Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Tổ quốc qua "Bước gió truyền kỳ" của Phan Hoàng

Tổ quốc qua "Bước gió
truyền kỳ" của Phan Hoàng

Đọc Bước gió truyền kỳ, độc giả như cuốn theo đường đi biến hóa vi diệu của ngọn gió, lúc trầm hùng sử thi, lúc trầm lắng suy tư đến xót xa, lúc ào ào như thác đổ, lúc réo rắc như cung đàn… Cũng nói về nỗi đau, sự biệt ly do chiến tranh gây nên, nhưng nỗi đau trong Bước gió truyền kỳ không mang dáng vẻ bi lụy, uất hận mà giàu đức hy sinh, sự nhẫn nại, kiên trì.
Với tôi, thơ ca là miền “ngoại đạo”, là lĩnh vực khó chạm đến tận cùng miền thẳm, nhất là ở thể loại trường ca bởi sự hiểu biết về lĩnh vực này còn quá hạn hẹp. Thế nên, khi được nhà thơ Phan Hoàng tặng tập trường ca Bước gió truyền kỳ, tôi đã đọc nó bằng sự tò mò đặc biệt. Và rồi vỡ òa vì… xúc động!
Xúc động bởi giữa thời buổi thơ ca ít được ưa chuộng mà nhà thơ vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật để ra được tập thơ, lại là trường tráng ca hào sảng, đầy khí chất! Nói như nhà văn Văn Lê: “Đọc Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, người xem hoàn toàn không có cảm giác bị áp đặt. Nó ngấm vào lòng người một cách tự nhiên, như lịch sử vốn có”…
Dù hiểu biết về anh chưa nhiều, nhưng xâu chuỗi những tác phẩm mà Phan Hoàng đã viết, tôi cảm nhận được tình yêu lịch sử trong anh thật mãnh liệt. Tình yêu đó không cất nghĩa thành lời. Vì quá yêu mà luôn trăn trở, luôn muốn khám phá đến tận cùng. Khám phá theo cách của riêng anh, sáng tạo và mới mẻ…
Anh cho biết, trường ca này ra đời sau gần 15 năm thai nghén với biết bao lần viết rồi lại xóa. Xóa rồi lại viết…
Trường ca “Bước gió truyền kỳ” của nhà thơ Phan Hoàng đã được Ủy ban Nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II vào năm 2019
Như một số tác phẩm trường ca đương đại khác tôi từng được đọc, Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng không có hình tượng nhân vật trung tâm cụ thể, bề mặt cấu trúc được phân thành 5 chương đoạn (kể cả phần mở đầu và vĩ thanh) với những nhan đề riêng, hình thành nên câu chuyện truyền kỳ về lịch sử hào hùng, đầy khí phách của dân tộc Việt Nam qua suốt mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước.
“Người ơi từ đâu theo gió bay đi/ từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió/…/ Người mới con trai người vừa con gái/ ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân/ Người lên đầu non người xuôi cuối bể/ xác hóa mây bay hồn về đất mẹ/ Người từ ngàn năm người quên tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi”- ngay từ những câu đầu tiên ở phần mở đầu của trường ca, chất sử thi đã được Phan Hoàng thể hiện tinh tế mà tự nhiên, truyền cảm hứng và ngọn lửa tự hào dân tộc đến với người đọc. Xuyên suốt trường ca là hình tượng về ngọn gió hóa thân thành linh hồn người Việt, thành tên sông, tên núi, đất đai, làng mạc… để kể cho ta nghe những bước đi truyền kỳ về lịch sử đất nước…
Nhà thơ Văn Lê cho rằng, khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca “Phan Hoàng có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử”, còn nhà phê bình Cao Thị Hồng thì: “Gió trở thành nơi phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận. Gió gợi cho người đọc suy ngẫm về thân phận cuộc đời của mỗi con người qua tầng tầng lớp lớp thế hệ. Và thân phận mỗi cá thể vô danh ấy gắn liền với mỗi bước đi nhọc nhằn của mảnh đất quê hương hình chữ S…”.
Với tôi, hình tượng ngọn gió trong Bước gió truyền kỳ thể hiện sức mạnh, sự biến hóa vi diệu…, nhằm nói đến một nội hàm lớn lao, sâu xa về sự thần tốc, thần kỳ của dân tộc Việt Nam từ thời mở cõi dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước. Đó là bước gió truyền kỳ, là bước gió khẩn hoang, là gió xuôi chín khúc sông rồng, Tây Nam mùa gió chướng (tiêu đề phần II) với:
“Ơi lớp lớp người người/ hiên ngang đôi cánh chim ước mơ chim Việt/ đôi cánh Lạc Long Quân/ đôi cánh Âu Cơ/ bay từ đất thiêng trung thành voi phục Phong Châu/ bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long…” để rồi: “Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân/ tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc/ không tướng không quân/ xông pha bồi đắp hình hài đất nước/ Bước gió uy phong Lê Thánh Tôn /lưng kiếm túi thơ/ rừng nghinh biển đón/ phất cờ mở rộng biên cương Tổ quốc/ Bước gió Nguyễn Hoàng/ bước gió Lương Văn Chánh…/ bước gió những đoàn quân vô danh/ bước gió những lưu dân vô danh /bước gió những nghệ sĩ vô danh/…/ nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo”…
Ẩn sâu sau hình tượng về ngọn gió, thi nhân cho ta cảm nhận cái sâu hơn, cao hơn, rộng lớn hơn câu chuyện về lớp lớp người vô danh bằng sức mạnh vô biên của lòng yêu nước, của tình yêu hòa bình, của đức hy sinh và sự kiên trì, nhẫn nại chịu đựng đau thương mất mát để tạo nên vóc dáng, hình hài của Tổ quốc, của một dân tộc với khí phách, tinh thần hào khí Đông A…
Phan Hoàng từng tâm sự, lớn lên trong ngọn gió Tuy Hòa, gió luôn ám ảnh trong anh. Với thi nhân “gió biểu tượng cho sức mạnh, sự kiên trì, tình yêu mạnh mẽ”. Đọc Bước gió truyền kỳ, độc giả như cuốn theo đường đi biến hóa vi diệu của ngọn gió, lúc trầm hùng sử thi, lúc trầm lắng suy tư đến xót xa, lúc ào ào như thác đổ, lúc réo rắc như cung đàn… Cũng nói về nỗi đau, sự biệt ly do chiến tranh gây nên, nhưng nỗi đau trong Bước gió truyền kỳ không mang dáng vẻ bi lụy, uất hận mà giàu đức hy sinh, sự nhẫn nại, kiên trì. Nỗi đau ấy mang tính nhân văn, lòng bao dung, vị tha của một dân tộc vì chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh gây ra nên rất hiểu cái giá của sự hòa bình, luôn mong mỏi được sống trong hòa bình, bình yên:
“… Tổ quốc ban mai tráng niên/ sau mỗi cơn đêm ngả nghiêng địa chấn/ đất nước huyền thoại những con đường/ khởi từ trái tim máu chảy về phía bình yên cỏ hoa/ Cỏ hoa giấu nước mắt/ những con đường giấu kín biệt ly/ gió sang trang lịch sử/…/ Những con đường nghiêm trang lời dạy đánh thức lòng ta:/ trên đất nước cầm súng cầm gươm nhiều hơn cầm đàn cầm cuốc/…/ quằn quại những âm mưu khai hóa chiếm đoạt/ ở đâu mầm sống cũng lặng lẽ trồi lên trên đá tảng công nghệ hủy diệt/ trồi lên trên thân thể hấp hối chính mình/ hoa trái nhân hậu bao dung như nếp nhăn vầng trán mẹ/ cây cỏ bản lĩnh phi thường như đôi vai sắc đậm mưa nắng của cha”.
Lòng yêu nước được khẳng định cùng với việc đi cùng lịch sử bi hùng của dân tộc được tác giả thể hiện đau đáu, nhức buốt: “Vòng quanh khắp hành tinh này /không dân tộc nào/không đất nước nào/hiếm hoi thế hệ bình yên/ nối nhau quẫy đạp bóng đêm/ đứng lên/chống chọi mười bốn cuộc ngoại xâm/chống chọi mười bốn lần giông tố biên cương/…/Vòng quanh khắp trái đất này/ không dân tộc nào/ không đất nước nào/oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về…”.
Cũng từ hình tượng ngọn gió, ta bắt gặp sự mới mẻ, tràn trề nhựa sống của một dân tộc căng tràn sức trẻ với ước mơ tuổi thanh xuân, nối gót cha ông bước tiếp bước gió truyền kỳ viết lên những khúc tráng ca tương lai…
Một điều cũng cần đề cập đó là, sự cộng hưởng từ cách trình bày, thiết kế độc đáo với hình ảnh con trâu – biểu tượng của sức mạnh, sự nhẫn nại, gắn liền nền văn minh lúa nước – cùng trống đồng, chim Việt đã góp phần tăng thêm sức nặng biểu cảm và suy tưởng của tác phẩm đến với người đọc…
Biết thơ anh từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, ra trường đi làm báo, tôi lại gặp anh trên những trang báo ở thể loại phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng. Rất thích lối viết thông minh, sắc sảo, đầy cảm hứng, sáng tạo của anh. Đến 2014 thì diện kiến anh tại Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ấn tượng đầu tiên đó là bậc đàn anh biết quan tâm thế hệ đàn em! Một sự quan tâm đáng trân trọng giữa thời buổi kim tiền này…
Lịch sử luôn luôn ngầm chảy trong từng mạch máu của mỗi tâm hồn người Việt. Thế nên, đọc xong Bước gió truyền kỳ, tôi hiểu vì sao mình cảm thấy bức bối, chẳng thể đặng đừng muốn viết một điều gì đó… Dù biết, trước mình đã có quá nhiều bài viết hay viết về tác phẩm này.
15/11/2023
Phan Thủy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sao em không đợi

Sao em không đợi? Chiếc xe hơi ập đỗ trước cổng. Xe phủ trắng bụi đường. Chứng tỏ chặng đường đi xa xa lắm. Người đàn ông đầu hói, mặt cổ ...