Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Bùi Giáng & Trịnh Công Sơn Từ khi Trăng là Nguyệt

Bùi Giáng & Trịnh Công Sơn Từ khi Trăng là Nguyệt
Nguyệt Ca, một ca khúc  tràn ngập ánh trăng của Trịnh Công Sơn, mà giai điệu của nó đã để lại những cảm xúc nhẹ nhàng trong lòng người nghe, nó êm ái cuốn quyện vào lòng thính giả một cách tự nhiên mà không cần phải đợi chờ phân tích dài dòng. Người yêu nhạc cảm thấy rất thanh thản khi nghe, cảm thấy niềm vui thân thiết nằm gọn trong tâm hồn mình, mặc dù đôi khi vẫn chợt biết còn một chút gì đó lấn cấn luộm cuộm trong ý nghĩa của ngôn từ, nhất là cụm từ được lặp đi lặp lại: "từ khi trăng là nguyệt".
Từ khi trăng là nguyệt
Đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt
Em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt
Trong tôi có những mặt trời 

Từ đêm khuya khi nắng sớm
Hay trong những cơn mưa
Từ bao la em đã đến
Xua tan những nghi ngờ...

Cụm từ được lặp đi lặp lại ấy trong bài Nguyệt Ca trùng khớp với cụm từ được dùng trong bài thơ ít được biết đến của Bùi Giáng:
Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ từ châu quận tân toan
Từ xứ sở đắng cay thu đầu chết
Bước dã man sầu xé lá gieo vàng

(Bùi Giang, Hồng Quần)
Tuy nhiên, ý nghĩa của bài Nguyệt Ca hoàn toàn chẳng liên quan gì tới nội dung của bài thơ trên. Ý nghĩa của bài Nguyệt Ca lại âm thầm gắn bó mật thiết và nằm cặp kè huynh đệ với nội dung của những câu thơ khác của Bùi Giáng, sau đây:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Anh đi để lại đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

Giữa bụi bặm trần gian vây hãm hằng ngày, chúng ta làm sao để vẫn còn sáng suốt nhìn thấy những giá trị đúng như là nó là (chánh kiến - right understanding), chứ không bị tà kiến bóp méo vặn vẹo khác đi. Làm sao để vẫn thấy "chân, thiện, mỹ" đúng là chân thiện mỹ nó là,  làm sao để thấy trăng vẫn là trăng như nó chính là trăng là nguyệt y như của nó nguyên thủy là trăng là nguyệt, làm sao để những bài thơ của anh được hiểu đúng như ý nghĩa mà anh muốn gởi gắm cho các em của mấy thế kỷ sau. Điều đó có được không em? Lá rơi có dội ở trong sương mù không em? Thơ anh sau này có tác dụng tốt đẹp gì gì giữa trần ai bụi bặm không em, có soi sáng được gì cho con đường trí tuệ em đi giữa cõi đời tràn ngập sương mù u ám không em, hỡi em là mấy thế kỷ sau hậu bối?
Nếu trăng đúng là trăng thì đời vui vẻ như đời gõ nhịp vui tươi nhảy múa hát ca, thì đời nhẹ nhàng như em đã dịu dàng cho tôi bóng mát giữa cuộc đời không nhiều bóng mát.
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ khi em là nguyệt
Cho tôi bóng mát thật là ...
Nếu trăng (lẽ thật) bị méo mó đến nỗi không còn hình bóng của nguyệt nữa (không còn hình bóng của chính lẽ thật nữa), nếu những giá trị đích thật giữa đời bị tráo đổi thành những tên gọi giả mạo (đánh lận con đen), thì cõi đời còn phải chịu đựng thêm nhiều đau đớn vậy, thì trí tuệ sa sút vậy, thì cái ác lộng hành vậy, thì đời tan hoang thê thảm vậy, buồn thiu vây, thì còn đâu cơ hội hứng thú sáng tác thơ nhạc vi vu phụng hiến gì nữa vậy.

Từ trăng thôi là nguyệt
Mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt
Cây đam mê hết nhánh

Có khi vì yêu mến Nguyệt Ca rất mực, cho nên có nhiều bạn muốn tìm hiểu Nguyệt Ca cho thấu đáo ngọn nguồn. Rằng, bài Nguyệt Ca phải chăng đã dịu dàng dùng cụm từ "từ khi trăng là nguyệt" lắt léo "của" Bùi Giáng đã dùng? Rằng về mặt bản quyền tác phẩm Nguyệt Ca, có cần phải chia một phần công lao cho Bùi Giáng mới hợp lẽ công bằng thông lệ?
Thuận theo lời cố vấn ngọt ngào của một vài anh em, Trịnh Công Sơn một hôm đến gặp Bùi Giáng tại thảo am của ông, ân cần tỏ ý muốn chia xẻ một phần tiền tác quyền Nguyệt Ca của Sơn cho Giáng. Bùi Giáng vi vu nhìn Công Sơn giây lát, rồi vừa cười vừa nói viễn vông với những cô chú chuồn chuồn bươm bướm đang bay lượn vu vơ dưới bóng nắng lỗ chỗ của một vườn cây lá lục hồng:
- "Hỡi những cô cậu chuồn chuồn và bươm bướm dưới bầu trời Sài Gòn, ắt hẳn là vì đại ca Sơn của chúng ta có nghe ai đó phao tin đồn quí báu, rằng lão Bùi Giáng này đang thiếu nợ tươm tất ở quán rượu anh Tốt (tọa lạc tại đầu hẻm của lão bối trên đường Lê Quang Định, Gò Vấp), nên đại ca Sơn lấy cớ 'tác quyền" mà giúp trả nợ thay cho Giáng đó chăng. Thật cám ơn cảm động và cảm mạo lắm thay. Nhưng anh Sơn ơi, đừng cố ý giả bộ lờ quên, rằng những cái "từ khi trăng là nguyệt" kia vốn là những từ, những ý, những nghĩa tiếp nối vui tai và tréo nghoe của bà con cô bác dân gian xưa nay đặt ra, Giáng này chỉ gom nó lại và sắp đặt nó bên nhau thành những câu thơ nhịp nhàng thơ ngây vui vẻ vậy thôi. Nó nào có vươn tới mức huy hoàng của nhạc khúc Nguyệt Ca của anh Công  Sơn Trịnh trọng phi phàm sáng tác đâu. Sự việc thơ ngây kia đã bắt nguồn thơ mộng từ mấy câu thơ huy hoàng của Nguyễn Du tiên sinh, "Hồng quân với kháchhồng quần/ Đã xoay đến thế còn vần chữa tha", và rồi được Bùi Giáng tiếp nối vui vẻ thế này theo cách nhìn sự việc một cách tế nhị và cách chơi chữ ly kỳ gay cấn của bà con cô bác Việt Nam đó thôi:
"Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
"Kinh là kỳ từ châu quận tân toan
"Từ xứ sở đắng cay thu đầu chết
"Bước dã man sầu xé lá gieo vàng
"Coi đó, nó kìa, có phải không, những từ đồng thanh đồng nghĩa và khác nghĩa nối tiếp nhau vui tươi đến nỗi môi miệng muốn cười mà con mắt cứ rưng rưng. Thật là tân toan đắng cay dã man quá.
"Bà con gọi cái sự vụ chu kỳ huy hoàng mỗi tháng một lần mà chị em phụ nữ tới kỳ ra máu đỏ thắm thiết tự nhiên duyên dáng kia, bà con hoa mỹ gọi sự vụ vui vẻ tươi tốt ấy là "kinh nguyệt", là "kỳ kinh", hoặc "kinh kỳ". Rồi bà con cũng đồng thời nhí nhảnh dùng tiếng "kinh kỳ" với nghĩa "châu quận", để chỉ một nơi trung tâm châu ngọc của một xứ sởgấm vóc nào đó trên châu thổ địa phương. Đó, có phải cái quần đỏ kinh kỳ nó cũng gấm hoa châu quận vang lừng như những châu thổ gấm vóc thị tứ trung tâm xứ sở mà bà con xúm xít sinh hoạt hay không, hả anh Công Sơn Trịnh trọng phong nhã?"
Trịnh Công Sơn nghiêng tai lắng nghe những ngôn những từ, và những vô ngôn và những không lời, những đồng thanh và những đồng nghĩa, nối tiếp nhau xối xả như thác đổ ấy, vừa cảm thấy kinh hoàng, vừa thán phục cái tinh tế của Bùi lão bối vô cùng. Hồng-quân- hồng quần-quần đỏ- trăng-nguyệt- kỳ-kinh- kinh nguyệt-kinh kỳ-châu quận-xứ sở-tân toan-đắng cay... Công Sơn bối rối chút ít, im lặng giây lát, rồi thong thả chuyển lời qua một lý do "chia xẻ bản quyền" châu quận khác:
- Đại sư Bùi Giáng ơi, câu chuyện hình thức ngôn ngữ "trăng và nguyệt" thôi cho là bản quyền thuộc về bà con cô bác dân gian như đại sư nói vậy đi. Nhưng còn những nội dung ý tưởng của Nguyệt Ca, xem chừng nó đã gắn bó với đôi ba ý thơ thì thào của Bùi đại sư đó vậy. Cho nên, Công Sơn này đã thành tâm quyết lòng, muốn chia xẻ tác quyền Nguyệt Ca của Sơn với Giáng, kính mong đại sư chiếu cố nhận lời. Những ý thơ này của Giáng ắt hẳn đã được Sơn sao chép và dùng cho Nguyệt Ca: "Em về mấy thế kỷ sau. Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không. Anh đi để lại đôi dòng. Lá rơi có dội ở trong sương mù."
Bùi Giáng đang ngồi đu đưa trên chiếc võng đan bằng xơ dừa, đong đưa cười một trận  dằng dai tư lự, rồi đứng dậy, cầm gậy múa vi vu vung vít dưới bóng cây. Một hồi sau, ông dừng lại, nói:
- Đại ca Sơn quả thật là người phong lưu độ lượng quá chừng. Sơn muốn gởi cho Giáng ít tiền xài chơi mà cứ giả bộ méo mó lèo lái nói cho trịnh trọng "bản quyền nhuận bút" vậy thôi. Chứ đại ca Sơn thừa biết rằng những ý tưởng "nguyên màu trăng nguyệt" ấy không phải là ý tưởng riêng của Giáng tôi, mà là do Giáng góp nhặt từ vô lượng pháp môn của Như Lai đó vậy. Cho nên, nếu anh Sơn muốn chia tiền tác quyền, thì nên chia cho ngài Như Lai và chư vị Bồ Tát vạn đại cổ kim thì đúng hơn. Bùi Giáng này đâu dám nhận bừa tài sản chung của nhiều người làm cái riêng của mình.
Thấy Bùi Giáng khăng khăng như vậy, Trịnh Công Sơn biết mình không thể thuyết phục thêm, bèn chuyển hướng tác quyền qua một lỗi ngõ chung vui khác. Công Sơn nói:
- Nếu đại sư cương quyết như vậy thì Sơn tôi không dám nài nỉ thêm. Chỉ xin đại sư tán thành ý kiến rằng, sẵn đây, dịp này, chúng ta hãy cùng nhau lên đường tìm gặp đức Như Lai và chư vị Bồ Tát, để trình bày ý định chia tác quyền như vậy? Đại sư nghĩ sao?
Lúc bấy giờ, Bùi Giáng và Công Sơn đang thong dong thả bộ trong vườn chiều, hai người vừa nhìn chuồn chuồn bay lượn, vừa ngó bươm bướm vờn hoa. Sau khi nghe Công Sơn nói năng thiết tha, Bùi Giáng bèn trả lời Công Sơn Trịnh trọng:
- Chúng ta không phải mất thì giờ tìm kiếm đâu xa. Bởi lẽ Như Lai vốn hiện diện khắp nơi. Và có lẽ, ngài đã nghe thấy ý định của Sơn trước khi Sơn lên tiếng. Sơn không cần nói mà Như Lai đã nghe đã biết. Như Lai nghe nhưng Như Lai không trả lời một tiếng nào. Dù không trả lời nhưng chúng ta phải biết nghe. Nghe tiếng nói vô ngôn của Như Lai. Nghe cái  lời không tiếng có nội dung đại ý thế này: "Nhị vị bồ tát Giáng Sơn thân mến! Nhị vị ắt đã biết Như Lai ta vốn xưa nay chẳng có chế tác sáng tạo điều gì mới cả. Không sáng tác nhạc líu lo như Sơn, cũng chẳng làm thơ lai láng như Giáng, chẳng  viết văn dịch sách gì gì mới mẻ cả như bao văn nhân phong nhã khác. Cho nên các anh chị chớ lo chuyện "đạo văn" của ta. Những gì ta có lai rai đó đây thuyết pháp xưa nay này nọ - tám vạn bốn ngàn pháp môn này nọ - không phải là tài sản của riêng ta, mà chính là những gì ta gom góp từ tâm tư của vạn đại chúng sanh, rồi đúc kết mà thành. Cho nên, nếu anh Sơn có hảo tâm chia xẻ bản quyền tác phẩm, thì anh nên chia cho muôn loài chúng sanh ấy vậy tốt hơn."
Trịnh Công Sơn sau đó lưu lại rất lâu trong vườn thơ Bùi Giáng, cho đến khi ánh trăng lên cao, tràn ngập mọi ngõ ngách của vườn thơ và nhạc của hai người. Họ cùng ngồi nhấm nháp đôi ba chén rượu cay, rượu nồng, loại rượu của cõi tiên pha với rượu của cõi tục. Họ không nói gì nhiều với nhau nữa, nhưng hiểu rất nhiều lẫn nhau. "Một lời chẳng nghĩa là bao, Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?"
Từ đó, từ khi trăng là nguyệt đã bao giờ đó, Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn tỏ ra thật đá vàng, thật là trăng và nguyệt, thật là từ bi độ lượng với mọi "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng", giữa cõi ta bà buồn tủi ngàn năm.
Nguyễn Quang Thanh

1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...