Tuổi thơ bên sông
Tuổi thơ bên sông
Dòng sông chở nặng phù sa như dòng sữa mẹ ngọt
ngào nuôi dưỡng cả làng chài nghèo. Không chỉ cho tôm cá đầy ghe, dòng nước
xanh mát còn tưới tắm bao ruộng lúa, vườn cây. Lúc nhỏ tôi tò mò hỏi nội: “Nước
sông sẽ chảy về đâu?”. Bà xoa đầu tôi: “Chỉ có biển bao la mới ôm nước vào lòng
thôi, cháu ạ!”.
Có một dòng sông êm đềm chảy qua tuổi thơ tôi.
Sông chưa được đặt tên nhưng tôi vẫn quen gọi là Thủy Trúc. Ở quê tôi, thủy
trúc mọc rất nhiều, không biết cây từ đâu về mà phủ dày làm xanh ngắt đôi bờ
như tăng vẻ mượt mà, dịu dàng và quyến rũ cho dòng sông quê nội…
Xóm Dừa - cũng do chúng tôi đặt tên - nằm ngay
bên dòng sông thủy trúc. Nhà tôi ở đó, mặt nhìn sang bên kia sông là xóm Hương
Trà. Nhà cửa lô nhô dọc hai bên bờ sông. Bởi vậy, ở quê tôi nhà nào cũng có một
bến sông riêng để neo ghe thuyền, tắm giặt, là nơi để ai đó khi đi xa trở về mà
tơ mà tưởng...
Dòng sông hiền hòa ấy đã nuôi lớn tuổi thơ tôi
với những trò chơi trẻ con vùng sông nước. Những trưa hè không ngủ trốn nội rủ
lũ bạn trong xóm bắt chuồn chuồn cắn rốn tập bơi hay chơi ú tìm trong những
khóm trúc gọi mời. Dòng nước trong xanh mát rượi cũng đẫy giấc ngủ tôi những
lúc trưa hè. Chiều chiều, lũ nhỏ lại dàn trận giả với cờ… hoa thủy trúc. Chơi
chán, cả bọn rủ nhau đi xem người ta cất vó, rồi xin những con cá bống nhỏ xíu
còn sót để về nuôi như trong… truyện Tấm Cám. Mùa nước cạn, những gò đất bên
kia sông nhô lên là nơi bọn trẻ Xóm Dừa tụ tập với bọn trẻ Hương Trà. Quê tôi
hồi ấy còn nghèo, chưa có cầu bắc qua sông. Thế nên chỉ có mùa nước cạn lũ trẻ
con hai xóm mới có dịp gặp nhau...
Thả câu, giăng lưới, mò cua bắt ốc… không chỉ là
những công việc mưu sinh hằng ngày của người dân vùng sông nước mà đó còn là
thú vui của lũ trẻ chúng tôi trong mùa nghỉ học. Tôi nhớ rõ những chiều đi cùng
anh Hai lặn sìa, bắt tôm; lại có những buổi dậy sớm cùng cha khua chày gõ nước
và để tận ngắm bình minh trên sông… Nhớ lắm giọng hò khoan trong trẻo của mẹ,
của các dì vang xa khắp ngõ xóm mỗi khi tan chợ sông. Nhớ những buổi trưa hè
gió nồm từ sông lồng vào mát rượi, tôi nằm im sau vườn dừa nghe nội kể chuyện
xưa tích cũ. Tuổi thơ tôi cứ vậy dần lớn lên. Trong ký ức tôi còn vẹn nguyên
hình ảnh dòng sông quê sau mùa nước lũ: nước sông đục ngầu, hai bờ sông chỉ còn
vài cây thủy trúc xơ xác, tiêu điều… thấy mà quặn lòng.
Dòng sông chở nặng phù sa như dòng sữa mẹ ngọt
ngào nuôi dưỡng cả làng chài nghèo. Không chỉ cho tôm cá đầy ghe, dòng nước
xanh mát còn tưới tắm bao ruộng lúa, vườn cây. Lúc nhỏ tôi tò mò hỏi nội: “Nước
sông sẽ chảy về đâu?”. Bà xoa đầu tôi: “Chỉ có biển bao la mới ôm nước vào lòng
thôi, cháu ạ!”. Sau này lớn lên, xa quê, tôi mới hiểu nước đổ ra biển nhưng
tình sông lại chảy ngược lên nguồn rồi vỗ vào lòng người… Nhưng biển dù có bao
la đến nhường nào cũng không thể chở nổi tình yêu của người dân làng chài vì họ
trót lỡ dành cả cuộc đời cho dòng sông quê hương. Ngày tôi trở về, quê hương đã
đổi thay nhiều và rất mừng nước sông thủy trúc trước nhà vẫn trong và bình lặng
như thuở nào. Cả bến sông trước nhà nội cũng vậy…
Chiều nay, tôi một mình ra ngồi lặng ngắm bóng
hoàng hôn đang lặn xuống bến xưa, tưởng như kỷ niệm tuổi thơ ùa về ăm ắp. Nếu
cho một điều ước tôi “xin một vé về tuổi thơ” để được tung tăng thỏa thích bên
dòng sông quê nội. Từng con nước vỗ vào bờ oàm oạp làm những cành thủy trúc khẽ
rung. Cái vị mặn hăng nồng quen thuộc của dân làng chài theo làn gió thoảng
qua, tôi thấy mắt mình cay cay không biết tự lúc nào…
Nguyễn Tiến Danh
Nguồn từ mlog.yan.vn
Cảm ơn đã để tên tác giả nhưng sao lại đổi tiêu đề của bài viết vậy?
Trả lờiXóaBài này tôi đặt tiêu đề là "Tuổi thơ bên sông"