Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Bùi Giáng, thi ca

Bùi Giáng, thi ca

Thơ Dở, Thơ Hay
Đôi dòng làm quen:
Thi nhân, tác hà dụng? Thi sĩ, để làm gì?
“… Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?”
… Giả sử rằng thời buổi thống khổ điêu linh còn có được một cơ hội qui hồi, phục chuyển, thì cuộc phục chuyển qui hồi nọ chỉ có thể xảy ra là lúc cõi đời hồi chuyển từ căn để u uyên, và nói thế, giờ đây chỉ có nghĩa đơn sơ là: nếu cõi đời hồi chuyển qui phục từ nơi vực sâu không đáy. Trong thời đại của đêm tối cõi đời, cái vực sâu không đáy kia của cõi đời phải được thể nghiệm và được kiệt tận miên bạc bình sinh. Và muốn vậy thì điều cần thiết là phải có vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của cái đáy vực sâu không đáy.
… Thi nhân là những con người, những con kẻ, của những con đời tử diệt phù du, đã ngậm ngùi trang nghiêm túc mục ca ngâm Tửu Thần, và ngấn tồn những ngấn tích, và lưu tích những lưu tung của những thánh thần trôi biệt, và ở lại lập-tồn-lưu-ngụ tại chỗ ấn tích in rêu kia, và vạch ngấn ra một miền cho những đồng bào phù du, tử diệt, và vạch ngấn ra cho họ, cái con đường của phục chuyển hồi quy.
(Martin Heidegger, Thi Sĩ Để Làm Gì
Bùi Giáng, Sương Bình Nguyên)
THƠ DỞ, THƠ HAY
Dở tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn
Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất-hữu-đích-hữu, vô thị phi-vô-đích-vô, ấy là con chuồn chuồn
Có tức thị không, không tức thị có, có tức là có-chẳng-có, không tức là không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn
Ăn nói tục tĩu, ấy là con chuồn chuồn
Vì tục mà nên tiên, vì tiên mà nên tục, ấy là con chuồn chuồn
Tục cố tiên, tiên cố tục, tục thị bất-tục-dích-tục, tiên thị phi-tiên-đích-tiên, ấy là con chuồn chuồn...
(Bùi Giáng)
THƠ DỞ, THƠ HAY
Hỏi: Vì sao người ta thường thích thơ dở hơn thơ hay?
Đáp: Bởi vì thơ dở có vẻ hay hơn thơ hay.
(Bùi Giáng)
Lời vấn đáp ấy tuy đơn sơ nhưng đanh thép. Nó đập mạnh vào lồng ngực của những thi nhân thánh thần, trong thời buổi điêu linh thống khổ.
Vì sao người ta thường thích thơ dở hơn thơ hay? Bởi vì thơ dở có vẻ hay hơn thơ hay.
Câu hỏi và lời đáp cay đắng ấy không chỉ nêu ra thực trạng cay đắng nghiêm trọng trong cõi thơ không thôi, mà còn có thể dễ dàng tìm thấy nó chua chát phổ biến trong mọi lĩnh vực. Quá nhiều câu hỏi khổng lồ tương tự, và mỗi người có thể tự tìm thấy câu trả lời:
Tại sao các danh họa thường chịu nhiều phũ phàng thê thảm trước cặp mắt phán xét của người đương thời, và rồi rất lâu sau đó mới được muộn màng “ngưỡng mộ”? Tại sao những lời can gián chính đáng của các trung thần thường khó nghe hơn là lời ve vuốt trơn tru của các nịnh thần? Tại sao Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc? Tại sao "Hình Nhi Hạ" Khổng Tử khắc sâu vào lòng người người (ngợm ngợm), còn Hình Nhi Thượng thì vẫn là khu vườn lặng lẽ vắng người (Trần Trọng Kim, Nho Giáo)? Tại sao lời loạn động của phù thủy phát khởi có vẻ êm ái dễ nghe hơn là lời của tâm thanh tịnh chân tu? Tại sao nhan khói chùa chiền quyến rũ hơn vách đá lạnh ngắt của Bồ Đề Đạt Ma? Tại sao tánh Phật không dễ khiến an tâm chúng sanh cho bằng tượng Phật? Tại sao thái dương hệ của Gallilée không được yêu chuộng cho bằng quan niệm quả đất trung tâm của Giáo Hội La Mã lúc bấy giờ?
Đó là nỗi sầu vạn đại của những tâm hồn vượt thời đại. Nỗi sầu mà họ đã biết rõ do lai. Biết, thế mà nó vẫn sầu. Sầu mà thật ra không phiền muộn. Nói không phiền muộn mà lòng vẫn u buồn. Lòng u buồn mà máu tim thanh thản khoan khoái. Máu tim thanh thản mà thân xác vẫn đớn đau. Thân xác đớn đau mà sao môi cười vẫn nở. Môi miệng tươi cười mà sao nước mắt cứ rưng rưng. Lệ ngấn rưng rưng mà sao dòng thơ vẫn bát ngát yêu đời. Thơ yêu đời sao thơ vẫn đầy lời hằn học. Lời hằn học sao lại êm ái nhẹ nhàng như ru. Êm như ru sao khiến lay động đủ cho người tỉnh giấc. Tỉnh giấc rồi sao vẫn tiếp tục nguyền rủa thế gian bằng những bài thơ ca ngợi mặt đất vang lừng???

KỶ NIỆM TRẦN GIAN
Những ngày điên rồ
Thật là vui
Những ngày tỉnh táo
Cũng thật vui
Thật vui cũng thật là buồn
Thật buồn cũng thật thật buồn u u
Uu buồn trong đêm triền miên tăm tối cõi đời, trong buổi văn chương què quặt, trong ngày mạc thế kéo dài. Người tư tưởng vẫn cô đơn trong sa mạc dai dẳng hàng trăm năm mở rộng u mê. Người tư tưởng đành lang thang đi lại trong trần gian, “tựa như” người là kẻ chiêm bao mộng tưởng.
Gọi là “tựa như” vì chẳng phải mộng tưởng cái xa lạ viễn vông, mà là “chiêm bao mộng tưởng” về cái có thật, mộng tưởng cái rành rành sỡ hữu trong tay. Đáng lẽ phải gọi cái đó là cái có thật, nhưng trong thế giới ngôn ngữ hỗn độn này, đành tạm gọi nó là chiêm bao mộng tưởng. Vì người ta đã trót đặt tên cái hão huyền của họ là thật tế rồi, em ạ, thì tôi sẽ gọi tên em là …, là Thi Ca, là Mộng Tưởng chẳng hạn, hoặc là Cố Quận cũng nên. Cái tên, tự nó chẳng có nghĩa gì cả. 
CỐ QUẬN
(Quy Hồi Cố Quận)
Thi nhân, tác hà dụng? Thi sĩ, để làm gì?
“… Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?”
“… Thi nhân là những con người, những con kẻ, của những con đời tử diệt phù du, đã ngậm ngùi trang nghiêm túc mục ca ngâm Tửu Thần, và ngấn tồn những ngấn tích, và lưu tích những lưu tung của những thánh thần trôi biệt, và ở lại lập-tồn-lưu-ngụ tại chỗ ấn tích in rêu kia, và vạch ngấn ra một miền cho những đồng bào phù du, tử diệt, và vạch ngấn ra cho họ, cái con đường của phục chuyển hồi quy.”
(Martin Heidegger, Thi Sĩ Để Làm Gì, Bùi Giáng, Sương Bình Nguyên)

Cố quận là quê xưa. Cố quận theo nghĩa thông thường là nơi mà mình đã sinh ra, đã lớn lên. Cố quận theo nghĩa thi ca, nghĩa triết học, là nơi mà từ đó tinh thần đã sinh ra, đã trưởng thành, đã vươn lên, đã ra đi; là mảnh đất mà từ đó tâm hồn đã nảy mầm, đã hình thành, đã lớn dậy.
Trong thi ca, khi nói “qui hồi cố quận”, nó ám chỉ sự quay về lại gốc rễ, về lại mảnh đất ban sơ, về lại với sự trong trắng khởi đầu, về lại với suối nguồn trong sạch, về lại với bầu không khí vô nhiễm, về lại với sự hồn nhiên trong cảm xúc, về lại với sự vô tư trong suy tư, về lại với sự vô ưu trong hành động. Do đó, khi nói “qui hồi cố quận”, nó bao hàm ý nghĩa nhắc nhở, thôi thúc một sự tỉnh thức trên con đường đang đi, con đường mà vốn đã xuất phát từ nơi “cố quận”. Khởi từ cố quận ấy, tâm hồn mình đã lớn lên, tinh thần mình đã phát triển lên, đã hấp thụ thêm rất nhiều kiến thức, nhiều hiểu biết từ kinh nghiệm chung quanh, từ tập quán xã hội chung quanh, từ sách vở trường lớp chung quanh. Sự hấp thụ ấy là điều tất nhiên - không thể tránh khỏi - trong đời sống cộng đồng. Trong điều kiện bình thường, sự hấp thụ ấy là điều vừa có thể có lợi vừa có thể có hại cho đời sống tinh thần của cá nhân và của cộng đồng. Có lợi, nếu sự phát triển của cộng đồng đi theo xu hướng thuận lợi cho sự tinh tấn tinh thần, cho sự hun đúc tâm hồn. Có hại, nếu sự phát triển của cộng đồng đi theo xu hướng xem nhẹ, hoặc coi những giá trị tinh thần và tâm hồn là thứ yếu. Cộng đồng càng nhỏ, càng xa xưa, thì dù lớn lên, dù đi đâu, con người vẫn gần gũi, vẫn không rời xa linh hồn cố quận. Cộng đồng càng lớn, càng “văn minh”, thì cơ hội con người gần gũi cố quận càng khó. Càng xa cố quận, càng xa suối nguồn, thì đường về càng xa, ước muốn trở về càng vơi cạn, và những dấu vết di lưu trên đường càng lu mờ.
Trong rất nhiều trường hợp, có những cộng đồng đã đi quá xa suối nguồn cố quận, đã đeo đuổi những mục đích không tưởng, đã đeo đuổi những giá trị hão huyền, không có thật. Trong trường hợp này, “qui hồi cố quận” có nghĩa là quay về lại với những giá trị có thật của mặt đất trần gian, có nghĩa là thoát ly khỏi ảo tưởng lơ lửng ngoài mặt đất.  Từ hành tinh ảo tưởng quay về lại với những giá trị thật của mặt đất trần gian, đoạn đường ấy có thể rất gần mà cũng có thể rất xa xôi. Gần, nếu có cơ hội bừng tỉnh. Xa, nếu vùi đầu ngủ mê.
Các bậc thức giả thường lên tiếng kêu gọi sự quy hồi, phục chuyển, tìm về suối nguồn, tìm lại bản lai diện mục của mình, nghe lại tiếng nói vô nhiễm của Cô Em Mọi Nhỏ ở trong rừng nguyên thủy, học lại bài học tuổi thơ hồn nhiên không định kiến của Hoàng Tử Bé, ấy là hình thức mà họ muốn lay động, đánh thứcí những người đang ngủ quên. Thức giấc, ấy là giác ngộ ấy vậy. Cho dù cách nói của mỗi thức giả có khác nhau, qua các thời ký lịch sử kim cổ khác nhau, từ những nền văn minh Âu Á khác nhau, nhưng chung quy vẫn là nói một tiếng nói của quê nhà, và là nỗ lực muốn vạch ra cho đồng bào một con đường của cuộc phục chuyển hồi qui.
“… Thi nhân là những con người, những con kẻ, của những con đời tử diệt phù du, đã ngậm ngùi trang nghiêm túc mục ca ngâm Tửu Thần, và ngấn tồn những ngấn tích, và lưu tích những lưu tung của những thánh thần trôi biệt, và ở lại lập-tồn-lưu-ngụ tại chỗ ấn tích in rêu kia, và vạch ngấn ra một miền cho những đồng bào phù du, tử diệt, và vạch ngấn ra cho họ, cái con đường của phục chuyển hồi quy.”
Cố Quận là một ẩn ngữ thênh thang phiêu bồng của cuộc phục chuyển hồi qui. Cố Quận không hẳn là Quảng Nam tỉnh, Duy Xuyên quận, mà còn có thể là Hà Tiên thơ mộng, Rạch Giá thơ ngây, hoặc là Mỹ Tho thơm lừng. Cố Quận cũng dang chân dàn trải tới cao nguyên rừng núi, thuận bước xuôi đường về duyên hải cát vàng, rồi tiện dịp dong thuyền ra các hải đảo xa khơi. Cố Quận tuyệt nhiên không giới hạn trong bến bờ nước Việt, mà cố quận còn thả hồn chu du trong ngày Âu đêm Ấn, lúc ngước mắt ngắm trăng lục địa Châu Âu, khi quanh về ngửa đầu nhìn Hằng Nga giữa lòng phố thị Sài Gòn. Ở đâu cũng là cố quận. Bất cứ chỗ nào cũng có bóng dáng của Em. Thế mà, réo gọi mãi, Nàng Cố Quận vẫn lẩn khuất, chưa chịu dứt khoát đưa bàn tay cho ta nắm. Ta sợ em đã thay đổi họ tên, nên thận trọng gọi bằng nhiều danh tánh khác nhau, nào là Quê Nhà, nào là Mọi Nhỏ, nào là Mưa Nguồn, nào là Tình Thứ Nhất, nào là Người Bạn Cũ, nào là Niết Bàn, nào Bản Lai Diện Mục, nào Hình Nhi Thượng, nào Hoa Ngõ Hạnh, nào Lá Hoa Cồn, nào Sương Bình Nguyên, nào Con Đường Ngã Ba, nào Ngàn Thu Rớt Hột, nào Chuồn Chuồn Châu Chấu, nào Hương Màu Nguyên Xuân, nào Mùa Thu Thi Ca, nào Màu Hoa Trên Ngàn, nào Thanh Tân Thiếu Nữ…Hỏi tên emđích thị là gì, em ngượng ngùng chẳng nói. Em e ấp, e dè, e lệ, nấp vào dưới hạnh lá cồn hoa muôn thuở cuộc đời. Khiến người khó đón nhận thường hằng. Em như có đây, vừa như không có đó. Buổi sáng lòng hân hoan nghe chim hót với em, buổi trưa chợt thấy em biến đi đâu mất biệt. Chiều chiều xế bóng, em lại hiện nguyên hình cùng ta vui vẻ hái sim trên đồi tím. Khi hoàng hôn đến, ta tưởng đã nắm tay em cùng về, nhưng đêm đến thì chỉ còn một mình ta dưới ánh trăng mờ tỏ. Nàng Cố Quận ở đâu rồi? Người đi thì con chim thi ca lấy đâu cảm hứng để líu lo sáng tác? Người nỡ nào để ruộng đồng văn học biến thành sa mạc hay sao? Lẽ nào thi nhân đã chết hết?
AI GIẾT
Nước bỏ bờ ruộng khô
Từ ngày chim chết hết
Cành cây thôi líu lo
Em hay là ai giết?
(Bùi Giáng)

Tư tưởng khô khan. Thi ca cạn nước. Thi nhân ngậm lời. Văn học đích thực câm tiếng. Thơ dở thao túng thơ hay. Có đau lòng không hả người? Thật là sửng sốt. Người sửng sốt cái điều chẳng mấy ai sửng sờ. Sửng sốt một mình. Thật cô đơn. Không ai cần biết cái chết bi thiết oan uổng của những con chim thánh thần trong văn học. Ấy là những con chim quí báu của trần gian, của riêng đất Việt, và của cả loài người. Nay chỉ còn biết khóc với người xưa Hồng Sơn Liệp Hộ mà thôi.
Ở LẠI
Tin từ cố quận bờ mương
Hoàng hôn thâm tạ môi hường bình minh
Gửi trăng lục nhạt về ghềnh
Bước du tử dựng miếu đền chiêm bao
Mọc từ đất trích mòn hao
Mùa Xuân tinh thể xin chào Hồng Sơn
Cổng xô còn vọng tiếng hờn
Xin em ở lại bấm tròn cho cung
(Bùi Giáng)
Cung Đàn Trần Gian. Ở lại mà bấm cho tròn. Thi nhân, tác hà dụng? Thi sĩ, để làm gì?
“… Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?”
“… Thi nhân là những con người, những con kẻ, của những con đời tử diệt phù du, đã ngậm ngùi trang nghiêm túc mục ca ngâm Tửu Thần, và ngấn tồn những ngấn tích, và lưu tích những lưu tung của những thánh thần trôi biệt, và ở lại lập-tồn-lưu-ngụ tại chỗ ấn tích in rêu kia, và vạch ngấn ra một miền cho những đồng bào phù du, tử diệt, và vạch ngấn ra cho họ, cái con đường của phục chuyển hồi quy.”
(Martin Heidegger, Thi Sĩ Để Làm Gì, Bùi Giáng, Sương Bình Nguyên)
Sứ mệnh âm thầm ấy của thi nhân. Rất vinh dự và vui lòng nhận lãnh. Nhưng vẫn buôn tủi trước sự thật rất phũ phàng: Nước bỏ bờ ruộng khô. Từ ngày chim chết hết. Cành cây thôi líu lo. Em hay là ai giết? Và, rồi đây, ai sẽ khôi phục bờ nước cũ sơ đầu? Ai sẽ mời gọi tiếng chim về nguồn suối xưa? Ai sẽ hồi sinh nền văn học giá trị đích thật? Ai sẽ làm nhịp cầu cho hậu thế tiếp bước Tố Như?
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Đau đớn lắm thay, người ạ, Bùi Giáng ạ. Suốt một đời, ông kiên nhẫn ghì giữ ân tình ấy với truông ngàn văn học, vẫn một mình đi lang thang tìm kiếm đó đây trong vườn cảo thơm kim cổ Á Âu. Từ huyết mạch của Phật, Khổng, Mạnh, cho đến linh hồn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Quang Dũng, Xuân Diệu, Huy Cận, Tuệ Sĩ..., đã được ông làm hồi sinh bằng một nhãn quan mới mẻ, khác hẳn với cái nhìn rập khuôn cũ kỹ xưa kia. Bên trời văn học Tây phương, ông tập trung biết bao là công phu nghiên cứu, về W. Shakespeare,  André Gide, Saint-Exupéry, Albert Camus, M. Heidegger, F. Nietzsche, Gerald de Nerval..., ông góp nhặt những tác phẩm hay của họ, đem về những tư tưởng mới, ông cặm cụi dịch ra tiếng Việt, ông cần mẫn diễn giải bằng đủ thể loại văn thơ, hoặc tập trung hoặc rải rác khắp nơi trong hơn 70 tác phẩm đồ sộ, cống hiến cho người đương thời và cho thế hệ mai sau biết bao tim óc của ông. Nhưng chẳng mấy ai đương thời thật sự hay biết, chẳng mấy ai thật lòng mười mươi chia xẻ với ông. Lắm khi còn gây ra biết bao cơn cuộc đoạn trường điên dại cho ông. Khiến ông đã phải ngậm ngùi thưa thốt :
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Em có khóc? Ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng nghìn thu hận tan đi
(Bùi Giáng)
Hận mà chẳng trách được ai ai. Tại mình mà cũng tại Trời. Trời kia đã bắt làm người có thân. Tại Trời mà cũng tại thế gian. Thế gian lúng túng chưa biết đâu là "quê hương xứ sở" thật của mình, cố quận mình, tự tánh mình, nên  vọng cầu loạn động mười phương bên ngoài."Phàm phu bất liễu tự tánh, bất thức thân trung tịnh độ, cầu đông cầu tây. Ngộ nhân độ xứ nhất." Thi nhân, ngộ nhân, sẽ lên tiếng hát, giúp nhân gian tìm phương định hướng. Người người có biết cho chăng? Thi nhân, tác hà dụng? Thi Sĩ, để làm gì?
Người đứng đó ngày về tôi có thấy
Hai bàn chân trên cỏ lá ngàn xuân
Phong cảnh đã bốn bề cùng tôi nói
Linh hồn người là thiếu nữ thanh tân
"Người" là tự tánh, là bản lai diện mục của mình. Người là Thiếu Nữ Thanh Tân từng đã. Người là Hương Màu Nguyên Xuân cố quận. Người như ẩn như hiện, như có như không. Người ở trần gian mà như ở thiên đường. Ở thiên đường mà vẫn nhập thế hát ca. Hát ca vi vu mà lòng buồn não nuột. Buồn não nuột mà miệng môi tươi cười hân hoan hội hè tang hải biển dâu đứt ruột đoạn trường.
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này

Lặn lội đi tìm kiếm Hương Màu Nguyên Xuân Cố Quận khắp nơi, qua bao năm lần giở sách đèn, để rồi, cuối cùng phát hiện cái mà mình hì hục tìm kiếm ấy chẳng phải ở đâu xa, mà là ngay tại chỗ này, mỗi sát na này, chỗ mà mình hằng ngày đang sống, đang vui chơi tìm kiếm suốt trăm năm. Cố Quận có thể bé xíu như quả tim mỏng mảnh, hoặc nhỏ hẹp như ruộng nước đôi bờ, cũng có thể đồ sộ như núi cao sông rộng, hoặc to lớn hơn nữa như trần giam mặt đất, hoặc trùng trùng vô tận như vũ trụ càn khôn. Cố Quận ạ, ta yêu em cho tới kiệt tận miên bạc bình sinh. Em có thể nằm gọn trong tháng ngày ngao du nơi mặt đất, sánh bước cùng ta trong nắng sớm chiều vàng, hoặc cùng duỗi thân lim dim ngắm vầng trăng mọc, hoặc bất ngờ mơ màng trong những trang thơ trang phượng tưng bừng. Ta yêu em, chỉ duy có mỗi em thôi. Buồn là vì em, mà vui cũng là vì em đó, biết không em, Cuộc Đời.
TÌNH THỨ NHẤT
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Và thứ hai ba bốn chín thêm mười
Bờ tang hải biển dâu xô lật úp
Bến phiêu bồng anh lật đật theo đuôi
Anh chỉ có niềm vui trong chốc lát
Và nỗi buồn cũng chốc lát như nhiên
Tình thứ nhất thoảng đi qua thấm thoát
Tới trăm năm còn thấm thoát như thường
Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau
Hồn tan vỡ song đôi trong hơi thở
Ôi đầu đường ôi xó chợ nơi đâu
Là nơi đó chốn kia anh rất rõ
Trong máu me từng khoảnh khắc sơ đầu
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Và thứ nhì cũng đệ nhất như nhiên
Bờ dâu biển phiêu bồng trôi lật đật
Bến phiêu du chớp nhoáng mộng tang điền
Bây giờ anh dại anh điên
Biên Hòa bịnh viện bình yên anh về
Anh chào vĩnh biệt sơn khê
Chào anh vĩnh quyết bốn bề nhà ma
(BuiGiang)
NGÔN NGỮ
Tạo Hóa vốn là một nhạc trưởng lỗi lạc. Thế giới được sáng tạo lúc nào cũng đầy ắp âm thanh khinh khoái. Nào là tiếng va chạm của các tinh tú trong không gian vô tận, nào là tiếng thì thào thổn thức của những con tim vô hình, nào là tiếng mưa gió trong bầu khí quyển địa cầu, nào là tiếng sôi sục trong lòng quả đất rực lửa suốt bao triệu năm…
Có những âm thanh chỉ dành riêng cho nhĩ quan thần thánh. Vành tai con người phàm tục bị giới hạn ở một cung bậc chừng mực khả dĩ đón nghe. Có được một đôi tai để đón nhận âm thanh quanh mình, đó là một hồng ân, và đồng thời có thể là tai họa.
Cơ quan thính giác đón nhận mọi loại âm thanh, trong đó có ngôn ngữ. Ý thức phân tích ý nghĩa âm thanh và lưu giữ ý nghĩa ấy như một kinh nghiệm. Ý nghĩa ấy, khi cần, sẽ được truyền tin cho người khác xuyên qua ngôn ngữ. Ngôn ngữ ấy lại được người khac tiếp nhận bằng cơ quan thính giác của riêng mình, ý thức của riêng mình, kinh nghiệm của riêng mình. Ý nghĩa ngôn ngữ được truyền đi chính xác và tiếp nhận chính xác: đó là hồng ân. Ý nghĩa ngôn ngữ được truyền đi thiếu chính xác hoặc tiếp nhận thiếu chính xác: đó là thảm họa.
NHƯ LAI VÀ TU BỒ ĐỀ
Như Lai: - Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Bấy lâu nay ta có thuyết pháp gì chăng?
Tu Bồ Đề: - Chẳng có.
Như Lai: - Nếu bảo rằng ta có thuyết pháp thì ấy là như thế nào?
Tu Bồ Đề: - Ấy là phỉ báng Phật.
Như Lai: - Sao gọi là phỉ báng?
Tu Bồ Đề: Là chẳng có phỉ bang gì cả?
Như Lai: - Nhiên
(Bùi Giáng, Ngày Tháng Ngao Du)
Tạo hóa có “tánh khí” như một chú bé hiếu động. Trên mặt địa cầu, mỗi loài được ban cho một loại nhạc cụ độc đáo để chứng tỏ vai trò của mình trong bản đại hòa tấu của vũ trụ tưng bừng. Từ con chim trên trời, con cá dưới nước, con thú trên rừng, con sâu trên lá, con dế trong đêm, …, đến con người ta trên trần gian, thảy thảy đều được sở hữu một loại nhạc cụ riêng biệt. Nhạc cụ của loài người dùng trong bản đại hòa tấu của vũ trụ được gọi là ngôn ngữ - ngôn ngữ sơ nguyên. Hầu hết các động vật khác với con người đều giữ nguyên vẹn ngôn ngữ sơ nguyên ấy, nên việc giao tiếp hoàn toàn chính xác như nó vốn là. Còn con người, được xem là con vật có trí khôn nổi bật hơn cả, đã liên tục sáng tạo, bổ sung vào ngôn ngữ sơ nguyên ấy để làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ của mình.
Dù sao thì sự kiện con người đã nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ của mình là điều xác thực. Tuy nhiên, tiếc thay, trong khi những nhà tư tưởng phong vận đã làm giàu thêm ngôn ngữ loài người, làm sống động thêm bản hòa âm điền dã, làm cho cuộc đời thêm thơ mộng, thì đồng thời ngôn ngữ cũng ngày càng bị lạm dụng vụng về bởi những người thợ nghệ thuật non tay. Ngôn ngữ đã chịu thổn thức trong tang hải trầm luân. Ban sơ nó là tiếng hót thuần túy của chim. Sau bao biến đổi, từ khi người không nghe rõ ý nghĩa thật của tiếng hót, ngôn ngữ thành ra tiếng tranh cãi om sòm của quỉ, của những bóng ma, và còn tệ hơn nữa, nó trở thành chính bóng ma nhòe nhòa không có vai trò thực chất. Người ta bắt đầu cằn nhằn càm ràm – xuyên qua cái ngôn ngữ ma quỉ mạt vận ấy – về thế giới xuất hiện chung quanh cặp mắt lơ láo của họ, và hồ đồ cho rằng ấy là ngôn ngữ nghệ thuật.
Mỗi lần dạo qua sa mạc văn chương ấy, đêm đen ngôn ngữ ấy, là mỗi lần khiến những tâm hồn phong vận buộc lòng cố ý phải lập ngôn một cách bất thường. Đôi khi phải nói ngược, lắm lúc phải nói lái, nhiều phen phải nói lộn lèo, đôi bận phải quàng xiên nói mâu thuẫn lung tung loạn xạ đuôi đầu Ngô Sở, bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia như ngôn ngữ của một kẻ điên.
Câu nói thâm trầm nổi tiếng và cắc cớ nổi tiếng của Phật: “Ngã thuyết bát nhã ba la mật, tức phi bát nhã ba la mật, thị danh bát nhã ba la mật.” Tại sao đã nói “không” mà liền sau đó lại nói “tức thị có”? Tại sao đã nói “có” mà liền sau đó lại nói “tức thị không”? Tại sao thay vì trực tiếp nói đến chân lý thiên thu, thì Nguyễn Du, Saint Exupery, Gerald de Nerval, …, cứ loanh quanh “tả cảnh”, còn Xuân Diệu, Huy Cận thì “tả tình”? Và ông Bùi Giáng thì cứ phải “tả tìnhtrong cảnh lá”, phải nói “dạ thưa” trong khi khinh miệt, phải xưng “tao mày” lúc kính nể, phải “anh anh em em” như hai đứa bồ bịch, phải tự xưng là “kẻ chăn trâu” như là trân châu kẻ, phải tự hô hoán mình Bùi Bê Bối cho thiên hạ dắt vào nhà thương điên? Tại sao? Tại sao khi Bùi Giáng công kích Trang Tử thì thành ra ca tụng? tại sao cái cốt yếu của những tác phẩm thượng thừa thì nằm trong các “mệnh đề phụ”? (Sương Bình Nguyên, Mệnh Đề Phụ). Tại sao đã nhiều lần lặp lại rằng Chúa ở trong lòng anh chị em, mà anh chị em vẫn cứ cầu cạnh Chúa ở ngoài lòng anh chị em? Tại sao Phật Thích Ca thuyết giảng bao nhiêu pháp rồi mà khi hỏi thì Ngài vẫn bảo rằng ta chẳng thuyết gì cả? Tại sao vấn đề ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ nữa mà nó lan sang vấn đề tư tưởng? Người có bao giờ ngờ chi không? Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt, thấy một mình người đi lại lang thang?


THANH HIÊN VÀ TỐ NHƯ
Thanh Hiên: - Hỡi Tố Như, ta có phải là Thanh Hiên chăng?
Tố Như: - Chẳng phải.
Thanh Hiên: - Sao gọi là chẳng phải?
Tố Như: - Chẳng phải là phải chăng?
Thanh Hiên: - Là phải và chẳng phải. Hỡi Tố Như, ý ông thế nào?
Tố Như: - Ta chẳng có ý gì hết cả.
Thanh Hiên: - Sao gọi là chẳng có ý gì hết cả?
Tố Như: - Là: cả hết ý gì có chẳng là sao gọi?
(Bùi Giáng)
Câu cuối cùng ấy chính là chỗ dòng nước xoáy, đảo lộn thứ thự từ ngữ của câu áp chót. Nó báo cho biết sự bế tắt của ngôn ngữ cũ mòn bị kiến chấp hãm hại. Nếu ai có hiểu, thì có thể ngay từ những câu đối đáp trước, không cần phải dài dòng bàn thêm. Còn nếu đã không hiểu, thì có nói thêm bao nhiêu nữa cũng chẳng ích gì. Do đó, tư tưởng phiêu nhiên bèn dìu ngôn ngữ phong vận ẩn mình trong nhau, không còn phân định thứ tự trước sau. Rồi, để tiếp tục ca hát, ngôn ngữ lại được canh tân tái tạo. Nước Việt may mắn có những con chim đầu đàn: Nguyễn Du du dương và phiêu bồng Bùi Giáng.
PHẢN KHÁNG VÀ NGHỆ THUẬT
Thì có lẽ
Như bây giờ lần nữa
Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn
Lời gay cấn đầu thai trên vó ngựa
Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn
(BG)
Bùi Giáng không hề muốn lập dị. Chỉ vì ngôn ngữ của nhà sáng tạo vụt bay vút bổng lên cao, vượt lên trên kiến giải của phàm phu, nên bị họ gán cho tiếng “lập dị” ấy và yên lòng với ý nghĩ rằng: “Hừ, sở dĩ ta chẳng hiểu mô tê gì cái tiếng kêu lập dị nọ, chẳng phải vì cái trí ta chưa đủ cao, cái tâm ta chưa đủ rộng, lỗ tai ta chưa đủ thính, cặp mắt ta chưa đủ tinh, hai chân ta chưa đủ linh hoạt, …, mà chỉ vì cái con chim lập dị đơn độc nọ nó ca hót cái điên khùng “dị lập” chẳng giống bài ca nhân gian đông đảo chúng ta hằng ngày rập khuôn nối đuôi nhau ca tụng vậy. An hem ta là những người tỉnh táo sáng tác phát tài, để ý làm gì cái thằng chăn trâu điên khùng lập dị ấy cho hao tổn thì giờ xây lập danh vọng của chúng ta”. Vậy đó, nó lấy cái bụng của kẻ tiểu nhân nó đo lòng người quân tử. Anh về giũ áo mù sa. Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.
LÀM THƠ
Bài thơ thứ nhất ca tụng ông Trời Xanh
Bài thơ thứ nhì ca tụng ông Thượng Đế
Bài thơ thứ ba ca ngợi đồng thời cả hai ông Thượng Đế và Trời Xanh
Bài thơ thứ tư ca ngợi cùng một lúc cả hai ông Trời Xanh và Thượng Đế
Bài thơ thứ năm bất thình lình chỉ duy ca ngợi ông Trời Xanh mà thôi
Bài thơ thứ sáu đột nhiên ca ngợi duy nhất ông Thượng Đế
Bài thơ thứ bảy bỗng đâu cọng chung hai ông Thượng Đế và Trời Xanh làm một để tiện việc ca ngợi một lần
Bài thơ thứ tám hốt nhiên sực nhớ cọng chung như thế có phần vô lễ bèn chia rẽ trở ra
Bài thơ thứ chín khởi sự lần lượt ca ngợi hai ông
Bài thơ thứ mười bắt đầu cảm thấy khó khăn trong cuộc lần lượt khởi sự ai trước ai sau
(BG)
Nếu ngôn ngữ giữ nguyên giá trị ban sơ của nó, thì nói “có” nghĩa là có, nói “không” nghĩa là không. Nhưng từ khi ngôn ngữ đã bị kiến chấp che mờ, cái “có” không còn được hiểu đúng như là “có” ban sơ nữa, thì các nhà tư tưởng lại lập ngôn theo cách ngược lại: có tức thị không, không tức thị có. Khó khăn thay là ngôn ngữ dị đồng. Cho nên,
Thì có lẽ
Như bây giờ lần nữa
Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn
Lời gay cấn đầu thai trên vó ngựa
Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn
(BG)
Lời lời sẽ theo ngày tháng mà càng trở nên gay cấn, cô đọng, khó hiểu, vì sao?
Về chuyện vắn gọn, Jean Paul có đưa ra một lời khuyên giá trị: “Nói tóm lại thì tất cả những gì là cao đại hoằng viễn, tất cả những gì mang nhiều ý nghĩa đối với một số hiếm hoi những tinh thần, thì nên được diễn tả bằng những hạn từ vắn tắt, do đó tối tăm, cốt ý để cho tâm hồn phàm phu tục tử có khuynh hướng xem nó là vô nghĩa, hơn là cố ý tim cách diễn dịch nó ra trong cái vẻ vô vị đặc biệt của nó. Bởi lẽ những tinh thần phàm phu thường có một sự khéo léo đáng tởm là chỉ nhìn thấy trong những lời lẽ sâu thẳm và phong phú nhất chỉ duy có sự tầm thường của ý kiến họ.” (Nietzsche, Triết Lý Hy Lạp Thời Bi Kịch)
Zarathustra sở dĩ đã hạ sơn sau bao năm ẩn mình trên núi cao (nhập thế du xuân sau bao năm xuất thế), vì ông nhìn thấy ngôn ngữ (thế tục) đang chìm đắm trong thảm họa, lan tràn hằng bao thế kỷ nay. Con người mù quáng xưng tụng những giá trị không còn thực chất, những ý niệm mà nay chỉ còn là một thứ từ ngữ rỗng không: Thượng Đế, Hạnh Phúc, Văn Minh, Công Chính, Lý Trí, Hiền Minh, vân vân…
Há chăng cần phải khởi sự đập nát tai bọn chúng để chúng tập tành học phương pháp nghe bằng mắt hay sao? Há chăng phải gào to như om thòm trống trận, rống lớn như rập rình nhạc quân, thét dài như giáo sĩ khuyến nhân sám hối? hay là? Là chăng? Hoặc là? Là bọn chúng chỉ đặt niềm tin tưởng trong tiếng nói của lũ bọn cà lăm? Há thế chăng ru? Chẳng là ra thế? (Bùi Giáng, Con Người Phản Kháng, Nietzsche)

Nietzsche thông báo Thượng Đế đã chết. Ấy bởi vì ông đau đớn nhìn thấy con người sa đọa trong ngôn ngữ, mù quáng trong kiến giải cố chấp. Ông đành phải làm thao tác tàn phá ấy để mong xây dựng lại giá trị sơ nguyên của mọi giá trị. Ông đánh quá đau khi dùng ngọn roi giáo dục.
SAO GỌI LÀ BÊ BỐI
“Đại thánh thuyết không pháp
Vị ly chư kiên cố
Nhược phục kiến hữu không
Chư phật sở bất hóa”
(BG)
Trong ngôn ngữ cực cùng đó, còn tồn lập tập hợp những mâu thuẫn nan kham nào? Bất khả tiết giảm? Nhận ra chỗ đó, là tiến tới sát mép rìa của bờ cõi liên tồn bất khả tư nghị vậy. Từ đó, câu hỏi “sao gọi là bê bối” ắt có thể được giải đáp “ấy vậy là lai rai”.
Heidegger viết Kant et le Problème de la Metaphysique, Qu’est-ce que la Metaphysique, vân vân, đều có ý đưa tư tưởng tới chỗ bất khả tư nghì đó. (Bui Giang)
THƯỢNG ĐẾ VÀ THIÊN TÀI
Thượng Đế đã tác tạo một vũ trụ kỳ diệu. Thượng Đế cũng khéo léo đặt định những thiên tài vào trong cõi để ca tụng sự kỳ diệu của công trình sáng tạo ấy. Nhưng rồi, chẳng biết ai đã tinh nghịch xúi giục người khác diễu cợt các thiên tài. Chừng như đó là một cuộc thách thức, trắc nghiệm xem hắn có đích thị xứng đáng là đứa con ưu tú hảo hạng của Thượng Đế hóa hay chưa vậy. Cuộc vui đùa thơ ngây ấy đã khiến cho những hồn người phong vận phải thoạt tiên bàng hoàng như một đứa con cưng đột ngột bị roi vọt. Mãi sau bao nhiêu giông gió thống khổ đoạn trường giữa đìu hiu sa mạc, cuối cùng họ mới tỉnh ngộ, tìm về được nơi chốn như nhiên tự tại để tái lập thế quân bình.
Người đã bỏ đường kia ở lại
Để đi về đối diện hư không
Bờ thánh thót thu sau về vạn đại
Lời chào kia nức nở lạnh vân mồng
(Bui Giang)
Tạo hóa có vẻ như bất công khi lạnh lùng xô đẩy cánh chim tài hoa vào từng trận cô đơn khốc liệt. Dọ dẫm xác định phương hướng tìm về bến cũ. Giờ đã đến, chim đã đổi đường bay. Người đã bỏ đường kia ở lại, để đi về đối diện hư không. Xuân Thu hò hèn mơ màng. Màu tuyết bạch, màu sương vàng pha bạc. Cố quận trường thành rêu phủ cõi bờ, trông ra biển rộng sông dài, mỏi mòn chờ đợi. Cách bao biết trăm năm mới có một cánh chim về trên đất Việt, kể từ Tố Như xưa. Nay mừng rỡ đoàn viên. Mở trang hồng lệ. Nàng thơ duyên dáng bước ra. Trên mái tóc đen nhánh, quanh vòng cổ trắng ngần, rực rỡ những vòng hoa tươi thắm. Mỗi bước chân đi, mỗi vần. Mỗi bàn tay nâng, mỗi điệu. Vần điệu du dương với chân ngà tay ngọc xuất thần. Người ngồi xem, gật gù đắc ý.
Phẩm tính quí giá hiếm hoi của những cánh chim thiên tài được Thượng Đế ban cấp, khả dĩ chịu đựng bền bỉ mọi cuộc thử thách trớ trêu. Cuộc đời thiên tài càng trớ trêu bao nhiêu, tác phẩm của họ càng rực rỡ bấy nhiêu. Và chỉ từ khi đó, từ khi thiên tài đã biết chết đi sống lại, những công trình sáng tạo của họ lại tỏ ra xứng đáng đứng trong hàng ngũ những giá trị trường cửu. Chỉ khi đó, những nhạc khúc ca ngợi vũ trụ của họ mới thật sự lộng hương tương xứng với vũ điệu toàn bích của Tạo Hóa. Ngài chừng như cũng muốn thú nhận vài chi tiết vụng về, sơ suất lai rai của mình trong khi sáng tạo thế giới. Nhưng ông không cải chính, cho rằng chính cái lai rai sơ suất ấy cũng đóng góp vai trò của mình trong toàn cõi doanh hoàn toàn bích vậy. Trò chơi oái oăm âm thầm của tạo hóa kéo dài vô thủy vô chung, không mỏi mệt chán chường.
Cuộc đời là cảo thơm. Từng trang đời lật qua. Đọc sẽ thấy. Đó đó là trò chơi. Và đây đây là luật tắc của trò chơi: Có những luật tắc dành cho cõi Hình Nhi Thượng. Có những luật tắc dành cho cõi Hình Nhi Hạ. (Tham khảo: Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển thượng). Người tham dự không được phổ biến công khai luật chơi. Khi sa đà vui chơi trong cuộc, vấp đau té điếng, rồi mới hiểu ra. Chẳng trách. Thi sĩ bước đi trong cõi Hình Nhi Thượng. Và vui chơi nhẹ nhàng trong cõi Hình Nhi Hạ. Có thượng có hạ chăng đối với người thượng đạt? Thật ra là không. Gọi là thượng, ấy vì đang nói với vành tai kẻ hạ. Còn nói là hạ, là nói với người sớm nhận ra cái hạ để sẵn sáng bước vào cõi thượng. Khi nhập vào cõi thượng rồi, thì thượng hạ vô phân biệt vậy. Cũng chẳng còn chia biệt người thượng kẻ hạ. Người về tôi mới nhớ ra, Yêu là thế ấy thương là thế thôi (Hồ Dzếnh). Ngô rồi tôi mới nhớ ra. Thượng là thế ấy hạ là thế thôi.
Lên núi rồi xuống biển. Buồn vui ở thôn quê rồi vui buồn về thành thị. Trách móc ông trời mà lại mến mộ bà trời. Say say rồi tỉnh tỉnh. Lúc tỉnh giấc, biết mình bị chọc ghẹo, thi sĩ bèn hề hà làm thơ lênh láng ngông nghênh.
TẶNG THƯỢNG ĐẾ
Mang chơi một trái tim người
Hành thân hạ thể nối đuôi chuồn chuồn
Trăm năm chất vấn buông tuồng
Ngày xưa Thượng Đế vui buồn ra sao
(BG)
Thượng Đế không hé môi trả lời, mặc kệ nhân gian suy đoán. Vậy mới vui, chứ tiết lộ cả thảy thì còn chi hào hứng cuộc đời. Hỏi chuyện vui buồn ngày xưa của thượng đế là hỏi cho vui vậy thôi, chứ nếu câm miệng không hỏi thì còn chi hào hứng! Mang chơi một trái tim người. Hành thân hạ thể nối đuôi chuồn chuồn. SỐng là sống chơi. Buồn rầu cũng là buồn rầu chơi. Hành hạ thân thể là hành hạ chơi cho vui. Điên là điên chơi cho bớt điên đầu, thế thôi. Con chim nó tự nhiên ca hót trên trời, con chuồn chuồn nó tự nhiên bay lượn giữa không trung, con cá nó thong dong bợi lặn dưới nước, Cô Em Mọi nó ung dung lùa bò vào rừng sim trái chín, thằng Thi Sĩ Trung Niên nó du dương ríu rít làm thơ lúc chiêm bao giữa phố chợ, … Ngao du tự nhiên vậy, có gì lạ lẫm đâu! Nổi giận làm gì với hóa công, thượng đế! Lại còn đòi giết thượng đế làm gì? Thiên hạ hà tư hà lự?
XIN THƯỢNG ĐẾ
Anh xin thượng đế cho mình
Suốt đời đi ngó quán đình đổ xiêu
Hỏi rằng: tại cớ làm sao?
Thưa rằng cớ ấy có nào lạ chi
Hỏi rằng: ấy tại mê si
Thưa rằng: ấy cũng tại vì trái tim
Anh xin được phép đi làm
Suốt đời một mảnh xanh xiêm một người
Hỏi rằng: người ấy là ai?
Thưa rằng: người ấy gọi ngài bằng cha
Hỏi rằng: ấy ã Hằng Nga?
Thưa rằng: ấy chính Hằng Nga cõi trần
Anh xin thượng đế mấy lần
Mà người chưa quyết còn chần chờ chi
Phán rằng: cái đó tùy ngươi
Thưa rằng: nhưng cũng tùy người liệu cho
Bảo rằng: sao cứ xa lo?
Thưa rằng: ấy bởi con đò trần gian
Trăm năm dâu biển lạ thường
Tôi nằm đất Việt mà Nường sang Tây
(BG)
Cầu xin thượng đế? Xin chơi cho vui vậy thôi. Chứ thật ra là tùy ngươi xoay xở trong con đò trần gian. Mà con đò đó ngươi, Bùi Thi Sĩ, ngươi đã lèo lái quá tài tình. Ngươi qua lại reong chơi hằng ngày giữa hai bờ, giữa mộng và thực, tỉnh và điên, thần tiên và rú rừng người ngợm. Mộng và thực đối với ngươi là chuyện cơm bữa. Thị và Phi đối với ngươi là chuyện dạo phố chiều chiều. Sướng và Khổ đối với ngươi là trò nhanh tay của nhà ảo thuật. Tai ngươi quá thính. Mắt ngươi quá tinh tường, chân người khiêu vũ quá linh hoạt, sao còn giả vờ xin xỏ hả Bùi Giáng!
ÔNG TRỜI CHỊU THUA
Bây giờ tôi rất có quyền
Hỏi ông trời: - chớ thuyền quyên là gì?
Mà nhân gian nhớ ly bì
Từ thiên thu tới tám kỳ càn khôn
Trời rằng: ngươi rất có quyền
Hỏi như rứa đó…, nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng ta không đủ thẩm quyền đáp đâu
(BG)
ÔNG TRỜI SAY RƯỢU
Tàng tàng chén cúc giở say
Di hài ác mộng giơ tay đầu hàng
Cơ trời tác hợp đa đoan
Tồn sinh Oedipe u tàng Zeus
(BG)
BÀ TRỜI ĐIÊN
Tàng tàng chén cúc giở say
Cô em kiều diễm ngón tay ngon lành
Bổ sung dâu biển biến thành
Biển dâu bổ túc tam bành cho em
(BG)
Thượng Đế toàn năng, sao không đặt định muôn điều tốt đẹp cho thế gian? Thượng Đế bao dung, sao còn bày biện biển dâu ác mộng cho con người đau khổ? Con người dù là con người “tội lỗi” hay “vô tội”, thảy đều là “sản phẩm” của thượng đế tạo ra, sao còn bị thượng đế trừng phạt? Như vậy có khác gì thượng đế trừng phạt thượng đế? Nếu vẫn khư khư cho rằng muôn màu hỗn độn như thế mới thái thậm thần tiên thơ mộng tót vời, thì… thì có gì lấy làm lạ khi tại hạ cùng thần tiên trên trời và nhân gian dưới đất lên tiếng cười nức nở với mọi mọi cái vân mồng (tin tức):
TRỜI KHÓC MARILYN
Trời xanh úp mặt nghe tin
Thôi rồi! Em má Ri Lin đi rồi
Từ đây ta bỏ ngai trời
Thu thời gian đập tơi bời càn khôn
Giữa hư vô nếu em còn
Nhớ ta em gởi cái hồn cho ta
Úp môi ôm mặt khóc òa
Cồn lê lên miệng là ba bốn lần
(BG)
Con chim thì nó tỏ tình trên trời, con cá thì nó ái ân dưới nước, con chuồn chuồn thì nó ong bướm trong nắng vàng, Cô Em Mọi thì nó hú hí với thằng thi sĩ trên đồi sim. Tùy theo làn gió trên trời, điệu sóng dưới nước, màu nắng trong không trung, độ sim chín trên đồi hoa, …, mỗi loài mỗi kẻ sẽ bày tỏ tình yêu bằng cử chỉ tương thích. Có gì lạ lẫm ghê gớm đâu mà phải nhăn mặt nhíu mày khi đọc bài thơ ấy, hỡi những kẻ đạo đức giả!
TRỜI HỎI
Hỏi rằng giờ có chịu đi
Về thiên đường ngắm mấy dì tiên Nga
Thưa rằng thà sống với ma
Miễn là được thấy lại tòa Mông Rô
Hằng ngày chiêm bao mộng mị, ao ước muốn được trùng ngộ mấy dì, thế mà khi cho phép về thăm, sao chân lại trù trừ không muốn bước? Thượng đế thoạt tiên đã phỉnh dụ được thằng thi sĩ, phao tin thất thiệt rằng mấy dì tiên nga xinh đẹp vốn ngụ cư ở trên trời cao xa thăm thẳm. Khiến thi sĩ phải cần mẫn chiêm bao rớt hột mưa nguồn khóc lóc để mong được đoàn viên hạnh lạc cõi thiên đường. Nào ngờ, sau bao canh thâu trường dạ kêu khóc dâu biển não nùng, khi hừng đông tỉnh giấc một hôm, mở to hai mắt sáng bừng, chợt hoát nhiên nhận ra rằng, từ lâu, khắp phố phường nô nức yến oanh, khắp làng thôn yến oanh nô nức, hằng nga trên trời thường hằng xuất hiện hội hè khắp nơi trên mặt đất tự bao giờ.
Chợt có lúc lên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chình ở chỗ này
(BG)
Ta vừa ngủ trong luân hồi tỉnh dậy
Thấy trần gian là một hội hoa đăng
(Huy Cận)
Trần gian mở hội hoa đang từ ngàn thu trước, và vẫn còn kéo dài cho tới tận vạn đại thu sau. Trần gian đẹp thật, và đau đớn thật. Ai cũng biết điều đó, dù có nói hay chẳng nói ra. Còn sống tức là còn nhìn nhận giá trị cuộc đời.
Đời tôi khép lại hai lần
Trước lần khép mắt khôn hàn vĩnh ly
Tuy nhiên còn nấn ná vì
Để xem vĩnh cửu còn gì mở ra
Cho mình biến cố thứ ba…
(Emily Dickinson - BG dịch)
Chẳng bao lâu sau khi nhận ra trần gian tưng bừng vui nhộn, thì phải đối diện với một tình huống khác: tử thần. Tử thần là do trời xui khiến hay do người gây nên? Trời hành cho cực bấy trời. Trời ràng buộc chi cho lắm những luật tắc khắt khe. Trời cấp cho một quả đất để con người tồn lập, rồi trời còn tạo ra bao xiết thiên tai để con người quay cuồng trong sợ hãi. Trời cho người trẻ dại, rồi trời bắt buộc người già nua. Trời cho phép tâm hồn có thể thanh xuân mãi, nhưng trời vẫn cương quyết xô đẩy xương máu con người phải dần dần ủy mị tàn xiêu, hủy diệt. Thân xương máu đã đành là ủy mị. Thỉ anh xin cùng lên thác xuống ghềnh.
TRỜI MƯA TRÊN ĐẦU
Trời mưa lôp độp trên đầu
Thì xin Thượng Đế chia sầu với tôi
Lúc còn trẻ dại rong chơi
Thì sung sướng với mưa rơi trên đầu
Bây giờ cái sướng đi đâu
Cái gì ở lại ra màu dở dang
Chiêm bao rớt hột hàng hàng
Từ xiêm trắng xuống hỗn mang trên đầu
(BG)
NGÀY MAI ANH CHẾT
Ngày mai anh chết đi đâu
Trên trời Thượng Đế xót đau vô cùng
Phán truyền khắp cõi thiên cung
Vùng sa lệ khóc một vùng như mưa
(BG)
Ngày nay, mỗi khi thấy trời cao rớt hột mưa dài, ta cũng dễ rơm rớm nước mắt, hoài niệm những ngày Bùi Giáng còn lang thang trên mảnh đất này, một mình vi vu múa hát với chuồn chuồn lặng lẽ. Thỉnh thoảng, một người bạn ngẫu nhĩ đi qua, thấy ông, mừng rỡ dừng lại, cùng ghé vào đâu đó uống một ly cà phê, hoặc vài xị rượu, hoặc đôi ba chai lade. Rồi người bạn về với cuộc đời bạn, còn ông tiếp tục lên đường phụng hiến chiêm bao.
Chuồn Chuồn Bùi Giáng
Thuyết Pháp
Nghe nói rằng chư Phật có vô lượng thần thông phương tiện lực, tùy theo căn cơ chúng sanh mà thuyết giảng, tùy cơ duyên mỗi người mà tự chứng ngộ. Ắt hẳn hầu hết chúng ta đã đọc nhiều kinh Phật, đã hiểu đến cùng lý, hoặc đã hiểu lý nhưng chưa thường xuyên dụng hành, thì có thể thọ trì thêm những bài thơ sau đây của Bùi Giáng, thử xem biết đâu mình có lẽ dĩ nhiên đón bắt duyên lành hay không. Như thị ngã văn:
PHẬT VÀ TIÊN
Phật ngồi dưới gốc bồ đề
Tiên nương dừng bước tóc thề chấm vai
Thưa rằng Phật thật là tài
Thấy mà chẳng thấy từ ngoài vào trong
(Bui Giáng)
CON CHUỒN CHUỒN
Bay lơ lửng quanh quanh, ấy là con chuồn chuồn
Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn
Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn
Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn
Xa vắng thơ ngây hơn cả mây bay hạt lánh, ấy là con chuồn chuồn
Không hề biết tới Đoạn Trường Tân Thanh, ấy là con chuồn chuồn
Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn
Vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, ấy là con chuồn chuồn
Phiêu bồng du hí tam muội, ấy là con chuồn chuồn

Mang vô lượng a tăng kỳ kiếp vào trong mỗi sát na, ấy là con chuồn chuồn
Mười phương quốc độ đi vào một lỗ chân lông, ấy là con chuồn chuồn
Nhớ cô Hà Thanh, ấy là con chuồn chuồn
Nhớ cô Kim Cương, ấy là con chuồn chuồn
Không nhớ nhung ai cả, ấy là con chuồn chuồn
Suốt đêm không ngủ, ấy là con chuồn chuồn
Ngủ suốt ngày, ấy là con chuồn chuồn
Suốt đời không hiểu cõi đời, ấy là con chuồn chuồn
Quì xuống cầu nguyện Thượng Đế mà cứ lẩm nhẩm tên tuổi cô Hà Thanh, ấy là con chuồn chuồn
Chiêm bao thấy cô Kim Cương đi tiểu, ấy là con chuồn chuồn
Tỉnh ra, suy gẫm rằng trong trần gian còn xiết bao gái tơ hằng hằng đi tiểu, ấy là con chuồn chuồn
Thung lũng nước tiểu của trần gian còn lai láng chan hòa hơn thung lũng nước mắt, đó là tư tưởng riêng biệt của con chuồn chuồn
Con chuồn chuồn khóc và nghĩ rằng nước mắt của mình chả có bao lăm so với vô ngần thung lũng nọ, đó là triết lý con chuồn chuồn
Hỡi cô Kim Cương, mỗi phen đi tiểu, cô hãy nghĩ rằng mình phải chan rưới hồng ân mưa móc xuống nấm mồ Trung Niên Thi Sĩ, ấy là nguyện vọng duy nhất của con chuồn chuồn
Đến một lúc nào đọc thơ Nguyễn Du, chỉ thấy toàn linh hồn thiên nhiên phong cảnh, ấy là con chuồn chuồn
Làm thơ hay hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn
Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn
Chẳng còn biết sao gọi là hay, sao gọi là dở, ấy là con chuồn chuồn
Dở tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn
Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất-hữu-đích-hữu, vô thị phi-vô-đích-vô, ấy là con chuồn chuồn
Có tức thị không, không tức thị có, có tức là có-chẳng-có, không tức là không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn
Ăn nói tục tĩu, ấy là con chuồn chuồn
Vì tục mà nên tiên, vì tiên mà nên tục, ấy là con chuồn chuồn
Tục cố tiên, tiên cố tục, tục thị bất-tục-dích-tục, tiên thị phi-tiên-đích-tiên, ấy là con chuồn chuồn
Tối huyễn cố tối chân, tối chân cố tối huyễn, tối huyễn thị bất-tối-huyễn-đích-tối-huyễn, tối chân thị phi-tối-chân-đích-tối-chân, ấy là con chuồn chuồn
Nhị nhi bất nhị, bất nhị nhi nhị, ấy là con chuồn chuồn
Đoạn trường tức thị cực lạc, cực lạc tức thị đoạn trường, đoạn trường thị phi-đoạn-trường-đích-đoạn-trường, cực lạc thị phi-cực-lac-đích-cực-lạc, ấy là con chuồn chuồn
Tu Bồ Đề, ư ý vân hà? Con chuồn chuồn có phải là cảnh giới rất mực của Viên Dung Tương Tức chăng? Có phải là hình ảnh của Thân Vô Ngại Dụng chăng? Của Quốc Độ Vô Ngại Dụng chăng?
Của xảo-mật-ngữ là pháp bất tư nghì của thượng thừa phương-tiện-lực đó chăng?
Sao gọi là thần thông vô ngại phương tiện lực?
Tu Bồ Đề, ư ý vân hà?
(BG, Ngày Tháng Ngao Du)
Thuyết pháp theo thể điệu thâm trầm vui vẻ ấy, thật khiến cho vườn lý vi diệu của Phật một lần nữa được khai mở bất ngờ một lối ngõ khác để sẵn sang tiếp nhận bước chân chúng sanh thong dong phiêu bồng đi vào tham dự. Ngõ Hạnh này có nhiều hương hoa kỳ lạ, loại hương vốn bị kiêng kỵ đối với những tinh thần giáo khoa trường trại câu nệ. Tinh thần trường trại cứng ngắt ấy vốn là rào cản thâm căn cố đế bao đời, tự tạo lập chướng ngại, ngăn cản con người thoát xác đười ươi để khởi sự lui tới chiêm nghiệm bước chân tài tử ngân dài thể điện ngõ hạnh ban sơ.
Kinh Phật vốn thâm sâu, cao viễn, nên chẳng ai dám đùa giỡn, sợ rằng như vậy sẽ phạm tội bất kính, hoặc phạm tội ngu si. Chỉ có những ai đã thấu đạt tận cùng nghĩa lý thâm diệu của nó (lại vừa là người vui vẻ lai láng huy hoàng) như Bùi Giáng mới dám lên tiếng diễn giải bỡn cợt vừa đùa vừa thật như vậy. Một kiểu bỡn cợt vô ngại, thâm thúy tài tình vô tiền khoáng hậu. Nói bỡn cợt mà không phải bỡn cợt. Bỡn cợt mà thật ra rất nghiêm trang. Nghiêm trang một cách hân hoan vui vẻ trẻ trung hài đồng. Trẻ trung hài đồng mà thật thâm sâu lão trượng thấu đáo rốt ráo chẳng già nào dám sánh.
Bùi Giáng vô ngại thuyết pháp như đùa giỡn. Làm tiêu tan bầu không khí nghiêm trang nặng nề không cần thiết thường thấy mỗi khi bàn đến Pháp. Mục đích của Pháp Phật là giúp Phật Tử đoạn trừ phiền não. Nếu khi nghe thuyêt pháp mà lòng cảm thấy nặng nề, thì vô tình đã gia cố thêm phiền não. Còn ở đây, khi nghe Bùi Giáng luận về những nội dung trong kinh Kim Cương một cách vô ngại, nhẹ nhàng thoải mái như không, tự nhiên thấy lòng mình nhẹ nhõm theo, những khúc mắc được cởi trói tự nhiên, không phải hỳ hục đắng cay trằn trọc. Nghe ông nói, cuộc phiền não lỳ lợm bao năm trong lòng bỗng nhiên trở cơn phiêu bồng khinh khoái lâng lâng. Nước mắt của cuộc hý trường từng làm mình ảm đạm sầu thảm bao ngày tự nhiên biến thành mưa móc hồng lệ diễm diễm lấp lánh chan hòa trong cuộc nực cười. Chướng ngại vướng mắc xung đột tơ vò trằn trọc đau đớn hằng đêm bỗng dưng hốt nhiên được dễ dàng cởi mở trước hừng đông rạng rỡ đi về. Sa mạc chang chang kéo dài mở rộng thao túng lung trạo khuynh đảo triền miên lu bù, sa mạc nó bỗng dưng không còn làm cho bàn chân nóng bỏng, mà trái lại, nó làm rớt hột phát tiết một loại mưa nguồn mưa móc khả dĩ phụng hiến chiêm bao chan hòa.
Ông nghịch ngợm mang cả những thanh hương nước tiểu vào bài thuyết pháp, nghe róc rách vui tươi mát mẻ dịu dàng như nước ngọc tuyền. Nó tinh khiết trong lành như sương mai đọng trên cồn lá. Nó còn tinh khiết gấp ngàn vạn lần những ngôn từ đạo đức sạch sẽ bịnh hoạn của bọn giả nghĩa giả nhân. Ông nhại giọng nói Phật. Nghe như phỉ pháng Phật mà thật ra chẳng phải phỉ bang. Xưa nay, các bộ kinh, luận về Phật pháp đều diễn giảng theo tinh thần nghiêm trang vương giả đến độ dễ bị tưởng lầm cõi ấy chỉ là cảnh giới thần tiên xa xăm cách biệt như ở tận trời cao thăm thẳm, dễ khiến người “ngoại cuộc’ ngần ngại không dám nhập môn, tưởng rằng Đạo là con đường nghiêm hàn gay cấn, xa lạ với không khí tưng bừng lễ hội hồng trần.
Đạo của Khổng Tử từng bị các nhà Nho hương nguyện vô minh vo bóp, khiến cả xã hội Á Đông, nhất là phụ nữ, đã phải chịu biết bao thảm cảnh đoạn trường. Thí dụ, đời sống phụ nữ đã phải chịu chi phối ngặt nghèo bởi cái “giá trị xã hội” do giới đàn ông cầm quyền áp đặt, rằng “trai thì năm thê bảy thiếp, gái thì chính chuyên một chồng”. Độc ác hơn nữa, phụ nữ còn bị xem như là một phương tiện duy trì giống nòi dốt nát cho bọn tham lam ích kỷ: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (chưa chồng thì lo cho cha, có chồng thì lo cho chồng, chồng chết thì phải lo cho con – không được tái giá). Con người vốn đã đương nhiên chịu quá nhiều đau khổ vì sanh lão bịnh tử, như thế chưa đủ sao, mà còn lừa bịp phỉnh phờ hành hạ nhau thêm bằng những khuôn phép luật tắc quỉ dị, những phụng thờ đức tin ma quái?
Vì vô minh, mù quáng, sợ hãi, tham lam, đã gây biết bao khốn cùng chẳng đáng xảy ra cho đồng loại. Thân phận con người! Ôi con người đau khổ! Hỡi những con người phong vận, ngươi không muốn chìm đắm trong vô minh, ngươi có cách gì tự giải thoát? Chỉ có loài người là trằn trọc mãi trong tù ngục, loay hoay tìm kiếm lối ra, so đo lợi hại, tính toán thiệt hơn, cân nhắc mất còn, vọng cầu điên đảo, kinh sợ hão huyền, nên ngày càng xa cách chân như. Những loài sinh vật khác không cần hì hục mà vẫn điềm nhiên tọa lạc thường hằng tại cõi niết bàn. Vì nó chẳng gùn ghè so sánh phân biệt thiên đường và địa ngục hoặc cái chi chi gọi là như thế. Đâu đâu, lúc nào cũng là cảnh giới ấy ấy là là của nó. Không cầu nguyện mong chờ gì cả, mà vẫn được đủ cả vạn lý hà sơn.
Con người vì thế phải cần mẫn học tập các sinh vật khác, như con cá, con chim, hoặc con chuồn chuồn chẳng hạn. Để giúp hiểu rõ hơn đường bay thần thông vô ngại ấy của con chuồn chuồn, Bùi Giáng còn dẫn giải thêm, qua hình ảnh Nam Hải Điếu Đồ trong Ngày Tháng Ngao Du như sau:
NAM HẢI ĐIẾU ĐỒ

Ông câu được nhiều con cá của hư vô chỉ duy bởi cái tên gọi mà thôi? Ông ngồi ru rú giữa triều Nguyễn, bằng phương tiện nào cho tâm du hư không, tuệ việt vô cực?
Đáp: chỉ duy bằng tên gọi rất mực chịu chơi Nam Hải Điếu Đồ. Gọi tên lên như thế, lập thời nhập trụ vô sở trụ Phật Trí Hải thần thông cảnh giới. Ngồi im tịch tĩnh, không câu mà được cá, được mà chẳng được, chẳng được mà được.
Được chẳng được, chẳng được được, là được chẳng cái gì gì? Ấy là cái cõi rất mực đông đảo hắt hiu man mác của Đoạn Trường Tuệ Hải Tân Thanh. Mãi mãi làm một người khách ngẫu nhiên ngẫu nhĩ mà về, tham dự mọi cuộc, mọi cơn, mọi tuần đố lá, mọi buổi đạp thanh, nơi mọi dặm hồng, nơi mọi lửa nung dấm chua mật đắng, nơi mọi bến nước mọi Tiền Đường, mọi đề huề vén xiêm nhảy xuống, nơi mọi chỉnh tề ngăn nắp nhảy vọt trở lên, mọi về dự mọi đoàn viên đoàn tụ trùng phùng khơi dẫn lại cõi ban sơ phong lưu mọi quần hồng rất mực xấp xỉ xuân xanh tại nơi mọi quả mai ba bảy đương vừa bất thình lình nảy ra mọi đào non kịp thời xe tơ mọi mọi mọi.
Ôi người khách ngẫu nhiên. Nam Hải Điếu Đồ trụ vô ngại xứ, kỳ tâm tịch tĩnh, do như hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần… Thế có nghĩa là gì?
Làm sao người ta có thể đáp vào câu hỏi đó, nếu còn bận bịu vướng víu mãi với những con Zarathustra, những con ó, con rắn, con lạc đà, con sư tử… và chỉ duy quên riêng một con chuồn chuồn?
Cái đường bay của con chuồn chuồn không ai xác định được là bay tới hay là bay lui? Bay đi bay về hay là bay ở lại? Hoặc là từ đâu mà bay về ở lại? Hoặc ở lại để từ đó mà bay vào vĩnh biệt đi đâu?
Không biết. Không biết.
Chỉ duy có thể tạm nói rằng:
“Chuồn chuồn giả vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, cố danh chuồn chuồn.”
Từ đó?
Nam Hải Điếu Đồ có nghĩa là gì? Có nghĩa rất mực là: Người câu cá ở biển Nam chẳng có câu cá câu tôm gì cả. Người câu cá ấy ngồi tĩnh mịch nhìn bóng chuồn chuồn bay lượn trên khắp mặt biển dâu, khắp mọi mọi hững biên thùy trụ vô sở trụ, vĩnh tuyệt hồng trần.
“Nam Hải Điếu Đồ, trụ vô ngại xứ, kỳ tâm tịch tĩnh, do như hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần…”
(Bùi Giáng, Ngày Tháng Ngao Du)
Những trang tiếp theo trong Ngày Tháng Ngao Du tiếp tục diễn giải phiêu nhiên những đường bay du hí thần thông của con chuồn chuồn Bùi Giáng.
Bùi Chuồn Chuồn, trụ vô ngại xứ, kỳ tâm tịch tĩnh, do như hư không nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần. Bùi Chuồn Chuồn sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ, rong chơi suốt mọi đồi sim cồn lá ruộng đồng bình sinh gay cấn, thong dong làm thơ viết văn vô ngại, ca tụng mỗi một Cô Em Mọi mà thật ra tán tụng mọi mọi cô em trần gian tráng lệ mịn màng, chiêm bao ngợi ca tha thiết mọi mép miền cồn hoa cỏ lá suối khe ly kỳ, mà chẳng vướng lụy nhớ nhung một mảy may cồn lá bờ mương sương đồng nào riêng biệt hồng trần.
Bùi Chuồn Chuồn xòe cánh bay quanh hiên hè phố chợ Sài Gòn, sẵn sàng dừng chân đáp xuống nhấp nháp rượu trà lai rai tại bất cứ cành hoa ngọn lá nào ngẫu nhĩ, chẳng trù hoạch dự trù nơi chốn tươi tốt nào là trụ xứ dừng chân.
Bùi Chuồn Chuồn ra vào nhà Nguyễn Du như vườn nhà của mình, an ủi chia xẻ biện hộ cho các nhân vật kiều như bồ bịch chị em ruột thịt. Bùi Chuồn Chuồn chia xẻ đích đáng tâm tình nữ nhi của Bà Huyện Thanh Quan, giúp bà thoát khỏi cái nhìn tàn phế của con quốc quốc khuôn khổ, của con gia gia vô hồn.
Bùi Chuồn Chuồn lượn quanh hình hài tròn trịa của những nàng Mông Rô, y như bay trên đồi sim trái chín, vì chuồn chuồn chiêm bao rằng nàng là nương tử khổng lồ nằm co một chân và chân kia duỗi dọc chiều dài sử lịch Đông Tây.
Bùi Chuồn Chuồn gọi kêu suố bình sinh những con chim con cá con chuồn chuồn khác phái là mẫu thân, để tiện việc gởi gắm tình yêu bát ngát thơ mộng vang lừng thanh tịnh thơ ngây thắm thiết như tình yêu mẫu tử, và nhờ thế tránh cho các mẫu thân thoát khỏi ít nhiều sự dèm pha điên đảo của thế dạ hẹp hòi.
Bùi Chuồn Chuồn nhìn thiên hạ hương nguyện Việt Nam theo đuôi hương nguyện Tây Phương ca tụng hương nguyện Đông Phương mà buồn cười đến hóa điên đầu, điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi.
Bùi Chuồn Chuồn chỉ bay quanh Sài Gòn mà thâu tóm cả ngọn ngành hoa cỏ ngõ hạnh sử lịch hoàn cầu, thể nghiệm cùng tận cái đáy của vực sâu không đáy, hiến trọn tim mình cho mặt đất trầm trọng và đau thương, để ngấn tồn những ngấn tích in rêu của thánh thần trôi biệt, hoàn thành sứ mệnh vạch ngấn một con đường phục chuyển cho đồng bào phù du tử diệt.
Là kẻ thi nhân, làm thằng thi sĩ, trong thời buổi lầm thang vô tỷ, là có nghĩa gọi là rằng: trong từng trận ca ngâm, trong từng cơn ca hát, niềm ca nhi tình tự sẽ nhiếp dẫn tâm sự về mà gợi ý lưu tâm. Tới gì? Tới cái ngấn tích in rêu của chư thần rành rành trốn biệt. Bùi Chuồn Chuồn mỗi khi buồn bực thiên hạ, muốn chửi, thì thay vì chửi, lại làm thơ gay cấn đầu thai trên vó ngựa gởi về cho núi đá mưa ngàn, để mặc cho thiên hạ hiểu lầm mình mà chẳng thiết tha chi chuyện đính chính.
Thì có lẽ như bây giờ lần nữa
Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn
Lời gay cấn đầu thai trên vó ngựa
Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn
(BGiang)
ÔNG CÔNG TỬ LONG ÔI
“Ngựa trắng không phải là ngựa”. Ông đã biết đem luận lý, lý luận ra rỡn một trận tưng bừng. Nếu người tàu sớm biết cái dụng ý của ông thì vui biết mấy. Nhưng người ta nằng nặc gá cho ông cái danh hiệu nào? Và từ đó cõi đời cứ âm u thêm mãi.
(BG, Mùa Thu Trong Thi Ca)
ĐẠO ĐỨC KINH
Không tin tưởng bất cứ cái gì mà vẫn yêu đời, ấy là đạo vậy.
Tin tưởng tất cả mà vẫn chán đời, ấy là đạo vậy.
Nghĩ tới con cá dưới biển mà làm thơ tặng con cọp trên rừng, ấy là đạo vậy.
Ngồi một mình ở Sài Gòn uống cà phê mà chiêm bao thấy mình bắt cá biển về nướng trong hang em mọi ở trên núi, ấy là đạo vậy.
Không đi lính mà cứ mặc áo nhà binh, ấy là đạo vậy.
Nghĩ rằng trái đất có lúc tròn lúc méo, ấy là đạo vậy.
Muốn có một chiếc máy bay bay đi khắp hoàn cầu, ấy là đạo vậy.
Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là đạo vậy.
Uống cà phê nhớ bỏ vào ba muỗng đường, ấy là đạo vậy.
Đi dự tiệc, nhớ thắt ca vát, ấy là đạo vậy.
Làm thơ không biết tặng ai, bèn tặng chuồn chuồn, ấy là đạo vậy.
Muốn tặng mẫu thân phùng khánh một trăm bài, nhưng chỉ tặng hai bài thôi, ấy là đạo vậy.
Tặng ông trời xanh một bài thơ dở nhất, ấy là đạo vậy.
Đừng đọc cho bà trời nghe câu thơ của Hồ Dzếnh “Cho tôi thoáng cảm mùi nhang, hình dung xa vắng cung đàn rồi thôi”, ấy là đạo vậy.
Đọc thơ Việt Nam rồi chẳng còn thiết chi tới Đạo Đức Kinh, ấy là đạo vậy.
(BG, Mùa Thu Trong Thi Ca)
TRƯỜNG SINH BẤT TỬ
Con người ta là những con người rất vui tính. Tuy cuộc sống đầy gian nan, đau khổ, than khóc liên miên, vậy mà vẫn không ngừng mong cầu được ban cho vĩnh cửu trường tồn. Chẳng khác nào cầu xin được đau khổ nhiều hơn, được trường tồn than khóc muôn đời muôn kiếp.
Cũng may là chẳng có lời mong cầu bốc đồng nào như thế được đáp ứng. Không có đời sống trường tồn, không có thân xác trường tồn. Nhưng thật chẳng may là, khi lời cầu xin kia không được thỏa mãn, con người lại nóng nảy hờn giận hư không, oán trách con tạo, và tự thêu dệt ảo tưởng trường tồn bằng những tham vọng bù trừ: làm sao cho thật nhiều tiền, thật nhiều tình, thật nhiều quyền hành, thật nhiều… nhiều hơn người khác.
Trường tồn, vĩnh cửu, thật khó có thể tưởng tượng được một thế giới chật ních những người, từ sơ sinh tới bốn ngàn năm văn hiến tuổi!
Một thanh niên bảy ngàn tuổi! Một phụ nữ tám triệu năm! Người ta quên mất rằng người ta có thể đã “già nua” ngay từ tuổi đôi mươi. Từ khi họ vô ý theo nhau bước vào ngôi trường giáo dục của các nhà nho hương nguyện, bơi lội trong ao tù sách vở từ chương, không còn khoảng không gian trong sáng nào dành cho tâm trí hồn nhiên phơi mở sáng tạo, thì từ đó, kéo dài đời sống thêm hàng ngàn năm nữa, thì chẳng qua là kéo giây giưa cái thân xác xác xơ cằn cỗi ấy mà thôi. Những xác chết ấy kéo dài tới đâu chỉ làm khổ thêm cho nhau, nhất là cho những tâm hồn phong vận, mà nào có ích lợi gì cho ai ai nữa đâu.
Thân phận của thân xác hiển nhiên là vậy, là không trường cửu trường tồn, nên người ta lại thuyết phục nhau tìm một nơi ẩn trú mới để hy vọng trường tồn: linh hồn.
Nhưng linh hồn là gì, chân dung của nó ra sao, chẳng ai thật sự biết. Nên người ta tha hồ vẽ vời, thêu dệt, lợi dụng. Thế là đã tạo điều kiện cho sa mạc mê tín có cơ may mở rộng cõi bờ trục lợi.
Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, sao lại biến thành kẻ thụ hưởng! Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp. Cầu nguyện là một điều nhỏ nhít trong Phật Pháp, vì nó không phải là chơn lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết 80% Phật Sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện. Truyền bá một điều không phải là chơn lý, ắt hẳn chánh pháp phải bị suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật Tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng mê tín, gây thêm lòng tham lam, ích kỷ của họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chứ không phải người tu hành.
(Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật, trang 53)
Bởi vì Phật Tử đòi hỏi việc đưa ma cúng đám, Tăng, Ni mới thiếu thì giờ học tập. Tăng Ni là người hướng dẫn Phật Tử, tại sao chúng ta mãi để những đòi hỏi không đúng, làm mất thì giờ vàng ngọc của người ta? Chính tại Tăng Ni không gan, chẳng dám nói thẳng, sợ mất cảm tình, khiến tệ đoan càng ngày càng thêm. Đâu những thế, có một số Tăng Ni lại bày biện đủ cách rối ren, khiến đã mất thì giờ lại thêm mất thì giờ. Những kẻ này bề ngoài dường như thương Phật Pháp, kỳ thực họ lợi dụng Phật Pháp làm kế sinh nhai. Người Phật Tử dốt nát không biết, thấy bày biện chừng nào càng thích chừng ấy, quả thật kẻ mù dắt đám mù.
(Thích Thanh Từ, Bước Đầu Học Phật, trang 61)
Khi lắng nghe cái lời kể lể khóc than thương tiếc linh hồn mơ hồ của những đám mù ấy, sẽ thấy bên trong một ước muốn ma quái hiện ra: linh hồn mà họ nói đến, nó chính là hình bóng khác của thân xác mà họ từng thất vọng khi kêu cầu trường tồn vĩnh cửu.
Con người ta vô tình vô ý muốn có thêm nữa những “giá trị” mà thực ra người ta đã có, nhưng thường vung vãi phung phí hằng ngày. Con người đã có nhưng chưa từng biết rõ là mình đã có cái đó, họ vứt bỏ lung tung như rác rến, chẳng hề biết quí mến, nâng niu cái đó. Họ không biết rằng, loại “rác rến” ấy chính là tài sản có thật duy nhất khả dĩ mang ý nghĩa vĩnh cửu trường tồn – nếu thừa nhận cho vui rằng quả thật có cái trường tồn trong ý nghĩa mù sương.
Cho nên, người cứ cầu xin và cứ tuyệt vọng. Bởi lẽ, làm sao ai – thần thánh nào – có thể thỏa mãn được cái lời cầu xin cho thêm cái mà chính họ đã quá thừa mứa (mà không biết)? Xin mà không biết thực chất mình xin để làm gì nữa. Xin cái mà tưởng mình chưa có. Xin cái không thể cho thêm.
Kết quả hiển nhiên, họ xin mà chẳng bao giờ được cho. Chẳng phải vì hẹp hòi mà không cho, nhưng cho nữa làm sao được, mà cho nữa để mà làm gì?
Trời Phật đã nghe thấu tiếng kêu khóc, thần thánh đã một một am tường tiếng thở than. Tuy nhiên…, tuy rằng chư thiên giàu có sung túc lắm lắm là “của trời trăng gió kho vô tận”, …, nhưng không biêt làm sao ban cho kiệt tận cái kho vô tận. Người cho, mà rồi không biết ai kia sẽ thụ nhận thế nào cho huy hoàng trong cuộc vạn lý hà sơn
Thế mà, cắc cớ thay, những ai không xin thì lại được. Chẳng có gì lạ. Vì những con người cừ khôi này họ tự thành đạt. Những thứ họ đạt được vốn không thể đạt được từ sự ban cấp bên ngoài. Họ không cầu xin bên ngoài mình, mà chỉ tìm cách nhận diện, khai thác, tự chủ cái tài sản vô tận của chính họ, cái âm thanh và làn khí man mác rạt rào chung quanh chính họ. Họ sở hữu cái của họ là, chứ không muốn sở hữu cái mà người khác gán cho. Họ nhẹ nhàng sở hưũ cái “phù du hư không” , cái "vô sở đắc" họ đang có, chứ không muốn hỳ hục đèo bòng cưu mang cái xứ sở trịch nặng của tha nhân.
Phàm phu bất liễu tự tánh, bất thức thân trung tịnh độ, cầu đông cầu tây. Ngộ nhân độ xứ nhất.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Đó là xứ nhất. Xứ sở của chính mình. Bản lai diện mục mình. Mối tình thứ nhất của mình. Cố quận, quê nhà mình vậy.
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Và thứ nhì cũng đệ nhất như nhiên
Khi đã khẳng định đâu là xứ nhứt rồi, thì chẳng cầu bên ngoài, chẳng cầu đông cầu tây cầu kỳ cầu vọng vĩnh cửu làm gì nữa. Ngộ nhân cứ như nhiên ngao du giữa hồng trần, vừa an lạc múa ca với cỏ hoa thần tiên sống động, chẳng quan tâm làm gì cái hữu hạn phận này hay vô hạn thân kia.
Chuồn chuồn giả, vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, cố danh chuồn chuồn.
Đó là đường bay của con chuồn chuồn Như Lai. Đó là hinh bóng ngao du của ông Bùi Giáng gắn liền.
Bùi Giáng không nói suông. Ông đã sống như thế, thực hành như thế: vô sở tòng lai diệc vô sở khứ. Hân nhiên từng phút trong Vườn Hạnh. Không sợ hãi bất cứ thứ gì. Viễn ly mọi mộng tưởng điên đảo. Cuộc đời đầy gió bụi lừng hương của ông đã minh họa đầy đủ chân dung của một vị Bồ Tát, ngao du thong dong suốt bình sinh, “trụ vô ngại xứ, kỳ tâm tịch tĩnh, du như hư không, nhi bao hàm vạn tượng, hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần.”
Nguyễn Quang Thanh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...