Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Phụ âm L và những từ láy chỉ nhân cách


Phụ âm L và những từ láy chỉ nhân cách

 Hoài Việt 
Trong ngôn ngữ Việt, người ta thấy có nhiều từ láy phụ âm L chỉ nhân cách. Nói về một người đàn bà mà tính trăng hoa phát lộ ra đầu máy cuối mắt hoặc "Không chồng mà chửa" như trong thơ Hồ Xuân Hương, người ta dùng từ lẳng lơ . Ca dao có câu rất đáo để bênh vực những cô Thị Mầu ngoài cuộc đời:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Hay:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ
Nói về một cô gái sống đa tình lãng mạn, người ta có thể dùng từ lả lơi để bình phẩm: "Cô ấy lả lơi lắm!".
Người ta dùng từ láy lăng loàn để chỉ một người đàn bà sống không biết trên dưới, không chuẩn mực, tàn hại gia phong.
Còn đối với một người đàn bà ở quê hay ăn quà vặt đầu đường cuối chợ, không giữ ý tứ, người ta thường phê phán nặng lời: con mụ ấy hay la liếm. Đối với người còn trẻ không chịu học hành tu thân chỉ ham chơi bời, đàn đúm, người ta dễ bình nghị: "Con nhà ấy lêu lổng lắm".
Lẳng lơ, lả lơi, lăng loàn, la liếm, lêu lổng dẫn ra trên đây là những từ láy phụ âm L chỉ nhân cách và đối với người Việt, chỉ cần một từ láy như thế cũng đã khiến họ cảm và hiểu bản chất hoặc tính cách loại người được chỉ ra.
Riêng từ láy phụ âm L kể tả nét mặt cũng có nghĩa là nói về nhân cách "trông mặt mà bắt hình dong", có thể dẫn ra: láu lỉnh, lì lợm, linh lợi, lầm lì, lạnh lùng, lấc láo, lấm lét... Khi một người nào đó nhận xét: "Cậu ấy trông mặt lấc láo thế nào ấy" chẳng hạn, là có ý không hài lòng về dáng vẻ không đàng hoàng tử tế của ai đó. Thế nhưng nhận xét "thằng bé trông linh lợi lắm" lại là có ý khen ngợi.
Phương ngữ Nam Bộ có từ lí lắc để chỉ vẻ hồn nhiên, nhí nhảnh của cô gái hoặc đứa trẻ. Ca từ quan họ có từ láy lúng liếng để chỉ đôi mắt yêu đời, đa tình của nam thanh nữ tú nhất là trong dịp hội xuân quan họ ở vùng quê Kinh Bắc, nơi sản sinh ra một làn điệu dân ca mê đắm lòng người:
Lúng liếng là lúng liếng ơi
Có về quan họ cho tôi theo cùng..
Cũng như hầu hết những từ láy trong khối từ đáng kể - hơn 6.000, từ láy phụ âm L chỉ cách rất khó xác định nguyên gốc nguyên nghĩa, rất khó giải thích tại sao lại nói thế, gọi tên sự vật và người như thế. Người Việt hiện đại chấp nhận như là "nó vốn thế" và chỉ có người Việt am tường tiếng mẹ đẻ, dùng thuần thục tiếng Việt mới có thể cảm thấy hết cái hay của nó và giá trị tu từ của nó trong cách nói và cách viết. Cũng có một số từ, người ta có thể căn cứ vào "từ gốc" để giải thích từ nguyên. Ví như từ lươn lẹo để chỉ một người có tính uốn éo dối trá, có thể xuất xứ từ hình ảnh con lươn chui luồn dưới bùn đất chăng? Từ lật lọng để nói về một người không giữ chữ tín, tráo trở, có thể bắt nguồn từ động từ "lật" - chỉ sự thay đổi xấp ngửa. Cũng có một số từ người ta có thể giải thích từ nghĩa bằng tính tượng hình ví như nói vẻ hung hãn của một người chẳng hạn, người ta có thể mô tả: lão ấy lồng lộn lên, trông hãi lắm! Lồng lộn là một từ tượng hình chỉ hành động bùng phát của người hoặc động vật.
Còn có thể dẫn ra thêm nhiều từ láy phụ âm L kể tả nhân cách con người như lố lăng, luồn lọt, lầm lụi, lặng lẽ, lơ láo, lén lút, leo lẻo... Điểm khác biệt là hầu hết những từ láy phụ âm L kể tả nhân cách không thể láy tư như thường thấy ở những từ láy loại khác chỉ trạng thái sự vật. Ví như lằng nhằng nhấn mạnh thành lằng nhà lằng nhằng, lôi thôi thành lôi tha lôi thôi, ngoằn ngoèo thành ngoằn ngoà ngoằn ngoèo.... Ở đây người ta không liên quan gì đến mặt ngữ âm. Hình như do nhu cầu tính cách con người cần được chỉ đích danh thì phải. Ví như chỉ đích danh người lẳng lơ là lẳng lơ, việc láy tư lẳng la lẳng lơ là thừa, là vô nghĩa; trong khi đó một từ chỉ trạng thái sự vật như lòng thòng chẳng hạn, khi cần nhấn mạnh người ta láy tư lòng thà lòng thòng.
Từ láy là một đề tài ngôn ngữ phong phú và hấp dẫn, từ láy phụ âm L chỉ nhân cách là bộ phận độc đáo của ngôn ngữ Việt thuần Việt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...