Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Nơi ấy có hoa cười trên đá

Nơi ấy có hoa cười trên đá

Bạn đã bao giờ một mình đứng trên đỉnh núi  bạt ngàn hoa tam giác mạch trắng tím hồng, trên đầu mây bay, gió lộng bát ngát, dưới chân là những dãy núi đá điệp trùng chạy bất tận đến chân trời? Nếu chưa, bạn hãy thử cảm giác ngây ngất, bình yên, thoát tục, choáng ngợp và thấy trái tim mình dạt dào tình yêu quê hương đất nước mỗi khi có dịp đến với cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang nhé!
Bây giờ đã là cuối tháng Mười. Tiết cuối thu, đầu đông, lá vàng bảng lảng vòm cây và xao xác mặt đường nhiều hơn, sáng dìu dịu heo may từ phương Bắc thổi về, chiều đã thả màn sương mơ hồ tim tím…  Không biết trên cao nguyên đá bây giờ, gió đã lạnh nhiều chưa? Sương có giăng mờ mịt, khói mây có đùn lên từng cột lúc hửng sáng và chiều buông như đôi lần tôi đến đó dịp này năm xưa?
Hình như tôi có chút duyên với cao nguyên đá tháng Mười. Thật tình cờ, lần nào đi công tác Hà Giang, tôi cũng đi vào dịp cuối thu. Nhớ lần đầu lên cao nguyên đá, đường đi hiểm trở hơn bây giờ nhiều, hoa tam giác mạch cũng ít người biết đến, lễ hội hoa chưa được tổ chức, cột cờ Lũng Cú còn giản dị lắm, đâu hoành tráng như hôm nay, vậy mà cảm xúc của tôi khi ấy mới mạnh mẽ làm sao!
Đã từng đi gần hết một vùng biên cương Tây Bắc, ngắm bao miền núi non bồng bềnh trong mây như chốn bồng lai tiên cảnh, nhưng cao nguyên đá đề lại trong tôi ấn tượng hùng vĩ, thiêng liêng lạ kỳ. Không biết có phải vì nơi ấy là đỉnh cực Bắc của Tổ quốc, với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh núi Rồng Lũng Cú, hay bởi nơi ấy có dòng Nho Quế xanh biếc như sợi chỉ xanh, nếu ngắm từ  con đường mang tên Hạnh Phúc ngang đèo Mã Pì Lèng nổi tiếng? Hay bởi phiên chợ tình Khau Vai, Mèo Vạc, một năm chỉ duy nhất họp một phiên? Hay vì tôi yêu những rừng sa mộc cao vút, thơm hương nhựa, đầy sức sống vươn lên từ đáy vực, yêu những bản làng xinh xắn, đẹp như tranh của người Dao Đỏ, người Lô Lô…, yêu những nếp váy xòe hoa trên hàng rào đá người H’Mông những buổi trưa hừng nắng? Chỉ biết rằng, tôi rất yêu không gian bình yên, phóng khoáng này, nơi những chú chim sải đôi cánh rộng liệng bay trên triền đá rồi nhẹ nhàng đáp từng đôi, véo von trên đường đèo hiểm trở! Tôi yêu những hàng đào, lê, mận trổ hoa trắng, hồng lộng lẫy bên những nếp nhà trình tường khi xuân về; yêu những thửa ruộng bậc thang uốn mình cùng đá núi, những nương cải hoa vàng màu nắng… Và đặc biệt là yêu những triền núi ngút ngát hoa tam giác mạch bạt ngàn mỗi khi mùa thu se lạnh theo về…
Chẳng biết hoa gắn với đồng bào nơi đây tự bao giờ mà gần gũi trong từng bữa ăn, từ bát canh, miếng bánh tới men rượu nồng ngây ngất. Bao em nhỏ má hồng đùa chơi cùng hoa. Bao đôi lứa e ấp tỏ tình, ngả mình bên những đụn thân ngô thấp thoáng giữa sắc tím- trắng- hồng tam giác mạch. Hoa cứ mênh mang, rập rờn trong gió núi, như những nụ cười của đá tặng người gieo hạt, gửi niềm vui đến bao du khách vượt ngàn dặm đường xa, dốc đèo thăm thẳm tới đây.
Tôi đã reo lên trên đường khi ngắm Núi Đôi tròn trặn, đẹp tuyệt vời nơi Quản Bạ, rồi lại reo to lần nữa lúc từ Yên Minh, khi vượt qua những rừng trẩu hoa trắng muốt thì choáng ngợp trước một sườn núi bừng hoa phấn hồng. Tôi nhất định đòi  lái xe cho dừng chân nơi này để leo lên tận nơi ngắm tam giác mạch lần đầu tiên. Ngồi trên tảng đá xám giữa triền hoa, tôi đã nghe mấy bạn trẻ người H’Mông làm văn hóa kể về sự tích loài hoa giản dị ấy.
Chuyện đã xưa lắm rồi, không biết từ đời nào, ông Trời thương dân đã cho hai nàng Tiên Gạo và Tiên Ngô đi gieo hạt  xuống trần gian. Hai nàng cẩn thận sàng sảy mày trấu, mày ngô nơi thung sâu, khe núi rồi mới tung hạt giống. Lúa ngô lên bời bời xanh mướt, kết hạt, đến mùa người thu hoạch về ăn. Miền núi cao khắc nghiệt, ngô lúa nhiều khi có năm chẳng đủ dùng, đến mùa giáp hạt, bản làng đói nghèo buồn  hiu hắt. Nhà nhà, người người chia nhau đi khắp núi rừng tìm kiếm cái ăn. Mùa đông đến gần, sắp kiệt sức vì không tìm thấy thứ gì thực sự làm ấm bụng, họ đi mãi đến bên một thung sâu. Một làn gió đưa mùi hương là lạ. Họ nhìn quanh thì sửng sốt nhận ra những dòng suối hoa li ti trắng hồng vắt dài theo khe núi, lan từ vách đá này sang vách đá khác. Họ tìm xuống tận nơi, hái những lá non hình tam giác nấp dưới hoa nấu ăn thử thì thấy vị hơi ngai ngái nhưng ngọt và thơm nơi cuống họng. Tin là loài cây quý, có thể cứu giúp con người vượt qua đói khát, bà con hy vọng, đợi chờ, và khi cây cho hạt, họ thu hoạch mang về ăn xem sao thì thấy ngon chẳng kém gạo và ngô. Cả bản làng mừng vui, sung sướng. Vì thấy hạt nhỏ xinh như mày lúa, mày ngô nên bà con gọi là mạch, lá xanh hình tam giác nên từ đó cái tên tam giác mạch ra đời. Loài cây từ khe núi bắt đầu lan lên nương rẫy, làm đẹp núi non, bản làng, và làm ấm cái bụng những ngày lúa ngô sắp cạn. Khói bếp lại vấn vương trên những nếp nhà vùng cao thấp thoáng trong mây bay…
Câu chuyện vừa dứt, chúng tôi xuống một ngôi nhà ven đường. Chị chủ nhà mời mọi người ăn những lát bánh nhỏ trắng muốt. Chị bảo bánh bột tam giác mạch mới làm thử. Tôi vừa uống nước lá rừng vừa nhấm nháp vị ngọt thanh mát, xuýt xoa khen ngon. Chị bảo: – Về Đồng Văn em nhớ ăn món cháo tam giác mạch, cháo ấu tẩu, uống rượu ngô – tam giác mạch với các món ngon của bà con người mình nhé!
Tôi đã theo đúng lời chị dặn nhưng còn “ăn uống” nhiều hơn vẻ đẹp tinh thần của vùng đất này. Tôi yêu những nụ cười hiền miền sơn cước, yêu những con người chân chất, nhiệt huyết nơi đây, yêu những em bé má hồng căng vì sương lạnh, gió rừng; yêu  những cánh hoa dân dã nở trên tay, trên gùi các em vẫy tặng những du khách phương xa; yêu hương thơm các món ăn dân tộc mỗi sớm tinh sương, yêu rộn ràng phố chợ! Màn đêm buông rồi, tôi vẫn còn lang thang nơi phố cổ Đồng Văn, thưởng thức hương cà phê ấm áp từ quán cà phê cổ kính, giản dị hai tầng lợp ngói âm dương, có những chiếc đèn lồng đỏ treo cao mời gọi. Khuya về vẫn muốn nghênh mặt đón những cơn gió se lạnh chạy dọc đường phố núi, dõi nhìn những vách đá sáng trắng trong ánh trăng, lắng nghe tiếng sáo Mèo dìu dặt thoảng xa vọng tới…
Nhà thơ Bùi Thanh Hà với trẻ em vùng cao
Tôi đã háo hức đợi bình minh lên để đi thăm những địa danh nổi tiếng: Dinh thự vua Mèo, Cung đường Hạnh Phúc, Cột cờ Lũng Cú… Lòng nhủ thầm nhất định phải trèo lên tận dỉnh núi cao để ngắm cho được cảnh sắc hùng vĩ của một miền biên viễn…
Mặt trời tỏa hào quang rực rỡ trên những ngọn núi hình chóp nón chạm khắc vào nền trời xanh bát ngát. Dòng sông Nho Quế như một sợi chỉ xanh thăm thẳm phía vực sâu (và sau này như một dải khăn lụa biếc xanh khi đã ngăn đập làm thủy điện). Tôi không thể hình dung cách đây trên nửa thế kỉ rồi, đầu thập kỉ 60 của thế kỉ XX, hàng ngàn nam nữ thanh niên xung phong và dân công đã treo mình trên vách đá, chịu đói chịu rét, hy sinh gian khổ suốt sáu năm trời (1959- 1965), chiến đấu với cả thổ phỉ để mở con đường Hạnh Phúc dài 185km xuyên mây, đem no ấm đến những bản làng cao nguyên đá Đồng Văn hiểm trở xa xôi. 14 liệt sĩ đã ngã xuống để con đường nở hoa hạnh phúc. Ngay cung đường đèo quanh co mép vực 21 cây số nối Đồng Văn – Mèo Vạc nhìn xuống dòng Nho Quế đẹp hút hồn này, nơi sống mũi cao vút, ngựa cũng phải quỵ ngã tắt thở, anh chị em đã bám núi, lơ lửng trên miệng vực, đục đẽo, lấn từng centimet, phá từng khối đá với búa choòng, xà beng thủ công, bàn tay bật máu suốt 11 tháng trời để con đường nối kết hai huyện vùng cao mãi mãi đi vào huyền thoại.
Con đường giờ rộng đẹp, an toàn hơn, cỏ tốt ngời ngợi bên taluy miệng vực mờ sương, vách đá vẫn kiêu hãnh lặng im đón gió mây như ngàn đời im lặng. Dòng sông ngước mắt xanh biếc dịu dàng dõi nhìn đỉnh núi chót vót. Bao bàn chân đi và đến, có bàn chân nào bịn rịn nhớ tới những bước chân đầu tiên của tuổi thanh xuân khai phá con đường?
Sau này, khi cụm tượng đài kỉ niệm Thanh niên xung phong con đường Hạnh Phúc được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, tôi đã đứng  dưới chân tượng những người anh hùng một thuở mà rưng rưng nhớ về những ngày xa xôi ấy. Có lẽ mảnh đất nào trên Tổ quốc Việt Nam cũng thấm đẫm mồ hôi, xương máu của lớp lớp cha ông. Những dãy núi đá điệp trùng, những đám mây trắng nối nhau giăng hàng lờ lững trôi trên đầu như còn mang bóng dáng đội ngũ những anh hùng bình dị một thời trong veo, đẹp đẽ!
Cảm xúc ấy sẽ càng mãnh liệt khi ta đứng dưới bóng cờ Tổ quốc trên đỉnh cực Bắc Lũng Cú, độ cao 1.470m so với mực nước biển, đỉnh chóp nón Việt Nam. Tôi còn nhớ mình đã xúc động thế nào khi lần đầu tiên leo đến những bậc cao nhất dưới bóng quốc kỳ. Lá cờ đỏ sao vàng sà xuống quấn quanh tôi như mừng vui hồi lâu rồi lại bay lên múa lượn, reo vui giữa trời cao xanh biếc. Xa trông bát ngát, bản làng, phố núi yên bình, đôi hồ nước như hai mắt rồng lấp lánh dưới chân núi không bao giờ vơi cạn. Tôi dõi mắt điệp trùng miền biên ải, lòng nhói lên niềm đau, xót thương biết bao máu xương đã đổ xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc Việt Nam! Vết thương Vị Xuyên, cũng trên mảnh đất Hà Giang này, vẫn còn rỉ máu đến hôm nay. Lá cờ kiêu hãnh tung bay khẳng định chủ quyền trên đỉnh núi từ ngàn xưa Lý Thường Kiệt từng dựng cờ và nay như còn vang vọng tiếng trống đồng, đã thắm máu lớp lớp bao anh hùng, liệt sĩ của dân tộc.
Sau ít phút trò chuyện, ngắm cảnh, chúng tôi lần lượt bước xuống. Lạ lùng thay, đến lượt tôi rời sân đỉnh cột, lá cờ đại 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sống trên dải đất Việt Nam, đang từ trên cao lại sà xuống quấn quanh tôi như lưu luyến tạm biệt rồi mới bay lên. Bạn cán bộ văn hóa người H’Mông đi cùng nhìn tôi rất lạ và bảo: “Không phải ai cũng được thế đâu cô. Cô là người đặc biệt đấy! Em làm ở đây lâu em biết. Không tin cô ngồi đây mười lăm, hai mươi phút nhìn lên sẽ thấy!”. Quả đúng vậy, mấy đoàn lên sau tôi muốn chụp ảnh hôn lên lá cờ, mà đợi mãi cờ vẫn bay phần phật trên cao. Sau này, khi cột cờ mới hoành tráng, đẹp đẽ được xây dựng, du khách không có được cảm xúc gần gũi như những ngày đầu ấy, nhưng sự xúc động dưới quốc kỳ thiêng liêng và vẻ đẹp hùng vĩ của Tổ quốc sẽ mãi vẹn nguyên trong tim mỗi người khi đến với đỉnh núi Rồng.
Vùng đất tươi đẹp này nhất định sẽ ngày càng giàu đẹp! Hoa vẫn cười rạng rỡ cùng đá núi. Chỉ tiếc thời gian hạn hẹp nên mỗi lần đến đây, tôi luôn không có đủ khoảnh khắc mong muốn để ngắm nhìn những bông bạc hà tím biếc, những bông cúc xinh xinh viền cánh đỏ nhung nở rộ ven chân núi, dưới thung xa, nhưng tôi luôn dành phút giờ nhiều nhất đắm mình trong bạt ngàn hoa tam giác mạch đã thành thương hiệu của vùng đất này. Chẳng có nơi nào tam giác mạch đẹp bằng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Cây mọc khỏe, cao, hoa to và thắm sắc. Hoa bạt ngàn, miên man ôm toàn trái núi. Hoa lan tỏa thung lũng, hoa thắm núi rừng… Những người dân với nụ cười hiền lành vẫn lặng lẽ tra ngô lên từng hốc đá, gieo tam giác mạch khắp núi, khắp nương…Đá núi trập trùng, hoa cười trên đá. Bước chân muôn ngả, hoa níu dịu dàng… Hoa đung đưa trên vai thiếu nữ, hoa reo cười trong tay, trong chiếc gùi nhỏ, trong mắt em thơ, hoa theo ta suốt dọc đường dài heo hút…
Tôi đứng trên đồi hoa, mây trắng trên đầu, trời xanh lồng lộng. Bạt ngàn hoa cùng gió rập rờn, tíu tít chạy đến quanh chân. Tôi cúi mình ôm hoa, hoa dịu dàng hôn lên má, lên tóc…Tưởng như đá núi mỉm cười cùng hoa, trái tim tôi cất lên tiếng ca, rằng tôi yêu Cao nguyên đá Đồng Văn, yêu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO này và yêu biết bao Tổ quốc bao la, tươi đẹp của mình!.
20/10/2023
Bùi Thanh Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...