1- Vợ chồng Tư
Bỉnh, Hai Chi thuộc số may mắn trong xóm Ngọn. Nhiều đôi vợ chồng trẻ ở xóm
Ngọn bị vỡ kế hoạch sinh đẻ, đã sinh hai đứa gái lại đâm liều mót đứa con
trai, nhưng đứa thêm, vẫn gái. Đằng nầy Tư Bỉnh, Hai Chi, ngoài con Bồng con
Bềnh, đứa được đẻ ráng lại là thằng con trai bụ bẫm – thằng Phất Phơ – càng lớn
tóc càng xoăn, miệng rộng hoạc với hai chiếc răng lòi xỉ, da ngăm ngăm, dáng
cao ráo hao hao Tư Bỉnh.
Gia đình ba con. Năm hai
mươi tuổi, con Bồng được gia đình làm đám gả xong mau mau theo chồng về xứ
nuôi tôm nước mặn xa mị dưới Viên An. Con Bềnh vụt lớn lên thành thiếu nữ,
gương mặt bầu bĩnh, ngăm ngăm, tai đeo bông toòng teng, tóc buộc đuôi chồn.
Khi con Bồng xách gói theo chồng, con Bềnh giỏi giang đảm hết công việc trong
nhà, ngoài đồng thay chị, thỉnh thoảng ban ngày chèo vài cuốc đò phụ giúp thằng
em trai Út.
Mỗi tháng Phất Phơ được
xóm ấp phân cho một cữ đò mười lăm ngày. Quãng đường đưa rước khách từ đập
ngăn mặn ra tới vàm rạch Ngọn, ngắn thôi ; xa hơn chút nữa, đò vượt qua sông
Cái mỗi lần tàu chạy tuyến Cà Mau – Sông Đốc thả khách xuống bên kia xóm Lung
Ngang.
Khách quen thích đi đò do
Phất Phơ đưa rước hơn con Bềnh hoặc chủ cữ đò khác. Phất Phơ nhanh nhẹn biết
lao lách ra vào bến, lái vững, lại quạt hai mái chèo thật mạnh, xuồng lướt
băng băng...
Vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi
yên tâm vì so với thời đi ghe hàng bông rong ruổi bán buôn trên sông nước –
thời Tư Bỉnh lái máy đuôi tôm, Hai Chi thổi kèn nhựa rao hàng – thời sinh con
Bồng, con Bềnh – đời sống hiện giờ khấm khá hơn một trời một vực. Lại có nhà
cửa yên ấm trên bờ. Cộng với ba mẫu ruộng thuần cây lúa, gia đình Tư Bỉnh,
Hai Chi mỗi năm nắm chắc năm mươi tấn lúa như chơi.
Lúa. Ôi thôi là lúa. Sạ hạt
không lâu, lúa trổ bông rồi ngậm sữa nặng trĩu ; lúa cong trái me ; lúa chín
vàng đồng. Hương lúa len vào vườn, vào nhà. Cắt lúa xong, đồng phơi ra thênh
thang những khoảng rạ. Mùi rơm rạ, mùi hạt lúa mới tuốt khỏi thân nằm vung
chùng ngoài sân, trong nhà, xông lên tận mũi. Trên mười năm bắt cánh đồng
quay hai vụ, Tư Bỉnh, Hai Chi hít thở hả hê, đằm sâu hương lúa mới.
Thu hoạch xong một mùa vụ,
nhà Tư Bỉnh, Hai Chi thường có khách lui tới chơi. Phần lớn là cánh đàn bà
xóm Ngọn: Chị Tư Nhạn vợ liệt sĩ, chị Sáu Lời vợ Đạo diễn sân khấu Lê Bửu về
hưu, cô Tú Liên Mụ Vườn... Vốn chiều vợ biết tính toán làm ăn, làm tuồng sức mà
không động não đến già đời vẫn còn nghèo, Tư Bỉnh nhát rượu nhưng cố ngồi có
mặt phụ vợ làm chủ xị. Hai Chi say xỉn cuốn hết mấy bà bạn vào cuộc nhảy “Sóc
Bom – Bo. Tư Bỉnh cầm đũa gõ mâm chén đệm nhạc. Múa hát càng hăng tới khúc mức,
tiếng mâm chén thao thùng... càng khua rổn rảng làm át tiếng hát của chủ xị
Hai Chi.
Vài lần vui nhộn thiếu điều
sập nhà bỗng nhiên lắng xuống vì nghe tiếng gọi đò. Phất Phơ mê coi đá gà, thục
bi-da, con Bềnh đi câu cá để khách thả bộ từ vàm vào tới gốc tra cất tiếng gọi
đò vọng vang qua đê. Hai Chi bỏ khách ngồi lại với ông chồng, lật đật xuống
đò rước khách thay vì sai bảo thằng Phất Phơ.
Hai Chi mang tiếng cưng
chiều thằng con trai Út. Ngược lại, con Bềnh đâu ra đó, cứng cỏi hơn. “Mầy nhớ
tên tao chữ Bềnh có “hờ”, không phải “bền bĩ” đâu nghe mà chịu đựng cái nết
tưng tửng của mầy. Tao đánh!...”
Phất Phơ bỏ học năm lên mười
tuổi, khi đó con Bềnh học mót dưới ghe, trên bờ, thậm chí lội bộ lên trường
xã hơn ba cây số học hết lớp 10 Phổ thông. Năm mười sáu tuổi, Phất Phơ đòi cưới
vợ. Hai Chi im lặng nhìn chồng. Tư Bỉnh gạt phăng : “Trời đất, con cu mới bằng
trái ớt hiểm mà tính cưới vợ? Bà nín câm vậy coi như bà đồng ý, hả?” Hai Chi
vẫn nín thinh nhìn chồng. Con Bềnh lần lữa mãi mới lên tiếng : “Mầy nói thiệt
hay nói chơi vậy mậy? Đời nay con trai tuổi hai lăm, ba mươi, con gái hai
mươi đổ lên mới lập gia đình. Khùng ơi là khùng! Nhà thương điên Biên Hòa chứa
mầy!” Phất Phơ không nhịn thua liền chạy ra ngoài vạch vách xỉa hai chiếc
răng xòi xỉ về hướng chị : “Nói chơi chơi vậy, chưa chi cả nhà sợ tốn kém, tốn
lúa. Bà Bềnh ngon trả lại tiền đưa đò mấy tháng cho Phất Phơ đi. Ngon. Trả!”
Cả ba người ngồi im lặng.
Lát lâu sau Hai Chi lên tiếng trách con: “Nhà còn có hai chị em, mai mốt con
có chồng ở xa mới biết nhớ em, nhớ nhà như chị Bồng của mầy...”
Hai Chi nói phải. Lớn lên
ít có đứa con gái nào muốn đi lấy chồng ở xa biệt mù san dã. Với lại chỉ một
thằng Phất Phơ với xóm Ngọn nầy thôi cũng đáng nhớ lắm chứ!
2- Tự dưng, Phất phơ thôi
chèo đò, nhảy độp sang làm công cho gia đình ông Năm Hí ở xóm Lung Ngang. Sợ
mất cữ đò, với lại tiếc hùi hụi lúa đổ bồ bị chảy ra vô lý nên con Bềnh mau mau
thế chỗ em đưa rước khách hằng ngày. Đến lượt Tư Bỉnh ngậm tăm. Hai Chi đoán
non đoán già: “Phải rồi ông Bỉnh ơi, thằng con có óc làm ăn. Già Năm Hí phất
lên nhờ con tôm đó mà. Với lại thêm con Út Nhũ con gái Năm Hí năm nay trổ mã
coi được đứa. Út mười sáu tuổi rồi, coi chừng cái số duyên nợ của con!...”
Tư Bỉnh uể oải
lắc đầu nhưng rất quan tâm đến ý kiến của vợ. Từ vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi,
dân xóm Ngọn lần lượt hướng mắt qua xóm Lung Ngang nơi sôi động con tôm, cây
lúa.
Xóm Lung Ngang nằm trải dài
theo triền sông Cái, nhằm vùng đất trũng, có nơi bị úng phèn khiến cây lúa phất
phơ giống đất xóm Ngọn hồi còn đầy dẫy hố bom sau giải phóng. Mấy năm liền
lúc xóm Ngọn bị thất dài dài, xô đẩy vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi xuống ghe đi
ta bà khắp xứ. Giờ đã khác xưa. Trong lúc Lung Ngang nhá nhem thời quy hoạch
lại vật nuôi, cây trồng, Năm Hí âm thầm khoan cây nước mặn, dẫn ống ra tới hậu
vườn nuôi tôm. Cho đến lúc cánh đàn bà ở đầu xóm Lung Ngang nửa đêm tụ tập đi
phá đập, dỡ cống, Năm Hí đã thu hoạch hai vụ tôm cứng khừ nhờ đất mới còn chất
béo bổ. Ngôi nhà lợp lá ngói đỏ tươi, ba tầng, trồi lên thửa đất trống trơ của
Năm Hí do lộc con tôm cộng với tiền của hai đứa con gái Năm Hí từ Úc gởi cho.
Dân Lung Ngang chạy theo
Năm Hí bén gót, cầm sổ chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đem thế chấp
vay tiền Ngân hàng đổ vào cuộc làm ăn lớn. Khi đó, Năm Hí quay qua nuôi tôm
công nghiệp và buôn bán tôm giống với đủ loại thức ăn cho tôm.
Ràng ràng một ông Năm Hí
lên tới “màn hình”. Hai Chi bật ti-vi liền giật mình la tiếng lớn: “Ông Bỉnh
ơi, ông Bỉnh... Vô coi cái Đài nhà mình...” Năm Hí hiện ra trên ti-vi, tóc rũ
xuống trán đen bóng, quần cụt lỡ, áo thun xanh, hai tay túm mảnh lưới căng phồng
tôm sú đang búng lách chách...
Hai Chi nhìn lướt qua hình
ông chủ vuông, dừng lại cảnh bà chủ xun xoe những vòng vàng trên tay trên cổ,
tay cầm nhánh chà khều khều trên đống tôm. Đúng là vợ Năm Hí có ảnh chụp
chung với nhiều người làm tôm in trên báo. Hai Chi nhớ ra, đắc ý giơ tay đánh
thùm thụp lên vai chồng. Sau nầy dân xóm Ngọn, Lung Ngang mới biết Năm Hí
mánh mung bí mật mua tôm sú của chủ khác về đổ vào vuông nhà rồi quay phim,
chụp ảnh, lên ti-vi mục đích bán tôm giống lẫn thức ăn cho tôm. Nhưng lúc bấy
giờ có một dạo tôm giống, thức ăn cho tôm của Năm Hí không có đủ để bán. Nhân
công nhà Năm Hí lên đến hai mươi người, kể cả thằng Phất Phơ bên xóm Ngọn.
Con gái Út Năm Hí tuổi mới mở mắt đã đứng Trạm trung chuyển hàng hóa tại Tắc
Thủ, biết sử dụng máy tính, biết chọn người thay thế buôn bán cả ngày trời để
Út Nhũ tháp tùng Phất Phơ về thăm nhà bên xóm Ngọn.
Con gái xóm tôm sang chơi
xóm lúa nổi bật lên như con công sặc sỡ. Quần bò, áo nhung đen cổ vuông trước
ngực có thêu hình con Kănguru, phơi ra sợi dây chuyền rung rinh, nhấp nhánh
trên bộ ngực căng dềnh mây mẩy.
Mới trông thấy dáng thon
thả, chậm chạp của Út Nhũ bước sóng đôi với Phất Phơ từ bến nước lên nhà, Hai
Chi đã trầm trồ khen: “Con nhỏ ngộ quá ông Bỉnh ơi, ông Bỉnh... Thay bộ đồ
lao động đó đi. Có khách. Vào nhà mau lên!”.
3- Bề ngoài xóm Ngọn trông
thư thư, yên ả. Ngựơc lại, bên trong xóm Ngọn đang dấy lên những đợt sóng ngầm.
Trước hết là gia đình Tư Bỉnh, Hai Chi. Rối rắm bời bời. Hai chi đường đột chủ
quan, thắc mắc, trách móc, thậm chí gây gổ với nhiều người chung quanh vì
chuyện con tôm, cây lúa, chuyện bênh vực thằng con trai Út trong nhà. Riêng
chị Sáu Lời hiền khô trừ lúc say xỉn bẻ chót lá dừa kẹp vào háng nhảy ngựa,
làm gì đến mích lòng Hai Chi? Còn Lê Bửu khác hẳn, trực tính, hay ngạo mạn,
miệng nói phun ra lửa nhưng tấm lòng để chỗ cái tâm, chưa thấy ở ác với ai.
Lê Bửu ỷ đàn anh đem bài học nuôi tôm không thành lúc mới nghỉ hưu ở Cái Nước
để nhắc nhở những người thân thích ; Lê Bửu còn cả quyết: “Đất lúa đem đi
nuôi tôm cộng với đầu óc con người nhỏ xíu bằng múc đũa ăn, phần không có vốn,
chẳng khác nào gầy canh bạc. Trúng đậm, thua đậm, mà thua là phần cầm chắc
trong tay”.
Phải chăng vì lý do đó, vợ
chồng Tư Bỉnh, Hai Chi xa lánh chị Sáu Lời?
Hai Chi đứng canh. Tư Bỉnh
ngụp lặn dưới nước xoi mội, đút ống dẫn nước mặn từ sông Cái qua con đê vào
ruộng lúa.
Mười đêm chẵn. Nhớ lại, Tư
Bỉnh ớn óc, bể nguội. Thứ nữa, vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi không ai biết nào ngờ
tốp trai trẻ lái hon-đa khách toàn em cháu bà con đậu xe chờ khách đi sớm về
muộn được chứng kiến mọi động thái của vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi xoi mội mới
khổ!
Tốp lái hon-đa khách làm
ngơ. Nhiều bà con xóm Ngọn vẫn làm ngơ vì coi như thí bỏ vạt đất cánh buồm của
Tư Bỉnh, Hai Chi nằm lọt phía ngoài con lộ quy hoạch từ khu khí – điện – đạm
Khánh An đổ xuống sắp thi công nay mai.
Không kể thời gian bảo dưỡng
con tôm – loại tôm giống Ba Ngòi – Cam Ranh chính gốc, nửa năm đầu, vợ chồng
Tư Bỉnh, Hai Chi đặt lú bắt tôm mua đủ gạo ăn, sắm sanh lỉnh kỉnh máy
cát-xét, đầu máy vi-đê-ô... Nửa năm sau, tôm quậy, tôm hoạn, tôm chết! Kế đến
thằng Phất Phơ gặp nạn...
“Hiếp dâm! Thằng Phất Phơ
mà đi cưỡng bức con Út Nhũ? Nghe có trái lỗ tai không? Ông Bỉnh ơi, ông Bỉnh,
không tin thì giùm mời già Năm Hí sang đây...”
Nửa đêm, thằng Phất Phơ,
có cả vài người cánh gia đình Năm Hí từ xóm Lung Ngang về kêu cửa. Phất Phơ
hiện ra ngường ngượng, ngơ ngác khiến Tư Bỉnh, Hai Chi nủa tin nửa ngờ. Nhưng
không. Mới đầu hôm nầy Phất Phơ “làm tình” với Út Nhũ dưới gốc tra bị bà Năm
Hí bắt gặp. Vợ chồng Năm Hí đặt ra hai điều kiện thẳng thừng: Một là phải đi
khám trinh cho Út Nhũ. Hai là gia đình Tư Bỉnh, Hai Chi nhờ người đến dạm hỏi
và sau đó làm lễ cưới gả đàng hoàng. Nếu không, gia đình bên gái phát đơn kiện!
Chuyện lớn bằng trời. Con
Bềnh đành gác lại việc đưa đò nhảy vào phụ giúp với cha mẹ. Bềnh đích thân
chèo đò qua xóm Lung Ngang rước Út Nhũ trong đêm về tới nhà cô Tú Liên Mụ Vườn
y theo lời mẹ dặn.
Cô Tú Liên đon đả tiếp
khách. Chờ cho con Bềnh dắt Út Nhũ xuống xuồng về Lung Ngang, thay vì lội bộ,
Tú Liên kéo cả chị Tư Nhạn nhanh nhảu ngồi lên xe hon-đa khách ra gặp tạn mặt
Tư Bỉnh, Hai Chi lúc trời sắp sáng. Tú Liên kéo Hai Chi ra sau vườn: “Nói
trong lúc không có rựơu không có ai nghe... Lúc say xỉn không thèm nói...” Tú
Liên dừng, lắc đầu vẻ uể oải, tiếp: “Nghe rõ chưa? Nói lúc không có rượu...
Bà Chi nghe nè: con nhỏ còn trinh với tiết gì nữa!... Mất tiêu lâu rồi. Bà
xui xẻo ghê!”.
Nhà có nghạch, vách có
tai. Hôm sau, tin con Út Nhũ mất trinh bay qua tới nhà Năm Hí. Người nhà Năm
Hí giận dữ tự đưa Út Nhũ xuống Bệnh viện huyện. Rời Bệnh viện huyện, người
nhà Năm Hí cầm chắc tờ giấy trong tay. Thế nầy mới đúng! Nhiều người nhà Năm
Hí nghĩ vậy. Nhưng đúng là đúng chỗ nào? Tờ giấy ghi : “Tên họ... Tuổi 16. Cư
ngụ... Ngày, tháng, năm diễn ra... Kết luận : Chưa mất trinh. Chưa rách màng
trinh. Bên ngoài “chỗ kín” có vết trầy xước nhẹ...”
Lại có chuyện hoàn toàn
trái ngược nhau. Tư Bỉnh, Hai Chi ngả về phía Tú Liên Mụ Vườn. Phải ngả về
phía cô Tú Liên thôi vì Tư Bỉnh, Hai Chi quyết không để cho thằng con trai
duy nhất ẵm đứa hư thân mất nết vào nhà.
Chuyện đẩy đưa, đưa đẩy...
Rời Lung Ngang về xóm Ngọn,
Phất Phơ buồn hiu cắm cúi chèo đò. Phất Phơ siêng năng, ngoan ngoãn khác thường,
như con trâu chứng vấy bùn hết thời được tháo ách.
Con Bềnh biết thương em,
nhắc chừng: “Cái thằng cà lơ phất phơ, làm gì thần hồn nát thần tính vậy? Phải
hồi đó nghe tao cố học để thành kỹ sư nuôi trồng mặc sức cho mầy nuôi tôm.
Bây giờ mầy hại cả nhà! Thôi, lỡ rồi, cậu em cố làm lại”. Con Bềnh khôn khéo
nhắc nhủ chung chung, không dám gợi lại chuyện lùm xùm mới vừa xảy ra sợ thằng
em buồn. Mà ác nỗi, con Bềnh không nhắc thì cây tra trên đường Phất Phơ đưa
đò cũng gợi, cũng nhắc. Cây tra sống vùng nước ngọt khác cây tra lắc lay, cằn
cỗi xứ nước mặn Lung Ngang – cái xóm trống huơ trống hoác, váng phèn, đánh mất
phần hồn của đất. Đằng nầy cây tra xóm Ngọn đứng gie ra hiên ngang, cao lớn
trên bờ rạch. Ánh chiều rớt xuống mặt đê bên nầy hắt sang, từng chùm lá to bè
thêm lung linh, xanh thẫm.
Cũng tại gốc tra bên xóm
Lung Ngang, Phất Phơ nhớ mình với Út Nhũ thường ngồi thỏ thẻ kể chuyện. Hết
chuyện, hai đứa ngồi nhìn chăm chắm về hướng những cánh quạt vẩy nước mặn
tung tóe tạo dòng chảy trong ao hồ. Nước văng búa xua, rin rít nhưng hai đứa
ngồi lì giờ lâu. Và có một lần, chỉ một lần ấy thôi, Phất Phơ đưa mấy ngón
tay lóng ca lóng cóng rờ đụng dây áo nịt vú của Út Nhũ. Con nhỏ rùng mình bỏ
chạy...
Tất cả những cái đó làm
sao không gợi cho Phất Phơ mỗi chiều đò qua lại chốn nầy. Đò đời đâu biết chở
suông!
Con Bềnh can mẹ: “Má ơi,
khoan đi nói vợ cho nó nghe. Con thấy Phất Phơ còn thương con Út Nhũ lắm
nghe. Thiệt mà...” Con Bồng từ Viên An về thăm nhà, chen vào: “Con Bềnh nói
đúng đó má. Gấp gì? Phất Phơ năm nay mới mười tám tuổi...” Thấy không lay
chuyển được mẹ, con Bồng con Bềnh day sang cha. Con Bềnh nói: “Ba má mà đi hỏi
vợ cho thằng Phất Phơ, con bỏ nhà theo chế Hai về Viên An ở. Ở Viên An không
được, con đi tuốt ra mé biển, ba coi...” Nghe con gái nói giọng khẳng khái,
Tư Bỉnh càng mặt lạnh như tiền. Coi như việc cưới vợ cho thằng Phất Phơ, người
có quyền nhất nhà đã quyết!
Sau đám hỏi vợ chính thức
cho Phất Phơ mười hôm, đò vừa thả hết khách lên bờ, Phất Phơ bị Công an Huyện
bắt nguội. Phất Phơ bị bắt vì có đơn kiện, có biên bản can tội cưỡng bức tình
dục với con gái vị thành niên. Con Bềnh bỏ đò theo em lên xã dự nghe Huyện đọc
lệnh bắt rồi thui thủi trở về nhà nằm lăn ra trên nền đất gào khóc trước mặt
Tư Bỉnh, Hai Chi...
4- Phất Phơ bị giải về Huyện,
rồi từ Huyện lên Tỉnh chờ ngày ra Tòa. “Chuyện gì mà lớn dữ vậy? Ừ, ra cứ ra,
hầu cứ hầu...” Hai Chi càng lên giọng sa sả, ngoa ngoắt, trút cơn giận dữ xuống
nhà Năm Hí bên xóm Lung Ngang. Bà con xóm Ngọn chạy tới san sẻ với vợ chồng
Tư Bỉnh, Hai Chi kịp lúc như vợ chồng chị Sáu Lời, cô Tú Liên Mụ Vườn, chị Tư
Nhạn...
Dây vào chuyện gia đình Tư
Bỉnh, Hai Chi lúc bấy giờ, Tú Liên Mụ Vườn hơi áy náy nhưng cố làm ra vẻ tự
nhiên, đôi mắt lá răm thêm lúng liếng. Riêng Tư Nhạn phòng không gối chiếc, rảnh
rang, nhảy hẳn vào cuộc.
Lớn hơn tuổi bốn bốn của
Hai Chi tới bốn tuổi nhưng nhờ Tư Nhạn không bới đầu, lại cắt bỏ một ít tóc,
chỉ chừa mái tóc sập dài vừa đủ phủ kín đôi vai nên trông Tư Nhạn, Hai Chi
như đôi bạn gái tuổi ngang ngửa nhau. “Tao nói thiệt cho mầy nghe, mầy có bao
nhiêu vàng vay mượn mà tính đi lo lót. Mà biết lo lót cho ai? Vỡ ra nhằm người
tốt hô lên một tiếng bắt con mình gánh chịu”. Tư Nhạn nói chí lý nhưng đã muộn.
Hai Chi xí gạt chồng đi một vòng lo chuyện bá vơ mất nghiến tám chỉ vàng. Con
Bềnh sốt ruột tự tay viết đơn, thuê máy đánh chữ cung cấp đủ giấy tờ cho mẹ
và dì Tư Nhạn đi kêu oan cho Phất Phơ. Con Bềnh còn biết nhờ riêng dì Tư Nhạn: “Lỡ rồi dì Tư ơi, dì Tư giúp ba má con chuyện nầy...” Con Bềnh do dự định
nói thêm nhưng Tư Nhạn hiểu ý bèn lên tiếng trước: “Thứ nhất, dàn xếp bên
gái rút đơn kiện chớ gì? Thứ hai, tìm cách cước tuổi Út Nhũ? Phải không?” Con
Bềnh gật: “Ừa, dì Tư đoán đúng. Nhưng ba má con dễ gì chịu, lại
còn chọc tức người ta...” Con Bềnh hai mắt đỏ hoe khiến Tư Nhạn mủi lòng muốn
khóc theo con nhỏ.
Rồi Hai Chi đi đi, về về
xoành xoạch... Tư Bỉnh nóng ruột con nhưng không xách đít đi khỏi vuông tôm
trọn một ngày. Mà Tư Bỉnh có qua tới Lung Ngang đi chăng nữa cũng chỉ để vỗ
ngực kêu oan với già Năm Hí ở ác. Năm Hí đã phóng lao, theo lao...
Loay hoay tới ngày thu hoạch
tôm đợt ba cùng lúc với xóm Ngọn gặt lúa vụ hai trong năm. Tháng chạp – tháng
của tôm của lúa. Rơm rạ bên nhà vợ chồng chị Sáu Lời rơi vung vãi tứ tung
sang bờ vuông bên nầy.
Đứng chống nạnh trên bờ ruộng
soi bóng mình trên mặt nước lênh láng với ước ao rộn rực xen lẫn lo sợ phập
phồng, bỗng nhiên gương mặt Tư Bỉnh tái xám, ngơ ngác: Những bầy tôm nổi lên
bơi lỉa lỉa như bị đứt đuôi không tự bơi tự lái. Tôm hoạn... Như vầy là sao?
Tôm giống Ba Ngòi – Cam Ranh bằng cây tăm nhang bơi lội cuồn cuộn trong những
bọc ni-lông chứa ô-xy tự tay Tư Bỉnh thả xuống vuông tôm đây mà. Anh nhớ lại.
Và không thể giở lú bắt tôm lắt nhắt nữa, Tư Bỉnh bấm bụng mượn đường nước
trong vườn của vợ chồng Sáu Lời kế bên ranh đất để xổ tôm. Nhân dịp nầy, để
san sẻ, làm lành với em út, đích thân vợ chồng Sáu Lời cùng Tư Bỉnh đi rảo hết
vuông tôm đã chắc hết nước và chứng kiến tận mắt cảnh Tư Bỉnh trắng tay lại
hoàn tay trắng!
“Lỡ sai một ly, thiệt đi một
dặm!” Lê Bửu không bỏ được thói quen thẳng thắn, xởi lởi bèn lên tiếng. Chị
Sáu Lời hiền khô dịu giọng muốn hạ bớt lời cay cay của ông chồng: “Bên kia
Năm Hí có vốn, Huyện cho Lung Ngang làm vụ tôm – vụ lúa hóa hây hây nhưng y bỏ
ngang đi mua ô-bo đưa rước khách. Số Năm Hí giàu gặp may...” Bà vợ nói chưa dứt,
ông chồng mau miệng chen vào : “Nói gì tới già Năm Hí? Thương là thương dân
Lung Ngang nuôi tôm chỉ một chủ được, bảy chủ không, hai hộ vớt vát. Tội nghiệp
cho kép hát Bảy Bền nói một câu nghe đứt một: “Ông Bửu ơi, ước bây giờ tôi lại
rút được cuốn sổ đỏ đem cà sém sém chút bìa lấy phấn giấy ngâm rượu uống trị
bịnh!” Vậy mới thấy nuôi con tôm như nuôi đứa chứng trong nhà. Làm ra lộc lợi
nhưng phá tán cũng dữ!” Lê Bửu dừng đột ngột. Lẹ làng đâm hớ hênh là
vậy! Lê Bửu giật mình, vì lỡ gợi vết đau của vợ chồng Tư Bỉnh, Hai Chi.
Đang đi trên bờ vuông đột
nhiên cả ba người dừng lại vì tiếng kêu hớt hải của con Bềnh từ phía bên kia
bờ sậy dội qua. Con Bềnh chạy nhanh nghe tiếng chân giẫm bình bịch trên đất;
con nhỏ cả gan dám vạch đám sậy bịt khù ngăn giữa bên lúa bên tôm làm bông sậy
trắng dã vướng lỗ chỗ trên đầu trên tóc. Khi lọt qua bờ vuông bên nầy, con Bềnh
cầm tay chị Sáu Lời vừa nói với cha: “Ba ơi, ba... Dì Tư với má nhắn về cho ở
nhà hây Phất Phơ ra Tòa chiều hôm qua. Tòa kết án hai năm tù lận, nghe
ba!...” Tư Bỉnh vểnh tai nghe con Bềnh nói xong lại đứng thừ người ra một chỗ
giờ lâu. Tự dưng Tư Bỉnh nhớ quắt quay thằng con Út, nhớ
đến đỗi hiện ra trước mặt anh một thằng Phất Phơ lúc nhỏ thích chạy ra đồng
ngồi ỉa lỗ trâu ; Phất Phơ đang cắm cúi từ sông Cái chèo vào, rồi từ chỗ cây
tra chèo trở ra...
Lê Bửu nói khẽ với vợ:
“Tôi nhớ thằng nhỏ bị bắt cách đây gần cả năm. Nếu chưa tính tới cải tạo tốt
được thả trứơc hạn tù, luật đời, thằng nhỏ còn một năm”. Chị Sáu Lời chưa
đáp, Tư Bỉnh đã gật gù lên tiếng: “Ừa, một năm!”
Để kết thúc câu chuyện,
người viết bài nầy xin được mượn lời trách phiền của con Bềnh chèo đò ở xóm
Ngọn với chị Sáu Lời người láng giềng : “Một phần cũng tại ba với má con, dì
Sáu ơi... Cái số nghèo ai cũng lượng sức kiếm sống. Không làm ăn để chết đói
sao? Đằng nầy, ba với má con chỉ mê con tôm con tép, quên phụ cất trường học,
không lo việc học hành cho con cháu ắt sau nầy con cháu nó phải khổ thôi!...
Mà quả quyết tụi con không chịu khổ!”
Nha Trang – Cà Mau cuối
năm 2002
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
chữa hôi miệng nhanh nhất
Trả lờiXóachữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
chữa hôi miệng nhanh nhất
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa