Dường như trong tất cả những
chuyến xe đường trường, người ta dễ trở nên gần gũi và thông cảm với bạn đồng
hành qua những câu hỏi han, những lời trò chuyện, những điều vô tình nghe lỏm
được… Nhờ thế, những gian khổ dọc đường có vẻ trở nên dễ chịu hơn một ít, nỗi
sốt ruột sau cả ngày đường với những cảnh vật đơn điệu lặp đi lặp lại cũng bớt
đi.
Trong chuyến xe ca Tây Bắc
- Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô
giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết
ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò
với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người
có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm:
điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ
trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.
Hàng ghế trên phía phải là ba anh bộ đội - hai còn trẻ và một đã đứng tuổi.
Sau một vài tiếng đồng hồ xóc xe, từ những câu chuyện rì rầm, mấy cô gái giáo
sinh chuyển sang nghịch đùa nhau chí chóe, rồi thỉnh thoảng gọi thầy Quý,
trêu vợ chồng thầy Quý, đòi bế đứa bé (tôi lại được biết thêm vợ thầy Quý vốn
cũng là học trò của anh, đã ra trường dạy học được một năm, và lần đầu tiên họ
cùng nhau đưa con đầu lòng về thăm quê nội, ngoại). Và không hiểu từ lúc nào,
các cô gái hiếu động nghịch ngợm như học trò phổ thông ấy đã bắt chuyện rất tự
nhiên với hai anh bộ đội trẻ ở sát phía trên. Họ đưa cả chồng nón cho hai anh
bộ đội nhờ giữ hộ. Một anh trịnh trọng tuyên bố: “Các em phải trả công đấy
nhé”. Các cô đua nhau nói ồ ạt. Anh kia thêm: “Nhưng ôm thế này thì khổ cực lắm
các em ạ”. Thế là các cô bấm chí nhau cười ré lên làm cả xe phải quay lại
nhìn. Họ lại đua nhau nhận đồng hương đồng khói, vừa nghiêm túc vừa đùa cợt,
làm tôi vui lây, có khi quên cả những cú xóc xe trời giáng. Nhưng vui nhất là
khi các cô phát hiện thấy ở trên mũ một anh có ghi nguệch ngoạc dòng chữ bằng
bút mực: “Chưa có người yêu nhưng đã có vợ”. Các cô lại có dịp cười toáng lên
như nổ xe. “Đây nhớ, bà xã ở nhà đã lo xa nên đóng dấu trên mũ cho chắc chắn
đây nhớ! Hi hi...” Anh chàng vội giật lấy mũ đang đội ra khỏi đầu, nhìn rồi
chợt đỏ bừng hai tai: “Bậy quá, đứa nào ở đơn vị vừa ghi bậy hôm qua đây mà”.
Lại cười tợn. “Úi, đồng chí bộ đội ơi, rút kinh nghiệm nhá, đi đâu là phải
xem xét quân trang cho cẩn thận nhá”. Anh bộ đội trung niên cau có quay lại,
khi vỡ lẽ cũng vội cúi mặt xuống, cười rung vai. Một lúc sau, khi mấy cô gái
mệt lử vì cười đùa quá nhiều và vì đường xóc, lại đến mấy anh bộ đội chuyện
trò râm ran với nhau. Anh bộ đội lớn tuổi nói giọng tiếc rẻ: “Tớ chỉ bực nhất
là vợ tớ đã đẻ rồi mà tớ không nhìn thấy vợ nó chửa thì như thế nào… - hai
chàng bộ đội trẻ liếc xuống mấy cô gái lúc đó mặt cứ đỏ rựng lên như gấc và
giả tảng không nghe thấy gì - Nhưng khi tớ tâm sự điều này với ông đại đội
trưởng, ông ấy quát tớ: “Tiên sư mày, tao đã có bốn mặt con với mụ xã rồi mà
có lần đếch nào được thấy nó chửa chói ra sao đâu! Thế đấy các cậu ạ…”
Những câu chuyện rì rầm,
những lời đối thoại to nhỏ, những tiếng cười, cùng tiếng máy nổ đều đều làm
thành âm điệu quen thuộc của chuyến xe, dần đưa tôi chơi vơi giữa thực và mộng
ảo. Đường Tây Bắc quanh co khúc khuỷu, đèo dốc liên tục. Những vực thẳm cheo
leo, hun hút. Những thành ta-luy dựng đứng. Đồi núi triền miên lặng lẽ, lúc xẻ
ngang và ùa bóng tối vào xe, lúc lùi xa trong những dải hùng vĩ tràn ngập mây
và nắng.
Hết chặng dài thứ ba, trời
nhập nhoạng tối. Xe dừng lại. Còn khoảng nửa ngày đường nữa mới đến bến cuối
cùng. Những chuyến xe trở về xuôi thường nằm nghỉ lại ở một nhà trọ thuộc cây
số 22. Nhưng cũng có chuyến, ô tô bật đèn pha đi trong đêm tối, về tới Hà Nội
lúc khuya. Những dịp tết hay hè, hành khách thường nóng ruột, nên cái đề nghị
của lái xe cũng đang muốn về cho sớm dễ được cả xe đồng tình ngay, mặc dù ai
nấy đều đã mệt lử sau cả ngày vật vã với đường Tây Bắc trên xe ca chật chội,
nóng bức và nồng nặc mùi xăng. Lần này cũng vậy, khi thấy anh tài không tuyên
bố nghỉ trọ, lại bấm còi cho xe chạy sau khi đã nghỉ khá lâu, thì tất cả xe đều
thở dài khoan khoái. Dù sẽ mệt hơn nhiều, nhưng sẽ tới Hà Nội sớm hơn một
ngày, và sẽ thoát khỏi cảnh phiền toái bưng lên bê xuống các đồ đạc lỉnh kỉnh,
chen chúc mua vé trọ rồi chịu cảnh hôi hám rận rệp của cái nhà trọ đáng đưa
vào Viện bảo tàng từ lâu. Riêng hai vợ chồng nhà giáo thì có vẻ lo lắng, nhìn
nhớn nhác khi xe lại bắt đầu chuyển bánh.
- Thế là xe không nghỉ trọ
rồi - Cô vợ thốt lên.
- Còn trọ gì nữa! Thế này
là đi thâu đêm. Càng tốt - Một ông già đi thăm con ở nông trường nói to, ông
có vẻ sốt ruột với công việc đồng áng đang chờ ở quê.
- Nhưng cháu bé của cháu lại
bị sốt quá bác ạ. Muốn vào trọ để cháu được ngủ yên một giấc - cô vợ
nói - xe chạy xóc quá, xóc hơn ban ngày.
Đứa bé chợt khóc ngằn ngặt
trong những cái xóc nẩy người như minh họa ngay cho những lời nói đơn giản mà
thê thảm của người mẹ trẻ. Lúc này, xe đã chạy rất xa chặng nghỉ. Trước mặt mọi
người là những đoạn đường núi hiểm trở không kém ban ngày. Trong bóng đêm
chúng càng trở nên bí hiểm một cách đáng sợ. Đứa bé khóc một lúc lâu rồi lặng
đi. Màn đêm và sương mù buông xuống mỗi lúc một dầy thêm. Không gian chỉ có
tiếng rì rì nặng nhọc của chiếc xe leo ngược dốc là âm thanh duy nhất. Ánh
đèn pha cố chọc thủng mấy mét sương mù rồi biến mất trong màn đen kịt của rừng
đêm. Bỗng dưng xe chết máy, đèn pha vụt tắt. Sau một vài giây im lặng hãi
hùng, phụ xe là một thanh niên vẻ bặm trợn nói to: “Xe bị pan. Đề nghị quý
khách xuống xe, tìm chỗ nghỉ qua đêm”.
Cả xe bỗng ồn ào như ong vỡ
tổ. “Đã bảo mà, ở trọ thì không!” - “Tôi đã biết ngay mà: Xe không đòi xăng
mà đòi “lẩu" (rượu) rồi!... (Xin mở ngoặc nói ngay một điều có liên quan
tới phần sau của câu chuyện này: Nếu những nhà tu từ học và những nhà làm từ
điển Bách khoa mà bỏ qua những lời bình luận của những người ở trong cuộc
nhưng lại không dám hành động gì, trong số đó có cả tôi – tức là đã bỏ qua một
nguồn tài liệu xã hội học rất quan trọng!).
Những người dù chỉ đi đường
Tây Bắc một lần cũng có thể kể cho người nhà dưới xuôi nghe đủ chuyện ly kỳ về
những “nông nỗi” dọc đường. Có tiếng người nói, nhưng cố không để cho tài và
phụ nghe thấy: "Cứ đưa một khoản để lau dầu mỡ thì máy lại đâu vào đấy!”
- " Thôi, ông đừng vẽ đường hươu chạy!"- một người nóng nẩy cắt
ngang. Nhưng vừa lúc đó, một hành khách thanh niên từ dưới xe bước lên (sau
khi đã kịp trao đổi với tài xế), anh ta lấy vẻ trịnh trọng rồi e hèm: “Thưa
bà con, thế này ạ… Tôi vừa nói chuyện với anh tài… Anh ấy có vẻ rất thông cảm
với bà con…” - “Có gì thì cứ nói toạc ra, loanh quanh mãi!”- Một người
ngắt lời - “Anh tài nhờ tôi đứng ra thương lượng với bà con, tôi thấy cũng hợp
lý thôi. Mỗi người chúng ta đóng góp dăm chục nghìn, gọi là thuốc nước bồi dưỡng
cho lái xe, anh ấy sẽ cố gắng sửa chữa nhanh, rồi sẽ cho chạy thâu đêm về Hà
Nội.”
Sự mặc cả trắng trợn đó lại
được nói ra thông qua người khác, bằng một giọng tỉnh như sáo làm ra vẻ vòng
vo tế nhị lại càng trở nên chối hơn. Một người đàn ông lớn tuổi chặc lưỡi:
“Trò cổ điển quá rồi: Lần trước tôi đi cũng cái kiểu làm tiền khách thế này”.
Một anh thanh niên hất hàm hỏi: “Này, làm trung gian thế, anh được chia bao
nhiêu phần trăm?”. Anh kia trả miếng ngay: “Anh im đi! Đừng có suy bụng ta ra
bụng người”. Anh bộ đội lớn tuổi đứng bật dậy, nói oang oang: “Tiên nhân cái
lũ sâu mọt, cứ phải đem xử bắn cả lũ!” Một ông già xuê xoa: “Thôi, nằm đây
qua đêm thì ốm cũng quá tội tiền thuốc thang. Ăn tiêu về lâu dài…” Một ông
xem có vẻ là cán bộ huyện thì nói bâng quơ: “Trước đây thì làm gì có cái chuyện
thế này. Hồi tôi mới lên Tây Bắc, các quán hàng tự giác của đồng bào dân tộc
còn rải dọc đường. Rồi cứ mất dần…” - ông ta chép miệng. Một chị ra dáng con
buôn thì buông thõng: “Xì, có thế mà cũng bàn! Cho xong đi thôi!” Câu nói cuối
cùng này có vẻ khách quan hơn cả, dường như đã làm chùng mọi phản ứng. Sau một
lúc im lặng, khi tiếng khóc của đứa trẻ ốm cất lên đột ngột thì mọi người như
cái máy, theo một tập quán của những người đã quá mệt mỏi chán chường với tất
cả những cái đã được quy định là “thói đời” hiển nhiên. Tay thanh niên trung
gian đã bắt đầu thu tiền của mọi người. Tôi cũng bất giác sờ tay vào túi mình
lấy ví. Bỗng, tiếng nói bình tĩnh của thầy giáo Quý cất lên:
- Khoan đã. Tôi xin có ý
kiến thế này… Các bác, các anh chị không việc gì phải làm như vậy…
Nhưng chính cô vợ anh đã
kéo tay áo anh ngồi xuống và chì chiết:
- Thầy ơi, gàn vừa vừa
thôi cho tôi nhờ! Con đang ốm sắp chết, lại còn lý với lẽ gì. Đưa cho nó để
mà đi cho xong.
- Thôi, đứng chạm vào mấy
ông tướng ấy, nó bực lên thì hết tuần cũng không về được tới nhà – Một người
ngán ngẩm nói giữa những tiếng ồn ào.
Một người bước sán đến
Quý, ghé sát mặt vào tai anh, nhưng lại nói cho cả xe nghe thấy:
- Nếu ông không có tiền
thì cả xe cũng đỡ cho ông một suất được, đừng có phá ngang.
Quý đẩy người kia ra, anh
đứng lên, cố nén bực bội:
- Tôi xin nói để quý vị
rõ: không phải tôi tiếc tiền hay không có tiền. Và cũng đã nhiều lần tôi làm
như các vị. Cứ tiền, tiền, rồi mọi sự sẽ xong… Thế nhưng chưa có gì xong cả,
chưa có gì ổn cả, và sẽ không bao giờ ổn hết!- Anh nói mỗi lúc một hăng hơn,
gay gắt hơn - Con chúng tôi ốm, lẽ dĩ nhiên tôi phải là người nóng đi hơn các
vị chứ! Nhưng đi cái kiểu thế này, nhục lắm, nhục lắm! Rồi tất cả những lần
sau cũng sẽ như thế. Các vị chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Còn những chuyến sau
nữa, những người sau nữa. Có phải ai cũng có tiền để sẵn sàng chi tiền đút
lót cho lái xe đâu. Ngay cạnh tôi đây này – anh chỉ tay vào ông nông dân đi
thăm con – Xin lỗi bác, ở trên nông trường , vì thương con bác ta chỉ nhận một
số tiền của con đưa đủ về quê. Tôi biết cả ngày hôm nay bác ta chỉ ăn cơm nắm
mang theo, không dám vào cửa hàng ăn… Tôi thử hỏi, trong xe này, trừ những
người đi buôn ra, những người cán bộ ở Tây Bắc và dân thường ai có đủ tiền để
đi tới đâu, làm việc gì cũng dám bỏ tiền ra để lót tay, để hối lộ? Chúng ta
đang tự đày ải mình, tự làm khổ mình bằng việc phó mặc cho những kẻ bậy bạ muốn
làm gì thì làm – Sau một lúc im lặng, Quý nói có phần dịu đi – Bây giờ, tôi cần
sự ủng hộ của tất cả bà con, quý vị.
Quý nhảy xuống xe. Những
ánh mắt nhìn theo như bị thôi miên. Cả xe lặng đi trước những lý lẽ cụ thể mà
lại có sức nặng khái quát, được nói ra từ miệng một người quen diễn đạt ý
nghĩ một cách trôi chảy, lại có thêm sự phẫn nộ không hề vẩn chút vị kỷ mà ai
cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Nhưng mọi người cứ ngây ra, không biết làm gì
nữa. Sự bất trắc, nỗi dày vò khổ sở mọi đường trong cuộc sống hàng ngày dường
đã làm mọi người mụ mẫm đi, tê liệt đi, hèn đi và chỉ bật dậy mỗi khi quyền lợi
thiết thân trước mắt bị đe dọa: chính khi đó, họ đã đứng trên mảnh đất của những
quy luật xử sự của thú rừng- mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng sự đểu giả; và khi
chúng trở thành thế lực thống trị xã hội sẽ còn vênh vang đắc thắng hơn nữa bởi
được bao bọc, bảo vệ bằng những mỹ từ giả dối, trống rỗng!
Đứng ở dưới đường, Quý vẫy
cả hai tay vẻ sốt ruột:
- Xin mời quý vị xuống cả
đây một lát.
Đám đông chậm chạp và hoài
nghi đi theo anh. Tôi đi sát cạnh anh. Anh nói nhỏ với tôi như một người quen
biết từ lâu: “Nếu xe bị hỏng thật thì bọn tài xế có những biểu hiện khác kia!
Anh xem, bọn nó thậm chí cũng chẳng thèm có động tác giả nữa!”
Đám đông kéo đến trước tài
xế và phụ xe. Họ đang ngồi ở một bãi cỏ rải chiếu con, trên đặt một chiếc đèn
bão, chai rượu trắng, một con gà luộc và gói chẩm chéo (gồm các thứ gia vị của
người miền núi).
- A, xin mời bà con – lái xe
là một thanh niên gần ba mươi tuổi lắc lư người, giơ chén lên – bà con ta thật
không may quá!
Quý ngồi xuống đối diện
lái xe, mọi người đứng vây quanh anh. Lái xe hất hàm hỏi Quý:
- Thế nào, anh là đại diện
cho bà con ta? Thống nhất xong xuôi rồi chứ?
Quý nhìn thẳng vào mặt lái
xe như để đo nhãn lực của anh ta, rồi nói bằng một giọng bình thản nhưng lạnh:
- Anh làm ơn cho xem bằng
lái xe.
- Anh là ai mà đòi xem bằng
của tôi? – Lái xe sững người một lúc rồi hất mũ lưỡi trai lệch sang một bên.
Mọi người đứng xung quanh
vẻ căng thẳng theo dõi câu chuyện. Mấy anh bộ đội đứng chống tay vẻ đằng đằng
sát khí. Lái xe ngước mắt nhìn lướt quanh mọi người, rồi bất giác thò tay vào
túi ngực lấy ra bằng lái xe, cẩu thả đưa cho Quý. Anh cầm lấy bằng cả hai
tay, giở xem kỹ lưỡng, rồi lấy bút ghi chép điều gì đó vào sổ tay. Lái xe bực
dọc phản ứng:
- Tôi làm cái gì hả? Mà
anh là ai cơ chứ!
Mọi người như nín thở chờ
đợi câu trả lời của Quý. Và anh trả lời một cách đơn giản nhất, không ai ngờ
đến:
- Tôi là một công dân.
Lái xe nheo mắt lại và lấy
lại bình tĩnh. Anh ta giật tấm bằng xe nhét vào túi, rồi chỉnh lại mũ lưỡi
trai.
- Thế anh muốn gì?
- Xin lỗi vì đã làm phiền
cuộc rượu của các anh một chút. Song bà con đây có mời tôi làm đại diện cho họ,
không phải để thực hiện những đòi hỏi của các anh đâu… Tôi xin hỏi: Đã mấy lần
các anh làm cái trò này rồi, nghĩa là để xe đi quá nhà trọ rồi tuyên bố xe hỏng?
Lái xe đứng bật dậy, xắn
tay áo hùng hổ:
- Ông giở trò gì hả? Xe hỏng
là xe hỏng, lôi thôi gì?
- Anh cứ bình tĩnh đã –
Quý vẫn tỉnh bơ – Trong anh em chúng tôi đây cũng có người biết về máy móc ô
t
ô đấy, có gì sẽ giúp anh một tay, mà lại chẳng đòi công sá gì đâu!
Lái xe đỏ tía tai.
- À, mày, mày… Được, được…
Quý nghiêm giọng:
- Đồng chí lái xe, hãy tôn
trọng chúng tôi. Ở đây không có ai xứng đáng là hạng mày tao chi tớ của anh
đâu. Chúng tôi đang muốn thân thiện với anh nữa kia. Tôi cũng có một anh bạn
thân lái xe ca đấy. Có lần đi xe anh ta, tôi được chứng kiến một chuyện. Một
anh công an đứng giữa đường, ngay gần bến, giơ tay vẫy xe. Anh bạn tôi dừng
xe lại, thẳng thừng: “Nếu anh có giấy công tác thì mời anh vào bến, anh sẽ được
mua vé ưu tiên đấy. Còn nếu anh nói rằng anh không có tiền, anh muốn xin đi
nhờ việc riêng, thì tôi sẽ thông cảm cho anh đi nhờ, và chắc là bà con không
phản đối. Nhưng ở đây anh đã nhập nhèm giữa việc công việc riêng, anh lại lợi
dụng công vụ để hạch sách lái xe nhiều lần rồi, nên tôi mời anh xuống cho!”
Anh công an đành ngậm ngùi xuống đấy, mà có làm gì được anh bạn tôi đâu… Tôi
kể lại chuyện này là vì tôi bỗng nhận thấy có hai loại lái xe: một loại thì sẵn
sàng cho những người thất cơ lỡ vận không có tiền lên xe, sẵn sàng giúp đỡ
hành khách và không đòi hỏi, sách nhiễu gì. Còn loại kia thì chỉ chấp nhận những
người có thế lực hoặc có tiền, mà ngoài tiền vé ra phải chi thêm cho tài xế một
khoản tiền không chính đáng. Thú thực, tôi không hiểu anh là loại lái xe nào
nhỉ?
- Ông muốn gì hở? – Rõ
ràng là lái xe cố cương lên để cho khỏi mất thế.
- Không, chúng tôi chỉ muốn
biết xem anh thực là loại tài xế nào thôi. Chứ còn trong thâm tâm, tôi thấy
anh cũng đáng mặt tài xế để tôi phải kính trọng đấy! – Quý quay sang mọi người
nói như ra lệnh – Thôi, bà con ta hãy đi ra chỗ khác cho các anh ấy nghỉ
ngơi, cơm nước. Còn chúng ta cũng chỉ nên loanh quanh gần đây độ nửa tiếng
thôi!
Mười lăm phút. Nửa tiếng.
Rồi gần một tiếng… Tất cả hành khách của chuyến xe đều khắc khoải chờ đợi một
điều gì đó gần như là điều kỳ diệu, hay thậm chí có thể là điều tồi tệ hơn nữa
sẽ xảy ra. Quý đã giao hẹn với mọi người, sau một tiếng nữa, nếu không nghe
thấy tiếng máy nổ, anh sẽ chịu thua và sẽ làm theo mọi người. Anh nói điều ấy
với một sự mệt mỏi dường làm anh phải cố gắng lắm mới nói nổi. Có tiếng lầu bầu:
“Cứ đưa mẹ cho nó mà đi cho xong chuyện! Đừng có hòng nhé! Mất đứt nó một tiếng
đồng hồ là cái chắc”. Những người khác chêm vào: “Mất một tiếng còn là phúc.
Nó mà trả thù thì…”- “Hâm tỉ độ. Lý lẽ với cái loại ấy thì nói với đầu gối
còn thích hơn”- “Có là bộ trưởng giao thông đến đây mà không có tiền chi thì…
Xin lỗi nhé!” Sự trách móc hằn học đối với Quý mỗi lúc một tăng, vây quanh
anh, như chính anh là nguyên nhân của tất cả những nỗi nhục nhằn của chuyến
đi. Còn mấy phút nữa. Vẫn không có tiếng động sửa xe. Hai vị “cứu tinh” của
chuyến xe vẫn ngồi ung dung nhậu nhẹt. Tay thanh niên đứng ra làm trung gian
ban nãy xông đến Quý, nắm vai áo anh lắc mạnh: “Này, thế là ông đẩy chúng tôi
vào cái thế khó xử rồi đấy! Làm thế nào bây giờ? Ông rách chuyện quá!” Quý im
lặng gỡ tay anh kia ra rồi chợt phát bẳn lên: “Thế ông tưởng tôi sung sướng lắm
đấy hẳn!" Một vài người đã lo rải ni lông xuống đất. Một vài người ngồi
so vai rụt cổ, vùi đầu trong gối tranh thủ chợp mắt. Còn hầu hết cả xe đứng
im lặng như những bóng đen, cùng nhìn về một phía chờ đợi. Chắc đối với một
vài người thì đây là dịp để họ chờ đợi một sự được cuộc và thua cuộc – hấp dẫn
hơn mọi sự cá cuộc nào.
Chợt có tiếng vợ Quý kêu
lên giọng như mếu: “Trời, con bé nóng quá thế này!” Dường như số phận em bé
lúc này đã là một sợi dây vô hình gắn bó lại tất cả những người trên chuyến
xe. Mọi người nháo nhác, vây quanh vợ con Quý, hỏi han và lo lắng: “Xoa cho
cháu ít dầu khuynh diệp”, “Cho cháu uống ngụm nước ấm đi”, “Đắp lên trán cho
cháu cái khăn ướt này”…
Giữa lúc đó, tiếng máy nổ
ròn tan trong đêm tối, và tiếng đập cửa xe thình thình gọi khách lên xe. Mọi
người lê bước về xe với dáng vẻ mệt nhọc, như thể sự việc sẽ phải xảy ra đúng
như thế. Cả tôi cũng vậy, tôi cũng không tỏ ra vội vã, song tôi hiểu rõ tâm
trạng của đám hành khách đáng thương tôi nghiệp kia. Chắc họ đang cố dìm đi
niềm cảm phục đối với Quý và cố tự thuyết phục mình rằng: Chính nhờ có ta là
người hỗ trợ nên anh ta mới thắng lợi, và thắng lợi này là thắng lợi của cả tập
thể. Như thế là lòng tự ái được vuốt ve mà ý thức về sự công bằng không hề bị
tổn hại…
Sớm hôm sau, khi xe dừng ở
bến cuối, tôi bạo dạn đến giúp đỡ vợ chồng Quý mang vác đồ đạc xuống xe, ra
khỏi bến và trò chuyện với anh.
- Cháu đỡ chứ anh?
- Đỡ rồi anh ạ. Có ông
hành khách cho cháu một viên cảm sốt…
- Cũng may không phải là
thuốc giả - cô vợ chêm vào với một vẻ hóm hỉnh.
- Tại sao anh lại tự tin đến
thế? Nếu bọn kia là loại cứng đầu thì chúng còn gây thêm phiền hà cho cả xe,
anh chị và cháu là những người sẽ chịu thiệt thòi hơn cả.
Quý mỉm cười – nụ cười khắc
khổ chứa đựng ý nghĩa nhiều hơn là lời nói mà chỉ những ai quen làm việc trí
óc căng thẳng mới có:
- Cũng có thể như vậy chứ!
Thì cũng phải có người chịu thiệt thòi nhiều hơn chứ?... Anh xem, ai cũng khổ,
cũng nhục nhã đến không thể chịu nổi, thế mà cứ phải im lặng mà chịu đựng
mãi, đến cái lúc mà cả những điều bất công và vô lý thậm tệ nhất cũng sẽ được
thừa nhận, được coi là phương châm xử thế chung – Quý bật lên tiếng cười chua
chát – Còn, cậu hỏi vì sao mình tự tin đến thế… (Sự thay đổi xưng hô tự nhiên
này khiến tôi thấy mình gần gũi với anh lạ thường). Mình tin rằng ở một tay
lái xe dù ngổ ngáo, thực dụng đến đâu cũng có lòng tự trọng. Có những loại
người nếu kêu gọi tình thương thì rất ít hiệu quả. Nhưng nếu biết đánh vào
lòng tự trọng, vào lòng tự tôn nghề nghiệp của họ thì…- Quý lại cười, và lần
này thì không còn chua chát nữa - Gớm, có mấy tay hành khách cứ xồn xồn lên với
mình. Việc mà không thành, họ ăn sống nuốt tươi mình ấy chứ!
Chúng tôi cùng cười vang.
Cô vợ Quý cũng mỉm cười và tôi bỗng nhận thấy chất học trò vẫn còn chưa mất hẳn
ở cô ta…
Nhưng đấy là chuyện sáng
mai. Còn lúc này, chuyến xe vẫn đang còn xuyên đêm tối. Dưới đáy xe ca xóc đến
lử người, tôi nhìn sang mấy cô giáo sinh cũng đang phờ phạc như những cái
bóng lắc ngả lắc nghiêng và chợt thấy xót thương họ như những người em gái của
mình… Trong lúc thần kinh vừa bị ức chế vừa bị kích thích, tôi đã toát mồ
hôi: vừa nãy, tôi đã phải làm một kẻ gian dối… Mấy cô giáo sinh, vào giây
phút chờ đợi căng thẳng nhất đã bí mật kéo tôi ra một góc. “Anh ơi, nhìn anh,
chúng em biết anh cũng là thầy giáo Tây Bắc về nghỉ phép. Anh tìm cách cứu
giúp cho thấy Quý chúng em đi… Mấy tay lái xe này lì lắm. Đi phép nhiều lần,
chúng em biết rõ mà”. Nhìn vẻ tần ngần lo lắng của các cô gái, tôi chợt hiểu
tất cả… Tôi đang quay cuồng với những ý nghĩ, những âm mưu, thì một cô dúi
vào tay tôi một tập tiền lẻ: “Chúng em vét túi gộp lại được ngần này, chắc đủ.
Anh ra nói khó với tay lái xe đi”. Thấy tôi sửng sốt, rồi lúng túng, lưỡng lự,
một cô năm nỉ: “Mau đi anh! Con gái chúng em chịu khó tăng gia, tự nấu ăn, lại
ở thị trấn miền núi ít tiêu pha, nên để dành được kha khá tiền học bổng. Bây
giờ, chúng em chỉ cần đủ tiền về đến quê thôi anh ạ…”
Sau đó, cộng thêm vào đấy
số tiền còm của một anh giáo khổ Tây Bắc, chính tôi đã lén lút làm nhiệm vụ của
một “sứ giả” bất đắc dĩ.
Nhiều năm đã trôi qua, việc
làm của những cô giáo sinh nghèo kia vẫn còn là điều bí ẩn đối với tôi... Và
giờ đây, tôi cảm thấy cần phải kể lại câu chuyện này để tạ lỗi với Quý. Nếu
tôi ở địa vị anh, chưa chắc tôi đã làm được như anh. Còn nếu anh ở địa vị
tôi, chắc chắn anh sẽ không dối trá và hèn nhát đáng xấu hổ, thậm chí đến tởm
lợm như tôi. Trong màn đêm dày đặc bóng tối, sương mù, những ảo ảnh về sự tốt
đẹp có thật sự cần thiết đối với mọi người? Ảo ảnh giúp sự phi lý, độc ác tiếp
tục tồn tại trong đêm tối, bủa vây hành hạ con người. Và chính tôi đã tiếp
tay cho chúng. Duy có một điều giúp tôi tự an ủi, chuyến xe hôm ấy đã giúp
tôi hiểu thêm một lẽ đời: nếu như không có những tia sáng của lương tri phẫn
nộ và những tia sáng của tình thương thầm lặng, những chuyến xe đường trường
sẽ đưa người ta trôi nổi đến phương nào?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét