Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Mẫu thân và cô em Mọi

Mẫu thân và cô em Mọi

MẪU THÂN KIM CƯƠNG
Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
(Bùi Giáng)

MẪU THÂN PHÙNG KHÁNH
...Bởi đâu Phùng Khánh là mẫu thân của tôi, mặc dù bà không đẻ ra tôi?
Ấy là bởi vì cái đường tơ luận lý học thế này: ...Phùng Khánh là bà mẹ của loài người. Tôi là con người. Vậy Phùng Khánh là mẹ của tôi. Nếu tôi không phải là con của Phùng Khánh, thì chẳng lẽ tôi chẳng phải là con người? Chẳng lẽ tôi là con vật?
Phân tích nghiêm mật luận lý học như vậy, rành rành Phùng Khánh là mẹ của tôi. Huống nữa là: trong cõi mộng mơ chiêm bao tại bình diện thi nhạc phiêu bồng, Phùng Khánh đích nhiên cũng lại là mẹ của tôi nữa. Tôi vốn là Trung Niên Thy Sỹ. Ai đâu có ngờ rằng những bài thơ tôi làm ra là do cảm hứng từ Phùng Khánh mà làm! Mỗi phen tôi mơ màng nghĩ tới dung nhan diễm lệ của Phùng Khánh thì giòng thơ bát ngát lại tuôn ra ào ào. Vậy thì hiển nhiên như nhiên thiên tài của tôi là do liên tồn Phùng Khánh đẻ ra vậy.
Tôi suy ngẫm suốt bao nhiêu năm trời, nhận ra sự tình cố kỳ nhiên đó, mới dám mạo muội mạnh bạo gọi Phùng Khánh bằng một tiếng Mẫu Thân. Há đâu dám bốc đồng mà gọi bướng!
(Bùi Giáng)
MẪU THÂN HÀ THANH
- Hỡi mẫu thân Hà Thanh, mẫu thân tên thật là gì?
- Tên thật của tao là Lục Hà.
- Hỡi mẫu thân Lục Hà! Lúc mẫu thân đẻ con ra đời, mẫu thân cảm thấy thế nào?
- Tao cảm thấy rất đau lòng.
- Tại sao đau lòng?
- Vừa mới sinh mày ra đời, mày đã già nua đến thế, làm sao tao còn có thể ẵm mày vào lòng cho mày bú, hử con!
(Bùi Giáng)
MẪU THÂN VÀ CÔ EM MỌI
"Cô Em Mọi", một hình ảnh rất gần mà cũng rất xa xôi, được Bùi Giáng nhắc đến nhiều trong các tác phẩm của mình. Cô Em Mọi trên núi cao ấy, dường như ai cũng đã biết, nhưng nay đã vô tình quên, không còn nhớ là mình đã từng biết.
Trẫm sẽ làm thơ
Suốt Sinh Bình
Trẫm làm thơ suốt
Cõi Bình Sinh
Trẫm tặng riêng Em
Là Em Mọi
Em ở trên Ngàn
Em rất xinh
(Bùi Giáng)
Em Mọi ấy, đã tự nhiên mang trí tâm bất nhiễm của một người giác ngộ tự ban sơ.
Em Mọi ấy, tâm hồn trong suốt như suối rừng, vì em chưa từng tiếp xúc với văn minh đô thị - đô thị mà đã pha màu trà trộn đủ điều mánh khóe dại khôn, đủ loại thủ đoạn văn minh chụp giựt.
Em Mọi ấy, tinh thần của Em nguyên lành không tỳ vết, vì em chưa đi học, chưa từng học thuộc những bài học giáo khoa máy móc, chưa từng bị lôi cuốn vào những cuộc từ chương lý luận vô hồn.
Em Mọi ấy, chẳng chấp trước một định kiến nào, không ảo tưởng mình là trung tâm của mọi lẽ phải giữa đời.
Cô Em Mọi sống hồn nhiên vô nhiễm ở trên Ngàn. Nên vẻ đẹp của em là vẻ đẹp của Ngàn Thu Rớt Hột. Lời của em nói là lời của Mưa Nguồn tuôn đổ. Nụ cười của em là nụ cười Vi Tiếu Niêm Hoa. Mưa Nguồn chảy thành những giòng suối mát. Suối mát giúp giữ gìn tâm hồn tinh khiết. Từ tinh khiết tâm hồn sẽ vọt trào những mạch nguồn tư tưởng tinh khôi. Mỗi cử chỉ của Em Mọi là một ứng xử của tiên nương bên bờ suối. Mỗi nụ cười của nàng là một nụ hoa nở đơn sơ ở trong rừng. 
Em là em mọi ở trên rừng
Rừng ở trong sương nắng buổi chiều
Gió phất phơ xanh trong nhịp lá
Sơn tuyền reo ngọc đá ngân theo
Em Mọi ấy, vẫn ở trên núi tiên, chưa bị nhiễm khói bụi tham lam của văn minh phàm tục, cho nên Em còn giữ nguyên vẹn tâm hồn trong sạch của thiên nhiên. Tâm hồn trong sạch ấy, mọi người đều có tự bản chất, từ khi mới sinh ra, từ khi còn xuân sắc, từ những ngày chưa hấp thụ bụi đời trần giới tư lợi thị thành.
Em Mọi ấy, vẫn ở trên núi tiên, vẫn còn giữ nguyên vẹn một bộ óc tinh khôi Hoàng Tử Bé, một bộ óc còn biết ngạc nhiên, còn biết đặt ra câu hỏi, còn khao khát khám phá, và biết trân trọng sự khám phá của người khác. Khối óc ấy, mọi người đều có sẵn tự bản chất, từ khi mới sinh ra, từ khi còn xuân sắc, từ những ngày chưa hấp thụ thói quen nhắm mắt tôn thờ thần tượng, chưa bị đánh gục bởi con đời lười biếng suy tư, chưa biết làm con mọt sách nhai lại thuộc lòng những lời vô nghĩa.
Cô Em Mọi ấy, là cô em mà mọi người đã gặp, là một tâm hồn mà mọi người đã tiếp xúc, là một trí tuệ mà mọi người đã từng dùng để suy tư... Và nay có thể đã để lạc mất một cách oan uổng. Nên bây giờ phải đi tìm trở lại, tìm trở lại linh hồn Cô Em Mọi, nếu muốn cuộc hành đạo của mình có cơ hội hướng về, hướng về một cỗi nguồn nguyên xuân chưa mất hẳn.
Em ở trong rừng một buổi xưa
Ngẫu nhiên tao ngộ gió sang mùa
Hai bờ lãnh địa đau lòng gọi
Sầu suốt giang sang vọng tiếng thừa
Nham thạch đìu hiu linh cảm chi
Anh về thấy mặt tạc nhiên ghi
Em mọi một lần em có biết
Linh hồn sử lịch hỏi han chi
Em ở trong rừng qua tuổi xuân
Anh đi không nguyện ước trùng phùng
Hai bờ khu vực điêu tàn mộng
Anh lạc nơi nào em biết không
Anh lạc nơi nào em biết không? Anh đã để lạc mất Hương Màu Nguyên Xuân của chính mình. Nay ngẫu nhiên tao ngộ một Cô Em Mọi họ hàng, là hình bóng của bản lai diện mục chính mình.
Hương Màu Nguyên Xuân ấy có thể đọc thấy, có thể tái hiện qua những hình ảnh đơn sơ chân chất khác. Có thể là qua một Kẻ Chăn Trâu, qua một người Nông Dân, hoặc một gã Tiều Phu. Hoặc, thơ mộng hơn, là bất giác phùng khánh một bát ngát Mẫu Thân, là chiêm bao thấy một Hà Thanh nước biếc Lục Hà, hoặc là mơ màng một Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, vân vân và vân vân… Vì chẳng phải một mình Hà Thanh là Cô Em Mọi, mà trong thiên hạ còn biết bao là Cô Em Mọi. Chẳng phải một mình Trí Hải là mẫu thân, mà trong thiên hạ còn biết bao nhiêu là Mẫu Thân bát ngát Kim Cương Phùng Khánh Lục Hà.
Mẫu Thân và Cô Em Mọi là những đề tài nên thơ. Là cái tên cần dùng để đối thoại, là cái vần điệu cần gieo để bài thơ nhịp nhàng, là cái đề tài để cho tuổi xanh giáp mặt. Gọi là gì cũng được, miễn sao cho cái ấy được nghe ra như là con đường phải đi, như là cái đích phải đến, như là cái cõi bờ mà con thuyền Bát Nhã hứa hẹn sẽ đưa về.
Như vậy đó là một mối tình với cô em mọi. Mối tình của mình đối với thời xuân sắc của chính mình, mối tình đã lạc mất và đã tìm nhau trở lại.
Ai ai cũng đã từng yêu hồn nhiên như vậy, vì ai ai cũng đã từng yêu cái cô em mọi tinh sương xuân sắc ở trong mỗi chúng ta. "Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước. Cỏ mùa xuân bị dẫm nát không hay." Khi lớn lên giữa đời gió bụi, mình đã vô tình phụ lòng cái tuổi thơ của mình, đã hờ hững với cái tâm hồn tuổi trẻ của mình, đã bỏ bê cái trí tuệ minh mẫn ban sơ của chính mình, mà lại vụng về a dua chạy theo và thay thế vào bằng đủ loại tên tuổi già nua bê bối của chung quanh.
Từ khi già nua mà vô tình không biết như vậy, những cái tôi kia đã trở thành "người lớn". Những người lớn chúng tôi ấy, cùng dắt nhau đi làm chuyện người lớn, học hành đông tây nam bắc, bỏ mặc cô em mọi ở lại giữa rừng, và tưởng rằng chúng tôi đang đi bước thênh thang trên đại lộ văn minh. Chúng tôi quên dần những  châu thổ ban sơ cốt cách của chúng tôi, và hí hửng tọa lập tại nơi ở mới gọi là thế giới tân kỳ. Tại xứ sở "tân kỳ"đó, chúng tôi cùng nhau mù lòa dùng kinh nghiệm sờ voi phiến diện, để xây dựng những tòa lý luận ù lì máy móc. Và từ căn cứ lý luận ấy, đã đẻ ra tinh thần thờ phụng những luật tắc bế tắc, trói chặt đồng loại giữa biển khổ cuộc đời.
Nước bỏ bờ ruộng khô
Từ ngày chim chết hết
Cành cây thôi líu lo
Em hay là ai giết
(BG)
Mọi sự đã lỡ làng như vậy. Hồng trần vậy đó đã lem nhem. Nhân gian từ lâu như thế đã đau đớn. Thế giới thần tiên đã thành ra ngục tối. Cõi đời nặng nề thêm mãi vì định kiến bao trùm.
Nghĩa là ruộng đồng càng ngày càng khô, mặt đất càng vắng những giòng suối trong xanh hà thanh dung dị. Cây cối lá cành càng vắng xa tiếng hót của những chú chim trí hải kim cương bát nhã bay về phùng khánh chung vui.
Thế cho nên những thức giả mới lên tiếng, Kêu gọi sự hồi qui. Tìm về cố quận. Trở lại suối nguồn. Gặp Cô Em Mọi nhỏ. Bắt chước những bát ngát Mẫu Thân. Học làm người có trái tim thuần khiết như Con Chuồn Chuồn, như Gã Chăn Trâu, như Người Nông Dân, như anh Tiều Phu vậy. Họ là những bậc thầy về nhân cách Chân Như.
Các chân nhân thường chăm chú ghi chép những bài học sấm sét từ những bậc thầy cừ khôi ấy, chứ không phải là từ các học giả, từ các vị tiến sĩ giáo sư.
Tùy người muốn nêu tên ai thích hợp với người, thích hợp với lòng mình mỗi khi ghi chép về quê hương cố quận ẩn ngữ ấy. Còn Bùi Giáng, hôm qua ông gọi nàng là Cô Em Mọi, với bao xiết em mọi ở trong rừng. Hôm nay, ông lại réo gọi một cái tên khác, tên là bát ngát Mẫu Thân, với bao xiết mẫu thân ở trên non.
Rồi ông tự gán tên mình là anh Mọi giữa u minh thành phố,  là gã Tiều Phu điềm nhiên đẵn củi khô trên núi, là bác Nông Dân mộc mạc trổ nước vào ruộng đồng khô hạn, là gã Chăn Trâu lùa bò lên trái chín đồi sim.
Ở TRONG RỪNG
Đây là ở trong rừng
Phải không Em Mọi?
Đây là ở trong rừng
Em Mọi hỏi han chi?
Anh chính là Anh Mọi
Đây là ở trong rừng
Anh Mọi đi thăm em
Em là em mọi ạ!
Anh là anh Mọi ư?
Anh Mọi ở Thành Phố
Tìm Em Mọi ở Trong Rừng
Phố trong Rừng Mọi Mọi
Anh Mọi Mọi Em Anh
Đây là ở trong rừng
Em không nhìn ra Anh Mọi
Anh Mọi ở trong rừng
Không giống Mọi như Anh
Anh là anh Mọi ư?
Em là Em Mọi ạ!
Anh Mọi Bùi Giáng đang sống giữa lòng thành phố. Gặp Em Mọi hôm nay đúng là Em Mọi đang bước đi giữa Sài Gòn. Nàng là hóa thân của tiên nữ trong rừng núi trần gian, hay nàng là mẫu thân trong rừng hương dương thế.
Mặt đà đối mặt. Muốn ghi tạc cái hư cái thực của dung nhan nàng cho người người nghe ngắm, nhưng chẳng biết ghi chép làm sao cho ai ai tiếp nhận thế nào.
Trẫm nhớ em như nhớ một người
Rất gần mà cũng rất xa xôi
Vì sao? Quả thật trẫm không biết
Giải thích thế nào cho rõ ra
Chỉ biết rằng em đẹp quá chừng
Khiến linh hồn trẫm nhớ mông lung
Nhớ xa vắng quá như người lạ
Nhớ một người xa lạ quá chừng

Gọi người ấy là "em mọi" hay là "mẫu thân" cũng chẳng khác là bao. Các em mọi và các mẫu thân đều là những người phụ nữ. Phụ nữ, tự họ là những bài thơ, là những ca khúc, là những vũ điệu, là những bức tranh, là những bức điêu khắc, là những tập truyện ngắn, là những cuốn tiểu thuyết, những vở kịch trên sân khấu cuộc đời, là những bộ phim giữa lòng dâu biển... Tùy theo người, tùy theo khuynh hướng thưởng ngoạn của mỗi người, người có thể "đọc" được bao nhiêu giá trị bát ngát từ những tác phẩm nghệ thuật muôn đời ấy.
Mẫu Thân và Cô Em Mọi là những đề tài nên thơ. Là cái tên cần dùng để đối thoại, là cái vần điệu cần gieo để bài thơ nhịp nhàng, là cái đề tài để cho tuổi xanh giáp mặt. Gọi là gì cũng được, miễn sao cho cái ấy được nghe ra như là con đường phải đi, như là cái đích phải đến, như là cái cõi bờ mà con thuyền Bát Nhã hứa hẹn sẽ đưa về.
Bấy giờ, sau khi nhận biết hương nhụy thần tiên vô tận ấy, thì gọi người ấy là "em mọi" hay là "mẫu thân" quả thật chẳng còn là điều đáng quan tâm phân biệt. Tất cả đều là những cố gắng khắc họa lẽ chân thật, tất cả đều là ngôn ngữ ẩn mật trong thơ, tất cả đều là những chất liệu cấu thành những vần điệu, tất cả đều là những câu ca vừa hư vừa thật, tất cả đều là dưỡng chất tươi thắm của trần gian duyên dáng, tất cả đều khả dĩ giúp cho người đời thưởng ngoạn mua vui. "Mua vui cũng được một vài trống canh".
Cuộc mua vui trí tuệ bát nhã ấy, vào giờ phút canh khuya trầm tưởng lặng lẽ ấy, đã là phương tiện du dương đưa hành giả Bùi Giáng đến đối diện cảnh giới chân thật Bồ Đề vô tận.
Nguyễn Quang Thanh

1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...