Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Mạn đàm âm nhạc trong Truyện Kiều

     Mạn đàm âm nhạc trong Truyện Kiều

GSTS TRẦN VĂN KHÊ
Rằng hay thì thật là hay

Có lẽ ít tác phẩm nào trong kho tàng văn chương của đất nước mà âm nhạc được nhắc đến nhiều như Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhân những ngày nhàn nhã đầu Xuân, chúng ta thử mạn đàm đôi điều về âm nhạc trong tác phẩm bất hủ này, tìm hiểu xem Thúy Kiều sử dụng loại đàn gì; đã đàn bao nhiêu lần, cho ai nghe, trong các dịp nào; và đã đàn những bản gì?
Độc thiện Nguyễn cầm
Có thể nói hầu hết các ấn bản Truyện Kiều của chúng ta đều vẽ hình Thúy Kiều ngồi ôm cây tỳ bà có thân đàn hình bầu dục. Theo tôi thì điều này không chính xác bởi lời thơ đã ghi rõ:
Trên hiên treo sẵn cầm trăng,
 cầm trăng là nguyệt cầm, loại đàn có thùng hình tròn như mặt trăng. Có người lại cho rằng Kiều sử dụng đàn nguyệt, nhưng đàn nguyệt chỉ có hai dây trong khi đàn của Kiều có bốn dây to nhỏ nên vần cung thương. 
Một điều khẳng định là Thúy Kiều đã sử dụng một loại hồ cầm:
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Thông thường chữ hồ cầm - nghĩa là đàn của rợ Hồ - dùng để chỉ cây đàn nhị. Nhưng xem trong sách Thích Danh và tự điển Từ Nguyên - Từ Hải của Trung Hoa thì hồ cầm không chỉ là tên gọi đàn nhị mà cả đàn tỳ bà nữa. Truy tìm "tỳ bà loại" trong các sách cổ Trung Hoa mới biết nước này có đến ba loại là Tứ huyền tỳ bà (Việt Nam sử dụng loại này, có bốn dây và thân đàn hình bầu dục), Ngũ huyền tỳ bà (tỳ bà có năm dây) và Nguyễn tỳ bà hay còn gọi là Nguyễn cầm(lấy theo họ của người sáng chế ra nó là Nguyễn Hàm sống vào đời Tấn). Đàn Nguyễn cầm có thùng tròn với bốn dây, hiện nay gần như đã thất truyền bên Trung Quốc (bản thân tôi may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng một cây Nguyễn cầm đang được tàng trữ tại Bảo tàng viện Shosoin ở Nara của Nhật Bản). 

Ngoài ra, khi đọc kỹ những áng văn của cụ Nguyễn Du, tôi lại tìm thấy một bài viết bằng chữ Hán kể chuyện về một danh cầm ở làng Long Thành, trong đó có câu:
Long Thành cầm giã ca ....
Độc thiện Nguyễn cầm

Nghĩa là:
Người ca nhi chuyên nghề đàn hát ở làng Long Thành....
Sử dụng tài tình cây đàn Nguyễn cầm
Từ đó có thể suy ra Nguyễn Du rất tâm đắc với cây đàn Nguyễn cầm (có lẽ vì nó mang họ Nguyễn, cũng là một họ của Việt Nam) nên đã đặt nó vào tay cả người ca nhi làng Long Thành lẫn nàng Kiều trong các tác phẩm của mình. 
Tóm lại, nếu cây đàn của Thúy Kiều có tên gọi là hồ cầm, thùng đàn tròn như mặt trăng với bốn dây thì không đàn nào hội đủ ba yếu tố ấy ngoài cây Nguyễn cầm.

Phím đàn dìu dặt tay tiên bao lần?

Trong Truyện Kiều, kể cả những lần tác giả chỉ nói phớt qua, Thúy Kiều đã đánh lên tiếng đàn nỉ non thánh thót dễ say lòng người tất cả tám lần. 

Lần thứ nhứt, nàng khảy đàn cho Kim Trọng nghe, khi chàng vừa tán dương vừa đề nghị:
Rằng nghe nổi tiếng cầm đài,
 Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.
Lần thứ nhì, Mã Giám sinh lúc đến xem mặt Kiều đã buộc nàng đàn cho mình nghe cũng như thử tài làm thơ khi yêu cầu nàng đề vịnh cây quạt:
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Lần thứ ba là lúc ở lầu xanh, Kiều phải đàn mỗi khi tiếp khách làng chơi:
 Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Lần thứ tư cũng ở lầu xanh, Thúy Kiều họa đàn với Thúc Sinh khi tình cảm hai người đã đằm thắm thiết tha:
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.
Lần thứ năm, Thúy Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm con hầu và sai nàng đàn cho mình nghe:
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày,
 Lĩnh lời nàng mới lựa dây...
Lần thứ sáu là trong cuộc hội ngộ tay ba lúc Thúc Sinh trở về nhà. Hoạn Thư sau khi hành hạ Thúy Kiều bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay, lại còn ra lệnh cho nàng:
Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.
Lần thứ bảy, Hồ Tôn Hiến sau khi phục binh giết được Từ Hải thì mở tiệc mừng chiến thắng và ép Thúy Kiều gảy đàn giúp vui trong buổi tiệc:
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.
Lần thứ tám Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lúc hai bên tái ngộ đoàn viên:
 Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Xem qua cả tám lần ấy, chúng ta thấy tuy nổi tiếng cầm đài nhưng quả thật Thúy Kiều chưa lần nào đàn một cách tự nguyện. Đối với Từ Hải, bậc trượng phu vừa là chồng vừa là người ơn đã giúp Kiều trả ân báo oán, thế mà nàng lại chưa một lần đàn cho chàng nghe

Khúc đàn bạc mệnh lại càng não nhân

Bản nhạc đầu tiên được nhắc đến trong Truyện Kiều chính là khúc đàn do Thúy Kiều soạn ra mang tên Bạc mệnh làm cho người nghe phải sầu não trong lòng:
Khúc nhà tay lựa nên chương,
 Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Thế nhưng Nguyễn Du đã không để Thúy Kiều đàn bài ấy cho Kim Trọng nghe trong lần đầu, mà lại chọn nào là khúc đâu Hán Sở chiến trường, rồi khúc đâu Tư mã phượng cầu, đến Kê Khang này khúc Quảng lăng  quá quan này khúc Chiêu Quân. Đây chính là những bản nhạc nổi tiếng từ xưa của Trung Hoa vẫn còn lưu truyền đến nay và chúng ta hãy lần lượt điểm qua các bài bản trên.

Khúc đâu Hán Sở chiến trường:

Đề cập đến cuộc chiến giữa quân Hán và quân Sở. Cuối đời Tần, Lưu Bang (Hán Cao tổ) và Hạng Võ (Sở Bá vương) cùng khởi binh diệt Tần, sau đó lại muốn mở mang bờ cõi của mình nên giữa đôi bên đã xảy ra nhiều cuộc giao tranh kịch liệt. Trong một trận lớn, Sở Bá vương bị vây khốn trong thành Cát Hạ, đến cửa nào cũng gặp Hán quân mai phục nên phải cởi giáp phá vòng vây để thoát thân.
Bài bản cổ điển của tỳ bà có hai loại "văn khúc"  "vũ khúc". Văn khúc gồm những bài tả cảnh, tả tình êm dịu, tiết tấu hoà hoãn còn vũ khúc gồm những bài tả lại không khí, khung cảnh chiến trường và đòi hỏi kỹ thuật đàn rất cao. Trong các bản vũ khúc thì có hai bản rất thông dụng ngày nay: "Bá vương xả giáp" tả lúc vua nước Sở cởi giáp cho nhẹ bớt trong cuộc giao tranh và "Thập diện mai phục" diễn tả tích Hán Cao Tổ và Sở Bá vương đánh nhau. Thập diện mai phục là một trong những bản khó đàn nhứt, đặc biệt từ chương Ba đến sau có mấy đoạn khi đàn phải chen ngón giữa của bàn tay trái vào các dây làm âm thanh phát ra đục và giống như tiếng gươm giáo chạm nhau, như Nguyễn Du đã tả: nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Vì vậy bản Thúy Kiều đàn hẳn phải là bản Thập diện mai phục.

Khúc đâu Tư mã Phượng cầu:

dễ nhận ra đây là bài Phượng cầu hoàng mà danh cầm Tư Mã Tương Như đời Hán đã gảy đàn cho khách dự yến tiệc của Trác Vương Tôn thưởng thức, nhưng đồng thời có ý muốn tỏ tình với con gái của Trác Vương Tôn là nàng Trác Văn Quân, một quả phụ trẻ đẹp, tuy không có mặt trong tiệc rượu nhưng đã nấp trong phòng nghe trộm:
Phượng hề, phượng hề qui cố hương
Du ngao tứ hải cầu kỳ hoàng
Hữu nhứt diễm nữ tại thử đường
Thất nh? nhân hà độc ngã trường 
Hà do giao tiếp vi uyên ương

Tạm dịch:
Chim phượng, chim phượng trở về chốn cũ 
Đi ngao du bốn biển tìm chim hoàng
Có một người con gái đẹp ở tại nhà này
Phòng gần (nhưng) người xa lắm làm khô héo ruột gan ta
Làm sao gặp gỡ nhau để hẹn làm đôi uyên ương?

Cảm tiếng đàn tài hoa, cảm lời ca tình tứ, ngay đêm ấy Văn Quân đã bỏ nhà đi theo Tương Như. (Cần nói rõ thêm là bài"Phượng cầu hoàng" của Trung Hoa khác xa với hai bản "Phụng hoàng"  "Phụng cầu" của nhạc tài tử miền Nam trong loạt bài Tứ oán).

Kê Khang này khúc Quảng Lăng:

Kê Khang là người nước Nguỵ sống vào thời Tam Quốc được tôn là một trong bảy người hiền của phái Trúc Lâm Thất hiền. Một đêm đến trọ ở Hoa Dương Đình vùng Lạc Tây, Kê Khang mang đàn ra gảy thì có người khách lạ tới xin gặp để luận bàn về âm nhạc và rồi hai người trở thành bạn tâm giao. Khách soạn ra khúc "Quảng Lăng tán" âm điệu tuyệt hay và truyền cho Kê Khang. Lúc cuối đời Kê Khang bị kẻ thù ám hại nên có giai đoạn bản này bị thất truyền. Gần đây các nhà nhạc học Trung Quốc đã lần tìm lại được và bản Quảng Lăng ngày nay vẫn được các danh cầm trình bày trong những buổi độc tấu cổ cầm tại Trung Quốc hay Đài Loan.
Quá quan này khúc Chiêu Quân:
Chiêu Quân, tên tự Vương Tường, có nhan sắc diễm lệ và tài nghệ xuất chúng nên được tuyển vào cung thời Hán Nguyên đế. Vì không chịu lo lót cho Mao Diên Thọ (người hoạ sĩ thừa lịnh vua vẽ chân dung các cung nữ để nhà vua nhìn mà tuyển chọn cho vào hầu) nên người này đã cố tình vẽ thêm nốt ruồi sát phu trong bức họa của nàng, do đó nàng chưa bao giờ được vua đoái hoài. Về sau Chiêu Quân bị triều đình chọn để gả cho chúa Thiền Vu của Hung Nô. Khi nàng vào bái biệt, sửng sốt trước vẻ đẹp lộng lẫy của Chiêu Quân nhà vua có ý muốn giữ lại nhưng việc đã rồi không thể nào thay đổi. Trên đường rời quê hương, khi qua cửa ải, Chiêu Quân ôm đàn tỳ bà gảy một khúc đàn nói lên nỗi lòng đau khổ của mình. Nhiều nhạc sĩ đã dựa theo câu chuyện này mà sáng tác ra các bản nhạc và có lẽ Thúy Kiều đã đàn bài "Quá quan", một trong những văn khúc đặt cho đàn tỳ bà.
Đến đầu thế kỷ 20, danh ca Hồng Tuyến Nữ của Quảng Đông cũng từng nổi danh cả Trung Quốc với bài ca "Chiêu quân xuất tái".
Bản "Quá ngũ quan" của Triều Châu cũng rất được thông dụng ở Việt Nam, mà nghệ sĩ Bạch Tuyết trong bài vọng cổ đặt theo tích Dương Quí Phi trách An Lộc Sơn không về kịp để cứu mình cũng đã sử dụng bản này giữa hai đoạn vọng cổ.
Trong những lần khác, khi Thúy Kiều đàn cho Mã Giám sinh, rồi hai lần đàn ở lầu xanh, hay lúc đàn trước Hoạn Thư và Thúc Sinh, tác giả không hề nhắc đến tên các bài bản mà chỉ mô tả tiếng đàn của nàng tuy nỉ non thánh thót dễ say lòng người nhưng cũng thật thê lương:
 Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Bị Hồ Tôn Hiến ép gảy đàn giúp vui trong tiệc mừng chiến thắng, lần đầu tiên Thúy Kiều đã đàn khúc "Bạc mệnh" nàng soạn từ thuở xuân thì, mà tiếng đàn sầu thảm đã khiến một Hồ Tôn Hiến sắt đá cũng phải rơi lệ:
Hỏi rằng này khúc ở đâu,
Nghe ra muôn thảm nghìn sầu lắm thay!
Chỉ đến khi tái ngộ với Kim Trọng sau 15 năm xa cách, tuy Thúy Kiều đồng ý đàn chỉ vì nể lòng người cũ vâng lời một phen, nhưng tiếng đàn ấy giờ đã êm hoà ấm áp chớ không não nùng như xưa:
Khúc đâu đầm ấm dương hoà
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên 
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Cả sáu câu này tác giả mượn ý trong bài thơ Cầm sắt của Lý Thương Ẩn đời Đường:
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên

Tạm dịch:
Trang sinh trong giấc mộng buổi sáng tưởng mình hoá ra con bướm
Vua Thục chết rồi ký thác cho chim đỗ quyên tình yêu mùa Xuân
Trên biển rộng ánh trăng soi hạt ngọc long lanh như giọt nước mắt
Tại Lam Điền dưới ánh nắng mặt trời hạt ngọc bốc thành hơi.

Hồ điệp là con bướm còn Trang sinh là một người tên Trang Chu ở nước Lương thời Chiến quốc. Sách Trang tử có đoạn viết rằng một hôm Trang Chu nằm chiêm bao thấy mình hoá thành con bướm, khi thức giấc mơ màng tự hỏi không biết mình là bướm hay bướm là Trang Chu? 
Thật ra trong cổ nhạc Trung Hoa chúng tôi chưa gặp bài nào có tên Hồ điệp. Âm nhạc truyền thống Huế thì lại có Hồ điệp là một bài rất gần với cổ bản theo hơi khách, nét nhạc vui tươi, có thể gần gũi với tâm trạng của Kiều khi tái ngộ người xưa.

Còn câu
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên
 nhắc tích vua nước Thục là Đỗ Vũ bị mất nước phải lên núi Tây Sơn ẩn cư, khi chết hoá thành chim đỗ quyên thường cất tiếng kêu "quốc quốc" ai oán như tỏ tấm lòng nhớ tiếc không nguôi. Do đó chúng tôi hơi ngạc nhiên khi cụ Nguyễn Du cho rằng đây là khúc đâu êm ái xuân tình. Hay có thể cụ ám chỉ tuy Thúy Kiều nể lòng người cũ nên đàn một bản êm ái xuân tình, nhưng trong lòng vẫn ai oán vì chưa dứt ra được nỗi sầu thân phận?
Dẫu sao thì chúng ta cũng không biết nàng đã đàn bản gì trong lần cuối này. Thêm một điểm cần lưu ý, từ cái tựa đến nội dung bài thơ của Lý Thương Ẩn đều liên quan đến đàn cầm và đàn sắt chớ không phải tỳ bà. Có lẽ cụ Nguyễn Du chỉ dựa trên những ý đẹp đó mà diễn tả tiếng đàn của nàng Kiều, chẳng hạn như châu nhỏ duềnh quyên là mượn ý câu thơ"Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ" để tả tiếng đàn nghe thật trong.
Như đã nói ở đầu bài viết, ít có quyển truyện thơ nào trong văn chương Việt Nam mà tác giả đã dành rất nhiều câu về âm nhạc khi nói đến nhân vật chánh như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Điều đó chứng tỏ văn hào của chúng ta rất yêu âm nhạc, lại khá am tường cổ nhạc Trung Hoa nên đã đề cập đến nhiều bài bản danh tiếng và có những câu miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều chứng tỏ tác giả là người có tài nhận xét âm nhạc một cách sâu sắc và đầy thi vị.
Tuy nhiên, do không phải là người "trong nghề" nên cụ Nguyễn Du không để ý rằng ngoài hai bản "Thập diện mai phục" "Quá quan" viết cho đàn tỳ bà, thì những bài bản khác lại chỉ dành riêng cho đàn "cổ cầm" mà nhạc khí như "hồ cầm"không biểu diễn được. Chính vì thế các học giả khi chú thích những câu thơ của Truyện Kiều, nếu phối hợp được hiểu biết về thơ văn, điển tích với lịch sử âm nhạc và cả âm nhạc học của Trung Hoa thì mới có thể đầy đủ được.
Tất nhiên bài viết ngắn này không phải là một nghiên cứu có tính khoa học mà chỉ là đôi điều mạn đàm với mong muốn cung cấp thêm cho những người yêu Truyện Kiều một số tư liệu về phần âm nhạc học. Mong sao rồi đây sẽ có nhiều vị thức giả bổ sung thêm để làm phong phú kho tàng văn học nước nhà.




1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...