Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Từng giọt thu, chơi vơi miền nhớ

Từng giọt thu,
chơi vơi miền nhớ

Tuy chưa từng một lần gặp thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh ở ngoài đời, nhưng tôi đã đọc và bình thơ anh không ít. Thơ Nguyễn Tiến Thanh đã truyền vào tôi cảm xúc về thời thanh tân khôi nguyên. Đó tựa hồ như những run rẩy heo may hiếm hoi ở tuổi trung niên. Ở một khía cạnh nào đó, người ta không thể đánh đồng: người và thơ. Vì khi nhập hồn vào thơ, đó là loài thi nhân yếu đuối, nhưng khi bước ra khỏi thế giới ấy, họ lại trở về với chức phận của con người, tỉnh táo giữa bộn bề. Chẳng ai sống được bằng thơ, nhưng không có những khoảnh khắc thơ mộng, tâm hồn người đã bị mất mát một thứ quý giá vô ngần.
Tôi đã bắt gặp Nguyễn Tiến Thanh trong gương mặt mùa thu. Thu là buổi chiều của năm, khi những nôn nao, bâng khuâng dẫn lối anh, đi trên thảm lá vàng hoai, bỏ mặc cho trái tim dốc vốn cho gia tài tuổi trẻ, cầm cố vào tuổi trung niên, có đôi khi vay mượn tiếng thở dài. Những than van giữa thinh không và mênh mang hoang vu, đã khiến anh moi tim mình, đặt vào ngôi nhà đầy gió, luyến lưu, se sắt, nhặt lấy những bảng lảng mây chiều để vỗ về trái tim tuổi 20 của mình.
Thu là mùa của thi nhân, vì nó là khoảng nối giữa hạ nồng nàn với đông rét mướt. Chung chiêng giữa đôi bờ ấy, thu chưng cất nỗi u hoài người. Với Nguyễn Tiến Thanh, “Điều đó dĩ nhiên rồi”, và đây cũng là một bài thơ tình anh viết giữa mùa thu của 36 năm trước. Ai cũng có thanh xuân của riêng mình và tình yêu là một món quà lộng lẫy của tuổi hồn, đẩy mọi giác quan đến cực điểm. Người ta có thể chết vì yêu. Bức tranh thu được đặt trong một thiên nhiên khoáng đạt, mở đến vô cùng với: “mây trắng, cỏ cây xao xác, cánh diều cuối bãi, bông cúc tím, bảy sắc cầu vồng, hoàng hôn”. Những tín hiệu nghệ thuật này đã trở đi trở lại rất nhiều trong thơ anh, tựa hồ như một thứ gia sản mùa thu mang dấu ấn Nguyễn Tiến Thanh. Tất cả trở nên một thứ phong cảnh lãng mạn, gọi cơn chơi vơi trong tim, thì em đến, em là phong cảnh tuổi 20 của anh, là Chúa tể. Nếu kí ức được đo bằng nhớ, thì có lẽ nhớ đã tràn bờ Nguyễn Tiến Thanh.
“Với cỏ cây xao xác một thời/ Thơ ấu khóc cánh diều rơi cuối bãi/ Thương nhớ cũ cắt ngang trời tuổi dại/ Xé thơ tình đi… gấp máy bay./ Mây trắng trời, khôn lớn trắng bàn tay/ Em chợt đến trong đời không hẹn trước/ Bông cúc tím – mặt trời thu phiêu bạt/ Anh yêu em – điều đó dĩ nhiên rồi/ Anh đã trông bảy sắc cầu vồng/ Rơi trên đất trong một chiều không nắng/ Trong mỗi cơn mơ phút – giờ – năm – tháng/ Anh yêu em – điều đó dĩ nhiên rồi/ Chiều không tên như vết mực giữa đời/ Em ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu/ Cơn đau ấy – anh xin – đừng ẩn náu/ Mưa một mùa nước mắt mấy mươi năm”. (Anh yêu em – điều đó dĩ nhiên rồi)
Thế nhưng, tình yêu ấy, đã theo những bồng bột trẻ dại, ra đi. Để mình anh trong “Ngôi nhà mùa thu”, tay hoang trên “Nốt nhạc trầm như lá du cư”. Tôi đã thấy một Nguyễn Tiến Thanh ruổi mây lãng đãng trôi giữa vòm heo may buổi tà dương, trong lời thơ rất anh. “Lá du cư” – lá từ miền em đến đậu trong mắt anh; “cơn đói chân trời”- khao khát em đã vuột khỏi ngôi nhà mùa thu anh; “hát mênh mang đày tuổi dại”– thanh tân mộng mơ, lưu đày tuổi dại chân trời xa lắc, không thấy rằng “bông cúc tím” trong lòng tay chính là vàng ngọc đời người. Để đến khi, ngộ mình khờ ngốc, quay về, ngôi nhà mùa thu đã khép cửa. Vậy thôi, chỉ vài chắp nối, tương liên ngôn từ, anh đã gọi rất chỉnh tuổi trẻ của mỗi trái tim đầy mộng, những dại ngây đã khiến tất cả theo gió mây trôi. Dù thu còn đứng đó, nhưng nỗi xao xuyến đã bị cầm tù, trả cho em giấc mơ vuột vỡ.
