Qua những nguồn tài liệu sưu
tập tham khảo từ những quyển sách Thi Nhân Việt Nam của Hoài Chân Hoài
Thanh_Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Kiệt-Tổng Quan Văn Học Miền Nam
của nhà văn Võ Phiến-Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến do Trần Hoài Thư chủ
trương...Những bài viết của các nhà văn, nhà thơ, trên các tạp chí Văn học
trong nước và hải ngoại. Tác Giả Việt Nam, sưu tập của Luân Hoán. Chúng ta chỉ
tính từ thời điểm khi bài thơ Tình Già của Phan Khôi được xem như một tuyên
ngôn khai sinh thơ mới hiện đại Việt Nam xuất hiện đầu tiên trên Phụ Nữ Tân Văn
Số 132 vào ngày 10 tháng 3 năm 1932_Saigon.
Trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ nếu tính từ năm 1932 đến năm 1975 căn cứ
theo những nguồn tài liệu nêu trên chúng ta có thể ước tính số lượng thi sỹ có
những bài thơ được tuyển chọn lên đến vài trăm người được đánh giá "trăm
hoa đua nở" vì thế với thời lượng quy định của ban tổ chức yêu cầu quả
thật khó khăn để chọn một số bài thơ hay của ba miền đất nước thân yêu. Tuy
nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng nêu lên vài nhà thơ tiêu biểu qua hai điều kiện đã
được đãi lọc thử thách qua thời gian cũng như sự thẩm định yêu thích của đa số
quần chúng một cách khách quan và tương đối. Trước khi bước vào sự việc thẩm
định thế nào là một bài thơ hay? Và địa vị của thơ trong Văn Học Việt Nam.
Chúng tôi xin đan cử một vài kinh nghiệm về thơ của nhà giáo Nguyễn Sỹ Tế: "Thơ
là một ngành nghệ thuật ngôn ngữ khó khăn vào bậc nhất. Thơ dễ vào mà khó ra.
Làm thơ thật là dễ, nhưng làm thơ cho hay lại là thật khó. Thơ là một siêu nghệ
thuật về ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một cái thiên tài sáng tạo của một dân tộc. Ngôn
ngữ của thi ca là một thứ ngôn ngữ siêu đẳng xôn xao âm hưởng và ấm áp sâu đậm
sắc màu. Nắm được con ngựa thần bất kham chúng ta đã có điều kiện căn bản để
trở thành một bài thơ hay rồi vậy!".
Trong tiến trình văn học Việt Nam chưa bao giờ dân tộc lại sản sinh ra nhiều
nhà thơ như trong thời điểm vài ba thập niên vừa qua cũng như hiện nay từ trong
nước đến hải ngoại. Chúng ta bị ảnh hưởng sâu xa về phát biểu của Ngô Thời
Nhậm: "Việt Nam đáng hãnh diện là một nước thơ. Và mỗi
người Việt nam là một thi sĩ...". Chỉ có thể đúng một phần qua
nhận định ở lớp bình dân sáng tạo những giòng văn học mang tính nhân gian trong
sinh hoạt của đời sống thường nhật. Hay vì tâm lý muốn được người đời gọi mình
là thi sỹ. Chính từ những tư duy thiếu khiêm tốn nên rất khó đồng thuận hợp nhất
tiêu chuẩn đi tìm đường bay tuyệt đỉnh của thi ca. Trong cuốn Thi Nhân Việt Nam
của Hoài Chân_Hoài Thanh cũng chưa phải là một nhà phê bình hoàn hảo đáng tin
cậy mặc dù hai ông được giới trí thức đánh giá nhiều ưu điểm giới thiệu trên 40
nhà thơ với mấy trăm bài thơ đính kèm. Tuy nhiên Hoài Chân_Hoài Thanh vẫn không
thoát ra những thành kiến khắt khe đối với thi sĩ Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Vũ
Hân, một số nhà thơ khác và nhóm Xuân Thu Nhã Tập....mặc dù cho đến nay đã hơn
nửa thế kỷ qua ở hải ngoại vẫn có nhiều người còn thuộc thơ Nguyễn Bính yêu thơ
Đinh Hùng...Từ suy nghiệm này chúng tôi đề cập đến trường hợp vua Tự Đức sáng
tác rất nhiều thi phẩm nhưng chỉ được nhân gian nhắc đến bài thơ "Khóc
Bằng Phi" với hai câu cuối cùng: "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp
tàn y lại để dành hơi...".
Quá tuyệt vời và tôn vinh ông là một nhà thơ lẫy lừng trong thi đàn Việt
Nam. Một trường hợp điển hình khác chúng tôi muốn đan cử đến bài thơ "Cáo
Tật Thị Chúng" của thiền sư Mãn Giác với hai câu cuối bài:
"Mạc vị xuân tàn hoa
lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai/... Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết.../Đêm
qua sân trước một cành mai..."
Hai câu cuối đã vượt trội xuất sắc, mang tư tưởng nhân sinh quan hiện thực,
tăng giá trị bài thơ và được thẩm định là một bài thơ hay vượt qua thời gian.
Cũng như trường hợp chỉ mấy câu thơ của dũng tướng Lý Thường Kiệt trước quân
nhà Tống phương Bắc cũng đủ nói lên ý chí của người quân tử nước Nam:"Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư/Tiệt
nhiên định phận tại thiên thư/Như Hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhử đẳng hành khan
thủ bại hư....Sông Núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách Trời/Cớ
sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.." đã trở thành một bài thơ tuyệt tác lưu
truyền cả ngàn năm trong lịch sử. Những nhà phê bình thi ca chưa hẳn có một
thần trí siêu việt dễ thấu triệt những ẩn ý sâu xa bài thơ của mỗi thi sĩ như
sự nhạy cảm tuyệt vời giữa Bá Nha với Chung Tử Kỳ nên đôi khi cảm nhận bài thơ
có thể lạc hướng về cái nhìn chủ quan. Qua tài liệu của Hoàng Duy Từ
"Đường Thi Tuyển Dịch" chúng tôi khám phá câu chuyện lý thú về thi
ca. Nhân vật tiêu biểu đại thi hào Tô Đông Pha đã dám cậy tài làm thơ sửa thơ
Tể Tướng Vương An Thạch cũng là một nhà thơ lừng lẫy vào đời nhà Tống bên Trung
Hoa. Có một ngày đẹp trời Tô Đông Pha ghé đến thư phòng của Vương An Thạch nhìn
lên vách thấy có hai câu thơ:
"Minh Nguyệt sơn đầu
khiếu/Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm"
Tô Đông Pha chê là vô lý bởi vì:
"Trăng sáng sao lại
hót ở đầu núi?/Chó vàng sao lại nằm giữa lòng hoa?"
nên lấy bút sửa lại:
"Minh nguyệt sơn đầu
chiếu/Hoàng khuyển ngọa hoa âm"
với ý nghĩa: "Trăng chiếu ở đầu núi"/
"Chó vàng nằm dưới hoa".
Sửa xong Tô Đông Pha cảm thấy đắc ý và cảm nghĩ cho dù Vương An Thạch tuy là tể
tướng nhưng chưa chắc tài làm thơ hơn mình. Sau đó một thời gian Tô Đông Pha có
tội với triều đình nên bị đày ải đến nơi rừng thiêng nước độc. Một hôm vào mùa
xuân dạo trong rừng nghe tiếng chim hót rất hay mới hỏi dân địa phương cho biết
"Tiếng chim hót hay đó có tên là Minh Nguyệt và loài sâu chuyên tìm ăn
ngụy hoa có tên là Hoàng Khuyển..." Tô Đông Pha giật mình tỉnh ngộ và ân
hận về sự thiếu hiểu biết và sự ngạo mạn lố bịch của mình.
Xuyên qua sự kiện vừa dẫn chứng chúng ta nên suy ngẫm về sự thẩm định đánh giá
một bài thơ hay có tính cách chủ quan không hiểu sâu nghĩa lý là một sự lầm lỡ
đáng tiếc.
TIÊU CHUẨN VỀ MỘT BÀI THƠ HAY
Bởi vậy, chúng ta rất khó phân biệt để cùng đồng ý MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO CHO
LÀ HAY và MỨC ĐỘ HAY CỦA MỘT BÀI THƠ? Chúng tôi xin trích dẫn qua một số nhà
thơ, phát biểu chân thật về nguyên nhân sáng tạo nên những tác phẩm thi ca của
họ. Đó cũng là ý niệm tốt để giúp cho chúng ta thẩm định giá trị một bài thơ
hay.
1. Nhà thơ Nguyên Sa
...Làm thơ, với tôi, bao giờ cũng cần có cảm hứng, có cảm hứng mới làm được bài
thơ đắc ý, không có cảm hứng thì chịu thua. Cảm hứng đưa tôi vào thơ, thời gian
này, cũng như hơn bốn thập niên, luôn luôn đến từ sự xúc động chân thực. Có
rung động thực và rung động giả, cho nên có cảm hứng thực vả cảm hứng giả. Lúc
hai mươi tuổi, đam mê tình ái mang thơ lại cho tôi. Tôi nghĩ thơ tình thời học
trò mà tôi nói chuyện suy tư về hữu thể và hư vô là xúc động giả, sâu xa giả,
thơ làm dáng không phải thơ. Khi tuổi già đã tới, không còn đam mê tình ái,
cánh cửa của tuổi đời sắp khép lại. Những xúc động của những ngày tháng đối
diện với sự thật của kiếp người, một cuộc tình hồi tưởng lại, một cuộc tình mơ
ước, giọt sương mai mong manh, cơn mưa đến muộn, buổi hoàng hôi,
người bạn thâm niên ...là nguồn cảm hứng thật hôm nay của tôi.
2. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn
Nếu phải xếp hạng thứ thơ nào tôi thích hơn, thì tôi sẽ xếp theo thứ tự như
sau:
1/Thơ hay tự nhiên là thứ nhất
2/Thơ hay và khéo cũng tốt
3/Thơ hay mà không khéo thì dễ thương
4/Thơ khéo không thôi thì hơi thường
5/Thơ khéo mà không hay xin miễn
Nói xếp hạng cho vui, chứ mỗi người sẽ nhận diện cái khéo và cái hay một cách
khác nhau. Có những câu thơ nghe rất tự nhiên nhưng chỉ người làm thơ mới biết
đã mất bao lần gọt giũa mới thành. Độc giả không cùng một kinh nghiệm thẩm mỹ,
không được đào luyện trong các lò ngôn ngữ như nhau, thì cách thưởng thức sẽ
khác nhau. Có những lời tự nhiên thanh thoát ở đời này, sang đời khác lại có vẻ
cầu kỳ, không thích hợp.
Tôi đề nghị chúng ta nên đọc thơ như thể mình đang sáng tạo. Vừa đọc vừa mở ra
một thế giới, trong đó lời và cảm thọ do lời gây ra được tự do phát triển. Ta
đọc lại như đọc lần đầu, khám phá bài thơ một lần nữa để tìm cảm xúc mới.
Thơ hay chính là thơ mới. Theo tôi nghĩ nên làm mới thi ca, nhưng làm mới như
thế nào, ra sao thì tôi đang dọ dẫm thí nghiệm, chưa đạt được kết quả nào. Điều
cần thiết là phải làm cách nào để cho cái mới đó có hồn, có vía đàng hoàng, phổ
biến được đón nhận rộng rãi. Tuy nhiên kỹ thuật và hình thức là những điểm tất
yếu phải có của một bài thơ. Nhưng nếu chú trọng quá đáng, có lẽ loãng bớt nội
dung, đó là chưa kể nếu quá màu mè, bài thơ lại dễ biến ra một họa phẩm siêu
thực...
4. Nhà thơ Tô Thùy Yên
Đối với tôi thực sự làm thơ không khó, làm thơ hay mới là chuyện khó, rất khó.
Khó đến độ nhiều khi từ cái ý muốn khởi đầu cho đến khi hoàn tất bài thơ, không
tưởng tượng mình có thể đạt tới được ngoài trí lực của mình. Nói chung làm bất
cứ việc gì trong bất cứ lĩnh vực nào mà làm cho tốt làm cho hay thật là khó,
rất khó, chớ làm lơ mơ, bất kể, được chăng hay chớ thì ai làm chẳng được. Một
bài thơ có hồn mới chuyển đạt xúc cảm đến người khác...
5. Nhà thơ Yên Thao
Tác giả bài thơ "Nhà Tôi" nổi tiếng.
Hiện nay rất nhiều người làm thơ nhưng thơ hay thì hiếm. Thơ tình yêu lạm phát.
