Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Chuyện vãn về bút danh

Chuyện vãn về bút danh

 Ngô Vĩnh Bình 
Danh là tên. Bút danh là tên của người viết báo, viết văn ký dưới các tác phẩm của họ. Chung quanh chuyện bút danh cũng có nhiều điều để nói.
Nhà thơ Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Nơi ấy có dòng sông Đà và núi Tản Viên nổi tiếng nên ông ghép hai chữ Tản Đà thành bút danh của mình. Ông có nhiều câu thơ nói về non Tản, sông Đà quê ông:
Đà Giang, Tản Lĩnh nước non quê
Đà Giang nước chảy, Tản mây bay
Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Nước rợn sông Đà, con cá nhảy
Mây trùm non Tản, cái diều bay...
Về sau, có rất nhiều người noi gương Tản Đà, lấy tên núi, tên sông, tên làng... làm bút danh của mình. Ví như: Vũ Quần Phương (Quần Phương là tên một làng ở Hải Trung, Hải Hậu tỉnh Nam Định, còn Vũ Ngọc Chúc là tên khai sinh của nhà thơ). Hay như Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng nhưng quê ông Điện Bàn, Quảng Nam có sông Thu Bồn nên lấy luôn tên sông làm bút danh của mình...
Bút danh do rút gọn tên khai sinh mà thành có rất nhiều, ví như Hữu Mai từ Trần Hữu Mai, Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), Văn Cao (Nguyễn Văn Cao), Xuân Miễn (Nguyễn Xuân Miễn), Xuân Cang (Nguyễn Xuân Cang), Xuân Sách (Ngô Xuân Sách), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), Xuân Thiều (Nguyễn Xuân Thiều), Xuân Thiêm (Nguyễn Xuân Thiêm)... Nội một chữ "xuân" thôi nước mình đã có đến cả chục, cả trăm nhà báo, nhà văn. Là thế nên mới có những câu thơ: Xuân Thiều, Xuân Sách, Xuân Thiêm - Trong ba "xuân" ấy... và Xuân Diệu, Xuân Sanh, Xuân... tóc đỏ - Tú Xương, Tú Mỡ, Tú... lơ khơ.
Bút danh do gọi lái, gọi chệch hoặc đảo chữ tên thật cũng có nhiều: Ví như Trần Đăng là từ Đặng Trần Thi, Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Nguyễn Duy (Nguyễn Duy Nhuệ), Nguyễn Ngọc (Nguyễn Ngọc Báu), Hào Vũ (Vũ Văn Hào)...

Những bút danh gắn với những kỷ niệm riêng tư nhiều hơn nhưng đa phần được "bật mí", nhất là những bút danh có liên quan đến mối tình đầu thời trai trẻ của người viết. Thí dụ như Nhị Ca. Tên thật của ông là Chử Đức Kính. Hồi nhỏ đi học có yêu một cô gái Hà Nội tên là Kiệm, ông ghép chữ đầu của hai người lại thành KK, hoặc 2K. Sau này khi viết báo "phiên" thành Nhị Ca. Trường hợp Lê Kim cũng vậy. Vốn tên là Nguyễn Duy Long, lúc còn học ở Trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) có yêu vụng, nhớ thầm một người bạn gái cùng lớp tên là Nguyễn Thị Kim. Sau đi bộ đội, vào nghề báo lấy bút danh là Lê Kim để "nhớ mãi mối tình đầu".
Bút danh của các bậc tiền nhân thường biểu hiện "chí làm trai" hoặc ước vọng. Bút danh của nhiều cây bút trong hai cuộc kháng chiến lại gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu. Thế mới có những cái tên như Thiên Bình Trường Sơn, Nghiêm Túc, Biên Thùy, Lưỡi Lê, Kê Xung Kích, Thao Trường, Đậu Kỷ Luật, Bút Chông, Lê Kim Tiêm... Thời hòa bình xây dựng hôm nay nhà báo cũng gắn với nhiệm vụ của mình với bút danh nên mới có Ba Thợ Tiện, Lang Thang, Người Quan Sát, Người Dọn Vườn...
Có những bút danh do tình cờ mà thành, lại có khi do sự viết sai, mà nên. Ví như Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Vốn là Trần Giang Khoa (em gái của Khoa tên Giang) nhưng vì mới đi học nên anh viết là Trần Đăng Khoa, đến khi đăng báo, tòa soạn sửa lại thành Trần Đăng Khoa. Cái chuyện viết sai không chỉ thành bút danh mà còn thành cả tác giả nữa. Ví như bài báo Đêm nay Bác không ngủ viết ở Điện Biên Phủ năm 1954 của Phạm Phú Bằng sau in lên báo Quân đội Nhân dân hóa ra của Trần Cư và Phạm Phú Bằng. Duyên do là Phú Bằng viết bài, đưa cho Trần Cư lúc đó là thư ký tòa soạn đọc duyệt. Trần Cư ký vào bài, ký thế nào lại liền sát với tên tác giả bài báo. Thế là khi báo ra, bài ấy có hai tác giả, đồng tác giả!
Việc hình thành bút danh lại còn do cả vóc dáng "đặc điểm, nhận dạng" của người viết. Giả dụ như Vũ Cao (tác giả Núi đôi) vốn tên thật là Vũ Hữu Chỉnh nhưng do có vóc dáng rất cao, chừng 1,80 m nên gọi như vậy. Hay như Xuân Thiều có cái đầu rất hói - nên đã dùng bút danh Tú Hói ký dưới các câu đối Tết giống như Nguyễn Trọng Oánh quê Nghệ An, biết chữ nho nên khi làm câu đối thường ký tên Đồ Nghệ.
Chuyện về bút danh của cánh nhà báo, nhà văn ta một thế kỷ qua rất phong phú, rất lạ. Mỗi bút danh là một câu chuyện kể, một giai thoại, bút danh đi liền với nỗi hoài hương, gắn với những kỷ niệm cuộc đời, với người thân, với tác phẩm, với một đoạn đường công tác, sống và sáng tạo của người viết. Lại đôi khi gắn với thời cuộc, với nhiệm vụ của từng tờ báo, từng mục nhỏ của trang báo... Chuyện về bút danh nếu ghi lại được hết sẽ còn dài dài, nếu lần ra được dò tới được từng "ngọn nguồn, lạch sông" sẽ còn biết bao nhiêu là điều thú vị nữa.

Nhà văn ''nhìn thấy trước''
 Thanh Thảo 
Viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây năm 1934. Đúng 60 năm sau khi tác phẩm này ra đời vấn đề mà ông nêu ra vẫn còn mang tính thời sự. Nói như Suzane, một nữ nhân vật trong kỹ nghệ độc đáo này, thì "những người Tây ấy... nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm ái tình ra tặng vợ hay saỏ". Vậy là đã rõ. Đây chỉ là một dạng hợp đồng của kinh tế thị trường. Mà bây giờ ta đang kinh tế thị trường, nên đọc cái phóng sự này vẫn thấy như mới. Thử hỏi, có cái phóng sự nào, có nhà văn viết phóng sự nào mà 60 năm sau đọc vẫn "vào", vẫn mang tính thời sự như phóng sự Vũ Trọng Phụng?
Nhà văn không chỉ phản ánh mà còn phải nhìn thấy trước. Tác phẩm và nhân vật của họ không chỉ là tấm gương cố định hay "tấm gương kéo trên đường" mà còn phải là tấm gương có khả năng tái sinh qua thời gian, dự cảm về bản chất nhân vật, bản chất hiện tượng của nhà văn đã khiến tác phẩm như tự tái sinh trong mắt người đọc nhiều thế hệ, và những vấn nạn mà tác phẩm đặt ra, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn là những vấn nạn của hiện tại, những tính cách có sức cuốn hút trong hiện tại.
Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác trong khoảng 10 năm, nhưng hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống tới bây giờ. Chúng như những gien mạnh, những gien trội, dù cơ thể xã hội có nhiều thay đổi nhưng chúng vẫn tìm đúng được môi trường để "nhân rộng điển hình". Đó là thành công rất lớn của Vũ Trọng Phụng.

Nhưng cơ sở nào để nhà văn xây dựng được nhân vật, lại là những nhân vật "sống lâu", mang tính tiên báo? Trước hết, có thể nói Vũ Trọng Phụng là nhà văn có được một hệ thống ngôn ngữ mới mẻ vào loại bậc nhất so với những nhà văn cùng thời ông. Nhân vật của ông, tùy từng kiểu người, đều có cách nói riêng rất tự do, rất "đời", rất "bụi". Và cũng không giống lắm với tác phẩm của một số nhà văn hiện thực bấy giờ. Vũ Trọng Phụng đứng riêng, bởi ông không phải nhà văn lãng mạn đã đành, ông cũng không phải nhà văn phản ánh hiện thực một cách "thật thà". Cái hiện thực trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng là cái hiện thực được làm quá lên, được cường điệu theo một ý đồ nghệ thuật riêng. Do nghề làm báo, ông có dịp tiếp xúc với nhiều loại người, và có thể nói, loại người cơ hội, đạo đức giả khiến ông căm phẫn nhất. Ông quyết đưa chúng vào tác phẩm của mình dưới cái dạng đúng như thực của chúng, chứ không phải như cái dạng giả mà chúng trình bày trước cuộc đời. ấy nhiều khi siêu thực lại thực hơn cả hiện thực, là vì vậy. Nó lột được bản chất của hiện thực, nó tái tạo con người (chủ yếu là phần bên trong) như con người nó thế, và sẽ như thế. Phép ngoa dụ trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại hàm chứa phép ẩn dụ (metaphor), và con đường thăng tiến cực kỳ vô lý của anh Xuân Tóc Đỏ chẳng hạn lại được bảo đảm bằng một phép biện chứng cứng rắn. Thật không dễ gì vô hiệu hóa được những Xuân Tóc Đỏ trong cuộc đời.
Vũ Trọng Phụng đã sờ tới được cái dây sắt, cái xương sống bằng inox của phép biện chứng này. Ông không bi quan, không bị tư tưởng định mệnh chi phối khi sáng tác như có nhà phê bình từng nhận định một cách nhẹ dạ, đơn giản là ông đã thấy trước, đã báo trước, và đã chịu đựng trước cái tiếng kèn thuốc lậu "mới tinh và sạch bóng như cái kèn mặt trời" trong thơ Apollinaire, tiếng kèn ấy do những Xuân Tóc Đỏ thổi lên trên những "con phố mà anh đã quên mất tên". Phải sống hàng ngày với những nhân vật như thế, thì họa có robot mới không bi quan theo một nghĩa thông thường. Nhưng là nhà văn thì sự bi quan hay lạc quan trong tác phẩm của họ phải được hiểu một cách khác, cao hơn, rộng hơn, và cũng cụ thể hơn.




1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...