Cúi xuống thật gần mà nhìn quê hương
TCS đã viết nhiều bài hát về chiến tranh Việt Nam, trong đó, mỗi ca khúc ông
chia xẻ một nỗi đau riêng biệt mà người Việt phải chịu đựng từ cuộc chiến.
“Hát Trên Những Xác Người” phơi bày những cái chết oan uổng của những nạn nhân
hoàn toàn vô can trong cuộc chiến tranh tàn khốc mà họ không hề được hỏi ý kiến.
“Đại Bác Ru Đêm” mô tả tâm trạng hoang mang sợ hãi lan tràn khắp nơi, từ thôn
quê đến thành thị, từ người trong cuộc đến người ngoại cuộc, mà đã ám ảnh mọi lứa
tuổi suốt mấy mươi năm tan tóc.
“Người Con Gái Việt Nam Da Vàng”, "Ngày Dài Trên Quê
Hương", “Hãy Nói Giùm Tôi” thống thiết kêu khóc của những con
người hiền hòa, phải gánh chịu những nỗi đau đớn tột cùng gây ra bởi đạn bom ma
quái, bởi những cơn điên mê muội âm u.
“Gia Tài Của Mẹ” là tâm sự đầy nước mắt về nỗi buồn triền miên của một dân tộc
đã phải nối tiếp trải qua bao nhiêu năm dài làm nô lệ bằng nhiều hình thức khác
nhau.
Riêng ca khúc “Cúi Xuống Thật Gần” thì khác hẳn. Nó không mô tả chi tiết sự
tình. Nó tìm cách đứng "ra ngoài", đứng "trên cao", để có
điều kiện nhìn bao quát toàn cảnh những sự việc trên, để khả dĩ dẫn ra cái
nguyên nhân cốt lõi đưa đến thảm họa chiến tranh ấy, tại Việt Nam và trong thế
giới loài người, và chờ đợi một lối thoát chung cuộc cho bi kịch hiện tại của
loài người.
Bi kịch của người dân Việt. Trước hết, hãy cùng nhìn lại những hình ảnh quá xót
xa của bi kịch quê hương vào những năm chiến tranh khốc liệt, qua vài ca khúc của
Trịnh Công Sơn. Hãy đọc lại, nghe lại, hát lại từng câu cho thật kỹ, để thấy lại
từng hình ảnh rợn người và có thật này:
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy
Đại bác qua đây con thơ buồn tủi
Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình
Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng
Từng đêm soi sáng là mắt quê hương
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em
(Đại Bác Ru Đêm, TCS)
Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu
Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai, thì quanh đây đã có người
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai
Đạn bom. Xác chết. Sợ hãi. Hận thù. Hiện tại xác xơ. Tương lai bất định. Người
chết hằng ngày vì súng đạn quanh mình. Biết bao người khốn khổ theo vì nhiều
nguyên nhân liên lụy. Con người nghi kỵ nhau và dò xét lẫn nhau trong bầu không
khí hận thù. Kìa là những ánh mắt sợ hãi. Kìa là những khuôn mặt lầm lì gieo rắc
sợ hãi. Vì sợ hãi mà gieo rắc thêm sợ hãi. Vì sợ hãi xuất hiện trong lòng mình,
cho nên phải thủ thế, cho nên gương mặt bỗng nhiên lầm lì, cho nên chẳng tin người
chung quanh, cho nên khiến người chung quanh sợ hãi mình. Phản ứng sợ hãi của
mình đã gây thêm sợ hãi cho người khác. Sợ hãi lũy thừa sợ hãi, lớn lên thành
núi non sợ hãi. Cuộc đời tàn bạo cứ kéo dài. Chiến tranh dằng dai. Hận thù nối
tiếp. Cơn đau rung chuyển liên hồi, làm đảo lộn cả suy tư và cảm xúc. Đất nước
kêu khóc tội tình trong cơn mê sảng:
Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy / Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy / Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con
Mẹ vỗ tay reo mừng xác con / Mẹ vỗ tay hoan hô hoà bình
Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng / Người vỗ tay cho đều gian nan
Chiều đi qua bãi dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá
Chiều đi qua bãi dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh, Chị vỗ tay hoan hô hoà bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận, Người vỗ tay xa dần ăn năn
(Hát Trên Những Xác Người, TCS)
Câu chuyện đau đớn do xung đột dai dẳng ấy, nhìn rộng ra, không phải chỉ xảy ra
riêng trên mảnh đất đầy thương tích này, mà còn triền miên xảy ra tự cổ chí
kim, tại nhiều nơi khác nhau trên khắp mặt địa cầu. Nỗi buồn trong “Cúi Xuống
Thật Gần” là một trích đoạn trong cả một chuỗi thống khổ trong lịch sử xã hội
loài người.
Trong cơn đau đớn tột cùng của một trái tim người vẫn cháy bỏng tình yêu, Trịnh
Công Sơn đã ôm đàn, đã hát lên thành ca khúc. Ông xót xa nhìn quanh mình, con
người hình như không còn mang trái tim người vốn có, nên đã xâu xé nhau một
cách hết sức phi nhân, một cách phổ biến từ cộng đồng hẹp đến cộng động rộng lớn.
Máu lạnh đã ăn sâu vào huyết quản xã hội, người ta lạnh lùng nhắm mắt, ngoảnh mặt
trước những cơn đau quằn quại của đồng loại. Ngoảnh mặt vì trái tim đã nguội lạnh,
ngoảnh mặt vì bộ óc đã xơ cứng, hoặc ngoảnh mặt vì thân xác đã rã rời, bất lực,
đành phải buông xuôi. Một căn bệnh thâm niên của xã hội, một căn bệnh khó phục
hồi.
Như sợ rằng nếu chậm tay hơn nữa tình thế sẽ trở thành quá muộn, Trịnh Công Sơn
hối hả ôm đàn, dồn dập gào ca tha thiết:
Cúi xuống. Cúi xuống thật gần. Cúi xuống thật buồn. Cúi xuống cho máu ngược
dòng . Cúi xuống cho tắt nụ cười. Cúi xuống trên bờ xót xa. Cúi xuống cho đến bạc
đầu. Cúi xuống nhìn sâu trong mắt. Cúi xuống nghe đời nhấp nhô. Cúi xuống. Cúi
xuống… Xin hãy khiêm tốn cúi xuống để nhìn rõ sự thật hiện tại. Xin hãy mở rộng
lòng, cúi xuống, để chọn lựa biện pháp giải cứu.
Cúi Xuống Thật Gần
Cúi xuống cho máu ngược dòng / Cho nước sông cạn nguồn / Cho cây khô trên cành
trút lá bơ vơ
Cúi xuống. Cúi xuống cho máu ngược dòng. Cho đảo ngược mọi giá trị. Cho giả
thành chân. Cho ác thành thiện. Cho xấu thành đẹp. Cho sai thành đúng. Cho tình
yêu chân chính vơi cạn. Cho những trái tim chân thật trở thành cô độc như những
thân cây trụi lá bơ vơ. Cho con dốc phi nhân lao xuống cho hết lộ trình sa đọa
tàn bạo của nó. Cho trò chơi thù hận trừ khử nhau vì bị ràng buộc trong oán hận
của chính nó.
Cúi xuống. Cúi xuống . Vui lòng cúi xuống để còn có cơ hội ngậm ngùi thấy rằng
nguồn nước nhiệt tình trên dòng sông chân thật đang cạn dần, để thấy rằng những
con người cành nhánh của rừng cây nhân loại đang bơ vơ trút lá chết mòn vì khô
hạn tình yêu đồng loại. Cúi xuống. Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ.
Cúi xuống cho bóng đổ dài / Cho xót xa mặt trời / Cho da thơm trên người nay
cũng phôi pha
Cúi xuống. Cúi xuống mà nhìn, mà nghe, mà cảm xúc, mà yêu thương đồng loại. Cúi
xuống cho bóng đổ dài. Cho nhìn thấy hoàng hôn trong cơn ảm đạm, và giúp cho
hoàng hôn thôi ảm đạm. Cúi xuống. Cho sáng suốt nhận diện đêm đen đang chồng chất
đau thương, và giúp cho bóng tối thôi đừng che đậy lòng hận thù thêm nữa. Cúi
xuống. Cho đêm tối thôi triền miên ngự trị, cho mảnh đất này còn có cơ hội hừng
đông. Cúi xuống cho xua tan đêm tối, cho lẽ phải xuất hiện. Cúi xuống, cho mặt
trời ló dạng, cho lẽ thiện khỏi xót xa vì mòn mỏi đợi chờ. Cúi xuống. Cho thù hận
chuyển hóa thành sám hối ăn năn. Cho rạng đông ló dạng yêu thương. Cho bình
minh nảy mầm đùm bọc. Cúi xuống. Cho cỏ cây được hấp thụ ánh nắng mặt trời, cho
lòng người được sưởi ấm nắng mai, cho da thơm còn có cơ hội phục hồi dưỡng chất
đã lạc mất trong đêm đen dằng dặc bữa trước. Cúi xuống. Vui lòng khiêm tốn làm
người lắng nghe.
Cúi xuống nghe đời nhấp nhô / Nghe tim rạn vỡ / Nghe trong tuổi nhỏ khóc òa
Cúi xuống mà nhìn, mà nghe. Nhìn cái mà con mắt bình thường đáng lẽ phải thấy.
Nghe cái mà lỗ tai bình thường đáng lẽ phải nghe. Nghe thấy những điều mà con
tim bình thường đáng lẽ phải nghe thấy. Cúi xuống. Cúi xuống. Hỡi người! Đâu có
gì bí hiểm đâu mà người không nghe không thấy? Đâu có gì lắc léo đâu mà người cần
phải tính toán so đo? “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…” Quả thật là
quá bình thường, “tấm lòng” ấy tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người ngay từ lúc mới
khai sinh, sao người đã vô tình vứt bỏ nó nơi đâu, để bây giờ người không thể
nghe, không thể thấy? Lẽ nào người thích thú vì mình không còn xúc cảm của trái
tim người?
Cúi xuống trên bờ xót xa / Trên cơn lửa đỏ / Trên khuôn mặt đã im lìm
Tim người lâu ngày quên rung cảm, nay đã thành chai lì, biểu lộ bằng gương mặt
im lìm quyền lực, khuôn mặt chai sạn, cắn răng, khuôn mặt sa đà trong thủ đoạn
lạnh lùng. Kìa là những con tim đã nguội lạnh, hóa đá, bị trui rèn trong lửa đỏ
hận thù. Lạnh lùng đến độ trơ trụi im lìm. Không còn mảy may xót xa trước những
tiếng kêu gào của hàng triệu nạn nhân. Xin vui lòng cúi xuống.
Cúi xuống cúi xuống thật buồn / Cho nước sông cuồn cuộn
Hai mươi năm no tròn tuổi biết đau thương
Cúi xuống cho tắt nụ cười / Cho chút da thịt người
Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang
Cúi xuống. Cho sự thật được nhìn thấy. Cho chính đạo được soi tỏ. Cho lẽ ác
không bị ngụy trang như là lẽ phải. Cho sự thật không bị khỏa lấp dưới những
chiêu bài. Cho mỗi người biết giật mình nhìn lại chính mình. Cho khái niệm hận
thù thôi đừng manh nha. Cho lòng cao ngạo chuyển hóa thành khiêm tốn. Cho bác
ái hình thành. Cho từ bi trải rộng. Cho bóng mát trên cao che chở. Cho da thơm
dưới trần không phải phôi pha. Cho tuyệt vọng chuyển mình thành hy vọng. Cho
tình người bắt đầu phút giờ hồi phục. Cho mầm tin yêu được gieo trồng trở lại.
Cúi xuống cúi xuống thật gần / Cho trái tim dập dồn / Cho đam mê thay vào đổ
nát quê hương
Cúi xuống cúi xuống thật gần / Cho chiếc hôn ngọt nồng / Cho trăm năm ưu phiền
phút chốc hư không
Sau cơn cháy rừng trơ gốc u mê, những mầm mới lại xuất hiện ngay trên mảnh đất
hoang tàn tro bụi ấy. Sau cơn đau đớn tột cùng, sẽ nảy sinh những rung cảm mới,
sẽ bật dậy những sức sống mới, sẽ phát kiến những suy tư mới, sẽ cuộn cuộn những
nguồn nước mới trong dòng sông cuộc đời tràn ngập đau thương. Nguồn nước mới ấy
sẽ nhận chìm những chế nhạo ngạo mạn, sẽ rửa sạch những nụ cười thỏa mãn bất
chính, sẽ cuốn trôi những cười cợt dèm pha độc ác.
Cúi xuống cho tình dấy lên / Cho da thịt mềm / Cho cơn mặn nồng ngất lịm
Cúi xuống vùng non xanh mát / Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan
Vết thương sẽ lành. Nỗi buồn sẽ nguôi. Cỏ cây sẽ hân hoan xanh tươi. Bài ca sẽ
rập ràng rộn rịp như mong chờ. Lễ hội trần gian sẽ tưng bừng thanh minh trở lại.
Chân giá trị sẽ được hồi sinh. Lòng nhân từ sẽ được phổ biến.
Cúi xuống cúi xuống thật gần/ Cho tóc em bềnh bồng/ Cơn đau anh vui lòng bóng
mát trên cao
Cúi xuống cho đến bạc đầu / Trên phút giây nhiệm mầu
Hai mươi năm xin còn một sớm thương nhau
Cúi xuống nhìn sâu trong mắt / Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét