Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thi ca tư tưởng Bùi Giáng

Thi ca tư tưởng Bùi Giáng

NÀNG THƠ ĐẸP
Khi thơ đẹp tới chin tầng
Thì Nàng Thơ bỗng sượng sần cả ra
Tha hồ thằng quỉ con ma
Tới gùn ghè gạ gẫm mà hóa điên
Thưa rằng đại thánh tề thiên
Nghìn xưa âu cũng chỉ điên ngần này
(Bùi Giáng, Nàng Thơ Đẹp)
Bài thơ trên, khi mới đọc qua lần đầu, nghe tưởng như là bài thơ vui. Nhưng thật ra là bài thơ buồn đứt ruột. Tuy buồn, nhưng nói theo giọng hài hước cho đỡ buồn. Thật vậy, thật vậy.
Ai đã gặp Bùi Giáng đôi lần, đều biết ông rất giản dị, không cầu kỳ trịnh trọng, lúc nào cũng sẵn sàng vui vẻ bông đùa, bỡn cợt. Không phải tính cách ấy chỉ xuất hiện trong đời sống giao tiếp hằng ngày không thôi, mà ngay cả trong đời sống sáng tác, ông cũng lắm khi pha trộn lộn lèo giọng hài hước tràn lan.
Dù ông không cố ý bông đùa cũng như không cố ý trịnh trọng, mà tự nhiên, mỗi lần nói ra cái sự thật trớ trêu như đùa, thì bên trong cái đùa giỡn nó vẫn hàm chứa những nhiều ý nghĩa có thật hơn đùa. Thí dụ, có lần Bùi Giáng tự nêu ra một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng thoạt nghe có vẻ xuề xòa thiếu nghiêm trang:
- Vì sao người ta thường thích thơ dở hơn thơ hay?
Rồi ông tự trả lời rất nghiêm trang, rốt ráo, dứt khoát, nhưng thoạt nghe có vẻ như bỡn cợt, bông đùa:
- Bởi vì thơ dở có vẻ hay hơn thơ hay.
Càng ngẫm nghĩ, và đối chiếu với sự thật, càng thấy câu trả lời ngắn gọn ấy mới xác đáng làm sao! Ông thanh thản bông đùa, tưởng như chỉ qua quẹt bên lề sự viêc, nhưng thật ra là đã thọc sâu vào lãnh đia của cõi văn nghệ trần gian bê bối tự ngàn xưa. Tại công viên thơ mộng đó, người ta thấy đông đảo những người làm dáng thông thái thường lui tới, trong số đó có những gương mặt mà ông thường đùa cợt ví von là trẻ sơ sinh “đầu chưa ráo máu”.
Một lần khác, muốn chọc ghẹo những kẻ háo danh cầu kỳ, thích màu mè lòe loẹt, thích phô trương học vị rùm beng, ông chỉ đơn sơ bỡn cợt một cách chính xác về tiểu sử của mình - một tiểu sử bình thường, chẳng có gì lớn lao quan trọng cả, y như bao tiểu sử khác:
Hỏi Bùi Giáng về tiểu sử của ông thì ông trả lời: ”Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ, và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn”.
Lại một nơi khác, ông bất ngờ “tấn công” Đức Phật, người đáng kính bậc nhất, người mà chính ông biết rất rõ là đối tượng bất khả lay chuyển. Nói bất khả lay chuyển, vì, cho dù có chế diễu bao nhiêu, Phật cũng không hề hấn gì, cho dù có bêu xấu bao nhiêu Phật cũng không xấu xí thêm, cho dù có tô điểm bao nhiêu Phật cũng không vì thế mà thêm đẹp. Nó, Chính Đạo, cái giá trị bất-cấu-bất-tịnh-bất-tăng-bất-giảm ấy vậy:
PHẬT VÀ TIÊN

Phật ngồi dưới gốc bồ đề
Tiên nương dừng bước tóc thề chấm vai
Thưa rằng Phật thật là tài
Thấy mà chẳng thấy từ ngoài vào trong
Bài thơ của ông mới nghe có vẻ như ngạo mạn, nhưng thật ra là chẳng ngạo mạn. Ngạo mạn là vô minh. Chấp trách ngạo mạn cũng là vô minh. Khi đã tĩnh tọa dưới gốc bồ đề, thì tâm bồ đề chẳng thấy cái ngạo mạn, chẳng trách kẻ ngạo mạn, chẳng quan tâm trách kẻ ngạo mạn, chẳng “thấy” có hay không có cái kẻ ngạo mạn để mà trách móc hay chẳng trách móc. Cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận.”
Linh hồn bài thơ trên, mô tả một cảnh giới của cõi tịnh độ, một thái độ ứng xử vi vu nhẹ nhàng của một vị đại bồ tát bên trên những tảng băng khổng lồ của lý luận truyền thống. Ông làm một Nam Hải Điếu Đồ, kỳ tâm tịch tĩnh, trụ vô ngại xứ, để tâm du hư không, để hằng hằng tham dự vạn tượng giữa đời. Bùi Giáng nhẹ nhàng vui cười, thổi vào trung tâm lý luận một làn gió mát, làm cho bầu không khí thôi nặng nề, thôi kiểu cách, thôi lý luận trịnh trọng theo cách lý luận truyền thống, kiểu lý luận mà có thể đã làm cho tình trạng vốn đã khó hiểu càng khó hiểu thêm, rối rắm thêm, mỗi khi đứng giữa hai bờ đối đãi, đôi bờ phân biệt. "Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc... Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh diệc vô vô minh tận".
"Thấy mà chẳng thấy từ ngoài vào trong" là vô phân biệt, là bất nhị. Là tẩy rửa vô minh cho tới tận cùng. Vô vô minh diệc vô vô vinh tận.
Bất nhị là không hai, là vô phân biệt. Không hai là đồng nhất có một. Một ấy là vắng lặng tịch nhiên vô sở trụ. Vô sở trụ là không tọa lập yên nghỉ vào luận cứ cố định nào, là không căn cứ vào “hệ qui chiếu” nào để phán đoán một giá trị khác, hoặc một sở trụ nào đó.
Bài thơ Phật Và Tiên nói trên diễn giải về bước chân “viên dung vô ngại” của Phật, của các vị giác ngộ, cũng như của Nguyễn Du Nam Hải Điếu Đồ mà được Bùi Giáng diễn tả sau đây:
Nam Hải Điếu Đồ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Trụ vô ngại xứ
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
Đó là những bước ngao du an nhiên không vướng bận giữa cõi đời, những bước đi lại tự tại thần kỳ giữa xuất thế và nhập thế. Vì trụ tại nơi chốn vô sở trụ nên tâm không bị khuấy động. Tâm không bị khuấy động nên du hành vô ngại trên mọi nẻo đường. Khi thì như hư không xuất thế, lúc thì như nhập thế tham gia. Vì tâm tịch tĩnh như hư không, vì trụ vô ngại xứ, trụ vô sở trụ, nên vạn tượng thế gian được tự nhiên bao hàm mà không phải hì hục tích góp. Vì tâm tịch tĩnh như hư không, vì trụ vô ngại xứ, trụ vô sở trụ, nên tham dự vạn tượng của trần gian mà vẫn không bị bụi trần khuấy động, níu kéo, lây nhiễm.
Hermamn Hesse, trong cuốn Câu Chuyện Dòng Sông (Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) đã mô tả chi tiết những nẻo đường hành đạo “viên dung vô ngại” ấy, qua đời sống hành đạo của nhân vật Tất Đạt. Tất Đạt cũng như Nam Hải Điếu Đồ, cũng trụ tại vô ngại xứ, cũng để tâm mình tịch nhiên thanh tịnh, cho nên, dù họ xuất thế, xa lìa trần thế, mà vẫn không xa lìa vạn tượng trần thế; cho nên dù họ nhập thế, tham dự mọi lễ hội hồng trần mà vẫn vĩnh ly đoạn tuyệt cát bụi hồng trần.
Nam Hải Điếu Đồ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Trụ vô ngại xứ
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
Đó là đỉnh cao trí tuệ Bát Nhã. Đó là khi Nàng Thơ đẹp tới chin tầng:
Khi thơ đẹp tới chin tầng
Thì Nàng Thơ bỗng sượng sần cả ra
Tha hồ thằng quỉ con ma
Tới gùn ghè gạ gẫm mà hóa điên
Thưa rằng đại thánh tề thiên
Nghìn xưa âu cũng chỉ điên ngần này
Thằng quỉ con ma tới gùn ghè gạ gẫm Nàng Thơ vào lúc thơ đẹp tới chin tầng ngất ngưởng! Thằng quỉ đội lốt văn nghệ, con ma núp bóng văn học, nó vo tròn, nó bóp méo, nó thêu dệt, nó lấy nàng thơ làm phương tiện trang điểm cho tham vọng vô tư của nó, hoặc nó đem nàng thơ ra kinh doanh mua bán, hoặc nó bêu rêu bôi nhọ xuyên tạc bởi những mục đích yêu tinh không mục đích của nó.
Từ bao lâu rồi đã rối beng như thế, một cõi đời thiện ác ngổn ngang, chân giả lẫn lộn, chánh tà chung chạ, phải trái đan chen. Những bậc chân nhân kim cổ đã không ngớt kêu gào, nhưng tình thế có vẻ không thay đổi theo xu hướng sáng sủa hơn.
Không phải nêu lên sự việc Nàng Thơ Đẹp với mục đích để bêu xấu ai, mà chỉ là để báo thức những tâm hồn xuân sắc có thể vô tình lầm lỡ trở thành nạn nhân của bốn bề cạm bẫy hư không.
Đôi khi, vì tập quán gần xa đeo bám lâu đời, mỗi khi nêu ra sự việc, không thể nói toạc tất cả mặt trái mặt phải cho tất cả mọi loại lỗ tai đều nghe. Cho nên, khi đề cập về những lẽ chân thật, các bậc tiền bối hoặc là phát biểu bóng gió xa xôi, hoặc là chỉ nói ỡm ờ bỡn cợt nửa đùa nửa thật. Và mong đợi ai ai những thức tỉnh bất ngờ. 
LỜI KHÔNG TIẾNG
Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe
(Bùi Gíáng)
Đám đông nhốn nháo bên kia đường. Họ gồm khoảng mươi người hiếu kỳ, và vài ba người trai tráng bặm trợn, đang hung hăng la hét ồn ào, chỉ chỏ sừng sộ vào một ông già lạ lùng đang đứng ở giữa.
Ông già mang một cặp kính trắng dày cộm, mái tóc bạc bù xù, vài lọn tóc dài nghiêng xuống vầng trán rộng. Có vẻ như ông già vừa bị hành hung. Tuy vậy, ông già không tỏ vẻ khiếp sợ đám đông hung dữ ấy. Ông vung tay múa chân, trợn trừng đôi mắt đen và sâu, nhìn thẳng vào đối thủ, lớn tiếng đáp trả liên tục bằng những lời lẽ có lẽ cũng cay độc không kém.
Mạnh ai nấy chửi, không ai cần nghe ai. Đôi bên đều hăng tiết bênh vực cho “lẽ phải” của mình, giống như mọi cuộc cãi vã thường thấy tại những bến xe đò đông đúc, hoặc tại những khu chợ búa ồn ào. Chỉ có điều khác ở đây là, đám đông thì đích thị chửi mắng thô lỗ ông già bằng tiếng Việt, còn ông già thì vi vu mắng chửi bằng tiếng Pháp, mà đối tượng ông gửi gắm không nhất thiết nhắm vào đám đông cụ thể mà ông đang đối diện.
Tôi tiến tới gần, ép chiếc xe đạp của mình sát vào đám đông. Nhìn thấy một vết bầm tím đỏ bất thường trên trán ông, tôi hốt hoảng y như nhìn thấy người huynh đệ quyến thuộc của mình bị nạn, tôi thảng thốt kêu lên:
- Anh Bùi Giáng!
Ông già ngước nhìn về phía người đang gọi tên ông. Trong chớp nhoáng, tôi cũng vừa nhìn thấy hồn mắt ông chớp nháy chuyển đổi, như thể ông vừa mới hoàn hồn trở về lại thực tại, sau một phen du hí cãi vã dại khôn ở một phương trời mơ hồ Đông Tây Kim Cổ nào đó. Nói cãi vã, nhưng thật ra, chắc là, ông chẳng định ý tranh biện cãi vã với ai. Vì có lẽ, đối với ông, còn có gì đâu để cãi vã, khi mà mọi lẽ đời xuôi ngược ỡm ờ đã được ông tự đặt mình vào những tình huống đối nghịch tương ứng khác nhau, và rồi, ông đã mổ xẻ quá đầy đủ qua những tác phẩm kiệt xuất của ông. Ông đã tự đối thoại, tự tranh biện, tự đặt tâm hồn và thân xác mình vào những vị trí và vai trò khác nhau của cõi đời hư thực, trụ vào những vị trí khác nhau, trụ vào những vị trí không vị trí, trụ vô sở trụ, để cười, để khóc, để suy tư, để chiêm nghiệm, để sáng tạo, một cõi sáng tạo vừa xa vừa gần với cõi xứ mà những thiên tài kim cổ thường hội ngộ.
Hình như không phải ông chỉ nói để cho người ở gần đây nghe, mà ông còn nói để cho người ở xa cũng nghe. Không phải ông chỉ nói để cho người hiện tại nghe, mà ông còn nói để cho tiền nhân và hậu bối cùng nghe. Không phải bây giờ mới nói, mà ông đã nói suốt cuộc bình sinh của mình. Không phải ông chỉ nói bằng lời thốt ra từ cửa miệng, mà ông còn nói bằng cả tâm huyết, bằng chính đời sống hằng ngày của ông, bằng cả một cuộc đời sáng tạo, với một sự nghiệp văn học đồ sộ, gồm khoảng bảy chục tác phẩm, nào thơ, nào văn, khảo luận văn học, khảo luận triết học, vân vân.
Nhìn ông hăng hái chửi mắng cãi vã giữa đám đông, người xa lạ với ông dễ tưởng rằng ông đang chửi mắng một cái gì đó, đang cãi vã với một đối thủ nào đó. Nhưng đối với người đã quen biết tính cách của ông, thì hiểu rằng, lời ông la hét giữa đường phố, chẳng ám chỉ cái gì giữa đường phố, cũng chẳng đả động gì tới danh dự của bất cứ ai ai giữa lễ hội phồn hoa đô thị hằng ngày. Có ai đó nếu có nghe được lời văn nhân, thì dù một lời hay nửa tiếng cũng có thể hiểu ra, còn những ai chẳng sẵn lòng nghe, thì cho dù vạn ngàn trang sách bày biện trước mặt cũng chẳng có một mảy may ý nghĩa. Trong rừng thơ phong phú của ông, tôi có nhớ mấy câu:
“Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?”
Có lần tôi hỏi ông về ý nghĩa của nó, thì thay vì trả lời trực tiếp, ông bảo tôi hãy đọc cuốn “Tư Tưởng Hiện Đại”. Sau đó, tôi tìm lại trong Tư Tưởng Hiện Đại, thấy ngay trong bài tựa, ông viết:
“Tư tưởng hiện đại hay “tâm hồn hiện đại” cũng không xa tư tưởng ngày xưa là mấy. Những triết gia từ thiên cổ đã mở rộng tâm thức bao quát mọi chân trời. Có người đã lặng thinh. Có người nói thật nhiều. Có người nói thật nhiều để cuối cùng lặng thinh. Có người lao vào hải hồ hoạt động để khỏi nói. Và ngày nay, bàn tới tư tưởng hiện đại có lẽ ta chỉ nên vẽ vài nét đơn sơ, gợi lại vài hình ảnh cũ. Hoặc "tóm tắt" trong một lời. Lời gì? Có lẽ là lời lặng câm.”
Ông tách ra khỏi đám đông, bước về phía tôi. Cũng lúc ấy, một chị bán thuốc lá ven đường bước ra, đưa cho tôi một chai dầu xanh. Chị giúp tôi bôi dầu xanh lên vết bầm trên trán ông. Tôi nói cám ơn chị bán thuốc lá rồi bảo ông ngồi lên yên sau xe đạp. Tôi chở ông rời khỏi đám đông, chạy về hướng trung tâm Sài Gòn.

Trong lúc tôi cong lưng đạp xe, ông thong dong ngồi phía sau, lai rai đọc Truyện Kiều, “Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay” Thỉnh thoảng, ông múa may chỉ chỏ loạn xạ vào trời đất, mạnh bạo tới nỗi chiếc xe đạp mỏng manh của tôi mất cân bằng, chao qua đảo lại. Người đi đường nhìn chúng tôi bằng đủ loại ánh mắt chê bai.
Dọc đường đi, tôi không hỏi ông nguyên nhân xảy ra sự việc “ẩu đả” kia, và ông cũng chẳng đả động gì đến giấc “chiêm bao” vừa rồi. Cho đến khi chúng tôi cùng ngồi xuống tại một quán nước ven đường, ông chép tặng hai câu thơ này vào trong cuốn tập của tôi, nhắc lại giây phút mà tôi gặp ông lúc nãy gần dưới chân cầu Trương Minh Giảng Sài Gòn:
“Gặp nhau một lúc vô biên
Đủ đầy vô tận cõi miền gần xa.”
AI GIẾT
Nước bỏ bờ ruộng khô
Từ ngày chim chết hết
Cành cây thôi líu lo
Em hay là ai giết?
(Bùi Giáng)
Bùi Giáng là một trong số những người làm văn nghệ nhiệt huyết lúc bấy giờ. Thấy ruộng đồng văn chương khô hạn, anh thương tiếc vô cùng, anh cặm cụi chạy xuống suối khe múc nước văn chương đem lên. Thấy cỏ cây nhân thế ưu phiền, anh lấy làm xót dạ vô biên, anh cần mẫn góp nhặt những bài thơ xứ lạ đem về khuyến khích. Nhưng ai, chẳng biết là ai, đã vô tình hữu ý chối bỏ quà tặng văn học công phu của anh, và cười ha hả cái việc phù phiếm anh làm. Ai kia vô tình, cho rằng bờ khô ruộng cỗi ấy mới thật tươi mát phì nhiêu, rằng cành khô lá úa nọ mới thật là đủ đầy hương sắc. Và ai kia ấy còn chế diễu những người điên này nọ sao hoài công “dẫn thủy nhập điền”.
Bất hạnh thay! Vì vậy mà ruộng đồng văn chương thêm khô hạn, cây cối thiếu dần dưỡng chất, cành lá héo khô, chim chóc không nơi múa hát, tạo cơ hội cho gió cát sa mạc lớn dần.
Tuy nhiên, cũng may, bất hạnh đó vẫn còn là điều may mắn. May mắn vì những cành khô điếc đặc không thể nhận ra tiếng chim lảnh lót. Nghĩa là không thể tập tành giả bộ líu lo. Nghĩa là không thể nhận ra sắc màu lung linh của hoa của bướm. Nghĩa là không thể chạm đến được cõi bờ mênh mông ruộng lúa từng đã lộng gió suy tư. Chứ nếu không, gió cát sa mạc vốn đã cằn cỗi, sẽ làm khô cháy mọi dấu vết của đời sống ruộng đồng.
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm ngõ chạy lang thang
Người trao đã chết theo tràng giang đi
(Bùi Giáng)
Ôi tràng giang đại hải cổ kim một cuộc tùm lum nước mắt. Cái đẹp xa xôi rồi. Cái thiện cũng chìm theo làn sóng dữ. Đó đây có kẻ xót xa ít nhiều, thương tiếc những vì sao trên cao. Mây xám ảm đạm bầu trời. Nghe trong đêm, tiếng ruồi muỗi vo ve đông đảo. Nhìn ra ngoài trời, gió mưa rả rích buồn thiu. Thấy ếch nhái nhảy nhót lung tung. Nhớ rất nhiều cố nhân, không biết người ở đâu, người đang thủ đắc cái gì. Kẻ chốn nào, kẻ lang thang tìm kiếm cái thứ chi. Người một nơi, kẻ một nẻo, lạc mất nhau giữa mịt mù sương gió. Người chẳng giấu diếm thứ gì, mở toang cửa ngõ giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà đứa đi tìm vẫn không thấy cái mình định tìm, vẫn hì hục vất vả lùng sục ngày đêm. Vì sao nên nỗi đoạn trường như vậy vì sao. Vì chăng chẳng phải hay chăng, học trò nhà nghèo, thơ dại, quần áo chẳng lành. Mới vừa bước đi vài bước, đã bị ruồi muỗi châm chích. Vì mới vừa vỡ lòng, đã nghe những nhà nho hương nguyện đón đường thuyết giảng. Vì mới vừa khai tâm, đã được lão bối huynh đệ học giả rủ rê, xôn xao khuyên bảo trao truyền giáo khoa từ chương lê thê trường trại.
Hỡi ôi, lòng tuổi trẻ vẫn khao khát lên đường tìm kiếm, nhưng hoang mang chẳng biết phương hướng nào khởi bước, chẳng biết chọn phương hướng nào giữa muôn phương vạn hướng trăm năm.
Người không ở vì chờ mong đã mỏi
Người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi
(Bùi Giáng)
Đi đâu? Đi tìm đời mộng mà mình mộng ước mộng mơ thơ dại. Nhưng vì thấy đời mộng đang chìm khuất oan uổng, nên thảng thốt kêu khóc. Kêu khóc ra sao? Kêu khóc bằng hàng ngàn trang phượng kiệt tác để lại cho cuộc đời ngàn sau vậy.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn...
Em có khóc? Ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi dòng nghìn thu hận tan đi
(Bùi Giáng)
Đó là cuộc đời của một văn nhân, miệt mài góp nhặt cảo thơm xây dựng cho một nền văn học. Đó là cuộc đời của một nông dân, cặm cụi chăm bón cho ruộng đồng còn sắc hương tươm tất dưới bầu trời. Đó là những giòng tự sự, mình nói với mình, ta nói với ta. Là “dừng chân đứng lại trời non nước, một mảnh tình riêng ta với ta”.
SUỐI NGUỒN
Có lẽ tìm hiểu về Bùi Giáng là điều "dễ dàng" nhất, vì mọi chuyện đều được tự ông bộc bạch rõ ràng qua tác phẩm của mình, không cần phải đi sưu tầm, phỏng vấn, tra cứu ở đâu xa. Nhưng điều khó khăn nhất là chúng ta có thật sự “đọc” được tác phẩm cùa Bùi Giáng hay không.
Ông không hề giấu giếm chúng ta điều gì huyết mạch. Ông đã nói cặn kẽ, nói bằng nhiều cách khác nhau, nói từ nhiều góc độ khác nhau, nói vào những thời điểm khác nhau, nói nghiêm trang cũng có mà bông đùa cũng có. Tác phẩm của ông nổi tiếng là phong phú về chất lượng và dồi dào về số lượng. Sức mạnh sáng tạo thiên phú ấy phát tiết từ vô số những mạch nguồn của cuộc đời ông, tuôn chảy ra lai láng, tựu thành một trường giang sung mãn, mang theo đủ loại hình thức nghệ thuật: thơ, hội họa, bình giảng văn học, luận đề tư tưởng, dịch thuật.
Dọc theo chiều dài dường như bất tận của một trường giang, không ai có thể đếm được có bao nhiêu dòng suối ngọt đã trút nước vào, có bao nhiêu ngọn tiểu khê đã ban nước cho, có bao nhiêu trận mưa nguồn đã tuôn nước xuống, có bao nhiêu mùa nắng ấm mời gọi tiếng chim vang, có bao nhiêu trăng sao đã giăng thành mộng ước, có bao nhiêu cành lá chếch bóng trên đôi bờ, có bao nhiêu vách đá nghiêng mình soi bóng nước, có bao nhiêu tác phẩm đã được góp nhặt in ấn, còn bao nhiêu bài thơ nữa vẫn bị bỏ quên. Không thể nào biết đích xác.
Hồn nhiên từ sơ sinh cho tới tuổi già. Lúc nào cũng viết, ngồi nằm ở đâu cũng gợi nguồn cảm hứng, bất cứ cái gì cũng có thể biến thành gió để thả thơ bay vào, gặp ai chià giấy bút cũng sẵn sàng làm thơ để tặng… Tất cả, cuộc đời và những công trình sáng tạo đồ sộ của ông, hòa quyện với nhau, cấu thành một bức chân dung lộng lẫy mà đã được nhiều người cố gắng phác họa từng phần -- từng phần của toàn bộ thắng cảnh mang tên Bùi Giáng.
Thiên nhiên đây, suối thác kỳ diệu phơi bày ra đó, trước mắt ta. Mỗi du khách khi ngoạn cảnh, có thể tùy nghi thưởng thức bằng trái tim và khồi óc riêng biệt của mình, có thể mô tả nó bằng cặp mắt chủ quan. Do đó, sẽ là rất tự nhiên khi mỗi người phác họa vẻ đẹp của nó theo mỗi thể điệu khác nhau, và có khi chúng khích bác nhau nữa. Những tương đồng và dị biết ấy, đáo cùng, chẳng hề làm xấu xí đi một thắng cảnh, mà chỉ làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng vui-nhộn-thê-thảm mà thôi.
Có thể nhân cơ hội du xuân ấy, những kẻ đui mù hoàn toàn có thể có cơ may sáng được một mắt, và những kẻ vốn chột một mắt nay có thể nhìn vạn vật bằng cả hai mắt toàn nhiên sáng ngời. Dòng sông mang tên ông quá quảng đại, rất sẵn lòng vui dạ mời đón các anh chị em nam nữ ngồi dọc đôi bờ, để ca vui với chim muôn trong nắng sớm, hoặc có thể thả hồn với mây vàng trong nắng chiều, hoặc để mỉa mai rửa ráy tay chân, hoặc để cười đùa trêu ghẹo văn chuơng ông cũng đều được. Mặc ai tùy tiện dại khôn đối đãi. Còn dòng sông, nó vẫn lặng lẽ xuôi dòng muôn thuở.
Bùi Giáng bình sinh vốn chẳng nặng lời “trách móc” ai, dù ai ai có nặng lời chê bai chỉ trích. Ông giữ im lặng ngậm ngùi, bởi cái lẽ đớn đau vui vẻ sau đây:
“…Nếu phải bo bo lưu ý tới để cải chính thì suốt đời phải bo bo theo dõi để cải chính cho tới bao giờ mới thôi? Cái sự ngộ nhận mọi mặt, cái tuyệt trù Malentendu ấy từ thiên thu đi về với thảm họa Calvaire, Jésus Christ : “Ils ne savent pas ce qu’ils font”. Cái đó chẳng lẽ bây giờ cách hai ngàn năm, anh em buộc một “bùi giáng” phải giải thích cải chính biện minh? Toàn thể từ uyên nguyên đã đi vào cộng đồng khốc liệt đó, toàn thể những biệt nghiệp thiết tha thiết yếu, cái đó anh em thử hỏi lại Phật, Chúa,…, lại Khổng, lại Gandhi…”
Khởi sự xuôi ngược trên chiếc thuyền con, thật vui vẻ biết bao nếu các bạn có ý định nhập cuộc, cho thuyền chúng ta được rộn ràng đón thêm bạn đồng hành. Vì trường giang vốn rộng mênh mông, sâu thăm thẳm, và dài vô tận, nên cố nhiên, trong dịp này, chúng ta chỉ có thể đi lướt trên mặt nước nhấp nhô, gọi là du xuân ngoạn cảnh, kể như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
ĐI TÌM KIẾM MỘT CÁI GÌ
Đi tìm kiếm một cái gì
Tìm hoài chẳng được mất thì giờ suông
Mất suông ngày tháng tròn vuông
Mối buồn gặm nhấm mất luôn một đời
(Bùi Giáng)
Tìm kiếm lẽ phải. Tìm kiếm chân lý. Tìm kiếm đạo. Miệt mài tìm kiếm tới gần cuối đời, mới bật ngửa ra, giật mình nhìn thấy cái sự thật rằng: chẳng có lẽ phải thuần túy giữa đời, chẳng có chân lý trong suốt giữa thế gian, chẳng có đạo khả đạo giữa cuộc biển dâu bất định đau lòng.
Hóa ra, xưa nay lặn lội hoài công đi tìm cái mà thật ra không có. Hóa ra, khi đi tìm kiếm mới sáng mắt ra, thấy rằng cái mà mình định tìm thật ra không phải là cái mà mình định tìm. Do ở chỗ mình hiểu nhầm cái ngôn từ mà ra. Cuộc đi tìm là một cuộc đi giữa đời, là đạo giữa đời. Khi đi tìm như vậy, dọc đường nhìn thấy những thị phi bày biện, những phải trái ràng buộc, những đúng sai đèo bòng, những đẹp xấu phô bày nhị bội, ấy ấy, ấy là thấy chân thấy thiện thấy mỹ, và thấy phi chân phi thiện phi mỹ. Cứ đi qua mỗi chặng đường, nhìn lại, lại thấy cái thấy vừa qua ấy là cái KHÔNG vắng lặng. Nó, nó không thật là chân, không thật là mỹ là thiện. Nó, nó không thể nói một lần cho tất cả, nó không thể vạch một đường cho vạn lối ngõ con đường. Cho nên, cuối cùng cũng không biết là mình có tìm được gì hay không tìm được gì. Cái được ấy hình như là không. Nhưng trong cái không vẫn hình như là có. Ôi, chẳng có lối ngõ phân biệt tách bạch như mình dự tưởng.
Thế giới lâu đời, đầy dẫy những "giá trị" hão huyền do hằng triệu những con mọt sách vẽ vời. Họ vẽ những hình thù mà chính họ không hiểu. Những người chung quanh thì vì lệ thuộc họ nên phải vâng dạ nghe theo. Sự mê muội kéo dài triền miên trong sinh hoạt xã hội suốt bao thế kỷ. Nạn nhân là những con người thân phận mà thường tự “dễ dãi” với chính lòng tự trọng của mình.
Yên ngủ như thế đã lâu, rồi một hôm bỗng nhiên cảm thấy đầu óc rung chuyển, tâm hồn lắc lay, ý chí tự do của một “cây gậy biết suy tư” bất chợt được đánh thức. Hỏi:
Nguồn cội là vì đâu? Để làm gì mà tôi có mặt trên trái đất? Rồi sẽ đi về đâu? Vì sao con người lặp đi lặp lại sinh hoạt một đời bằng những mục đích có ý nghĩa giả vờ mà vẫn say sưa tưởng thật? Vì sao vẫn loanh quanh tự dối trá ý nghĩa của đời sống mình? Lẽ nào đời sống hoàn toàn vô nghĩa? Lẽ nào đời sống bế tắc trước sau? Có con đường nào chân thật dẫn tới việc giải thoát khỏi vòng mê muội luẩn quẩn hay không?

Lòng hối thúc mãi, buộc phải ra đi. Đi tìm cái giá trị đời sống mà mình đã vô tình đánh mất. Đi, quyết phải lên đường. Bốn bề thúc giục lên đường tìm kiếm. Quyết đi tìm những “bờ bến lạ” giữa biển dâu im lìm lận đận đã bao ngày.
Bờ bến lạ ấy, nghe nói lộng lẫy tinh anh vang lừng lắm. Quanh năm vũ hội. Vạn vật ca vui tưng bừng từng khoảnh khắc trong ngày, từ hừng đông này cho tới tận rạng sáng hôm sau. Phiền Não thành ra là câu chuyện phiếm, người ta chỉ dùng để hồi tưởng những kỉ niệm ngày xửa ngày xưa, vào những lúc mà chúng ta gọi là trà dư tửa hậu. Nhưng họ tuyệt nhiên không vui chơi sa đà đến nỗi quên luôn hậu thế. Họ vẫn nhớ thương chúng ta, và dành thì giờ cho công việc tái tạo bờ bến bên này, bờ bến mà từ đó họ từng đã ra đi. Họ sáng tạo trong khi khiêu vũ, cho nên tuyệt tác của họ gởi về cho chúng ta bao giờ cũng trầm bỗng nhạc điệu du dương. Điều gì bên đây chúng ta cho là xung khắc rất mực, thì bên ấy, họ hóa giải tài tình, và dìu nó đến bắt tay nhau thân thiết như chưa từng cừu hận. Họ thong dong như phi hành gia trong khoang vô trọng lực. Không như chúng ta thường hấp tấp vội vàng, chao đảo, bất định, vì bị chi phối bởi vô số lực hút áo não chung quanh.
Họ vương giả và phóng khoáng, sẵn lòng ban cấp cho chúng ta phương tiện đoàn tụ, nhưng chúng ta thường vụng về khi lèo lái con thuyền giữa trùng khơi, khiến cơn sóng gió vô minh tiếp tục đẩy đưa vùi dập, mất phương hướng. Một số người ý thức việc lạc lối, tự phát tâm cầu cứu bàn tay định hướng một lần nữa. Một số khác thì năm lần bảy lượt ngủ mê, yên định giả tạo tại một hải đảo xa lạ tình cờ, ngụy tín rằng đây đích thị là vùng đất muôn màu hứa hẹn ra hoa.
Bùi Giáng, người thông thạo những nguồn cơn của các văn nhân thuộc thế kỷ trước, ông còn là người có nhiều kinh nghiệm đoạn trường của thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta đang sống, hy vọng biện pháp và ngôn ngữ của ông dễ bề cho chúng ta thọ nhận hơn là trực tiếp thọ nhận từ kinh điển của các bậc hiền nhân xưa cổ xa xôi.
Hãy thử lên đường, thử xem sóng gió trong lòng sẽ đưa thuyền mình đến bến bờ nào, thiên đường hay địa ngục. Nếu thành công, có thể sẽ được thiên đường. Còn nếu thất bại, sẽ chẳng mất mát gì cả, mà vẫn còn nguyên vẹn cái cõi bờ địa ngục mà chúng ta đã từ lâu trì thủ nơi này: địa ngục trần gian. Nhưng mỗi bước đi trên trần gian hôm nay không còn là bước đi bữa trước. Bước đi bây giờ là bước đi của Nguyễn Du Nam Hải Điếu Đồ mà Bùi Giáng chu du:
Nam Hải Điếu Đồ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Trụ vô ngại xứ
Tâm du hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
EM VÀ TÔI
Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi
(Bùi Giáng)
Bằng chính sinh hoạt trong đời sống của mình, như vậy đó, người bình dân đã lặng lẽ sống những giá trị hợp nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai, phân biệt nhưng không phân biệt; không phân biệt nhưng phân biệt.
Tôi nhìn tôi, tôi nói với tôi, có khi tôi gọi “tôi” là “em”, gọi “tôi” là “mình”, là “người”, như thể tôi có hai, nhưng thật ra tôi đồng nhất là tôi. Trong thơ, chính bản thân ngôn ngữ thi ca (trác tuyệt) là kết quả của sự chứng nghiệm trực tiếp từ đời sống, đã làm sinh động những giá trị thâm trầm của đời sống ngôn ngữ tại xứ miền khó diễn tả nhất cổ kim: “vô phân biệt xứ”, nơi mà các giá trị tuy “phân biệt nhưng không phân biệt; không phân biệt nhưng phân biệt.”
Qua tay Bùi Giáng, ông vua chơi chữ của thế kỷ, ngôn ngữ lại được tài tình khắc họa một lần nữa, làm sống động thêm những giá trị “bất nhị”, “vô phân biệt” ấy.
“Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi”
Tôi gọi tôi là “mình”. Mình là một phần của tôi, mình là chính tôi, là hồn thơ tôi, là chí hướng của tôi. Tôi gọi tôi là em. Em là một phần của tôi, là chính tôi, là hồn thơ tôi, là chí hướng văn nghệ của tôi, là đời sống đạo của tôi.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
(Bùi Giáng)
Mình ơi, em ạ, tôi ơi, chính tôi ơi, hồn thơ tôi ơi, bản lại diện mục tôi ơi, ..., ta buồn muốn khóc mỗi khi tư lự về mình, về cuộc đời mình.
 "Tôi" với "mình" đã bắt đầu cùng nhau bước, từ ngày nọ tới nay, từ ngày hồn tôi song bước với Nàng Thơ là mình, qua bao lưỡng lự tư lường sóng gió, đã khiến tôi đôi phen lo sợ một ngày bất chợt chúng mình có thể sẽ chia xa.
Con có trắng nhớ nhung trời bữa trước
Con cá xanh tư lự sóng hôm sau
Lòng miên man ta chỉ biết gục đầu
Mình cùng với tôi đã lửng thửng lang thang suốt bao dặm trường văn học gần xa, suốt bao quãng đường ray rứt giằng co giữa vũ bão chính tà, giữa thiện ác tai quái, và giữa những trùng vây ấm lạnh áo cơm, làm cho hoa thơm là mình vẫn không nguôi vất vả với tôi. Tôi hiểu mình mồn một, một loài hoa lừng vang ắt hẳn, một hương màu bất nhị giữa dương gian, một trường thi bát ngát giữa sương khói cuộc đời, là báu vật của muôn thuở. Lòng tôi rất muốn lai láng vung rãi hạt giống này cho mầm chồi tốt tươi nảy nở khắp nơi trên trái đất, khắp nẻo trong lòng người.
Nhưng quái thay, khi tôi chan rưới lai rai, thiên hạ vỗ tay tán thưởng. Còn khi tôi mưa móc tràn trề, thì bốn bề ngoảnh mặt dị nghị rằng tôi tỉnh tôi điên. Chưa biết tới bao giờ tôi mới rạch ròi công khai giải tỏ hương sắc mình cho cỏ cây thập loại được vui hưởng chung cùng. Niềm vui hương sắc ấy, tôi vừa đang chôn kín đây, tận đáy lòng sâu thẳm, và cũng đã thưa thốt ồn ào giữa chớp biển mưa nguồn, nhưng có vẻ như ít có hươu nai nào biết, chẳng mấy gà vịt nào hay.
Nói tôi chốn kín nó sâu thẳm, nhưng thật ra là chẳng chpon6 kín, trái lại tôi hời hợt đến nỗi mà, niềm vui kia đã tỏa lộ tùm lum trên dáng dấp bề ngoài của một người điên, gọi là “một ngườiđiên rực rỡ”. Ôi niềm vui và nỗi buồn, cặp kè nhau chồng chất thời gian trên mái tóc nhuốm màu, trên ánh mắt trào lệ hào hoa.
Tóm tắt một cách khác, rằng tôi buồn khổ vì đang sở hữu một niềm vui quá lớn, quá màu mỡ phì nhiêu, quá hào phóng tràn trề, rất sẵn sàng ban phát cho cỏ lá bốn bề, nhưng cỏ lá chung quanh liên tục vô tình chẳng biết, hoặc cố tình chẳng hay. Vì vậy, thế rồi, tôi đành lòng một mình  ngao du, tôi cứ để hồn mình tự trào vọt những hoa thơm cỏ lạ, cứ để lòng mình tuôn đổ những giòng điệu nước mắt trớ trêu, giữa những nhòa phai nẻo đời lạc lối. Thương mình lắm em ạ. Thương em lắm tôi ơi.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
(Bùi Giáng)
Người ta không biết quí cái thật. Họ vứt bỏ ngổn ngang những chân giá trị, suốt cổ kim đây đó Động Tây. Anh tiếc quá. Lặng lẽ góp nhặt một mình. Anh đi vi vu giữa truông ngàn hò hẹn.
Anh đứng lang thang trong ánh mắt u hoài. Kia là hoa thơm Shakespeare. Kìa là cỏ lạ André Gide. Đây là linh hồn Khổng Tử. Ấy là huyết mạch Thích Ca. Nào văn học, nào triết học, nào kim nào cổ, nào Đông nào Tây. Anh liền tay góp nhặt, đem về cho đồng nội thưởng lãm, cho thành thị trầm trồ. Anh hy vọng vậy. Nhưng anh thất vọng vậy. Vì đồng nội lam lũ đui mù. Vì thành thị tất bật câm điếc.
Anh tiếp tục ca hát một mình, từ hoàng hôn nọ đến bình minh kia, giữa đêm trường sa mạc vắng lạnh tiếng người.
TRƯỚC KHI
Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian
(BG)
Trong bài thơ này,  "Anh" Bùi Giáng gọi chính mình là "Em". Hoặc là BG cũng muốn nhắn nhủ với EM thế gian, những người sẽ về chín suối như anh, rằng, tất cả ai người ai kẻ các EM rồi cũng sẽ tay không về chín suối như vậy, sẽ phải vui lòng gửi tất cả những trăm năm buồn tủi về trở lại cho nhân gian buồn tủi đó thôi. Đừng mang nặng tham lam mà làm gì, phù du đời em ạ, vô minh ạ, EM ơi.
Nguyễn Quang Thanh




1 nhận xét:

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...