Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Tản mạn chuyện thơ: Ai bảo thơ Đường không có mật

Tản mạn chuyện thơ: Ai bảo thơ Đường không có mật?
Người ta bảo thơ Đường là một trong những đỉnh cao của thi ca nhân loại. Hẳn nhiên là thế. Trong gần ba thế kỷ, các thi nhân đời Đường Trung Quốc(618-917) đã viết nên bao bài thơ làm say đắm lòng người, với bao tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của người dân và thi đàn Trung Quốc, như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Thương An, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Hàn, Thôi Hiệu, Vương Duy, và…
Một thuở tài hoa
Ở nước ta, một thời gian dài khi lối văn chương cử nghiệp và Nho học còn thịnh hành, thơ Đường luật mà đặc biệt là thể thất ngôn bát cú vẫn là thể thơ quen thuộc, được đa số thi nhân ưa chuộng để giãi bày tâm sự, gởi gắm tâm tình. Người yêu thơ hẳn không quên những bài thơ về tình quê, tình bạn, về mùa thu  đặc sắc của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, những bài thơ tự trào cười ra nước mắt của ông Tú Vị Xuyên Trần Tế Xương, cũng như những bài thơ tức tối cảnh nghèo của hàn sĩ Nguyễn Công Trứ, những bài vịnh Truyện Kiều Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tài hoa, sắc sảo của Chu Mạnh Trinh…
Nhưng rồi đã có lúc thơ Đường trở nên” chuyện của một thời” khi Nho học cáo chung và Tây học phát triển vào các thập niên đầu thế kỷ XX. Đã có lúc người ta quên  bẵng hoặc xếp gọn thơ Đường  vào một góc riêng kín đáo. Đã có một thời thơ Đường luật bước lùi êm ái vào sân sau, nhường lại sân trước cho thơ tự do và thơ mới. Biết bao thể tài cách tân mới mẻ đã tạo nên bầu khí mới cho Thơ. Và thơ Đường luật lối cổ đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng  cho sự trói buộc, gò bó vào trong khuôn phép, niêm luật, vần đối… chặt chẽ, nghiêm ngặt, cho  bao chữ nghĩa ước lệ gầy gò, với những công thức sáo mòn cùng bao vần vèo cũ kỹ… Cũng đã có không ít nỗ lực phục hồi mùa thơ cổ điển với các thi phẩm của Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Bùi Khánh Đản, Giản Chi và nhiều người khác vào những năm 1960. Nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở đó và không hứa hẹn gì thêm về một vụ mùa bội thu mới…
Rồi một thời lặng lẽ
Mấy mươi năm lại đây, thơ Đường luật xuất hiện không nhiều. Thi thoảng mới thấy đôi khoảnh vườn  hay góc thơ Đường luật khiêm tốn góp mặt trên các báo, tạp chí một cách âm thầm, lặng lẽ. Thế nhưng thơ Đường và thơ Đường luật vẫn còn đó, với bao cuộc xướng họa mở ra, thu hút người yêu thơ ở khắp mọi miền đất nước, với bao tuyển tập thơ dày, mỏng  liên tục được in ấn, trình làng! Trong Nam, ngoài Bắc, các câu lạc bộ thơ Đường  ở trong hoặc ngoài các trung tâm văn hóa, các cung văn hóa, nhà văn hóa…, ở các tỉnh thành, huyện thị lớn nhỏ… quy tụ khá đông đủ hội viên thuộc các lứa tuổi, trong đó phần lớn là lớp trung niên và cao niên. Vẫn sôi nổi xướng họa rôm rả in ấn lưu hành nội bộ hoặc phát hành rộng khắp các tuyển thơ với đủ loại đề tài.. Trữ tình với tình bạn bè, đôi lứa, về duyên phận, hay về đủ thứ chuyện trên đời như chuyện công danh, vinh hoa phú quý, kỷ niệm sinh nhật, mừng thọ, mừng tuổi, mừng tân gia, mừng bạn có tác phẩm mới trình làng… Nghĩa là nói chung, thơ Đường luật vẫn…có mặt trên từng cây số, cảm xúc buồn vui theo thế sự nhân tình, vừa vị nhân sinh đồng thời cũng vừa hết mình vì nghệ thuật !
Thế nhưng, công bằng mà nói, đa số tác phẩm thơ Đường luật mới  sáng tác sau này chưa thật sự gây cảm xúc và ấn tượng  nơi người yêu thơ, bởi người viết còn ít mặn mà với các tìm tòi sáng tạo nghệ thuật, các biện pháp tu từ làm mới hình tượng, ngôn ngữ. Chưa kể một số không nhỏ bài còn nặng tính cách thù tạc lễ tân, chỉ khép mình tròn trịa bên các thủ pháp nghệ thuật hay bị  niêm luật vần đối chi phối nặng nề!
Thơ Đường vẫn còn đó!
Nhưng dù sao, trong thời buổi thông tin bùng nổ, nối mạng toàn cầu, bốn bể một nhà như ngày nay thì thể thơ Đường luật ra đời cách nay trên cả nghìn năm vẫn âm thầm góp mặt và “vẫn đi bên cạnh cuộc đời” cho dù lòng người yêu thơ đó đây đã ít nhiều tỏ ra hờ hững!
Thơ Đường giữa thiên kỷ mới này vẫn hàm chứa nét duyên ngầm và có một sức hút riêng. Làm thơ Đường luật , một cách nào đó vẫn là một thú vui tao nhã, một trò chơi trí tuệ, là nẻo đường về với nội tâm trong nỗ lực, khát khao chinh phục hay hòa đồng cùng thế giới.Gói ghém bao quan niệm, tư tưởng triết lý cùng mối cảm xúc trước vũ trụ, nhân sinh chỉ vỏn vẹn trong 56 chữ – 8 câu 7 chữ- đó là cả một hành trình sáng tạo. Miễn sao người làm thơ không gượng ép sắp chữ lựa vần hay máy móc  rập khuôn theo bao lối mòn truyền thống một cách dễ dãi, lười biếng.
Phải chăng không hề có thơ Cũ hay Mới một cách thuần lý mà chỉ có thơ Dở với thơ Hay? Nhất là một khi thi nhân chắt chiu sàng lọc ngôn từ để tìm kỳ được các từ  đắc địa nhất?
Mời bạn thử đọc xem hai bài thơ sau (với chút ngậm ngùi!):
Dang dở
Nhỡ   hái cho nhau những trái sầu
Tình ta đành để lạnh mưa ngâu
Mênh mông con nước chia bờ mộng
Lặng lẽ đàn chim bỏ nhịp cầu
Chẳng phải em xưa lười dệt cửi
Đâu vì ta trước biếng chăn trâu
Lạc loài hai đứa hai phương nhớ
Mấy bận sương thu nhuộm mái đầu!
Mười năm cách biệt
Thiếu vắng mười năm em với ta
Mười năm mà ngỡ mới hôm qua!
Em chưa chải hết sầu trên tóc
Ta đã chôn rồi mộng dưới hoa
Vẫn nhớ vẫn thương mà cách trở
Dẫu cười dẫu khóc cũng chia xa
Con tim vô tội chưa ngừng đập
Thì chút tình xưa mãi thiết tha…
Đó là hai bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú  của nhà thơ Đinh Vũ Ngọc  đang sống ở Phố cổ Hội An đã chép tặng tôi mười mấy năm về trước. Phải chăng đó là câu trả lời cho câu hỏi - cũng khá ngậm ngùi: Ai bảo thơ Đường không có mật?. 
Cao Quảng Văn
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...