Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Ông trời! - Truyện ngắn của Đặng Chương Ngạn

Ông trời! - Truyện ngắn
của Đặng Chương Ngạn

Người sĩ quan thẩm vấn đưa cho con xấp giấy trắng: “Anh hãy tự khai. Khai thành khẩn. Tất cả việc làm của anh chúng tôi đã biết rõ. Chúng tôi muốn cho anh một cơ hội để hối lỗi…”.
Xấp giấy có đúng 20 tờ. Con đã đếm đi đếm lại nhiều lần: đúng 20 tờ. Giấy trắng, khổ A4. Từ lâu, ở bệnh viện, con chỉ dùng khổ giấy này để in báo cáo. Còn để viết thư cho đồng nghiệp, bệnh nhân… con dùng khổ giấy A5, loại giấy lúc nào cũng để sẵn ở khay chứa để in đơn thuốc cho người bệnh. Một khổ giấy hợp lý, tiết kiệm, vì thường một đơn thuốc cũng chỉ dùng hết nửa trang. Với kiểu chữ bác sĩ khá to và xấu, con viết trên khổ A4  mỗi trang chừng 175 từ, hai mặt giấy tính ra được khoảng 350 từ…
Con ngồi đây, trong cái phòng không có cửa sổ, chỉ có một bàn gỗ cùng năm chiếc ghế, và lối cửa ra vào duy nhất. Cánh cửa phòng luôn khép hờ, nhưng con biết chiều nay, con không thể bước qua đó trở về căn hộ 19m2 treo trên tầng 13 nom giống cái chuồng cu của mình như những buổi chiều trước, nếu con chưa viết xong bản tự khai… Ở bệnh viện, thường giờ này là ca mổ cuối của con trong ngày. Điều dưỡng đã bày tất cả dụng cụ phẫu thuật trên mặt bàn i-nox sáng choang bên cạnh bệnh nhân. Một điều dưỡng khác sẽ trao cho con chiếc áo mổ màu xanh để thay. Nếu là My, trên môi cô ấy lúc nào cũng nở nụ cười: “Chúc ca mổ thanh công!”. Bác sĩ phụ mổ ra tín hiệu phẫu trường đã sẵn sàng. Điều dưỡng dụng cụ trao cho con dao mổ…Tất cả nhịp nhàng, nhanh, gọn.
Một pianist được con cứu sống sau ca mổ gan kéo dài 495 phút, khi ra viện, ghé phòng làm việc chào con, đã xin cầm bàn tay con lên để so với bàn tay đánh đàn của anh ấy: “Bàn tay bác sĩ mà như bàn tay nghệ sĩ piano. Ngón tay này, nhiều nghệ sĩ piano mơ không có. Dài lạ lùng. Bác sĩ có thể đánh hợp âm quãng 12,13 đấy!”, “Bác sĩ nên đi học piano không phí mất đôi tay!”. Nghệ sĩ cười khi từ biệt, coi như một câu nói đùa. Với con thì không đùa, con từng ao ước được như vậy, được ngồi trước cây đàn piano và gõ lên từng phím đen, trắng, đắm mình trong âm thanh sau những ca mổ căng thẳng. Con còn có ý tưởng, dưới sảnh bệnh viện, nên đặt một cây đàn piano. Nhưng, con chưa bao giờ có thời gian để thực hiện giấc mơ ấy. Mổ, mổ, một ngày với con cả chục ca… và hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ con có thể quây mấy vòng tròn trong khuôn viên bệnh viện… Mổ, mổ, mổ… Con ngủ giữa những ca mổ, ăn giữa những ca mổ, không còn thời gian để thở, nói gì đến học đàn. Quả thật, bàn tay con, những ngón tay đẹp lạ lùng. Thon và dài…  Bẩm sinh hay do nghề nghiệp? Nhiều khi con nghĩ rằng do nghề nghiệp cầm dao mổ, do động tác phẫu thuật được lặp lại hàng ngày, đã khiến những ngón tay được kéo dài ra. Hay do trời đã sinh ra con, cho con bàn tay này, để cầm dao mổ.
Giờ, con thắt lòng nhớ đến các bệnh nhân đang chờ con…
Trời, ông ở đâu trong buổi chiều hôm nay, ông ở đâu vào lúc này?
Sao ông không ghé vào tai viên sĩ quan mà hét lên: “Bác sĩ đã nói thật đấy. Có gì mà khai. Bác sĩ không liên quan đến vụ mua vật tư thiết bị. Hãy cho bác sĩ về với bệnh nhân của ông ấy. Hãy để bác sĩ cứu mấy mạng người!”
Con biết ông sẽ không xuất hiện.
Như ông đã không hề xuất hiện trong buổi sáng hôm đó.
Ông Trời! Ông đã ở đâu khi con bị thằng Tịnh Chà côn đồ và hai đứa đồng bọn của nó nhấn xuống hố nước đầy cứt trâu, lềnh bềnh xác cá mú, chim cò chết trương, thối rữa, giữa cánh đồng? Con sặc nước, con sắp chết, hai tai con ù đặc. Lúc đó, con nghĩ đến ông. Mẹ con ở nhà, quá xa để cứu con. Bạn bè đi học đã ở cuối đường, không ai biết để cứu con và nếu nghe tiếng con kêu cũng không đứa nào dám ra tay cứu. Thằng mất dạy Tịnh Chà là côn đồ có số má, ai cũng khiếp sợ, cả các anh chị học trên nó mấy lớp, to con hơn nó. Còn thầy giáo ở trường, con đã van xin hãy cứu con mấy lần nhưng đều chỉ ậm ừ. Vậy, chỉ có ông có thể cứu con và con nghĩ tới ông, con gọi thầm tên ông… Bắt đầu lớp 6, ngày nào Tịnh Chà cũng bắt con phải cúng cho nó một vật gì đấy. Hôm là củ khoai ăn sáng của con, hôm thì cái bút chì, cục tẩy, mấy viên phấn… Mẹ cứ kêu con hay làm mất đồ, thầy giáo cứ phê bình con quên không mang tẩy, mang bút. Con đâu có quên, có để mất thứ gì. Tất cả là do phải cống nộp cho hắn. Chiều hôm đó, hắn lệnh cho con: sáng mai, phải cúng cho hắn cái gọt bút chì. Con xin tiền mẹ, nhẫn nhục nghe mẹ tua lại bài ca muôn thủa về việc giữ gìn cẩn thận dụng cụ học tập, mẹ không lấy đâu ra tiền. Sáng sớm, con chạy qua tiệm tạp hóa đầu làng mua cái gọt bút chì, rồi mới quay lại đường đi tới trường. Con đến cầu Đông giữa cánh đồng đã muộn, Tịnh Chà vẫn đứng chờ con: “Lễ đâu?”. Con đưa tay vào túi. Trời ơi, cái gọt bút chì con mua sáng nay, con đã cẩn thận nhét sâu đáy túi, đã biến mất. Còn lộn ngược túi, đổ hết sách vở ra vệ cỏ để tìm: lạ lùng, như một trò ảo thuật quái ác, cái gọt bút chì, con còn nhớ rõ màu đỏ, không tăm tít. “Mày giỡn bọn tao chắc!”. “Không, em đã mua sáng nay cho anh, đã xin tiền mẹ mua sáng nay!”. “Láo này!” – Tịnh Chà tống một cú thôi sơn vào ngực, con ngã bật xuống ruộng nước bên cạnh. Hai đàn em hắn nhảy vào dìm con xuống bùn. Nhưng con khỏe hơn chúng, con cố trì lại. Tịnh Chà thấy hai thằng đàn em yếu quá, hắn bỏ cặp trên đám cỏ vệ đường, nhảy xuống ruộng nước, túm lấy cổ con ấn xuống.
Nước ruộng tanh tưởi tràn vào mũi, miệng con, chúng vẫn không ngừng tay ấn mặt con ngập sâu vào bùn… Con sắp ngạt hơi, con chết đến nơi rồi. Trời ơi, con không thể gọi ông thành tiếng lúc ấy. Con chỉ gọi ông trong tâm thức, con gào lên trong tâm thức của con: Trời ơi, cứu con! Cứu con!…
Ở phút cuối cùng trong lúc giãy chết, con lấy hết sức vùng dậy. Hai tay hai nắm bùn, con đập thẳng vào mặt Tịnh Chà và đứa bên cạnh. Khi Tịnh Chà mắt đầy bùn đang la lên a á, con nhào tới lấy hết sức, tung nắm đấm vào mặt nó. Tịnh Chà ngã ngửa. Hai đứa kia nhìn thấy gã đàn anh côn đồ bị hạ gục thì cắm đầu bỏ chạy. Con nhảy tới, ấn ngập đầu Tịnh Chà xuống nước.
Nỗi uất hận, nỗi đau đớn, sự hờn căm cho con sức mạnh. Hai tay con như kìm sắt ghì chặt Tịnh Chà, nhấn cái đầu cá ngão to bè, tóc tai bờm xờm của nó xuống bùn. Nó giãy giụa bất lực. Hôm đó, chút nữa con sẽ phạm tội giết người, con sẽ là một trong những sát thủ trẻ tuổi, nếu như ở phút cuối con không nghĩ đến ông. Con đã buông tay…
Con ngồi trên bờ ruộng, ngồi đấy với nước mắt mặn chát, tanh mùi bùn… cả khi Tịnh Chà lồm cồm bò lên bờ, vừa đi, vừa khóc như bò rống…
Ông Trời, ông ở đâu vào thời điểm đó: Một thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời con?
Cả lúc ấy, ông cũng không hề có mặt.
Đó là một ngày vào đầu học kỳ II năm lớp bảy, năm cuối trung học phổ thông cơ sở. Đầu giờ học, thầy Quang chủ nhiệm lớp công bố danh sách học sinh vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi toán của trường. Không có tên con, đứa học giỏi nhất môn toán của lớp, đứa mà đôi khi còn giảng giải những bài khó cho mấy đứa kia.
Giờ ra chơi, thầy Quang thấy con ngồi bên cây bàng góc trường một mình, bước đến hỏi: “Em có muốn tham gia đội bồi dưỡng toán không?”.
Người đã ở đâu hả Trời? Lẽ ra, tối hôm trước, khi thầy Quang ngồi lên danh sách, ông phải nói cho thầy ấy biết điều hay lẽ phải, một người thầy nên làm: đừng chấp học trò, đừng chấp đứa học trò hay phát biểu ngang xương trong lớp, đó là đứa học trò thông minh, có cá tính đấy, nó là đứa xứng đáng nhất phải có tên trong danh sách. Làm thầy giáo phải bao dung, không chấp một đứa trẻ. Nếu tối hôm trước, ông đã chểnh mảng ở đâu thì lẽ ra sáng hôm sau, ông phải có mặt bên gốc cây đa con đang ngồi thầm khóc một mình ở đấy, ông phải dằn lòng tự ái của con xuống: “Đừng từ chối con, đấy là cơ hội của con. Cơ hội lớn của đời con… Con phải nắm lấy!”
Nhưng, Ông Trời, ông không xuất hiện. Và, con đã kiêu hãnh từ chối! Ông biết hết, ông biết con phải vào học lớp đó, con xứng đáng và học ở đấy con mới có thể tham gia kỳ thi học sinh giỏi. Tham gia kỳ thi ấy, con mới được vào học lớp chuyên toán. Con sẽ có ba năm học phổ thông, mẹ không phải bỏ tiền nuôi con ăn học, con sẽ có bảy năm du học (chắc chắn vậy) mẹ không phải bán từng cân gạo, rổ khoai, mủng lạc… để nuôi con…
Người biết, nhưng người đã kệ mặc con.
Nhưng đó chưa hẳn là điều khủng khiếp nhất! Điều khủng khiếp nhất, từ đấy, con không được học các thầy giáo giỏi, ba năm cấp ba, con ngồi trong lớp hầu như không nghe lời giáo viên giảng bài và chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Dù sao, thì, con cũng đã cố gắng vượt lên, con thi vào đại học cao điểm nhất trường phổ thông của mình. Con là đứa duy nhất bước được qua cổng đại học y năm đó dù con không có một ngày tham gia lớp luyện thi. Tất cả con tự học khi từ đồng về, sau một ngày làm ruộng…
Người đã ở đâu, vào buổi hoàng hôn, con và chị gái con rớt lại trên đồi, giữa những nương sắn đang mùa thu hoạch, chiều tối dần trong sợ hãi…
Con chỉ là đứa bé 7 tuổi, chị gái con 10 tuổi, hai đứa trẻ bé nhất trong đám người đang đi mót sắn trên đồi. Hai chị em con dậy từ sáng sớm đi trước mọi người. Sớm đến nỗi con vẫn cay mắt buồn ngủ và cứ gà gật mãi. Chị bảo con cứ nằm giữa hai luống sắn ngủ một giấc, khi nào tỉnh ngủ thì phụ chị. Và, con đã ngủ, ngủ say. Con tỉnh dậy chị con đã mót được đầy hai chiếc rổ mà chị gánh theo. Chị con rất vui vì thắng lợi lớn, con cởi luôn chiếc áo nói với chị “Mình cứ để quang gánh đây, qua bên kia mót tiếp, dùng cái áo của em làm giỏ đựng”. Xế chiều khi chúng con quay lại, hai rổ sắn, đôi quang, cái đòn gánh biến mất. Trên bãi cỏ kẻ ăn cắp bỏ lại mớ củ sượng, bị sâu, chuột gặm.
Chị gái con vừa khóc, vừa gom nhặt những củ sắn họ vứt lại. Chúng con không biết làm sao để có thể mang sắn về. Chúng con chờ một người lớn đi qua để nhờ vả nhưng chẳng còn ai trên đồi. Trời tối sầm xuống. Rồi chúng con cũng ra về trong đói, lạnh, và uất giận…
Chị con mang trên lưng túi sắn bọc trong áo của con. Con mang trên vai hai cái ống quần buộc lại đựng đầy củ sắn. Và, con cởi truồng… Hai chị em con đi lầm lũi trong đêm tối, bước bập bõm theo các bờ ruộng, vừa đi vừa khóc, vừa nguyền rủa người lớn nào đã cướp đi sắn và quang gánh của chúng con. Đang mùa đông, tháng 11 âm, trời có mưa phùn và gió mùa. Rét và lạnh và đói. Chị con muốn cởi manh áo mỏng ra cho con mặc. Nhưng con không chịu…
Hôm đó, Ông Trời ơi, ông ở đâu?
Con không bao giờ nghĩ  sẽ có ngày, con phải ngồi ở đây để viết bản tự khai. Cách đây một tuần, hai người sĩ quan đến bệnh viện. Họ đến bệnh viện thường xuyên mấy tháng gần đây. Giám đốc, mấy phó giám đốc, trưởng phòng vật tư đã bị bắt. Lần này, họ gõ cửa phòng làm việc đúng lúc con vừa xong ca mổ, đang thay quần áo: “Rất may, gặp bác sĩ! Bác sĩ ký nhận giấy này!”. Đó là một giấy triệu tập, con phải có mặt tại địa chỉ X vào đúng 8h30 ngày hôm sau… Con nhớ lịch mổ nên ngây thơ hỏi: “Có việc gì trao đổi ngay với tôi tại đây, được không? 8h30 ngày mai tôi có ca mổ!”. “Bác sĩ cứ tự thu xếp lấy với bệnh viện. Còn đúng giờ đó phải có mặt theo giấy triệu tập!”. “Một ca mổ khó, rất khó tìm người thay!”. Người sĩ quan khoát tay: “Thực sự, giấy này bên cơ quan điều tra gửi, tôi chỉ có trách nhiệm chuyển tới”.
Đúng 8h30, con có mặt, họ đưa con vào căn phòng này, có 4 người ngồi đối diện phía bên kia. Một sĩ quan hỏi con: “Giấy mời hôm qua đâu?”. Con nhớ ra đã bỏ nó đâu đó ở trên bàn làm việc tại phòng khám: “Tôi quên. Hình như để ở nhà”. “Lần sau, bác sĩ nhớ mang theo. Đừng đãng trí vậy!”. Một sĩ quan mở cuốn sổ ra bắt đầu ghi chép. Sĩ quan khác hỏi con: “Anh là Nguyễn Khang, sinh ngày 26 tháng 3 năm 1970?”. “Đúng”. “Quê quán: Thôn Tam Lập, xã Phước Lại…?”. “Đúng”. “Cha anh là ông Nguyễn Triệt sinh năm 1937, mẹ anh Võ Thị Hoan sinh năm 1935?”.“Đúng”. “Anh có một chị gái tên là Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1967?”.“Đúng”…
Hỏi và đáp, từ lâu rồi, con mới phải lặp lại gần như toàn bộ bản lý lịch của mình. Sau đó, là quá trình công tác, là lúc nào con về viện, nghề của con, lúc nào thì cầm dao mổ, chức vụ hiện tại, trách nhiệm được phân công.
Hơn một giờ chiều, người sĩ quan gấp cái cặp giấy, con đứng dậy: “Tôi về được chưa?”.“Chưa!”. “Sáng tôi không ăn!”. “Vậy, bác sĩ ra ngoài kia kiếm gì ăn, 13h30, các anh em khác, bên chuyên án sẽ làm việc tiếp!”.
“Tôi thực sự không hiểu sao các anh giữ tôi lại đây. Tôi không có liên quan gì đến vật tư, tài chính của bệnh viện. Tôi cần thời gian cho ca mổ, người bệnh đang chờ!”.
Vị sĩ quan luôn ngồi im lặng ở cuối bàn, bất ngờ ném cặp hồ sơ xuống mặt bàn cái rầm: “Không ai cần anh cứu mạng lúc này! Anh phải cứu lấy mạng anh đã. Anh đừng lấy công việc ra mà dở chứng với chúng tôi. Sếp của anh giáo sư đấy, anh hùng lao động đấy, công dân kiểu mẫu đấy… Luôn nói cứng: Tôi không làm sai. Đã ký bản nhận tội. Không phải một mà rất nhiều tội!”.
“Anh đã nhận tiền như thế nào?”. “Họ đưa tiền cho anh như thế nào?”. “Ở đâu?”.  Đó là những câu hỏi lặp lại nhiều lần trong những ngày sau đấy. Nó luôn được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc đều đều, kiên nhẫn, đều đều, kiên nhẫn… Con ngồi im lặng không trả lời. Câu hỏi làm cho con nhớ lại nhiều câu chuyện đã qua trong đời mình vào lúc ấy.
Có lẽ câu chuyện con cần kể trước tiên với ông, Ông Trời… Lần đầu tiên con thấy người ta đưa tiền, nhận tiền như thế nào?
Khi đó, con là sinh viên năm cuối, đi thực tập ở bệnh viện. Con 24 tuổi, trẻ, đầy ước mơ, và trong sạch, nghĩ về nghề theo đúng tinh thần lời thề Hippocrates. Con đã trở thành một hiệp sĩ tự phát, cùng mấy bệnh nhân chờ để bắt một điều dưỡng “xấu xa” đòi tiền người bệnh để thay băng, truyền dịch hàng ngày. Con muốn làm sạch những người mặc blouse trắng. Bệnh nhân đưa tờ năm ngàn, người điều dưỡng gần như giật lấy cho vào túi áo blouse. Nhưng đồng năm ngàn màu xanh, mới, vẫn nhìn thấy rõ qua lớp vải áo. Có lẽ thấy tờ tiền lộ quá, người điều dưỡng vo vào lòng bàn tay và quay vào tường kín đáo nhét vào áo ngực.
Con đã bước đến chận cô ấy ngay cửa phòng bệnh: “Bệnh nhân tố cáo cô vòi họ đưa tiền mới thay băng?”. Bị bất ngờ cô điều dưỡng đứng chết lặng một lúc rồi phản ứng bằng cách lột trái các túi áo, quần: “Anh kiểm tra đi!”. Một bệnh nhân bước tới, đưa tay vào ngay áo ngực cô điều dưỡng rút tờ tiền năm ngàn đã bị vo tròn nhàu nát giơ ra. Khi ấy, kẻ phạm tội gần như đổ gục. Con mở cặp, cầm tờ giấy đã chuẩn bị sẵn, bắt đầu ghi lại vụ đòi hối lộ. Cả phòng bệnh gần như hả hê với vụ bắt tận tay, day tận mặt kẻ mà theo họ là ăn trên nỗi đau, sự khốn cùng của người bệnh.
Ông Trời, ông biết không, người phụ nữ đó ngồi im khuôn mặt tái dại và nước mắt rơi từng giọt, bất ngờ cô ấy gạt nước mắt quay nhìn tất cả mọi người: “Các vị cứ lập biên bản đi! Ngày mai tôi sẽ bị đuổi việc. Nhưng các vị hãy nghĩ cho tôi: mỗi ngày tôi phải có mặt ở đây từ 6 giờ sáng cho đến 7 giờ tối, có khi còn muộn hơn. Tôi về đến nhà đã 9 giờ đêm. Khi đó, tôi bắt đầu làm việc nhà, nấu cho mẹ và con ăn. Dọn dẹp. Tôi đi ngủ lúc 11 giờ, sáng mai 4 giờ tôi đã dậy đi đến đây với các vị. Tôi không thể làm thêm được bất cứ việc gì. Mọi nguồn thu nhập của tôi ở bệnh viện. Các vị có còn sống được không, có còn nuôi được mẹ và một đứa con không, khi tính ra mỗi ngày các vị chỉ có bảy ngàn đồng. Tôi đã định bỏ việc nhiều lần, rồi tôi vẫn ở lại với mọi người…”.
Con ngưng viết, con nhìn lên, cả phòng bệnh im lặng. Người đàn ông vừa thọc tay vào ngực cô điều dưỡng lấy tờ năm ngàn, cúi đầu xuống…
“Tôi có lấy của quý vị năm ngàn, nhưng tôi vẫn đến đây để các vị có người chăm sóc. Tôi vẫn phục vụ mọi người. Còn bao nhiêu điều dưỡng khác họ đã bỏ việc, đã ra đi… Nhưng ở lại, tôi sống thế nào đây… dù tôi đã hết sức tằn tiện. Các vị biết không, tôi vẫn đạp xe hàng ngày đi về trên hai mươi cây số…”.
Con đứng chết lặng, một lúc sau mở cửa, lúng búng bảo cô ấy đi ra đi.
Ngày hôm sau, hết giờ làm việc con đạp xe theo người điều dưỡng, và xin cô ấy được vào nhà.
Cô điều dưỡng sống với mẹ già, một đứa con đã 15 tuổi trong căn phòng thuê khoảng 10 m2, không có lấy một tiện nghi. Cô ấy đã làm điều dưỡng ở bệnh viện từ khi 22 tuổi, đã hơn 20 năm…
“Các bác sĩ có đủ sống không?” . “Không. Nếu chỉ từ tiền lương!”. “Lương em khi ra trường sẽ bao nhiêu?”. Cô ấy nói một con số làm con ngã gục: số tiền đó, còn ít hơn số tiền mẹ gửi cho con hàng tháng thời gian con đi học và con đã hết sức khó khăn để có thể trang trải mọi chi phí.
Cái tương lai huy hoàng con vẫn nuôi trong bao nhiêu năm phấn đấu để trở thành bác sĩ vỡ tan tành, cái ước mơ ra trường, nhận lương nuôi mẹ, giúp chị gái…
Con đã nhận đồng tiền đầu tiên khi làm bác sĩ ngoài tiền lương khi nào?
Ở ca mổ đầu tiên khi con là phẫu thuật viên chính.
Con đang đi tới phòng mổ, người nhà bệnh nhân cứ cố bám lấy con để dúi vào tay con cái phong bì màu xanh. Khi con không nhận họ nhét vào túi blouse rồi bỏ đi. Con chạy theo trả lại bằng được. Một y tá sau đó đã cầm cái phong bì màu xanh vào phòng phẫu thuật: “Bác sĩ đừng từ chối cái phong bì này!”. “Tôi đã có phụ cấp mổ”. Cô y tá cười lớn: “Bác sĩ có biết phụ cấp cho cả ca mổ kéo dài 4-8 tiếng bao nhiêu không?”.“Bao nhiêu?”. “Theo chế độ, bác sĩ đủ mua một hôp sữa Ông Thọ!”. Rồi cô ấy mở phong thư lấy ra tờ 20 ngàn, nói như thì thầm: “Anh cầm đi. Cả kíp mổ họ chỉ bồi dưỡng phẫu thuật chính, nếu anh thương anh em thì chia lại cho bác sĩ phụ mổ, nếu anh thương nữa, chia cho y tá… Đừng từ chối!”. Con đã có ba năm phụ mổ không khi nào có tiền bồi dưỡng…
“Chúng ta chẳng ai muốn nhận chút tiền này của người nhà bệnh nhân. Nhưng ca mổ sẽ sống ra sao với phụ cấp mổ vô lý kia! Chúng ta không đòi, họ cho, coi như để bồi dưỡng có sức mổ các bệnh nhân”.
“Không lẽ anh không cần tiền?”
Những ngày sau, rất nhiều lần viên sĩ quan tỏ ra ngạc nhiên là cấp trên và cấp dưới những người đã bị bắt không một ai khai đưa tiền cho con. Vậy con nhận từ ai. Khi con nói với họ rằng: con không nhận tiền. Họ quay lại cật vấn: Vì sao ban giám đốc và các khoa chia nhau rất nhiều tiền đẩy giá vật tư, thiết bị, thuốc lên cao, đấu thầu gian lận mà một phó giám đốc như con không được chia tiền? “Không lẽ anh không cần tiền?”. Lập luận của họ, cứ đơn vị nào giám đốc ăn thì các phó đều đồng lõa…
Con có cần tiền không ư? Có, con từng cần tiền đến quay quắt. Giá con có tiền khi đó, cuộc đời con có lẽ đã khác. Cần tiền, rất cần, cần có nhiều tiền! Trong cuộc đời con bao nhiêu lần con cần tiền, và giá như lúc đó, con có tiền …
Con cần tiền suốt cả thời con đi học, thời sinh viên và 15 năm sau con ra trường.
Trời ơi! Nếu có tiền con đã cứu được tình yêu đẹp của con. Con đã cứu được cuộc đời con, con đã cứu được cuộc đời Kim.
Nàng vào trường sư phạm khi con đã học y ba năm. Nàng để tóc dài, da trắng, mắt to đen, ngơ ngác. Khi nàng ra trường, con bắt đầu năm hai bác sĩ nội trú, lương con chưa đủ sống, vẫn phải nhận tiền chu cấp từ nhà của mẹ con, chị con. Con tìm cách xin việc cho nàng ở lại Hà Nội nhưng nơi đâu cũng bị từ chối. Nàng sẵn sàng dạy cả cấp một, mẫu giáo, vẫn không đâu nhận. Theo mách bảo của những người có kinh nghiệm, chúng con phải có tiền, quà để chạy… Lúc đó, con rất cần tiền, con đã vay mượn bạn bè, người thân nhưng chẳng được là bao… Hai năm, con vẫn không tìm được việc cho Kim, gia đình bắt nàng về quê, không được bám theo “thằng bác sĩ bất lực” như cha nàng nói. Ở quê, nàng dễ dàng xin được vào dạy trung học. Nàng bảo con về quê với nàng. Đó là quyết định khó khăn nhất trong đời con vì với bác sĩ ngoại khoa chỉ ở lại bệnh viện đang công tác mới phát triển tốt được. Nhưng cuối cùng vì tình yêu, con đã quyết định tìm bệnh viện tiếp nhận để chuyển. Thêm hai năm xuôi ngược, vẫn chưa một bệnh viện nào ở đó nhận con… Có lẽ vì ngoài mấy món quà vặt, con không có tiền để chạy… Con và nàng đều đã mỏi mệt. Và nàng bị áp lực rất lớn từ gia đình phải cưới chồng.
Lần đó, sau một tuần quay cuồng với mấy chục ca mổ ở bệnh viện, con xin nghỉ một ngày chạy vào thăm nàng. Con đến nhà, nàng không ra tiếp. Bố nàng đang ngồi với một người đàn ông khá cứng tuổi, giới thiệu là cán bộ bên thương nghiệp. Trước nhà nàng dựng một chiếc xe máy Nhật màu đỏ, chắc là xe của người đàn ông.
Bất ngờ, bố nàng giới thiệu: “Đây là cháu Khang bạn của Kim. Còn đây là anh Chính chồng chưa cưới của Kim. Hôm nay qua đưa Kim đi thử áo cưới. Nếu Khang không bận chủ nhật tới dự đám cưới của em …”.
Rồi Kim đi ra. Em buồn bã: “Anh ngồi chơi với bố”. Kim lên chiếc xe Honda màu đỏ, người đàn ông chở đi.
Khi đó, con ước có một cục tiền, con sẽ đi mua ngay một chiếc xe máy đắt tiền, con sẽ mang tiền đến đập vào mặt mấy tay cán bộ tổ chức ở mấy trường học để xin một chỗ làm, để giữ lấy tình yêu của con…
Trời ơi, con không có…
Bảy năm sau, nàng li dị, dắt theo đứa con năm tuổi đến tìm con, nhưng khi đó con vừa mới cưới vợ…
Con rất cần tiền, cần đến quay quắt, ngày mẹ con ra ở với con…
Khi đó con đã 32 tuổi, ra trường 8 năm, mẹ con đã ngoài 60. Suốt tuổi thơ con, suốt thời đi học, con luôn vẽ ra một viễn cảnh tương lai, ra trường có tiền, mua nhà, cưới vợ, đưa mẹ ra ở cùng. Con vẫn chưa có nhà, chưa cưới vợ, nhưng nhiều lần về quê con đều mời mẹ ra ở với mình để chăm sóc bà. Mẹ vẫn luôn từ chối vì mẹ vẫn khoẻ, vẫn còn làm việc được.
Bất ngờ, một buổi sáng, mẹ nhắn tin con ra đón ở nhà ga. Mẹ bảo mẹ đau lưng nên ra chữa bệnh. Đấy là lần đầu tiên kể từ khi con ra trường, mẹ ra Hà Nội thăm con. Khi ấy, con đang cùng một bác sĩ thuê một căn phòng trên lầu của một căn nhà trong ngõ Thanh Chương, mà chủ ở tầng dưới. Khu đó có nhiều gia đình nhân viên y tế trẻ thuê ở. Căn phòng nhỏ đủ kê hai cái giường và một cái bàn viết, mặt bàn bằng hai cuốn sách. Không có tủ quần áo, hay phòng bếp, tất cả quần áo treo trên tường, đồ đạc bỏ dưới gầm giường và nấu ăn bên ngoài ban công. Hồi đó, con vay thêm tiền, mới sắm được một chiếc xe máy ghẻ để đi làm. Con chở mẹ bằng xe máy và trên đường ghé vào chợ cóc bên đường mua thực phẩm để về ăn trưa. Con gọi mấy thứ, và khi thanh toán thì không đủ tiền. Mẹ trả tiền và cầm luôn cái ví của con. Trong đấy, còn cả một cái giấy nợ vay tiền…
Không có đôi mắt nào tinh tường bằng đôi mắt người mẹ. Mẹ ở đúng một tuần, sau mấy ngày con đưa đi khám bệnh về xương khớp thì chào mọi người trong khu nhà trọ về quê: “Mẹ khỏe, chỉ bị đau lưng vì gánh nhiều, cúi nhiều thôi. Mẹ vẫn tự lo được. Con không cần bận tâm tới mẹ. Lương nhà nước không ai đủ sống đâu con, cố tằn tiện thôi, đừng làm gì bậy họ đuổi việc!”.
Sau này, con mới biết, mẹ đã gọi người rao bán nhà, mảnh vườn khi ra với con. Đó là chuyến đi, mẹ quyết định đến ở với con. Và, chỉ qua một ngày, hỏi chuyện hàng xóm, quan sát căn phòng trọ của con, mẹ đã biết đứa con trai lương không đủ sống. Giấc mơ của mẹ cũng tan nát. Nhưng mẹ biết giấu nỗi thất vọng. Vì con mẹ đã quay về. Sau này, mẹ không bao giờ nhờ vả, hỏi con về tiền bạc vì không muốn con vì lo cho mẹ phải vay mượn hay làm điều gì đó không phải. Mẹ sống một mình ở quê, khi đau ốm thì nhờ chị gái. Mẹ luôn nhắn cho con: Mẹ khỏe, mẹ ổn, mẹ còn tiền… Ông Trời biết không, mẹ sợ con vì lo cho mẹ phải lấy tiền nhà nước phải tội tù. Tiền con gửi về mẹ không dùng đến. Khi mẹ mất, mấy cuốn sổ tiết kiệm của mẹ lại được chuyển cho con thừa kế…
Con rất cần tiền. Con cần tiền vô cùng vào ngày đó Trời ạ. Nếu có thể bán những ngày còn sống của con để có ngay trong tay ba mươi triệu đồng, lúc ấy con sẽ bán ngay.
Chị Thanh con đi từ quê ra, đến thẳng bệnh viện vào sáng đấy. Nhân viên gọi, con chạy ra, thấy chị ngồi trong dãy ghế bệnh nhân chờ khám bệnh. “Không chị không đi khám! Nếu em không bận chị gặp em chút thôi!”. Con dẫn chị vào phòng tiếp khách, đó là chỗ sang trọng nhất bệnh viện. “Con gái chị năm nay 19 rồi, cháu thi trượt đại học”. “Không ngờ cháu lớn vậy. Em có lỗi với chị vì đã không có thời gian quan tâm chuyện học của cháu!”. “Nó đòi đi lao động xuất khẩu ở Nhật với bạn bè. Quê mình hầu như nhà nào cũng có người đi bên ấy. Em cho chị 30 triệu nhé!”. Chị con nhìn con đầy tin tưởng, tin tưởng như chị nghĩ trong tay con luôn có tiền, và 30 triệu chỉ là một món tiền nhỏ với một bác sĩ như con. Con lặng đi, không biết trả lời sao lúc ấy. Con nhớ trong giấc mơ tuổi ấu thơ, trong những dự định của con ngày đi học khi nào cũng có chị cùng chia sẻ hạnh phúc, sự giàu có. Thấy con im lặng lâu quá, chị ngập ngừng: “Chị thì không có tiền trả em. Nhưng chị sẽ nói cháu sang bên ấy sẽ góp tiền gửi trả em!”. “Chị ơi. Em không có số tiền đó. Chưa bao giờ em có trong túi hơn 10 triệu đồng. Có em cho cháu ngay, cháu không phải trả”. “Cậu làm bệnh viện trung ương, cậu học giỏi, không lẽ cậu thua mấy đứa làm ở bệnh viện huyện. Người ta bị bệnh không dám cho chúng mổ, phải đưa ra Hà Nội để cậu mổ… Chúng đều xây nhà to, có xe…”. “Vậy, mà không có chị ạ. Chị có thể để tuần sau em giúp một ít, em gửi về!”. “Không chị cần ngay. Cần ngay nên mới đi thẳng ra đây gặp cậu. Vì chị đã gắng thu xếp lo cho cháu nhưng đến sát hạn nộp vẫn không có đủ!”. “Vậy, chị ngồi đây, em chạy hỏi mấy đồng nghiệp xem…”.
Con vội chạy ra ngoài. Các bác sĩ đồng nghiệp cũng như con. Không mấy ai có sẵn tiền. Con đi gần hết buổi sáng, rồi quay về với ít tiền trong tay, nhưng chị con đã rời đi…
Ông Trời ơi, ông biết không, ở quê, có một đứa con vào đại học là các anh em khác phải hy sinh việc học của mình, vì cha mẹ không thể lo tiền học cho tất cả. Đứa con vào đại học là hy vọng của cả một gia đình, là khoản đầu tư của cả nhà. Hy vọng về tương lai cả nhà dồn hết vào đứa con ấy.
Con nhớ chị con đã nghỉ học khi hết lớp bảy dù học giỏi, để phụ mẹ, nhường việc học cho con… Và, cả đời chị cái gì cũng nhường cho con, cho đến khi chị đi lấy chồng… Con nhớ, mùa đông lạnh, chị đã nhường chiếc áo bông vải hoa màu đỏ cho con. Cả lớp học cười con mặc áo con gái, nhưng con luôn quặc chúng một cách tự hào: “Áo chị tao đấy!”
Bác sĩ kiếm tiền như thế nào? Làm cách gì, làm việc gì để kiếm tiền? Làm sao có tiền để nuôi mình, để có thể tiếp tục với nghề? Làm sao kiếm tiền lương thiện? Kiếm tiền ở đâu?
Các sĩ quan điều tra không hỏi câu này. Nhưng đó là câu, con và nhiều bác sĩ đã hỏi nhau và tự hỏi hàng ngàn lần từ khi ra trường. “Để anh giới thiệu em với Q, họ cần một tay dao đấy!”. “ Bệnh viện M trả được, chỉ khổ nó xa quá!”. “Em có thể làm cho thẩm mỹ F không? Chỉ cần mấy đường rạch khéo tay, tiền trả gấp 4-5 lần K đấy!”. “Có thể kiếm tiền chỗ bọn tiếp thị thuốc!”…
Thời sinh viên: dạy thêm, buôn giấy viết, giấy ảnh, phụ thợ xây, đi vét cống…
Thời nội trú, để có chi phí chạy việc cho Kim, con quay lại làm thêm các công việc thời sinh viên. Tình yêu không còn cứu chữa được, con quay về tập trung cho công việc, nghiên cứu và học cao học.
Sau lần chị con đến vay tiền, con quyết liệt kiếm thêm thu nhập từ công việc cầm dao mổ. Rất nhiều bệnh viện tư, trung tâm thẩm mỹ… cần đến tay nghề của con. Các ca mổ có thể 1-2 giờ sáng. Con sẽ có mặt khi ở đâu cần. Đấy, bắt đầu là thời gian, con có nhiều tiền, trong túi có lúc chật cứng mấy chục triệu đồng. Nếu chị con đến gặp lúc này, con sẽ rút ra ngay được 30 triệu đồng. Nhưng chị con không bao giờ đến tìm nữa, cả đám cưới con ít năm sau, chỉ mẹ con có mặt, chị nhờ mẹ đưa tiền mừng cưới.
Có một hôm, con kêu mệt xin nghỉ buổi chiều, để nhận 5 ca ở một trung tâm thẩm mỹ. Khi con đang lấy mỡ bụng cho một người phụ nữ thì điện thoại đổ chuông: “Em ở đâu giúp anh! Hai tiếng rồi, anh không tìm được cục u trong hành tá tràng bệnh nhân D”. “Trong hình chụp, hành tá tràng bệnh nhân bị dị tật, nằm chếch lên trên, cục u ôm kín ống gan trái…”. Con đã tắt máy sau lời tư vấn ấy, vì tay con đang cầm dao mổ… Khi con mở máy lại, tin nhắn từ một đồng nghiệp khác: ca mổ thất bại, bệnh nhân đã chết trên bàn mổ, bác sĩ run tay trong lúc bóc tách đã làm đứt tĩnh mạch cửa.
Lẽ ra, con đã mổ ca đó, và bệnh nhân D, nếu vào tay con đã không chết.
Hôm đó, ông có thấy con không?
Con ngồi trong phòng vệ sinh của trung tâm thẩm mỹ, con cứ rửa hai tay con mãi bằng xà bông. Không phải bẩn bởi lớp mỡ bụng lầy nhầy. Mỡ đó sạch, tất cả những gì từ con người với con đều sạch. Con cảm thấy bẩn từ cọc tiền 500 ngàn, họ vừa dúi vào tay con…
Con lấy giấy báo bọc lấy xấp tiền cho vào túi và hôm sau mang ra gửi ngay ngân hàng mà không đụng đến những tờ 500 ngàn. Con đã từ chối, tất cả các ca mổ ngoài bệnh viện sau lần ấy.
“Không lẽ anh không cần tiền!” – Viên sĩ quan tỏ ra ngạc nhiên, mấy lần thốt lên như vậy.
Con đã quay về chỉ tập trung cho các ca mổ ở bệnh viện sau cái chết của bệnh nhân D, không còn quan tâm đến việc kiếm tiền nữa. Rồi con cưới vợ, có con… Con lại phải chịu khó kiếm tiền …
Và, con lại không cần tiền sau khi cuộc hôn nhân của con ta vỡ.
Con không cần tiền đã gần 10 năm nay.
Con muốn hỏi Ông Trời rất nhiều lần, rất nhiều lần. Ông Trời ơi sao ông không mang đến cho con một cô gái tốt, một cô gái thùy mị, dịu dàng…? Sao ngày con nằm điều trị trong bệnh viện vì bệnh mắt, ông không đưa một cô gái đáng yêu nào đó đến hỏi thăm con?
Và, ông đã đưa cô ấy tới cùng với mấy quả cam sành, thứ mà con thích ăn và sau đó là tô cháo trắng lá dứa, với bịch dưa chua. “Bọn điều dưỡng vô tâm quá! Thôi để em chăm anh!”. Giọng thật nhẹ và êm, như hút hồn. Rồi cô ấy đến với con hàng ngày, ở lại luôn vào buổi đêm. Con nghĩ ông đã mang cô ấy đến với đời con và con tiếp nhận …
Khi con tháo băng ra, trước mặt con là một cô gái… Trời ạ, sao cô ấy xấu vậy, khẳng khiu, khô như que củi, răng hơi hô, lưỡng quyền cao và tóc xơ xác vì lạm dụng thuốc nhuộm… Son phấn bết dày như trát vữa. Hình như con đã gặp, trước đây, đôi lần trên hành lang bệnh viện. Chỉ chục ngày sau, cô ấy báo tin mừng, đã có bầu, có em bé, con hết băn khoăn gì về xấu, đẹp. Cái nết đánh chết cái đẹp. Chúng con tổ chức đám cưới.
Ông đã lừa con, Ông Trời ạ, cả tuần đó chiều nào cũng mưa, Tuyết nói với con: chắc mình chết vì mưa! Nhưng đúng ngày cưới của con, tạnh ráo từ chiều, nắng ấm, trời xanh, gió mát, thời tiết đẹp kỳ lạ: “Trời chiều hôn lễ chúng ta rồi!”. Ông làm cho con cứ nuôi ý nghĩ: duyên số, nàng có xấu, nhưng là duyên số của con.
Bố Tuyết chủ một công ty tư nhân nhập khẩu thuốc tây, ông có mấy cửa hàng bán thuốc ngoài phố. Sau đám cưới, con rời phòng tập thể, chuyển đến ở căn phòng sát luôn tiệm thuốc. Và, ít lâu sau, vợ con gọi thợ, biến căn phòng đó thành phòng khám bệnh ngoài giờ với lý lẽ rất rõ ràng: khám bệnh ngoài giờ là hợp pháp, là cách duy nhất để kiếm tiền mua sữa nuôi con. Tuyết yêu cầu con phải rời bệnh viện ngay sau ca mổ, bắt đầu làm việc cho phòng khám đến 9-10 giờ đêm mỗi ngày.
Cuộc hôn nhân chúng con đổ vỡ, khi con thường đóng cửa phòng khám để mổ ca chiều và tối, khi con cương quyết viết đơn thuốc cho bệnh nhân con khám chứ không bán cho họ những viên thuốc vợ con đã xé vỏ, khi con phản đối bố vợ nhận tiêu thụ thuốc ung thư giả … Thuốc ung thư giả đó là giọt nước tràn ly: “Anh biết tôi lấy thuốc từ công ty nào nhập về không? Công ty người nhà của một sếp sòng bên Bộ Y tế đấy! Họ nhập họ không sợ mà anh són dái!”
Sau này, con mới biết, cô ấy đã có chục lần đến đứng trước phòng làm việc của con bĩu môi với cái bảng con luôn treo ở đấy: “Không tiếp tiếp thị dược!”. Cô ấy đến thăm con trong bệnh viện là do nghe được tin gã bác sĩ cứng đầu đang mổ nhãn cầu. Cô ấy đã chớp lấy cơ hội.
Chúng con ra tòa sau bảy năm chung sống, con chỉ yêu cầu về tài sản là được giữ căn hộ gần bệnh viện, còn tất cả nhường cho cô ấy với điều kiện được nuôi con. Con trai chúng con năm ấy bảy tuổi. Hình như, bảy năm qua, tất cả thời gian con dành cho bệnh nhân, phòng khám, và con trai con. Tuyết ít khi quan tâm đến cháu, đưa đón con đi mẫu giáo, ngày chủ nhật đưa con đi chơi cũng là con… Con trai là niềm vui, hạnh phúc của con. Cô ấy đồng ý như vậy ở các phiên hòa giải, nhưng khi con ký xong bản phân chia tài sản, cô ấy tuyên bố: con trai cô ấy nuôi. Con lên tiếng nhắc cô ấy thỏa thuận đã thống nhất. Cô ấy cười nhẹ: “Anh có muốn nuôi không khi đó là con người khác!”. “Em đừng bày trò nữa!”. “Không! Bây giờ tôi xin nói trắng ra. Tôi không sinh non hai tháng, mà tôi đã có bầu trước khi gặp anh hai tháng đấy. Chỉ thằng lù khù như anh không nhận ra thôi!”
Con không tin. Con đi thử ADN. Hôm nhận kết quả, con đã đi thẳng lên tầng lầu bệnh viện. Con tính gieo mình từ đó xuống. Nhưng ở phút cuối cùng, con nhớ tới ca mổ vào lúc 2 giờ chiều. Bệnh nhân, ông bố của đứa con mới lên 9 tuổi. Khi nào con thăm khám xong, thằng bé đều bám theo: Liệu bố con có qua được không bác? Con chỉ còn mình bố! Một ca mổ khó, bệnh nhân quá yếu, phẫu thuật phải nhanh, gọn, kết thúc trong khoảng hai giờ mới hy vọng thành công. Chỉ có con mới có thể làm nhanh được vậy.
Sau ly dị, con không quan tâm đến chuyện kiếm tiền, lương bác sĩ chuyên khoa II và phụ cấp mổ đã đủ nuôi mình con. Nhữngngười thân của con đâu ai còn nữa: mẹ con đã mất, chị con cũng đã mất… Con không còn phải nuôi ai.
Lẽ ra con đã là giám đốc bệnh viện, hay cao hơn nữa… nhưng con từ chối mọi chức vụ. Cuối cùng, nể lời anh em bệnh viện, con nhận làm phó giám đốc chuyên môn, với điều kiện bệnh viện lập một tổ chuyên trách về công tác vật tư, thiết bị y tế. Con không ký bất cứ giấy tờ nào về lĩnh vực này. Con không muốn liên quan đến tiền bạc.
Con tốt ư? Vâng con là người tốt. Con thanh liêm ư? Có lẽ không hẳn vậy. Con luôn nghĩ nếu con có một gia đình hạnh phúc, con có 2-3 đứa con mà phải lo cho chúng, chắc con cũng sẽ như mọi người, dù con không tham, nhưng con không tránh được việc phải nhận những đồng tiền khác ngoài tiền lương, ngoài phụ cấp ca mổ.
Con chợt nhớ hôm nay, chính là ngày con rời nhà nhập học, lần đầu tiên con -một đứa bé quê đặt chân đến Hà Nội. Buổi sáng hôm đấy, mẹ tiễn con đến giữa cánh đồng thì dừng lại. Còn con vừa bước đi vừa mơ một giấc mơ tương lai: Con sẽ thành bác sĩ, con sẽ mua một ngôi nhà, đưa mẹ và chị ra cùng chung sống. Con cứu nhiều người bệnh, và con cũng giúp đỡ nhiều người bệnh khó khăn bằng tiền lương của con. Con đi qua cánh đồng. Không! Con đang bay, đang bay… Ông Trời, ông có thấy con ngày hôm ấy không, có thấy khuôn mặt tỏa sáng, nụ cười hạnh phúc tỏa sáng, đôi mắt long lanh niềm tin của con không?
Chọn nghề y, con tưởng tượng khi mặc vào người chiếc áo blouse sẽ bước đi trước những đôi mắt ngưỡng mộ, yêu quý, trân trọng. Và, cả đời con, con đã hy sinh rất nhiều, cố gắng rất nhiều, vượt lên nghịch cảnh để xứng đáng với nghề. Nhưng, bây giờ, nhiều lúc đi qua bệnh nhân con lại nghe tiếng họ thì thầm phía sau: “Sao tay phó này chưa vào ngục nhỉ?”, “Chắc sắp thôi, cùng một ổ. Chỉ là còng tay lúc nào thôi!”, “Ông phó này chuyên môn cực giỏi đấy. Đi hội nghị bên Tây xoành xoạch!”, “Giỏi đến mấy, nhưng trong guồng không thoát!”, “Trông có vẻ trí thức! Trán cao, mắt sáng!”, “Càng có vẻ, càng tệ!”, “Tiếc một bàn tay vàng!…”
Trái tim con tan nát…
Trời ạ.
Bây giờ mới quá nửa đêm, còn rất lâu mới sáng.
Con đã viết đến trang giấy cuối cùng. Để nói với người về nỗi đau, về nỗi cay đắng của con, nỗi truân chuyên của kiếp người phải có thêm 20 tờ, 40 tờ, 100 tờ giấy A4 nữa, 10 ngàn từ không đủ, 20 ngàn từ không đủ, 100 ngàn từ vẫn chưa đủ …
Có lần con nhìn một đứa bé chơi với một đống đồ chơi: những ngôi nhà và vô số những hình nhân bé xíu bằng nhựa, nó dịch chuyển, xô ngã đập nát những ngôi nhà, gạt đổ những hình nhân, vặn đầu, vặt tay các hình nhân, ném những hình nhân tung tóe… Con đã liên tưởng nó với ông. Ông Trời, hay chúng con chỉ là những món đồ chơi trong tay ông?
Số phận của mẹ con, chị con, con, đồng nghiệp con, bao nhiêu con người khác với ông chỉ là trò chơi tung hứng?
Ông biết không? Mỗi sinh linh bé nhỏ chúng con đều khát khao sống, khao khát yêu, luôn hy vọng, và luôn cố gắng vươn lên cho những điều tốt đẹp nhất… Ông hãy hủy diệt hết đi, xóa trắng hết đi, hay hãy cho chúng con được sống như những con người trong bình an, yêu thương, ấm áp, hạnh phúc …
Ông Trời! Con đã gọi ông ngàn vạn lần khi con còn nhỏ.
Ngàn vạn lần khi con lớn lên.
Nhưng chẳng bao giờ con nghe tiếng ông vọng lại. Con nhìn lên cao kia, chỉ thấy trời xanh thăm thẳm! Ông ở đâu? Ở đâu trên cao xanh ấy, khi con đau khổ, cùng đường, tuyệt vọng?
Con biết cả lần này nữa. Cũng không có ông!.
Quy Nhơn, 30/1/2023
Đặng Chương Ngạn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...