Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Ẩn ngữ trong Phôi pha và Một cõi đi về

Ẩn ngữ trong Phôi pha và Một cõi đi về

Ôm lòng đêm

Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ...
(TCS, Phôi Pha)
Bóng đêm khổng lồ ngoài trời và bóng đêm khổng lồ trong lòng. Người có nhiều đêm thao thức giữa đời mới có vòng tay đủ rộng để ôm cả bóng đêm ngoài trời và bóng đêm trong chính lòng mình. Ôm lòng mình, ôm lòng đời và ôm lòng trời đêm, nhiều đêm, mới thấy ý nghĩa bất ngờ từ vầng trăng xuất hiện hôm nay.
Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ
Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua
Một ngày kia sẽ đến bờ tử diệt. Đời người cũng ngắn ngủi như cơn gió đi qua. Trăng đã đi như người đã ra đi, rồi nay trăng lại về như người đã trở về. Trăng về đêm nay rồi trăng lại khuất mất đêm nay. Trăng mất dấu giang hồ đi đâu, rồi trăng lại tái xuất giang hồ nơi đâu. Một đời trăng phù du, một đời người phù du. Người tất bật đi đâu, rồi người hối hả về nơi đâu. Người tưởng mình cặm cụi đi giữa đời với một mục đích gì, rồi người chợt hiểu rằng thật ra chẳng có mục đích gì đích thật. Người tưởng mình đi mãi tới vô tận thế giới, rồi người chợt nhận ra chẳng có vô tận thế giới. Người tưởng mình lưu danh bất tử, rồi người một ngày chứng nghiệm ảo tưởng trường sinh.
Cuộc tình gãy cách đam mê
Mộng tan tác mộng bên trời phù du
(Bùi Giáng, Chút Lệ Phân Ưu)
Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối, loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
(TCS, Dấu Chân Địa Đàng).
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em. Bật khóc. Người bất giác có cảm giác hoang vắng khốc liệt. Lưỡng lự bên trời phù du. Người dừng bước giang hồ. Người tỉnh giấc giang hồ. Trở về mái nhà xưa. Về nơi cố quận. Về với mưa nguồn. Về với Hương Màu Nguyên Xuân. Về lại tinh cầu của Hoàng Tử Bé. Xuất thế.
Không còn ai. Đường về ôi quá dài
Đường về quá dài. Vì tâm trí người đã rời bỏ quê mình từ dạo ấy, và đã đi quá xa. Vì tâm trí người đã giang hồ phù vân quá lâu trong xứ sở mê muội. Vì người đã học hành quá nhiều loại sách vở từ chương. Vì người đã hấp thụ quá nhiều lý thuyết máy móc, định kiến. Vì người đã bị tiêm nhiễm quá nhiều thói quen phàm phu trần tục. Nay muốn quay về cố quận, trở lại chốn cũ, trở lại với tâm hồn thuần tịnh hồn nhiên xưa kia người vốn có – tinh cầu Hoàng Tử Bé – quả thật đường xa biết bao. Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận, một mình tôi về với tôi. (Lặng Lẽ Nơi Này)
Không còn ai
Đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rượu cay
Một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi
Những đêm xa người, xa anh, xa em, xa bản lai diện mục của mình, những ngày chùng chân, những cơn lưỡng lự, những trận dùng dằng, những tháng năm hoang mang giữa cuộc xuất thế và nhập thế, những vui những buồn thời gian ấy, chung qui là… là những chén đời cay đắng mà một mình tôi độc ẩm.
Không còn ai
Đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rượu cay
Một đời tôi uống hoài
Một mình uống rượu cay. Đường về ôi quá dài. Dài nhưng vẫn phải quay về. Không phải thân xác quay về, mà trí quay về, mà tâm quay về. Cuồng phong cánh mỏi. Về bên núi đợi. Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay (Chiếc Lá Thu Phai). Đi về và vui lòng trả lại tất cả buồn vui mê lầm cho nhân gian còn nấn ná chưa về.
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi
Tỉnh bước giang hồ. Về ngộ nơi cố quận. Về ngồi trong những ngày. Nhìn từng hôm nắng ngời. Nhìn từng khi mưa bay. Mưa bay trên tầng tháp cổ. Tháp cổ nơi cố quận nguyên sơ. Mưa Nguồn bay trên cố quận nguyên sơ. Tỏa ra những Hương Màu Nguyên Xuân cố quận. Ấy là xuất thế. Là xa đời. Là xa đời thế tục. Là quay về lại với đời Nguyên Xuân. Là gỡ bỏ hệ lụy trần gian. Là thoát tục. Là tâm hồn nhẹ nhàng như mây trôi cuối trời.
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời làm mây trôi
Có những chân nhân như vậy đó, họ đã xa lánh cõi đời quá nhiều hệ lụy, họ đã “quay về” lại nơi cuối trời không hệ lụy, sống một cuộc sống thanh thản nhẹ nhàng như mây trôi.
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa
Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! Thế mà đã bao tháng năm tất bật với nó, lận đận tiến thoái loanh quanh không lối thoát.

Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ”. Đường trần đâu có gì! Đường trần đâu có gì! Thế mà đã bao tháng năm tất bật với nó, lận đận tiến thoái loanh quanh không lối thoát.
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
(TCS, Một Cõi Đi Về)
Dao động hoài. Phân vân mãi. Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần. Nhập thế rồi xuất thế. Yêu đời thế tục rồi lại chán đời thế tục.
Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Tha thiết sống giữa đời mà như hờ hững xa lánh cuộc đời. Không phải vì chán đời, nhưng vì quá yêu đời. Càng yêu cuộc đời chân thật bao nhiêu, càng chán ngán cuộc đời bê bối nhà ma bấy nhiêu. Lưỡng lự giữa đôi bờ tiên tục. Lúc muốn đi. Khi muốn ở. Rồi một lần kia khăn gói đi xa. Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà. (Bên Đời Hiu Quạnh). Tưởng rằng quên, nhưng không dễ dàng quên chút nào. Giằng co không dứt. Cho nên ngồi đây tại cõi ta bà, mà hồn cứ tư tưởng tới cõi bờ tiên cảnh xa xăm, cứ mơ hồ nghe như ngày sẽ đến là ngày mình ngồi trên lưng ngựa để về với chốn hạnh lạc thiên thu.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đứng tại chỗ này, bờ mê thế tục này, nhìn ra muôn hướng chung quanh. Đi đâu? Về đâu? Về cố quận ư? Về chốn quê nhà ư? Nhưng…, nhưng chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà, thì làm sao về quê nhà được? Làm sao về lại chốn cũ khi trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ? Làm sao về lại chốn cũ khi “bạn không bao giờ có thể tắm hai lần trên cùng một giòng sông”? Hóa ra chẳng có quê nhà nào cả để mà về? Quê nhà ở đâu rồi? Hay là chỗ nào cũng là quê nhà? Khoảnh khắc nào cũng thiệt ra là đang ở quê nhà?
“Rồi có lúc hai chân dừng một lượt
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này?”
(Bùi Giáng)

Hóa ra Phiền Não tức Bồ Đề. Hóa ra quê nhà không ở phía sau lưng mà là ở trước mặt. Hóa ra nói trước mặt sau lưng nhưng thật ra chẳng có cái gọi là sau lưng trước mặt. Hóa ra “quay về “ cũng là một “ra đi” theo một cách khác. Đi. Đi mãi. “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Ngày đêm giòng sông cứ chảy mãi như vậy thôi” (Khổng Tử). Không thể tắm hai lần trên cùng một giòng sông. Giòng sông không trở lại. Thời gian không trở lại.
Tết đi Tết đến Tết về
Tết bao nhiêu bận Tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về
(Bùi Giáng)
Ngôn ngữ tại cõi mê: “Tết đi Tết đến Tết về”. Ngôn ngữ tại xứ tịnh: "Tết bao nhiêu bận Tết đề huề đi. Đi về đi ở đi đi. Tết (hay bất cứ cái gì) đi là đi biệt từ khi chưa về”.
Thời gian không trở lại. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ.
“Như Lai giả, vô sở tòng lai diệc vô sở khứ.
If someone says: "Nhu Lai had come, had gone, had sit, had lied", that man did not understand what I described. Why's that? NhuLai, he who comes from nowhere and goes to nowhere. That's NhuLai.” (Kim Cương Kinh).
Con chuồn chuồn nó bay, nhưng không biết nó bay tới hay bay lui hay là bay ở lại (Bùi Giáng).
Mê Ngộ cũng là tại chốn này, sát na này, giờ phút thường xuyên trôi chảy này. Ra đi nghĩa là trở về. Trở về cố quận nghĩa là ra đi, ra đi tới cố quận chốn này hôm nay chứ không phải cố quận hôm qua hay cố quận ngày mai. Con chuồn chuồn nó bay, bay tới hay bay lui hay là bay ở lại, không biết, chỉ biết nó đang hành đạo của nó. Bùi Giáng hành đạo kiểu của Bùi Giáng. Trịnh Công Sơn hành đạo theo cách của Trịnh Công Sơn. Đi. Đi mãi. Tiến lên.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì
(Một Cõi Đi Về)
Đi lên non cao đi về biển rộng. Nếu nhân gian chưa từng độ lượng mình thì mình độ lượng nhân gian. Độ lượng ắt vô hiệu hóa ngọn gió hoang vu. Vẫn sống, vẫn bước đi giữa đời, vẫn chứng kiến sự đời, và vẫn còn cảm thấy tổn thương trong lòng, và thường hằng biết rằng Phiền Não tức Bồ Đề. Nằm nghe giữa trời, Giòn vang tiếng cười. Điệu kèn ai buốt trong tôi. Người đâu mất người. Đời tôi ngốc dại. Tự làm khô héo tôi đây(Chiếc Lá Thu Phai). Thôi đừng ngốc dại tự làm khô héo mình nữa, hãy tự độ lượng với mình, hãy về với mình thôi.
Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa
(Phôi Pha)
Bàn chân ai xưa rất nhẹ. Bàn chân em xưa rất nhẹ. Bàn chân anh xưa rất nhẹ. Bàn chân tôi xưa rất nhẹ. Bàn chân Hoàng Tử Bé xưa rất nhẹ, lúc nào cũng an nhiên tự tại Như Lai.

Nguyễn Quang Thanh 


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...