Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Màu thời gian - sắc màu tâm trạng

Màu thời gian - sắc màu tâm trạng

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Xuân Thu Nhã Tập trình làng năm 1942, có biết bao lời khen chê chủ quan, khách quan, thẳng thắn hay thiên lệch... song, cái cách tìm tới "thơ, tình yêu, nẻo đạo" của Xuân Thu Nhã Tập, ít nhiều đã thể hiện sự tìm tòi công phu và sáng tạo nghiêm túc của nhóm tác giả này. Khó có thể phủ nhận tâm huyết sáng tạo của những thi sĩ như Nguyễn Xuân Sanh, Đàm Phú Tứ hay Phạm văn Hạnh trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập. 
Trên thực tế, đánh giá hình thức nghệ thuật thuần túy theo quan điểm xã hội không tránh khỏi đánh giá phiến diện: hoặc đề cao, tán dương thiếu chính xác hoặc hạ thấp, vùi dập một cách oan uổng... Tình cảm, tư tưởng trong tác phẩm văn học cùng là tình cảm, tư tưởng về thế giới, cuộc đời, nhân tình thế thái. Mỗi cách thức thể hiện của nhà văn đều hàm chứa một quan niệm nghệ thuật, một điểm nhìn nghệ thuật về con người cuộc đời một cách cụ thể. Nói tới Xuân Thu Nhã Tập, không thể không nói tới một bài thơ nổi tiếng của nhóm tác giả này là "Màu thời gian" của Đoàn Phú Tứ: 
Sớm nay tiếng chim thanh 
Trong gió xanh 
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình 
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi 
Ta lặng dâng nàng 
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian 
Màu thời gian không xanh 
Màu thời gian tím ngát 
Hương thời gian không nồng 
Hương thời gian thanh thanh 
Tóc mây một món chiếc dao vàng 
Nghìn trùng le lệ phụng Quân Vương 
Trăm năm tình cũ lìa không hận 
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng 
Duyên trăm năm đứt đoạn 
Tình một thuở còn vương 
Hương thời gian thanh thanh 
Màu thời gian tím ngát 
Cái hay của "Màu thời gian" chính ở sức gợi. Tâm tình kín đáo, bâng khuâng, khi mơ hồ, khi bí hiểm của bài thơ có lẽ chỉ cảm được nhiều hơn là hiểu được. Không gian bài thơ được mở ra từ điểm nhìn thời gian. 
Sớm nay tiếng chim thanh 
Trong gió xanh 
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình 

Đó là một không gian êm ả, trong và dịu. Cảnh sớm có tiếng chim hót nhưng không ồn ã, náo động. Làn gió xanh như khoác thêm cho buổi sớm cái dáng vẻ thanh sạch và tinh khôi đến kỳ lạ. Gió tựa hồ được thổi hồn ngơ ngác, non tơ để mà "sớm nay" chỉ thoảng nhẹ, mát lành... Câu thơ thứ ba neo lại nét thần của cảnh, khí trời hương gió, tiếng chim quyện hòa, bịn rịn. Trời trong cảnh tĩnh mà không thấy lạnh. Sự gắn kết tuyệt diệu của cảnh sắc thiên nhiên tạo vật tạo nên "hương ấm". Lòng người thêm xốn xang, lưu luyến. Những chữ "dìu", "vương", "thoảng" buông ra thật nhẹ, thật êm mà chát chúa rồi lòng tha thiết, lan tỏa. Cái tình xuân của tác giả ở đây tinh tế mà kín đáo. Tình gửi trong tiếng chim, trong hơi gió, trong mùi hương tạo được dư âm vang vọng trong lòng người. Ngẫm kỹ, điệu thơ như ru hời khoan nhặt, như vỗ về lưu luyến... Với những câu thơ như thế này, Đoàn Phú Tứ đã chạm tới cái "rung động siêu việt, trong trẻo và nhẹ nhàng" của thơ Xuân Thu Nhã Tập.
Khổ thơ thứ hai của "Màu thời gian" thoắt chuyển nói chuyện "ngày xưa". 
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi 
Ta lặng dâng nàng 
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian. 
Những câu thơ nặng tâm trạng hoài cổ nhưng vẫn tha thiết, tình nghĩa. Dọc theo trục thời gian, tác giả dừng lại ở câu chuyện nàng Tần Phi. Cũng khó có thể hiểu "nàng" mà "ta lặng dâng" ở đây là ai? Tần Phi hay một người nào khác. Người xưa, chuyện cũ chỉ khiến cho lòng "ta" thêm u buồn, hồn "ta" thêm trống trải. Thời gian xưa trở về phủ đầy trong tâm trạng. Nỗi lòng man mác, day dứt của thi nhân gói trọn trong từ "nhuốm". Thời gian vô hình trong cảm nhận của tác giả trở nên có màu sắc, hương vị. 
Màu thời gian không xanh 
Màu thời gian tím ngát 
Hương thời gian không nồng 
Hương thời gian thanh thanh. 

Những tiếng "màu thời gian", "hương thời gian" được nhắc lại như khắc sâu thêm tâm tưởng của tác giả. Nếu như Xuân Diệu cảm nhận được từng bước đi của thời gian để khát khao sống trọn vẹn thì Đoàn Phú Tứ tìm ở thời gian những sắc màu, những hương vị vọng về từ những câu chuyện xưa cũ. Cảm thức về thời gian quá khứ và hiện tại nối liền, từ hiện tại nhớ về quá khứ, từ quá khứ mong về hiện tại. Thời gian không có sắc, không có hương trong hiện thực nhưng tồn tại trong tâm tưởng, hoài niệm của tác giả. Hoài niệm xưa buồn bã bâng khuâng khiến cảm nhận về thời gian cũng loãng nhạt, mơ hồ. Đây là màu, là hương của tâm trạng u buồn lặng lẽ, không cuộn trào sôi sục mà bện chặt lòng người. 
Những hình ảnh ước lệ tượng trưng được sử dụng nhiều trong khổ thơ thứ tư: "tóc mây", "chiếc dao vàng", "nghìn trùng e lệ", "trăm năm tình cũ", "mày hoa", "thiếp" và "chàng"... Điệu thơ chuyển từ ngũ ngôn thất ngôn có nét trang trọng nhưng xa vời. Có ý kiến cho rằng, Đoàn Phú Tứ qua khổ thơ này phác họa chân dung người đẹp Dương Quý Phi xưa cắt tóc dâng vua Đường Minh Hoàng để tỏ lòng yêu của mình. Dù thế nào, chuyện xưa của Tần Phi và Dương Qúy Phi cũng làm cho bài thơ có vỏ bọc khó hiểu. 
Nội hàm thơ vốn mang tính đa nghĩa, các tác giả Xuân Thu Nhã Tập cũng rất chú trọng điều này. Xét theo góc độ đó, bài thơ chở đi nỗi niềm bâng khuâng hướng về xa xăm huyền ảo của tác giả. Hai câu thơ cuối lại được nhắc lại bởi sắc màu và hương vị của thời gian: 
Duyên trăm năm đứt đoạn 
Tình một thuở còn vương 
Hương thời gian thanh thanh 
Màu thời gian tím ngát 
Chuyện xưa đã khép, tình xưa còn nồng và tình nay cũng vậy. Cái dư vị mênh mang xa ngái của những vần thơ tạo nên nét độc đáo của toàn bài. 
Nếu con đường của "trí thức là phải sáng tạo" thì Đoàn Phú Tứ đã tạo cho mình một sự khai sáng mới trong cách thể hiện và khám phá hiện thực. Dù cách thể hiện của tác giả còn có phần khó hiểu nhưng cảm hứng chung của bài thơ vẫn hướng tới những cảm xúc chân thực, tinh tế trước cuộc đời và số phận.
Theo http://z14.invisionfree.com/



1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...