Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Yêu lắm, làng Vân

Yêu lắm, làng Vân!

Làng Vân là tên gọi xưa của vùng đảo Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây có núi Vân – địa danh gốc để ông cha ta thời xa xưa đặt làm tên gọi cho vùng đất Vân Đồn, một quần đảo gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ vòng quanh phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long. Dù ngày nay, người ta đã chia tách vùng đất này theo địa giới hành chính và gọi bằng những cái tên Quan Lạn, Minh Châu, nhưng tôi vẫn thích gọi nơi ấy là làng Vân, bởi nó mang chất thơ và gợi lên trong tôi một miền hoài cổ.
Chúng tôi đến với làng Vân khi cơn bão số 4 – Bebinca vừa tan, nhưng hoàn lưu của nó vẫn còn gây mưa cho khắp vùng biển và đất liền Bắc Bộ. Chiếc tàu gỗ mang tên Hoan Tuyết 09 đợi đón đoàn ở cảng Cái Rồng. Chặng đường đi đầu tiên trên chiếc tàu gỗ ấy, giữa tiếng máy xình xịch đều đều, chúng tôi giới thiệu, làm quen với nhau. Đi đâu, ở đâu không quan trọng bằng việc đi ai, ở với ai. Chúng tôi – những người trót có chút duyên nghiệp với văn chương, dễ quen, dễ cảm mến, sẽ đồng hành cùng nhau trong hai ngày tới, trên làng đảo tươi đẹp này.
Anh lái tàu tên Hoan, một người đàn ông có dáng người dong dỏng, nước da nâu bóng săn chắc, giọng nói mang âm sắc đặc trưng của người miền biển, vừa điều khiển con tàu gỗ rẽ nước dưới làn mưa, vừa giới thiệu cho chúng tôi nghe sơ lược về cung đường đầu tiên chúng tôi sẽ đi qua. Thời gian từ cảng Cái Rồng ra đến làng Vân chắc chừng hơn hai tiếng đồng hồ. Sau bão, trời lặng gió.  Vùng Cửa Đối không có sóng lừng lúc tàu chúng tôi đi qua. Anh lái tàu chỉ về phía trái: Đi lối ấy sẽ ra đảo Cô Tô, còn chúng ta đi Quan Lạn, Minh Châu nên sẽ rẽ theo hướng phải bên này. Trời mưa như trút nước, biển đã nhiều nước thế lại vẫn hút nước xuống từ trời. Màu biển hôm nay sậm, không xanh trong như ngày nắng. Chúng tôi tranh luận với nhau về ba mươi sáu màu nước biển mà nhà văn Nguyễn Tuân đã tả, trong đó có đoạn tả khi trời mưa, nước biển xanh màu Kim Trọng. Mọi người hỏi nhau: Màu Kim Trọng là cái màu gì? Ừ thì nhìn đi, hôm nay trời mưa đấy, nhìn màu nước biển ấy, màu Kim Trọng đấy. Ôi chao, thế mới là văn, có những từ mà nhà văn sáng tạo ra, không có trong từ điển để mà tìm, mà giải nghĩa.
Tàu cập bến Quan Lạn sau khoảng gần 2 tiếng hành trình trên vịnh Bái Tử Long. Chúng tôi di chuyển trên đảo bằng xe điện, loại xe mà người dân gọi là xe túc túc, một loại phương tiện đang rất phổ biến nơi này. Điểm đến đầu tiên trong hành trình của đoàn là Đình Quan Lạn – một ngôi đình cổ có tuổi đời gần 500 năm, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh từ lâu đời của người dân vùng biển. Cả đoàn nghiêm cẩn thắp hương tưởng nhớ vua Lê Anh Tông – người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149. Tưởng nhớ vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn và các vị tiên liệt có công mở đất, dựng làng. Trong nghi ngút khói hương, giữa mang mang của tiếng mưa, tiếng sóng oàm oạp vỗ vào bờ đá, tôi thấy những con rồng được chạm khắc trên mái, vòm, kèo, cửa võng và các bức phù điêu trong đình như sống động hơn: Rồng thời Lý với thân mình tròn lẳn, nhiều khúc uốn lượn mềm mại như đang bay, cái bờm phấp phới như bay trong gió và túm râu mềm mại như làn sóng; rồng thời Trần với chiếc răng nanh lớn phía trước, đầu rồng to, cặp sừng nhọn vuốt về phía sau; rồng thời Nguyễn uốn mình ẩn hiện trong mây… Mỗi con rồng mang một dáng khác nhau, tạo nên vẻ uy nghi của ngôi đền. Trong các hình thù điêu khắc tại đây, còn có hai họa tiết không có ở bất cứ ngôi đình nào khác, đó là hình con ngài tằm và con bề bề – một loại sản vật phổ biến của vùng biển Quan Lạn. Tuy nhiên, thứ gây ấn tượng đặc biệt với tôi trong ngôi đình này phải kể đến là những chiếc cột đình khổng lồ – những chiếc cột làm từ thân cây gỗ mần lái thẳng tắp, sừng sững màu nâu sậm. Người dân làng đảo cho biết, mần lái còn có tên là nghiến núi đá,  là một loại gỗ quý hiếm chỉ mọc trên các núi đá cheo leo, hiểm trở ngoài biển đảo xa khơi. Nó còn được mệnh danh là “siêu tứ thiết” ngàn năm không bị rỗng. Có lẽ bởi được tôi luyện giữa mặn mòi của biển cả, trải bao bão táp phong ba nên nó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt dẫu cho thời gian đã trải qua mấy trăm năm ròng.
Chiều trên bãi biển Minh Châu, trời chiều lòng người nên hửng nắng. Mặt biển phẳng lặng, sóng sánh gợn nước lóa ánh mặt trời. Bãi cát dài, phẳng và trắng mịn, nằm nghiêng nghiêng đón từng dải sóng nhẹ vỗ về. Nước biển xanh và trong văn vắt, trong đến nỗi người ta có thể nhìn rõ từng hạt cát lăn lấp loáng dưới đáy. Nước biển mặn nhưng không chát, nếm xong vẫn thấy có chút gì đó dịu dịu đọng nơi đầu lưỡi. Nhiệt độ cũng vừa đủ ấm để người ta có thể ngâm mình trong nước và cảm nhận sự dịu mát của biển thu. Ai từng đến đây mà không thử ngâm mình xuống biển Minh Châu để cảm nhận hết cái tuyệt vời, để gió biển xua đi, nước biển làm tan đi những nhọc nhằn, lo toan, ồn ã của cuộc sống thì quả là lãng phí.
Buổi tối ở làng Vân cũng thật là thú vị. Mâm cơm tối thịnh soạn đãi khách với toàn những món ăn từ sản vật đặc trưng của vùng: sá sùng, mực ống tươi, tôm vằn, cá đục một nắng… Ai đã từng đến Vân Đồn, hẳn không thể không biết đến đặc sản nổi tiếng của địa phương, đó là sá sùng hay địa sâm, dân làng đảo Quan Lạn thường gọi là “mồi”. Sá sùng chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Địa thế vùng đảo này là môi trường tự nhiên lý tưởng để chúng phát triển, sinh sôi. Bởi thế, sản lượng khai thác loại hải sản này ở Quan Lạn, Minh Châu hằng năm khá lớn, mang lại lợi ích kinh tế cao. Vì là sản vật quý hiếm, giàu giá trị dinh dưỡng, vừa bồi bổ sức khỏe lại có tác dụng chữa một số bệnh nên từ thời xưa, sá sùng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan. Ở thời điểm hiện tại, mỗi kilogam sá sùng có giá trị cao hơn cả một chỉ vàng ròng. Ngồi ăn trong cùng mâm cơm, các anh chị chủ nhà luôn tay gắp sá sùng mời khách: “ăn thử đi, đặc sản của làng Vân đấy!”. Thiên nhiên ưu đãi ban cho vùng đất này thứ sản vật quý như thế, hỏi sao người dân không cảm thấy hãnh diện, tự hào. Sau bữa cơm ấm tình, một chương trình giao lưu được thiết kế bất ngờ. Văn nghệ sỹ trong đoàn và cán bộ, nhân dân làng đảo say sưa hát, đọc thơ, kể truyện cho nhau nghe. Chén rượu nồng thay hoa thưởng tặng. Những vần thơ, câu hát ngập tràn cảm xúc cứ thế ngân lên, hòa với sóng, với gió, với mây trời và bay ra mãi khơi xa.
Ngày thứ hai ở làng Vân, trời bừng nắng đẹp. Đoàn trở lại con tàu gỗ của của anh Hoan để tiếp tục hành trình một vòng quanh đảo Quan Lạn, xuất phát từ bến Con Quy. Biển lặng. Nắng vàng. Trời xanh trong cao vút. Từng đám mây xốp trắng xóa, đủ hình thù đang vẩn vơ thả bóng xuống mặt biển. Biển xanh màu ngọc bích, có chỗ sấp bóng núi lại chuyển màu xanh lam. Con tàu nhẹ nhàng lướt qua những dãy núi, những đảo đá mọc lên từ lòng biển đang đứng thảnh thơi soi bóng nước trong xanh. Suốt dọc hành trình thú vị ấy, chúng tôi được nghe hai hội viên Hội VHNT huyện Vân Đồn là bác Nguyễn Khánh Hội và bác Nguyễn Thành Long thay nhau giới thiệu lần lượt từng địa danh, từng tên đất, tên người, từng sự kiện lịch sử, nhân vật gắn với các địa danh ấy, những thứ đã ăn sâu trong tiềm thức, đã ngấm sâu vào máu thịt của họ rồi. Thú vị biết bao khi nghe nhắc đến đảo Ngọc Vừng, Phượng Hoàng, Ba Mùn, Trà Bản hay Cống Ông, Cống Bà, hòn Cồn Trắng, hòn Đầu Trâu, những cái tên bấy lâu nay chỉ được nhìn thấy trên bản đồ, giờ hiện ra xa xa hoặc thật gần ngay trước mắt; những câu chuyện về trận chiến đấu oanh liệt của cha ông xưa nhằm trấn giữ vùng biển đảo này cứ thế được nối dài mãi theo dòng.
Tàu chạy dọc theo dòng sông Mang, dòng sông lịch sử mang trong mình nhiều chiến công và huyền thoại. Sông Mang không phải là dòng nước bắt nguồn từ hồ, từ các con suối hay từ các con sông nhỏ rồi đổ ra biển như thông thường. Sông Mang là một eo biển giữa các đảo với nhau, chính bởi thế, sông Mang không có thượng nguồn cũng không có hạ lưu. Nước sông Mang là nước biển. Nước sông Mang không chảy xuôi một dòng mà lên xuống theo con nước thủy triều. Nước sông Mang quanh năm luôn là dòng nước bình yên, êm ả. Bởi thế, sông Mang luôn là bến đỗ an toàn để tàu thuyền của ngư dân làng Vân và ngư dân cả vùng biển này đời nối đời trú ngụ. Đi dọc theo dòng sông Mang, nghe gợi lại những cái tên trên tuyến đảo Quan Lạn như bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy, bến Cống Yên, bến Cống Hẹp, bến Gạo Rang…tôi bỗng nhiên mường tượng thấy cái cảnh sầm uất của thương cảng cổ Vân Đồn được lập nên từ thời vua Lý Anh Tông và phát triển thịnh vượng trong suốt 3 triều đại Lý – Trần – Hậu Lê. Tôi tự hỏi, đã có bao nhiêu thương nhân, bao nhiêu hàng hóa, gốm sứ, tơ lụa, bao nhiêu thuyền buôn đã đi qua dòng sông hiền hòa này, để giao thương buôn bán nơi thương cảng sầm uất nhất nước ta thời ấy. Chẳng ai đo đếm để ghi lại được, chỉ có dòng sông Mang vẫn lững lờ trôi.
Sông Mang hiền hòa là thế mà cũng có khi dậy sóng. Ấy là khi quân Nguyên Mông tới xâm lược nước ta. Nơi đây chính là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của vua tôi nhà Trần với trận Vân Đồn lẫy lừng trong lịch sử. Bằng sự tài ba, mưu lược, danh tướng Trần Khánh Dư đã cùng 3 anh em nhà họ Phạm chỉ huy quân sỹ đánh tan đoàn thuyền chở lương thực tiếp viện của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng.
Chuyến du thủy một vòng quanh làng Vân, dọc theo sông Mang, tìm lại những dấu tích, gợi lại những tên đất, tên làng khiến mỗi chúng tôi có thêm những trải nghiệm vô cùng quý báu. Chia tay Vân Đồn, tôi thấy khâm phục hơn những người làm văn hóa nơi này. Người có văn hóa bao giờ cũng yêu và trọng văn hóa bởi họ hiểu: văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển. Rất nhiều thứ có thể mất đi theo thời cuộc, nhưng văn hóa là thứ hiện hữu và trường tồn mãi mãi với thời gian. Phải chăng vì thế, người có văn hóa cũng luôn trọng người sáng tạo ra văn hóa. Mỗi lần đến với Vân Đồn, chúng tôi luôn được chào đón bằng tình cảm trân trọng, bằng ánh mắt nồng hậu, bằng những cái nắm tay thật chặt và những lời thăm hỏi ân cần.
Ơi gái làng Vân đẹp mặn mà, ơi trai làng Vân tính tình khoáng đạt, hẹn gặp lại nhé trong một ngày không xa. Chúng tôi ra về với thật nhiều cảm xúc. Luôn yêu thương và nhớ về nơi ấy, vùng đất giàu truyền thống với những trầm tích mạch nguồn sâu lắng của văn hóa, của lịch sử hào hùng, vùng đất còn ẩn giấu nhiều tiềm năng đang dần được đánh thức trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay.
10/11/2023
Đặng Thị Thúy
Nguồn: Văn nghệ Tuyên Quang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...