Tôi đếm, có tất cả 23 loài
chim, từ loài nhỏ nhắn đến loài khá to, từ loài dạn dĩ đến loài rụt rè, từ loài
kêu lích chích cho đến loài hót mê ly, từ loài của địa phương cho đến loài từ
xa đến…
Đó không phải là những con
chim xuất hiện nơi sân chim ở Bạc Liêu hay tại khu vườn của một đại gia
chơi chim nào đó, cũng không phải tại một thảo cầm viên của một thành phố, mà
đây là những con chim được đề cập trong một bài báo của Le Figaro online, ngày
29-11-2013, tác giả là Marc Mennessier, kỹ sư nông nghiệp Pháp, một người mê
say cây cỏ, ký giả của Le Figaro, nhan đề:“Nourrissez les oiseaux!” (Nuôi
chim!). Bài báo này thuộc chuyên đề “Au jardin ce week-end” (Làm vườn
cuối tuần) do chính tác giả này chủ biên, có mục đích“gửi đến bạn đọc những lời
khuyên và những ngón nghề để biến ngôi vườn của bạn thành vườn địa đàng”.
Chuyện nuôi chim ở đây là
chuyện ở Pháp, đúng hơn là ở Paris và phần phía Bắc nước Pháp, có những loài
chim người Việt mình không nghe nói đến, cũng không có từ để dịch, nhưng cũng
có những loài chim quen thuộc với ta như chim sẻ, chim sáo, bồ câu; tuy nhiên mỗi
loài lại có tính đa dạng, ví dụ như Mésanges (chim sẻ ngô) thì có bleue,
charbonnière, huppée, à longue queue (xanh, than, có mào, đuôi dài). Nhưng chim
ở đâu cũng là chim, cũng như người ở đâu đại thể cũng giống nhau, dầu màu da,
tiếng nói khác nhau.
Chim trong bài là loại chim
trời, tự do thênh thang, bình dân chứ không phải thuộc loại quý hiếm trong Sách
đỏ, nhưng mùa đông khắc nghiệt khiến chim phải chọn một nơi trú ngụ thích hợp,
đồng thời phải có cái ăn; và như thế, tác giả đề nghị người chủ khu vườn tạo
hoàn cảnh thuận tiện “cung phụng” cho chim, đồng thời mình được hưởng
hạnh phúc thấy chim vui vầy, hoan ca trong khu vườn của mình.
Trước hết là những loài chim
quen thuộc: chim sẻ, chim cổ đỏ, chim chích, gà ri Nhật, chim sáo, chim hét… Rồi
đến những loài chim rụt rè, e sợ, dáng như chim sẻ nhưng ít thấy hơn, nhỏ nhắn
như accenteur mouchet (chim sẻ núi), troglodyte (chim kim tước), verdier
d’Europe (chim sẻ lục châu Âu), bouvreuil (chim sẻ ức đỏ). Tiếp theo là những
loài chim đến và đi trong mùa đông. Chim kim oanh được nhận ra bởi bộ lông lộng
lẫy bay về những phương trời ôn hòa (đặc biệt về miền Nam nước Pháp và Tây Ban
Nha) và chỉ trở về vào đầu mùa xuân. Cũng như thế đối với chim mình đen đuôi đỏ,
cũng bay về phương Nam. Ngược lại, chim sáo tro hay chim sáo nhạc, làm tổ vào
mùa hè tại Nga, bay về đây vào mùa đông; còn loài chim như én hay cò thì tiếp tục
bay đi di trú tại châu Phi. Cuối cùng là những loài chim mới đến tìm đất mới,
trước lạ sau quen. Đó là trường hợp của bồ câu rừng xám, một loài chim di trú
trên đường đến thường trú kể từ ba mươi năm nay, của cu gáy Thổ Nhĩ Kỳ dễ nhận
ra bởi cái cổ đen lịch lãm, và của chim vẹt xanh ở khoang cổ. Khởi đầu từ những
cá thể thoát khỏi bị bắt, những loài chim nhiệt đới hầu như rất thích hợp với
khí hậu ở đây, vì chúng không ngừng gia tăng, đặc biệt gần những thành phố lớn
như Paris.
Cứ xem mình như là bạn đọc của
báo Le Figaro để nghe chuyện chăm sóc những vị khách nhỏ nhắn, nhảy nhót trong
vườn vào mùa đông, khi cây cối trụi lá. Chuyện ăn ư? – Bạn vãi hạt hoặc mẩu
bánh mì trên đất cho những loài không thích chuyền cành; còn những loài chim
khác, bạn đặt máng để bỏ thức ăn vào, hoặc treo những viên thức ăn (bọc lớp mỡ
bên ngoài). Đừng quên cho nước nhé! Không chỉ là thức uống, bạn có thể đặt chậu
to và không sâu, đổ đầy nước cho chúng tắm, bạn núp kỹ một chút, xem chúng đập
cánh, té nước, vùng vẫy, rồi lên khô rỉa lông, xem thích lắm! Mùa đông, cây trụi
lá, bạn phải làm “nhà” hoặc mái có che xung quanh, nên trổ ra hướng
Đông hay hướng Nam, và bạn phải cảnh giác với bọn mèo ác ôn. Điều bất ngờ may mắn
là chúng làm tổ trong“nhà” bạn làm. Nhưng, bạn ơi, có thương chim thì
thương cho trót: nếu phải đi xa khá lâu thì bạn nhờ người thân chăm sóc nhé!
Tuy thế, dầu có thương mấy đi nữa thì vẫn phải tôn trọng tự do của chim. Lạnh
quá mức, có những loài phải bay đi. Những loài khác, khi mùa xuân đem ấm áp đến,
bọn chúng giã từ, thôi thì bạn đỡ công và… ngậm ngùi! Dầu sao, bạn vẫn còn những
loài lui tới thường xuyên trong khu vườn của bạn, như chim sẻ và một số loài
khác.
Tạm biệt những loài chim bay
đi, chào hội ngộ những loài chim bay đến…
Nhưng đó là chuyện bên Tây,
chứ ở ta, không có tạm biệt, vì chim ở trong lồng cho đến mãn đời, không có hội
ngộ vì chim bị bẫy, bị dụ bởi tiếng hót giả tạo hoặc bởi “nạn nhân” đồng
loại trong lồng, hoặc bị người buôn chim bán cho người chơi. Chim ở đây phải là
chim hót hay, nếu chưa hót hoặc hót chưa hay thì sẽ được luyện, bị cắt lưỡi, lột
lưỡi, cho ăn ớt… Trong khi ngoài thiên nhiên vắng những họa mi, sơn ca, chích
chòe, chào mào, vành khuyên, cu gáy… thì thành phố lại rộ lên phong trào chơi
chim, lập hội thi chim đẹp, chim hót, chim đá.
So với tác giả bài báo nói trên khéo mời mọc, đãi đằng chim trời, thì mấy nhà chơi chim ở ta có vẻ sang hơn, và chắc chắn “máu me” hơn. “Máu me” vì nếu có tiền thì quyết chí “tậu” cho được những quán quân về dáng đẹp, hót hay, hót lạ; còn sang hơn vì bỏ tiền không nhỏ để sắm “lồng son, gác tía” cho chim, không phải vì thương chim mà vì đẳng cấp chơi chim của mình. Dân Hà Nội trầm trồ về những chiếc lồng chạm trổ cầu kỳ, tinh vi, những chiếc lồng như tác phẩm điêu khắc, tạc những chữ thư pháp, những tranh hay sự tích cổ.Ngũ phúc lâm môn của anh Nguyễn Tuấn Ngọc tạc năm con dơi cách điệu mang hàm nghĩa Phúc-Lộc-Thọ- Hỷ-Tài. “Mai điểu đón xuân”, chiếc lồng của anh Vũ Xuân Dương khắc họa đủ một bức tranh tinh tế về hoa mai và nhiều loài chim quý trên những chi tiết, khắc nổi thật khéo léo(a). Giá cả thì những loại siêu lồng như thế đến hàng trăm triệu đồng, có cái đến 300 triệu, chưa kể có cái gắn ngà voi điêu khắc.
So với tác giả bài báo nói trên khéo mời mọc, đãi đằng chim trời, thì mấy nhà chơi chim ở ta có vẻ sang hơn, và chắc chắn “máu me” hơn. “Máu me” vì nếu có tiền thì quyết chí “tậu” cho được những quán quân về dáng đẹp, hót hay, hót lạ; còn sang hơn vì bỏ tiền không nhỏ để sắm “lồng son, gác tía” cho chim, không phải vì thương chim mà vì đẳng cấp chơi chim của mình. Dân Hà Nội trầm trồ về những chiếc lồng chạm trổ cầu kỳ, tinh vi, những chiếc lồng như tác phẩm điêu khắc, tạc những chữ thư pháp, những tranh hay sự tích cổ.Ngũ phúc lâm môn của anh Nguyễn Tuấn Ngọc tạc năm con dơi cách điệu mang hàm nghĩa Phúc-Lộc-Thọ- Hỷ-Tài. “Mai điểu đón xuân”, chiếc lồng của anh Vũ Xuân Dương khắc họa đủ một bức tranh tinh tế về hoa mai và nhiều loài chim quý trên những chi tiết, khắc nổi thật khéo léo(a). Giá cả thì những loại siêu lồng như thế đến hàng trăm triệu đồng, có cái đến 300 triệu, chưa kể có cái gắn ngà voi điêu khắc.
Đó là lồng chim của các đại
gia, còn dân chơi bình thường thì dùng lồng chim có giá hàng trăm nghìn đến
hàng triệu. Hiện nay, ở Huế, nghề làm lồng chim càng có đất sống, vì dân chơi
chim, buôn bán chim ngày càng nhiều. Đi ngoài đường, ta dễ dàng bắt gặp những
thanh niên chạy xe gắn máy, một tay xách lồng chim được bao phủ kín mít. Một xã
hội của những người chơi chim hình thành từ lâu, rộn rịp nhất là cuối tuần, tại
các công viên, như công viên trong Thành Nội, tiếng chim rộn rã đủ giọng, trong
khi người chơi nhâm nhi cà-phê và khi thì đăm chiêu, khi thì hớn hở theo chim.
Những loài chim nào mà dân chơi khoe nhau như thế? Thì vẫn là những loài chim
tiếng tăm từ xưa: họa mi, sơn ca, khướu, nhồng, sáo, vành khuyên…, tuy nhiên,
cái giống chim chào mào ngày xưa, ồn ào, rộn rã, nhảy nhót tưng tưng trong vườn
nhà tôi khi xuân đã sang, hoa mai đã rụng, để lại hạt mai trên cây dành cho mấy
chú này ăn và kêu nhau ỏm tỏi, thì ngày nay chim “miều” lại lên hương
trong thú chơi chim, đến nỗi dân chơi Hà Nội cũng tìm mua chào mào Huế. “Chào
mào ở đây sức khỏe tốt, giọng hót sắc nhọn, lanh lảnh vang như chuông reo, mỗi
lần chim đổ giọng nghe vô cùng khoái” như nhận xét của dân chơi Hà thành.
Khó kể hết công phu và tiền
nong chi phí của người chơi chim. Bạn chỉ cần vào mạng là thấy hết niềm vui, nỗi
khổ của những quý chim không thua quý vợ, mất ăn mất ngủ vì chim đau. Tôi chỉ lấy
một chút thông tin trên mạng về chuyện chơi chim ở Hà Nội. Tất nhiên chim cũng
có loại thượng vàng hạ cám, nhưng có trường hợp tôi xem như“hoang đường”. Loại
chim biến đổi gien – ô hay, biến đổi gien chim, Nhà nước đã cho phép chưa? –
như hoàng khuyên, bộ lông màu vàng rất đẹp, dĩ nhiên là hót hay, giá chục ngàn
đô, chào mào biến đổigien được huấn luyện và nuôi dưỡng hết ý giá hơn 100 triệu,
vv… Thức ăn cho chim vành khuyên nói trên: đậu xanh, hạt kỷ tử (?), tôm, thịt
bò, trứng gà, trứng kiến, tất cả xay nhuyễn, ngoài ra còn sâu, trái cây, cám…
và thuốc bổ khi cần. Chủ nhân phải thuê người lương tháng ba triệu để chăm sóc
chim, tắm táp cho chim, và… còn lắp đặt camera để phòng kẻ trộm!
Chuyện chơi chim, nuôi chim,
dầu ở đâu, cũng đòi hỏi sự say mê, vất vả và tốn tiền, lại mất thời gian. Tất cả
vì mục đích gì? Trong trường hợp được nêu trong bài báo của Le Figaro, người
nuôi chim vì thương và say mê chim trời, một niềm say mê không đòi hỏi. Còn
chim, không biết có thương người hay không, cứ vô tư thấy hoàn cảnh ưng ý thì
đáp xuống và ở chơi, thấy thức ăn và nơi cư trú tốt thì cứ hưởng, và khi cần
bay đi nơi khác thì cứ tự do. Ngược lại, đối với những người chơi chim ở ta, họ
say mê chim nhưng ham sở hữu những sinh vật bé bỏng tuyệt vời của tạo hóa, giam
cầm và bắt chúng phục vụ theo ý đồ của mình. Chim trở thành vật nô lệ để người
chiếm hữu, mua bán, trao đổi, tiêu khiển một cách nhẫn tâm mà không chút xót
xa… còn con người thì càng ngày càng tăng tiến lòng tham, và tham thì không biết
mấy cho vừa.
Trước mắt, môi trường thiên nhiên và xã hội loài người phải trả giá. Chim trời, nhất là chim quý, vắng bóng trong thênh thang tự do, đến nỗi có loài tuyệt chủng, không còn là bạn thân thương của con người. Thật là bất hạnh khi bầu trời, rừng cây, ao hồ, sông suối, mái nhà… vắng tiếng chim, mà lẽ ra, cứ mỗi mùa qua đi, con người hưởng được bài ca thiên nhiên tuyệt diệu, trong đó không thể thiếu những nốt nhạc vô cùng phong phú của chim trời, một loài chúng sinh bé nhỏ phải là tượng trưng cho tự do và khoáng đạt.
Trước mắt, môi trường thiên nhiên và xã hội loài người phải trả giá. Chim trời, nhất là chim quý, vắng bóng trong thênh thang tự do, đến nỗi có loài tuyệt chủng, không còn là bạn thân thương của con người. Thật là bất hạnh khi bầu trời, rừng cây, ao hồ, sông suối, mái nhà… vắng tiếng chim, mà lẽ ra, cứ mỗi mùa qua đi, con người hưởng được bài ca thiên nhiên tuyệt diệu, trong đó không thể thiếu những nốt nhạc vô cùng phong phú của chim trời, một loài chúng sinh bé nhỏ phải là tượng trưng cho tự do và khoáng đạt.
Riêng tôi, may mắn thay, mỗi
khi mùa xuân đến, có một loài chim – tôi không rõ là chim gì – trở về khu vườn
của mình, bất ngờ cất tiếng hót dài, lanh lảnh vào một sáng tinh sương, và những
ngày sau đó thỉnh thoảng cất tiếng hót như chào buổi sáng mùa xuân. Tôi không đến
nỗi say mê và không thể công phu như nhà báo, nhà nông nghiệp bên Tây để nuôi
chim trong mùa đông khắc nghiệt, và cũng không được như bác H. tại Trung
tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, hàng ngày vãi gạo cho đàn chim sẻ ăn sáng và
chiều; tôi chỉ ước mong xã hội ta sống văn minh như những xã hội văn minh khác,
để không gian mà chúng ta sống, dầu thành thị hay thôn quê, dầu miền núi hay đồng
bằng, có bóng dáng và tiếng hót của biết bao loài chim, trên rặng tre, trên cây
cao, giữa cánh đồng, trong bụi rậm, trong vườn nhà, trong công viên, trên đầm lầy,
sông nước… trong thênh thang đất trời, thay vì trong lao tù chật hẹp, dầu là
gác tía, lồng son.
Chú thích:
a. Xem bài và ảnh trong
http://www.anninhthudo. vn/.
Cao
Huy Hóa
Nguồn: Văn Hoá Phật
Giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét