Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Trái tim người lính "Mượn lửa mặt trời" cháy lên

Trái tim người lính "Mượn
lửa mặt trời" cháy lên

Trước khi trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, Thượng tá Nguyễn Thế Hùng (Báo Công An Nhân Dân) là một người lính. Đến giờ và mãi mãi về sau dù có ở cương vị nào, chất lính trong anh vẫn vẹn nguyên. Hơn nữa, lại là đứa con của cát cháy, gió bỏng Hà Tĩnh, tất cả đã tôi rèn trong anh sự vững vàng, nồng nàn, sâu sắc và trái tim giàu trắc ẩn.
Thơ anh, dù viết về đề tài gì, độc giả đều chạm tới điều ấy. Năm 2020, anh đã viết tập thơ “Mượn lửa mặt trời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) để cháy lên những than đỏ vẫn âm ỉ trong trái tim người lính. Tập thơ hé mở với người đọc bức chân dung tinh thần người lính Nguyễn Thế Hùng.
Trang thơ đầu, ta đã bắt gặp miền địa lý khắc nghiệt quê hương anh, Nguyễn Thế Hùng không hề né tránh cái khốc liệt ấy. Điều đó cũng đúng thôi, vì bản đồ tổ quốc vẽ Hà Tĩnh bằng những nét khắc của gió, bão, nắng lửa vào vách đá. Dường như chỉ hơi thở quê hương và lời của tiền nhân cũng đượm mặn mòi. Câu thơ anh đã mở ra núi trập trùng, cao xanh len lỏi vào con chữ, chữ cũng chở nhọc nhằn như quê. Và gánh đỡ vất vả ấy, không ai khác ngoài những bóng áo xanh.
“Đường lên đây dãy Giăng Màn giăng mắc/ Bao tháng năm bóng áo lính trập trùng/ Những đoàn quân chân đi không bén đất/ Chỉ mơ ngày đất nước hết lao lung”- (Chợ Phố)
Trải qua những năm tháng chiến trường, nên Nguyễn Thế Hùng viết về nhân dân thật giản dị mà thấm thía. Ngay từ nhan đề bài thơ- “Nếu thương dân hãy cho con ra trận”, anh đã thể hiện điều ấy. Trong suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc, nhận thức về nhân dân đã trở thành mạch nguồn và chân lý. Thơ ca giai đoạn 1945- 1975, đã được các nhà thơ- chiến sĩ thể hiện điều này qua tư tưởng đất nước của nhân dân.
“Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng”- (Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Hay:
“Và cứ thế nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ giữa đời/ Và như thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”- (Trường ca Những người đi tới biển- Thanh Thảo)
Nguyễn Thế Hùng kế thừa, sáng tạo mà không lãng quên quá khứ, “Lấy dân làm gốc” là kế sâu rễ bền gốc, nhưng anh còn tham chiếu từ thực tại của đời sống xã hội. Vẫn trên quan điểm “Quan nhất thời dân vạn đại”, giọng thơ trữ tình triết luận đậm chất thế sự gọi tên lương dân hiền lành và bao dung, máu xương nhân dân đã xây nên đài tổ quốc, bởi thế:
“Đã bao lần giặc lăm le phên dậu/ Núi thâm trầm trận địa lòng dân/ Muốn nước yên hãy nhờ dân giữ nước/ Thế gốc bền là thế dựa vào dân// Lịch sử ông cha ta đã thuộc bao lần/ Những ngấn đỏ phù sa luôn có pha thêm máu/ Vạn cốt khô làm cao thềm Tổ quốc/ Để truy phong nhất tướng công đồn// Tổ quốc bao lần đứng thẳng hiên ngang/ Tổ quốc bao lần binh đao và giặc giã/ Nếu thương dân hãy cho con ra trận/ Để khi về con biết quý máu dân”- (Nếu thương dân hãy cho con ra trận)
Tập thơ “Mượn lửa mặt trời” của Nguyễn Thế Hùng
Thơ anh có những dòng bồi hồi khi “Viết ở mặt trận Hà Giang xưa”, quá khứ bi tráng đã hiển hiện vào thực tại một màu mây trắng, tưởng như hư vô nhưng lại khiến người đọc thấy được một thời khói lửa biên cương. Còn tác giả xúc động vô cùng, bởi anh như gặp lại mình và đồng đội thuở nào. Lịch sử luôn công tâm với tất cả, máu xương của bao người trẻ đổ xuống không hề vô nghĩa. Một ngày hòa bình của hiện tại là bao ngày cha anh đã hy sinh. Những người lính đã lấy thân mình dựng thành thế núi. Tự hào đấy, mà không ít xót xa, bởi những người đàn ông đã nằm lại miền biên viễn, hậu phương khuyết thiếu một nửa. Nhưng đó là quy luật, có cuộc chiến nào không có máu và nước mắt? Cột mốc chủ quyền chính là đường sinh mệnh của nhân dân.
“Ngàn năm nay Nậm Ngặt mây vẫn trắng/ Như hồn trai chưa vướng bụi trần/ Một ngày thôi ngàn xác thân gửi lại/ Cho Việt Nam dáng kiêu hãnh muôn đời// Vạn hồn trai đang rải rác khắp nơi/ Sao chiều nay chưa về đây gặp mặt/ Đài tưởng niệm cháy trong chiều Nậm Ngặt/ Khói hương còn vương vấn chân hương// Lên Hà Giang ta gặp ngàn dáng núi/ Ngọn núi nào cũng thế lính xung phong/ Ngọn núi nào cũng mang hình dáng lính/ Ngọn núi nào cũng lưỡi mác cây chông// Tôi gặp đây bao người vợ khóc chồng/ Bao uất nghẹn nhớ thương tình đồng đội/ Tôi gặp đây những dòng tên khấn vội/ Gửi vào mây vào núi vào sông// Thôi về thôi họ đã thành mây trắng/ Neo ngàn đời vào núi đá Vị Xuyên/ Mỗi linh hồn vẫn còn giăng thành lũy/ Cho yên bình phên dậu Hà Giang.”
Nguyễn Thế Hùng luôn đau đáu về mẹ nên khi bước chân ra khỏi cánh đồng làng, ngoái lại là cả một trời quê đầy bóng mẹ già. Thương và xót xa quá đỗi, dù bà mẹ ấy đã trải qua tất cả. Có nỗi đau nào như niềm mất mát từ chiến tranh mà mẹ vẫn vượt qua, thì tất cả những điều khác nữa, mẹ đều vượt lên. Nhưng anh không qua nổi giọt nước mắt nhớ thương mẹ, khi viết bài thơ “Mẹ già neo lại đất quê” .
“Thế là chị lại sang sông/ Về theo anh ấy là đồng đội cha/ Neo quê còn mỗi mẹ già/ Bốn tao nôi mỏng chia ra ba miền// Cha giờ hóa nắng Điện Biên/ Hai anh hóa cát Trị Thiên bời bời/ Xòe tay mượn lửa mặt trời/ Đốt mây gom khói gửi người còn xa.”
Nguyễn Thế Hùng chỉ trong 8 câu thơ nhưng đã dồn nén câu chuyện về phận người trong và sau chiến tranh. Cha chơi với nắng Điện Biên trong kháng chiến chống Pháp, 2 người anh làm nối dài thêm danh sách liệt sĩ chống Mỹ ở trận Quảng Trị. Còn chị, kể câu chuyện thời bình “sang sông - Về theo anh ấy là đồng đội cha”. Cái kết dù hạnh phúc nhưng vẫn ngậm ngùi về phận người đàn bà thời hậu chiến. Mình mẹ neo quê, gửi niềm thương nhớ vào “ba miền”. Câu chuyện về bất kì bà mẹ nào sau chiến tranh, nhưng ít nhiều mang màu sắc tự truyện. Có cái thâm trầm sâu sắc để ta nhận ra chất quê đôn hậu và nhân bản trong trái tim người lính Nguyễn Thế Hùng. Dòng sông, bầu trời, nắng mây, cát khói cứ như nhập vào tôi, để hiển hiện một bức tranh về bà mẹ quê cương cường đã nhận bao mất mát, thiệt thòi vào mình, mà ai đọc cũng thấy mẹ mình trong đó.
Theo dấu thơ anh, người đọc ra đảo Sinh Tồn. Những dòng thơ “Viết từ đảo Sinh Tồn”  khiến ta như thấy bao con sóng như thì thầm vỗ từng lớp thời gian. Mà ở đó, người lính đêm ngày bền gan, bền chí bồi lên sự sống. Mỗi vuông xanh như góc vườn quê mẹ tảo tần, mỗi giọt nước ngọt lành - đời sống của người lính chắt xuống  để cây lớn lên. Giữa cái mênh mang vô hạn vô hồi của đại dương, có bao nhiêu máu và nước mắt của người lính nhỏ xuống, lịch sử nào đo đếm nổi? Và một đức tin, có những người lính như thế “chắn sóng từ biển Bắc”, đảo Sinh Tồn sẽ mãi xanh tươi, đất nước bình yên.
“Chưa có tôi đảo đã có lâu rồi/ Như đứa con tảo tần cùng đất mẹ/ Đã ngàn năm chắn sóng từ biển Bắc/ Vẫn lành hiền xanh mướt những vườn rau// Những vườn rau chiết ra từ đất mẹ/ Xanh nhọc nhằn trong nắng gió biển khơi/ Những luống rau như vườn rau của mẹ/ Chắt chiu từng giọt nước khẩu phần con// Tiếp bước cha con ra đảo Sinh Tồn/ Chính tên đảo như một lời nhắc nhở/ Chính tên đảo là lời thề giữ đảo/ Của lớp lớp người sinh ra trước cha con// Từ Sinh Tồn chúng con đến Cô Lin/ Qua Gạc Ma biển mặn hơn nước mắt/ Con thấm hơn cái giá người giữ đảo/ Hòa máu mình cho biển mặn Trường Sa”
Khi chưa hết bồi hồi trên đỉnh sóng Sinh Tồn thì ta lại đến với cảm xúc mãnh liệt ở bài thơ “Người đàn bà trong nghĩa trang”.  Chỉ với 31 chữ, Nguyễn Thế Hùng đã nói hơn cả mọi nỗi mất mát hậu chiến. Anh không viết theo lối thông thường, người còn vọng người mất. Ngòi bút anh đảo chiều quy luật, hai người đàn ông tóc xanh – người chồng, người con,  trên “mâm cỗ/ cùng nhớ thương về một người đàn bà tóc bạc”. Phép đảo nghịch của anh, khiến trước nỗi đau thời hậu chiến, mọi ngôn từ đều bất lực.
“Có hai cha con/ ngồi cùng một mâm cỗ,/ trẻ như nhau,/ tóc xanh vờn/ ây núi./ Có hai cha con/ cùng nhớ thương về một người đàn bà
tóc bạc”
Hiểu, xót xa và tự hào về sự hy sinh của của các thế đi trước, nên anh trân trọng khoảnh khắc hiện tại. Còn mẹ là còn. Qua binh biến, bể dâu, còn gì, được gì? Chỉ “Mẹ” là vĩ đại. Bởi “Vua dân dưới lần váy mẹ”, để anh tự sám hối trước bao tranh đoạt hơn thua, về với “mắt mẹ cười”, “được làm người chính con”, ấy là hạnh phúc. Đọc thơ Nguyễn Thế Hùng, đã bao người thức nhận được lẽ giản dị ấy? Suy cho cùng, vòng đời của bất kì đứa con nào, cũng bước khỏi lòng mẹ để trưởng thành, và khi đủ lớn lại ngộ ra, trở về trong lòng mẹ, mới được là chính mình. Bởi thế anh đã sống trọn vẹn từng phút giây còn mẹ. Vì bước đến bên mẹ là con bước tới ánh sáng.
“Ta đây thương mẹ tảo tần/ Vua dân dưới lần váy mẹ/ Đâu phải chui từ lỗ nẻ/ Để mà vô ơn/ Mẹ ta váy đụp chiếu đơn/ Còn ta cứ mãi thua hơn với đời/ Cầu xin cho mắt mẹ cười/ Con xin nguyện sẽ làm người… chính con”
Với người lính, hạnh phúc nhất là được sống trong hòa bình, nên Nguyễn Thế Hùng nguyện mình im lặng như một phiến đá, được khâm liệm trong vọng câm; ao ước về một thế giới đại đồng để “bao người sống được sống cùng người chết”. Đó là một giấc mơ lãng mạn, nhưng điều đó phần nào giúp độc giả chạm tới nét hào hoa trong tâm hồn một người lính phong trần như anh. Giữa những thử thách khốc liệt, của mặt trận không tiếng súng, thơ ca hay con người rất cần sự bay bổng, lãng mạn, để hướng tới niềm vui và chiến thắng.
“Nếu thực/ có kiếp sau/ Tôi xin được làm một phiến đá/ Mẹ Tổ quốc, hãy khắc lên lưng tôi/ lịch sử dân tộc mình/ chôn xuống thật sâu/ khỏa bằng huyệt mộ/ để người chơi cờ/ không xóa đi những ván cờ thế/ để kiếp kiếp sau/ bao người sống được sống cùng người chết”- (Lịch sử)
Nhà phê bình Nguyên Tô – tác giả bài viết
Cái lãng mạn của người lính ấy, có lẽ bung nở trọn vẹn khi gặp tháng Ba. Mùa xuân, bình minh của năm với cái chớp mắt lúng liếng đã khiến Nguyễn Thế Hùng dậy lên những cơn say mê con chữ. Bài thơ “Em có còn về kịp tháng Ba xưa?” màu hoa gạo đã cháy như ngọn lửa mặt trời. Những “hoa sưa trắng”, “rét nàng Bân”, “thề ước thả trôi”, “yếm đào lấp ló”, “bão giông”, “nhánh mai gầy”, “chiều bạt gió”, “trăng non hun hút”, là những thi ảnh đẹp của tháng Ba Nguyễn Thế Hùng. Cái đẹp ấy không phải hoàn hảo, tròn đầy viên mãn, mà là cái đẹp khai nhụy từ đầy vơi, hạnh phúc, mất mát, mong đợi ngậm ngùi, một nỗi ngóng chờ rất lính. Có nhập vào cuộc đời quân ngũ như anh, mới đủ để diễn tả đúng niềm xuân ấy. Đọc bài thơ, tôi thêm trân trọng, cảm thông sự thiệt thòi, vất vả của người lính. Và đặt mình vào vị trí người lính, tôi hiểu thêm giá trị của mùa xuân và hạnh phúc.
“Em đâu về ủ ấm tháng Ba/ Rét nàng Bân người đi không trở lại/ Hoa sưa trắng như một thời vụng dại/ Mắt ai ne nép phía sau rèm// Em có về ủ ấm tháng Ba/ Bến đò gầy chống sào chờ hoa gạo/ Sông vẫn nước người xưa lau lách cũ/ Ta thả trôi bao thề ước theo dòng// Ở cuối nguồn em có vớt lên không?/ Hay cứ để cho sông tìm ra biển/ Những bão giông tháng ba này em biết/ Sẻ ri về rét rụng dưới tàng cây// Thôi gửi em thêm một nhánh mai gầy/ Những ân ái ngày xa chiều bạt gió/ Thôi gửi em những lời còn bỏ ngỏ/ Một yêu thương lấp ló yếm đào// Tháng Ba về tháng Ba về nữa không/ Hay cứ thế mà theo sông biền biệt/ Phía đầu nguồn trăng non hun hút gió/ Em có còn về kịp tháng Ba xưa?”
Nhưng tôi cũng gặp một “Tháng Ba”, tựa hồ một tiếng thở dài tự ngàn xưa vọng về trong cái nghèo khó như là cố hữu của miền đất oằn mình hứng chịu bao cơn giận dữ thiên tai, trong thơ Nguyễn Thế Hùng. Bài thơ này, tháng Ba của anh là một trường đoạn, thổi qua những miền quen thuộc, từ con sông Ngàn Phố, đến  mảnh hồn làng, ruộng đồng, lau lách, cả con cua cũng đói vàng mắt, bạc phếch râu cha và da em nâu cũng ánh lên màu của mùa giáp hạt. Thế mới thấu, sức mạnh nội sinh của người nơi đây. Anh chỉ ước “Đừng thổi nữa gió mùa giáp hạt”, và trong những cơn nhọc nhoài xứ cát, thơ anh vẫn đẹp, ngời lên sự bền bỉ, kiên cường của người quê Hà Tĩnh. Em “tóc vẫn thế, dài như hò hẹn”, giọng quê dìu dặt “một tiếng hò lơi trên sông Ngàn Phố”  và đinh ninh một điều “sông trong thế thì lòng người ngay thẳng”.
“Gió vẫn thổi qua dòng Ngàn Phố/ buốt như lau lách/ em nón cời lặn ngụp ốc cua/ tóc vẫn thế, dài như hò hẹn/ vấn đời em vào cảnh bần hàn// Tháng Ba/ mẹ mót lúa rũ mùa giáp hạt/ miếng trầu cay, nhòe cả mắt con/ Mẹ không nói tôi biết em còn giận/ ngày ấy tôi đi, chưa một lần về…/ Tôi mang theo một mảnh hồn quê/ một tiếng hò lơi trên sông Ngàn Phố./ Một hẹn ước ngấm ngầm trong ánh mắt tháng Ba/ Tôi nghĩ sông quê mình rất trong/ làng quê mình thật đẹp/ sông trong thế thì lòng người ngay thẳng/ chỉ có trúc tre là thấu hiểu dân mình”.
Người lính dù ở thời nào vẫn là người thấu hơn ai hết tâm trạng đợi chờ. Người đi mong ngày về, hậu phương thì tha thiết nhớ. Khoảng cách thời chiến, gia đình nào cũng thế, nhưng thời bình, thì lại khác. Đó cũng là thử thách mà họ phải vượt qua, dù chẳng dễ dàng. Người lính luôn ở tuyến đầu, nên mất mát là điều khó tránh, góa bụa giữa thời bình, Nguyễn Thế Hùng đã diễn tả nỗi buồn  đó bằng tâm hồn nhạy cảm và trái tim nhân văn. Anh ví chiếc là bàng thu “đỏ như mắt góa phụ đang chờ”. Trong côi cút, đơn chiếc, thu chín đỏ, đẹp đến não nùng. Giữ mình để vẻ đẹp tan biến vào thu, khi mùa đông đang sầm sập đến, hay hàn gắn dang dở bằng vá víu? Một câu hỏi khó đưa ra câu trả lời thích đáng. Bài thơ “Thu đang đẹp như người đàn bà góa” vì thế như một nỗi ám ảnh với bất kì độc giả nào.
“Thu đang đẹp như người đàn bà góa/ sáng nay về qua ngõ xuân xưa/ lòng chợt nhớ buổi hẹn hò đã cũ/ gió đầu đông cho má ửng hồng// Sáng nay còn ai ngắm Thu không/ ba năm lẻ vẫn xe tròn chiếu lại/ Thu sợ lắm nếu một chiều lỡ dại/ bởi Thu còn quyến rũ lắm Thu ơi//…mùa Thu xưa nay vời vợi xa rồi/ mùa chinh chiến chim ngói về xây tổ/ trên gác cao có một cành bàng trổ/ đỏ như mắt góa phụ đang chờ// Thu đã đến là Thu sẽ đang qua/ trời trở gió rét đã về ngang ngõ/ hơi ấm xưa hơi ấm dường như thể/ một giấc mơ ngơ ngác đến khôn cùng// Thu vẫn đẹp như người đàn bà góa/ ai đang xa mau trở lại quê nhà/ Thu chẳng đợi chẳng chờ thêm được nữa/ đông đã về sầm sập phía người đi.”
Người lính Nguyễn Thế Hùng là thế, dẫu trên mặt trận nào cũng gai góc, quyết liệt, trong tư thế người ra trận, nhưng vẫn đằm đượm, yêu thương và đặt mình ở những cương vị khác để thấu hiểu. Nên tự nhan đề tập thơ “Mượn lửa mặt trời”, đã chứa đựng mảnh hồn quê hương Hà Tĩnh gió cát. Là cây lúa dù cứng cỏi vẫn nghẹn đòng bởi thiên tai, là những khoảng trời xanh vời vợi mây, chang chang nắng như lắng hồn cha ông. Là mẹ tảo tần, cặm cụi khi khói bếp loang chiều, bên vạt ao, thửa ruộng mà đứa con thấp thỏm, mong ngóng được trở về. Để mái tóc bạc phơ của Người rủ vào tim mình những giọt sương tháng năm, để ngộ ra hạnh phúc là được bên mẹ. Cả những tháng Ba hoa gạo đỏ đến nhức nhối, tháng Ba yêu, tháng Ba mất mát, tháng Ba cơn gió mùa giáp hạt thốc tháo, đến giờ đôi lúc vẫn khiến anh giật mình khi cơn đói ngày xưa tràn về đầy tâm tưởng. Những hòn Vọng Phu thời chiến, Vọng Phu thời bình, rưng rưng trong trái tim đầy trắc ẩn của chiến sĩ - thi sĩ Nguyễn Thế Hùng.
Người lính viết về người lính, chắc chắn sẽ thấu hiểu và rọi đến từng kẽ ngách hơn những người chưa trải nghiệm. Qua tập thơ anh, từng con chữ giản dị như giọt phù sa nâu óng của dòng Ngàn Phố, chảy vào trái tim, để độc giả thức nhận thêm về sự hy sinh, trách nhiệmvà tình yêu của người lính với tổ quốc. Từ đó trân trọng những khoảnh khắc bình yên và luôn tin yêu, biết chia sẻ, cảm thông với người lính.
4411/2023
Nguyên Tô
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...