Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Hà Nội trong tuỳ bút ''Hà Nội băm sáu phố phường'' của Thạch Lam

Hà Nội trong tuỳ bút ''Hà Nội băm sáu phố phường'' của Thạch Lam
 Thu Hoa 
Thạch Lam sinh năm 1910, mất năm 1942. Ông tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Ngòi bút trữ tình của ông có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của người dân bình thường, nghèo khổ, những phụ nữ có số phận éo le, những người tiểu tư sản nghèo... 
Nhiều sáng tác của Thạch Lam rất gần với văn học hiện thực phê phán và phản ánh sự phân hoá theo xu hướng tiến bộ của Văn xuôi lãng mạn Việt Nam trong thời kỳ 1930-1945.
"Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam được đánh giá là một cuốn bút ký dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội. Xét trong sự nghiệp sáng tác của Thạch Lam, đây cũng là một áng văn đẹp thể hiện rất rõ phong cách tâm hồn ông. Phó Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, phụ trách Ban văn học hiện đại, Viện Văn học Việt Nam nói: "Đặt trong bối cảnh đương thời thì Hà Nội băm sáu phố phường là một tác phẩm rất có ý nghĩa. Nó trân trọng vẻ đẹp của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Cuốn sách mỏng, xinh xắn với chỉ 70 trang nhưng cho đến nay, khi người ta nói đến Hà Nội và những tác phẩm thể hiện được tinh hoa, vẻ đẹp của Hà Nội thì người ta vẫn nhắc đến Hà Nội băm sáu phố phường. Sau khi Thạch Lam mất đến nay đã nửa thế kỷ, đã có rất nhiều sách viết về Hà Nội nhưng với sự tinh tế của mình, Hà Nội băm sáu phố phường vẫn có vị trí rất đặc biệt trong số các tác phẩm viết về Hà Nội, khiến cho người đọc không thể quên được".
Theo Phó Tiến sỹ Văn học Vũ Tuấn Anh, vẻ đẹp của Hà Nội băm sáu phố phường trước hết là ở chỗ nó đã đề cập nhiều khía cạnh về Hà Nội. Bắt đầu bằng việc giới thiệu các tấm biển ở các cửa hàng Hà Nội, Thạch Lam cho rằng những tấm biển đó là một bộ phận gắn liền với cơ nghiệp và số phận của người buôn, biểu hiện của những cố gắng nhẫn nại, của những đức tính ngay thật của chủ hàng. Rồi Thạch Lam nói về lối kiến trúc riêng của các nhà cũ Hà Nội. Ông miêu tả: "Giữa nhà là mảng sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có dãy chậu lan, có bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho. Đôi khi đi qua, một cánh cửa hé mở, thoáng nhìn vào có thể thấy bóng dáng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một ông cụ già cúi mình trên cây cảnh. Rồi Thạch Lam viết: Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những hy vọng và mong ước khác bây giờ hình như hiển hiện trong khung cảnh ấỵ"
Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam dành phần lớn số trang viết về nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, đặc biệt là các loại quà Hà Nội. Đây là những trang viết đặc sắc nhất của ngòi bút Thạch Lam. Ông cho rằng: "Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Bao nhiêu ý tốt, tình hay gửi vào trong một chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường". Ông khẳng định: "Quà... tức là người". Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngòi bút của ông miêu tả thật kỹ lưỡng cái cách mà người Hà Nội làm các loại quà và thưởng thức chúng ra sao. Riêng một thứ quà của lúa non là cốm, ông viết: "Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê, nội cỏ Việt Nam". Rồi về cách thưởng thức cốm, ông viết: "Cốm không phải là thức quà của người ăn vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ, người ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ; trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi thơm ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ."
Thạch Lam sinh ra ở Hà Nội. Trong số những người yêu Hà Nội, có lẽ, ông là người yêu Hà Nội hơn cả. Chỉ nghe cách ông nói, độc giả đã có thể thấy tâm hồn ông đồng điệu với Hà Nội cổ kính, ngàn năm văn hiến, tinh tế và thanh lịch đến nhã nhặn, thanh tao. Ngòi bút của ông đôi khi chỉ vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh về Hà Nội, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà như một góc khuất lặng lẽ và chỉ người nào yêu Hà Nội lắm mới có thể nhận ra.
Hà Nội băm sáu phố phường đã thể hiện tấm lòng trân trọng đối với văn hoá và lịch sử Hà Nội của Thạch Lam. Phó Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh nhận xét: "Càng ngày, với thời gian, cuốn sách càng thể hiện một triết lý sâu sắc về nhân sinh rằng những gì đã qua sẽ không bao giờ trở lại, rằng những điều đó đẹp và lắng động trong tâm hồn con người. Thạch Lam chính là người chắt lọc tất cả cái tinh hoa, cái vẻ đẹp, cái đang trôi qua, cái đang dần mất. Những gì còn lại được Thạch Lam vô cùng trân trọng. Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, những chợ hoa, chợ rau, cả đến một hàng nước ven đường cho đến những cô gái làng Vòng gánh cốm bán rong trên phố đã được Thạch Lam lưu giữ lại bằng văn của mình. Khó có người nào có sức lưu giữ tài tình như Thạch Lam".
Đề tựa tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam viết: "Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác..." Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây. Trong cuốn sách của mình, Thạch Lam đã đề cập đến nhiều vẻ đẹp của Hà Nội trong những nét xưa cũ và cả trong những nét đổi thay. Cũng là để thoả một tâm tư do chính ông viết trong lời đề tựa, rằng: "Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người Hà Nội chúng ta yêu mến Hà Nội hơn."




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...