“Giờ còn gì trong ngôi nhà mùa thu?/Em đi vắng, ta thì không đến kịp/ Nốt nhạc trầm như lá du cư/ Thổi tắt nến chiều tà sinh nhật./ Có thể bởi ngôi nhà mùa thu chật/ Làm sao nguôi cơn đói chân trời ?/ Quả đất rộng-tha hồ em cứ hát/ Một ngàn lời nông nổi gió mây trôi/ Thì ta  sợ một ngày em trở lại/ Con chim xanh tha hạt bay rồi/ Cả hạnh phúc ngọt đường  dễ dãi/ Vỡ trong đời như một giấc mơ thôi/ Khi ấy, cuối một mùa nắng rớt/ Ngày đi qua- chiều thăm thẳm chân trời/ Quả đất rộng-tha hồ em cứ khóc/ Ngôi nhà mùa thu khép cửa lâu rồi….”. (Ngôi nhà mùa thu).
Giận hờn trước những “cơn đói chân trời” em, “ngôi nhà mùa thu” anh khép cửa, trả cho không gian thơ nước mắt và vệt khói thuốc. Khi qua khỏi bồng bột trẻ dại, anh nhận ra “Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ úa”. Cỏ xanh đêm trước, vào nhớ thương khuya sâu đã úa, nhưng trên cánh đồng anh vẫn gieo một tín niệm “Dẫu tàn tro vẫn ấm lúc đông hàn”. Tuổi trẻ vốn thừa nông nổi, nhưng luôn là đoạn đời phong kín những dấu trinh nguyên. Khi quá khứ bừng thức, sẽ da diết hồi niệm về người con gái đầu tiên bước vào trái tim anh. Thanh tân là thứ tài khoản ắp đầy nhất, mang theo những niệm lành, để đôi khi trong những cơn cớ trung niên, giữa khói thuốc mờ bay, xưa cũ vẫn lay động cả một vùng bao la trong niềm yếu đuối diệu vợi. Bởi giữa những sấp ngửa cuộc người, ấy là những niệm lành để hàn vá trái tim. Cỏ đã được Nguyễn Tiến Thanh đặt vào những giả định tăng tiến “úa, héo, chết”, nhưng cuối cùng thì tuổi trẻ vẫn bất tử giữa miền “Cỏ dịu hiền, biếc nõn tuổi hai mươi”.
“Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ úa/ Trên cánh đồng mơ ước của riêng anh/ Nhưng anh biết bởi vì tim hoá lửa/ Dẫu tàn tro vẫn ấm lúc đông hàn/ Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ héo/ Dọc thời gian như tóc trắng ngang đầu/ Đường nhân thế, trần gian muôn vạn nẻo/ Bến tà dương, con đò vắng nguyện cầu/ Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ chết/ Một ban mai gọi nắng nhiệm màu/ Cũng có thể bài ca rồi sẽ hết/ Khúc bi hoan dài hun hút đêm thâu/ Nhưng anh biết cỏ mùa thu bất tử/Bởi cơn mưa dằng dặc cuối chân trời/Những khô khát bật mầm trên ruộng cũ/ Cỏ dịu hiền, biếc nõn tuổi hai mươi”. (Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ úa)
Có đâu đó trong thoáng vơi đầy, bất chợt ngoái tìm, anh đã bắt gặp “Đôi mặt huyền và ngọn cỏ mùa thu”. Ở tứ thơ này, tôi thấy một thi sỹ phiêu bồng, để mặc hồn hoang trên những phiến cỏ thẫm màu năm cũ. Thẫm như mắt em huyền hồ vào thăm thẳm mùa. Ánh mắt ấy đã chôn vùi anh trong thoáng hun hút gió. Người thi sĩ để mặc cho những cơn cớ lưu đày mình. Rung ngân trong thánh thót giọt thời gian thảng thốt. Trôi qua anh những miền gió của tuổi học trò hoa nắng đậu mùa thi, của hiện tại khi giấc mơ ngôi nhà mùa thu đã vỡ, chỉ còn lại trống trải đến bàng hoàng thì em hiện diện, mắt em niêm hoa hồn anh. Nhưng rung cảm đâu chỉ đủ đầy trong yêu thương, mỗi ánh mắt đẹp còn là mỗi bão tố trút xuống, khi đi qua, ngôi nhà mùa thu anh bị tàn phá đến tan hoang. Nhưng anh không đủ lạnh lùng để từ chối, và mặc cho gió không ngừng thổi, thổi suốt triền đời anh.
“Đôi mắt huyền thăm thẳm những mùa thu/ Ngọn cỏ úa như âm thầm chỉ lối/ Anh ngoái lại – cả một mùa gió thổi/Một mùa mây trôi qua tuổi học trò/ Em ngước nhìn sao mắt đã âu lo/ Màu bão tố thay sắc huyền yên ả/ Em có biết rằng em là gió lạ/ Thổi rạp đời anh – ngọn cỏ mùa thu”.(Đôi mặt huyền và ngọn cỏ mùa thu)
Nguyễn Tiến Thanh trong cơn “Loạn bút hành”, tràn đầy “Hoang tưởng” – bài thơ được chọn in trên Báo Giao Thông vào ngày 21.6.2022. Cơn mơ anh, chập choạng trong buổi chiều tấp nập. Phố vẫn phố, chỉ thấy duy nhất chiếc xích lô chở cô đơn anh “Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa”. Hình như, mỗi lần yêu đời hay yêu thơ, trái tim anh đều tận tụy dốc kiệt. Anh đã bao lần táng mình trên đỉnh hoang vu để mặc gió mài mỏm nhớ trong “góa bụa”. Thi sĩ là thế, không có tình thơ đầu tiên, duy nhất hay cuối cùng.
Nhớ là vĩnh hằng, nếu chỉ trống tênh gia tài tâm hồn, sẽ là cách chôn cất thơ nhanh nhất mà thôi. Nhớ anh đã phả vào hơi may cồn cào đến độ gió hao gầy, thơ rỉ máu trên cây thập tự hành khổ, nhấn chìm cô đơn trong ly cà phê. Chỉ với hai nét phác, Nguyễn Tiến Thanh đã vẽ rất chỉnh nhân vật trữ tình, trong một dáng tư lự chiều, ngắm mùa chở cơn góa bụa mình trên chiếc xích lô. Anh đã tiêu hoang mình cho “ngàn đêm mất ngủ”, trong mộng mị, tìm gặp được trái tim chàng trai tuổi 16, nỗi buồn đẹp như lá vỡ sân trường. Tình trai không cần giấu diếm, phơi “tênh hênh”, “sơ sinh”. Và trong nỗi nhớ, thì trái đất rộng dài đến vô cực, hay yếu đuối như một hồn trai 16, cũng chỉ như nhau thôi.
“Chiều nay/ Cơn mưa nào lang thang/ Chiếc xích lô cô đơn/ Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa/ Ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ/ Rơi vàng mỗi lối heo may/ Thì đâu dám trách chi trời xanh thế/ Gió rất gầy ngày ai hát xa em/ Thơ – máu rỏ ven đường thập tự/ Ta – cô đơn đầy ly cà phê đen/ Đắng đến nỗi ngàn đêm mất ngủ/ Rồi lá vỡ dưới chân mười sáu tuổi/ Tờ lịch vèo bay giữa quỹ đạo 2000/ Vòng quay cuối thời gian về cát bụi/ Trái đất nằm phơi rốn sơ sinh/ Tênh hênh nỗi niềm sỏi đá/ Mặc chiều nay/ Chiều nay/ Cơn mưa buồn lang thang/ Chiếc xích lô cô đơn/ Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa/ Ở ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ” (Hoang tưởng).
Nguyễn Tiến Thanh có khi sâu vào mình để tìm gặp gỡ giữa xưa nay, một cơn váng vất tràn đầy cõi thơ. Anh dọn cho mình “Thực đơn mùa thu”, bằng tứ thơ lục bát. Đến hiện đại, từ truyền thống trong từng cặp thơ 6/8. Một chút lá cho vừa lãng đãng, cơn nắng mơ phai, mặt nước hồ phẳng lặng. Anh đã tái hiện bầu khí quyển của đại dịch covid. Một cõi đau, cơn hoảng loạn, nỗi lo âu, niềm hoảng hốt, cứ thế, cứ thế, biện bày. Bài thơ phúng dụ nỗi hành khổ mà loài người từng trải qua, khiến ta liên tưởng tới một kí ức đau đến độ ai cũng muốn delete khỏi file hồi niệm của mình.
Bảng lảng trong khói sương, tiếng chuông chùa gọi mùa vu lan. Cuộc đời là vậy, đến cõi chết, chỉ là dấn một kiếp khác. Giữa đôi bờ bồi lở của dòng sông mây sương, thả trôi phiền muộn vào những đóa hồng cài áo. Bông hồng còn mẹ, bông hồng mất mát. Ai trong chúng ta rồi cũng mang trên ngực. Thơ Nguyễn Tiến Thanh dù viết về nỗi buồn vẫn đẹp, khiến người đọc tràn đầy hy vọng, tin yêu vào cuộc đời và trân trọng sinh mệnh, yêu thương từng sát na hiện tại.
“Người ngồi một góc mùa thu/ Bàn ăn trải lá, menu nắng vàng/ Hồ đầy-ly cốc thời gian/ Khởi lên đại tiệc giữa thành phố mây/ Ngậm ngùi nếm những tàn phai/  Làm sao quên được món khai vị này?/ Tan ra đầu lưỡi hương đầy/ Gắp chiều phong toả, chấm ngày cách ly/ Rót cơn đau phút chia lìa/ Đầy thêm chút nữa, có khi nhẹ lòng?/ Người xin  món chính – nỗi buồn/ Rắc thêm vài hạt cô đơn cuối cùng?/ Ngày vừa hết chỗ thu dung/ Thực đơn còn một tương phùng cõi xưa?/ Món kèm – nước mắt  giao mùa/ Giọt ngâu mặn trắng sương mù tiễn đưa/ Vu lan lặng cả chuông chùa/ Heo may thêm lạnh cho vừa xót xa/ Tái trời một khúc bi ca/ Dọn ra tráng miệng nghe tà dương đau?/ Thực đơn thu – dẫu cũ nhàu/ Ngàn sau chắc vẫn nguyên màu lãng khuây. (Thực đơn mùa thu).
Nguyễn Tiến Thanh đã đi qua bao mùa thu, hồn bấy nhiêu lần mang mang sầu úa, lênh đênh qua muôn ngàn mắt lá. Mỗi cơn yêu, là mỗi lần trái tim hao khuyết, ắp đầy. Và giờ đây, đã vào độ mùa thu cuộc đời, tim anh vẫn cất nguyên vẹn một bầu tuổi trẻ trong ngần, náo nức. Tâm hồn anh tuổi 20, trái tim anh mãi mãi nhịp lên niềm trẻ trung, tươi mới. Soi vào khuôn mặt mùa thu, mới thấy, thơ là món quà tối thượng mà tạo hóa ban cho anh. Nguyễn Tiến Thanh luôn gìn giữ điều ấy. Bởi vậy, bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc tuổi trung niên đã tìm thấy những xốn xang tuổi dại trong anh. Khi cuộc sống không ít phiền muộn, thì Nguyễn Tiến Thanh đã phần nào chữa lành cảm xúc cho những người bạn yêu thơ mình.
17/10/2023
Nguyên Tô
Nguồn: Văn học Nghệ thuật
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...