Chiếc lá thu phai, Chiếc lá phận người
Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
(Chiếc Lá Thu Phai, TCS)
Bất đắc dĩ mà đến đây. Bất đắc dĩ mà được mời đến đây. Chủ và khách vốn không mặn
mà với nhau. Người mời chỉ mời cho có mời, mà thật trong bụng thì không ưa mời,
nhưng không mời thì bị dư luận lên án là không biết trọng dụng nhân tài. Người
được mời thì buộc lòng phải đến, không đến không hay, chứ thật bụng thì chẳng
vui gì khi đến khi đi, tới một nơi vẫn là nơi xa lạ với tự mình.
Không ai muốn mời, chẳng ai muốn đến, nhưng bị áp lực từ hoàn cảnh, buộc đôi
bên phải 'diễn xuất" như vậy. Trong “hoàn cảnh” bấy giờ, Trịnh Công Sơn được
rất nhiều người mến mộ - những người thuần nhiên yêu quí cuộc đời, yêu quí con
người, yêu quí những ca khúc súc tích, thanh thoát, đậm đà nhân vị mà lòng anh
đã hồn nhiên cống hiến. Vì “nể nang” những người mến mộ anh mà chủ mời khách đến.
Nếu vắng anh, có thể làm hư hỏng hình ảnh của sân khấu cuộc đời mà chủ rạp hát
muốn khán giả nhìn vào.
Mời đến ca hát mà không ca hát gì cả. Mời đến làm việc mà không làm việc gì cả.
Đứng lên ngồi xuống chơi vậy thôi. Để cho đồng nghiệp khỏi dị nghị vậy thôi. Để
cho thiên hạ yêu nhạc khỏi "lời ra tiếng vào" vậy thôi. Đến làm việc
mà biết rằng chẳng có việc gì thích hợp để làm, mà biết rằng nó chỉ là thời
gian hoang phí cộng thêm vào cuộc đời làm văn nghệ, là hình thức kéo dài của mười
năm tắm gội mà thôi. Tắm gội văn chương, tắm gội nhân cách, tắm gội âm nhạc, tắm
gội thi ca, tắm gội suy tư, tắm gội tâm hồn.
Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
Bốn mùa vẫn trôi chảy giữa đất trời. Xuân Hạ của trăm năm vẫn bình thản đi qua
mỗi phận người. Tuổi đời nhanh chóng chất chồng. Lại còn chen lấn thêm bao năm
hoang phí lạnh lùng tắm gội. Thoáng chốc mà đời mình đã sang Thu. Da đã nhăn,
tóc đã bạc. Giật mình nhìn lại khung đời khốc liệt mà mình đã đi lại bên trong.
Chung quanh dường như vắng bặt bóng NGƯỜI, người của những ngày mà âm nhạc Trịnh
Công Sơn đã phụng hiến. Đâu rồi người yêu của Sơn, người bạn của Sơn, người ái
mộ nhạc của Sơn, ồ, người đâu mất người?
Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
Vì sao tôi đã một thời ngốc dại sáng tác đam mê? Vì sao tôi đã ra nông nỗi này
bơ vơ giữa chợ? Hậu quả là bao suối nguồn sáng tác đã khô cạn đồng thời? Còn biết
trách ai giữa cảnh đời phiền lụy, còn biết trách ai giữa phố chợ ồn ào? Chỉ còn
tự trách mình ngốc dại, và tự ôm đầu bứt tóc tiếc thương số phận hôm nay. Chập
chờn hình ảnh trắng tay, như ngày mới vào đời. Từ tay không vào đời hôm nọ, đến
hoàn toàn tay trắng hôm nay. Nghe chung quanh dường như lạnh ngắt. Không âm nhạc,
không bạn bè, không người yêu, không niềm vui, không cảm hứng, không sáng tác.
Sự nghiệp âm nhạc đã tưởng là lớn lao, thoáng chốc đã bị khoanh tròn thành số
không ảm đạm. Bao nhiêu tình yêu đem vun đắp cho đời đã bị gió bão cuốn phăng.
Bao nhiêu nhiệt huyết cống hiến cho sông núi quê hương đã bị phủ nhận sạch sẽ.
Bao nhiêu thao thức về trăm năm phận người lại có thêm cơ hội cay đắng để trằn
trọc ưu tư thêm nữa về thân phận làm người.
Không hẳn yêu người thì sẽ được người yêu. Không hẳn cống hiến thì sẽ được ghi
nhận. Tất cả đều không hẳn. Không hẳn được, mà cũng không hẳn mất. Nghĩ cho
cùng, sống tự nó đã là sự sống, yêu tự nó đã là tình yêu, cống hiến tự nó đã được
đền đáp. Tự thân nó đã tròn đầy, thì còn cần thiết đòi hỏi gì thêm nữa từ bên
ngoài mà làm chi! Có gì đâu để được, có gì đâu để mất! "Có thì có tự mảy
may, không thì không tự kiếp nào cũng không". Cho nên, thôi, hãy tự mình về
thu xếp lại chuyện đời còn lại của mình...
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Về thu xếp lại chuyện hằng ngày, về thu xếp lại thái độ sống, về thu xếp lại
nguồn cảm hứng, về thu xếp lại chất liệu sáng tác, về thu xếp lại những nề nếp
suy tư. Về thu xếp lại hành trang trong đời, về học lại tính nhẫn nhục của chân
nhân, về đọc lại cách ứng xử thần thánh của các vị bồ tát. Về bên núi đợi.
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay
Về bên núi nhẫn nại chờ đợi cuồng phong đi qua. Về bên núi chờ đợi những vết
thương hồi phục. Về bên núi chờ đợi những luồng sinh khí mới thổi về. Về bên
núi chờ đợi những nguồn cảm hứng mới để sáng tác. Về bên núi chờ đợi ngày hóa
thân thành hài nhi để thản nhiên bình tâm với muôn vạn vui sầu. Chờ đợi giờ
phút viên mãn sẽ về. Chờ đợi ngày mới sẽ tới.
Nhưng ngày mới chưa tới ngay trong hôm nay. Những ràng buộc vui buồn của quá khứ
vẫn đeo bám quyết liệt. Những cười khóc phận người vẫn gắn bó không rời. Bao
xúc cảm tự nhiên của con người bình thường dường như vẫn còn nguyên vẹn Trịnh
Công Sơn.
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui
Tất cả xúc cảm tự nhiên của con người vẫn còn nguyên vẹn, mọi thái độ - dù thuận
dù nghịch - đều rơi vào nằm gọn trong túi hành lý vui buồn của thân phận con
người. Đi tới hay đi lui, thoát tục hay hoàn tục, xuất thế hay nhập thế, lăn xả
vào đời hay về bên núi đợi..., chọn lựa nào rồi cũng là phiền não, chọn lựa nào
rồi cũng là bồ đề. Ôi những chiếc lá thu phai mỹ thuật. Ôi những giây phút buồn
vui thoát ra khỏi mọi phân biệt luận bàn. Ồ những khái niệm "bồ đề"
& "phiền não" song song.
"Chiếc Lá Thu Phai", ghi lại tâm trạng mệt mỏi vào những năm tháng cuồng
phong giữa đời bất trắc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải trải qua. Những trận
cuồng phong hung hãn ập đến từ tam phương tứ hướng lập trường, đã quyét mạnh
vào những ca khúc của anh trong quá khứ , để mổ xẻ, để phân tích và để kết án
anh theo suy nghĩ chủ quan của riêng họ, đẩy anh vào đường cùng, vào một hoàn cảnh
"không cửa không nhà", không âm nhạc, không sáng tác, không nguồn
khích lệ tinh thần chính đáng. Đó là nguồn cơn của phiền não. Và đây là phút
giây bộc lộ sự phiền não:
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui
Về bên núi đợi. Ẩn mình bên núi là để xa lánh phàm phu, là để xa lánh thế tục,
là mong cầu được thoát vòng tục lụy. Tuy nhiên, tuy nhiên... Xa lánh thế tục mà
lòng cứ vấn vương thế tục. Nào những môi trường văn nghệ hôm qua. Nào những vũ
trường nhộn nhịp bữa trước. Nào lời ca, nào tiếng hát, nào vũ điệu, nào âm
thanh, nào ánh sáng, nào môi thơm, nào suối tóc, nào dáng đi điệu đứng
huyền hoặc của muôn đời, nào những réo gọi bên trong và bên ngoài nhục thể.
Tiên cảnh sao ta? Tục lụy sao ta? Sao gọi là tiên, sao gọi là tục? Bất giác đôi
khi, chợt nghĩ rằng không phải tất cả thế tục đều là "thế tục".
Chợt hình dung trong phiền não thấy có hình bóng bồ đề. Lên núi rồi xuống núi,
thoát tục rồi hoàn tục, xuất thế rồi nhập thế. Cứ đi loanh quanh như vậy. Nhiều
lúc không thật sự phân biệt đâu là tiên đâu là tục. "Trong khi ta về lại
nhớ ta đi... Đi lên non cao đi về biển rộng... Con tim nhân gian chưa từng độ
lượng...Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì..."
Đã mấy lần "Thu sang" như vậy, đứng trước những phê phán nặng nhẹ,
TCS không đính chính, vì không thể đính chính một lần cho tất cả những lời dị
nghị. Anh giữ thái độ im lặng, và nhẹ nhàng ca hát với riêng mình:
Mệt quá đôi chân này
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này
Tìm đến cái chốn muôn đời
Kìa còn biết bao người
Dìu dắt đến quanh đây...
Tự mình biết riêng mình
Và ta biết riêng ta
(Ngẫu Nhiên, TCS)
"Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta."
Tiên cảnh sao ta? Tục cảnh sao ta? Tục tiên gì gì ta? Sao gọi là tiên, sao gọi
là tục? Bất giác đôi khi, chợt nghĩ rằng không phải tất cả thế tục đều là
"thế tục". Lên núi rồi xuống núi, thoát tục rồi hoàn tục, xuất thế rồi
nhập thế. Cứ đi loanh quanh như vậy. Nhiều lúc không thật sự phân biệt đâu là
tiên đâu là tục. Chợt hình dung trong tục có tiên, trong tiên có tục, trong phiền
não thấy có hình bóng bồ đề.
vé máy bay eva
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hang may bay han quoc
mua vé máy bay đi mỹ
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch