Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Đã có những ngày với Võ Hồng

              Đã có những ngày với Võ Hồng
Nguyễn Thụy Kha
Tin nhà văn Võ Hồng tạ thế vào chiều ngày cuối cùng tháng ba, thọ 93 tuổi, khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi không phải là một trong số đông đảo học trò của ông nhưng lại có duyên ngộ được làm phim tài liệu chân dung về ông.
Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng!
Ngay sau ngày thống nhất, tôi và bạn bè rất ham đọc và tìm hiểu các tác giả miền Nam thời chiến tranh. Có một gương mặt khiến tôi rất chú ý, được xem như một tác giả đại diện cho dòng văn học trong lành, thấm đượm tinh thần nhân văn và tình cảm yêu nước. Đó chính là nhà văn Võ Hồng. Tạp chí “Văn” của Sài Gòn đã từng có một số đặc biệt về ông ấn hành năm 1974.
Ở đấy, sau bài phỏng vấn ông là hàng loạt những bài của Tuệ Sĩ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Cao Thế Dung, Mang Viên Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ với một niềm trân trọng. Nhờ đọc tạp chí này mà tôi tìm đọc các tác phẩm của ông. Năm 1996, nhà văn Cao Duy Thảo nói với tôi nên vào Nha Trang làm phim về Võ Hồng, vì ông là một gương mặt văn chương đáng kể và tuổi đã cao. Nghe vậy, tôi và nhà quay phim Đăng Minh lên đường vào Nha Trang, sau khi quay xong tài liệu về nhà thơ Tế Hanh ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi, về nhà thơ Yến Lan ở Bình Định.

Cao Duy Thảo đưa chúng tôi tới căn gác 51 Hồng Bàng vào chiều 29.4.1996. Lần đầu tiên tôi gặp Võ Hồng. Ông đã sống đơn chiếc như thế vài thập kỷ. Cạnh buồng ông là căn buồng có bàn thờ người vợ. Nhìn ảnh, biết rằng bà rất đẹp. Bà vừa là giáo viên tiếng Anh, Pháp rất giỏi, vừa là một tay dương cầm cừ khôi. Mỗi giờ dạy đàn của bà, người ta trả đến cả chỉ vàng. Võ Hồng đã ở vậy đằng đẵng cô độc bao năm nuôi con. Đến khi các con trưởng thành, vẫn cô độc như vậy cho tới chiều nhắm mắt xuôi tay vừa qua. Bà là nhân vật Quỳ trong chuyện dài “Hoa bươm bướm” (Lá Bối - 1966).
Nghe nhiều người nói Võ Hồng rất kỹ tính. Ông giao tiếp hẹp, dè dặt. Dường như bấy nhiêu năm ở vậy, ông đã đủ thời gian để ngẫm đời trên một chiếc ghế mây khung sắt như một người bạn im lặng nâng đỡ ông những hoàng hôn mềm yếu. Chiếc ghế thân thiết đến nỗi trong bài thơ “Di ngôn” viết năm 1989, ông đã viết về người bạn ấy như sau: “Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/ Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …/ Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/ Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

Ngoài chiếc ghế, bên cạnh ông là một chú chó nhỏ. Ngồi với nhau một chút, như một thói quen, ông đọc to một câu của tổng thống Pháp F.Mitterrand đại ý là: “Những người cánh tả thì nói tôi có cái mù quáng của những người cánh hữu. Còn những người cánh hữu thì nói tôi có cái yếu đuối của những người cánh tả”. Dường như câu nói chính là lời phát ngôn về thân phận của ông.
Võ Hồng sinh năm 1921 ở Tuy An, Phú Yên - một miền văn hóa còn khép kín nhiều bí ẩn và huyền thoại. Đó cũng là quê hương của nhạc sĩ Nhật Lai và nhà thơ Nguyễn Mỹ của “Cuộc chia ly màu đỏ”. Sau khi học Collège ở Quy Nhơn, năm 1940, Võ Hồng ra học tú tài ở Hà Nội đến năm 1943. Những năm tú tài ấy đã đọng lại trong Võ Hồng một mối tình đầu với bà Bảo Loan, cũng đã được Võ Hồng ghi lại trong cuốn “Hoài cố nhân” (Ban Mai - 1959).
Thời chính phủ Trần Trọng Kim ông làm bí thư tòa tổng đốc bốn tỉnh cực Nam Trung Bộ (Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận, Ninh Thuận) đóng tại Đà Lạt. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp, vợ chồng ông vừa là giáo viên trường Lương Văn Chánh ở vùng tự do Phú Yên, ông còn từng là hiệu trưởng trường này. Trường đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức trẻ. Sau năm 1954, Võ Hồng tiếp tục dạy học ở Nha Trang tại các trường trung học Lê Quý Đôn, Bồ Đề. Và viết văn.
Cho đến nay, Võ Hồng đã có ngót 50 đầu sách đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài, truyện thiếu nhi, thơ. Năm 2003, ông đã xuất bản tuyển tập Võ Hồng. Theo đuổi dòng chảy của văn chương trong lành cũng là một bản lĩnh giữa thực tế xô bồ phức tạp của cục diện miền Nam trước 1975. Bởi vậy, sau giải phóng, Võ Hồng là nhà văn miền Nam trước 1975 trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam rất sớm.
Hồi ấy, sau chiều sơ ngộ, ông mời chúng tôi tới ăn bữa cơm trưa đạm bạc mừng 21 năm (1975-1996) ngày giải phóng miền Nam.
Ông vừa nghèo, vừa không coi trọng việc ăn uống. Ông cứ ước gì nếu không phải ăn mà vẫn sống để có thể nằm ngả lưng kê tấm gỗ lên đùi, viết ra những dòng văn miêu tả thật đẹp miền quê Phú Yên ruột rà của mình. Tôi thì bày tỏ với ông một sự tình cờ là từ khi tôi ra khỏi quân đội, đây là số nhà 51 thứ tư mà tôi tới làm việc và có cảm giác thân thuộc (sau số 51 Trần Hưng Đạo - Hội Nhạc sĩ Việt Nam, số 51 Ngô Quyền - Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch và số 51 Hàng Bồ - Tòa soạn báo Lao Động). Ông trố mắt sau cặp kính, hồn nhiên như trẻ thơ khi thấy sự trùng lặp ngẫu nhiên này. Câu chuyện cuốn đi trong những nhận định văn chương giữa tôi và ông. Thực ra, Võ Hồng đã có truyện ngắn “Mùa gặt” in trên Tiểu thuyết thứ bảy từ 1939 với bút danh Ngân Sơn (tên làng ông) và thơ in trên Tiểu thuyết thứ năm từ cuối 1938. Nói rồi ông đọc vang bài thơ ấy, có tên là “Vàng”:

Ai về xóm cửi năm năm trước/ Đều thấy em ngồi dệt đoạn tơ/ Quanh em vàng rụa trời gieo xuống/ Vàng ở trong mùa xuân lắm thơ/ Tơ em vàng quá cho nên những/ Vàng ở màu Ngâu nhạt mất rồi/ Ánh vàng bạch lạp vàng hơn nữa.
Xuyên tận hồn em mộng sáng ngời/ Ngày mai bắt được giấy thu vàng/ Anh bảo khi đò sang sẽ sang/ Em cắt tơ vàng đêm phất quạt/ Vì ngày đò đến, đến mùa xoan/ Mãi nay đò đến cành xuân rạng/ Đã mấy lần hoa rụng lỡ làng/ Quạt chàng xin cất, nay đem tặng/ Nhưng mấy đường tơ đã kém vàng.
Tôi thầm reo lên: “Thật tinh tế, thơ này là tạng thơ Nguyễn Bính đây”. Ông cười: “Làm sao sánh với nhà thơ đồng quê ấy được”. Tôi hỏi: “Mùa xoan - là mùa gì hở cụ?” Ông trả lời: “Nhờ mấy năm chuẩn bị ra học ở Hà Nội nghiên cứu mà biết đến có hát Xoan, Ghẹo ở đất tổ Hùng Vương. Hình ảnh đò sang là hình ảnh nam nữ tìm nhau hát xoan trong mùa xuân đấy”. Tôi lại lật cánh: “Cũng có gì rất “Gái quê” của Hàn Mặc Tử”. Ông mỉm cười: “Thì cũng học Collège Quy Nhơn mà. Nhưng không phải là giống, mà là ảnh hưởng”. Ông lại đọc bài “Bến lòng” in trên Tiểu thuyết thứ năm số ra ngày 24.4.1939.
Đừng bảo hoa cười với gió đông/ Ấy là hoa nhạo khách sang sông/ Đường xa đò vắng lau xơ xác/ Trong gió đùa sương giải lạnh lùng/ Em mơ tiếng khách bên sông gọi/ Một khách qua ngang lỡ chuyến đò/ Trong lúc lòng em khô héo đợi/ Âm thầm nao chảy nước nguồn thơ.
Những ngày sau đó, ông cùng chúng tôi lang bang ở Nha Trang. Khi thì là trường Bồ Đề, nơi ông từng giảng dạy khá lâu. Khi thì là hoàng hôn nhà thờ nửa tối nửa sáng. Dù khi ấy, đã ở tuổi 75 nhọc mệt, ông vẫn cùng chúng tôi lên trên đỉnh núi cao nhất đứng bên tượng Phật ngắm toàn thành phố. Và sau đó, đi theo lối mòn xuống Phật Học Viên. Ở đấy, nhiều hòa thượng vốn là học trò của ông đã ngạc nhiên mừng rỡ khi thấy thầy Võ Hồng xuất hiện. Họ còn ngạc nhiên hơn khi thấy Võ Hồng chỉ vào tôi giới thiệu là tác giả cuốn “Hàn Mặc Tử thi sĩ đồng trinh”.
Hóa ra các hòa thượng đã đọc cuốn này từ mấy năm nay. Thấy vậy, họ mang sách ra đề nghị tôi và thầy cùng ký vào để ghi nhớ một nhân duyên. Rồi ở bãi biển đường Trần Phú, ông lại có một bình minh đá bóng với trẻ con. Ở Nha Trang, từ đứa trẻ bán cà-rem cho đến các bậc trí thức tóc đã điểm bạc đều gọi ông là “Thầy Võ Hồng”. Không biết trong số họ những ai đã từng học ông, những ai quý trọng ông mà gọi bằng thầy.
Đi bên ông, nghe ông trò chuyện, đọc thơ mới hiểu vì sao ông có một văn phong giản dị, một hòa điệu lãng mạn giữa lời kể và lời tả chân thực của sắc màu, của tính cách, của nội tâm. Đi bên ông mới thấy thật thiếu lỗi bởi đất nước đã hơn 20 năm thống nhất, mà ở phía Bắc còn ít người biết đến một tên tuổi như ông, ít biết đến còn hơn cả Sơn Nam ở Sài Gòn. Cũng may lần này, Hội Nhà văn Việt Nam đã kịp cử chúng tôi đi làm phim về ông.
Tôi vẫn cảm thấy đang lang bang cùng ông ở Phú Yên quê hương ông, mặc dù ông yếu không cùng đi được về Tuy An. Ở đấy, chúng tôi tìm đến ngôi trường làng ông học thời ấu thơ, đứng bên cầu Ngân Sơn, vô chùa Châu Lâm và ngơ ngác trước nhà thờ Mằng Lăng. Rồi lại cuốn theo văn xuôi ông trên phố xá thị trấn Sông Cầu.
Ra Hà Nội, ông vẫn thường xuyên viết thư cho tôi. Tôi thì gấp rút dựng phim về ông cho kịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh thân yêu của đời thầy giáo Võ Hồng. Ngoài những tập văn xuôi, ông còn gửi ra cho tôi tập thơ “Thời gian mây bay”. Tất cả những tư liệu đó và tình cảm của ông đã khiến cho tôi có thể làm được phim tài liệu chân dung ông mang đầy cảm xúc. Phim được hoàn thành và phát trên kênh truyền hình Phú Yên vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường Lương Văn Chánh. Từ Phú Yên, tôi lại mang phim vào Nha Trang cho ông xem qua đầu video và màn hình. Xem phim, ông lặng lẽ nắm chặt tay tôi. Hình như khóe mắt ông rớm ướt. Sau đó phim được phát trên VTV1, tôi thông báo cho ông cùng xem. Ông có vẻ rất vui vì xóa bớt đi mặc cảm bị lãng quên.
Mùa thu 1998, tôi ghé Nha Trang thăm ông, thấy ông có hơi yếu hơn một chút, nhưng vẫn minh mẫn. Ông đưa cho tôi hai bài thơ tứ tuyệt được triển khai từ một ý nhưng từ ngữ lại khác nhau. Bài đầu có tên “Cũng là hiện thực”: Non châu nước ngọc trải qua rồi/ Chỉ góc tâm hồn của bạn thôi/ Giá được giấc mơ thành hiện thực/ Non Bồng nước Nhược cũng chơi vơi.
Còn bài thứ hai tên là “Không khác”: Năm châu chín quận trải qua rồi/ Còn xứ tâm hồn của bạn thôi/ Một buổi chiêm bao ta đã thấy/ Đau thương phiền muộn khác chi ngoài.
Tôi nói với ông rằng thích bài thứ hai hơn vì nó thơ hơn. Ông gật gù đồng ý với tôi chính kiến ấy. Đến cuối năm sau khi phim “Thầy Võ Hồng phát trên VTV1, tôi có dịp vào Sài Gòn gặp anh Toàn làm xe lăn cho người khuyết tật. Anh là người Tuy An - Phú Yên và cũng là học trò của Võ Hồng. Anh tỏ ra rất thích phim về thầy mình và tặng tôi một bức ký họa Võ Hồng không rõ là anh vẽ hay bạn anh vẽ. Tôi thấy đẹp nên giữ trân trọng cho tới hôm nay.
Viết lại ít ngày bên ông, gần gũi ông là để thêm lần nhắc đến một nhà văn rất giản dị, khiêm nhường. Khiêm nhường trong cả bài thơ “Di ngôn”.
Sau khi tôi chết/ Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/ Của những ngày u buồn nặng trĩu hồn tôi/ Đây cây bút màu đen sớm tối không rời/ Đây cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/ …/ Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/ Kê sát lan can hướng xuống mặt đường/ Nơi những đêm dài trong tối đầy sương / Tôi ngồi lặng mắt trong chờ đợi/ Đợi một người đi không hẹn trở lại.
Và đến chiều 31.3.2013, ông lại chính là “người đi không hẹn trở lại” ấy, để lại bao thương tiếc cho độc giả và học trò.

Võ Hồng, những bước chân hiu quạnh trong đời sống
Những ngày tôi bắt đầu bước chân vào trung học. Dạo đó, dường như tôi đang theo học lớp đệ ngũ hay đệ tứ thì phải. Hình bóng Võ Hồng đã trở thành thân yêu nhất trong đời sống tôi. Thân yêu nhất không phải vì ông là một ông Giáo sư dạy hay hay dạy giỏi, mà chính là nhân cách và tâm hồn phiêu bồng của ông. Có lẽ hồi ấy, tôi cũng chưa biết gì về tác phẩm của ông -  tôi chỉ thấy ông mang một phong độ khác hẳn với những giáo sư khác, ở những giáo sư khác tôi thấy có gì quá tầm thường và quá an phận (có lẽ với tuổi hồi ấy, tôi đã đòi hỏi quá nhiều, đòi hỏi những gì mà chính vị đó không thể có được). Riêng Võ Hồng, người đã mang đến cho tuổi thơ tôi những xao xuyến, hoài nghi, những chất vấn về thân phận phù ảo của kiếp người - và cũng từ đó ông đã gợi cho tôi thấy một chút mộng mơ nào đó của đất trời. Hình như Gandhi đã nói đâu đó rằng, những gì mà tuổi thơ ta đã sống, thì những điều đó sẽ điều động ta suốt một đời. Tuổi thơ ngồi trong lớp học, vào những giờ của Võ Hồng, tôi thấy ông thường bâng quơ nhìn qua khung cửa sổ. Ngôi trường cạnh bên dãy núi, có những ngôi tháp cổ, cây phượng trước sân trường.
Sau này khi có dịp đọc văn Võ hồng, tôi thấy ông viết đúng như tôi đã thấy vào cái thời thơ ngây ấy (mấy ngôi cổ tháp đứng ở sân sau trường lặng lẽ suy tư. Những cây sao thân cao mọc ở ven chân núi thong thả để rơi từng cánh hoa màu trắng xuống những bụi gai thấp. Nơi này thỉnh thoảng ngồi trong lớp nhìn qua cửa sổ tôi thấy một con sóc chuyền cành... Những giọt đắng tr 61). Tôi đã nhìn thấy và đã xúc động Võ Hồng từ những điều vu vơ trên. Có những buổi chiều tan trường, tôi thấy ông thường lửng thửng bước ra khỏi sân trường sau cùng. Gương mặt của ông lúc đó trông buồn buồn. Sau khi những bước chân, những tà áo cuối cùng đã vắng bóng. Vào những khi như vậy, tôi thường có dịp đứng nghe ông nói chuyện. Ông nói đến nỗi buồn của cuộc sống, nỗi cô độc của kiếp người cùng những ly tan của cuộc sống. Có thể nói đó là những nỗi ám ảnh lớn trong toàn thể cuộc sống của Võ Hồng. Sống và khổ đó là những gì quá tầm thường và quá quen thuộc. Những gì của thực tại muôn đời và thực tế muôn nơi, xảy ra ở khắp mọi chân trời. Nhưng dường như, bất cứ lúc nào chúng ta nghe nói đến tiếng Khổ, thì nỗi xúc động trong ta sẵn sàng bừng dậy. Bởi vì càng lớn lên, ta thấy kiếp người càng buồn và vô nghĩa thêm ra.
    Vào khoảng năm 1960-1962 khi anh Phạm Công Thiện còn ở Nha Trang, anh đang tu trên một ngôi Chùa. Tôi nhớ, vào một buổi chiều mưa, anh trở về Chùa một mình, anh có đọc cho tôi nghe hai câu thơ :
 Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
    Tôi được anh cho biết, là anh đã làm hai câu thơ trên từ nhà Võ Hồng trên đường trở về Chùa. Sau đó, nếu tôi không lầm, thì hình như Võ Hồng cũng viết một câu truyện ngắn Hoa khế lưng đồi bắt nguồn từ cảm hứng hai câu thơ trên của anh Phạm Công Thiện, cũng cây khế trỗ bông ấy và ngọn đồi ấy (những cây khế ở lưng đồi trổ hoa tím, những chùm hoa hình khối lục lăng mường tượng những ngôi cổ tháp... Những giọt đắng, tr 56). Vào khoảng thời gian ấy, tôi thấy mỗi chiều Võ Hồng thường lên Chùa thăm anh Phạm Công Thiện. Hai người thường ngồi nói chuyện với nhau trong một vùng cây rậm nhìn xuống  chân đồi. Tôi không biết hai người nói với nhau những gì. Nhưng tôi cần gì phải biết, tôi cứ tưởng tượng theo những nhân vật như thế này : một người từ phố mang cả cái mệt mỏi và hiu quạnh của đời sống tẻ nhạt với (nhiều uẩn ức, nhiều bức thúc, nhiều dày vò. Thân phận con người quằn quại trong những đau khổ muôn hình... Bên kia đường, tr 119). Còn một người đang ở trên núi, thì sẽ đem hết cái tịch liêu, những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ mình để nói chuyện với nhau. Và rồi, đến một lúc thì thế nào anh Phạm Công Thiện cũng sẽ như một nhân vật nào đó của Võ Hồng (...nhẹ nhàng kéo tôi vào một nẻo suy tư nào đó với anh, về một chân lý, một tư tưởng triết học. Lịch sử Ấn Ðộ dày quá khứ và quá khứ đó dày tư tưởng... Bên kia đường tr 36).
    Tôi có thể tưởng tượng như trên, để viết lại một ít hoài niệm mà tôi đã biết về Võ hồng vào khoảng thời gian xa xôi ấy.
    Ðứng trước chiến tranh, Võ Hồng cũng như tất cả những người cầm bút khác, đều nói lên lòng đau đớn của mình. Nhưng Võ Hồng thì khác, ông thâm trầm hơn, ông đưa chúng ta đến một trầm tư thê thảm, trước thân phận đau buồn của quê hương (...chòi canh cao bay phất phơ lá cờ. Một người lính ngồi ôm súng nhìn không gian chập chùng đồi núi. Lô cốt. Trại lính. Người dân không có thì giờ nghỉ ngơi. Hai mươi năm đủ để tạo một thế hệ. Người lính đang ngồi trên chòi canh đó, có thể là con của người lính mà tôi đã gặp hai mươi năm trước. Các thế hệ nối tiếp nhau đã truyền cho nhau tiếng nói và cây súng. Nước chảy dưới cầu. Những đồi cát nằm giữa dòng sông... Bên kia đường tr 145). Những giòng lặng lẽ trên đang bay lất phất trong những làng mạc, những đồi núi chập chùng của quê hương. Một buổi chiều mùa đông âm u nào đó, trong một chuyến xe đò băng ngang qua những vùng âm u của quê hương, rồi nhìn những người trẻ tuổi đang cầm súng đứng trong mưa, thì những giòng trên mới thấm vào trái tim buốt giá của ta. Có phải bóng đêm đang vồ chụp xuống trên những mái đầu xanh của những đứa con tại Việt Nam ?
