Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Mỏng mày hay hạt

Mỏng mày hay hạt


Khi gặp một người phụ nữ trẻ trung với khuôn mặt nhẹ nhõm, xinh xắn, người ta thường nhận xét đó là vẻ mặt mỏng mày hay hạt. Thí dụ: "Một vẻ mặt rất đàn bà, rất đẹp nhưng khác với những vẻ mặt đàn bà bình thường ở chỗ từ bi, mỏng mày hay hạt".
Vậy vẻ mặt "mỏng mày hay hạt" là vẻ đẹp của toàn bộ hay chỉ là những nét chấm phá trên khuôn mặt người phụ nữ? Phải chăng đó là đường nét của đôi lông mày: "Những người đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền". Và, cả vẻ đẹp của hàm răng xinh xắn nữa chăng? "Một thương bỏ tóc đuôi gà, Hai thương ăn nói mặn mà có duyên, Ba thương má lúm đồng tiền, Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém xa". Dân gian ta đã nhấn mạnh vẻ đẹp của nét mày, của hàm răng như là điểm chính yếu, cốt lõi tạo nên sắc đẹp người con gái. Nói "mỏng mày hay hạt" là nói đến đôi lông mày thanh tú, hàm răng đều đặn xem ra cũng rất có lý. Nhưng rồi ngẫm nghĩ kỹ vẫn thấy có điều gì chưa ổn lắm trong cách lý giải trực tiếp này.
Quả nhiên là như vậy! Cái vẻ đẹp "mỏng mày hay hạt" mà dân gian đã dùng để nói về khuôn mặt người phụ nữ là kết quả của sự so sánh gián tiếp, gắn liền với hạt lúa, hạt ngô đã từng nuôi ta qua năm, qua tháng, qua ngày. Thực ra, câu thành ngữ này, được xuất phát từ trong công việc chọn giống của nhà nông. Đối với họ, những hạt ngô, hạt lúa mỏng mày là hạt tốt, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Do đó, để hiểu thành ngữ mỏng mày hay hạt, trước hết phải hiểu rõ nghĩa của chữ hạt, của mày trong thành ngữ này. Mày chính là lá bắc của cuống hoa của cây lúa, cây ngô, về sau tồn tại dưới dạng hai lá vảy ở gốc quả (ta vẫn quen gọi là hạt). Như thế, mày và hạt dính liền nhau, quan hệ với nhau như hình với bóng. Theo kinh nghiệm của nhà nông, những hạt lúa, ngô có mày mỏng thì sẽ rất hay, rất tốt, có thể dùng làm giống cho mùa sau. Căn cứ vào điều này, tác giả Nguyễn Lân trong cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (NXB.VH, 1989) đã giải thích ý nghĩa thành ngữ "mỏng mày hay hạt" là "mày càng mỏng thì hạt càng tốt". 
Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ đúng với cách chọn hạt giống chứ không đúng với ý nghĩa được hàm chỉ trong thành ngữ mỏng mày hay hạt. Người Việt nói tới việc chọn hạt giống nhưng thực ra để nói đến việc chọn người. Dân gian ta đã nhìn thấy điểm chung nhất của con người và hạt giống ở sự hứa hẹn mùa đơm hoa kết trái trong tương lai. Nhờ có điểm tương đồng này mà người đời mới có cơ sở lấy hạt giống "mỏng mày hay hạt" để nhận xét để ví với dung nhan tướng mạo người phụ nữ. Người được xem là "mỏng mày hay hạt" là người có khuôn mặt nhẹ nhõm, dịu hiền, sáng sủa và có lẽ theo kinh nghiệm dân gian nó cũng hứa hẹn những gì tốt đẹp đằng sau đó về tính đảm đang, tháo vát, và khả năng duy trì phát triển giống nòi. Vì lẽ đó, khuôn mặt "mỏng mày hay hạt" không hẳn là phải tuyệt đẹp, nhưng nhất thiết là dễ ưa và có nhiều hy vọng tốt cho tương lai. Thí dụ: "Khi còn trẻ, vợ Phúc khá xinh, mỏng mày hay hạt, cô hàng xén thạo đời và tháo vát" (Chu Văn, tiểu thuyết "Đất mặn").

Theo http://z14.invisionfree.com/


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...