Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Nàng Tô Thị Việt Nam

Nàng Tô Thị Việt Nam

 Hoàng Tiến Tựu 
Ở nước ta, nhiều nơi có hình tượng "Đá Vọng phu" (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định...) Sự tích về Đá Vọng phu được lưu truyền khá phổ biến ở các địa phương trong nước với những dị bản đại đồng tiểu dị.
Người vợ trông chồng hóa đá và người chồng ra đi không bao giờ trở lại. Bởi vì người ra đi thực chất là chạy trốn, chạy trốn khi mắc tội lấy em gái, tội loạn luân. Đó là nội dung cốt lõi của truyện cổ tích mang tính bi kịch - bi kịch về hôn nhân và gia đình, được nhiều người biết đến này. Truyện có hai nhân vật chủ yếu là người anh (Tô Văn) và người em gái (Tô Thị). Nhưng số phận dun dủi, họ đã vô tình lấy nhầm nhau. Và do đó, hai người mà thành bốn. "Vai" - không phải trên sân khấu nghệ thuật mà là trong cuộc đời thực. Sự éo le, đau xót của truyện này chính là ở chỗ đó. Người anh rất trọng đạo lý và sợ tội lỗi. Nhưng anh đã vô tình mà hai lần phạm tội, đều là tội lớn: tội giết em và tội lấy em!
Trong thực tế em gái không chết, nhưng anh không biết, anh vẫn nghĩ rằng mình đã vô tình ném đá trúng đầu em và em đã chết! Vì thế anh đã phải bỏ nhà chạy trốn tới một nơi rất xa và không dám quay về nữa. Anh trở thành một người hoàn toàn cô đơn, trơ trọi, sống một thân, một mình, không quê hương, gia đình, không cha mẹ, anh em. Và anh đã gặp một người con gái cũng côi cút như anh. Họ yêu nhau và lấy nhau.
Ở đây đất đỏ mây vàng
Em đi làm mướn gặp chàng làm thuê
Yêu nhau, ta cưới nhau về
Làm mướn là vợ làm thuê là chồng
Cái cảnh chồng ngồi bắt chấy cho vợ hoặc giúp vợ gội đầu và thủ thỉ chuyện trò, hỏi han tận chân tóc kẽ tai của vợ, thật nên thơ và hạnh phúc. Nhưng thật chớ trêu và đau xót, khi vợ chồng anh đạt được điều đó thì đồng thời cũng là lúc anh biết rõ rằng mình đã lấy nhầm em. Thế là em anh không chết và anh không phạm tội giết em. Nhưng thoát được tội giết em thì anh lại phạm tội lấy em. Tội loạn luân thật là khủng khiếp mà anh không thể nào lường nổi. Anh lại phải bỏ nhà ra đi lần thứ hai. Hai lần ra đi, hai lần chạy trốn đều chứng tỏ anh là một người biết trọng đạo lý và sống theo đạo lý.
Nếu người anh (Tô Văn) hai lần phạm tội và hai lần chạy trốn thì người em (Tô Thị) lại hai lần mất người thân và hai lần trông chờ vô vọng. Lần thứ nhất mất anh, nàng còn biết rõ duyên do, lần thứ hai mất chồng, nàng hoàn toàn không hiểu được căn nguyên. Bởi vì người chồng đồng thời cũng là người anh ruột của nàng. Anh không nói là để tránh cho em khỏi đau khổ. Nhưng tránh được nỗi khổ này thì em gái anh lại phải chịu nỗi khổ khác. Vì không biết chồng mình đồng thời cũng chính là anh ruột của mình, cho nên người em (nàng Tô Thị) luôn luôn nghĩ rằng mình đã mất hai người thân, hai người đều bỏ nhà ra đi và không quay trở lại. Cả hai lần nàng đều bị động và bất ngờ. Lần thứ nhất, sau khi nàng mê man ngất lịm (vì bị ném đá trúng đầu) tỉnh lại thì anh trai đã đi mất và mãi mãi không về. Lần thứ hai, sau cái buổi nàng chuyện trò, tâm sự với chồng cặn kẽ và sâu sắc về bản thân và cảnh ngộ gia đình thì người chồng lại bỏ nhà ra đi, không cho biết lý do và mục đích.
Trước đã mất anh mất mẹ, nay lại mất chồng, đều là những mất mát lớn mà nàng phải gánh chịu. Hành động bồng con lên núi trông chồng cho đến khi hóa đá phản ánh lòng chung thủy, ý chí, nghị lực và khả năng chịu đựng phi thường của nàng Tô Thị - một trong những hình tượng văn học tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam.
Nàng Tô Thị bồng con đứng trên ngọn núi, trơ như đá, vững như đồng, đăm đăm chờ đợi và hy vọng chồng về. Nhưng chồng nàng sẽ không bao giờ trở lại và do đó, sự hy vọng của nàng chỉ là ảo tưởng, còn thực chất là tuyệt vọng. Tính chất bi kịch và sự éo le, đau xót của hình tượng Tô Thị vọng phu nói riêng và truyện Đá Vọng phu nói chung chính là ở chỗ đó. Sự kết thúc mang tính "bi kịch - lạc quan" rất độc đáo của truyện cổ tích này cũng là ở chỗ đó.
Trong văn học nghệ thuật của thế giới và Việt Nam, đã bao lần đề tài và chủ đề này được nói đến (trong ca dao, trong Truyện Kiều, trong bài Đợi của Vũ Quần Phương...) Truyện Nàng Tô Thị có lẽ là tác phẩm đầu tiên tiêu biểu và độc đáo nhất trong văn học Việt Nam về chủ đề này.




1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...