    Tôi đọc văn thường không để ý lắm đến cách hành văn hay bố cục (có lẽ tôi không biết gì nhiều hơn tác giả). Tôi chỉ đọc những gì trong đó thấy có bóng dáng của mình. Như bây giờ đang là buổi xế trưa, những buổi trưa thức dậy nghe bỗng xiêu đổ lạ thường. Ánh nắng vàng vọt của buổi chiều qua cửa sổ. Một người con gái vừa ra đi để rồi không bao giờ gặp lại. Tất cả chỉ còn lại một cái gì thật mơ hồ, thật xa xôi. Giọng hát từ đâu vọng lại, ta không cần biết nó hay, nó dở thế nào. Nhưng chiều nay, nghe tiếng hát đó, bỗng nghe ta trong ngậm ngùi của nỗi đời ly biệt (nhưng chiều nay giọng hát trầm trầm và sai giọng ấy, mỗi lần nghe đến là Doãn tưởng rằng như mình đang dự vào buổi chiều cuối cùng của trái đất khi nhân loại bị phóng xạ nguyên tử đang cầu kinh... Vết hằn năm tháng tr 175). Tôi đã đọc câu chuyện Vết hằn năm tháng vào một buổi xế trưa. Những nét mặt quen thuộc của thuở ấu thơ, những nét mặt xa lạ, những cái bắt tay, những buổi họp vừa tan, chỉ còn lại bàn ghế trơ vơ. Ngày đi, tháng đi và năm đi. Những tà áo hồng cũng đã xa dần, xa dần... đó là gì? Ðó là vết hằn của tháng năm. Trong đời sống hằng ngày, tôi đã nghe và cảm thấy như thế, nhưng tôi chưa có dịp nói được. Khi đọc Võ Hồng, tôi thấy ông đang nói thay mình. Tôi đọc và buồn đến nghẹn thở. Tôi cũng tưởng như mình đang sống trong những ngày cuối cùng của trái đất.
    Tác phẩm của Võ Hồng, ta có thể ví như những tấm gương. Trong đó phản chiếu những tâm tư của một đời người, nhất là trong hoàn cảnh đau buồn của Việt Nam hiện nay. Sống và phản ứng lại cuộc sống -đó là tất cả những gì ta bắt gặp nơi Võ Hồng. Những hy vọng, tuyệt vọng, đau khổ, hạnh phúc, những bất lực của thân phận con người. Một chút xanh mộng nào đó mà ta đang hoài vọng. Vào một đêm mưa, một người con gái đến gõ cửa, nàng kể cho ta nghe một mối tình câm lặng, người yêu của nàng vừa nằm xuống vĩnh viễn  - đang khi đó, ngoài trời những cơn gió đầu mùa thổi đến làm lạnh lòng người. Và làm rụng những lá me bên kia đường. Ta chợt nghe một chút nồng ấm của cuộc đời, một đốm lửa vừa nhóm lên trong đêm mưa lạnh. Cho dù ta vẫn biết cuộc đời vốn là ảo mộng 
(từng cơn gió lạnh lùa vào phòng. Nước trên tàn cây me rơi lộp độp xuống mặt đất từng hồi mỗi khi có cơn gió lạnh ào tới. Liên giã từ tôi, và tôi lẳng lặng đưa nàng xuống sân.
Tôi lẩm nhẩm suy nghĩ :
   Hãy an nghỉ, Adul Rahim. Hãy ngủ yên giấc ngủ vĩnh cửu của anh. Cái bản thân tứ đại vốn là giả họp. Anh đã có lần nói với tôi như vậy và chắc là anh không tiếc. Liên nó đang nghĩ đến anh và nó đang yêu anh đó. lúc sống, anh không dám hỏi và chắc là nó cũng không trả lời. Nhưng hôm nay anh không còn nữa và do đó nó đang lặng lẽ yêu anh... Bên kia đường, tr 48).
   Và sống là gì ? Có phải vẫn luôn luôn là hoài niệm ? The mission of man on earth is to remember. Sứ mạng của con người trên mặt đất này là hoài niệm. Henry Miller đã nói như thế. Mỗi khi ta bắt đầu hoài niệm thì mọi sự đều tiêu tan hết. Ta không biết đố ky, không còn hận thù, lòng thương yêu sẽ bắt đầu ngự trị. Bởi vì khi ấy ta sẽ nhận ra sự phù ảo của kiếp người trên trần gian này. Mọi sự rồi sẽ đi qua, ta bỗng muốn ghì ôm trong tay những mong manh phù ảo ấy, bao nhiêu là kỷ niệm thương yêu thuở nào chợt bay về trong trí nhớ : những người tình, những con đường ta đã đi qua, bây giờ (tâm hồn tôi chợt thấy âm u. Con đường kỷ niệm. Những thôn xóm yên lặng nằm hai bên đường như chưa bao giờ biết đến sự thay đổi. Mái nhà xám đen và vách đất cũng xám đen... Bên kia đường, tr 144).
    Chuyện Trở về, Võ Hồng đã đưa ta vào những hoài niệm mênh mông của tháng ngày quá khứ ấy. Ai đã từng sống mà không có quá khứ. Cho dù quá khứ có thể im lìm hay xót xa đi nữa. Nhưng tất cả, tất cả sẽ làm ta ngậm ngùi. Thời gian vẫn là nỗi ám ảnh đen tối nhất của con người. Chúng ta sống bằng những khoảng thời gian. Sự sống được đánh dấu bằng những lần thay đổi, một nơi chốn mà ta vừa ra đi, bỏ lại những thành phố, những con đường , một người tình đã mất. Có nghĩa gì với khoảng đời trong năm hay mười năm (mười năm là khoảng thời gian đủ để biến một đời nguời. Từ ngày Bảo mất đi, tôi không muốn trở lại thành phố này. Những con đường, những đồi thông sẽ nhắc đến những ngày cũ... Trở về trong Bên kia đường tr 146). Ðó là chuyến trở về của một người, về để làm gì ? Trở về dể hoài niệm. Hoài niệm những tháng ngày quá khứ ấy. Những ngày mà người tình chưa mất. Sự trở về như thế, thật là êm đềm nhưng cũng thật là xót xa (bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Tôi muốn tìm lại một cái gương để soi bóng mình. Tôi muốn nhìn lại bóng dáng mình bước những bước cô đơn trên con đườnh heo hút này... Trở về  Bên kia đường tr, 147).
    Tôi liên tưởng đến chuyến trở về của Jérôme trong La porte étroite của André Gide. Trong phần cuối của cuốn truyện. Khi Alissa đã mất. Mười năm sau, Jérôme trở về thành phố Prevence, nơi em Alissa tức là Juliette đang sống với chồng con ở đấy. Jérôme trở về đến nơi khi (bóng chiều dâng lên bàng bạc, mọi vật trong phòng mờ dần, và trong bóng đêm như đương cùng nhau sống dậy và ngậm ngùi kể lại chuyện xưa. Tôi mơ màng thấy lại gian phòng Alissa... Khung cửa hẹp, bản dịch của Vân Mồng tr 182).
    Thời gian với bao nhiêu là thay đổi, bao nhiêu bể dâu đã xảy ra và con người chợt nhìn lại mình, thấy mình đã già đi, nắng đã xế... và rồi thời gian đưa đến cái chết. Cái chết là đìều khủng khiếp nhất của kiếp người. Hình như trong đời sống thường nhật, ta đi lui đi tới, ngược xuôi lên xuống, tranh chấp mà quên đi cái chết, quên đi không nghĩ đến hay ta cố làm ngơ. Ta không dám đối mặt thẳng với nó. Nhưng cuối cùng nó vẫn đến, nó đến sừng sững trước mặt ta. Nếu mỗi phút giây trong đời sống thường nhật, ta thường nghĩ đến cái chết, sống với cái chết, ăn ngủ với cái chết, thì chắc chắn mọi sự sẽ không tan hoang như ngày hôm nay. Bởi  vì nghĩ đến cái chết, ta sẽ biết thương yêu nhau, thương yêu mọi thảm hoạ, mọi bi kịch trên trần gian này, ngay đến những gương mặt thù hận cũng sẽ không còn nữ. Ta thù hận. Bởi nhiều khi ta cứ ngỡ ta sống đời đời (làm như cuộc đời người dài hằng sáu trăm, bảy trăm lần khoảng thời gian đó... Bên kia đường tr 162). Tất cả đều là cuộc chơi trong ván bài của sanh tử. Ðứng trước cái chết ta thấy gì (đứng trước cái chết, lòng tự ái không có tiếng nói nữa. Ðối với người giã từ cuộc sống để ra đi mãi mãi, giả từ hết mọi ghét thương, âu lo mừng giận, anh thấy lòng thương tràn đầy... 
Vết hằn năm tháng tr 8). Mọi sự đều phải dừng trước cái chết, mọi tranh đấu khác đều không quan trọng, chỉ có một điều quan trọng duy nhất, đó là cuộc tranh đấu với cái chết. tranh đấu với cái chết là lúc ta lên đường đi đến sự thất bại lớn lao của cuộc đời (Phú thất bại trong cuộc tranh đấu lớn, cuộc tranh đấu cuối cùng, tranh đấu với cái chết... Vết hằn năm tháng tr 38).
    Truyện Dấu chân sa mạc trong Con suối mùa xuân. Võ Hồng ghi lại đời của một người đàn bà . Cô Ba. Người đàn bà ấy đã sống bằng  tất cả hung hăng của cuộc đời mình : chê bai, thù ghét, gieo rắc bực dọc, hành hạ người khác và tự hành hạ chính mình. Giàu sang nhưng bỏn sẻn. Nhưng vào những ngày cuối đời, khi da đã nhăn, tóc trên đầu đã bạc, thì mọi sự đi đến một cách tang thương, canh bạc đã kết thúc (tôi thương xót cho cô Ba đang đóng vai người bại trận đó, bơ vơ lạc lõng hơn bất cứ người bại trận nào khác, bởi lẽ cô dống cô đơn. Không có ai để thở than sau đó. Không có ai để bàn tính cân nhắc trước đó. Trước mặt, sau lưng, bên phải ,bên trái đều là sa mạc   . Dấu chân sa mạc trong Con suối mùa xuân tr 165). Con người hung hăng ấy rồi ra cũng phải bại trận. Cuối cùng tìm về một ngôi chùa -điều mà khi còn xuân cô ầm ĩ chê bai- về đó, như một con gấu đã hết khí lực (như thế, cô bước đi giữa cuộc đời còn sót lại, lạc lõng mơ hồ như người đi trong giấc mộng. Tất cả đều chập chờn hư ảo. Chặng cuối cùng của người lực sĩ yếu sức... Dấu chân sa mạc tr 169). Con gấu ấy trở về để làm gì ? (con gấu mò về cửa tam quan, cúi nhìn xuống thân phận mình và gối đầu lên cái chết... Dấu chân sa mạc tr 167). Ðó là một trong những câu văn đã gây xúc động lớn cho tôi. ta sinh ra ở đời, sống với nhau, để rồi một ngày nào đó, sẽ cùng nhau rời bỏ trần gian hiu quạnh này.
    Phải có một tấm lòng thật bao la tràn đầy tình thương thì mới viết được những câu chuyện như vậy. Ở đây, ta nên lưu ý đến một điều là, tình thương đối với Võ Hồng (cũng như những nghệ sĩ nhân bản khác) không phải xuất phát từ những luân lý. Vì một tình thương như vậy chỉ là hậu quả của tập quán xã hội. Tình thương ở đây vượt lên trên tất cả, nó nảy nở một cách tự nhiên từ trong trái tim của ta. Tự nhiên, đó là điều khó khăn nhất mà ta phải đạt đến. Nói như Khrishnamurti (tình yêu tự hiến dâng tràn đầy tựa như đóa hoa hiến dâng hương thơm).
    Võ Hồng quê ở Phú Yên, xứ sở của núi non trùng điệp. Quê hương của những ngưới nông dân điền dã. Quanh năm lận đận với những mảnh khoai trên rừng, những thửa ruộng ngoài đồng. Bầu bạn với cây cuốc, cái cày. Lam lũ và cực nhọc vô cùng, nhưng đời sống vẫn bao hàm trong cái thơ mộng nguyên thủy của đồng quê. Chỉ có những ai đã sinh ra và lớn lên ở những nơi khô cằn miền Trung thì mới thấy được cái thơ mộng này : (ở đây tất cả đều trầm mặc, trang nghiêm. Rừng già màu xanh tối, đứng bao vây những sườn núi an phận. Rẫy lúa, rẫy bắp, đất thổ trồng đậu xanh đậu phụng. Con trâu, con bò. Suối nước chảy qua khe đá, con chim hót trên cành. Và linh hồn của cả cái cảnh hoang sơ này là sự yên lặng rộng lớn bao trùm từ khoảng cao đến miền xa... Con suối mùa xuân tr 137).
    Có lẽ từ một quê hương như thế, Võ Hồng mới đủ chất để viết những câu chuyện về quê hương một cách tuyệt vời. Như truyện Tình yêu đất chẳng hạn. Ðọc Tình yêu đất ta thấy lại cái gì chất phác, điền dã của nông dân Việt Nam. Ðó vẫn là đìều khó khăn đối với những con người thành phố hôm nay, xung quanh chỉ thấy những tòa nhà đồ sộ những công viên, những quán cà phê đèn xanh đèn đỏ, mà quên đi đời sống kia. Ta có thể quả quyết rằng, đời sống nông dân Việt Nam đúng nghĩa, là đời sống thơ mộng nhất thế giới. Còn gì thơ mộng hơn khi cuốc đất mà vẫn nghe được tiếng chim sơn ca rung rinh trên tầng cao, suối chảy róc rách quanh vườn. Lảo Túc trong Tình yêu đất đã tóm thâu tất cả những thơ mộng ấy. Mọi sự đều phản bội Lão, đứa con duy nhất cũng bỏ Lão mà đi, người vợ thì luôn luôn hiếp đáp Lão. Lão còn lại chỉ có mảnh đất. Lão sống với mảnh đất đó, bởi vậy (Lão thương đất như thương con, như thương chính da thịt mình). Suốt đời lão chỉ còn có mảnh đất, bởi đất không gian dối như lòng người (đất không phản bội người, chỉ có người mới phản bội đất. Người giậm chân nguyền rủa rồi bỏ đi. Ðất vẫn ở lại; nhẫn nại trung thành. Khi người về, người cứ tưới mồ hôi xuống là đất lại nảy ra lá xanh, đơm hoa, kết quả). Ðời sống của Lão Túc cũng được kết thúc trên mảnh đất của Lão. Một bữa đi ra đám đất, một con rắn từ trong bụi rậm trườn ra và cắn Lão chết. Cho đến khi chết mà Lão vẫn còn ám ảnh đất, miệng vẫn thì thào : Miếng đất Gò Ðình.
    Tác phẩm của Võ Hồng thật nhiều và quá nhiều khía cạnh. Tôi chỉ nhìn thấy một khía cạnh nào đó thôi, như đã thấy ở trên.
    Hồi còn ở Nha Trang, cũng như bây giờ mỗi khi có dịp về thành phố ấy, tôi thường ghé lại thăm ông. Ðời sống của ông lúc nào cũng hiu quạnh, nhưng ông bảo là có sống như thế, sáng tác mới là điều cần thiết, để làm vơi đi phần nào nỗi buồn trên. Ở đời mọi sự đều phù ảo, bởi vậy sáng tác cũng là một cách đùa rỡn với cái phù ảo ấy. Tôi đã có lần nghe ông nói như vậy. Và tôi tin chắc rằng ông vẫn còn tiếp tục đùa rỡn hơn nữa trong nỗi đời hiu quạnh còn lại của ông.
Trần Hữu Cư
 Đặc san Văn  14.02.1974

TƯỞNG NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI THẦY - NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO VÕ HỒNG
Nhà văn Võ Hồng đã về cõi vĩnh hằng lúc 14 giờ, ngày 31/3/2013, hưởng thọ 93 tuổi, tại Nha Trang.
Võ Hồng là tên thật và là bút danh. Ông sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông viết văn từ rất sớm, năm 1939 đã có truyện ngắn đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy. Hơn 60 năm gắn bó với văn chương, Võ Hồng đã để lại một gia tài văn học gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn cùng nhiều tùy bút, bút ký, trong đó có những tác phẩm ghi dấu ấn tên tuổi Võ Hồng như Trầm mặc cây rừng, Bên kia đường, Hoài cố nhân...
Thầy Ngô Văn Ban, một cộng tác viên của www.ninhhoatoday.net, là học trò của của nhà văn Võ Hồng, từ Nha Trang, đã kịp thời ghi lại những cảm xúc và kỷ niệm của mình với thầy Võ Hồng, gởi bài viết đến trang nhà vào ngày 3/4/2013, trước ngày tiễn đưa thầy Hồng về nơi an nghỉ cuối cùng (4/4/2013)...
TƯỞNG NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI THẦY - NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO VÕ HỒNG
Bên Thầy năm xưa ... (2005)
Ngày 31.3.2013 (20 tháng 2, Quý Tỵ), lúc 14 giờ, Người Thầy Kính Yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi... sau 92 năm sống nơi trần thế...
Tôi học văn Thầy Võ Hồng tại trường Trung Học Bồ Đề vào những năm 50 của thế kỷ trước. Sau này, ra trường, vợ chồng tôi thường đến thăm Thầy. Thầy sống cô đơn trong căn phòng trên sân thượng của ngôi nhà 1 tầng.
Những năm 80, tôi có 3 tập sưu tập những bài viết về Thầy và những bài Thầy viết trước năm 1975 mà tôi có trong tủ sách gia đình. Khi xem xong 3 tập, Thầy đã viết cho tôi những dòng sau đây:
Sau ngót 20 xa cách, ngẫu nhiên vào ngày 1.1.1988, Đông Hải, Đăng Hà và Ngô Văn Ban rủ tôi cùng đi thăm Yến, Sự.
Ghé lại nhà Ban, bất ngờ mà được biết rằng tôi đã được hân hạnh làm thầy giáo của vợ Ban nữa. Ban đưa cho tôi xem một xấp dày... phải nói là một đống... những truyện mà tôi đã đăng đó đây: Bách Khoa, Văn, Tân Văn .v.v.
Ngày 24.11.88, Ban tới thăm và đưa cho tôi xem 3 tập đã đóng lại kỹ, sắp xếp lớp lang, từ cái “đống” văn chương của tôi.
Có thể tin được không ? Rút cái truyện từ một tạp chí, tốn công không ít (tôi đã từng làm, tôi biết) lại thường làm tổn hại bài thơ, cái truyện in kề. Tạp chí còn lại mất trên 50% giá trị .v. v.
Vậy mà Ban đã làm. Hỏi khắp nơi có ai làm vậy không ? Ai cũng nghĩ rằng đó không phải là do Ban thưởng thức văn chương mà là do tấm lòng của Ban đối với người thầy cũ. Trân trọng vậy đó. Y như thời Chu Văn An, thời Tống, thời Đường, không khí của Minh Tâm Bửu Giám, Nhị Thập Tứ Hiếu...
Ngô Văn Ban ơi !
Tôi biết dùng lời gì để nói hết niềm xúc động ? Sự kiện mang tính chất một giai thoại, một biểu trưng. Không, tôi không muốn dùng từ ngữ. Tôi muốn nói nôm na, tôi mượn một hình ảnh hồn nhiên: đây là một đóa hoa, hoa cỏ đơn sơ, màu vàng cánh mỏng, đóa hoa không tên, dành riêng cho đôi mắt biết nhìn, cho tâm hồn biết rung động.
Cảm tạ thâm tình của Ngô Văn Ban
Võ Hồng
Nha Trang 26.11.88.
Năm 2000, tôi lại sưu tập và thực hiện một tập khổ A4, dày 275 trang, photo một mặt, tập hợp trên một trăm bài viết về Thầy và những bài Thầy viết, được đăng trên các báo, tạp chí trong Tỉnh và trong nước từ sau 1975. Tôi đưa đi photocoppy những bài đó và đóng thành tập mang tên KÉO DÂY GỌI VÕ HỒNG.
Trong Lời đầu, tôi có viết:
Kính dâng THẦY VÕ HỒNG
Tập sưu tập những bài viết về Thầy và những bài Thầy viết.
Như biểu hiện một tấm lòng của một người học trò cũ năm xưa - nay đầu đã bạc
để tỏ lòng biết ơn
lòng kính trọng
Như một kỷ niệm về một người Thầy
một người Thầy đã dẫn con vào con đường văn học, văn chương, nghiên cứu...
đã dạy con cách sống, cách nghĩ, cách đối nhân xử thế...
mà Thầy là một tấm gương sáng con mãi học và noi theo
Đến thăm Thầy, ngôi nhà số 51 Hồng Bàng (Nha Trang)
Kéo dây - gọi Võ Hồng
Nơi con đã từng đến - và biết bao người đến với Thầy
đến trò chuyện với Thầy
đến chia sẻ với Thầy những niềm vui cùng những nỗi cô đơn ...
đến... và kính chào Thầy về, Thầy tiễn ra ngõ... đã nhiều lần con bật khóc...
Đến thăm Thầy, ngôi nhà số 51 Hồng Bàng (Nha Trang)
Kéo dây - gọi Võ Hồng
Con mong được đến với Thầy nhiều lần, nhiều năm và... mãi mãi...
Và khi nào con không đến được
con sẽ ở bên Thầy
qua SƯU TẬP này
con mong ước như thế
Kính Thưa Thầy ...
HỌC TRÒ CŨ CỦA THẦY
NGÔ VĂN BAN
Nha Trang, tháng 3/2000
Và tháng 3 này, 2013... không còn Thầy để con đến thăm..., trò chuyện... chia sẻ...
Ôi Thầy !  ...
Sưu tập những bài viết sau 1975

Ba cuốn sưu tập những bài viết của 
thầy Võ Hồng trước 1975

Ngô Văn Ban


1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...