Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Bùi Giáng, tư tưởng

Bùi Giáng, tư tưởng

Múa Vi Vu Vì Hẹn Với Truông Ngàn
Anh em thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ, ngẫu nhĩ có đọc thơ văn tôi, có bất ngờ xúc động vì những điều tôi nói về Nguyễn Du, về Nguyễn Khắc Hiếu, về Xuân Diệu, về Trần Quang Dũng – có hay không cái đó? Nếu không có cái đó, thì bận tâm làm gì với cái cá thể của một gã thi sĩ Quảng Nam tên là Bùi Giáng?
(BG)
Tư tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng
là lúc chúng ta đã lịch-nghiệm-lĩnh-hội được rằng cái Lý Trí, vốn từ bao thế kỷ được xiển dương xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư Tưởng.
(M. Heidegger., BG - Sương Tỳ Hải)
Bao năm nay, ngòi bút phê hình quỉ dị của người làm văn nghệ cứ liên miên như vô tình tàn phá, sa mạc lớn dần vào Phế Lụi Văn Chương, hình thành Tàn Phế Cảo Thơm cho Sa Mạc. Đó là ẩn ngữ đệ nhất hy hữu của hằng tồn mạt thế cho tuyệt trù hủy diệt Thần Đế Thể của Tuế Nguyệt Hy Nga.
(Bùi Giáng)
BÙI GIÁNG, TƯ TƯỞNG
Quan niệm rằng, tư tưởng của con người sáng tạo như là hạt nhân cốt lõi, khi chuyển động và cọ xát với hằng hà sa số các yếu tố quanh nó, sẽ nảy nở những sản phẩm sáng tạo tương ứng. Sản phẩm đó có thể là các phát kiến khoa học, các tuyệt tác nghệ thuật, các phát hiện giá trị triết lý, v..v…
Cũng vậy, trường hợp của nhà sáng tạo nghệ thuật Bùi Giáng, tư tưởng của ông là gốc rễ, hấp thụ dưỡng chất của mặt đất và bầu trời, vươn cao lên, theo mưa nắng bốn mùa mà phát triển, to lớn dần, tỏa cành nhánh sáng tác ra tứ phương, thu hút nhiều chim trời về ca hát trên cao, và quyến rũ nhiều chuồn chuồn bươm bướm về bay lượn vi vu bên dưới.
Nay, khi ta vui chơi dưới bóng mát cổ thụ, vừa nghe chim kêu, vừa nhìn bướm lượn, nếu nhặt dược một bài thơ, một chiếc lá, dù đó là lá vàng hay lá xanh, lá vui hay lá sầu, lá cổ hoặc lá kim, lá điên hoặc lá tỉnh, lá lục bát hoặc lá thất ngôn, lá Em Mọi hay lá Thân Mẫu, lá hoa cồn hay lá ngõ hạnh, lá Á Đông hoặc lá Tây Phương, lá tả cảnh hay lá tả tình, vân vân, …, thì nên nhớ rằng chiếc lá nhặt được trên tay là một trong muôn chiếc lá đã mọc ra từ cái gốc rễ tư tưởng sơ sinh bám trong lòng đất. Nghĩa là, mọi mọi chiếc lá đều xuất phát từ cùng một nhân, nhưng do nhiều cơ duyên khác nhau phối hợp với nhân ấy mà hình thành khác biệt. Chúng ta ngao du, thấy bướm đổi màu, nghe chim chuyển khúc, muốn không bị lạc điệu, thì phải nghĩ đến cái nhân cốt lõi ấy. Chúng ta sở dĩ phải cẩn thận dò dẫm lọ mọ lần mò tìm hiểu tư tưởng của Bùi Giáng trước tiên là vì vậy.

CẢO THƠM LẦN GIỞ TRƯỚC ĐÈN 
Những vĩ nhân đã có sẵn “ cặp mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng thấu suốt ngàn đời”, thì dạo chơi trên giòng thơ Bùi Giáng dễ dàng như chuyện ăn uống hằng ngày. Sẽ thấy ngon, vui vẻ, bổ ích cho cả thân xác lẫn tâm hồn. Còn những bạn chưa quen với cặp mắt và tâm hồn ấy, thì trước hết nên bỏ chút thì giờ tập bơi lội trên những đoạn khúc mà tư tưởng của ông được diễn giải bằng văn xuôi, để làm quen với những đợt sóng ngôn ngữ lạ thường, và là dịp cho tấm thân bụi bặm thành kiến xưa cũ được tắm rửa sạch sẽ, nhẽ nhõm, mát mẻ, rồi sau đó sẽ có thể thong dong thả mình trôi theo giòng thơ miên man vô tận đầy dưỡng chất của ông.
Dòng văn xuôi của Bùi Giáng bao gồm cả khảo luận triết học, khảo luận văn học, phê bình thi ca, các bản dịch, các bài tựa nghiêm trang đầu sách, các ghi chú ngẫu hứng thú vị bất ngờ giữa trang, hoặc các dòng tái bút ngậm ngùi ở tận bìa sau mỗi sách, v.v.. Trong “Sương Tỳ Hải”, chương Những Cây Hạnh, Bùi Giáng viết:
“Mọi hiện sinh chủ nghĩa không liên can chi tới những Heidegger. Mọi triết học nhà trường góc trại sẽ thủ tiêu hết tiếng nói hoằng viễn của những Saint Exupéry. Mê Cung Hiện Đại khởi từ bi kịch đó. Hư-vô-chủ-nghĩa không phải là lẽ hư-vô-thái-không-tịch-mịch theo viễn tượng Lão Tử, Parmenide, Nguyễn Du: tịch mịch trần ai mãn thái không… Hư vô chủ nghĩa ở Tây Phương nổi cơn giấy loạn khởi từ Socrate về sau, và đưa tới một cõi phong phú tót vời cho Mê Cung tư tưởng—phong phú theo nghĩa: che phủ để phơi mở trong mông gìa (Il n’y a pas de dévoilement sans un voilement).
Theo viễn tượng đó, hư vô chủ nghĩa cũng cần thiết với tư tưởng tồn lưu, hệt như gai góc cũng cần cho sự hiển hiện của tường vi, lùa bò cần thiết cho sim lục. Tảo mộ cần cho Đạp Thanh, Mã Giám Sinh cần cho Kim Trọng, Từ Hải Thúy Kiều cần cho sự phái triển tinh thể kỳ bí Hoạn Thư, Giác Duyên cần cho Tam Hợp, một gian nước biếc cần cho mây vàng chia đôi, bóng hoa đầy đất cần cho vẻ ngàn, da trắng cần cho da vàng, da đen cần cho da đỏ, da đỏ cần cho da xanh.”
Ai cũng tha thiết muốn sớm được khai tâm mở trí. Nhưng biết làm sao lựa chọn phương hướng đúng sai, khi đứng giữa rừng cảo thơm ngập đầu trong thư viện cuộc đời? Cũng muốn ngấu nghiến tất cả ngần ấy tác giả tham gia Lễ Hội, nhưng làm sao dung nạp vào bao tử bé con này tất cả những chủ thuyết méo tròn, những giá trị rối rắm ma quái, thật hư lộn xộn, thánh phàm trà trộn khích bác lẫn nhau? Bắt đầu từ đâu bây giờ? Những chủ thuyết ấy, quái thay, lại như có bề đã từng ăn sâu bám rễ vào tiềm thức, thân thiện bà con với tim gan máu huyết đang chảy trong mỗi giòng suy tư mà chúng ta vốn đã được phụ huynh truyền dạy bao đời.
Hễ chạm vào chỗ học thuyết nào thì dường như cân não ta dày thêm một lớp bụi bặm thành kiến nữa, thêm một đám sương mù âm u giữa rừng rậm nữa. Khiến lòng ta chẳng đủ tinh khiết để hình dung được tinh thể con voi đời đẹp xấu ra sao. Chẳng biết làm sao nhìn rõ mảnh hương sắc lừng vang của cô nàng thiên thu hồng nhan hồng lệ hồng trần. Đó, những lúc đó, chúng ta xem chú giải trên như là ngón tay chỉ cho thấy đâu là hằng nga và đâu là chú cuội xuất hiện giữa sương mù.
Ông Trần Trọng Kim với bộ Nho Giáo, chỉ cho chúng ta thấy ngấn tích trong sương mù Đông Phương cổ đại. Ông Bùi Giáng với Tư Tưởng Hiện Đại và Sương Tỳ Hải, chỉ cho chúng ta rõ những ngấn tung trong rừng sương tây Phương hiện thời. Lời Bùi Giáng:
“Bao năm nay, ngòi bút phê hình quỉ dị của người làm văn nghệ cứ liên miên như vô tình tàn phá, sa mạc lớn dần vào Phế Lụi Văn Chương, hình thành Tàn Phế Cảo Thơm cho Sa Mạc. Đó là ẩn ngữ đệ nhất hy hữu của hằng tồn mạt thế cho tuyệt trù hủy diệt Thần Đế Thể của Tuế Nguyệt Hy Nga.
“Mưa nguốn từ dộ tuôn ra
“Tới bao giờ dội màu hoa trên ngàn
“Đó là vấn cú.
“Vấn cú đó khước từ mọi đối thoại nào khởi từ những âm ỷ mưu toan lập lờ trù hoạch. Cõi Thệ Đa Lâm chưa chuyển dịch vào Hoàng Hôn Tinh Thể, thì Bình Minh Nguyên Thủy không thể nào hồi phục hoạt thể mình cho lãng mị Viễn Ngạn Như Lai và Đệ Tam Bình Minh Tử Trúc.”
( Trung Niên Chú Giải Mưu Nguồn)
Để giúp chúng ta thấu hiểu nguồn cơn trên, và giúp chúng ta dể dàng chia xẻ trận tiền thương-hải-tang-điền điên-tỉnh của Bùi Giáng, ta nên cần mẫn suy ngẫm qua đoạn văn thấm thía sau đây của Nietzsche, trong Triết Lý Hy Lạp Thời Bi Kịch, do Trần Xuân Kiêm tài tình diễn dịch:
“Nếu người ta cưỡng bách triết lý phải lên tiếng, thì triết lý sẽ có thể trả lời: “Hỡi dân tộc bất hạnh! Có phải lỗi của ta đâu, nếu ta phải sống trong một cuộc đời lang thang phiêu bạc trên đất mi, nếu như ta phải lẩn trốn và giả trang như thể ta là một kẻ tội đồ và các ngươi là quan tòa lên án? Hãy nhìn nàng Nghệ Thuật, chị em của ta! Nghệ thuật cũng chịu chung số phận như ta. Chúng ta phải tị nan nơi các dân tộc dã man và chẳng còn biết phải phụng hiến tâm thành của mình cho ai nữa. Nơi đây, quả thế, ta và Nghệ Thuật không còn lý do hiện hữu nữa. Nhưng các vị quan tòa đoán án chúng ta cũng sẽ lên án các ngươi nữa, và bảo cùng các ngươi: trước hết, các ngươi hãy có một nên văn minh đi đã, rồi các ngươi sẽ học biết được triết lý muốn gì và triết lý có thể là gì.”
Mỗi khi táng khí lung trạo trong mình, nghe những câu hát trên, buồn phiền tiêu tan mất, nỗi hân hoan bật dậy, sinh khí xỏa lộng bốn bề. Niềm vui biếng nhác trong mình, triền miên đã ngủ thình lình trở cơn. Yêu đời thắm thiết. Và đồng thời cũng buồn thắm thía cái nỗi buồn âm ỉ râm ran trong lời nói kia: Hỡi những dân tộc bất hạnh! Có phải lỗi ta đâu, nếu như ta phải sống một cuộc đời lang thang phiêu bạc trên đất mi… Xé lòng thật!
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Em có khóc? Ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng nghìn thu hận tan đi
(BG)
HƯƠNG MÀU NGUYÊN XUÂN
Thơ và văn, thi ca và tư tưởng của Bùi Giáng là một thực thể bất phân ly. Tư tưởng của ông được phô diễn bằng loại văn xuôi cũng du dương trầm bổng như thơ, và thuyền thơ của ông thường hằng căng phồng những tư tưởng phiêu nhiên lộng gió hà thanh trí hải.
Các hình thức ấy - thơ và văn - là phương tiện chuyên chở tư tưởng mà một nhà tư tưởng cảm nghiệm trên lộ trình đi qua cuộc biển đâu trùng điệp hương màu. Hương ấy có thơm hay là chẳng, và màu sắc ấy có rực rỡ hay không, đó là câu hỏi mà, thật ra, bất cứ ai ai cũng đã tự giải đáp bằng chính thái độ sống của mình. Không phải Bùi Giáng là người đầu tiên quyết nói về hương màu ấy một cách thấu đáo, rốt ráo – hương màu nguyên xuân – mà nhiều bậc anh tài Đông Tây đã đề cập suốt sử lịch ngàn năm. Nguyễn Du, Shakespeare, F.Nietzsche, Adré Gide, Albert Camus, Saint-Exupery, Trần Trọng Kim, Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ Dzếnh, Hoelderline… đã nói. Họ nói lặng lẽ trong hắt hiu tơ cỏ bất khả tư nghì, kín đáo đến nỗi nếu không có Bùi Giáng lên tiếng, thì chưa biết bao giờ chúng ta mới có dịp nhận ra. Mỗi người diễn tả bằng những loại rung cảm khác nhau, nhưng chung qui đã đồng thanh chỉ nói về mỗi một điều. Bùi Giáng cũng vậy, suốt đời miệt mài làm thơ, cặm cũi dịch sách, cần mẫn viết văn, cũng chỉ nhằm để thưởng ngoạn, và để giúp người khác nhận diện cái đó, thọ cảm cái đó, thưởng ngoạn cái đó, cái vẻ đẹp của cuộc đời như nó vốn là, chứ đừng hốt hoảng xâu xé khiến cho cuộc đời rách nát tan tành đứt ruột như nó thành ra.
Cái hương màu nguyên xuân bàng bạc lung linh ấy không phải là đối tượng dễ nắm bắt bằng cách nhìn ngắm, gạ gẫm, nhấm nháp,…, mà là cái chỉ có thể cảm nghiệm được khi ta hòa nhập cùng với nó, cùng hít thở với nó một bầu khí trời, cùng ca múa với nó từng khoảnh khắc trôi đi. Nếu ai đang “có” nó, cặp mắt họ tự nhiên bừng sáng, có thể nhìn xuyên thấu trái tim kẻ khác có hay không có một tình yêu phiêu bồng như thế. Các bậc chân nhân nhìn thấy hương màu của nhau chỉ qua một thoáng giây. Còn phàm phu tục tử đầu chưa ráo máu thì có khi mất trọn một đời mà vẫn chưa nhận diện ai là hiền nhân quân tử quanh mình. Khi quyết lòng ghì giữ ân tình duy nhất đó, thì ánh sáng sẽ dần dà soi rọi vào vạn sự. Chướng ngại tự nhiên bị tiêu trừ. Không còn ngoại cảm nào lay chuyển được nguồn hoang lạc trong lòng. Dù anh đang lạc loài giữa phố phường bình nguyên cũng nghe được tiếng chim rừng ca hát, dù anh đang cô độc giữa hoang vu sa mạc vẫn ngửi được mùi hương thơm ngát của châu thổ ruộng đồng.

Chính tình yêu nguyên xuân chan hòa, chính nhiệt huyết sơ đầu chan chứa, chứ không phải kiến thức khô chết băng lạnh được kết tập ồn ào làm nên cái vẻ đẹp thanh tịnh cao quí của chân nhân. Chính tình yêu thúc giục tinh anh phát tiết. Chính nhiệt huyết xô đẩy mưa nguồn tuôn trào.
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động dậy bên hoa một hàng
Đứa tìm ngõ chạy lang thang
Người trao đã chết theo tràng giang đi
(BG)
Nguyễn Du đã chết. Nguyễn Trãi đã chết... Bùi Giáng cũng đã chết. Những người trao đã dần dần trôi biệt. Những thánh thần đã tử diệt giữa phù du. Ngấn tích mà người trao công phu ngấn tồn đã chìm trong giông gió vô minh? Đời thơ mộng đang nổi chìm lênh đênh trong mộng tưởng? Kẻ tìm ngấn tích vất vưởng lanh thang trong cát bụi sa mạc vô ngấn tích? Đứa tìm lỉnh kỉnh lận đận trước đèn lần giở cảo thơm?
Nguời trao đã đi lưu ngấn tích. Kẻ nhận lung túng lơ ngơ chẳng biết phải thọ nhận làm sao. Ắt hẳn muốn lãnh hội trọn vẹn, kẻ nhận cần có những tố chất tương ứng đồng thanh. Nhưng ngặt nghèo là, làm sao kẻ thọ nhận có thể có những tố chất đó trước khi thọ nhận? Làm sao một kẻ đang mê có thể nhận cái hương màu của cảnh giới mà người ngộ trao cho?
Đây là đôi hia bảy dặm tạo nguồn sức mạnh đầy cảm hứng giúp thực hiện bước nhảy thần kỳ, vượt qua chướng ngại vật đó:
Tư tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng, là lúc chúng ta đã lịch-nghiệm-lĩnh-hội được rằng cái Lý Trí, vốn từ bao thế kỷ được xiển dương xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của Tư Tưởng.
( M.Heidegger, HOLZWEGE, Sương Tỳ Hải)
Như vậy, nếu chúng ta cảm biết có một chướng ngại trên hành trình đi vào cái cốt lõi, thì đó không phải do ta thiếu kiến thức, mà do chúng ta chưa thực sự giấn thân vào cuộc chiêm nghiệm độc lập, do chúng ta thụ động để người khác đặt định biện pháp và nội dung tư lường cho đầu óc mình, do chúng ta có sẵn quá nhiều định kiến, chúng ta đã trở thành người yên phận, bảo thủ. Chúng ta đã là nạn nhân khốn khổ, bị câu thúc oan uổng trong mây mù sương lạnh gây nên bởi những thế lực mù quáng trong tư tưởng. Hàng ngàn năm đã trôi qua như thế, chúng ta nối gót nhau củng cố những loại tri thức mốc meo chết chóc, và vô tình củng cố thêm thành trì lý luận cho ngục tối ngu si tồn tại, để nó khắc nghiệt giam hãm chúng ta.
Địa ngục đó sẽ giữ vai trò thống trị toàn diện và vĩnh viễn, nếu trong thâm tâm tất cả chúng ta thật sự đồng lòng nhắm mắt cam chịu, tự hành hạ thân xác , tự trấn an, tự lừa dối bằng cách ngụy tín rằng thượng đế muốn thế. Thật ra trong đáy lòng mỗi chúng ta, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc thỉnh thoảng hoặc thường xuyên, chúng ta vẫn thắc mắc, vẫn phân vân, vẫn nghi ngại. Nhưng chúng ta rụt rè, chẳng dám lớn tiếng nặng lời phàn nàn trước uy lực lẫm liệt vô hình của quỷ thần đồ sộ bề thế - hiện ra do óc tưởng tượng cồng kềnh giữa đêm tối hãi hùng. Chẳng trách chúng ta là những con người quá nhỏ bé, quá yếu đuối. Đọc được sự thật nhu nhược đó của tâm hồn chúng ta, những kẻ cơ hội tha hồ xông lên lợi dụng, khai thác tàn bạo sự nhẹ dạ của những con người khốn khổ.
May mắn thay, trong lịch sử địa cầu, đã kịp thời xuất hiện những quốc sắc Đông Tây, những anh tài Kim Cổ, những hoa đẹp trong rừng thẳm, những con chim đến từ núi lạ, quyết không chịu chờ chết cùng với bóng tối câm nín. Họ muốn khẳng định trái tim khao khát tự do, muốn ca hát, muốn tỏa hương, không muốn bị mê hoặc, cam chịu làm thân tôi mọi cho bọn phù thủy. Họ đã thà chịu bị Thời Buổi ngược đãi phũ phàng, họ vẫn can trường phơi bày hương sắc, lên tiếng hát ca, cho ánh sáng trở về soi rọi hiển minh cái dung nghi thiên hương quốc sắc của nàng chân lý, nàng mà vẫn thường được nghe đồn đãi xa gần nhưng chưa từng được tay bắt mặt mừng.
Họ, những con người tử diệt, những con đời phù du, họ vì chúng ta mà lên lời, vì chúng ta mà ca ngâm. Nhưng, một lần nữa, hai ba lần nữa, trăm ngàn đời nữa, anh em lại ngoảnh mặt với họ, thậm chí xua đuổi họ trắng trợn bằng nhiều hình thức. Do đó mà Khổng Tử phải ra đi, Nguyễn Du phải thở dài, Nguyễn Trãi phải chết cóng, Bùi Giáng phải nuốt nước mắt vào cổ họng nghẹn ngào:
Em có khóc? ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta? Lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng nghìn thu hận tan đi
MƯA NGUỒN TỪ ĐỘ TUÔN RA
Mưa nguồn từ độ tuôn ra
Tới bao giờ dội màu hoa trên ngàn?
Đó là một câu hỏi nghiêm trọng. Và cay đắng.
Muốn bơi lội vui chơi thỏa thích thật sự trên giòng thi ca tư tưởng Bùi Giáng, thì chúng ta tốt nhất nên nhảy vào bằng tấm lòng hân hoan của một trái tim mười sáu, lúc mà lòng chưa mang gánh nặng nề những loại sách vở bám đầy bụi bặm của những giáo điều ngàn năm khệ nệ lôi thôi. Những con mọt sách ấy giúp đỡ chúng ta thì ít mà cản trở chúng ta thì nhiều trong việc sinh nở những đứa con sáng tạo tinh khôi.
Bắt đầu nhảy vào suối nguồn hương màu nguyên xuân ấy. Khởi sự từ những thi sĩ quen thuộc nhất. Theo ngón tay chỉ của Bùi Giáng, hãy nhảy vào chổ suối thác mà Huy Cận đang ca hát:
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm về reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa
Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần giây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Hãy nghe lấy còn như sao rỉ rả
Hỏi làm chi tôi không biết trả lời
( Huy Cận)
Con người tài hoa sao mà cô đơn đau đớn! Con chim thiên tài phải than thở ngay trong lúc tha thiết ngậm suối yêu đời, phải khổ sở ngay khi âu yếm mân mê đắm đuối dặt dìu với trần gian thơ mộng. Người bình thường, khi yêu một người nhưng bị người ấy ruồng rẫy, đã là đau khổ lắm, huống hồ con chim tài tình Huy Cận, con cá tài hoa Bùi Giáng. Rất yêu cuộc đời, rất muốn cống hiến, vì huynh đệ bốn bề mà cố gắng giải trừ màn đêm tối tăm, xiển dương ánh sáng triều ngày, cho đến héo tim xanh, cho đến giây máu đỏ, vậy mà ai kia vẫn lạnh lùng không biết không hay.
Nỗi buồn thăm thẳm biết chừng nào.
Con cò trắng nhớ nhung trời bữa trước
Con cá xanh tư lự sóng hôm sau
Lòng miên man ta chỉ biết gục đầu
(BG)
Ta bước bên đường kêu gọi mãi
Nhớ người bạn cũ thưở anh niên
(Xuân Diệu ).
Người bạn ấy là ai? Huynh đệ ở đâu rồi? Sao ta vẫn một mình cô độc? Thì làm sao chia xẻ với ai nỗi hân hoan mà ta đang thu hoạch, giữa lòng ruộng nương bát ngát của cuộc đời? Thôi đừng hỏi nữa, hãy đi, hãy nhảy tòm xuống làn nước mát, hy vọng lời đáp sẽ hiện ra trong một trận ngẫu nhĩ về sau:
Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người dư tử đến nhằm hang
Những tưởng đem hương gởi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều
Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm
Tình yêu muôn kiếp vẫn là hương
Biết mấy lòng thương mở giữa đường
Đã mất tình yêu trong gió rủi
Không người thấu hiểu đến nguốn thương
Thiên hạ vô tình nhận ước mơ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ
Người si muôn kiếp là hoa núi
Uống nhụy lòng tươi tặng khách hờ
(Xuân Diệu)
Đó đích thị là niềm hoang lạc trường ký, và cũng chính thực là nổi buồn miên man vô tận. Nguồn hoan lạc đã thúc giực khởi sự lên đường, mặc kệ đã được dự đoán những điêu linh thống khổ suốt dặm trường trước mặt.
Người định đem hương màu sẵn có của mình hiến tặng cho mặt đất trần gian, nhưng trần-gian-vốn-xưa-kia-thanh-tân, nay đã qua tuổi thơ ngây, đang bận rộn với phần son trang điểm, hì hục chen đua cho đạt được cái giá trị mà chính họ cũng hoài nghi, đến nổi chẳng còn thì giờ dừng bước nghe tiếng kêu xuân xanh của chính trái tim mình. Lạ thay! Những Thi Sĩ tặng người ta những bài thơ rực rỡ hương màu xuân sắc, nhưng người ta quay lưng từ chối, bảo rằng hãy giúp họ sưu tầm những lý thuyết khét tiếng ràng buộc kỷ cương. Rồi họ cùng bạn hữu xô đẩy nhau đi tìm kiếm những ràng buộc, mặt mày hí hửng, trông có vẻ khoái trá trong cuộc chen lấn xôm tụ ngang hàng với kỷ cương ngăn nắp đề huề tề chỉnh nghiêm trang. Càng đông đúc kẻ tham gia, đoàn người càng lê thê kéo dài nhiều thế kỷ, họ càng vững tin vào chân lý xanh xao, mất máu, ù lì của đám đông tự mãn. Buồn vui thay! Buồn vui thay!

Mưa Nguồn từ độ tuôn ra
Tới bao giờ dội màu hoa trên ngàn?
Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm. Đem gởi hương cho gió phụ phàng. Hỡi ôi! Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm. Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá. Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm. Cuộc chuyển giao màu hoa y bát chưa biết sẽ bao giờ mới thắm gội mưa nguồn.
Mùa xưa rụng xuống trong chiều
Ta nghe đời mỏi liêu xiêu bước về
Cuộc tình gãy cánh đam mê
Mộng tan tác mộng bên trời phù du
Xót tình chút lệ phân ưu
Hồn hoang đá dựng hoang vu bãi sầu
(Chút Lệ Phân Ưu, 1986)
Hoàng hôn đá dựng. Hùng vĩ thật. Và buồn xót xa. Mùa xưa rụng xuống, nổi buồn mạt thế bữa trước lại trở về. Chút tình ta đang mang, món quà ta đang giữ, muốn trao cho những tâm hồn tuổi trẻ, nhưng những đám mây u ám đã kéo về che phủ, cả dương quan ban ngày và cả ít nhiều trăng sao vàng vọt hắt hiu ban đêm. Huynh đệ ơi, hỡi những trái tim thanh xuân háo hức, tìm đâu những khao khát sáng tạo dâng trào? Sẽ ra sao với nguồn thơ dạt dào tuôn chảy? Sẽ còn bao nhiêu rêu phong trải qua nữa trên ngấn tích đã in rêu!
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm kẻ chạy lang thang
Người trao đã mất theo tràng giang đi
Thân xương máu đã bảy mươi năm ủy mỵ thế này, còn đâu thì giờ nữa để chờ đợi hẹn hò trên đồi sim trái chín. Hàng ngàn bài thơ gấm thêu đã tuôn ra từ độ ấy, tới bây giờ sao vẫn chưa thấy dấu hiệu dội màu hoa? Cuộc tình gãy cánh đam mê. Mộng tan tác mộng bên trời phù du. Mưa nguồn từ độ tuôn ra, tới bao giờ dội màu hoa trên ngàn? Mùa xưa rụng xuống trong chiều, kim cổ vô cùng giang mạc mạc, anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu- chuyệm kim cổ vô cùng sông dài ngày đêm trôi vô tận mang mang, kẻ anh hùng mang mối hận thiên thu, lá cây bốn mùa nối tiếp nhau xào xạc.
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
(BG, Xuân Thu Trang Phượng)
Hình ảnh đẹp thật. Và đương nhiên quá xót xa. Hẹn với ta, hẹn với mình. Mối tình bất khả phân ly. Vì yêu em mà ta chịu bao ngược đãi, vì một lòng chung thủy với nàng mà ta phải hệ lụy xác thân. Ta như người điên giữa phố phường câm điếc, ta như kẻ dại giữa làng xã mù lòa. Thiên hạ đánh rơi mặt mũi thật của họ mà ngây thơ không hay biết, ta xót cho họ. Còn ta, đến lượt mình, chẳng lẽ ta nỡ lòng làm bộ vô tình rồ dại thiêu cháy cái bản lai diện mục của chính thị ta là? Em Mọi ơi, em hãy tin ta nhé. Ta vẫn yêu em suốt đời, dù phải ngạt linh hồn giữa chiêm bao ngất lịm, dù phải gánh lên vai buồng phổi lạnh bên chiều.
Mắt xin khép vì nghe buồn bước tới
Từ bốn bên gió đẩy lại hoang liêu
Lòng mang dại như mùa xa vời vợi
Gánh lên vai buồng phổi lạnh bên chiều
Cười nức nở nghe đời toan ngã gục
Ngày xuân xanh sơ ngộ để thiên thâu
Còn ngơ ngác hương màu lên mấy lúc
Ngạt linh hồn em lịm giữa chiêm bao
(BG)

NGÓ NGU NGƠ XƯA CHÍNH Ở CHỖ NÀY
Mắt xin khép vì nghe buồn bước tới
Từ bốn bên gió đẩy lại hoang liêu
Lòng mang dại như mùa xa vời vợi
Gánh lên vai buồng phổi lạnh bên chiều
Cười nức nở nghe đời toan ngã gục
Ngày xuân xanh sơ ngộ để thiên thâu
Còn ngơ ngác hương màu lên mấy lúc
Ngạt linh hồn em lịm giữa chiêm bao
(BG)
Khóc đó rồi cười đó. Như dại dại điên điên. Như say say tỉnh tỉnh. Vì yêu thế gian mà lên tiếng khóc. Vì giận cõi thế mà bật tiếng cười. Ngạt linh hồn em lịm giữa chiêm bao. Buồn thấm thía phải không em. Bước chân thi sĩ đành lặng lẽ một mình tiếp tục lên đường trong hoàng hôn dằng dặc của cõi đời. Lên đường nghĩa là lạc bước chân ra. Lạc bước chân ra nghĩa là rời bỏ quê nhà ra đi. Ra đi tất mùa xuân thanh tân bị thiên hạ dẫm nát tơi bời. Dẫm nát tơi bời nên phải cóng lạnh trong đông giá. Cóng lạnh trong đông giá nên phải vùng chạy để lên đường. Lên đường chính là ra đi. Ra đi chính là quay trở lại quê nhà. Trở lại quê nhà là trở về cố quận, quê xưa, bờ nước cũ, chốn hẹn hò của thưở xuân xanh ấm áp ngày nào. Nơi nơi ấy, chốn chốn này, có chân dung đích thực của mình, bản ngã mình, bàn lai diện mục của mình.
Người đứng đó ngày về tôi có thấy

Hai bàn chân trên cỏ lá ngàn xuân
Phong cảnh đã bốn bề cùng tôi nói
Linh hồn người là thiếu nữ thanh tân
Rồi tôi lớn đi vào đời chân bước
Cỏ mùa xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này
Người không ở vì chờ mong đã mỏi
Người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này
(BG, Chỗ Này)
A, hóa ra các Mẫu Thân vẫn duỗi dài hình hài suốt sử lịch đợi các con đoàn tụ. Em Mọi vẫn chờ mong các anh trên đồi sim, nơi ngàn thu có mưa nguồn rớt hột, nơi bốn mùa hoan hỉ dưới ánh mười sáu trăng vàng. Em vẫn đợi chờ anh ở đó, sao còn chạy lang thang tìm kiếm loanh quanh! Hạnh phúc đang trong tầm tay với. Bồng lai chốn ấy không xa, niết bàn cố quận hiện ra diện tiền, hoa ngàn gió núi thần tiên, thổi về thành thị nối liền xã thôn.
Chạy đi em! Về Phố Thị Diện Tiền
Đừng chất vấn hậu tình căn cớ tại
Người một thưở từng mang Sầu Đại Hải
Đã một lần chăn chiếu mục Ra Hoa
Chạy đi em về Phố Thị Chan Hòa
Hồn phong vận sẽ ra hoa lượt nữa
Phố theo Thị thắm theo hàng Cỏ Ưa
Phường Theo Thôn Thành Thị Xã Thôn Làng
Lập Thành Lễ Hội Thang Lan
Như mùa tích lục đa mang tham hồng
( BG, Bước Chước Ông Khâu)
Khổng Khâu thoạt tiên muốn đem cái Đạo Trời ra giúp vua Lỗ trồng trọt gầy dựng cây cao bóng cả cho lễ hội thế gian tưng bừng trong Lễ Nhạc, nhưng vua Lỗ não nùng từ chối. Ông Khâu kiên nhẫn tiếp tục lên đường du thuyết, dù phải chịu phũ phàng lần lượt, từ vua nọ đến vua kia, vì không có lỗ tai của vua nào đủ thính để nghe, không có cặp mắt của vua nào đủ sáng để thấy. Nhưng ông Khâu chẳng cho như thế là điều đáng tuyệt vọng. Nay ông Giáng bắt chước ý chí ông Khâu, thôi chẳng trách cái nỗi đời lạnh lẽo, thôi chẳng than phiền cái non nước lạnh lùng, thôi đừng giận dỗi cái phồn hoa sa mạc chang chang phố thị. Chim từ núi lạ sẽ hót vào tai người. Hoa thắm sẽ nở thơm giữa sa mạc. Hồn phong vận sẽ được thi đàn du dương khuây khỏa.
“Ta hứa hẹn với các ngươi cuộc canh cải và trận trùng tu, hỡi những người con tử diệt, nếu các ngươi khá lanh lợi khéo léo, khá đủ đức hạnh và dõng cảm để thi hành những cuộc đó với bàn tay mười một ngón của các ngươi.” Nếu quả thật như vậy, nếu sự giải cứu ở trong bàn tay chúng ta, thì trước câu chất vấn của thế kỷ, tôi sẽ trả lời “vâng ạ” và ấy chính bởi niềm tin nơi sức mạnh ưu tư và lòng can đảm thông trải ngọn ngành luôn luôn tôi nhận thấy ở một vài người tôi quen biết. “Hỡi Nữ Thần Công Chính, hỡi thân mẫu của con. Ngươi có thấy thiên hạ ngược đãi con đau đớn đến thế nào.”
Prométheé kêu to như vậy. Và thần Hermes diễu cợt vị anh hùng:- “ta rất lấy làm ngạc nhiên về cái chỗ: nhà ngươi vốn dĩ là thấy bói tiên tri mà không tiên đoán được cuộc khổ hình ngươi phải chịu ngày nay.” – “ Ta vốn có biết chứ”, Prométheé đáp. Những con người tôi nói tới đây, họ cũng là những đứa con của nữ thần công chính. Họ biết chính cái sự vụ này: không có công chính nào mù quáng, mà lịch sử thì không có mắt, vậy thì cần chối bỏ lẽ công chính của lịch sử và thay thế bằng lẽ công chính của tinh thần quan niệm, thay thế đắp điếm được chừng nào hay chừng nấy. Chính đó là chỗ để Prométheé ghé bước trở về bận nữa trong thế kỷ của chúng ta.
…Đôi lúc tôi hoài nghi không dám quyết rằng còn có cơ hội giải cứu con người ngày nay. Nhưng dù sao cũng còn có thể giải cứu lũ con cái của con người ngày nay trong phần thể phách và tinh anh của chúng…”
( BG, Sương Tỳ Hải, Prométheé Tại Địa Phủ)
Ngẫm nghĩ cái lời của ông Camus vừa nói, chúng ta nhân đó hiểu được cặn kẽ cuộc ghé bước trở về của ông Khâu, ông Du, ông Trãi, ông Diệu, ông Kim, ông Cận, ông Giáng, ông phong vận Nietzsche vân vân. Hãy đọc lại suối thơ ông Giáng:
Chạy đi em! Về Phố Thị Diện Tiền
Đừng chất vấn hậu tình căn cớ tại
Người một thưở từng mang Sầu Đại Hải.
Đã một lần chăn chiếu mục Ra Hoa
Chạy đi em về Phố Thị Chan Hòa
Hồn phong vận sẽ ra hoa lượt nữa
Phố theo Thị thắm theo hàng Cỏ Úa.
Phường Theo Thôn Thành Thị Xã Thôn Làng
Lập Thành Lễ Hội Thang Lan
Như mùa tích lục đa mang tham hồng
Coi kìa, cảnh đời đẹp quá! Vừa như chưa từng thấy, vừa như đã từng thấy tự bao giờ! Ta vừa ngủ trong luân hồi tỉnh dậy / Thấy trần gian là một hội hoa đăng (Huy Can).
Ồ! Lễ hội trần gian tiếp nối tưng bừng, từ ngàn xưa cho đến mai sau. Từ thành thị huyên náo cho tới thôn quê êm đềm, từ cao nguyên rừng rậm xuống bình nguyên ruộng lúa. Khắp chốn nở hoa, khắp nới trăng mọc. Hương màu hòa quyện, rực rỡ đôi bờ. Miền bên đây cũng hoa vàng óng ả, mép bên ấy cũng tha thướt xanh um. Ranh giới tiếp giáp thị phi không còn khắt khe trong tinh thần mạc cả gùn gè. Sầu miên man cũng là vui bát ngát. Ca hát tưng bừng cũng rộn rã như thiêm thiếp ngủ quên. Giận em cũng là để đoan chắc tình ca chân thật. Hờn anh là để ngăn cản hiểm họa chia lìa. Ta điên là để thức tỉnh kẻ mê, ta tỉnh là để chuyện trò với người ngộ. Nắng nào dịu dàng cùng cười đùa với muôn hoa rực rỡ, vậy là màu nắng tốt tươi. Nắng nào gay gắt luôn tuồng xui nên cỏ úa, vậy là nắng gián tiếp réo gọi mưa về. Mưa trúng tiết làm cho đồng lúa trổ bông, và mưa dầm dề tầm tã cũng đã vùi dập bao hàng tường vi tơi tả. Hoa tươi, cỏ úa, lúa tốt, tường vi vùi dập, thảy thảy đều rộn rã trong lễ hội địa cầu.
Không có một cái gì xuất hiện trên cõi đời mà hoàn toàn vô bổ. Không có một loại thảo mộc nào mà chẵng phải là thảo dược. Hãy tùy theo tình trạng sức khỏe mà mình chọn lựa, cho thân xác trổ bông, cho con chim không còn bịn rịn, cho hoa thắm gieo niềm tin vào gió mát, cho anh và em được chan rưới mưa nguồn, cho lễ hội trần gian vẫn tưng bừng hương sắc.
Nào, ta cùng em khiêu vũ, Em Mọi của anh! Nhảy múa như anh vậy, và đừng chất vấn hậu tình căn cớ tại tại do đâu…
- Nhưng, anh Giáng ơi, -- Cô Em Mọi lên lời – anh đừng lạc quan yêu đời khiêu vũ múa may tha thiết điêu luyện quá mức như thế, hãy chầm chậm dìu em đi với chứ. Anh thấy không, làm sao bàn chân bé nhỏ của em có thể phiêu hốt phiêu bồng giữa ba đào thế kỷ đang tái diễn cuộc giậy sóng trở cơn hung hãn thị phi điên đảo ?
- Xin lỗi Em Mọi. Quả là anh có say sưa hăng hái du hý phiêu bồng quá tay. Bây giờ em hãy chậm rãi ngu ngơ vén xiêm ngồi xuống chính chỗ này, uống một chút nước suối tiên rót từ hang khe cuộc đời cắc cớ cho đỡ mệt.
Sau khi Em Mọi cạn ly suối mát, Bùi giáng dịu dàng an ủi cô nàng thế này:
“Có những tội ác do dục tình, phẫn nộ, và những tội ác do luận lý. Nhưng bộ Luật biện biệt chúng, một cách khá giản tiện, bởi sự cố ý, dự mưu. Chúng ta đang ở trong thời đại của dự mưu và tội ác thập hoàn toàn bị
“…Chính triết học đã phục vụ mọi thứ, ngay cả việc biến đổi kẻ giết người thành quan tòa xét xử.
“…Nhưng khởi từ lúc con người ta, vì thiếu khí lực cốt cách, đã chạy mò chạy mẫm tìm ban cấp cho mình một chủ thuyết để nương náu, khởi từ cái lúc mà tội ác lên tiếng lý luận để tự minh xác mình, nó đâm hoa kết nụ như chính luận lý vậy, thì từ đó nó mang đủ khuôn mặt của tam đoạn luận. Xưa kia nó cô độc đơn thuần như tiếng kêu, bây giờ, đó đó, nó trở nên lai láng phiêu bồng phổ biến như khoa học. Hôm qua nó bị xét xử, bữa nay nó thiết lập luật pháp để xét xử.
“ …Vào những thời đại thơ ngây mà một bạo chúa có thể đạp đổ điêu tàn hàng hàng phố thị cho lăn lóc chơi…, thì, trước những tội ác kỳ tuyệt bao xiết thơ ngây như thế, lương tâm chí thiện của con người có thễ đứng vững vàng không nao núng, và óc phán xét của con người có thể giữ được minh mẫn trong suốt. Nhưng thời đại này? Những trại tâp trung nô lệ dưới ngọn cờ tự do, dưới lệnh bài phóng dật giải phóng phiêu bồng, những cuộc đồ sát lệch đất nghiêng trời được biện chính bởi tình yêu nhân lọai hoặc thói nhà băng tuyết tài danh, hoặc chất hằng siêu nhân phong nhã, vâng, những sự vụ đó quả thật là xui khiến tinh thần phán đoán, óc suy xét, phải bàng hoàng hoang vu.”
(Camus-Sương Tỳ Hải)
Đó là nguồn cơn sự giấy động của tinh thần phản kháng. -Làm sao Em Mọi này có thể chia sẻ cho được cuộc giấy động ấy? Hội hoa đăng địa cầu làm sao có thể duy trì ngay trong cuộc đảo lộn thứ ngôi kia?
“Đoạn trường là cuộc phiêu lưu chung. Rằng: “người ta tự nghìn xưa…” Vậy thì, bước tiến bộ đầu tiên của một tinh thần choáng váng trước nỗi đời xa lạ kỳ ảo, ấy là: nhìn nhận rằng mình chia sẻ mối kỳ ảo quỷ dị đó với mọi người, và thực-tại-người, trong toàn thể, cùng đau đớn vì khoảng cách biệt ngăn chia mình với mình, mình với ta, mình với cõi doanh hoàn. Một kẻ riêng biệt chịu đọa đày, thì toàn thể nhân gian mang dịch hạch, trong cơn thử thách mà hằng ngày chúng ta chịu đựng, tinh thần phản kháng đóng vai trò giống như cái “tôi suy tư” trong lĩnh vực tư tưởng: đó là sự hiển nhiên đầu tiên vậy. Nhưng sự hiện diện đó lôi xốc cá nhân ra khỏi cơn cô độc của mình. Đó là một cõi chung thiết lập giá trị đầu tiên nơi mọi người. Tôi phản kháng, vậy thì chúng ta hiện hữu.”
(Camus- Sương Tỳ Hải)
Nhớ rằng, đó chẳng phải lời của anh, mà của Camus.
- Anh xử sự ra sao trước tình huống đó?
- Thì có Lẽ
Như bây giờ lần nữa
Mội bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn
Lời gây cấn đầu thai trên vó ngựa
Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn
(Phản Kháng & Nghệ Thuật)
- Anh nói vắn tắt quá, em chưa nhìn ra. Tại sao…
- Ắt hẳn anh không thể cùng một lúc thuật lại tất cả ngàn ngàn vạn vạn lời lời của chân nhân vạn đại. Muốn nghe thêm cái điều đó, thì hãy đọc Sương Tỳ Hải. Còn muốn cặn kẽ mọi ngọn ngành, thì tất phải tự suy tư, tự đặt vấn đề và tự mình tìm ra giải đáp. Mỗi người đều phải vạch ra cho riêng mình, tự tìm về quê quán của chính mình, chứ không phải quê nhà của ai người thiên hạ.
-Tại sao…? Do đâu…? Làm thế nào…? Răng…rứa? Cô Em Mọi hỏi dồn dập.
Bùi Giáng vung mộc trượng, vừa múa vi vu vừa cười cười nói nói:
“ Thưa rằng hỏi nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi về”
Rồi Bùi Giáng và Cô Em Mọi nhập vào làm một, nương theo đàn chim thiên di, đằng vân bay vào trong cõi Thái Hư Tịch Mịch, để lại chiếc thuyền con chòng chành bỡ ngỡ trước muôn vạn lối về giữa sóng nước mênh mông.
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
Trên thuyền, anh em ta ngồi lại với nhau, người này nhìn sang người nọ, chợt nhận ra - lần đầu tiên có lẽ - cái điều mà xưa nay ta cứ tưởng đã thấy rõ rồi: mỗi người chúng ta đều có một gương mặt riêng biệt, một quê nhà riêng tư, một con đường trước mặt chẳng giống với lối về của bất cứ một ai ai. Chỉ có mình tự tìm cõi tịnh độ của riêng mình mà thôi vậy.
"Phàm phu bất liễu tự tánh, bất thức thân trung tịnh độ, cầu đông cầu tây. Ngộ nhân độ xứ nhất."
Nguyễn Quang Thanh

1 nhận xét:

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...