Tôi trở lại Sơn La khi những
cánh hoa đào phơn phớt mát dịu đương hối hả tranh giành lần cuối với màu xám
bạc của lau và đá. Và lần nào cũng thế, cứ bắt đầu qua Thung Khe để vào xứ sở
sương mù, quê hương của suối sâu thác dữ, núi rừng trùng điệp, tôi đều chợt lặng
đi nhớ tới người anh, người đồng nghiệp đã qua đời hơn hai mươi năm trước:
nhà biên kịch điện ảnh người Thái Cầm Kỷ. Anh mất giữa cái tuổi mà sự tích
lũy sáng tạo đang căng đầy thôi thúc trong một trái tim nóng bỏng...
Xe tôi lúc này đang vượt
đèo Chiềng Đông hiểm trở. Tôi ngậm ngùi nhìn cái nơi mà Cầm Kỷ gặp tai nạn...
Những điều anh dự báo và khẩn thiết kêu gọi trong kịch bản phim truyện
"Vùng rừng nóng bỏng" chưa kịp lên màn ảnh đã rơi ập vào chính số
phận của anh: chiếc xe chở Cầm Kỷ đã bị đổ do hậu quả của những cơn lũ rừng,
sau nhiều năm tháng dài đốt phá rừng triền miên vô tội vạ! Cứ mỗi năm, những
con suối Tây Bắc ngày một trở nên ngầu đục hung dữ hơn! Cả những cánh rừng
hoa ban kỳ diệu mà chỉ riêng vùng rừng Tây Bắc mới có cũng đang bị chặt, bị đốt
phá một cách không thương tiếc! Cầm Kỷ xót xa tâm sự cùng tôi sau nhiều lần từ
Sơn La hoặc Lai Châu quay về Hà Nội. Ánh mắt anh ứ lệ, ngầu đỏ...
Một trong những việc đầu
tiên của tôi khi về nhận công tác ở Xưởng Phim truyện VN (sau là Hãng PTVN)
là tìm đến một căn phòng của dãy nhà tập thể tre nứa sát hồ Tây, mang theo
chai rượu nút lá đặt trước mặt Cầm Kỷ: "Tây Bắc là quê hương thứ hai của
em. Xin ra mắt đàn anh! " Cầm Kỷ tròn xoe mắt nhìn tôi từ đầu tới chân rồi
reo lên: "Hay quá, tớ đang cô độc đây!..." Lúc đó, tên tuổi anh đã
vang danh với các kịch bản được dựng thành phim có nhiều người xem hâm mộ, đoạt
cả giải Quốc tế: "Hai người mẹ", "Chom và Sa" (1),
"Lưu lạc", "Trở về Sam Sao"..., còn tôi thì mới lẫm chẫm
vào nghề; nhưng điều đó không hề ngăn cách chúng tôi để có biết bao buổi trò
chuyện tâm đắc trong căn phòng tồi tàn này, rồi sau đấy là căn phòng ngăn đôi
ở khu tập thể cũ kỹ Hoàng Hoa Thám... Cứ sau mỗi buổi chiếu phim nghiên cứu học
tập của cơ quan vào tối thứ tư, anh lại lôi kéo tôi ngồi bàn luận tới khuya.
