Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Người trao kẻ nhận Nguyệt Ca

Người trao kẻ nhận Nguyệt Ca

Từ trăng xưa là nguyệt
Lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc
Hân hoan giây xuống thế
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt
Câu kinh đã bước vào đời...
(Nguyệt Ca. TCS)
Dường như từ ca khúc ấy đã tỏa ra một hương vị gì rất tự nhiên, của một giá trị gì đó thật gần gũi, cho nên khi hát lên, ai cũng dễ nghe thấy tâm hồn mình khinh khoái vui tươi dưới ánh trăng, nhịp nhàng nhảy múa cùng giai điệu với nguyệt.
Nhưng nếu bất chợt dừng lại, hỏi ý nghĩa của nó ra sao, giá trị ấy là gì, thì câu hỏi ấy có thể khiến cho chính ánh trăng cũng phải lúng túng không biết nói sao. Bởi lẽ, ánh trăng đẹp chẳng bao giờ giải thích vì sao mình đẹp.
Một nhạc phẩm xuất thần, một bài thơ xuất chúng, tự nó đã toát ra thứ hương vị ngọt ngào mà người thưởng ngoạn có thể hồn nhiên nhẹ nhàng đón lấy. Lắm khi, việc quảng diễn dài dòng không những không giúp ích gì thêm, mà còn có nguy cơ làm cho cái tố chất nguyên sơ của tác phẩm trở nên tan loãng chán chường.
Tuy nhiên, không phải lúc nào một kiệt tác cũng “nhu mì” như vậy. Đôi khi, chúng ta cũng đối diện với những tác phẩm “quái quắc”, những đoạn khúc quá cô đọng, những ý thơ quá bí hiểm, khiến không dễ dàng thong dong tiếp nhận. Bề ngoài nó “mật ngọt”, nhưng nó ẩn giấu “mật đắng” bên trong. Hoặc ngoài da nó “khô khan”, nhưng nó dịu dàng duyên dáng trong bụng. Chúng ta, người thưởng ngoạn, lắm khi cũng muốn đi xa hơn, sâu hơn, để thưởng ngoạn cả hương vị nông sâu ngọt đắng của tác phẩm. Nếu như vậy, ắt không thể vội vã quay lưng, mà buộc phải dừng chân đứng lại, chậm rãi ưu tư, dần dà tư lự.
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt
Câu kinh đã bước vào đời
Đôi khi nghe nhạc Trinh Công Sơn ở đây, chúng ta lại liên tưởng một khu vườn mênh mông xưa kia bên Ấn Độ, hoặc tới một nhân vật trong một tuyệt tác của Châu Âu, hoặc nhớ tới một triều đại đã mất trong quá khứ xa xôi, hoặc mường tượng lúc Trịnh Công Sơn và anh em bạn bè cùng ngồi đâu đó dưới trăng. Đôi khi nghe bản nhạc này của TCS, chúng ta lại hiểu ra cái uẩn khúc trong bản nhạc kia của Sơn. Đôi khi không nghe nhạc gì cả, nằm một mình trong lòng đêm, chợt “nghe ra” cái ý nghĩa mà anh Sơn đã nói trong bản nhạc mà mình nghe tuần trước nhưng chưa kịp “nghe ra”.
Từ bao la em đã đến

Hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói
Tôi nghe những đêm về
Bằng trực quan, chúng ta nghe được ngay cái vẻ đẹp của bài ca, và đồng thời chúng ta cũng vừa nhận thấy còn có cái gì đó vẫn còn che giấu bên trong. Cái phần che giấu ấy, phần ý nghĩa cốt tủy ấy, nếu muốn nghe muốn thấy thì buộc phải vận dụng một loại giác quan đặc biệt, loại giác quan khả dĩ thấy được cái vô hình, nghe được cái vô ngôn, như cách nói của Bùi Giáng như sau.
Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe
Vậy đó, giữa người trao và kẻ nhận, giữa nghệ sĩ và người thưởng ngoạn, có một giây phút truyền nhận khó khăn. Nói khó khăn nhưng có thể chẳng thật khó khăn, vì còn tùy ở độ duyên hợp giữa người trao và kẻ nhận. Bùi Giáng dí dỏm nói về sự vụ “trao truyền tâm ấn” khó dễ ấy bằng hai câu thơ cũng khó hiểu không kém:
Khó ghi rất mực nhưng mà vẫn
Dễ tạc vô ngần há dám quên
Ghi cái lẽ chân. Tạc cái lẽ thật. Đạo vậy. Lồng ghép lẽ phải bên trong các hình thức nghệ thuật và trao lại cho hậu bối. Đó là sứ mệnh của các nghệ sĩ chân chính. Họ tự nguyện mang lấy sứ mệnh vất vả ấy.
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm kẻ chạy lang thang
Người trao đã mất theo tràng giang đi
(Bùi Giáng)
Nguyễn Du đã mất. Bà Huyện Thanh Quan đã mất. Trần Trọng Kim đã mất, nhiều lắm, không kể hết những chân nhân... Những bậc thầy trong văn học lần lượt “ra đến” và lại “ra đi”. Họ đã trao cho hậu bối cả núi giá trị vàng ngọc, nhưng không biết ai ai có nhận đủ tặng vật đã được trao cho, có nhìn thấy cái giá trị sơ nguyên của con người, của tác phẩm mà họ đã để lại hay không. Một cách nói khác cũng của Bùi Giáng:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Anh đi để lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Em là em của những thế kỷ sau. Em nhìn trăng có còn thấy màu trăng chính là màu nguyệt của nó không? Không bị hiểu méo mó gì cả phải không? Em đọc sách của anh, em hát nhạc của anh, em có thấy đúng những gì anh đã viết không, khi những chiếc lá chép thơ nhạc của anh vàng bay lả tả giữa sương đời văn học mù tỏa không? Mấy thế kỷ sau, không biết các em có nhìn thấy trăng thơ của những chân nhân vẫn nguyên màu là nguyệt ca hay chẳng? Sự việc không chỉ tại bài thơ Bùi Giáng hay là ca khúc TCS. Sự thật nghiêm trọng là khi bài thơ ví dụ ấy được nới rộng ra tới những giá trị khác bị bóp mép giữa đời. Chân thiện mỹ có còn là chân thiện mỹ hay không, hay là đã biến thành phi chân phi thiện phi mỹ? Phi chân phi thiện phi mỹ mà lại nghênh ngang như là chân thiện mỹ phải chăng?
Từ trăng thôi là nguyệt
Mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt
Cây đam mê hết nhánh

Tưởng như chuyện nói đùa. Mà thật ra là sự thật. Hàng bao thế kỷ qua, con người dễ thương này đã lạc bước đáng thương giữa mù sương mà không biết. Giá trị nguyên sơ đã vô tình bị bóp méo bởi những bàn tay có con mắt mù lòa. Cái tinh khiết không còn tinh khiết, nó đã bị khuấy trộn bởi những bàn tay thô tục tình cờ. Từ đó mà bể khổ lớn dần bốn biển. Sa mạc ảo tưởng lan tràn năm châu. Cái ác lặng lẽ chiếm ưu thế, cười đùa rôm rả. Dồn cái thiện về một ốc đảo hoang vu, co ro mếu máo.
Từ trăng thôi là nguyệt
Hôm nao chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt
Tôi như đứa bé dại khờ
Qua bàn tay của những con đời không từng biết từ xưa trăng là nguyệt, thế giới nguyên sơ vốn xinh đẹp dần dần trở nên thô kệch, xã hội vốn nguyên lành đã trở nên thương tích tả tơi, tờ cao thơm lành mạnh nay đã nhàu nát hận thù. Niềm tin tưởng vào lẽ chân chính bỗng tụt dốc một cách tai hại.
Sự thật buồn bã đó, tình huống đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng với nhau đó, câu chuyện con người đối xử quá tàn bạo với nhau bằng chiến tranh liên miên đó, vân vân đó, tất cả đều có thể dễ dàng đọc thấy trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại ngàn năm.
Nhìn thấy sự thể xót xa ấy, các chân nhân kim cổ đã phải hét lớn: “Hãy trả tất cả trở lại với giá trị nguyên thủy của nó.” Nhiều người đã phát biểu. Mỗi người phát biểu mỗi cách. Riêng Trịnh Công Sơn hôm nay, anh đã chọn cách nói nhẹ nhàng thường thấy của riêng mình. Anh hát lên thành nguyệt ca:
Từ khi trăng là nguyệt
Đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt
Em mang tim bối rối
Từ trăng xưa là nguyệt
Lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc
Hân hoan giây xuống thế
Hãy để cho trăng chính là trăng. Hãy trả lại cho mặt đất vẻ đẹp nguyên thủy của mặt đất. Hãy giữ cho người chính là người. Hãy giữ cho trái tim hồn nhiên mười sáu của em vẫn là trinh nguyên mười sáu.
Cho dù gọi “cái ấy” là trăng hay là nguyệt, mặc kệ tên gọi có đôi lúc khác nhau, nhưng trăng vẫn chính là trăng, “cái ấy” vẫn chính là “cái ấy”. Chân là chân, giả là giả. Thiện là thiện, ác là ác. Người là người, đười ươi là đười ươi. Đừng bóp méo lẽ thật thành hư. Đừng bôi nhọ mặt đất bằng những lý thuyết phi mặt đất. Đừng xô đẩy những con tim hồn nhiên thành những con tinh xảo quyệt. Đừng xui khiến vầng trăng kia mất hết ý nghĩa của một vầng trăng. Đừng gieo rắc những lý lẽ mê muội giáo điều làm thui chột những con tim sáng tạo. Đừng rao giảng ảo giác nữa. Đừng ca tụng lẽ ác mà bảo là lẽ thiện nữa. Đừng kích thích thù hận mà bảo rằng đang thực hành tình thương nữa. Hãy trả tất cả trở lại với giá trị nguyên thủy của nó.
Từ trăng xưa là nguyệt
Lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc
Hân hoan giây xuống thế
Nếu trăng không còn chính là trăng nữa, nếu vạn vật không còn được nhìn nhận những giá trị nguyên thủy như chính nó là, thì hậu quả là, ... là rất nhiều hậu quả:
Từ trăng thôi là nguyệt
Mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt
Cây đam mê hết nhánh
Từ trăng thôi là nguyệt
Hôm nao chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt
Tôi như đứa bé dại khờ
Hậu quả là thế giới đã xuất hiện như những gì chúng ta đang thấy hôm nay: cái ác chiếm ưu thế, cái thiện chịu lép vế. Con người sống trong bất ổn, cô đơn. Chúng ta miễn cưỡng “nhắm mắt” nhìn chỗ đứng không tương xứng của chính đạo, của lẽ thât. Chúng ta dường như bất lực, nhìn nó - chính đạo - bị thay thế, bị bôi nhọ bởi mê lộ, bởi lẽ hư, bởi tà kiến.
Những người giác ngộ không đành lòng ngồi trên thuyền Bát Nhã mà nhìn đồng loại chới với trong biển mê. Cho nên các chân nhân qua các thời đại đã tiếp lời nhau, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu vạn ngàn trang sách vở, bằng nhiều cách khác nhau, đại ý rằng: “Hãy trả tất cả trở lại với giá trị nguyên thủy của nó.” Lần này, tiếng kêu ấy là tiếng chuông chùa bao la vang ngân trong không gian vô tận.
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt
Câu kinh đã bước vào đời
Từ bao la em đã đến
Hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói
Tôi nghe những đêm về
Ai có tai chân thật thì sẽ nghe tiếng chuông ngân. Ai còn giữ gìn được tâm hồn chân thật thì sẽ hòa cảm được với những dư vang từ vườn xưa thuở ấy. Hãy giữ cho trái tim hồn nhiên mười sáu của em vẫn là trinh nguyên mười sáu. Hãy để cho trăng chính là trăng. Hãy trả lại cho mặt đất vẻ đẹp nguyên thủy của mặt đất. Hãy giữ cho trái tim người còn mang đúng trái tim người.

Nguyễn Quang Thanh


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...