Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Tiểu thuyết "Dân du mục" của Ilyas Yesenberlin và vấn đề chú thích tác phẩm văn học sử thi

Tiểu thuyết "Dân du mục" của Ilyas Yesenberlin
và vấn đề chú thích tác phẩm văn học sử thi

Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong chuyến thăm Kazakhstan vào tháng 10.2022, Tổng thống Kassym – Jomart Tokayev khẳng định: “Kazakhstan quyết tâm tạo ra bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương với Việt Nam…”, đồng thời tổng thống kỳ vọng năm 2023 sẽ mở ra trang mới trong lịch sử hữu nghị lâu dài giữa Kazakhstan và Việt Nam. 
Vừa qua, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam đã tổ chức giới thiệu cuốn tiểu thuyết bộ ba sử thi “Dân du mục” của nhà văn Kazakhstan Ilyas Yesenberlin vừa được nhóm dịch giả chuyển ngữ sang tiếng Việt và ấn hành tại Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Đây đã là một sự kiện quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Kazakhstan.
Bài viết dưới đây giới thiệu của dịch giả Nguyễn Văn Chiến về nhà văn Ilyas Yesenberlin và tác phẩm “Dân du mục”, đồng thời nêu ra ví dụ, suy nghĩ của ông về việc tìm hiểu các khái niệm, hiện tượng lịch sử, văn hóa… xuất hiện trong văn bản nguồn và cách tiếp cận của người dịch để làm chú thích, chú giải cho bản dịch.
I. ILYAS YESENBERLIN VÀ TÁC PHẨM SỬ THI CỦA ÔNG "DÂN DU MỤC".
Cho đến ngày nay tại Kazakhstan, thiên tiểu thuyết bộ ba “Dân du mục”  nổi tiếng của nhà văn Ilyas Yesenberlin vẫn là một trong những cuốn được đọc nhiều nhất và được dịch nhiều nhất sang các ngôn ngữ khác. Những tiểu thuyết lịch sử của ông “Dân du mục” và “Hãn quốc Kim trướng” một thời đã đóng vai trò to lớn trong việc khôi phục cơ sở lịch sử Kazakhstan để nhiều thế hệ thanh niên người Kazakh hiểu. Sau hai bộ tác tác phẩm ấy, Ilyas Yesenberlin muốn viết một tiểu thuyết bộ ba về lịch sử của người Kazakh trong thế kỷ XIX. Nhưng ông đã chẳng còn thời gian nữa…
Đó là thành quả cả đời ông dày công sưu tầm tư liệu và sáng tạo thành những tác phẩm văn học hấp dẫn và đầy sức thuyết phục.
Trên mộ ông có viết một dòng thơ: “Tôi đã viết một câu chuyện lịch sử, cố gắng phát hiện lịch sử ấy cho nhân dân tôi để họ sẽ tiến tới tương lại dưới ngọn cờ của chính nghĩa”.
Ilyas Yesenberlin đã để lại những hình tượng con người rất hấp dẫn của quá khứ đất nước Kazakhstan quyện trộn bằng sự thật lịch sử với nét hư cấu tài tình, họ chính là những đại diện xuất sắc trong quá khứ phong kiến trên Đại thảo nguyên. Những người sáng lập Hãn quốc Kazakhstan là Kerey và Zhanibek, những người kế vị họ Buryndyk và Kasym, các hãn Aknazar và Tauekel, Yesim, Tauke, Aulkhair, Abylai, Kenesary – tất cả những người cai trị thảo nguyên ấn tượng này đều được mô tả thật chân xác và hào hùng trong tiểu thuyể bộ ba đáng chú ý của I. Yesenberlin “Dân du mục”.
Ilyas Yesenberlin khi còn trẻ mơ ước trở thành một nhà luyện kim, và ước mơ ấy chắc chắn thành hiện thực vì vào năm 1940, ông tốt nghiệp Học viện Khai thác và Luyện kim Kazakhstan. Nhưng cuộc chiến với Đức Quốc xã bắt đầu, và Yesenberlin đã ra mặt trận. Một vết thương nặng trong chiến tranh khiến ông không thể đứng trong hàng ngũ trí thức kỹ thuật trẻ của đất nước. Trong tủi có may, thế là văn học trở thành sự nghiệp chính trong cuộc đời của I. Yesenberlin. Và hoạt động lao động của ông rất đa dạng. Trong những năm đầu tiên sau chiến tranh, ông làm việc trong bộ máy của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Kazakhstan, sau đó ông làm nhiều công việc như biên tập viên của hội đồng biên kịch tại hãng phim Kazakhstan, biên tập tại nhà xuất bản Kazgoslitizdat, thành viên ban biên tập và viết kịch bản của hãng phim Kazakhfilm, và trong nhiều năm làm giám đốc Nhà xuất bản Zhazushy và đóng góp nhiều cho việc nâng cao và củng cố uy tín và năng lực của nhà xuất bản tiểu thuyết lớn nhất này ở Kazakhstan. Từ 1971 đến 1975, ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Kazakhstan.
Yesenberlin bắt đầu thể hiện tài năng văn học bằng thơ – từ năm 1945, các bài thơ và tuyển tập thơ bắt đầu xuất hiện. Nhiều bài thơ được phổ nhạc vang lên trên đài phát thanh và từ sân khấu. Rồi ông thử khả năng sáng tạo của mình trong nghệ thuật kịch. Vở kịch “Cuộc đấu tranh trên núi” đã được dàn dựng trong một thời gian dài tại Nhà hát Cộng hòa dành cho khán giả trẻ; ông cũng đóng vai trò là một dịch giả, cụ thể là ông đã dịch truyện cổ tích và truyện của nhà giáo dục K. D. Ushinsky sang tiếng Kazakh.
Tuy nhiên, I. Yesenberlin cho rằng thơ và kịch của ông đều chưa thành công trong việc thể hiện đầy đủ cương lĩnh sáng tạo, các nguyên tắc đạo đức của mình, và ông nhanh chóng chuyển sang văn xuôi. Ông viết nhiều tiểu thuyết đề cập những vấn đề cấp bách của thực tế.
Năm 1969, ông viết tiểu thuyết “Hãn Kene” tiếp theo là hai tiểu thuyết khác “Thanh kiếm yêu thuật” và “Tuyệt vọng”, vào các năm 1971 và 1973, tạo thành một bộ ba tiểu thuyết lịch sử.  Người đọc vốn đã quen với việc tìm kiếm chất liệu cuộc sống hiện đại, mang tính thời sự trong các tác phẩm của nhà văn, nay trở nên bị bất ngờ với những cuốn tiểu thuyết đưa người Kazakh vào quá khứ xa xăm. Nhưng hóa ra, việc lật lại lịch sử quê hương là một bước phát triển tự nhiên, hợp tình, hợp lý nơi con đường sáng tạo văn học của nhà văn.
Một số người viết lịch sử văn học cho hay, khi I. Yesenberlin viết bộ ba này, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào về quá khứ của người Kazakh, chưa có đánh giá cơ bản nào được đưa ra đối với các sự kiện lịch sử đã biết… Và những vấn đề phức tạp nhất của lịch sử quốc gia suốt năm trăm năm qua vẫn chưa được nghiên cứu (như thời gian sụp đổ của Kim Trướng Hãn quốc và đế chế Thiếp Mộc Nhi (Timur) cùng sự xuất hiện của Hãn quốc Kazakhstan), mặc dù công việc theo hướng này đã được tiến hành.  Ilyas Yesenberlin, một trong những người đầu tiên và cũng là người đầu tiên trong số các nhà văn, đã thể hiện lòng dũng cảm sáng tạo và tinh thần công dân tuyệt vời để thực hiện công việc nghiên cứu khó khăn và có trách nhiệm đó. Tài năng cùng lòng yêu nước cho phép ông đưa những tư liệu chưa biết đến với người đọc thành hiện thực cuộc sống hàng ngày nhằm soi sáng lịch sử năm thế kỷ (từ đầu thế kỷ XV) của thảo nguyên Kazakhstan vốn nằm ở ngã ba châu Á và châu Âu.
Trong tác phẩm của mình, I. Yesenberlin làm sáng tỏ không chỉ những lý do cho sự xuất hiện và củng cố của Hãn quốc Kazakh, mà cả những động cơ kinh tế – xã hội và chính trị trong quan hệ với nước Nga cùng sự sáp nhập tự nguyện của Kazakhstan vào Nga năm 1731. Ông sử dụng hiệu quả văn học dân gian, thể hiện cả tri thức và trí tuệ của nhân dân, kết hợp các tư liệu phong phú để không chỉ mô tả giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX, đầy đủ các sự kiện bi thảm (các cuộc xâm lược thảm khốc của người Dzungar, người Trung Quốc và những người nước ngoài khác, xung đột đẫm máu giữa các bộ lạc và thị tộc, giữa các hãn và sultan để giành quyền lực, cuộc đấu tranh của những người du mục chống lại sự áp bức tàn bạo của tầng lớp thống trị). Qua lời kể của những người kể chuyện, qua những truyền thuyết, nhà văn đưa người đọc trở lại với những thế kỷ trước, với kỷ nguyên đen tối của sự thống trị của các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn (Chingizids). Như vậy, I. Yesenberlin đã tạo nên những bức tranh sinh động và chân thực về những sự kiện bi thảm phức tạp nhất và rất có ý nghĩa trong lịch sử của dân tộc Kazakh từ khi Đế chế Thiếp Mộc Nhi (Tamerlane) sụp đổ đến giữa thế kỷ XIX.
Ilyas Yesenberlin quan tâm đến lịch sử không phải là ngẫu nhiên.
Ông từng so sánh cuộc đời người với một cái cây. Càng lên cao trong quá trình phát triển, cội nguồn của nó càng lùi sâu vào quá khứ. Ông muốn nói rằng  một khi càng nỗ lực với suy nghĩ về tương lai, chúng ta càng cần phải cảm nhận và biết về quá khứ của mình, vì đó là nền tảng cho tương lai của chúng ta. Tiểu thuyết bộ ba “Dân du mục” là sử thi về con đường tìm tự do kéo dài hàng thế kỷ của người Kazakh.
II. GỢI Ý CHÚ THÍCH TỪ NỘI DUNG TÁC PHẨM "DÂN DU MỤC".
Chính trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết lịch sử vốn liên quan đến một khoảng thời gian nhiều thế kỷ, nhiều tầng lớp dân tộc, nhiều khu vực địa lý này đã nảy sinh ra nhiều vấn đề cần phải làm chú giải để người đọc Việt Nam hiểu.
Khi bắt tay và công việc dịch, cả nhóm dịch đã thống nhất vấn đề cần phải làm chú thích thấu đáo và giao một người làm nhiệm vụ hiệu đính. Và cuối cùng, chỉ có hai người dịch là Nguyễn Văn Chiến và Lê Đức Mẫn (dịch hai tập I và II) đã thực hiện tốt công việc chọn các đơn vị ngôn ngữ khó mang tính lịch sử và ngôn ngữ – đất nước học để tiến hành chú thích.
Chúng tôi chỉ xin trình bày về hai khái niệm lịch sử mà tác giả tiểu thuyết đã đề cập đến trong nội dung tiểu thuyết là người Hung Nô, người Hung (Huns) và Đột Quyết.
Chúng ta đều biết trước đây và ngay cả hiện nay, Kazakhstan là đất nước nằm trên giao điểm của các nền văn minh của thế giới, của các huyết mạch giao thông nối liền các nền văn hóa, kinh tế, xã hội và tư tưởng giữa phương Đông và phương Tây, giữa châu Âu và châu Á. Trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử, trên lãnh thổ của Kazakhstan đã hính thành và phát triển các quốc gia có lịch sử văn hóa độc đáo mà hậu duệ của lịch sử đó chính là nước Kazakhstan ngày nay.
Vào các thế kỷ đầu của Thiên niên kỷ thứ nhất trên lãnh thổ vùng thảo nguyên Trung Á đã rất phát triển nền văn minh của người Scythia – Saka mà chứng tích thú vị là các vật dụng hàng ngày và đồ trang sức mang “phong cách muông thú” bằng đồng và vàng.
Sau đó tại đây hình thành quốc gia hùng mạnh của người Hung (Huns) vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản đồ địa chính trị thế giới thời đó. Các chiến binh người Hung của thủ lĩnh Attila đã tấn công Đại đế chế La Mã. Và chính người Hung đã mang đến châu Âu các thành tựu văn hóa vốn tạo nên diện mạo văn hóa con người hiện đại ở đây.
Rồi con cháu người Hung là các bộ lạc người Đột Quyết từng tạo nên các hãn quốc trải dài từ Hoàng hải ở phương Đông đến Hắc hải ở phương Tây. Và con đường tơ lụa vĩ đại đã chạy qua các xứ sở này nối mạch Byzantium với Trung Quốc.
Chính các sự kiện này đã làm nảy sinh nhiều khái niệm lịch sử mà cần được làm sáng tỏ. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài yếu tố.
Trước hết, khái niệm về người Hung. Họ có phải cùng gốc với người Hung Nô hay không?
Hung Nô, đọc theo bính âm là Xiōngnú, vốn là các bộ lạc du cư sinh sống ở khu vực thảo nguyên Trung Á hoặc thuộc Mông Cổ  hiện tại kéo đến Caucasus (Kavkaz).  Cổ sử Trung Quốc như Sử ký, Hán thư (có lẽ là truyền thuyết) cho rằng người Hung Nô là các hậu duệ của con trai của vua Kiệt, vị vua cuối cùng của nhà Hạ, triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Đến thời Đông Hán, người Hung Nô bị phân ra thành hai bộ phận cơ bản là: Nam Hung Nô mà về sau bị Hán hóa; Bắc Hung Nô, những người chạy sang phương Tây vào khoảng thế kỷ IV, có lẽ trở thành  người Hung. Còn một bộ phận nữa gọi là Tây Hung Nô, nhưng gần như không có thông tin gì về nhóm này.
Bìa tập I bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết bộ ba “Dân du mục”
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn coi ba giả thuyết sau đây đều có thể sẽ đúng:1/ người Hung là hậu duệ của Hung Nô phương Bắc di cư về phía tây; 2/ hoặc người Hung dùng cái tên họ vay mượn từ Hung Nô phương Bắc; 3/ hoặc người Hung Nô là một bộ phận của liên minh các tộc người Hung.
Bởi vậy học giả Christopher I. Beckwith đề xuất rằng tên (bính âm) Xiōngnú có lẽ là một từ chung gốc (cognate) với các từ Scythia, Saka và Sogdia, có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Đông Iran. Cho nên hầu hết liên minh Hung Nô là người gốc từ Iran.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học Mông Cổ cho rằng những dân cư của Văn hóa Mộ phiến  (Slab Grave culture) là tổ tiên của người Hung Nô, và một số học giả lại đưa ra giả thuyết cho rằng người Hung Nô có lẽ là tổ tiên của người Mông Cổ.
Một số nhà nghiên cứu ủng hộ học thuyết về tiếng Hung Nô thuộc ngữ hệ Đột Quyết (Turk). Lại còn có những học giả ủng hộ thuyết coi tiếng Hung Nô thuộc ngữ hệ Enisei. Chính học giả người Pháp Joseph de Guignes hồi thế kỷ XVIII là người đầu tiên đề xuất mối liên hệ giữa người Hung và người Hung Nô, láng giềng phía bắc của Trung Quốc vào thế kỷ III trước Công nguyên. Ông viết rằng  bộ tộc Hung do Attila cai trị , những người đã xâm lược và chinh phục phần lớn châu Âu vào thế kỷ V, có thể ít nhất một phần là người  Đột Quyết và hậu duệ của người Hung Nô.
Còn đối vời người Hung thì hiện nay các nhà khoa học vẫn  nghiên cứu và tranh luận về nguồn gốc tổ tiên châu Á của người Hung. Về mặt di truyền, người Hung (liên minh các chiến binh thảo  nguyên) không đồng nhất về mặt dân tộc, họ có thể là bộ tộc du cư gốc Á-Âu gồm cả nhóm Ural-Altai (bao gồm các bộ lạc gốc  Đột Quyết, Tungus, Mông Cổ và Phần Lan-Ugra) cũng như nhóm Ấn-Âu (bao gồm các bộ lạc Scythia Iran như Alan và Sarmatia; các bộ lạc người Đức như Gepid, Goth; và Slav).
Mặc dù một vài chứng cứ gần đây cho thấy có sự liên hệ về chính trị và văn hóa giữa người Hung và người Hung Nô, nhưng cũng chưa ai chắc chắn kết luận về sự đồng nhất giữa người Hung Nô và người Hung.
Các dân tộc Đột Quyết (Turkic) là một tập hợp các nhóm dân tộc đa dạng nói các ngôn ngữ Đột Quyết , thuộc hệ dân Á Âu, định cư ở miền Bắc, Trung và Tây lục địa Á-Âu.
Theo các nhà sử học và ngôn ngữ học, ngôn ngữ Tiền Đột Quyết (Proto-Turkic) có nguồn gốc từ Trung Đông Á, có khả năng ở Mông Cổ hoặc Tuva.  Ban đầu, những người nói ngôn ngữ Tiền Đột Quyết có thể vừa là những người săn bắn hái lượm vừa là nông dân, nhưng sau đó trở thành những người chăn nuôi du mục.
Nhiều nhóm dân tộc khác nhau trong suốt lịch sử đã trở thành một phần của các dân tộc  Đột Quyết thông qua sự thay đổi ngôn ngữ , tiếp biến văn hóa, chinh phục, xen kẽ, tiếp nhận và  chuyển đổi tôn giáo. Một số nhóm dân tộc Đột Quyết hiện đại đáng chú ý nhất bao gồm người Kazakh, người Altai, người Azerbaijan, người Chuvash, người Gagauz,  người Kyrgyz, người Turkmen, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tuva, người Duy Ngô Nhĩ, người Uzbek và người Yakut. Có một dạng ý kiến thú vị là người Hung Nô cũng được coi từng thuộc về nhóm dân tộc Đột Quyết.
Các nhà di truyền học cho biết các dân tộc nói tiếng Đột Quyết ở Trung Á khác nhau có từ 22% đến 60% tổ tiên là người Đông Á. Các dữ liệu di truyền cho thấy người Kazakh có nguồn gốc Đông Á còn cao hơn. Có lẽ thông qua sự pha trộn mạnh mẽ giữa người Kipchak (người Đột Quyết) với người Mông Cổ thời trung cổ, cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào Trung Á đã có tác động lâu dài đến cấu trúc gen người Kazakh.
Vào thế kỷ XIII, người Mông Cổ xâm lược châu Âu và thành lập Kim Trướng Hãn quốc  (Golden Horde) bao trùm lãnh thổ của Đông Âu, phía tây và bắc Trung Á, thậm chí cả phía tây Siberia.  Kim Trướng Hãn quốc (Golden Horde) có tên lúc khởi nguyên là Ulug Ulus, có nghĩa là “Đại quốc” trong tiếng Đột Quyết, ban đầu là một hãn quốc Mông Cổ và sau đó bị  Đột Quyết hóa, được thành lập vào thế kỷ XIII và có nguồn gốc là khu vực phía tây bắc của Đế quốc Mông Cổ .  Với sự tan rã của Đế quốc Mông Cổ sau năm 1259, nó trở thành một hãn quốc riêng biệt về mặt chức năng. Người ta còn gọi là Hãn quốc Kipchak hoặc Ulus của Truật Xích (Jochi) (con trai cả của Thành Cát Tư Hãn).
Liên minh Cuman-Kipchak  (Cuman- Qipchaq) và Volga Hồi giáo Bulgaria đã bị Kim Trướng Hãn quốc tiếp thu vào thế kỷ  XIII; Hồi giáo trở thành tôn giáo chính thức dưới thời  hãn Uzbeg. Khi đó, người Nga và người phương Tây gọi dân Đột Quyết và  tầng lớp quý tộc (người Mông Cổ) nói ngôn ngữ Kipchak là “Tatar” (âm Hán Việt là “Thát Đát”, và chính vào thế kỷ XIII, quân dân Việt Nam thích lên mình dòng chữ “Sát Thát” thể hiện quyết tâm chống giặc phương Bắc). Người ta còn gọi xứ này là Hãn quốc Kipchak vốn bao phủ hầu hết lãnh thổ Ukraine cũng như toàn bộ miền nam và miền đông nước Nga ngày nay (phần châu Âu). Sau đó Kim Trướng Hãn quốc đã tan rã thành một số hãn quốc nhỏ và các nhóm trong thế kỷ XV và XVI bao gồm Hãn quốc Kazakh, Hãn quốc Krym , Hãn quốc Kazan, Hãn quốc Siberia v.v…
Phần lớn lãnh thổ Kazakhstan ngày nay từng nằm trong thành phần của Hãn Quốc Kim trướng. Và các hãn người Kazakh về sau này chính là hậu duệ trực tiếp của Truật Xích. Hãn Quốc Kim trướng trong giai đoạn hưng thịnh về chính trị và quân sự đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành quốc gia Nga, và về cơ bản đã quyết định sự phân bố địa chính trị của các lực lượng tại Đông Âu.
Trong tiểu thuyết bộ ba “Dân du mục” nổi tiếng của nhà văn Ilyas Yesenberlin có rất nhiều đơn vị định danh lịch sử, văn hóc, dân tộc, phong tục, chiến tranh, đời sống… của Kazakhstan tương tự như thế mà văn bản nguồn không hề cấp một chú giải nào. Hai người dịch chúng tôi phải xử lý những  đơn vị đó cho hai tập đầu và thậm chí cả những đơn vị thiết yếu của tập ba.
Đằng sau các đơn vị này là lớp khái niệm khá sâu sắc về nhiều phương diện, chúng bắt buộc người dịch phải tìm hiểu và nắm vững để dịch và chú thích gọn, chặt, nhưng đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa phải là trọn vẹn vì còn có những đơn vị bị bỏ sót, hoặc biện giải chưa triệt để.
Tuy nhiên, những gì đã làm được chắc chắn khiến thiên tiểu thuyết này trở thành một cột mốc trong sự phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Kazakh, trở thành một dấu ấn mạnh mẽ về hợp tác văn hóa và văn học giữa hai quốc gia Việt Nam và Kazakhstan.
7/11/2023
Nguyễn Văn Chiến
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...