Rất quan tâm tới cách thể hiện độc đáo trong các phim, song điều khiến anh cảm
thụ sắc bén và nhanh nhạy trước hết là những vấn đề nhân văn của chúng. Có lần,
sau buổi chiếu phim "Dòng nước đen" của Nhật, sáng hôm sau anh kể
cho tôi nghe ý tưởng một kịch bản mới nói về thân phận những người dưới đáy
xã hội... Qua anh, tôi được hiểu thêm rất nhiều về nền văn hóa các dân tộc
Tây Bắc, về các nhà thơ - nhà văn hóa dân tộc đáng kính mà tôi từng được tiếp
xúc ở Sơn La, như nhà thơ Cầm Biêu, nhà Thái học Cầm Cường (hai anh trai của
Cầm Kỷ), nhà thơ Lò Văn Mười, nhà thơ Lò Văn Cậy, nhà thơ Vương Trung, nhà
dân tộc học Cầm Trọng, nhạc sĩ Cầm Bích, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian
Hoàng Trần Nghịch, Đinh Ân, Đinh Tranh, v.v. Tôi được anh coi là người bạn
vong niên tri kỷ, trước hết là bởi từng có một phần tuổi trẻ gắn bó với quê
hương anh và đã kịp yêu quý nó... Lúc Cầm Kỷ viết kịch bản "Đường rừng"
(tức "Điều anh chưa kịp nói" kể lại chuyện người thanh niên yêu nước
Lò Văn Giá dẫn bốn tù chính trị vượt ngục Sơn La rồi khi trở về bị giặc giết
hại), anh chịu khó trao đổi với tôi thường xuyên, vì đã đọc những truyện ký của
tôi viết từ thời dạy học về nhà ngục khét tiếng này (2). Chính anh đã đề
nghị với Ban giám đốc & Hội đồng nghệ thuật Xưởng phim giao kịch bản trên
cho một đạo diễn mới tốt nghiệp nhưng có hiểu biết về Tây bắc, và được chấp
thuận ngay. Nhưng sau đó, một Đảng viên kỳ cựu kiêm đạo diễn lâu niên đã nì
nèo lãnh đạo xin được làm phim này, coi như cuộc "cúng giỗ" cuối
cùng của ông trong loại phim "cúng cụ" để hạ cánh bình yên xuống miền
quên lãng; thế là tay đạo diễn trẻ đương nhiên bị gạt bắn ra ngoài guồng làm
phim - kể cả chức danh phó hay trợ lý đạo diễn, sau khi đã kỳ công ngồi viết
kịch bản phân cảnh kỹ thuật cả tháng trời với tư cách là đạo diễn chính! Bộ
phim rồi cũng ra đời, và một trong những "Điều anh chưa kịp nói" của
Cầm Kỷ rất có thể là nỗi ấm ức cho bản thân mình và cho cả anh bạn đồng nghiệp
trẻ...
Sau gần một năm Cầm Kỷ mất,
tôi có lên Sơn La để làm một phim chân dung về anh. Tại thị xã Sơn La ngày
đó, những dấu vết kinh hoàng của trận lũ tháng 7 năm trước vẫn đang còn in đậm
trên làng bản, phố xá và trong tâm trí của mọi người. Đằng sau và bên cạnh
ngôi mộ của Cầm Kỷ- ngôi mộ đầu tiên trên ngọn đồi sau trở thành Nghĩa trang
Nhân dân Thành phố- khi ấy đã xuất hiện thêm hàng chục ngôi mộ của nạn nhân
cơn lũ quét đè bẹp thị xã Sơn La vào năm 91 ảm đạm đó! Vợ con anh đang chăm
sóc phần mộ anh. Đôi mắt cháu nhỏ mất cha nhìn ngơ ngác... Giữa núi rừng lặng
lẽ, bên hương khói mộ anh, tôi đã cầu mong anh thanh thản mà lại như nghe thấy
anh đang khóc hô hô cho một vùng rừng đang bị phá hoại tàn khốc, cho môi trường
sinh thái đang bị thiêu hủy từng giờ, cho cái thiên nhiên đang cất lên lời
kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng... Những đàn kiến rừng khổng lồ đang ùn ùn bỏ tổ
ra đi mà tôi quay chộp được trên đường đi bộ từ Hua La về Mường Chanh phải
chăng báo hiệu cho những cơn lũ rừng khủng khiếp sắp tới - những cơn lũ mang
tên lũ ống, lũ tràn, lũ quét, lũ đầu mùa, lũ muộn...?
Mười năm sau đó, tôi có trở
lại Hua La khi quay bộ phim truyện về số phận của một cô gái Thái xinh đẹp bị
vu là "Ma cà rồng", và làm một phim tài liệu về những cánh rừng đầu
nguồn. Vẫn là cảnh đốt nương mù mịt, núi đồi bị cạo trọc nhẵn thín, những
bóng người và trâu bò xa tít trên các nương cằn cheo leo, dốc ngược; còn các
luật tục khắt khe tự bao đời của người Thái đối với Rừng thiêng đã bị quy luật
sinh tồn và kinh tế thị trường buông thả xâm phạm nặng nề...
Và thêm mười năm sau nữa,
tình cảnh vẫn chẳng có gì khác: chỉ cách trung tâm Thành phố Sơn La choáng ngợp
cờ hoa và ánh điện màu chưa đầy 5 cây số đã là sự hoang tàn của đất và rừng,
lại thêm những vết lở loét khổng lồ bên suối Mường La bởi khai thác khoáng sản
bừa bãi... Những ngôi nhà sàn đẹp đẽ từng góp phần tạo nên danh xưng đáng yêu
"Thị- xã-nhà-sàn" đã dần biến mất để thay thế bởi những hình hộp bê
tông cắm đủ loại mái tân kỳ lổn nhổn...
Năm Cầm Kỷ qua đời, cháu lớn
của anh học chưa xong phổ thông, cháu nhỏ nói chưa sõi, vợ con anh sống nheo
nhóc trong một ngôi nhà tranh sập xệ trên đường vào xã Hua La. Còn anh, sống
giữa Thủ đô không ít năm nhưng lại giống người đồng rừng mới về thành thị,
ngơ ngác trước mọi thứ mánh mung, chỉ biết mệt mài với những trang bản thảo,
lại không ưa, không biết quỵ lụy trong những mối quan hệ rắc rối... Cầm Kỷ sống
cảnh gà trống nuôi con nhiều năm ròng sau khi người vợ đầu là một ca sĩ bỏ đi
xuất khẩu lao động... Nói đến anh, mọi người thường lắc đầu thương hại. Lúc
nào anh cũng là người túng thiếu nghèo khổ nhất trong giới nghệ sĩ điện ảnh...
Anh đã buộc phải trở về quê hương thường xuyên hơn để tìm đường kiếm sống -
làm phim truyền thống cho các xã các huyện, viết các vở kịch ngắn cho ngành
truyền thông địa phương, lên núi phá hoang trồng ngô khoai sắn, nuôi gia cầm
cùng vợ con (người vợ thứ hai của anh là một cán bộ Đoàn tại Sơn La)... Và dĩ
nhiên, những ý đồ sáng tác vẫn cồn cào thường trực trong anh. Anh vẫn viết với
một tình yêu theo cách đồng bào anh bộc lộ: "Yêu người nào thì muốn bồng,
muốn cõng người ấy lên"- như câu tục ngữ Thái anh yêu thích... Song ngôi
nhà tranh vách nát ở Thị xã đâu có che nổi cho những trang viết, những chồng
bản thảo khỏi bị mưa dột? Tệ hơn, những kịch bản tâm huyết của anh dần trở
nên lạc lõng thảm hại giữa "chợ trời" phim ảnh, chẳng một ông chủ
hãng phim nào - kể cả ông giám đốc của xưởng phim truyện to nhất nước đang trả
lương bèo bọt và thất thường cho anh, có thể mỉm cười chào đón anh nữa. Bởi
lúc đó cả ngành Điện ảnh nước nhà trong tình trạng cấp cứu, lại đang bị ngập
lụt trong thứ phim đã đi vào từ điển tiếng Việt hiện đại: "Phim mì ăn liền"-
nghĩa là cái thứ phim câu khách bằng mọi giá, kể cả chà đạp lên sự liêm sỉ tối
thiểu!
Nhưng chuyện cơm áo dày vò
đâu có thể làm nguôi ngoai nổi những điều nung nấu tâm can người nghệ sĩ chót
mang hồn vía của núi cao rừng thẳm và những bản tình ca dân gian say đắm như
Tiễn dặn người yêu, Chàng Lù nàng Ủa, Nàng Tóc thơm...! Bữa no bữa đói, anh vẫn
cắm cúi miệt mài viết, vẫn lắng nghe không bỏ sót một tiếng kêu cứu nào từ
núi rừng quê hương! "Vùng rừng nóng bỏng" của anh dù phải vùi sâu
trong chồng bản thảo hay phủ dày bụi trên bàn biên tập vẫn cựa quậy thôi thúc
đòi được lên màn ảnh để đến với hàng chục triệu khán giả - bởi điều đó trước
mắt có liên quan mật thiết đến sinh mệnh của các con anh, của những thế hệ em
nhỏ Tây Bắc!...
Đằng sau vóc dáng đồ sộ nặng
nề như gấu của anh là một tâm hồn nhạy cảm dễ ứa lệ và một khát vọng sáng tạo
tựa ngọn lửa đêm lễ hội cao nguyên. Anh có lần bảo tôi: "Tớ phải viết,
phải lao động nghệ thuật như một con trâu điên, cả cậu cũng vậy, đừng có dúm
dó như thế, để mai sau mọi người sẽ hiểu: trong các đống bản thảo này là những
trái tim khổng lồ rớm máu đã đập như thế nào..."
Hai thập kỷ trước, tôi đã
tới Mường Chanh - huyện Mai Sơn, quê hương của nhiều nhà hoạt động văn hóa -
quân sự - chính trị người Thái có tên tuổi khắp vùng Tây Bắc thời hiện tại.
Đây là một vùng căn cứ địa Cách mạng cũ, một địa phương nổi tiếng với cây lúa
nếp Tan và nghề gốm đất nung cổ truyền. Đó là một thung lũng tuyệt đẹp, có những
mảnh ruộng xinh xắn, có dòng suối trong vắt mềm mại tựa dải lụa từng tắm mát
tuổi thơ Cầm Kỷ... Nhưng rời cái toàn cảnh rộng thi vị như tranh vẽ đó, tôi
đã tới trước những lớp học tiêu điều, trống huếch, đầy phân súc vật dù đã sắp
tới ngày khai giảng...Vốn xuất thân là một thầy giáo, chắc Cầm Kỷ đã không ít
lần xót xa trăn trở về giáo dục miền núi sau mỗi lần về quê hay đi tới các
vùng cao vùng xa ở Tây Bắc để thu thập tư liệu cho sáng tác... Đến bao giờ
thì Tây Bắc mới thực sự trở thành một "hòn ngọc của Tổ quốc"? Đến
bao giờ tất cả các em nhỏ miền núi đều được đến trường- những ngôi trường ít
ra cũng được khang trang gần bằng các trụ sở Công quyền?... Đến bao giờ những
con nước quay chầm chậm chỉ còn là một biểu tượng đẹp và buồn của quá khứ
trên sông suối Tây Bắc?... Phải chăng, đó cũng là những điều đã ngày đêm dằn
vặt nhà biên kịch và tạo nên âm hưởng trầm buồn đến bi tráng trong các trang
kịch bản của anh?... Dưới mái nhà sàn ám khói, người chị cả đáng kính của anh
đã hát cho tôi nghe. Và tôi hiểu, nỗi buồn đó của Cầm Kỷ còn bắt nguồn từ giọng
hát lê thê buồn bã bên bếp lửa sàn đêm đêm của người chị nghèo thay mẹ nuôi
em...
Bố mẹ chúng ta khuất núi từ
lâu rồi
mấy chị em đùm bọc rau
cháo chăm nhau
không ngờ em lại ra đi trước
chị
trên cõi Trời em hãy bình
tâm,
bởi điều đau đớn ấy chị để
trôi trên dòng nước,
chị treo nó lên ngọn cây
cho gió bay xa,
tỏa khắp rừng sâu,
lan mọi phương trời
để con cháu biết rõ về em,
noi gương em, tiếp tục công việc của em...
(Dịch nghĩa từ tiếng Thái)
Lời "khắp" Thái
buồn như tiếng khóc- lúc thầm thì kể lể nức nở, lúc dâng cao nhưng nhức xoáy
tâm can... Trong tiếng hát quấn quýt ngọn lửa sàn bập bùng, tôi lại hình dung
ra những con nộc-phay, tức chim lửa mà Cầm Kỷ từng kể cho tôi nghe sự tích về
chúng- loài chim tượng trưng cho linh hồn những người chết vì đói ngày giáp hạt
thường quay trở về nương rẫy làng bản thành chảo lửa trên nền trời xám đục bởi
tro than, chúng hót lời não nuột nhắc đừng bao giờ quên những thời đói khổ...
Phó GS -TS hóa học Cầm Cường,
một người nghiên cứu rất sâu về văn học dân tộc Thái, nguyên là Chủ nhiệm
chương trình Thái học Việt Nam (nay đã mất) từng ngậm ngùi kể về người em
trai của mình: "Cầm Kỷ say sưa nghề nghiệp đến mức có lúc dường như lãng
quên cả hạnh phúc gia đình, bỏ quên cả vợ con, họ hàng. Nhưng thực ra, Cầm Kỷ
là người rất giàu tình thương và trách nhiệm... Hai anh em tôi rất tâm đắc về
việc khai thác phát huy vốn văn hóa dân tộc, đã bàn bạc nhiều về chuyện chuyển
thể lên màn ảnh hai truyện thơ Xống chụ xon sao, Khun Lú náng Ủa và một số
truyện cổ dân gian Thái, Mông, Kh' mú... Gia đình chúng tôi bị hẫng hụt lớn
khi Cầm Kỷ mất sớm, và hy vọng các bạn đồng nghiệp của Cầm Kỷ sẽ tiếp tục
hoàn thành nốt những công trình dang dở nhiều ý nghĩa đó..."
Tôi đã nhiều lần "Lên
ngọn suối"- tên một trường đoạn của kịch bản phim "Vùng rừng nóng bỏng"
chưa kịp thực hiện, để tìm lại ngọn nguồn của một nỗi đau, một ước vọng trong
"trái tim khổng lồ rớm máu" luôn hướng về quê hương Tây Bắc... Giai
đoạn viết kịch bản này, cứ được trường đoạn nào Cầm Kỷ lại gọi tôi tới bắt
nghe và góp ý, bên chén rượu trắng và đĩa lạc luộc... "Vùng rừng nóng bỏng"
đề cập tới sự cần thiết phải giao đất giao rừng cho dân với một chính sách để
dân có thể sống được mà không phải phá rừng đốt nương, cho đến hôm nay càng
nóng bỏng hơn lúc nào hết trước những vấn đề thời sự nhức nhối cấp bách về
thiên nhiên & môi trường sinh thái cần được bảo vệ, về phương thức làm ăn
để thoát nghèo đói, về môi trường văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc
Tây Bắc đã, hay đang có nguy cơ bị dìm vĩnh viễn trong nước lạnh hoặc bị xúc
gọn vào bảo tàng... Nhưng cái tập kịch bản vang vọng tiếng kêu thống thiết của
loài chim lửa kia cùng nhiều tập kịch bản ngồn ngộn sự sống khác chứa đựng
huyết lệ của Cầm Kỷ chắc cũng sẽ rơi tõm vào khoảng không đáng sợ... Biết làm
sao được, khi còn tồn tại những người có trách nhiệm thiếu lương thiện hay
thiển cận khiến cả ngành Văn hóa lẫn Điện ảnh lao đao tựa bị lũ quét, khi mà
những ông chủ sản xuất phim hiện tại (cả Tư nhân lẫn Nhà nước) đang cay cú đến
mờ mắt với những canh bạc phim ảnh hốt ra vàng nhờ khoe chân dài, váy ngắn,
ngực phơi lưng hở của những "siêu mẫu siêu sao" và trưng bày cuộc sống
vương giả hoặc nhầy nhụa tình dục mà nếu có đem phim lên chiếu không phục vụ
đồng bào miền núi thì cũng chỉ là một điều oái oăm đến xót xa, hơn thế, một sự
điếm nhục!
Tuy vậy, tôi vẫn âm thầm
hy vọng về những "Bình minh trên rẻo cao", như tên một kịch bản tốt
nghiệp điện ảnh đã làm thành phim tài liệu của Cầm Kỷ từ năm 1962. Và chắc chắn
rằng: nếu "trái tim khổng lồ rớm máu" đó còn đập tới hôm nay sẽ còn
hòa nhịp với Biển Đông nóng bỏng, Tây Nguyên nóng bỏng, Duyên Hải nóng bỏng...
Cả cuộc đời lừng lững đam mê sáng tạo của Cầm Kỷ vẫn luôn là nguồn động lực
tinh thần mạnh mẽ đầy bí ẩn đối với nhiều người- trong đó có tôi...
1. Phim Chom và Sa đoạt
giải Silver Elephent tại LHP Quốc tế thiếu nhi năm 1979. Phim dựa theo
câu chuyện có thật kể về hai em bé người Thái đen ở Mường La (Sơn La) không
còn cha mẹ, chạy trốn khu tập trung của giặc Pháp, sống lẩn khuất trong rừng,
cho đến khi bộ đội Việt Minh vào giải phóng Tây Bắc đã cứu sống các em và
nuôi cho ăn học...
2. "Người tù áo
sạch" (tập truyện) NAT- Nxb Thanh niên, 1993
Xuân Nhâm Thìn 2012
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét