Mùa xuân và hoa đào, hoa mai
Hoa Mai tên khoa học là Ochna Integerrime L.
Merr
Chỉ thoáng nghe cái tên khoa học của hai loại
hoa là mất hết hứng thú, không thơ mộng chút nào. Bởi vậy nên người viết
chỉ sưu tầm và ghi chép lại những tài liệu về Hoa Mai và Hoa Đào có liên quan đến
ngày Tư ngày Tết Âm Lịch của người Á Đông chúng ta.
Cái thú hưởng Xuân, phải nói người Á Đông hơn
hẳn người Tây phương. Sự thâm trầm, sống nhiều về nội tâm đã tạo nên các
huyền thoại về Hoa Mai và Hoa Đào. Riêng về ngày Tết, người Đông Phương
thưởng thức và đón Xuân không thể thiếu hai loại hoa này. Mỗi thứ hoa một
vẻ đẹp. Lúc xưa người ta nói nhiều về Hoa Mai. Nhưng sau nầy, những
ai sống trên phần đất phương Tây, thường nghe nói nhiều về Hoa Đào. Nhất
là vào đầu Xuân, Hoa Đào Nhật Bản màu hồng phấn nở rộ bên bờ hồ Potomac ở
Washington DC là nơi được nhiều du khách thưởng ngoạn nhất. Còn ở Nhật,
hoa Anh Đào là biểu tượng cho người phụ nữ Nhật Bản. Hoa màu trắng lung
linh điểm chút phấn hồng. Nếu ai đến xứ Phù Tang mà không được đến vào tiết
tháng Ba để được thưởng thức mùa Anh Đào thì là một điều thật đáng tiếc.
Người Nhật tạo được thú ngắm hoa Anh Đào được gọi là HaNaMi. Hana là hoa,
Mi là ngắm. Hoa đã đẹp, mà Anh Đào thì vừa thanh tú và tao nhã hơn.
Hoa chỉ nở rộ trong một tuần lễ, như nét thanh xuân của thiếu nữ, chỉ nở một lần
thôi, chỉ đẹp một lần thôi. Để rồi, người ngắm hoa ngẩn ngơ nuối tiếc cho
nét đẹp chóng tàn phai và hẹn năm sau sẽ tái ngộ.
Hoa Đào tại Việt Nam có huyền thoại như sau: "Nghe nói, ngày xửa, ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một
cây Đào mọc đã lâu đời. Cành lá sum sê, to lớn khác thường và bóng rậm
che phủ cả một vùng rộng lớn. Có hai vị Thần tên là Thần Trà và Uất Lũy
trú ngụ tại đây để phù hộ và che chở cho dân làng khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ.
Ma Quỷ rất sợ hai vị Thần nên sợ cả cây Đào. Cũng như các vị Thần khác,
hàng năm hai vị Thần này về chầu Ngọc Hoàng nên thừa dịp ma quỷ kéo về phá khuấy
dân làng. Để tránh loài ma quỷ, dân làng đã dùng cành Đào cắm trong nhà
vào ba ngày Xuân. Từ đó thành thói quen và dần dà người Việt quên mất ý
nghĩa thần bí của tục lệ này nên cứ nghĩ là hoa Đào là biểu tượng cho mùa
Xuân. Cho nên cứ Tết đến là nhà nhà đều có Hoa Đào hay Hoa Mai là vậy".
Còn bên Trung Hoa thì truyền thuyết về Hoa
Đào hấp dẫn và tình tứ hơn nhiều. Truyền rằng: "Có một thi nhân nổi
tiếng đời Đường bên Trung Hoa là Thôi Hộ và người trinh nữ đất Lam Điền gần
kinh đô Trường An. Một hôm, thi sĩ họ Thôi ghé đến Lam Điền vì khát nước
mà không tìm ra quán nên mới ghé vào một căn nhà ven đường để xin nước giải
khát. Cô gái đem nước mời khách, và chỉ trong thoáng giây giai nhân
thi tử đã phải lòng nhau. Tuy bịn rịn nhưng cả hai không một lời hẹn ước.
Năm sau, vào dịp hoa Đào nở, Thôi Hộ nhớ đến người xưa nên trở lại Lam Điền để
mong gặp lại giai nhân. Nhưng khi đến nơi thì nhà cửa đóng then
cài. Chàng bèn cảm tác bài thơ "Tích nhật sở kiến xứ" dán
vào cửa để bày tỏ tâm tình. Trong đó có bốn câu như sau:
Khứ Niên Kim Nhật Thử Môn Trang
Nhân Diện Đào Hoa Tương Ánh Hồng
Nhân Diện Bất Tri Hà Xứ Khứ
Đào Hoa Y Cựu Tiếu Đông Phong
(Thôi Hộ)
Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông
(Bùi Khánh Đản dịch)
Nhưng khi vừa quay gót thì nghe tiếng khóc
than vẳng vọng ra, hỏi ra mới biết là cô gái năm xưa vừa mới mất. Chàng
vào trong, quỳ xuống cạnh thi hài cô gái ôm khóc thảm thiết và cô gái đã tỉnh lại
rồi sau này hai người kết duyên."
Người Việt Nam miền Bắc thì coi hoa Đào là biểu
tượng cho ngày Tết, trong khi hoa Mai là biểu tượng ngày Tết cho người miền
Nam.
Tuy Mai không có truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn
như Hoa Đào, nhưng trong Kinh Thi mô tả cây Mai là hình ảnh của kẻ tiết
tháo. Đây là bộ sách quý trong Ngũ Kinh gồm 300 bài ca dao và những bài
hát trong dân gian từ đời nhà Thương nhà Châu bên Trung Hoa đã được Khổng Tử
sưu tập và chú giải, nội dung để răn dạy người đời trong cách nhập thế.
Còn theo Đạo Giáo thì Mai được nâng lên hàng
vũ trụ luận. Mai là Âm Dương (Lưỡng Nghi). Đó là nguyên lý căn bản
cấu thành vũ trụ. Mai còn là hình ảnh của đạo vợ chồng, vừa biểu thị cho
sự tao nhã của tao văn và quyền lực của binh khí.
Trong Nho Giáo, Mai là hình ảnh người Quân Tử,
có nhân cách và phẩm hạnh ngay thẳng. Mai còn là hình ảnh của người anh
hùng, khí phách vì Mai luôn luôn tươi tốt dù sương tuyết. Chính vì lẽ đó
nên có thuật chơi kiểng gồm "Mai-Tùng-Trúc" để tượng trưng cho đức
tính cao đẹp của người quân tử trong Nho giáo. Bởi vì ba cây trên xanh
tươi quanh năm không kể Xuân-Hạ-Thu-Đông.
Một cách nôm na, nội tên "Mai" thôi
cũng đủ làm cho Mai được người Việt Nam ta chọn để chưng vào ba ngày Tết vì Mai
còn là may mắn. Nếu là Mai Vàng thì Chao ôi, vừa may mắn vừa có Vàng Bạc
Châu Báu nữa thì còn gì bằng. Còn nếu là Mai Đỏ thì vừa may mắn lại vừa hồng
tươi cả năm thì cũng đâu kém chi ai.
Riêng tôi, có người bạn trước nhà có hòn non
bộ, có nước có núi, có thông thủy róc rách ngày đêm. Anh còn giải
thích thêm là lúc nào cũng để nước thông lưu liên tục, để cho công việc hạnh
thông trôi chảy! Bên cạnh hòn Non Bộ là cây Mai Bonsai không có một chiếc
lá... làm thuốc. Anh bạn giải thích là anh đã tước hết lá và nay mai sẽ
có hoa. Tôi nghi ngờ lắm vì chẳng thấy có nụ, nhưng lạ thay sáng hôm sau
thì cây Mai Bonsai có một chiếc hoa màu trắng như tuyết, tuyệt đẹp! Anh bạn
nhìn tôi gật gù ra chiều đắc ý!
Thực tế mà nói, nếu muốn có một cành mai đẹp
nở rộ vào ngày mồng Một Tết thì sau đây là những điều cần biết:
Nên mua cành Mai vào khoảng 28 hay 29 Tết,
như vậy dù giá có đắt nhưng không sợ bị lầm. Hãy chọn cành mai có nụ vỏ
ngoài xanh bóng như vậy nụ sẽ nở rộ trong vòng một vài ngày tức là đúng Tết.
Nên nhớ, đến ngày 23 tháng Chạp, tức ngày tiễn
Táo Quân về Trời mà nếu hoa cái trên cây chưa bung vỏ lụa thì hoa sẽ nở trễ.
Còn nếu ngày 22 tháng Chạp mà nhiều hoa trên cây đã bung vỏ lụa thì cây mai sẽ
nở hoa sớm trước Tết.
Hoa Mai dù có 5 cánh nhưng thông thường có
giá trị khác nhau: như Huỳnh Tỷ, Mai Giảo, Mai Cúc, Mai Cửu Long, Mai Sẻ,
Mai Châu.
Khi lá vàng trên cây Mai sắp rụng thì hoa mai
từ các nách lá bắt đầu tượng hình. Từ lúc đó cho đến khi hoa nở trung
bình từ 2 đến 3 tuần lễ tùy theo loại Mai. Do kinh nghiệm, ta thường trẩy
lá cây mai vào khoảng rằm tháng Chạp để thúc ép mai trổ đúng vào dịp Tết Nguyên
Đán.
Cành Mai mua về trước khi cắm vào lục bình nên
đốt sơ ở phần cuối cành ngay chỗ cắt, làm như vậy cành sẽ tươi lâu hơn và hoa sẽ
đẹp hơn. Lý do là khi đốt các tế bào tại chỗ bị cắt sẽ chết làm tắt nghẽn
nhựa không cho thoát ra ngoài và tan vào nước. Khi hoa được cắm vào bình
thì nên thêm nước hàng ngày cỡ lưng chừng bình. Nếu có thay nước nên thêm
vào một viên Aspirine để giúp cho cành Mai được tươi lâu
hơn.
Được biết thêm, các bậc danh họa Trung Hoa đã
có các lối vẽ hoa Mai như sau:
Keou Lo Houa (Câu (cong) Lặc (chạm, khắc) Họa):
Là phương pháp vẽ Mai do danh họa Vũ Tích (Yu Si) đời Đường.
Mou Kou Houa ((Một (không có) Cốt (xương) Họa):
Là lối vẽ Mai bằng bột màu không có đường viền bằng mực.
Fei Po Huoa (Phi Bạch Họa): Là lối vẽ của
danh họa Tch'en Tch'ang (Trần Thường) là vẽ hoa Mai thì cánh hoa màu trắng
nhưng nếu là mai vàng thì viền vàng.
P'ouo mouo Houa (Phát Mặc Họa): Do danh
họa Ts'ouei po (Thôi Bạch) đời nhà Tống là cách tô màu lên hoa Mai bình thường,
nhưng sau đó lại điểm thêm để làm cho hoa được nổi bật
lên.
Cho dù năm con gì nhưng mỗi năm cũng phải có
cành Mai hay cành Đào trong nhà cho ra ngày Tết. Bài viết này khi đến tay
quý vị có khi mùa Xuân đã qua rồi, còn gì nữa phải nhọc công chuẩn bị.
Thôi thì hãy giữ tài liệu này để chuẩn bị cho mùa Xuân năm tới, hy vọng quý vị
sẽ chọn được cây Mai hay nhánh Mai, cành Đào đắc ý nở rộ đúng ngày Mồng Một, để
cả năm được thăng hoa.
Ghi chú: Tài liệu sưu tầm và tham
khảo trên internet.
Quỳnh Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét