Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Chuyện tình của thi hào Nguyễn Du


Chuyện tình của thi hào Nguyễn Du
 Đinh Công Vĩ
Thi hào dân tộc Nguyễn Du ra đời năm 1765 tại phường Bích Câu thành Thăng Long, vùng đất mãi mãi còn in đậm thiên diễm tình Tú Uyên - Giáng Kiều nơi mà ngôi sao Văn Giang Đoàn Thị Điểm từng làm say lòng biết bao chàng trai văn nhân, phong lưu mã thượng.

Từ vùng đất muôn tía nghìn hồng đó, Nguyễn Du từng có dịp qua lại quê mẹ: làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn (nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), vùng quê quan họ đẹp người hát hay, lừng lẫy tiếng tăm "nước non băm sáu giọng tình đơn ca"... mà Nhị Hà dạt dào sóng nước kia là con sông dẫn lối đưa đường, tình sâu như nước. Đó là con sông từng một thời long lanh soi bóng bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du, viên ngọc bích lộng lẫy từ vùng đất mộng mơ về làm người nâng khăn sửa túi bậc đại quan chốn kinh thành. Vậy nên những mơ màng, say đắm ban đầu sớm chớm nở ở chàng trai đa cảm mới lớn (con thứ 7 của đại quan đầu triều Xuân quận công Nguyễn Nghiễm) chỉ còn chờ dịp là sáng lên, vượt ra ngoài chốn thâm nghiêm kim môn ngọc bội.
Dịp may mắn đó đã tới: Thuở xuân xanh, phải theo học một lão nho ở bờ kia Nhị Hà, Nguyễn Du thường vượt sông trên chiếc đò của cô Đỗ Thị Nhợt, gọi là Nhật có lẽ là hợp hơn vì nàng khác nào những tia mặt trời loé lên trên cảnh sống tối tăm nghèo nàn nơi bờ sông bến nước. Đôi mắt sáng, mái tóc đen dài thướt tha trước gió, giọng nói mặn mà cùng dáng điệu khua chèo thật duyên dáng của nàng khiến chàng thư sinh ngây ngất mà chưa dám ngỏ lời. Cho tới một buổi trưa kia, nàng chèo thuyền ra muộn, chàng thừa lúc vắng khách mớm lời:
"Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa thật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại, lại qua
Giúp cho nhau nữa để mà..."
Chàng cố ý không đọc hết câu. Nàng thắc mắc giục giã. Chàng tần ngần: "Phải do cô nương nói chứ, tôi đâu dám thêm vào". Nàng vừa khua chèo, vừa ngâm khẽ, vẻ ngượng ngùng:
"Giúp cho nhau nữa để mà quen nhau"
Từ đó hai người càng thân thiết. Từ mỗi buổi bến đò quạnh vắng, nàng nhìn chàng âu yếm thủ thỉ "Bây giờ có thể thay chữ "quen" thành chữ "thương" được đấy cậu chiêu nhỉ?". Chàng ngây ngất sung sướng ngâm:
"Xưa quen nay đã nên thương
Cùng nhau xe mối tơ vương chữ tình
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh
Trên trời dưới nước giữa mình với ta".
Ngọn lửa tình đã cháy lên, tưởng không gì dập tắt nổi. Đáng tiếc thay, thời phong kiến đòi môn đăng hộ đối thì con quan tể tướng làm sao có thể lấy cô lái đò làm vợ chính. Việc đó đến tai gia đình, Nguyễn Du bị khiển trách, đò ngang thay người lái. Con sông Hồng đỏ nặng phù sa thành con sông than thở mang nặng hận tình, mãi mãi còn truyền đi chan chứa những vần thơ đau đớn của Nguyễn Du:
"Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười
Vì đâu cách trở đôi nơi
Bến nay còn đó, nào người năm xưa".
Không thể kéo dài tình cảnh này mãi, anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Khản, quan đại thần nhà Lê Trịnh hướng em sang một phương ổn định: đưa Nguyễn Du về làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam làm con rể Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục. Hải An (nay là thôn Hải Yến, trong xã Quỳnh Nguyên, thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Xưa đất này có tên Hán-Nôm là Hới Gạo. Có nhiều cách giải thích khác nhau. Có một trong những thuyết cho có tên đó là vì: nàng Đoàn Thị tần tảo hạt gạo nuôi chồng, "góp phần làm đẹp tấm tình nhà thơ" (để phân biệt với Hới Cói gắn với thiên tình sử Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi). Xưa đất này rợp trời chim yến bay ra biển, hướng về phía đông nam của nó là vùng rực rỡ trăng thanh, dạt dào gió mát với danh lừng lẫy "Phong nguyệt sào". Hàng ngày Nguyễn Du cùng anh vợ (là Đoàn Nguyễn Tuấn) đặc biệt là cùng vợ đến đây thưởng thức trăng gió, ngắm những cánh buồm ra vào trên biển. Tỉnh này cảnh ấy phải chăng là gợi hứng cho những câu thơ sau này trong truyện Kiều:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"
Nó gắn với nàng Đoàn Thị hiền dịu, thông hiểu kinh truyện, biết cư xử bề trên làm Nguyễn Du khuây khoả dần mối tình lãng mạn bị lỡ dở trên sông Nhị. Nhưng rồi Nguyễn Du cũng không ở được lâu trong tổ yến anh ríu rít, trăng gió quần tụ ấy. Nguyễn thì ra Bắc vào Nam, còn Đoàn thì mất sớm để lại một cậu con trai là Nguyễn Tứ. Nỗi niềm thương nhớ người vợ Tấm Cám này được thể hiện trong bài thơ "Ký mộng" của ông, tả lại buổi gặp nàng trong mộng dưới chân núi Hồng. Nàng nắm tay chồng sụt sùi kể lể...
Không thể gà trống nuôi con buồn tẻ mãi, theo lời khuyên bảo của họ hàng, Nguyễn Du lấy người vợ họ Võ cùng quê ở Nghi Xuân, sinh tiếp người con trai nữa đặt tên là Nguyễn Ngũ. Ông còn lấy thêm người vợ thiếp nữa, làm cho nhân khẩu gia đình tăng gấp bộ, sinh kế khó khăn như có lúc ông viết "Thập khẩu hài như thái sắc đồng" (Mười đứa con thơ xanh tựa rau).
Nhưng không có gì cân tài cân sắc với Nguyễn Du bằng bậc tài nữ chốn Long thành mà trước đây ông đã có một mối duyên kỳ ngộ gặp nàng ở Hồ Tây dưới bóng cổ nguyệt đường lung linh nước bạc trăng soi. Nàng quê gốc xứ Nghệ, dòng dõi ông nghè Quỳnh Đôi (học trò cũ của cha Nguyễn Du) với hương ngát mùa xuân tên đẹp họ Hồ. Hai người cùng nhau đi hái sen, chung nhau một con thuyền. Nhìn cô gái mặn mà duyên dáng "xắn gọn quần cánh bướm" in hình trên mặt nước hồ long lanh, càng tăng vẻ diễm lệ, mơ màng, Nguyễn Du càng say sưa, muốn gửi gắm cho nàng những tâm sự thầm kín. Và chính nàng đã thật sự trao tặng trái tim say đắm cho chàng thi nhân đa cảm, đồng điệu thi ca ấy. Thế nhưng Nguyễn Du lại nghĩ đến thân phận mình: đã gần 30 tuổi đầu, sinh kế khó khăn, cuộc đời long đong, chưa định hướng, sao có thể đèo bòng vợ nọ con kia? Vậy Xuân Hương, ta với nàng chỉ có thể xem nhau như đôi tri kỷ "Cùng một lứa bên trời lận đận" sao có thể tính đến chuyện xa hơn?
Thế rồi hai mươi năm sau, gặp dịp đi sứ Trung Quốc, qua Thăng Long, Nguyễn Du lại nhận được một bài thơ nôm với đầu đề "Cảm cứu kiêm trình cần chính điện học sĩ Nguyễn hầu".
"Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gởi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mấy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong?".
Nhưng công việc quá gấp, Nguyễn Du sao có thể tìm gặp nàng, cũng không thể viết thư cho nàng. Viết để cho nàng sầu hận ư, cho nàng chờ mong kéo dài héo hắt ư? Có nỡ nào? Vậy thôi "Trăm năm đành phụ với đầu xanh". Vào gần cuối đời (năm 1819), Nguyễn Du lại nhận được tin tức: viên quan Tham hiệp An Quảng Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương bị xử tử... làm cho ông than thở mãi không nguôi: Ôi Xuân Hương làm sao đến tuổi này vẫn "tủi phận". "Bảy nổi ba chìm" và bản thân mình gần đất xa trời vẫn cứ dằn dặt sầu, ôm mãi mối hận tình?
Ở cái tuổi xế chiều ấy, Nguyễn Du vẫn hồi ức, nhấp nháp những cay đắng ngọt bùi của quá khứ. Ông nhớ lại cái thuở dưới 20 tuổi ở quê nội Nghi Xuân. Đất này từng là chốn âm vang các điệu dân ca như hát dặm vè, hò đối đáp trên sông nước. Làng Cổ Đạm cách Tiên Điền khoảng nửa ngày đường là vùng ca công, tưng bừng không kém gì Thăng Long. Nguyễn Du từng đến đây kết thân với một vai đào nương nổi tiếng, trong đó có nàng Nguyệt, danh ca tài sắc lẫy lừng nhất, mà sau này ông thật sự rung động ngợi ca:
"Non Bồng sa xuống một cành xinh
Sắc đẹp màu xuân nức sáu thành"
Đáng tiếc thay, thi nhân chưa ngỏ lời thì nàng "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". "Cành xinh" diễm lệ ấy lìa trần trong cảnh ốm đau nghèo khốn, không ai chăm sóc. Nguyễn Du được tin tìm sang thôn Triều Khẩu thắp hương và đọc vần thơ đẫm lệ "Điếu La Thành ca giả" trên mộ nàng.
Làng Trường Lưu, quê ngoại Nguyễn Du cách quê gốc Tiên Điền một con sông (có chuyện đò ngang ở bến Cài) và một caí chuông (chuông Hồng trong núi Hồng Lĩnh) là vùng quê những đêm hát phường vải, những câu ví giao duyên từng làm xao xuyến lòng người nên Nguyễn Du thường hay qua lại. Dân gian truyền rằng: một buổi chiều Nguyễn Du đến bến đò Cài thì gặp mưa gió, không nơi trú ẩn. Một cô lái đò không quản gian nan, một mình lái đò sang đón, xông pha trong giông bão, vẫn giữ vững tay chèo với lời hát còn vang vọng mãi trong lòng thi nhân:
"Sóng to thuyền bé khó sang
Em nguyện thiên địa giúp chàng một phen"
Có một cô gái Trương Lưu từng say đắm Nguyễn Du lâu ngày không gặp lại, đã bỏ cả nghề kéo sợi, vò võ tương tư rồi chiều chiều ra bến đò. Cái đăm đăm trông ngóng. Ông nghè Nguyễn Huy Quýnh, họ ngoại Nguyễn Du theo yêu cầu của cô gái đã làm bài thơ gửi Nguyễn Du. Đọc những vần thơ.
"Trời làm chi cực bấy trời
Cơi trầu này để còn mời mọc ai?
Tim gan để hắt ra ngoài
Trông theo truông Hống đò Cài biết đâu ..."
Nguyễn Du càng thấy dạt dào xúc động. Ông mượn lời người phường nón làng Tiên Điền để đáp lại bài thơ "Phường vải" để vừa an ủi người, vừa dãi bầy lòng mình:
"Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu ..."
Mang bài thơ "Mượn lời người phường nón" sang đấy trả lời, Nguyễn Du mới thấy điệu hát phường vải nơi này bớt hẳn đi những điệu ví von làm rung động lòng người ngày trước. Ông hỏi lý do thì được biết, hai nhân tài kiệt xuất của làng là cô Sa, cô Uy, những người thuở xưa từng cùng mình tình tự đã đi lấy chồng nơi xa, trai Trường Lưu không đủ tài giữ lại. Thể theo yêu cầu của người làng, Nguyễn Du đã làm bài "Văn tế sống" hai cô giọng văn có vẻ đùa cợt nhưng vẫn không giấu tình cảm của ông đối với hai cô.
Càng thấm thía với các mối tình của mình, Nguyễn Du càng thông cảm với các mối tình của người: những nàng Cầm (trong "Long thành", "Cầm giả ca"), nàng Tiểu Thanh (trong "Độc tiểu thanh ký"), nàng Kiều (trong "Đoạn trường tân thanh")... Niềm thông cảm mênh mông, sự xót xa vô hạn của ông, tình yêu của ông đã tập trung nhiều hơn vào một kiếp người để thét lên vang vọng muôn đời: "Đớn đau thay, phận đàn bà". Ôi, những số phận tài tình, những kiếp đời bạc mệnh đều bao chứa tất cả trong thơ ca ông!
Không cần Nguyễn Du phải than thở:
"Bất tri tam bách dự niên hậu
Thiên hạ hà nhân khóc Tố Như"
(Ba trăm năm ấy mơ màng
Biết ai thiên hạ khóc chàng Tố Như)
Ngay ở thời nay, chưa đầy hai trăm năm chúng ta đã thông cảm với Nguyễn Du, với tình yêu của nhà thơ thiên tài.





1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...