Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Trịnh Công Sơn và dấu chân địa đàng

Trịnh Công Sơn và dấu chân địa đàng 

Bể dâu khốc liệt hiển nhiên. Cho nên xưa nay không ai phản đối nhận xét đau đớn này về cuộc bể dâu của Nguyễn Du:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
TRỜI XANH quen thói má hồng đánh ghen
Đoàn Thị Điểm cũng được tán thành khi nhẹ nhàng oán trách trời cao đã vô cớ gây ra những nỗi truân chuyên thiếu công bằng đối với người chinh phụ:
Thưở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
XANH KIA thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Bà Huyện Thanh Quan cũng được thông cảm nỗi lòng, khi bà tỏ ra xa gần hoài nghi về mục đích "chính đáng" của tạo hóa khi dựng nên những nỗi đoạn trường dâu bể:
TẠO HÓA gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương...
...Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đâu luống đoạn trường
Nhưng, mặc kệ con người kêu than, oán trách và thắc mắc, Trời Xanh trước sau vẫn giữ quyền im lặng. Và rộng rãi dành quyền trả lời cho chính những ai đã nêu ra câu hỏi.
Cho hay muôn sự tại TRỜI
TRỜI KIA đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
(Truyện Kiều)
Đó là cách trả lời của Nguyễn Du. Đúng hay không, TRỜI KIA chẳng hề xác nhận một lời. Nguyễn Du bèn giải thích thêm:
Tinh anh phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa (Truyện Kiều)
Âm thầm. Tạo hóa cứ âm thầm sinh ra những con người tài hoa xưa nay, và lặng lẽ giao cho họ một sứ mệnh đặc biệt, là để hào phóng phụng hiến tất cả cho đời, là để suốt đời phát tiết cho tới cạn kiệt tinh hoa của riêng mình, và để chịu đựng những hệ lụy gây ra do chính những gì mà họ đã phụng hiến.
Bằng cách đó, tạo hóa đã kín đáo “ca tụng” vẻ đẹp mà mình đã dựng lên, một vẻ đẹp “rất buồn” nhưng không mấy ai đành lòng chối bỏ. Giữa cuộc trăm năm phủ đầy “mâu thuẫn” lấp lửng muôn thuở ấy, với ít nhiều khác biệt, mỗi người đều tự mình tìm thấy cho riêng mình một biện pháp thích nghi để sống, để yêu đời, để hài lòng cười khóc trong cõi trăm năm mà mình đang có, một cuộc đời mà mỗi người được trao cho một lần và không bao giờ lần nữa.
Xuân Diệu mô tả hành trình trăm năm ngọt đắng ấy một cách vui tươi, khiêm tốn, và ngậm ngùi:
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm về reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…
Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần giây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Còn Trịnh Công Sơn, có khi thì mô tả tâm trạng mình thật nhẹ nhàng như tâm trạng một chú chim hiền hòa, nhưng có khi thì tâm sự trở nên xót xa hơn, chua chát hơn, đau đớn hơn, được gởi gắm qua tiếng kêu não nuột của một loài sâu phiền muộn giữa đêm trường dâu biển:
Trời buông gió, và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm
(Dấu Chân Địa Đáng, TCS)
Họ, những anh tài, những thiên hương quốc sắc, họ gánh lấy những trọng trách, họ được giao phó một sứ mệnh thiên khải, để cảm nghiệm giá trị trần gian bằng thể cách phi thường của riêng hương sắc xuất chúng của họ. Họ mang trong người một thiên khiếu đặc biệt, khả dĩ đặt trí tuệ mình vượt thoát những hệ lụy mà họ đang hệ lụy (như bao người), và khả dĩ dìu dặt trái tim mình rung cảm thuần thục, uyển chuyển cùng với những tiết điệu buồn vui thăng trầm của muôn vạn khúc hát trăm năm.
Họ vừa yêu cuộc đời một cách da diết, họ vừa trách móc cõi đời một cách du dương. Cứ như say, cứ như tỉnh. Cứ như sáng suốt, cứ như hôn mê. Cứ như đúng đường, cứ như lạc lối. Cứ như dở dang, cứ như hoàn tất. Cứ như tiếp nối, cứ như bỏ cuộc.
Ngựa buông vó
Người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó
Lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối
Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
(Dấu Chân Địa Đàng, TCS)
Buồn quá. Trịnh Công Sơn tâm sự sao mà não nuột. Nghe xót xa như tâm trạng rất buồn của Bà Huyện Thanh Quan lúc bước tới đèo Ngang năm trước:
Bước tời đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
Dừng chân đứng lại, trời non nước. Một mảnh tình riêng, ta với ta. Hỡi những anh tài, hỡi những thiên hương quốc sắc, sao người lại phải gánh lấy phần lớn những muộn phiền trong khi người khác vẫn dửng dưng mặc kệ? Nguyễn Du giải thích: “trời kia đã bắt làm người có thân”, mà là thân thanh cao, nên phải thanh cao chịu đựng phong trần. Đối với những đấng tài hoa, họ đi những bước đi trên cao và cô độc vô cùng.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
(Bùi Giáng).
Họ hẹn thề với truông ngàn. Ấy là hẹn thề cuộc hội ngộ giữa chính mình với lẽ chân, hội ngộ với lẽ mỹ, hội ngộ với chân như. Nối tiếp nhiều thế hệ, người quốc sắc, kẻ thiên tài, bước đi giữa địa đàng trần gian, khi cặm cụi lần giở cảo thơm, lúc góp nhặt hoa thơm cỏ lạ, từ gió, từ mây, để chép thành thơ, để ghi thành ca khúc, để mềm mại dìu dắt anh em cùng nhau khiêu vũ, vi vu uyển chuyển giữa lễ hội hồng trần mà họ hoài mong có lẽ sẽ là là…
Nhưng không, đó vẫn chỉ là hoài mong. Sự thật thì trái lại. Lễ hội trần gian chân thật vẫn cửa đóng then cài. Lễ hội giả ảo thì mở toang cửa. Bóng đêm mê muội kéo dài. Những con tim đam mê chân thật trở thành cô độc.
Ngựa buông vó
Người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó
Lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối
Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
Ngựa đã bao lần buông vó. Người đã bao lần chùng chân. Dạ lan đã ngại ngùng khép cánh. Đêm hồng vẫn bơ vơ bỏ ngõ. Lễ hội chân chính vẫn hoang vắng sa mạc. Người quốc sắc, kẻ thiên tài, đã phải lang thang đi lại đơn độc giữa đời. Sương trời nước đất dâng trào lên mắt em hờn tủi.
“Hoài vọng uổng bên nỗi đời thê thảm. Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền. Giữa mịt mờ trăng nước lạnh liên miên…”
“Em có khóc? Ta xin em đừng khóc. Em nhìn ta lệ chảy có vui gì. Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc. Nước xuôi dòng nghìn thu hận tan đi.” (Bùi Giáng).
Vì sao em hát, và rồi vì sao em khóc, hỡi người quốc sắc, hỡi kẻ thiên tài, hỡi mảnh tình riêng Bà Huyện Thanh Quan?
Trịnh Công Sơn trả lời:
Tiếng ca bắt nguồn
Từ đất khô, từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù...
Em đã hát và rồi đã khóc, vì đất trời dang dở gió mưa, vì lễ hội trần gian vẫn chập chờn hủ tục, vì địa đàng trần gian bị địa ngục vô minh chiếm dụng công khai. Ánh sáng của lẽ thiện không đủ để xua đuổi vùng u tối của lẽ ác. Nước mắt hiện diện tràn lan (suốt trăm năm), mà nụ cười thật sự thì chỉ khiêm tốn đó đây (góp nhặt lại chẳng được bao ngày). 

Làm kiếp con người, suốt đời chịu đựng muôn chiều đau khổ, tác động từ muôn ngàn biến cố xã hội lớn nhỏ chung quanh. Cái thiện, cái ác đan chen trong cuộc đời mưa gió từ ngàn xưa. Người thiện, kẻ ác trà trộn trong thế gian. Người sáng mắt, kẻ mù lòa, không thể lượng định rạch ròi nguyên nhân và kết quả của những chuỗi hành động hằng ngày của mình. Và càng không lường trước được những hậu quả tai hại dây chuyền mà một hành động nào đó của mình có thể gây ra cho những người chung quanh, cho đồng loại, ngay trong thế hệ này và giây giưa qua nhiều thế hệ tiếp nối theo sau.
Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Vì vậy mà Trịnh Công Sơn ôm đàn lên tiếng. Vì vậy mà "loài sâu" nửa đêm ca lên than phiền. Tiếng ca não nuột ấy bắt nguồn từ đứt ruột đất khô, từ mưa gió đáng tiếc, từ đá vàng dang dở, từ sáng mắt hồng ân bữa trước cho đến mù lòa oan uổng bây giờ.

Tiếng ca bắt nguồn
Từ đất khô, từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ...
Trong đáy lòng, con người ai ai cũng biết rằng mình cần tình yêu đồng loại, nhưng vì sao không quyết lòng đoạn tuyệt hận thù? Nuôi dưỡng tình yêu thì khó khăn hơn là việc bắt tay với thù hận. Yêu người thì đòi hỏi nhiều công phu, còn hận người thì chẳng phải nhọc nhằn rèn luyện.
Hận thù thì như loài cỏ dại, dễ dàng lan tràn mà chẳng nhọc công. Còn tình yêu thì như một loài hoa đẹp, cần nhiều công phu chăm sóc thường xuyên, cần hấp thụ dưỡng chất từ suối nguồn nội tâm, mới mong được bảo tồn, kế tục. Suối nguồn nội tâm trong xã hội càng lan tỏa dồi dào, hoa thơm tình yêu càng phổ biến, thì cỏ dại vô minh càng mất dần cơ hội lây lan.
"Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng", vì suối nguồn tình yêu trong lòng người cứ bị vô tình để cho vơi cạn dần dần. Sở dĩ thế gian buồn bã, vì hận thù được bắt chước theo đuôi, còn tình yêu thì bơ vơ đơn độc. Cái xấu huênh hoang lộng hành. Cái đẹp liên tục bị tổn thương. Khiến cho mắt sáng đã hóa mù lòa, khiến cho tâm hồn không còn biết rung cảm thơ ngây. Đôi khi thấy có những "tình yêu" được xây dựng từ sự đồng cảm hận thù. Khiến cho thế giới quái đản của “người lớn ma quái” đã chiếm hết không gian của địa đàng trẻ thơ, khiến cho tà ma đắc thắng lan tràn mặt đất, và khiến cho chính nhân quân tử phải vươn mình ẩn dật trên cao.
Tiếng ca bắt nguồn
Từ đất khô, từ mưa gió
Từ vào trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó
Loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào
Bão trên dầu
Lời ca đau trên cao
Sở dĩ lời ca đau trên cao, vì lời ca kia quá cao nhã, vì hương hoa kia quá thâm trầm, vì tài sắc kia quá toàn vẹn. Hoa đẹp phải ẩn mình, cố ý che giấu bớt phần nào hương sắc. Có khi hóa thành loài rong dưới đáy nước, có khi hóa thành loài hoa vô danh trên rừng cao, có khi hóa thành một người “điên chơi” giữa phố phường đông đúc những kẻ “điên thật” (mà tưởng rằng mình không điên). Ẩn mình để hoàn tất một sứ mệnh thiên thu. Mặc kệ hoàn cảnh khắc nghiệt, mặc kệ mưa gió phũ phàng, mặc kệ bão táp hung bạo, mặc kệ dày vò thân xác, họ vẫn ca hát tự nhiên như trong lòng thúc giục, vẫn phát tiết tinh anh như tạo hóa từ đầu đã giao cho tài sắc vẹn toàn.
Xuân Diệu lặng lẽ ghi chép lại một trong những lời ca đau trên cao xuất thần ấy thế này:
Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gởi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang
Những tưởng đem hương gởi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi tình yêu
Song le hoa đợi càng thêm tủi
Gió mặc hồn hoa nhạt với chiều
Tản mác phương ngàn lạc gió câm
Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm
Thiên hạ vô tình nhận ước mơ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ
Người si muôn kiếp là hoa núi
Uống nhụy lòng tươi tặng khách hờ
Nhận rồi không hiểu mộng và thơ. Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá. Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm. Mới hôm nào, bão trên đầu. Lời ca đau trên cao. Lời ca ấy - đóa hoa trên rừng thẳm ấy - nghe buồn như cuộc tình đơn phương của người quân tử. Một bên rất nhân từ, và một bên thì vẫn hẹp hòi cố chấp khăng khăng. Tài sắc càng lắm, nơi ẩn mình càng xa, nội đồng càng heo hút, núi sông càng lạnh lẽo, tri âm càng hiếm hoi, bão táp dèm pha càng dữ dội, lời ca trên cao càng đau đớn trên cao.
Dòng sông đó
Loài rong yên ngủ sâu
Mới hôm nào
Bão trên dầu
Lời ca đau trên cao...
Lời ca đau trên cao. Lời ca quá đau từ trên quá cao.
Em quốc sắc em thiên hương đã uổng
Làm sao khuây khỏa hận của thiên tài
(Bùi Giáng)
Tạo hóa ngày ấy đã ban cho em tài sắc, nhẹ nhàng đặt em vào giữa mặt đất trần gian, âm thầm giao cho em một sứ mệnh, một lần ấy rồi thôi, không dặn dò gì thêm, và không quay về can thiệp. Em phải tự xoay xở lấy mọi sự, một mình, từ bấy tới nay, và cho tới tận cuối chân đời.
Buồn vui sướng khổ, hay vinh nhục sang hèn, tất cả đều do tài sắc em vận dụng, do tâm em có bằng lòng “trụ vô sở trụ” hay không. Cuộc đời đã “dạy” em khôn lớn, và đã nhẹ nhàng trói buộc lòng em vào những vương vấn phân biệt nhị bội điệp trùng. Tuy em không muốn “xé nhỏ” giá trị “tròn vẹn” của trần gian, không muốn chia chẻ tách biệt giá trị như nhất của doanh hoàn, nhưng đôi khi em vẫn bị tiêm nhiễm những ngờ vực thường tình, những so sánh thông tục, những kêu gào đứt ruột dư vang.
Đoạn trường là sổ thế nào, bày ra thế ấy vịnh vào thế kia. Đôi khi tưởng chừng tuyệt vọng. Và rồi, sau cơn đau bệnh, em vẫn biết cách tự đứng lên. Từ trăng thôi là nguyệt, một hôm bỗng nghe ra, buồn vui kia là một, như quên trong nỗi nhớ (Nguyệt Ca). Bao buồn xưa sẽ quên. Hãy yêu khi đời mang đến một cành hoa giữa tâm hồn (Đời Gọi Em Biết Bao Lần). Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế (Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng).
Nay tôi không lệ thuộc trần gian một cách “trần gian” như thế nữa. Hãy ghi nhớ sứ mệnh nguyên thủy của mình: phụng hiến tất cả cho đời, một cách im lặng, không cần đền đáp, không cần mặc cả.
Định thần trở lại, hành giả bèn “qui hồi cố quận”, về giữa sơ nguyên địa đàng, thôi không giằng co đối chất om sòm với ngôn từ luộm thuộm, không so bì tranh chấp buồn vui hơn thua phải trái phàm phu nữa.
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh…
Ta đã hái nhành hoa kia của Đá
Và đã trao cho Nham Thạch Phiêu Bồng
(Bùi Giáng)
Vậy đó, mỗi lần như vậy như kia, vào những giây phút bất ngờ, người đã vùng thoát khỏi những giá trị nhị bội điệp trùng ràng buộc nguy hại của thế giới ta bà. Đứng ngay giữa lòng đời phũ phàng, nhặt lấy những tố chất từ chính cuộc phũ phàng mà tiếp tục ca hát phiêu bồng.
Ngàn mây xám
Chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó
Loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên
Tịnh độ. Tuy ngàn mây vẫn về xám xịt chiều nay, nhưng loài sâu đã quên đi những cuộc ưu phiền giằng co bữa trước. Lời ca tiếng hát lại hồn nhiên vang lên như buổi ấy sơ khai, chẳng hế có ý niệm phân biệt buồn vui phàm thánh đúng sai phải quấy nữa. “Phiền não tức bồ đề”.
Tự nhiên hát giữa ngày xanh và hát giữa đêm hồng. Hồn nhiên ca giữa địa ngục và ca giữa địa đàng. Cười trong cơn hoang lạc và cười trong cuộc ưu phiền. Khóc trong từng bước đúng, khóc trong từng bước sai, bước lầm, bước lỡ,bước quên giữa địa đàng trần gian mặt đất.
Ca hát và cười khóc một đời. Ca hát và cười khóc nghìn thu, thuần nhiên vẽ lại những “chân dung lỡ dở” giữa địa đàng dại khôn dang dở, cho dồi dào thêm sứ mệnh của một thiên tài phạm hạnh, cho phong trần thêm những trang quốc sắc, và cho thanh cao thêm những đóa thiên hương.
Vậy đó, "dấu chân".
Vậy đó, "địa đàng".

 Nguyễn Quang Thanh

1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...