Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Từ láy gốc Hán Việt

Từ láy gốc Hán Việt

 Hoài Việt 
Trong số hơn 5.000 từ láy, một khối lượng từ thật đáng kể trong ngôn ngữ Việt, có một số lượng cũng đáng lưu ý là từ láy gốc Hán Việt, nghĩa là những từ Hán được đọc bằng âm Việt. Mọi người đều biết, từ gốc Hán được đọc bằng âm Việt có số lượng không nhỏ và vì vậy từ láy Hán Việt cũng là một hiện tượng ngôn ngữ thú vị, đáng xem xét. Chúng tôi xin dẫn ra những từ, như "Lâm ly", "Lam lũ", "Do dự", "Bồi hồi", "Ly kỳ", "Hùng hổ", "Bàng hoàng", "Tử tế", "Đáo để"...
Cũng có một số từ láy cấu trúc gồm một từ gốc Hán và một từ thuần Việt, thường thì từ thuần Việt chỉ giữ chức năng láy âm, còn từ gốc Hán giữ phần nghĩa gốc của từ. Ví như các từ: "Biền biệt", "Bạc bẽo", "Nhục nhã", "Hậu hĩ", "Não nùng"... Trong những từ này, từ gốc của "Bạc bẽo" là Bạc, "Biền biệt" là Biệt, "Hậu hĩ" là Hậu. Nói chung, những từ láy gốc Hán dạng này quen thuộc với nghĩa Việt và dễ cắt nghĩa hơn có lẽ bởi có yếu tố thuần Việt trong đó. Người ta có thể không hiểu nguyên nghĩa của từ Bạc là mỏng chẳng hạn song nói "con người ấy bạc bẽo" chẳng hạn thì ai cũng hiểu là câu nói đó chỉ một người không có tình, một người vô ơn.
Còn những từ láy thuần tuý gốc Hán Việt thì thường ý tứ sâu xa và nhiều khi người Việt dùng với nghĩa rộng xa hơn hàm nghĩa mà từ vốn có. Ví dụ từ "Đáo để", Đáo có nghĩa là đến, Để có nghĩa là đáy, gốc Hán mang khái niệm đến cùng.
Thế nhưng trong ngôn ngữ Việt, từ láy "Đáo để" thường để chỉ những người đàn bà tai ác, tai quái, quá quắt trong ứng xử. Ví dụ người ta có thể nói: "con mụ ấy đáo để lắm, nó không nể ai đâu" để nói về một người đàn bà tinh quái như thế. Có thể dẫn ra thêm hai từ "Lam lũ" và "Bồng bột". "Lam lũ", Lam vốn nghĩa là quần áo rách, Lũ vốn nghĩa là vải rách thế nhưng "Lam lũ" trong ngôn ngữ Việt thường được hiểu là đời sống khổ cực, nhọc nhằn. Khi người ta nói: "Người nông dân trước kia có đời sống hết sức lam lũ" chẳng hạn, là "Lam lũ" được hiểu theo nghĩa đó. "Bồng bột", Bồng vốn là cỏ bồng rối, Bột nghĩa là đầy, thịnh vượng; sang ngôn ngữ Việt, "Bồng bột" được hiểu như sự nhiệt tình, sôi nổi nhưng có gì đó còn thiếu thận trọng, thiếu suy nghĩ, thiếu sự chín chắn cần thiết. Ví dụ người ta có thể nói về một người thanh niên: "Anh ta nhiệt tình trong công việc song nhiều khi cũng bồng bột lắm", từ "Bồng bột" ở đây được dùng theo nghĩa đó. Có thể dẫn thêm một từ thông dụng là "Tử tế", chữ Tử nghĩa là con, là non nớt Tế là sợi nhỏ mong manh. "Tử tế" được người Việt dùng với nghĩa người cẩn thận, việc gì cũng làm đến nơi đến chốn song còn mở rộng nghĩa là người có cung cách ứng xử đàng hoàng, lịch lãm.
Từ láy trong ngôn ngữ Việt là một chuyên luận ngôn ngữ phong phú và lý thú. Từ láy gốc Hán Việt cũng vậy. Hiểu và sử dụng chính xác, linh hoạt sẽ tạo hiệu quả cho câu văn và lời nóị.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...