những nẻo người” và “Niềm  tỏa bóng”.
Tôi nhớ mình có vài kỷ niệm khá sâu sắc với nhà thơ Trần Quang Quý trong những chuyến đi dài ngắn, trong nước và ngoài nước khác nhau. Đó là lần đi dự liên hoan thơ quốc tế ở Ấn Độ. Ông làm trưởng đoàn kiêm phiên dịch tiếng Anh. Thì ra ông đã từng tốt nghiệp khóa II trường viết văn Nguyễn Du cùng với nhà văn Đức Ban quê Hà Tĩnh và là bạn văn thân thiết với tôi. Ông kể: Hồi đó ông từ Phú Thọ xuống, Đức Ban từ Hà Tĩnh ra, người thì thơ người thì văn xuôi nhưng có chung cái chất quê cứ hiện rõ có gì thật giản đơn thuần hậu lắm. Quê nhưng không mùa  đều có cái “cao sang”. Ông đã từng về Hà Tĩnh thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho Đức Ban. Ông còn theo học đại học ngoại ngữ mà sau này với vốn ngoại ngữ đó đã giúp ông rất nhiều trong các chuyến đi nước ngoài, giao lưu với bạn văn quốc tế; Và cả trong việc đọc nguyên bản các bài thơ hay từ tiếng Anh. Đoàn chúng tôi gồm bốn người, ngoài ông có thêm tôi, nhà thơ Lê Huy Mậu và Đặng Thị Thanh Hương. Hương nhanh nhẹn hoạt bát, hoạt ngôn mặc dù dáng người nhỏ nhắn, Lê Huy Mậu có vẻ cũ kỷ, chất phác thật thà đến vụng về và tôi cũng vậy cứ ngơ ngác vì lần đầu tiên được “xuất ngoại” lại không biết một tiếng bẻ đôi ngoại ngữ. Khi quá cảnh ở Băng Cốc (Thái Lan) trong khi ba chúng tôi  rủ nhau đi xem hàng hóa, chụp ảnh thì Trần Quang Quý ngồi một mình nhiều vẻ trầm tư nghĩ ngợi và lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ ghi chép những câu thơ vụt đến. Trong cuốn sổ này tôi còn nhìn thấy nhiều mẫu câu tiếng Anh mà ông đang tự học. Ông nhìn thấy sự  óng ánh vàng li ti của mạch nha của lúa mì trong chai rượu Chi Vát 12 mà tôi vừa mua ở sân bay chảy trong huyết mạch, huyết quản khi chúng tôi nâng ly. Cũng như sau này dọc hành trình chuyến đi chúng tôi hành hương về đất phật Lumbini (Nepal) và khi trở về thị trần Gaia, bang Bihar nơi Đức Phật ngồi thiện định, niết bàn (Bồ Đề đạo tràng), ông bất ngờ  phát hiện ra một “Bình minh trên sông Hồng” mà chúng tôi không nghĩ tới: “Dòng sông như người mẹ cần lao và đa mang vắt từng giọt sữa/ Sữa của trời xanh/ Sữa đất đai huyền bí/ Rót nhân từ, từ cuống họng châu thổ” .Trong những đêm lưu trú ở nhà chùa “Việt Nam quốc tự” do thầy Thích Huyền Diệu xây dựng ở Bồ Đề đạo tràng hay trên chuyến xe  rong ruổi gần một ngày từ Ấn Độ sang Nepal khi đi qua những triền sông, những câu cầu, những cánh đồng làng mạc của nông thôn Ấn Độ, Trần Quang  Quý say sưa kể cho chúng tôi nghe về làng quê ông nơi cội nguồn của trầm tích thơ không vơi  cạn trong ông. Ông nói: “Mỗi miền quê trên đất Việt đều in dấu những truyền thuyến cổ tích huyền thoại những biểu tượng, những công trình văn hóa và vùng núi Tản sông Đà quê ông cũng có những đặc trưng riêng biệt. Ông sinh ở làng Hạ Bì, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đi dọc vùng hạ lưu sông Đà, bên kia là núi Ba Vì in bóng vằng  vặc xuống sông nước”. Khi đến chùa Việt Nam ở Nepal nơi Đức Phật sinh ra, đoàn chúng tôi gặp một họa sĩ có tên là Hai Lúa tình nguyện từ Việt Nam (cụ thể là một tỉnh phía Nam) sang đây chỉ mỗi công việc là vẽ hoa sen được coi như là quốc hoa của nước Việt cho nhà chùa. Họa sĩ người nhỏ, đen sắt mà tranh thì tươi tắn dào dạt bay bổng rất lãng mạn phóng khoáng với tâm hồn Nam Bộ. họa sĩ bảo: Chúng tôi, mỗi người đọc một bài thơ hay vài câu thơ về quê tâm đắc nhất. Tôi đọc hai câu trong bài thơ “Hồn Quê”: “Bánh đa cong mái nhà lá cũng cong/ Con đường  cát, giấc mơ đêm cũng”. Lê Huy Mậu thì tuôn chảy: “Khúc hát sông quê” mà Nguyễn Trọng Tạo đã chọn phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng. Riêng Trần Quang Quý đọc một bài thơ về quê, về mẹ thật da diết cảm động. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một ý thơ hay đến giật mình: “Mẹ gặt hái cánh đồng và cánh đồng gặt hái mẹ”. Thì ra nguồn cội, đất đai, thân phận con người trong những chuyển biến của đời sống thời mở của là những chủ đề xuyên suốt thơ ông. Sau tập “Viết tặng em trong nhà chật” đến tập “Mắt thẳm”, ông muốn bộc lộ một cách nhìn sâu về cuộc sống và con người. Ý tưởng này được tập trung và thể hiện đa diện hơn qua tập “Giấc mơ hình chiếc thớt” đi vào thân phận những người yếu thế, những người ngoài lề, những người thua thiệt trong xã hội.  Và đến “Siêu thị  mặt” là những con người trong xã hội đi trên đường phố hay trên cửa hàng một khu chung cư nào đó, trong đó có những gương mặt tốt, những gương mặt  giả dối, có gương mặt ngụy tạo, có gương mặt xu nịnh. Đến tập “Màu tự do của đất”, ông lại quan tâm nhiều đến đời sống của người nông dân. Họ muốn thoát khỏi mảnh đất gần như là số phận đã chôn chân họ trong một không gian văn hóa làng. Trong ngôi làng khép kín của mình, trên cánh đồng của mình suốt đời nối nhau mùa vụ nắng mưa gió bão vất vả quanh năm luôn luôn túng thiếu, luôn luôn quẩn quanh. Tôi nhớ hôm giao lưu đọc thơ với bạn bè thơ quốc tế ở Ấn Độ, Trần Quang Quý và kể cả Đặng Thị Thanh Hương đã đọc thơ mình bằng tiếng Việt và cả bản dịch sang tiếng Anh được nhiều người yêu thích và ngạc nhiên. Ðến lượt tôi, thật bất ngờ khi nhà thơ Trần Quang Quý bước ra sân khấu trịnh trọng giới thiệu bằng tiếng Anh (một trong những ngôn ngữ thông dụng ở Ấn Độ) về Đại thi hào Nguyễn Du cùng quê hương với tôi. Mọi người trong hội trường đứng dậy vỗ tay vì họ đã nghe tiếng Nguyễn Du là vị thánh thơ như thi hào Tagoo (Ấn Độ). Tiếp đó tôi đọc bài thơ “Biến tấu biển” bằng tiếng Việt gồm mấy khúc ngắn. Có lẽ do nhịp điệu của bài thơ như  sóng biển và cách đọc hào sảng của mình được mọi người chú ý và thích thú. Khi về chỗ ngồi, Trần Quang Quý nói nhỏ: “Phú đọc tốt lắm”. Tôi bối rối cám ơn  ông đã có màn dạo đầu về Đại thi hào Nguyễn Du rất tuyệt để hướng sự chú ý của mọi người. Suốt hành trình gần 10 ngày ở Ấn Độ về nhà tôi chỉ viết được một bút ký còn Trần Quang Quý có hẳn một chùm thơ hơn 10 bài, bài nào cũng hay mang đậm sắc màu văn hóa thần bí của đất nước và con người Ấn Độ. Sau này tôi mới biết ông đã đi hàng chục nước và thơ ông cũng đã được chuyển ngữ nhiều. Ví như thơ ông đã được xuất bản ở một nhà xuất bản của Mỹ, in trong nhiều tuyển tập ở Ấn Độ, Anh Quốc, Hàn Quốc, in nhiều lần các tạp chí ở Ấn Độ và Rumani, Italia, phát trên đài phát thanh ở Mỹ. Nhà thơ Trần Quang Quý có tố chất “thủ lĩnh”, ông một thời là người lái con thuyền của báo “Gia đình Xã hội” vượt qua sóng gió thị trường để chiếm lĩnh và phát hành với số lượng lớn trong cả nước. Tôi cứ nghĩ, giá như những kỳ đại hội nhà văn nếu ông trúng cử Ban chấp hành thì việc làm Tổng biên tập một tờ báo hay tạp chí chuyên văn học hợp với sở trường và tâm huyết của ông. Ông là người năng động luôn nghĩ ra cái mới và chính ông cũng là người thực thi một cách quyết đoán bằng tài năng của mình . Trần Quang Quý là người đầu tiên nghĩ ra hình thức thơ Namkau và đã in thành tập được dư luận cùng nhiều nhà thơ có uy tín hết sức quan tâm. Gọi là thơ 5 câu bởi mỗi bài thơ chỉ gồm 5 câu thơ bố cục theo thứ tự 3 + 2 thể hiện một suy tư, một chiêm nghiệm. Và đây là một trong bài thơ  Namkau của nhà Trần Quang Qúy “ Sông Đà  duỗi nắng thu/ Mây trắng thắt nơ trên đỉnh Ba Vì/Làm  phông cho sóng  diễn/ Mỗi lần về quê/ Sông  giặt tôi phơi lại”. Và bây giờ câu lạc bộ thơ Namkau   đã ra đời với nhiều Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Phạm Quỳnh Loan,  Đỗ Mai Hòa, Ngô Đức Hành, Đinh Ngọc Diệp, Lôi Vũ, Dương Văn Lượng… Có thể nói Trần Quang Quý luôn đau đáu với thơ và thơ luôn “thường trực” trong  ông. Ví như lần cùng ông về thăm làng cổ Đường Lâm, khi đến thăm các di tích lịch sử tôi mãi mê chụp ảnh còn ông mê mãi ngồi trong xe làm thơ, cũng với cuốn sổ tay ghi chép nhỏ quen thuộc để trong túi áo. Và cứ thế “Một sáng ở Đường Lâm” ra đời một cách lộng lẫy mà thấm đẩm vô cùng: “Đá ong xếp thâm trầm khung cổng vào những căn nhà cổ/ Tôi vừa bước qua một bước mấy trăm năm/ Thưởng chén trà  ngậy hương trong nhà cổ  bạn văn họ Hà / Nắng trộn vào sắc áo dài thiếu nữ/ Nụ cười duyên và rỗ đá  ong”. Thơ đến với ông một cách nhuần  nhị chậm rãi mà tài hoa như thế. Nhưng để có những câu thơ rất  thần ấy Trần Quang Quý đã từng đau đáu chiêm nghiệm, vắt kiệt mình dâng hiến, hết mình với thơ như ông đã từng chia sẻ: “Làm cái gì cũng thế thôi, đặc biệt là làm nghệ thuật; nếu không có sự dấn thân, nếu không có yêu mến nhiệt huyết với nó thì không bao giờ thành được cái gì. Nhưng để thành được cái gì cần phải có một tư duy hệ thống, đặc biệt là con đường đi của thơ mình, hệ thống ngôn ngữ, thủ pháp của thơ mình để tạo thành giọng điệu không thể lẫn với ai. Đọc người khác để tích lũy nền tảng, phát hiện mình tìm hướng đi cho mình, tích lũy trải nghiệm từ cuộc sống. Khi anh có đủ đầy vốn sống, đủ đầy hệ thống thẩm mỹ và vốn liếng tri thức cùng bề  dày ngôn ngữ của riêng anh thì anh mới mạnh dạn đổi mới được đó là một sực chuẩn bị rất dài thậm chí phải trả giá cho những điều ấy”.
Vâng, ông đã có chuẩn bị tiềm lực, nội lực cho mình một cách âm thầm bền bỉ và kỹ lưỡng. Ông cũng đã từng trả giá, cuộc đời cũng như thơ ông nếm trải bao đắng đót để dâng hiến cho đời “mật ngọt”. Mùa  thu này nắng thật vàng, nắng vàng sóng sánh như rót mật ong, thu Hà Nội thật đẹp và quyến rũ. Chàng thi sĩ ngày nào là chiến sĩ trinh sát biên phòng vạm vỡ và giỏi võ xông xáo đi thực tế với một nội lực sức khỏe và thơ tiềm tàng thì nay phải nằm trên gường bệnh trong căn phòng bốn bức tường màu vôi trắng lạnh. Những ngày này sức khỏe ông đang  hụt dần và ngọn đèn càng hút cạn dần thì càng lóe lên ánh hào quang kỳ diệu, bao dự định đang được ông thực hiện một cách kỳ diệu. Sức mạnh vào trong ông vậy ?. Có lẽ là như nhà thơ Phùng Quán đã viết “Vịn cây thơ mà đứng dậy”. Nhà thơ Trần Quang Qúy đã bị “thơ làm” và chính thơ đã “làm ra ông” một thi si Trần Quang Quý được nhiều người trong giới văn nghệ sĩ đã đánh giá ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong thế hệ sau năm 1975…
Hà Tĩnh, 5/8/2022
Nguyễn Ngọc Phú
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...