Không nên nghĩ tình yêu là tất cả của thơ và thơ chỉ viết về tình yêu lứa đôi.
Thơ là tinh hoa của tiếng nói, tiếc có những bài thơ từ ngữ quá trần truồng,
thô kệch, song lại được các báo chí đăng tải như một cái gì mới mẻ, dám nghĩ
dám viết(?!!).
Gom từng hạt bụi phấn
góp từng phân tử đường
con ong làm nên mật
cho cuộc đời lên hương
người làm thơ chúng ta
hơn con ong cần mẫn
càng phải biết chọn hoa
đừng làm ra mật đắng!
6. Nhà thơ Hoàng Hương Trang
Thơ hiện nay nhiều người làm, số lượng thi sĩ đông đảo hơn bao giờ hết, số
lượng thơ cũng rất nhiều. Nhưng những bài thơ đi sâu vào lòng người, gây ấn
tượng mạnh, làm người đọc yêu và nhớ thì quả thật rất ít, không bằng được những
bài thơ gọi là "thơ tiền chiến". Vì sao? Theo tôi, thơ bây giờ dùng
ngôn ngữ quá xa lạ với người đọc, làm cho người đọc không thể hiểu nổi tác giả
nói gì, có nhiều bài đọc lên tôi cứ tưởng không phải thơ Việt! Bí hiểm, khổ
độc, ẩn dụ, làm dáng thời thượng, khoe chữ, đánh đố...đó là những yếu tố làm
thơ xa người đọc, có đọc cũng chẳng nhớ lâu nổi. Tôi thích loại thơ "để
nhớ suốt đời" như "Chiều" của Hồ Dzếnh, "Hai Sắc Hoa Ti
Gôn" của T.T. Kh, như "Lỡ Bước Sang Ngang" của Nguyễn Bính, như
"Nhớ Rừng" của Thế Lữ, như "Đây Thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử
v.v.. hay xa hơn nữa, như thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,
Đoàn Thị Điểm. Ước mong thế hệ chúng ta sẽ để lại nhiều bài thơ "nhớ suốt
đời" cho thế hệ sau như chính chúng ta đã được thừa hưởng những áng thơ
tuyệt tác của các thế hệ trước.
Chính nhờ vào bản chất truyền thống văn hóa dân tộc hiền hòa nhân ái nên
ngay trong thời gian hai miền Nam Bắc đối nghịch nhau về ý thức hệ, nhưng trong
giới sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật, trí thức, sinh viên học sinh ở Miền Nam đều
có thiện cảm say mê những tác phẩm thi ca của các thi sĩ Xuân Diệu, Huy Cận,
Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Vũ Đình Liên,
Thâm Tâm...của thời tiền chiến trữ tình lãng mạn, khởi sắc thăng hoa, dĩ nhiên
có nhiều bài thơ hay đến bây giờ vẫn còn được yêu thích. Đại khái như: Lưu
Trọng Lư: "Em không nghe mùa thu/Lá thu
kêu xào xạc/Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô...".
Hay Hồ Dzếnh: "Tình chỉ đẹp khi còn là dang
dở/Đời mất vui khi đã vẹn câu thề/Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ/Cho
nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa." Xuân Diệu với câu thơ ai cũng nhớ:"Yêu là chết trong lòng một
ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?/Cho thật nhiều mà nhận chẳng bao
nhiêu." Với
bài thơ Ngậm Ngùi nhẹ nhàng quyến rũ mãnh liệt của Huy Cận:
Nắng chia nửa bãi; chiều
rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp
đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giang
mau;
Em ơi hãy ngủ...anh hầu
quạt này;
Trăm con chim mộng về bay
đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình
thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương
mấy bờ..
Cây dài bóng xế ngẩn
ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa
thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu
rụng rơi...
Theo thiển ý và kinh nghiệm riêng của chúng tôi khi một bài thơ đạt những tiêu
chuẩn như sau:
1. Cảm hứng xuất thần khi sáng tác (hồn thơ)
2. Thể hiện sự chân thật và tự nhiên
3. Tư tưởng chuyển đạt cảm xúc
4. Cấu trúc ngôn ngữ để tạo sự dễ nhớ
Hy vọng sẽ được đa số quần chúng và giới phê bình văn học đánh giá là một bài
thơ hay.
Với tiêu chuẩn vừa nêu trên, chúng tôi xin mạn phép đóng vai trò người phu già
vực lên trong tro than của quá khứ để tìm những viên ngọc quý không bị hủy hoại
của lửa phần thư và không bị thời gian làm phai mờ trong tiềm thức của chúng
ta. Đó là những tác phẩm Văn Học dân tộc tuyệt vời trân quý của một thời rạng
rỡ tinh hoa của những tên tuổi được yêu thích như Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền,
Cung Trầm Tưởng, Trần Dạ Từ, Lê huy Oanh, Du Tử Lê, Hoàng Trúc Ly, Hoài Khanh,
Viên Linh, Cao Tiêu, Thanh Nam, Tô Thùy Yên, Trần Hoài Thư, Hoàng Anh Tuấn, Tuệ
Nga, Kim Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Huy Phương, Diên Nghị, Cao Mỵ
Nhân, Song Nhị, Hà Thượng Nhân, Nguyễn Bắc Sơn, Hoàng Lộc, Hà Thúc Sinh, Thành
Tôn, Tạ Ký, Lâm Hảo Dũng, Lữ Quỳnh..v.v..
Trong thời lượng ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ mạo muội đan cử một vài tác phẩm
thi ca tâm đắc theo sở thích riêng tư, kính mong quý vị niệm tình thông cảm. Đó
là những bài Tình Già của Phan Khôi, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Đây Thôn Vĩ
Dạ của Hàn Mặc Tử, Chào Nguyên Xuân của Bùi Giáng, Áo Lụa Hà Đông của Nguyên
Sa, Tiếng Chuông Thiên Mụ của Nhã Ca, Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng và
Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương.
Phan Khôi.
"Hai mươi bốn năm
xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa
mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong
gian nhà nhỏ,
Hai mái đầu xanh kề nhau
than thở.
"Ôi! đôi ta tình
thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn là không
đặng.
Để đến rồi tình trước phụ
sau;
Chi cho bằng sớm liệu mà
buông nhau!"
Hay! nói mới bạc làm sao
chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay
chừng nấy,
Chẳng qua ông trời bắt đôi
ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi đâu có
phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ nơi đất khách gặp
nhau!
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố có
nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt có đuôi".
Thâm Tâm
Đưa người ta không đưa
sang sông,
Sao có tiếng sóng ở trong
lòng?
Bóng chiều không thắm,
không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong
mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người
ấy
Một giã gia đình, một dửng
dưng...
-Ly khách! Ly khách! Con
đường nhỏ.
Chí lớn chưa về bàn tay
không
Thì không bao giờ nói trở
lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng
mong.
Ta biết người buồn chiều
hôm trước,
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cùng như
sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ
sót.
Ta biết người buồn sáng
hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi
thắm thay,
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt
biếc
Gói tròn thương nhớ chiếc
khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi
thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá
bay.
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu
say.
Hàn Mặc Tử.
Sao anh không về chơi thôn
Vĩ,
Nhìn nắng hàng cau, nắng
mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như
ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ
điền
Gió theo lối gió mây đường
mây
Giòng nước buồn thiu hoa
bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông
trăng đó
Có chở trăng về kịp tối
nay
Mơ khách đường xa khách
đường xa
Áo em trắng quá nhìn không
ra
Ở đây sương khói mờ nhân
ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Bùi Giáng.
Xin chào nhau giữa con
đường
Mùa xuân phía trước miên
trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau
hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây
cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên
người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày
ngón con
Thưa rằng: những ngón thon
thon
Chào nhau một bận sẽ còn
nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời
chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin
kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm
cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây
nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu
quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm
dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai
đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm
bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón
nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương
màu Nguyên Xuân.
Nguyên Sa.
Nắng Sài Gòn anh đi mà
chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà
Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô
cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên
lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây,
tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung
quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ
chân dung
Bày vội vã vào trong hồn
mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng
một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ
của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại
thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành
chất rượu
Em không nói đã nghe lừng
giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng
trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi
mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ
diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh
vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng
chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo
gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn
vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn
vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng
nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy
trên môi
Những ngày tháng trên vai
buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc
ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà
Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô
cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình
lụa trắng
Nhã Ca.
Tôi lớn lên bên này sông
Hương
Con sông chẻ đời ra những
vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt
thép cầu
Bạch Hổ Cửa từ bi vồn vã
bước chân sông
Mặt nước xanh trong suốt
tuổi thơ hồng
Tháp cổ chuông xưa sông
hiền sóng mọn
Những đêm tối bao la những
ngày tháng lớn
Những sáng chim chiều dế
canh gà
Tiếng chuông buồn vui dợn
thấu trong da
Người với chuông như chiều
với tối
Tôi bỏ nhà ra đi năm mười
chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi
tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ
đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng
lay tôi dậy
Tiếng chuông đến và đi chỉ
mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy
tiếng chuông tan
Tiếng chuông tan đều như
hơi thở anh em
Tiếng chuông tan rời như
lệ mẹ hiền
Tiếng chuông tan lâu như
mưa ngoài phố
Tiếng chuông tan dài như
đêm không ngủ
Tiếng chuông tan tành như
tiếng vỡ trong tôi
Từ dạo xa chuông khôn lớn
giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn
làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói
láo
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa
con hư
Tháp cổ chuông xưa, sông
nhỏ sương mù
Dòng nước cũ trong mắt
nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn
nghe cỏ mọc
Chuông cũ giờ đây bằn bặt
trong da
Tuổi hồng sa chân chết
đuối bao giờ
Ngày tháng cũ cầm bằng như
nước lũ
Nhưng sao chiều nay bỗng
bàng hoàng nhớ
Tiếng chuông xưa bừng sống
lại trong tôi
Tiếng chuông xưa kìa tuổi
dại ta ơi
Chuông òa vỡ trong tôi
nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da
đêm tối
Những mảnh đồng đen như
tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như
máu phục sinh
Những mảnh đồng đen kề
nhau bước tới
Tôi thức dậy rồi đây
chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức
dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng dông bão,
thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ
chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi
như lệ trên tay
Trên mặt nước trên mặt
người mặt lộ
Cho con trở về đừng mê
sảng ngó.
Quang Dũng.
Em ở thành Sơn chạy giặc
về
Tôi từ chinh chiến cũng ra
đi
Cách biệt bao ngày quê Bất
bạt
Chiều xanh không thấy bóng
Ba Vì
Vừng trán em vương trời
quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây
Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng
lắm
Em có bao giờ em nhớ
thương.
Từ độ thu về hoang bóng
giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu
tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn
lệ
Em có bao giờ lệ chứa
chan?
Mẹ tôi em có gặp đâu
không?
Những xác già nua ngập
cách đồng
Tôi cũng có thằng con bé
dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi
sông
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây...
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương
Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa
vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh
Phủ quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi
đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở
hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến
cũ
Em có bao giờ nhớ đến ta.
Vũ Hoàng Chương.
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông
cát bồi...
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước, xa xôi
dặm về.
Trông ra bến Hoặc bờ Mê,
Ngàn thu nửa chớp, bốn bề
một phương.
Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch, đừng vương
gót này.
Để ta tròn một kiếp say,
Cao xanh liều một cánh tay
níu trời.
Thơ ta chẳng viết cho đời,
Không vang nhịp khóc dây
cười nào đâu!
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó
thôi,
Đêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi
thế gian
Một phen đã nín cung đàn,
Nghĩ chi còn mất hơi tàn
thanh âm.
(Hà Nội 1950)
Chúng ta ai cũng hiểu, thời gian rồi sẽ qua đi, tất cả mọi hiện tượng vật chất
rồi sẽ tan biến vào cõi vô thường. Chúng ta hãy nhận thức
vai trò và bổn phận cao quý hơn nữa là phải quyết tâm bảo tồn và phát huy bản
sắc văn hóa cội nguồn của Dân Tộc, chuyển đạt đến các thế hệ mai sau niềm tự
hào là người Việt Nam chúng ta cũng có một nền Văn Hóa đầy Tình Tự Quê Hương,
Nhân Bản và Sáng Tạo bằng trái tim từ ái ưu viễn tôn vinh tình người, thăng hoa
hướng tới Chân Thiện Mỹ của nhân loại.
Theo http://www.ptgdn.com/
hãng hàng không eva air của nước nào
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
korean airline
vé máy bay từ tphcm đi mỹ
đặt vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich