Chất trào lộng Tú Mỡ
Nguyễn Khải
1 - Tú Mỡ và báo giới
Tối 24-4-1937, tại sân quần Coulier, Hà Nội, đã khai mạc hội nghị báo giới Bắc
Kỳ để chuẩn bị cho hội nghị báo giới toàn quốc. Có hai trăm người dự họp thì có
đến một trăm lính cảnh sát giữ trật tự. Nhiều người bị soát giấy rất gắt phải
bỏ về (nên nhớ lúc này Mặt trận Bình dân đã lên cầm quyền ở Pháp được một năm
rồi). Hội nghị ra mấy nghị quyết: Một là, thực hành chế độ báo giới ở chính
quốc cho các báo quốc văn và Pháp văn ở Đông Dương. Hai là, đại xá những người
viết báo bị can án do những đạo sắc lệnh hiện hành ở Đông Dương. Hội nghị đã cử
một ủy ban lên yết kiến Toàn quyền Brévié để nhờ ông giúp cho cuộc vận động về
tự do ngôn luận. ủy ban còn phải yết kiến Thống sứ Delsalle và Đốc lý Hà Nội
Virgitti nhờ các ông ủng hộ quyền tự do báo chí. Còn đang tràn ngập hy vọng về
quyền tự do ngôn luận và lập nghiệp đoàn báo giới sẽ được các nhà cầm quyền ở
Đông Dương dưới thời Chính phủ Bình dân chấp thuận thì đùng một cái, chủ nhiệm
Nguyễn Văn Tiến và quản lý Trịnh Văn Phú của báo Le Travail bị Sở mật thám bắt,
báo quán bị khám xét vì có nhiều bài trên báo bị nghi ngờ có liên can tới những
thủ đoạn lật đổ. Ban quản trị vừa được hội nghị báo chí bầu liền họp ngày 9-5
dưới sự chủ tọa của ông nhà báo Tây Clémenti yêu cầu trả lại tự do cho hai nhà
báo bị bắt giữ trái phép. Nhưng ông Clémenti lại nói là ủy ban được cử ra để
chuẩn bị cho hội nghị báo giới toàn quốc nên không thể giải quyết những chuyện
liên quan tới cuộc hội nghị ấy. Bàn cãi một hồi rồi cũng thôi. Vì đội ngũ báo
chí còn thiếu sự thống nhất, có một dúm người mà cũng chia phe chia phái, người
nói thế này, kẻ bảo thế kia, lại còn gây gổ, vu cáo nhau nữa nên không tạo được
sức mạnh dư luận trong báo giới và trong công chúng. Ông chủ tờ nhật báo lớn
nhất Đông Dương là tờ Đông Pháp đã khóc với anh em khi được mời đến dự họp đòi
quyền tự do ngôn luận. Ông chắp tay vái anh em thú nhận rằng, nếu trong làng
báo có ai không thích tự do ngôn luận thì người đó chính là ông, mong anh em để
cho ông được yên ổn (Ngày nay - ngày 18-7-1937). Nhân chuyện này, Tú Mỡ có thơ
rằng:
Anh em ba xứ Bắc Nam Trung
Làng báo An Nam họp hội đồng
Đòi lấy tự do mà lập nghiệp
Ấy là theo luật công bình chung
Tưởng khắp cả làng tâm địa khá
Mưu toan việc lớn đồng lòng cả
Ngờ đâu lâm sự mới tòi ra
Lắm kẻ lòng chim người dạ cá
Làng văn đâu có thịt cùng xôi
Trên dưới tôn ti mảng chiếu ngồi
Làng báo đâu phải phường Lý Toét
Mà hòng tranh thứ với tranh ngôi
Quay quắt có bọn buôn dư luận
Bán rẻ linh hồn mong sống bẫm
Ngôn luận tự do há thiết gì
Mấy lần hội nghị mặt đều lẩn
(Hội nghị báo giới)
Năm 1936, Chính phủ Léon Blum (đảng Xã hội) cử Brévié sang làm toàn quyền xứ
Đông Dương. Thế là Tổng đốc Hà Đông, tức cụ Thiếu Hoàng Trọng Phu và Tổng đốc
Thái Bình, tức cụ Thiếu Vi Văn Định chợt thấy mình già quá, yếu quá, bèn cáo
lão hồi hưu. Nhưng Chính phủ vẫn giữ hai cụ lại nên hai cụ buộc lòng phải ở lại
để phục vụ cho dân cho nước. Nhưng sang năm 1937, chả biết tính toán thế nào,
hai cụ lại nhất quyết treo ấn từ quan. Khốn nỗi cái nghề làm quan thì quen, làm
quan từ trẻ đến già tất nhiên phải rất quen. Còn cái nghề làm dân lại chưa
quen, đã làm dân bao giờ mà quen, nên trong bụng còn nhiều phân vân phấp phỏng.
Biết chuyện này, Tú Mỡ có làm một bài thơ khuyến khích hai cụ nên dứt khoát về
nghỉ hưu, bởi cái thú điền viên xem ra còn quyến rũ hơn cái thú làm quan rất
nhiều. Bài thơ có tựa đề Quy khứ lai từ:
Về đi thôi hề, về đi thôi
Dùng dằng chi nữa, ai ôi, đi về!
Tuổi bảy chục, đến kỳ thượng thọ
Treo ấn thôi, tìm chỗ nghỉ ngơi
Về đi thôi hề, về đi thôi
Tham quyền cố vị, ai ôi, thêm phiền
Thang sĩ hoạn đã lên tột bực
Còn mong chi mà chực rốn ngồi
Về đi, về chốn quê nhà
Ngâm hoa vịnh nguyệt, cho qua tháng ngày
Chén chè lúc vui vầy chúng bạn
Điếu thuốc khi chán nản tiêu sầu
Dối già trống bỏi ta đâu
Đào non chén rượu, nàng hầu đấm lưng
Đừng níu lại đôi hồi chi nữa!
Đã bao phen lần nữa quá rồi
Về đi thôi hề, về đi thôi,
Ngày nay nhất định ai lôi cũng về...
(Ngày nay - số 84 tháng 11-1937)
3 - Nạn lụt năm 1937 ở Bắc Kỳ và thơ Tú Mỡ
Tin của báo Ngày nay:
- Đê ở hạt Bắc Ninh vỡ. Đê ở hạt Bắc Giang vỡ. Nước sông Cầu, sông Thương, sông
Thái Bình tiếp tục lên cao. Có tới ba vạn mẫu ruộng bị mất trắng, nạn dân đã
lên tới 15 vạn người.
- Hãng Fontaine (hãng nấu rượu của nhà nước gọi là rượu ty) đã quyết định tặng
450 chai rượu ty cho dân hộ đê uống để hăng hái chống đỡ với nước với sóng...
Nhưng dân hộ đê chỉ thiếu có cơm thôi, cơm cho họ và cơm cho cả gia đình họ
đang nhịn đói!
- Trong két của Hội Phổ Tế Bắc Kỳ đã có tới 4,7 vạn do những người có hảo tâm
và các tổ chức xã hội quyên góp hiện vẫn còn nằm im trong két chứ chưa tới tay
những người ở vùng lụt?
Vậy có thơ rằng:
Trong khi hàng vạn nạn dân
Ở nơi đồng lụt đang cần cái ăn
Trong khi họ đói nhăn răng
Sống bằng rễ sắn, sống bằng lá sung
Trong khi dân lụt khốn cùng
Chờ bơ gạo chẩn như mong mẹ về
Thì... Hội Phổ Tế Bắc Kỳ
Còn bốn vạn bảy để ỳ trong kho
Sao không chẩn cấp đi cho
Còn vun mãi đống bạc to làm gì
Hay là để đó làm vì
Nạn nhân ngửi thấy tức thì cũng no
(Bốn vạn bảy!)
(Ngày nay - số 80 tháng 10-1937)
4 - Tú Mỡ và cái thế giới đã đứng sát mép vực thẳm
Điểm qua một chút tình hình thế giới hai năm 1936 và 1937. Lúc này Hitler đã
lên cầm quyền ở Đức, khi hiệp ước tương trợ Pháp - Liên Xô được ký kết, Hitler
lấy cớ hiệp ước này nhằm chống lại Đức liền đưa quân tái chiếm vùng Rhénanie
thuộc Đức, tiếp giáp biên giới Bỉ (tháng 3-1936) đã được các nước thắng trận
sau Chiến tranh thế giới thứ I quy định là vùng phi quân sự. Rồi Đức lại lấy cớ
Pháp củng cố phòng tuyến Magino để chuẩn bị chiến tranh nên Đức phải lập phòng
tuyến Siegfried để chống lại. ở Italy, Mussolini đã chiếm đóng nước Áo,
Abyssinie (tên gọi cũ của Ethiopie), sáp nhập nước áo vào Italy (tháng 5-1936).
Tháng 7-1937, Nhật lẳng lặng tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc, ồ ạt
chiếm đóng các tỉnh phía bắc Trung Quốc, Thượng Hải, vùng hạ lưu sông Dương Tử,
Quảng Đông và đảo Hải Nam. Ở Tây Ban Nha có cuộc nội chiến giữa phe cộng hòa và
phe phát xít do tướng Franco cầm đầu được sự yểm trợ tối đa của Đức và Italy,
rút cuộc phe phát-xít thắng. Tháng 11-1936, trục Rome - Berlin hình thành trong
khi châu Âu vẫn chia rẽ vì các quốc gia dân chủ còn mải tính toán những chuyện
riêng của họ, nhiều lắm là họ xúi Hội Quốc Liên (một tổ chức giống như Liên hợp
quốc bây giờ) lên án kẻ xâm lược. Nhưng bọn gây chiến đâu có sợ một tổ chức hữu
danh vô thực đe dọa, việc chúng, chúng cứ làm, kèm theo vài động tác ngoại
giao, vài lời nói quấy quá cho yên lòng những kẻ nhát gan, rồi mọi việc lại êm
xuôi. Các nhà viết sử châu Âu đã quy sự thất bại này cho nước Anh và nước Pháp,
và kết luận: sự hèn yếu của các nền dân chủ (tư sản) đã cho phép các chính thể
độc tài vươn tới những tham vọng mới của họ. Nhân chuyện này Tú Mỡ đã có bài
thơ Đóng cửa Hội Quốc Liên đăng trên báo Ngày nay - số tháng 10-1937. Bài thơ
này xin đăng nguyên văn để bạn đọc hôm nay có cơ hội thưởng thức trọn vẹn một
bài thơ làm cách đây đã 62 năm nhưng vẫn còn thời sự đáo để.
Sau hồi đại chiến ở châu Âu
Các nước hung tàn choảng lộn nhau
Được cũng siêu lơ, thua ngắc ngoải
Nước nào cũng bị vết thương đau
Giết chán nhau rồi dịu máu điên
Mấy ông tỉnh ngộ chuộng bình yên
Họp nhau tìm cách ngăn tranh chiến
Từ đó ra đời Hội Quốc Liên
Vui quá! Từ khi hội lập ra
Các ông ngoại tướng lại rồi qua
Tại tòa hội quán xây to tát
Đọc "đít-cua" xong đánh chén khà
Đầu trò bàn luận việc tài binh
Kẻ kém người hơn, thấy bất bình
Rút cục hùm beo nào có chịu
Để ai rũa vuốt với ghè nanh
Rồi thì thấm thắt tháng năm qua
Hùm ốm dần dần khỏe sức ra
Sùng sục trong lòng khao khát máu
Lại rình cơ hội dấy can qua
Họ Mút đầu tiên giở bạo hung
Đề binh sang áo cướp non sông
Các ông hàng hội bèn can khéo
Chẳng được thì thôi lố mắt trông
Noi theo bọn Nhật rắp mưu sâu
Gây sự, mang binh đánh phá Tàu
Hàng hội bàn suông và dọa hão
Rồi ngồi khểnh cẳng vuốt ve râu
Hội Quốc Liên kia bất lực rồi!
Âu là đóng cửa quách đi thôi!
Cường quyền ví chẳng thua công lý
Hội hiếc làm chi các cụ ôi!
(Ngày nay - số 80 tháng 10-1937)
Xưa kia người nông dân không có ruộng phải đi làm thuê rất cơ cực. Là vợ của
người đi làm thuê với một bầy con dại lại càng cơ cực (chị Dậu trong Tắt đèn là
một điển hình). Nếu lại là một người đàn bà ở góa, còn trẻ và nghèo thì phải
chịu đựng mọi sự khốn khó từ nhiều phía. Trước hết chị ta không thể tự do đi
bước nữa theo sự lựa chọn của mình. Chỉ có thể vừa làm người ở vừa làm vợ lẽ
của các ông lý dịch trong làng mà thôi. Nếu muốn thoát thân chỉ còn mỗi cách
trốn ra tỉnh làm con ở hoặc có nhan sắc thì bán thân vào các nhà cô đầu. Cô đầu
răng nhuộm đen, bàn chân bàn tay rất to, ban ngày là đầy tớ, tối đến son phấn
lên hầu các quan viên làm "cô đầu thịt", dần dần nhiễm đủ mọi thói hư
tật xấu, nhập vào tầng lớp cặn bã của các nơi đô thị. Nhưng ở một làng thuộc
tỉnh Phú Thọ, có một người đàn bà tên là Thị Tình, góa chồng đã mãn tang, còn
trẻ, lại có nhan sắc đã ngang nhiên mang thai hoang như không thèm biết
"các cụ trong dân" luôn rình mò những chuyện vi phạm tới "thuần
phong mỹ tục" để ngả vạ kiếm bữa chén. Mụ Đốp trong bài thơ vui này chẳng
những đáo để mà còn mưu trí nữa. Thị mang cái bụng chửa hoang đi nghễu nghện
suốt dọc bài thơ một cách khoái trá, nhà thơ khoái trá đã đành mà người đọc
cũng rất khoái. Cụ tiên chỉ bàn với đàn em:
Chờ khi bụng nó toang hoang
Bấy giờ sẽ bắt quả tang rành rành
Mang cái bụng to phình trống cái
Liệu nó còn chối cãi vào đâu!
Chầy ra là cuối tháng sau
Mõ rao dân sẽ họp nhau ngoài đình
Sai tuần tróc mụ Tình điệu tới
Gô cột đình hỏi tội cho ra
Rồi thì theo lệ làng ta
Cho người bắt lợn, bắt gà kính dân
Còn bắt khoán phạt ngân đằng khác
Ít ra là trăm bạc sung công
Nhưng Thị Tình đã nhờ người làm đơn gửi thẳng lên quan công sứ tỉnh là ông
Huých-ken hỏi thẳng rằng mình đã đoạn tang chồng, còn trẻ, đang thì sinh nở, nay
lỡ chửa với người mình sẽ kết tóc se duyên, vậy có phải là phạm tội để làng ngả
vạ không? Ông công sứ bèn trả lời rằng theo pháp luật hiện hành chuyện ấy không
phạm pháp, ai bắt vạ hoặc gây phiền nhiễu thị có quyền thưa kiện. Nhưng thị vẫn
lẳng lặng giấu cái thư đó, thản nhiên vác cái bụng to đi lại giữa làng, bất
chấp những cái lườm nguýt đầy đe dọa của các cụ. Vậy là:
Các cụ mới định hôm họp mặt
Sai tuần phiên đi bắt Thị Tình
Ung dung bưng trống ra đình
Mặc cho các cụ tam bành nổi lên
Thị cứ việc điềm nhiên, lẳng lặng
Nghe các bô căn vặn hết lời
Miệng dân đã nói hả rồi
Bấy giờ mụ mới ngỏ lời trình thưa:
"Tôi tủi phận trơ vơ gái góa
Phụng thờ chồng nay đã hết tang
Đây tờ quan sứ đưa sang
Bảo tôi có phép lo toan kiếm chồng
Dù đeo trống cà rùng mặc kệ
Tôi chửa thời tôi đẻ tôi nuôi
Ai mà sinh sự lôi thôi
Có gan lên tỉnh, đây tôi đi cùng!"
Thế là các cụ phải chịu, đã có thư của quan sứ về cái bụng của thị, còn ai dám
bàn khác nữa!
Mặt các cụ như tê như tái
Lặng nhìn nhau chẳng nói nửa nhời
Đàn em dưới khúc khích cười
Chịu tay gái góa là người mưu thâm
Buồn cho các cụ dân tắc lẻm
Sắp mồm xơi bữa chén no say
Ai ngờ không ớt mà cay
Đành trơ mắt trẫu, biết tay đàn bà...
(Bắt vạ hụt)
hãng eva
vé máy bay 2 chiều đi mỹ
hãng máy bay korean air
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
Vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich