Nam Cao và niềm khát vọng về một cuộc sống có phẩm giá, có tư cách
Nguyễn Văn Hạnh
Nam Cao (1915 - 1951) tên thật là Trần Hữu Trí, quê ở làng Đại Hoàng, nay là xã
Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà. Trước 1945, có lúc Nam Cao dạy học ở một
trường tư thục, nhưng khi trường bị đóng cửa, ông sống bằng nghề viết báo, viết
văn, làm gia sư. Năm 1943, Nam Cao gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Bị
khủng bố, ông phải lánh về quê và tham gia Tổng khởi nghĩa tại đó. Năm 1946,
Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào đến Nam Trung Bộ. Sau đó, ông lên
chiến khu Việt Bắc, làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn nghệ ở Trung ương,
tham dự chiến dịch biên giới năm 1950. Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công
tác vùng địch hậu, Nam Cao bị giặc Pháp phục kích bắt và bắn chết tại bốt Hoàng
Đan ở Ninh Bình.
Trong công tác, Nam Cao là một người chu đáo, có tránh nhiệm. Sau 1945, nhiều
bạn bè đã nhìn thấy ông làm việc rất hăng say. Khi làm báo, làm việc ở xưởng in
bên cạnh anh em công nhân, ở chiến dịch biên giới, hay trong đoàn cán bộ vào
vùng địch hậu, người ta như bắt gặp một Nam Cao khác, không phải một Nam Cao
rụt rè, nhút nhát, mà một Nam Cao dũng cảm, xông xáo, xung phong đi đầu trong
khó khăn.
Nam Cao bắt đầu viết từ năm 1936. Ngoài truyện, ông còn làm thơ, soạn kịch.
Nhưng chỉ từ năm 1941, với truyện Chí Phèo, ông mới thể hiện rõ tài năng độc
đáo và xác định chắc chắn vị trí của mình trong nền văn học dân tộc.
Nói về sáng tác của mình trước 1945, trong một bản tự thuật, Nam Cao kể lại:
"Ngoài những truyện ngắn đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy và một số sách
nhi đồng (Truyền bá, Hoa mai)... đã viết một số tiểu thuyết dài, nhưng vì bị
kiểm duyệt bỏ hay vì dài quá không in được: Ngày lụt, Cái mấu, Chuyện người
hàng xóm, Sống mòn v.v... (trừ bản thảo Sống mòn vẫn còn giữ được, còn lại đều
mất hết vì đã bán cho các nhà xuất bản cả rồi).
Do tình hình tác phẩm bị thất lạc rất đáng tiếc như vậy, cho nên ngoài vài vở
kịch và dăm bài thơ không có gì đặc sắc và do đó ít được nhắc đến, tác phẩm của
Nam Cao đến được với người đọc hôm nay chỉ gồm hơn 60 truyện ngắn, một tiểu
thuyết và mấy tập bút ký.
Những truyện ngắn viết trước 1945 của Nam Cao đáng chú ý nhất là Chí Phèo, Dì
Hảo, Nhỏ nhen, Cái mặt không chơi được, Lão Hạc, Trẻ con không được ăn thịt
chó, Một bữa no, Sao lại thế này, Điếu văn, Từ ngày mẹ chết, Mua danh, ở hiền,
Trăng sáng, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách mõ, Đời thừa, Mua nhà, Những truyện
không muốn viết, Cười, Quên điều độ, Nước mắt, Đón khách... Tiểu thuyết Sống
mòn của Nam Cao hoàn thành năm 1944, nhưng mãi đến năm 1956, sau khi nhà văn
mất, mới được xuất bản lần đầu. Truyện ngắn có giá trị nhất của Nam Cao viết sau
1945 là Đôi mắt. Ngoài ra, trong thời gian này, ông còn có nhật ký ở rừng thể
hiện rõ những chuyển biến tư tưởng của nhà văn trong những ngày tham gia kháng
chiến.
Nam Cao quan tâm đến cả sinh hoạt nông thôn và thành thị, miêu tả nhiều loại
người, đặc biệt là nông dân và trí thức nghèo. Nhưng dù miêu tả thành phần xã
hội nào, ông vẫn đi sâu vào các số phận, các kiếp người, như chính nhà văn
thường nói. Thái độ thương cảm, lòng trắc ẩn của ông dành nhiều cho những người
cùng khổ, những người "dưới đáy" của xã họi những người hiền lành
chất phác, nhưng đời sống quá vất vả, cơ cực, số phận hết sức hẩm hiu. (Nghèo,
Dì Hảo, Lão Hạc, Một bữa no, Từ ngày mẹ chết, ở hiền).
Một loại nhân vật khác phần lớn cũng từ nông dân lao động nghèo mà ra, nhưng do
những hoàn cảnh đặc biệt đưa đẩy, đã trở thành những tay trộm cướp, lưu manh,
những con người bị tha hóa, bị què quặt cả về thể xác và tinh thần. Những con
người ở bên lề xã hội hay phá phách này, cùng với những người điên, những người
câm, những người dị dạng kỳ quặc đủ loại, càng tô đậm thêm bộ mặt cùng quẫn, bế
tắc, mất nhân tính của xã hội (Chí Phèo, Đôi móng giò, Lang Rận, Tư cách
mõ...).
Một loại nhân vật thứ ba khá đông đúc trong tác phẩm của Nam Cao, khác với hai
loại người trên ở chỗ có trình độ học vấn, có ý thức hơn về thân phận, có nhiều
băn khoăn suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị làm người. Đó là những
thầy giáo tiểu học, những viên chức nhỏ, những người làm báo, viết văn. Chính
qua những người như Thứ, như Điền, như Hộ, như Độ, nhà văn đã trực tiếp gửi gắm
những suy nghĩ của mình về cuộc sống, về nghệ thuật (Trăng sáng, Đời thừa, Sống
mòn, Đôi mắt...).
Thông thường, ở một tài năng viết truyện, viết tiểu thuyết, thì sức mạnh tư duy
sáng tạo tập trung ở nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nam Cao, với khuôn khổ hạn
chế của truyện ngắn, đã xây dựng được cả một loạt nhân vật để lại những ấn
tượng khó phai mờ ở người đọc. Nhiều nhân vật của Nam Cao thật sự là những phát
hiện mới mẻ, hết sức độc đáo, có khả năng tái sinh trong văn học về sau. Đó là
các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Người ta cũng rất
khó quên những nhân vật như Bá Kiến, Lão Hạc, dì Hảo, Thứ, Hộ, văn sĩ Hoàng.
Nhân vật của Nam Cao rất sinh động. Người đọc tưởng như có thể nhìn thấy họ
đang đi lại, ăn uống, nói năng, cười khóc trước mặt mình. Chất sống ở những
nhân vật của Nam Cao là do chất sống của cuộc đời thực mang lại. Nhà văn chọn
lựa rất tinh những mẫu người, những chi tiết đặc sắc nhất để đưa vào tác phẩm.
Trong miêu tả nhân vật không phải lúc nào Nam Cao cũng chú ý đến ngoại hình.
Nhưng, khi cần, Nam Cao cũng chứng tỏ biệt tài khắc họa ngoại hình nhân vật.
Thí dụ như trường hợp Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, Trạch Văn Đoành. Những con
người với ngoại hình không bình thường, quái dị ta vẫn gặp ở ngoài đời, nhưng
ngòi bút của Nam Cao khiến chúng ta nhìn chăm chú hơn vào họ và giật mình sửng
sốt: hóa ra một phần của cuộc sống đã biến dạng, đã xấu xí, đã thoái hóa đến
như vậy!
Nam Cao thể hiện sở trường ở miêu tả nội tâm, miêu tả diễn biến tâm lý của nhân
vật. Nhà văn thường để cho nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình, một
mình tự nói với mình, sử dụng rộng rãi biện pháp độc thoại nội tâm, độc thoại
bên trong. Điều này hết sức rõ rệt ở những nhân vật trí thức như Điền, như Hộ,
như Thứ. Nhưng ngay cả những người tăm tối mà sự sống tưởng như chỉ quy vào tồn
tại sinh vật, như Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, anh cu Lộc. Cũng có đời sống nội
tâm. Đời sống nội tâm, sự suy nghĩ, trăn trở là dấu hiệu của tính người, của
trình độ sống.
Nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam
Cao là chất trữ tình ấm áp, lây truyền, thấm đậm hầu hết các trang viết của
ông. Chất trữ tình này bắt nguồn từ nỗi buồn thương, đau đời của ông trước nỗi
khổ không cùng của con người, từ lòng khao khát của ông về một cuộc sống có
tình người, có phẩm giá, có tư cách. Chất trữ tình này cũng tăng thêm do chỗ
nhà văn thường đi sâu vào tâm hồn, tâm trạng nhân vật, trực tiếp bày tỏ thái
độ, tình cảm, tư tưởng của mình về cuộc sống, do tính chất tự truyện trong nhiều
tác phẩm của ông.
Tài năng của Nam Cao thể hiện rõ ở chỗ: hầu như chỉ viết về cái hằng ngày, cái
đời thường, với một cách viết khá dung dị và tự nhiên, ngòi bút của ông đã tái
hiện những cảnh đời, nêu lên những chủ đề có tính chất xã hội và nhân văn sâu sắc,
phảng phất mùi vị triết lý, khiến người đọc không chỉ một thời mà nhiều thời
đọc đi đọc lại tác phẩm của ông. Tác phẩm của Nam Cao như những câu hỏi cứ xoáy
sâu vào tâm trí người đọc, không phải câu hỏi "tồn tại hay không tồn
tại", "sống hay không sống", mà là sống như thế nào cho ra sống,
sống thế nào cho có phẩm giá, có tư cách, và muốn như vậy con người phải làm
gì? Tư tưởng nhân văn chứa đựng trong các tác phẩm của Nam Cao không đơn thuần
là lòng thương người, sự cảm thông với những con người bất hạnh, mà thức tỉnh
danh dự làm người, buộc con người phải suy nghĩ về thực trạng mình đang sống,
tìm cách để thoát ra khỏi kiếp sống thừa, sống mòn vô nghĩa. Đó là tư tưởng
nhân văn mang nội dung tích cực. Dễ hiểu vì sao sau 1945, nhà văn đau đời,
thương người ấy lại thiết tha như vậy với cuộc sống mới, say mê hoạt động như
vậy, vừa với tư cách là nhà văn, vừa với tư cách công dân.
Nam Cao cũng là nhà văn có phần đóng góp quan trọng bậc nhất vào sự phát triển
ngôn ngữ văn xuôi dân tộc.
Cũng như nhiều nhà văn hiện thực thời kỳ 1932 - 1945, Nam Cao rất chú ý khai
thác tiếng nói hằng ngày của người dân, sử dụng có chọn lọc tiếng địa phương,
tiếng nghề nghiệp trong tác phẩm của mình. Ngôn ngữ của ông phong phú, biến
hóa, đầy sức sống, vừa có tính chuẩn mực của ngôn ngữ văn học dân tộc, vừa
không rơi vào tình trạng "sách vở", trau chuốt thái quá thành nghèo
nàn, giả tạo mà ta có thể bắt gặp trong một số tác phẩm lãng mạn thời đó. So
với các nhà văn cùng thời, ngôn ngữ của Nam Cao đến bây giờ là ngôn ngữ ít cũ
đi nhất. Chỉ cần đọc lại truyện Chí Phèo, thậm chí chỉ đoạn mở đầu truyện này,
viết cách đây đã hơn nửa thế kỷ, ta sẽ thấy ngay ngôn ngữ của Nam Cao giàu có
và sinh động như thế nào, hiện đại như thế nào.
Nam Cao là một nhà văn trong ý nghĩa đích thực và cao quý của khái niệm này.
Ông là một nghệ sĩ, một nhà tư tưởng, một bậc thầy về tiếng Việt. Người đọc
hứng thú, tự nguyện đến với ông vì tính chất chân thực, nhân bản sâu xa trong
những tác phẩm của ông, vì ông sớm cảm nghe được một cách chính xác khuynh hướng
hiện đại trong sáng tác văn học và thể hiện nó một cách thành công qua việc lựa
chọn và miêu tả những hiện tượng tiêu biểu của cuộc sống, qua cách kể chuyện,
cấu tạo tác phẩm và sử dụng ngôn ngữ thật mới mẻ và sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét